2.2
Ngày hôm sau, trong cung truyền lời, đòi Khương Trầm Ngư tiến cung dạy Hy Hòa phu nhân chơi đàn.
Toàn bộ Khương gia đều không thể lý giải được điều này, không rõ chuyện này sao lại rơi lên đầu Trầm Ngư. Theo lý mà nói, phi tử muốn học đàn, tự mình có thể mời sư phụ của Thiên Nhạc Thự (*)dạy cho, nếu không, tìm cung nữ biết chơi đàn trong cung, có thế nào cũng không đến lượt con gái của hữu tướng. Hy Hòa này nổi tiếng kiêu ngạo ngang ngược, dạy nàng ta chơi đàn, hễ không cẩn thận, chuốc họa vào thân dễ như bỡn.
Khương phu nhân nghĩ rất lâu, nói: “Trầm Ngư, hay là con giả bệnh đi?”.
Tẩu tẩu nói: “Ðúng thế, hay là tìm một lý do từ chối đi, chuyện này tuyệt đối không thể nhận được”.
Ðến Khương Trọng cũng nói: “Chuyến này e rằng nguy hiểm, vẫn không nên đi thì hơn”.
Nhưng cuối cùng Khương Trầm Ngư lại cười nhạt, nói: “Cha, mẹ, tẩu tẩu, Hy Hòa phu nhân truyền triệu con, chắc chắn trong lòng đã ra quyết định, cho dù chuyến này con giả bệnh từ chối, lần sau phu nhân vẫn sẽ mượn cớ khác tìm con, là phúc không phải họa, là họa tránh không nổi. Cho nên, con quyết định rồi, con đi. Bởi vì con cũng rất muốn biết, rốt cuộc nàng ta muốn làm gì”.
Như thế, ngày hôm sau Khương Trầm Ngư vào hoàng cung. Kiệu dừng trước Bảo Hoa cung, nàng được cung nhân dìu vào trong đại sảnh, giữa màn lụa trướng điều, Hy Hòa đang ngồi tựa trước cửa sổ im lặng thẫn thờ, ánh nắng phác họa đường viền gương mặt nghiêng nghiêng gần như hoàn mỹ của nàng, mày đậm mi dài.
Không biết tại sao, nhìn lại đau thương như thế.
Hóa ra mỹ nhân kiêu ngạo ngông cuồng này cũng biết đau thương.
Khương Trầm Ngư nhún người thi lễ.
Hy Hòa quay đầu lại, sóng mắt trong veo mang theo ba phần kinh ngạc, ba phần thăm dò, ba phần xét đoán, xen lẫn một phần cay đắng, nhìn nàng, nhìn nàng thật kỹ, cuối cùng thở dài một tiếng.
Sau đó, Hy Hòa cách dăm ba hôm lại truyền Khương Trầm Ngư vào cung dạy đàn, tiếng là dạy đàn, nhưng thực chất Trầm Ngư chỉ phụ trách đàn, nàng phụ trách nghe, cơ bản không hề nói chuyện.
Khương Trầm Ngư cảm thấy Hy Hòa đang quan sát mình, nhưng không rõ nguyên nhân, vì thế chỉ có thể cố gắng hết sức cẩn thận lời nói, cử chỉ.
Trong khoảng thời gian này, Hoàng Kim Bà không hề nuốt lời, quả nhiên đã đem được canh thiếp của Cơ Anh trở về. Canh thiếp bằng giấy màu tím nhạt, có in hoa văn màu bạc, hình vẽ vẫn là Bạch Trạch. Ngoài bát tự ra, phía trên còn viết một vế đối:
Anh quân tử hoa, triêu bạch ngọ hồng mộ tử, ý nan vong nhất dạ thính xuân vũ.
(Hoa Anh quân tử, sáng trắng trưa đỏ chiều tím, lòng khó quên một đêm nghe mưa xuân.)
Chữ phóng khoáng như người, thanh tú lạ thường.
Khương Trầm Ngư nghĩ một lát, đối lại như sau:
Ngu mỹ nhân thảo, thanh xuân hạ lục thu hoàng, vu trung hảo lục thái kết đồng tâm.
(Cỏ Ngu mỹ nhân, xuân xanh hạ lục thu vàng, đẹp bên trong sáu màu kết đồng tâm.)
Hoàng Kim Bà tấm tắc khen rằng: “Không hổ là Khương tiểu thư, đối rất hay, đối rất tuyệt!”.
