Tố Diệp có thể cảm nhận được bờ môi mím chặt của Niên Bách Ngạn từ từ thả lỏng, đường cong dưới cằm cũng không còn cứng rắn như trước nữa. Trăng như làn nước mát phủ lên sống mũi cao của anh, cùng với hai hàng mi tạo thành những đường nét gợi cảm và hấp dẫn. Khi cô chủ động nép trong lòng anh, cánh tay anh dường như siết chặt hơn một chút, trái tim cô theo đó cũng co lại, gương mặt trắng trẻo cố gắng len vào lòng anh, tham lam đón nhận hơi thở ấm áp và cảm giác an toàn mà anh mang lại.
Còn có hơi rượu thoang thoảng.
Có một khoảnh khắc do dự. Anh uống rượu từ trưa, tại sao tới tối hơi rượu trên người vẫn còn nồng như vậy? Nhìn kỹ lại thấy anh hoàn toàn tỉnh táo, không giống như đang say chút nào.
Mái tóc dài của cô như dây leo quấn lấy khuỷu tay anh, rồi chạm nhẹ qua từng ngón tay. Hơi thở nhẹ nhàng phả lên ngực anh, dù có sắt đá thế nào cũng phải mềm lòng, cũng phải dịu dàng, cũng phải tan chảy. Trong quầng sáng tối tăm, cô cất giọng nhẹ nhàng, không còn vẻ ương bướng như mọi ngày, như một dòng nước chảy tràn vào tim anh.
“Bách Ngạn! Anh cười đi…” Cô ngẩng lên, đôi mắt lấp lánh như sao, mang theo một chút kỳ vọng. Cô giơ tay chạm khẽ vào khóe miệng anh: “Anh mà không cười trông đáng sợ lắm!”
Ngón tay thơm ngát lắc lư bên môi. Anh nhìn cô chăm chú, rồi bờ môi hơi cong lên. Tố Diệp liền cười, bất ngờ ôm chầm lấy cổ anh: “Anh vừa nói anh đi khắp nơi tìm em phải không?”
“Anh chẳng hơi đâu lãng phí thời gian vào em!” Giọng nói của Niên Bách Ngạn tuy giận dỗi nhưng bàn tay không hề buông cô ra. Sao cảm thấy câu tức giận này chẳng có trọng lượng chút nào!
Tố Diệp mím môi, thu tay về, ngón tay men theo cà vạt của anh, từ từ đi xuống. Cô cầm một góc cà vạt khẽ đung đưa, giọng nói cũng trở nên phất phơ: “Bách Ngạn…”
“Đừng tưởng nói mấy câu dễ nghe là anh sẽ hết giận.” Cái miệng của Niên Bách Ngạn không chịu thua cuộc nhưng ánh mắt đã ngập tràn tình cảm.
“Anh đâu có hẹp hòi như vậy.” Tố Diệp liều mình, sống chết dính chặt vào người anh. Làn môi hồng khẽ lướt qua bờ môi hơi mím của anh, thủ thỉ như gãi ngứa: “Trăng đã lên rồi mà anh không thể cùng em trải qua giờ khắc này à?”*
*Lấy từ bài thơ “Vọng nguyệt hoài viễn” của Trương Cửu Linh: Hải thượng sinh minh nguyệt / Thiên nhai cộng thử thì (Dịch: Vầng trăng mọc ở biển khơi / Cùng chung một lúc góc trời soi chung).
Câu nói ấy đã khiến khóe môi Niên Bách Ngạn cong lên. Anh giơ tay véo mũi cô, nửa đùa nửa thật: “Cùng em trải qua giờ khắc này thì anh tổn thọ thêm vài năm mất, khả năng chọc tức người của em tăng cao rồi!”
Tố Diệp cười nũng nịu.
Đèn ngoài cửa sổ càng lúc càng rực rỡ, đây đang là lúc đêm về đẹp nhất.
Nhờ có nguồn sáng ấy, Niên Bách Ngạn mới ngắm cô kỹ hơn. Khi thấy hai chân cô dẫm lên nền đá, anh lại nghiêm mặt: “Giày đâu?”
Tố Diệp cúi xuống nhìn theo anh, rồi ngẩng lên, vẻ mặt ngượng ngập: “Cái đó… Một chiếc thì rơi xuống dưới nhà lúc leo lên đây. Còn một chiếc… à… ở kia!” Cô chỉ về một góc gần đó.
