Hồi thứ hai mươi mốt: Gấm rách (10)

Gấm rách (10)

Năm Tân Bình thứ nhất, có nữ tử lấy bức tranh Hy Hòa trên Long Phượng lâu xuống, tự xưng dung nhan mình còn đẹp hơn nàng ta. Nghi vương gặp xong, quả nhiên cả mừng, bèn cưới nàng, giấu trong thâm cung không ai được gặp.

Năm Tân Bình thứ hai, Nghi vương truyền ngôi cho người cháu, tức Hiền vương mà người Nghi quốc gọi thân mật là “tiểu công tử” Dạ Thượng.

Nghi vương cùng vợ thoái vị ẩn cư, làm ăn trong bốn bể, vô cùng thích ý.

Năm Tân Bình thứ ba, có sử quan khẩn cầu biên lại Bích sử, khi hạ bút đến đoạn Khương Trầm Ngư, lời lẽ phần nhiều miệt thị, nói là họa quốc (gây họa cho đất nước).

Bích vương Tân Dã mới chín tuổi đọc xong, sai người phạt trượng.

Sử quan hoảng sợ, định sửa lại, Bích vương giữa triều đường lại nói: “Cứ như thế đi, không cần sửa”.

Thế nên, Bích sử ghi rằng:

Lê vương Khương Trầm Ngư, con gái út của hữu tướng của triều Tiền Bích Khương Trọng, dung mạo xinh đẹp, được Bích vương Chiêu Doãn yêu thích, cưới về trong cung, phong làm Thục phi, sau lại tấn phong hoàng hậu. Người này giỏi về quyền thuật, lòng dạ độc ác thủ đoạn sâu xa, kiêm cả văn sử, tài năng ngút trời. Vào đêm được phong hậu, đầu độc giết Bích vương, khiến ngài bệnh mãi không khỏi, nhân cơ hội lâm triều xử lý chính sự, nắm chính quyền trong tay. Năm Đồ Bích thứ sáu, Bích vương băng hà, tỉ muội họ Khương tranh quyền, thị được thừa tướng Tiết Thái hỗ trợ, giết tỉ tỉ của mình, từ đây lên ngôi, tự xưng Duệ đế, đổi quốc hiệu thành Lê.

Năm Lê Yến thứ năm, Tiết tướng bệnh chết, không lâu sau Khương thị cũng qua đời.

Phía dưới bình luận:

Trong thời gian tại vị tuy Lê vương làm được rất nhiều việc tốt, nhưng trước thị giết chồng sau lại giết chị, ngay đến cha mình cũng không tha, vì ý kiến bất đồng với Khương tướng nên đã bãi miễn ông, khiến ông nhiều năm không được quay về kinh, vì thế người này có thể nói là bạc tình lạnh lùng đến cực độ. Đồ Bích mênh mông, thiếu chút nữa là bị hủy hoại trong tay người phụ nữ này, buồn thay đau thay! Hy vọng người đời sau lấy đây làm gương…

“Thanh sơn viễn cận đái Hoàng Châu, Tễ cảnh Trùng Dương thướng bắc lâu. Vũ yết đình cao tiến cúc nhuận, Sương phi thiên uyển ngự lê thu. Thù du sáp mấn hoa nghi thọ, phỉ thúy hoàng thoa vũ tác sầu. Mạn thuyết Đào Tiềm ly hạ túy, Hà tằng đắc kiến thử phong lưu…”[2].

[2] Bài “Cửu nhật đăng cao” của Vương Xương Linh (thời Đường). Nhà thơ kể lại tình cảnh đăng cao vào tết Trùng Dương theo phong tục, leo lên Bắc lâu, cảnh núi non trùng điệp từ xa tới gần thu vào tầm mắt. Tạm dịch nghĩa như sau: Núi xanh từ xa tới gần trải dài đến kinh đô, sau cơn mưa leo lên lầu Bắc vào tiết Trùng Dương. Mưa tạnh đình cao hoa cúc tươi tốt, sương giăng vườn ngự uyển hoa lê vào thu. Cành thù du gài tóc, hoa trường thọ, trâm phỉ thúy cài ngang dáng như mỹ nhân âu sầu nhảy múa. Chẳng trách Đào Tiềm uống say mèm dưới hàng rào, đời người có được mấy lần phong lưu như thế này…

Ngữ điệu chậm rãi, nhẹ nhàng vang vọng giữa những tán bách xanh tươi, nam tử ăn vận thoải mái vừa đi vừa ngâm nga, có vẻ vô cùng thoải mái.