Tẩu tẩu cười nói: “Hoa Anh quân tử này của y có lồng chữ “Anh” vào; Trầm Ngư lại đối lại cỏ Ngu mỹ nhân, lấy được âm “Ngư” (**), đúng là đối rất hay!”.
Mọi người cười nói một hồi rồi tản đi. Khương Trầm Ngư về tới khuê phòng, lại bắt đầu rầu rĩ: Vế đối này của công tử dường như có ý khác, bỏ qua nửa câu đầu không nói tới, “ý nan vong” đó là ý gì? Còn hai chữ “mộ tử” ẩn dụ không tốt lành, thực sự khiến người ta nghĩ mãi mà không hiểu nổi.
Nhưng nàng cũng chỉ có thể tự trăn trở trong lòng, không dám nói với mẫu thân. Nhưng đêm nay trời chuyển lạnh, tuyết rơi dày, ngày hôm sau, nàng đến hoàng cung dạy đàn, mới bước vào Bảo Hoa cung đã nghe thấy cung nữ nói phu nhân bị bệnh rồi.
Một cung nữ tên là Vân Khởi dẫn nàng vào trong, trong phòng đốt lò sưởi, trong không khí có mùi thuốc nhàn nhạt. Trong trướng gấm thất bảo, Hy Hòa ngồi trong chăn, sắc mặt trắng bệch, nhìn khá là yếu ớt.
Nàng vốn muốn cáo từ, nhưng Hy Hòa lại nói: “Ngươi đến rất đúng lúc. Ngươi có biết đàn bản ‘Thương giang dạ khúc’ không?”.
Khương Trầm Ngư ngẩn ra một lúc, đáp: “Có ạ”. Rồi lập tức gẩy đàn.
Tiếng đàn thánh thót, như Trường Giang chảy miết, kéo dài đến ngã giao Từ Chiết, bỗng một trận mây ập tới, mưa lớn dâng tràn, sóng sông ầm ào, dấy lên hàng ngàn con sóng lớn. Trong màn đêm trời nước một màu, mây mù bao phủ, một con rồng xanh từ trong mây lao vào biển lớn, cuộn mình uốn lượn.
Cổ khúc này sôi sục cuộn trào, lại rất trọng tiểu tiết, nhưng nàng chậm rãi khẽ gẩy, quen tay đàn lên, lại không hề tốn sức.
Hy Hòa vừa nghe vừa nhìn, mắt bắt đầu ngân ngấn, cuối cùng đã rơi lệ.
Khương Trầm Ngư cả kinh, phút phân tâm, dây đàn đột nhiên đứt đoạn, nàng vội vàng quỳ xuống mà rằng: “Trầm Ngư đáng chết, xin phu nhân thứ tội!”.
Hy Hòa không nói lời nào, chỉ là vẫn cứ nhìn nàng, trong ánh mắt dường như ẩn chứa nỗi niềm thê lương vô hạn, cuối cùng toàn thân đột nhiên run lẩy bẩy, phun ra máu tươi.
Không sai không lệch, toàn bộ đều phun trúng lên mặt nàng.
Cung nhân bên cạnh kinh hãi kêu lên: “Phu nhân! Phu nhân người sao rồi!”.
Hy Hòa ngã về phía sau, lập tức mê man. Mà Khương Trầm Ngư máu tươi đầy đầu đầy mặt, sợ đến không biết mình đang ở nơi nào.
Sao lại như thế này?
Những chuyện phát sinh sau đó giống như một vở kịch, còn nàng quỳ trên mặt đất, trơ mắt xem vở kịch đó, từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, cảm nhận được một sự rối loạn tột độ.
Trước tiên là Vân Khởi gọi thái y, tiếp theo hoàng đế cũng đến, căn phòng nhỏ trong chốc lát có bao người vây quanh, mùi thuốc nồng nặc nặng nề sộc tới, khiến nàng cảm thấy gần như nghẹt thở.
Bên tai có rất nhiều tiếng nói, loáng tháng nghe rõ được mấy tiếng: “Bệnh này kỳ quái… e rằng tính mệnh đáng lo… vi thần bất tài…”. Trong tầm nhìn của nàng, vô số vạt áo bay qua bay lại, sắc vàng là hoàng đế, sắc đỏ xanh chàm lam là phi tử, màu tím nhạt là cung nhân, cuối cùng, đột nhiên xuất hiện một sắc trắng.
Ðồng thời, bên ngoài có người truyền: “Kỳ Úc hầu tới…”.