Niên Bách Ngạn nhìn sâu vào trong mắt cô, một lúc sau cuối cùng cũng không nhịn được cười. Anh khó xử kéo cô vào lòng một lần nữa, thở dài: “Em đúng là…”
Cô chỉ biết cười ngây ngô.
“Đói chưa?”
Tố Diệp nằm trong lòng anh gật đầu, cái bụng cũng sôi lên rất “hợp cảnh”. Liền đó cô lại nghe thấy tiếng cười khe khẽ của anh vang lên trên đỉnh đầu. Niên Bách Ngạn nhanh chóng buông cô ra, cởi áo khoác, nhưng lại rải thẳng xuống nền đất, ra lệnh: “Đứng lên đây!”
Hành động của anh đích thực đã khiến Tố Diệp giật mình. Cô cứ đờ đẫn đứng nguyên chỗ cũ, một cảm giác ấm áp vu vơ dâng lên trong lòng. Nhưng chẳng mấy chốc nó biến thành sự xót xa vô hạn. Cô nhìn chằm chằm chiếc áo dạ dưới mặt đất rất lâu, rồi lại ngước nhìn Niên Bách Ngạn, thu nó lại, ôm vào lòng: “Anh điên rồi! Chiếc áo đắt như thế sao lại vứt xuống đất?”
Niên Bách Ngạn không biết làm sao, đành phải giật lại chiếc áo, một lần nữa vứt xuống đất, bế thẳng cô lên, đặt hai chân cô lên áo. Thấy cô định ngọ ngoạy thoát ra, anh bèn gầm lên: “Em động đậy thử xem!”
Cô lập tức đứng im, chỉ còn biết đứng thẳng hai chân lên chiếc áo dày dặn của anh, lòng đau đớn như rỉ máu. Ông trời ơi… Dường như cô nhìn thấy hai chân mình dang dẫm lên mấy tầng chi phiếu rải khắp nền đá.
“Niên Bách Ngạn! Em sẽ dẫm hỏng chiếc áo dạ của anh mất!” Cô cảm thấy cần phải nhắc nhở anh một câu.
“Hỏng thì em đền cho anh cái khác!” Niên Bách Ngạn hờ hững đáp, rồi đưa mắt nhìn xung quanh không biết là đang tìm cái gì.
Câu này khiến Tố Diệp hồn bay phách tán. Cô trợn tròn hai mắt nhìn anh, cổ họng the thé như bị ai bóp cổ: “Cái áo dạ này của anh chắc là còn đắt hơn tiền nhà một năm của em phải không? Niên Bách Ngạn! Em sắp phải nộp tiền nhà rồi! Không đền nổi đâu! Anh làm thế sẽ khiến em phá sản đấy!”
“Em trật tự cho anh!” Niên Bách Ngạn đi về phía nhà vệ sinh, trước khi đi còn uy hiếp: “Em ngoan ngoãn đứng yên đây, không được bước ra, nếu không đền hai chiếc!”
Tố Diệp im bặt.
Hành lang dài trở lại với không gian im lặng lúc trước, ánh trăng ngày càng dàn trải, vầng trăng tròn đã lên tới đỉnh đầu cô, chỉ cần khẽ ngước mắt là có thể nhìn hết toàn bộ. Tố Diệp chẳng còn tâm trạng đâu mà thưởng trăng. Cô chỉ cúi đầu nhìn chiếc áo dạ dưới đất, rồi từ từ ngồi xuống, giơ tay nghịch một chiếc cúc, khẽ thở dài:
Cái áo đáng thương!
Nhưng gan bàn chân đúng là đã ấm hơn. Chất liệu thuần lông cừu tạo cảm giác mềm mại, giúp chân cô được thoải mái hơn. Sự ấm áp ấy lan từ lòng bàn chân, xuyên vào tận tim. Thì ra “tiền nào của nấy” cũng có thể dùng trong trường hợp này.
Nghĩ tới đấy, Tố Diệp bỗng cười khẽ. Bao buồn bực mấy ngày nay cùng cảm giác ngột ngạt ban sáng khi tới nhà họ Diệp bay đi đâu mất, vì trái tim Niên Bách Ngạn vẫn hướng về cô.