Sau lưng chàng, một người dáng vẻ như a hoàn đang dìu một nữ tử, nữ tử này nghe xong liền cười: “Nhìn chàng vui vẻ như thế, tiết Trùng Dương sắp đến, lẽ nào chàng không có chút ưu sầu ‘biên sáp thù du thiểu nhất nhân’[3] nào sao”.

[3] Một câu trong bài “Cửu nhật cửu nguyệt ức Sơn Đông huynh đệ” của Vương Duy, nghĩa là vào tiết Trùng Dương nhớ người thân nơi phương xa hôm nay đều đăng cao, cài thù du lên tóc, duy chỉ thiếu có mình.

Nam tử lập tức quay người lại, ra hiệu cho a hoàn lui ra, tự mình đỡ tay nữ tử, nói: “Ta có ái thê xinh đeo ở bên cạnh, lại còn có con trai chưa chào đời đang chờ đợi, có gì mà phải ưu sầu?”.

Nữ tử chớp chớp mắt: “Sao chàng khẳng định là con trai?”.

“Con gái càng tốt, xinh đẹp giống như nàng, có tố chất gây họa cho nước nhà”.

Nữ tử đang định cười thì phía trước có mười mấy người đi đến, nhìn dáng vẻ cũng là leo núi vãn cảnh, những người đó ăn vận theo kiểu văn sĩ, vừa đi vừa bàn luận:

“Này, huynh có nghe nói Bích vương sai người soạn lại sử sách Tiền Bích, trong đó viết về Lê vương rất tệ không!”.

“Ả vốn gây họa cho nước cho dân, theo ta thấy, viết như thế vẫn còn nhẹ đấy”.

“Chẳng trách ả chết rồi trước mộ chẳng có lấy một tấm bia. Không giống như Võ hậu thời Đường cho mình một tấm bia không chữ”.

“Võ Tắc Thiên dù có thế nào đi chăng nữa, cũng không hạ độc chồng mình, so với Khương Trầm Ngư, còn nhân từ hơn nhiều”.

“Nhưng ta nghe nói, người hạ độc không phải là Lê vương, mà là đệ nhất mỹ nhân của bốn nước – Hy Hòa phu nhân”.

“Thôi đi. Làm gì có ai hạ độc cả bản thân mình. Đừng quên cuối cùng Hy Hòa chết thảm nhường nào… Chắc chắn là Khương Trầm Ngư đố kỵ với dung nhan kiều diễm của nàng, Bích vương vừa bị bệnh, ả liền lập tức ban cái chết cho Hy Hòa, còn tung tin với bên ngoài là bệnh chết, ai tin chứ!”.

“Thế xem ra Khương Trầm Ngư này quả nhiên là mầm họa lớn!”.

“May mà ông trời có mắt, làm cho ả bị bệnh mà chết. Tạo nghiệt quá nhiều sẽ có kết cục này”.

“Ta cảm thấy, để cho ả chết vẫn là dễ dàng cho ả, loại đàn bà độc ác này, đáng nhẽ phải lôi ra giễu phố lăng trì mới có thể giải hết hận!”.

“Được rồi, ai bảo hoàng đế của chúng ta nhân từ nương tay, nói thế nào đi chăng nữa, ngài cũng do một tay nữ nhân kia nuôi lớn, giống như là mẹ vậy… Đổi lại là ta, ta cũng thấy khó xử. Hoàng thượng đáng thương, mới chín tuổi mà phải đối mặt với những chuyện này… May mà ngài vẫn còn ông ngoại và Cơ thái hậu yêu thương ngài…”.