Khương Trầm Ngư ngẩng đầu lên, cách bức rèm lụa thêu tranh mỹ nhân, nàng nhìn thấy Cơ Anh đang quỳ ở gian ngoài, áo trắng rõ ràng, tựa như cứu tinh. Vành mắt nàng hoe đỏ, giống như một người ngã xuống nước nhìn thấy một cây gỗ nổi, toàn thân đều run rẩy, nhưng dù trong cơn run rẩy lại biết rất rõ, bản thân sẽ không xảy ra chuyện gì.
Chỉ cần chàng đến, nàng tuyệt đối sẽ không xảy ra chuyện gì.
Chiêu Doãn quay người, trên mặt lộ vẻ an tâm, cất cao giọng nói: “Kỳ Úc, ngươi đến thật đúng lúc, lũ thái y bỏ đi này không có tên nào nhìn ra Hy Hòa mắc bệnh gì, ngươi mau đến xử lý, trẫm muốn tước hết chức vị của bọn chúng!”.
Cơ Anh vẫn trấn tĩnh, ngữ điệu không gấp không chậm, giọng nói cũng không cao không thấp, nhưng lọt vào tai lại khiến người ta cảm thấy dễ chịu không thể tả xiết: “Xin hoàng thượng bớt giận. Vi thần nghe tin phu nhân bị bệnh liền vội vã tới đây, hơn nữa, còn dẫn theo một vị thần y cùng đến”.
Chiêu Doãn sáng mắt lên: “Mau tuyên!”.
Một người áo xanh theo sau La Hoành bước vào, quỳ xuống bên cạnh Cơ Anh: “Thảo dân Giang Vãn Y, tham kiến bệ hạ!”.
Một lão thái y trong phòng toàn thân chao đảo, gương mặt đầy vẻ kinh ngạc.
Chiêu Doãn nói: “Ngươi là thần y?”.
Người áo xanh đáp: “Thần y là do hương dân mến gọi, không dám tự xưng”.
“Nếu như ngươi có thể chữa khỏi bệnh của Hy Hòa, trẫm sẽ ban tặng ngươi danh xưng thần y! Mau mau vào đi”.
Người áo xanh tên Giang Vãn Y đó vâng một tiếng, khom mình tiến vào, bắt đầu bắt mạch cho Hy Hòa. Từ góc nhìn của Khương Trầm Ngư, chỉ thấy hắn ngũ quan đẹp tựa tĩnh nữ, toàn thân trên dưới toát lên một khí chất nho nhã, không giống đại phu mà giống thư sinh hơn.
Còn lão thái y bên cạnh nhìn hắn, vẻ mặt càng thêm hoảng sợ, bàn tay giấu trong tay áo run rẩy không ngừng.
Giang Vãn Y ngẩng đầu, mỉm cười với ông ta: “Phụ thân, đã lâu không gặp, gần đây người có khỏe không?”.
Lão thái y dường như bị tắc thở trong lồng ngực, hoàn toàn không nói nổi nên lời, còn những người khác kinh ngạc, không ngờ thần y mà Kỳ Úc hầu mời tới lại là con trai độc nhất của đề điểm thái y viện Giang Hoài.
Nghe lời hắn vừa nói thì dường như cha con đã nhiều năm không gặp mặt, mà nay tái ngộ lại lạ lùng như thế, càng khiến người ta đoán không ra nội tình.
Chiêu Doãn chẳng thèm để ý quan hệ phức tạp bên trong, chỉ cuống quýt hỏi: “Thế nào thế nào? Hy Hòa rốt cuộc mắc bệnh gì? Tại sao đột nhiên thổ huyết, hôn mê bất tỉnh?”.
Giang Vãn Y nhíu cặp mày đẹp lại, trầm ngâm không nói.
Chiêu Doãn lại nói: “Mấy ngày trước nàng từng bị phong hàn, mắc chứng trong nóng sốt, ngoài lạnh ngắt…”.
Giang Vãn Y thả tay Hy Hòa ra, đứng thẳng lên hành một lễ, thong thả nói: “Hồi bẩm hoàng thượng, phu nhân không phải mắc chứng hàn tà”.
Bỗng tim Khương Trầm Ngư đập thình thịch, báo hiệu điềm chẳng lành.
Dường như để chứng minh cho cảm giác của nàng, câu tiếp theo của Giang Vãn Y là: “Sự thực là phu nhân đã bị trúng độc”.
“Trúng độc”. Chiêu Doãn chợt biến sắc.