Niên Bách Ngạn đi từ nhà vệ sinh ra vừa hay nhìn thấy cảnh ấy. Hành lang như một dòng sông vàng óng. Tố Diệp yên lặng ngồi đó nghịch cúc áo của anh. Cái bóng kiều diễm được kéo dài, càng khiến thân hình cô thêm khêu gợi. Bờ môi cô ngậm một nụ cười vui vẻ, chảy tràn cả vào mắt. Gương mặt nhỏ hơi cúi, mái tóc dài cũng theo đó rủ xuống, mông lung, mờ ảo như một giấc mộng.
Cảnh đó mang lại cho anh niềm hạnh phúc mơ hồ, như từng lớp sóng đánh vào lồng ngực. Hoàn toàn khác với cảm khác lúc nãy khi bước ra khỏi thang máy. Ban nãy, khi nhìn thấy bóng người con gái co ro ngồi trong góc tường, cảm giác quen thuộc ấy khiến tim anh đau như dao cắt. Tố Diệp như một cái bóng tĩnh lặng, im lìm. Cô đã xuất hiện trước mắt anh như thế. Đúng vào lúc anh đang thất vọng vì những tưởng tối nay sẽ không thể tìm được cô thì bóng dáng ấy lại đập vào mắt khiến anh vừa kích động, vừa hoảng sợ, vừa phẫn nộ.
Kích động vì cô đã tới đây đợi anh. Hoảng sợ khi nhìn thấy dáng vẻ quá yên tĩnh của cô, sợ rằng chuyện ban sáng đã khiến cô mệt mỏi. Phẫn nộ vì cô lại một lần nữa quay người bỏ đi.
Niên Bách Ngạn sống tới năm ba mươi lăm tuổi mới hiểu được cái gì gọi là tâm trạng phức tạp, cái gì gọi là cồn cào ruột gan. Nhưng bây giờ trong lòng anh chỉ ngập tràn hạnh phúc.
Tố Diệp thấy anh đi ra bèn vội vàng đứng dậy. Lúc đó cô mới nhận ra trong tay anh có thêm mấy tờ khăn giấy. Cô chợt hiểu, thì ra anh vào ra nhà vệ sinh là để lấy giấy. Sau đó cô đứng trơ ra đó nhìn anh đi tới chiếc bánh gato giờ đã thành một đống lộn xộn. Anh cúi xuống, lau dọn sạch sẽ nền đất, rồi vứt đống giấy bẩn vào thùng rác.
Anh dừng lại khoảng hai, ba giây rồi bất chợt quay đầu hỏi cô: “Mấy chữ trên bánh gato em đút hết cho anh rồi chứ?”
Tố Diệp ngẩn người giây lát rồi gật gật đầu.
Niên Bách Ngạn khẽ cười, không nói gì thêm nữa mà đi tới trước. Tố Diệp vội vàng rời khỏi chiếc áo dạ, thu lại đưa cho anh. Anh không nhận mà nói thẳng: “Cầm giúp anh!”
Cô còn chưa kịp phản ứng lại, Niên Bách Ngạn đã bế ngang người cô lên, đi về phía thang máy.
Bảy mươi mấy tầng, thang máy đi xuống cũng mất một chút thời gian. Tố Diệp được anh ôm trong lòng, nghĩ tới chuyện lát nữa xuống bị người bảo vệ nhìn thấy là lại xấu hổ.
Trong thang máy rất yên tĩnh. Cánh cửa kim loại phản chiếu gương mặt cương nghị của Niên Bách Ngạn. Một lúc sau, anh cúi đầu nhìn cô, nụ cười thấp thoáng. Tố Diệp cắn môi, tựa đầu vào ngực anh, khi sắp tới tầng cuối cùng cô mới không nhịn được nữa, phải lên tiếng: “Niên Bách Ngạn…”
“Ừm?”
“Cái đó…” Niên Bách Ngạn ngước nhìn cằm anh: “Điện thoại mới là anh tặng em phải không?”
Niên Bách Ngạn cúi xuống, nhìn cô bằng ánh mắt “Còn phải hỏi”. Cô lập tức hiểu, bắt đầu nịnh nọt: “Thì ra tặng em thật à? Thật ngại quá, đắt lắm!”
“Chê đắt à? Thế thôi, anh lấy về!”