Tiếng bàn luận của đám văn nhân này càng lúc càng xa, chẳng ai buồn đưa mắt liếc về phía bên này một cái.

Đợi khi họ đi khuất tầm mắt, a hoàn mới “phì” một tiếng, căm hận nói: “Những kẻ đọc sách này là đáng ghét nhất, nói nhăng nói cuội, bàn luận vớ vẩn!”.

Nam tử cười hi hi: “Thế theo Hoài Cẩn, phải trừng phạt bọn họ như thế nào?”.

“Ừm… bắt bọn họ đi làm ruộng hết đi! Xem bọn họ còn nhàn rỗi như thế không?”.

Nam tử lộ vẻ kinh ngạc, quay sang nói với nữ tử: “A đầu này của nàng thật là ghê gớm đấy!”.

Nữ tử mỉm cười.

Hoài Cẩn bất mãn nói: “Tiểu thư, bọn chúng nói tiểu thư như thế, tiểu thư không tức giận sao? Còn nữa, hoàng thượng sao lại đồng ý cho sử sách viết về tiểu thư như thế? Còn cả lão gia nữa, sao lão gia cũng đồng ý…?”.

Nữ tử dịu dàng ngắt lời nàng ta, nói: “Thiên tử thay đổi thần tử cũng thay đổi, để củng cố chính quyền, đẩy hết lỗi lầm cho triều đại trước là một hành động sáng suốt”.

“Nhưng mà…”.

“Không sao. Dẫu sao… Khương Trầm Ngư đã chết rồi, người đời sau bình luận về nàng thế nào, nàng cũng không có ý kiến gì”.

“Đúng đấy đúng đấy!”. Nam tử ghé sát lại, trong ánh mắt tràn ngập sự tán thưởng: “Tiểu Ngu nhà ta nghĩ thông suốt nhất, cho nên mỗi ngày mới hạnh phúc như thế”.

Tiểu Ngu ngẩng đầu lên, nhìn nam tử cao hơn mình nửa cái đầu, ánh mắt sáng lấp lánh, có chút cảm khái, lại có chút cảm ơn: “Hạnh phúc của thiếp… lẽ nào không phải do phu quân ban cho sao?”.

Hai người dù đã thành hôn nhiều năm, nhưng phút này nhìn vào mắt nhau, tình ý vẫn triền miên như cũ.

Hoài Cẩn ở bên cạnh đã quen, nên quay đầu đi làm bộ không thấy.

Nữ tử bỗng kêu một tiếng rất khẽ.

Nam tử đột nhiên biến sắc, lo lắng hỏi: “Sao vậy?”.

“Con… đạp thiếp…”.

“Đi nào, ta bảo bọn Tiểu Chu đánh xe đến, chúng ta mau về thôi”. Nam tử nói đoạn rồi gọi người.

“Đừng… đừng gấp gáp như thế… chỉ là đạp thiếp một cái thôi, không phải sắp lâm bồn đâu…”. Nữ tử bị phản ứng của nam tử chọc cười, lườm chàng một cái: “Chàng luôn không cho thiếp ra khỏi cửa, làm cho thiếp chán chết đi được. Hôm nay khó khăn lắm mới dẫn thiếp leo núi, gì thì gì thiếp cũng phải leo đến đỉnh núi mới thôi”.

“Ta đâu có không cho nàng ra khỏi cửa”. Nam tử mặt đầy vẻ oan uổng, cười khổ nói: “Trước đây nàng ngôi thai không thuận, động một chút là nôn ọe, sư huynh nàng nói nàng khí hư thể nhược, không nên hoạt động nhiều”.

“Sư huynh sư huynh sư huynh, rốt cuộc chàng nghe huynh ấy hay là nghe thiếp?”.

“Ta đương nhiên là…”. Nam tử nói đến đây, mắt đảo một vòng, bỗng cúi xuống: “Nghe ‘Song Hoàng Liên’ nhà chúng ta!”.