“Vâng, hơn nữa nếu như tại hạ không đoán sai, tên của chất độc này là Sầu Tư. Theo cái tên này, người uống phải thân thể sẽ gầy yếu, nguyên khí tổn thương, ngày càng héo mòn, cuối cùng bệnh nặng qua đời”.
Chiêu Doãn đứng ngây ra hồi lâu rồi cuống quýt hỏi: “Ðã biết tên độc, có cách giải độc không?”.
“Hoàng thượng xin hãy an tâm, phu nhân là quý nhân, tự có trời giúp, sẽ bình an qua được kiếp nạn này, chỉ là…”.
“Chỉ là gì?”.
“Chỉ là phu nhân trúng độc đã sâu, liên lụy đến bào thai trong bụng, cho nên, cái thai này e rằng không giữ được”.
Cả người Chiêu Doãn chấn động nặng nề, giọng run run: “Ngươi nói gì? Nói lại lần nữa cho trẫm”.
Khương Trầm Ngư lo lắng dán mắt nhìn Giang Vãn Y, trong lòng có một giọng nói kỳ quái đang kêu gào:
Ðừng nói, đừng nói, tuyệt đối đừng nói!
Nhưng hai bờ môi mỏng đang khe khẽ hé ra, hàm răng trắng đóng mở thốt ra những tiếng lạnh lùng: “Hồi bẩm hoàng thượng, phu nhân không những trúng độc, hơn nữa còn có bào thai một tháng, chỉ có điều, nay đã là thai chết lưu”.
Khương Trầm Ngư không kìm được nhắm nghiền mắt, trong chốc lát mồ hôi đổ ra như tắm trong lòng bàn tay, trong đầu có hai chữ không ngừng xoay vòng, đó chính là – hết rồi.
Hết rồi! Hết rồi! Hết rồi…
Tuy nàng không quan tâm thế sự, chán ghét tranh đấu cung đình, nhưng không có nghĩa là nàng hoàn toàn không biết gì. Phi tử của hoàng đế mang thai rồng, lại bị người ta âm thầm hạ độc đến chết, chuyện này chẳng khác nào ngàn vạn tầng sóng vọt tới tận trời, một khi điều tra, tất liên lụy rất rộng. Mà nàng ở thời khắc này, quỳ tại đây, trơ mắt ra nhìn chuyện lớn như vậy phát sinh, như vậy chắc chắn nàng khó mà có thể đứng ngoài chuyện này được nữa.
Trong khoảnh khắc, mưa to gió lớn sắp ập đến, thương thay nàng lại không có mảy may sức chống đỡ.
Khương Trầm Ngư cắn môi, lại chuyển hướng nhìn sang Cơ Anh đang ở ngoài rèm, công tử ơi là công tử, trong chuyện này, chàng đang sắm vai diễn gì?
Quả nhiên, Chiêu Doãn nghe nói giận dữ đùng đùng, đập bàn quát: “Sao lại như thế được! Là ai? Là ai cả gan dám hạ độc ái phi của trẫm! Người đâu, bắt tất cả cung nhân trong Bảo Hoa cung lại, thẩm vấn kỹ càng cho trẫm, nhất định phải làm rõ chuyện này!”.
Lệnh vừa hạ xuống, cung nữ thái giám lập tức quỳ kín đất, tiếng cầu xin không ngớt ập vào tai, nhưng toàn bộ đều bị thị vệ kéo đi. Chỉ có Khương Trầm Ngư vẫn quỳ ở một bên như cũ, không ai ngó đến.
Cuối cùng Chiêu Doãn quay đầu nhìn nàng chằm chằm, hỏi: “Ngươi là ai?”.
“Thần nữ Khương Trầm Ngư”.
“Ngươi là Khương Trầm Ngư?”. Ánh mắt Chiêu Doãn đảo một vòng trên người nàng, dường như có chút bất ngờ, nhưng rất mau sắc mặt đã nghiêm lại, nói: “Chuyện này không liên quan đến ngươi, ngươi bị kinh sợ rồi, hãy về đi”.
Khương Trầm Ngư không ngờ được hoàng đế thả đi dễ dàng thế, vội vàng khấu tạ, hai chân vì quỳ quá lâu mà cứng đơ không duỗi ra được, mắt thấy mình sắp ngã quỵ thì một cánh tay đưa tới, đỡ nàng đứng vững.
Quay đầu, nàng nhìn thấy công tử.
Cơ Anh nhìn Chiêu Doãn nói: “Hoàng thượng, hãy để vi thần tiễn Khương tiểu thư xuất cung vậy”.