“Ấy đừng, đừng! Em có chê đắt đâu.” Tố Diệp lập tức tỏ rõ thái độ một cách vô dụng: “Đồ đã mang đi tặng rồi ai lại lấy về. Em chỉ cảm thấy việc gì cũng phải nói rõ ràng mới được. Điện thoại là anh chủ động tặng em, em không hề đòi, đừng có coi em là đứa tham hư vinh nhé!”
Niên Bách Ngạn cười: “Em tham tiền chứ không tham hư vinh.”
Tố Diệp cười như mở cờ trong bụng, cũng chẳng so đo anh hình dung cô như thế: “Vậy… đây có tính là quà bạn trai tặng bạn gái không?”
“Em nói xem?”
“Vậy anh là bạn trai của em phải không?”
“Em nói xem?”
“Sao cứ bắt em nói! Em muốn anh nói cơ mà. Niên Bách Ngạn! Em là bạn gái của anh à?”
“Là bạn gái hơn cả bạn gái!”
“Cái gì mà là bạn gái hơn cả bạn gái?”
“Tự nghĩ đi!”
“Bách Ngạn! Người ta kháng nghị, anh nói em chẳng hiểu gì cả…”
“Kháng nghị vô hiệu, bị tòa bác bỏ!”
“Này…”
Kết quả hai người đã vừa đi vừa cười như thế ra khỏi thang máy.
Sự thật chứng minh, người bảo vệ đúng là đã có một phen thót tim. Có lẽ anh ta vẫn cảm thấy khó hiểu. Tại sao vừa rồi chỉ có một người đàn ông đi lên, giờ lại thành một đôi nam nữ đi xuống?
Niên Bách Ngạn chẳng để ý tới vẻ mặt kinh hoàng như gặp quỷ của anh ta, vẫn đường hoàng bế cô ra khỏi tòa nhà, bước lên xe.
Tố Diệp ngồi bên ghế lái phụ, hai chân được thoải mái đặt lên lớp thảm mềm mại. Cô thấy anh vòng sang ghế lái. Đợi anh lên xe rồi, cô mới tỏ vẻ đáng thương, cầm một chiếc giày còn lại đưa cho anh xem. Niên Bách Ngạn bị bộ dạng của cô chọc cười, anh giơ tay vò tóc cô: “Được rồi! Đừng giả bộ đáng thương nữa! Giờ mới có bảy giờ, vẫn còn rất nhiều thời gian để đi chọn giày cho em trước.”
“Em có nói muốn đi mua giày đâu?” Tố Diệp khẽ đáp: “Đôi giày này em mới mua, hơn tám ngàn tiền mồ hôi công sức, em không nỡ vứt đi.”
Niên Bách Ngạn là một người đàn ông rất nhanh nhạy, lập tức hiểu ra lời trình bày của cô. Còn chưa cần cô nói câu tiếp theo, anh đã lên tiếng: “Không sao! Anh sẽ tới thẳng cửa hàng chuyên bán loại giày này mua cho em một đôi y hệt, em không cần phải xuống xe.” Nói rồi anh định khởi động xe.
“Bách Ngạn…” Tố Diệp cũng không ngốc, cô nhìn ra được suy nghĩ của anh, mỉm cười ôm lấy tay anh, đung đưa: “Đừng có lãng phí tiền bạc khắp nơi như thế! Vừa nãy em leo lên từ phía sau tòa nhà, giày chắc chắn vẫn còn ở đó. Anh nhặt giúp em một tý thôi, nếu không sáng mai có người nhìn thấy sẽ nghi ngờ.”
Niên Bách Ngạn thấy mình trốn không nổi nữa, thở dài: “Diệp Diệp à! Anh vẫn không hiểu em đã trèo vào trong nhà kiểu gì. Dù em có trèo được lên cũng vào làm sao được, cửa sổ đóng kín cơ mà!”
Tố Diệp cười quỷ quyệt, xích lại gần anh: “Đối với những nhà leo núi như bọn em mà nói, chỉ cần một sợi dây kẽm cũng có thể trở thành công cụ cần thiết. Bọn em sẽ lợi dụng tất cả những điều kiện có thể lợi dụng để tới được đích!”
“Bái phục!” Đây là câu nói chân thành của Niên Bách Ngạn.
“Thế còn giày của em…” Một giây sau cô lại bày ra vẻ mặt tội nghiệp.
Niên Bách Ngạn sợ nhất là ánh mắt này, nó như tuyệt chiêu của cô vậy. Chỉ cần cô nhìn anh như thế, rồi nhẹ nhàng xin xỏ, tim anh lập tức tan chảy. Anh đành lắc đầu, tìm một chiếc đèn pin trên xe rồi đi xuống, tìm giày giúp cô.
Qua cửa kính thủy tinh, Tố Diệp ôm hai chân nhìn bóng hình từ từ xa khuất. Cô bất giác mỉm cười đầy mãn nguyện.
Chiếc xe đi thẳng, men theo con đường Trường An.
Niên Bách Ngạn chở Tố Diệp tới đường Kim Dung. Ở đây tụ tập rất nhiều bộ phận giám sát tài chính của các ngành, các trung tâm tài chính lớn khắp trong và ngoài nước. Về đêm, đường Kim Dung đã không còn mùi “khói lửa chiến tranh” như ban ngày nữa, có thêm sự tĩnh mịch trong cái lộng lẫy, nhưng lại bớt hoa lệ hơn so với CBD.
Anh đưa cô tới một tứ hợp viện duy nhất trên đường này dùng bữa, “Hoàng Phố Hội” tiếng tăm lẫy lừng. Tố Diệp đã từng đọc trên tạp chí về nhà hàng này. Nó được mệnh danh là nhà hàng đẹp nhất Bắc Kinh, cũng được xếp thứ 18 trong danh sách những nhà hàng mới cao quý nhất thế giới theo Forbes.
Bước vào cánh cửa kiểu Trung Quốc, Tố Diệp không thể không trầm trồ sự hấp dẫn đằng sau tiền bạc. Dưới trăng, có mấy chú cá hồng đang bơi lội dưới nước. Màu sắc tổng thể của cửa chính là đỏ đen. Những chiếc xích đu màu bạc tựa như đưa thực khách về những tứ hợp viện xa xưa. Đương nhiên, nó đã được quét vôi hiện đại. Chẳng mấy chốc, một không gian mộng ảo xa hoa choáng ngợp trước mắt cô.
Cô dẫm lên nền của sân trước, toàn bộ là kính thủy tinh đen, trong suốt một nửa. Bên dưới là hồ sen tuyệt đẹp, tạo ra những làn sóng ánh sáng nhấp nhô. Hai bên là rường cột chạm trổ, những chiếc lồng chim to nhỏ khác nhau. Hoàng Phủ Hội sau khi về với Bắc Kinh đã du nhập không ít văn hóa bản địa vào địa.
Niên Bách Ngạn rõ ràng là khách thường xuyên ở đây. Sau khi đi vào anh tiến thẳng tới căn phòng có treo chiếc đèn hình đám mây. Tố Diệp biết chiếc đèn treo này, nó là tác phẩm kiệt tác đáng kinh ngạc của kiến trúc sư nổi tiếng Frank Gehry. Trong Hoàng Phủ Hội có tổng cộng tám gian phòng được treo chiếc đèn đó.
“Trưa nay em không ăn uống gì mấy, tối ăn nhiều một chút.” Niên Bách Ngạn có lẽ đã đặt bàn ăn xong xuôi từ lâu, tiết kiệm khâu gọi món. Một bình trà hoa cúc được bê lên. Anh rót cho mỗi người một tách rồi nói.
Cô cứ tưởng anh vốn chẳng để tâm cô ăn ít hay nhiều, không ngờ buổi trưa nay cô ăn uống thế nào anh đều quan sát hết. Cô nhìn xung quanh, một nơi đủ để mười người ngồi lại chỉ có hai người họ, trông có phần kỳ quặc. Sợ lãng phí chút tiền tối thiểu nhất, cô vội vàng uống trà, hương thơm thanh mát len qua từng kẽ răng: “Em đang nghĩ anh tặng cho em bộ điện thoại đắt đỏ đó, tối nay thế nào cũng phải mời anh ăn cơm, nhưng tới đây rồi… thôi thì anh mời đi.”
Niên Bách Ngạn cười: “Đừng coi bản thân mình khổ sở như vậy. Ở Bắc Kinh này, thu nhập mỗi tháng của em cũng coi như khá giả rồi, ăn ở đây không làm khó em được.”
“Thế thì phải xem so với ai. Nhà tư bản còn đang ngồi trước mặt đây này, em làm sao dám múa rìu qua mắt thợ.” Tố Diệp cười hì hì.