Hoài Cẩn ở bên cạnh bật cười thành tiếng, che miệng nói: “Cô gia thật quá đáng, sao lại đặt cho tiểu thiếu gia tương lai một cái tên khó nghe như thế!”.

“Tuy khó nghe, nhưng lại gần gũi, độc nhất vô nhị. Ngươi nghĩ xem, ta từng là hoàng đế, còn phu nhân của ta cũng từng là một hoàng đế, hai hoàng đế kết hợp lại mới có đứa trẻ này, thế chẳng phải là ‘Song Hoàng Liên’ sao?”.

“Sao chàng không gọi là ‘Song Đản Hoàng’ (trứng hai lòng) đi?”. Nữ tử lườm chàng một cái, quay người đi lên phía trước.

Nam tử vẫn rất nghiêm túc ngẫm nghĩ: “Song Đản Hoàng… hình như cũng không tồi đâu…”.

“Này, thiếp chỉ tùy tiện nói ra thôi! Nếu chàng thật sự dám đặt tên như thế, thiếp không chịu đâu”.

“Ha ha ha ha…”. Ba người tiếp tục đi lên núi, lại gặp đám văn nhân đó xuống núi, tiếng bàn luận của họ vẫn chưa dứt, lại đổi sang một chủ đề khác.

“Nghe nói Trình vương tháng trước bị ám sát chết rồi?”.

“Ừ, hơn nữa, nghe nói là huynh trưởng của nàng ta làm”.

“Huynh trưởng của nàng ta chẳng phải đã chết cả rồi sao?”.

“Còn một người bỏ trốn. Đó chính là kẻ đã hại chết Kỳ Úc hầu của chúng ta!”.

“Ồ… hình như tên là Di gì đó, Di Phi thì phải”.

“Đúng. Hắn quả là giỏi nhẫn nhịn, mười năm đằng đẵng, cuối cùng đã phục quốc thành công!”.

“Quả nhiên là một nam nhân như lạng sói…”.

Tiếng bàn luận xa dần.

Hoài Cẩn nhớ đến diện mạo thực sự của nam nhân bị bình luận là như “lang sói”, không kìm được lại cười “phì” một tiếng nữa: “Nào có giống lang sói, rõ ràng là một con công!”.

“Mười năm…”. Trong mắt của nam tử lại ngập tràn sự cảm khái: “Hóa ra đã mười năm rồi…”.

“Đúng thế, mười năm phong vân biến ảo của thiếp, cũng là mười năm nếm mật nằm gai của Di Phi”. Nữ tử nói đến đây, cũng bộc lộ vẻ mặt đầy phức tạp: “Hắn tuy bề ngoài cười cợt không nghiêm túc, nhưng thực sự là một nam nhân rất giỏi. Cũng may, hắn cũng không phải kẻ địch của thiếp”.

Nam tử mỉm cười rất kỳ dị.

Nữ tử không kìm được hỏi: “Chàng cười cái gì?”.

Nam tử thong thả nói: “Di Phi không thể là kẻ địch của nàng được”.

“Tại sao chàng lại khẳng định như vậy? Nếu như năm đó thiếp không chịu đồng ý thu nhận hắn…”.

Nam tử ngắt lời nàng: “Nàng nhất định sẽ thu nhận. Bởi vì, nàng đã từng thề phải báo thù cho Sư Tẩu, tuyệt đối không thể tha thứ cho Di Thù. Thế thì còn có cách gì tốt hơn là thu nhận cái gai trong mắt của Di Thù?”.

Nữ tử nhìn chằm chằm chàng một lúc xong cười rạng rỡ: “Chàng quả thực rất hiểu thiếp”.

“Sở dĩ ta nói Di Phi không thể trở thành kẻ địch của nàng, ngoài việc hai người có chung một kẻ địch ra, còn có một nguyên nhân, đó là…”.

“Là gì?”.

Nam tử bỗng nín thinh, không chịu nói.