Ánh nhìn của Chiêu Doãn lại quét trên hai người, cuối cùng gật đầu. Thế là, Cơ Anh dìu Khương Trầm Ngư rời khỏi nơi này, từ từ ra khỏi cửa cung.
Trong lòng Trầm Ngư muôn vàn cảm kích, đương muốn mở miệng, Cơ Anh bỗng thả cánh tay nàng ra, nhặt một vốc tuyết trên lan can bên cạnh, chỉ nghe “tách” một tiếng, tuyết tan thành nước, bốc lên hơi nóng nghi ngút. Chàng lại lấy từ trong lòng ra một chiếc khăn tay, thấm ướt nước, vắt khô rồi đưa cho nàng.
Lúc này Khương Trầm Ngư mới nhớ ra vừa nãy Hy Hòa phun máu đầy mặt nàng, mà nàng quỳ suốt từ lúc đó, căn bản không dám lau đi, có thể tưởng tượng dáng vẻ hiện giờ của mình thê thảm thế nào, vậy mà hết thảy đã lọt trọn vào mắt chàng. Nghĩ đến đây, nàng vô cùng xấu hổ, vội vàng đón lấy chiếc khăn. Nhưng một là vết máu đọng đã khô, không dễ lau sạch; hai là ở đây không có gương, không nhìn được chỗ nào dính máu, vì thế cứ luống cuống lau lung tung, ngược lại còn làm cho khuôn mặt vốn đã lấm lem lại càng bẩn thêm, chỗ đỏ chỗ vàng, nhếch nhác hết chỗ nói.
C ơ Anh khẽ thở dài một tiếng, cầm chiếc khăn ướt trong tay nàng, một tay nâng cằm nàng lên, một tay khẽ lau vết máu cho nàng. Chiếc khăn ướt và những ngón tay chàng chạm vào đâu, da thịt ở đó liền nóng lên, bắt đầu bốc cháy. Nàng vừa hoảng sợ lại vừa lo lắng, nhưng còn xấu hổ nhiều hơn, muốn ngước mắt nhìn chàng, nhưng lại sợ chạm phải ánh mắt chàng, đành cụp mi nhìn vạt áo chàng, trong lòng dần dần dậy lên một mối nhu tình êm đềm.
Chàng thật… dịu dàng.
Chàng… dịu dàng biết bao.
Ðời này may mắn biết bao, khiến nàng có thể cùng nam tử dịu dàng này kết mối lương duyên? Bản thân nàng quả thực là có phúc chăng? Khương Trầm Ngư trong lòng ngọt ngào, không kìm được ngẩng lên nhìn mặt Cơ Anh, ai ngờ, cũng chính khoảnh khắc đó, Cơ Anh buông nàng ra, thu tay lại, nói: “Xong rồi”.
Mắt nhìn thấy chàng sắp vứt chiếc khăn đi, Khương Trầm Ngư vội vàng kêu lên: “Ðợi đã! Chiếc khăn đó… để ta đem về nhà giặt sạch rồi trả lại công tử đi”.
Cơ Anh nói: “Một chiếc khăn tay thôi mà, không cần phiền vậy đâu”. Rốt cuộc chàng vẫn vứt đi.
Trong lòng nàng lạnh giá, giống như có một thứ gì đó đã mất đi cùng với chiếc khăn tay kia. Ðể xóa tan cảm giác lạ thường đó, nàng đổi chủ đề nói: “Hy Hòa phu nhân cát nhân thiên tướng, sẽ không có chuyện gì… đúng không?”.
Cơ Anh “ừ” một tiếng hờ hững.
Nàng đành nói: “Vừa nãy ta… đúng là rất sợ, phu nhân đột nhiên thổ huyết, ta sợ đến mức không nhúc nhích nổi…”. Nàng cười ngượng ngập, nói năng lộn xộn, nhưng cuối cùng vẫn chẳng nói tiếp được.
Bối rối làm sao. Có một không khí bối rối khó tả đang bao trùm lấy chàng và nàng, tuy không rõ đó là chuyện gì, nhưng lại loáng thoáng cảm thấy, có chuyện gì đó đã xảy ra rồi.
(*) Tên của cơ quan thuộc Bộ Lễ, chuyên về lễ nghi, âm nhạc của hoàng cung.
(**) Chữ “Ngư” trong tên Khương Trầm Ngư và chữ “Ngu” trong cỏ Ngu mỹ nhân có cùng âm đọc là “yu”.