Nụ cười của anh càng đậm hơn: “Cam lòng cúi đầu trước tiền bạc à?”
Tố Diệp cười khanh khách: “Em lúc nào chẳng cúi.”
Niên Bách Ngạn đúng là không biết nên khóc hay cười.
Rất nhanh, từng chiếc đĩa tinh xảo được bê lên, đều là những món ăn cung đình đầy sáng tạo. Từ các món điểm tâm đơn giản nhất, nổi tiếng nhất của thành Bắc Kinh như đậu vàng, bánh hạnh nhân, gò mù tạc tới cả tôm trộn mù tạc, cá thì hấp, gan ngỗng với rượu trắng, thịt xương bò, cá biển cùng món vò vàng nhất định phải có khi ăn đồ ăn cung đình, vô cùng đặc sắc.
Nhìn cả một bàn toàn đồ ăn, Tố Diệp vô thức tặc lưỡi: “Niên Bách Ngạn! Tối nay còn ai nữa không?”
“Chỉ có hai chúng ta thôi.”
“Em ăn thế này thành đồ mập mất.” Tố Diệp oán trách: “Bữa ăn hợp lý nhất là phải theo mô hình tháp dinh dưỡng, anh đảo ngược lại rồi!”
Niên Bách Ngạn cầm đũa lên, gắp miếng thịt mềm nhất ở bụng cá cho cô, mỉm cười: “Không sao! Anh không chê!”
“Anh hiểm ác khó lường lắm.” Tố Diệp nháy mắt với anh, cũng bắt đầu động đũa, ăn uống thỏa thích. Đúng là cô đói rồi. Ở nhà họ Diệp cô ăn chẳng thấy ngon miệng chút nào, đi ra khỏi đó cũng chưa thêm gì vào bụng. Những món ăn đa dạng trước mắt lại toàn khẩu vị của cô, ai có thể thờ ơ cho được?
Niên Bách Ngạn thấy cô bắt đầu ăn ngấu nghiến cũng rất vui. Bản thân anh không ăn mấy, chỉ nhiệt tình ngồi gắp cho cô: “Ăn từ từ thôi!”
Tố Diệp y hệt người bị bỏ đói mấy ngày. Điều này cũng khó trách, từ sau khi hai người chiến tranh lạnh, cô ăn không ngon, ngủ không yên. Cho tới khi Niên Bách Ngạn quay lại, tất cả mọi cảm quan và tri giác của cô đều trở về, thứ kháng nghị đầu tiên chính là cái dạ dày.
Tới khi điện thoại vang lên, Niên Bách Ngạn mới buông đũa, rót cho cô một tách trà, rồi rút di động ra nhận máy. Lúc anh nói chuyện, Tố Diệp nhìn thấy một bộ điện thoại khác của anh cũng được lấy ra đặt trên mặt bàn. Đang kỳ lạ anh có thêm một chiếc di động nữa từ lúc nào. Cô trông nó quen quen, nhìn kỹ mới biết nó giống hệt kiểu mà anh đã tặng cho cô.
Cô hiếu kỳ hồi lâu, sau đó mới âm thầm ngồi xuống, sát lại gần anh, ngón tay chạm nhẹ vào chiếc di động ấy. Thấy Niên Bách Ngạn không ngăn cản, cô bèn đường hoàng cầm nó lên. Điện thoại vẫn đang mở. Cô lật xem rất lâu, tất cả các tính năng đều giống y như đúc. Cô vô thức giở danh bạ ra, chỉ có một số liên lạc duy nhất.
Nhìn kỹ thì đó là cô!
Bên trên viết hai chữ “Diệp Diệp”, sau đó là số di động của cô, số điện thoại bàn của phòng làm việc…
Tố Diệp chợt hiểu ra. Đây là điện thoại cá nhân anh mới mua, rồi mua thêm cho cô một chiếc giống hệt. Đây là điện thoại đôi phải không? Nghĩ thế cô càng cảm thấy ngọt ngào trong lòng. Cô nhẹ nhàng đặt nó về vị trí cũ. Lúc cô ngước mắt lên nhìn anh, anh cũng đang mỉm cười nhìn cô. Hạnh phúc chợt lan tỏa. Cô mặc kệ anh đang nhận điện thoại gì liên quan tới công việc, cứ thế chủ động thơm nhẹ lên má anh…