“Mau nói đi! Mau nói mau nói…”.

“Không nói”.

“Hách Dịch!”.

“Đại trượng phu nói không nói, tức là không nói. Nàng gọi tên của ta cũng vô dụng”.

Hoài Cẩn bên cạnh đưa mắt liếc qua liếc lại hai người, sau đó cũng cười. Kỳ thực, nguyên nhân đó nàng cũng biết, chỉ có điều tiểu thư… dường như thật sự thật sự không biết…

Tiểu thư quả thực là một người rất chậm hiểu.

Năm đó trong mắt chỉ có một mình Cơ Anh. Tâm tư của những người khác đối với nàng thế nào, nàng hoàn toàn không hay biết. Nếu không phải cô gia là người đầu tiên dũng cảm bày tỏ với nàng, có lẽ người bên cạnh tiểu thư hôm nay chưa chắc đã là cô gia.

Nói ra, đáng thương nhất vẫn là thừa tướng, hắn nói sớm một chút thì tốt rồi, nhưng lại đến lúc gần chết mới nói, hại cho tiểu thư khóc đến suýt mù cả đôi mắt…

Vừa nghĩ đến muôn vàn chuyện năm xưa, nàng bỗng hắt xì hơi một cái, lại nhìn thấy hai người – một người vẫn truy hỏi không thôi và một người cười kỳ lạ trước mắt, một cảm xúc từ từ trào dâng, mềm mại lan tỏa khắp toàn thân.

Tên của loại cảm xúc này chính là hạnh phúc.

Ngàn năm trôi qua, đời sau bình luận.

Hạnh phúc vui sướng lại ở hôm nay.

Mùa đông năm Tân Bình thứ hai, Trình quốc Di Phi xưng đế. Lịch sử bốn nước, một lần nữa sang trang.

HẾT CHÍNH VĂN

Họa Quốc

Họa Quốc

Score 6
Status: Completed Author:

Tứ quốc Yên, Bích, Nghi, Trình tứ phân thiên hạ, mỗi nước làm chủ một phương.

Tiểu nữ Trầm Ngư của hữu tướng Bích quốc nghi dung đoan trang, hiền thục ôn hòa, đem lòng ngưỡng mộ công tử Cơ Anh của Cơ thị - một trong tứ đại thế gia của Bích quốc. Hai nhà Khương – Cơ chuẩn bị có mối liên hôn, nhưng lại bị quân vương Chiêu Doãn ngáng chân chặt đứt, một đạo thánh chỉ, ngày tốt nhập cung.

Khương Trầm Ngư vì lợi ích của gia tộc, lãnh chỉ tiến cung.

Nhưng nàng lại không cam tâm trở thành phi tử của đế vương, không cam lòng cứ như vậy chết già trong cung cấm, cho nên nàng đã tình nguyện thỉnh cầu được trở thành mưu sĩ của Chiêu Doãn.

Chiêu Doãn phái nàng đi sứ Trình quốc, trên danh nghĩa là chúc thọ Trình vương, nhưng thực chất là đảm đương trọng trách làm tình báo. Không thể ngờ rằng bắt đầu từ đây chính Khương Trầm Ngư nàng đã viết ra những trang sử mới cho tứ quốc…

Con tạo bắt đầu xoay vần: Từ một thiếu nữ đa tình ngây thơ thuần khiết trở thành hoàng hậu mẫu nghi thiên hạ; từ một nữ tử liễu yếu đào tơ chịu theo sự sắp đặt của người khác trở thành nữ vương một triều hô phong hoán vũ…

Họa quốc khuynh thiên hạ là đây.

Nhớ năm nào rạng rỡ vẻ vang
Biết bao thanh niên tài đức
Hào hoa tuyệt thế
Đến cuối cùng
Lại đều chỉ vì tác thành
Tác thành quân vương trị vì thiên hạ
Tác thành công huân vô song
Tác thành truyền kỳ Phượng hoàng
Niết bàn của ta

Khương Trầm Ngư

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset