Hồi thứ mười một: Hồng trần náo nhiệt (4)

Hồng trần náo nhiệt (4)

11.4

Ngày hai mươi chín tháng sáu năm Đồ Bích thứ tư, trong buổi thọ yến, Trình vương Minh Cung hạ chỉ truyền ngôi cho Di Thù công chúa, Yên vương Chương Hoa và Nghi vương Hách Dịch cùng lên đề đài, đội mũ miện cho công chúa, vinh quang không gì sánh bằng. Ngày hôm sau, đoàn sư thần Bích quốc lên thuyền về nước.

Lịch sử bốn nước từ đó bước sang chương mới.

“Ngu cô nương, đã thu dọn xong đồ đạc, có thể khởi hành rồi”. Lý Khánh đến bẩm báo với Khương Trầm Ngư.

Khương Trầm Ngư gật đầu, nhìn xung quanh phòng, những gì cần thu dọn đều đã thu dọn xong. Chỉ còn lại cây đàn yên vương tặng là chưa cất vào hòm, nàng nghĩ một lát rồi ôm đàn đi ra.

Nàng đã trở về Dịch quán được mười ngày, trong mười ngày này, bề ngoài nhìn như mọi thứ vẫn như lúc đầu, cùng Lý Khánh phụ trách chuyện ăn mặc đi lại ở của các sứ thần, nhưng trong lòng nàng rất rõ, bản thân nàng đang tuyệt vọng đến nhường nào.

Một canh giờ nữa sẽ xuất phát quay về Bích quốc. Vốn là một chuyện rất vui vẻ cũng vì tin dữ của Cơ Anh mà trở nên chẳng còn bất cứ ý nghĩa nào nữa.

Có lúc, nàng không kìm được nghĩ, trong Đại Thiên thế giới này, ngày tháng thấm thoát thoi đưa, nhưng nếu không có người ấy, thì với nàng, đâu còn ý nghĩa gì? Bao lâu nay, mỗi quyết định của nàng, mỗi cố gắng kiên trì của nàng, chẳng phải đều là vì muốn lại gần Cơ Anh thêm một chút, thêm một chút nữa sao?

Khi mục tiêu ấy biến mất, nàng biết đi đâu về đâu?

Cho dù ý chí sa sút như vậy, nhưng khi sự việc bày ra trước mắt nàng lại không thể bỏ mặc, cho nên, nàng vẫn ngày ngày cùng Lý Khánh bàn bạc những việc phải làm trong chuyến trở về, nghe đám trù nương oán thán càm ràm, tiếp xúc với người liên lạc của phụ thân, đáp ứng những yêu cầu như bổ sung tiền bạc, nhân lực của bọn họ.

Sau đó, tranh thủ nhiều thời gian hơn nữa để ở bên công tử.

Công tử thực ra là một người rất bận rộn, trong khoảng thời gian này, nàng phát hiện và chứng thực sự thực này.

Chàng vĩnh viễn không đọc hết được tấu sớ, không ra nổi hết các quyết nghị, các môn khách của chàng hết nhóm này đến nhóm khác, đưa ra đủ loại yêu cầu, còn chàng lại không có lúc nào là không tỏ vẻ ung dung. Ngữ điệu chưa bao giờ gấp gáp, nụ cười chưa bao giờ biến mất, thế nhưng, những phiền phức, bất ngờ, thỉnh cầu đó đều được giải quyết gọn gàng trong một cái gật đầu, một cái nhướn mày của chàng.

Khi Cơ Anh xử lý những chuyện đó đều ngầm cho phép Trầm Ngư ở bên cạnh. Nàng biết, công tử cố ý dạy nàng một số đạo lý xử sự, cho nên cũng chuyên tâm học hỏi. Mà ở bên cạnh công tử còn có cả Tiết Thái.

Tiết Thái rất kiệm lời nhưng chỉ cần mở miệng đều có thể khiến người ta tức đến nghẹn họng. Có lúc, nàng cảm thấy hắn vẫn là tiểu thần đồng kiêu ngạo, tài năng nổi trội như trước, nhưng khi hắn không lên tiếng, cụp mắt xuống lại hiện rõ vẻ trầm mặc, mang theo nỗi bi thương khó mà giải tỏa. Mỗi lần như thế, nàng sẽ quên hết mọi lời lẽ vô lễ của hắn đối với mình, sau đó càng lúc càng yêu quý hắn hơn.

Một đứa trẻ như thế, cũng khó trách Yên vương coi trọng hắn. Khi Khương Trầm Ngư đến nơi ở của Yên vương, không kìm được nghĩ về truyện này.

Mà chính vào lúc này, một người từ trong phòng Yên vương bước ra, hai người mặt đối mặt, cả hai bên đều sững sờ.

Di Thù!

Khương Trầm Ngư không ngờ lại đụng phải nàng ta ở chỗ Yên vương, đặc biệt là giờ đây.

Nàng ta đã trở thành nữ vương của Trình quốc. Nhưng nhìn cách ăn vận trang điểm của nàng ta vẫn cực kỳ tùy hứng, phía sau cũng không có tùy tùng. Nàng ta đến một mình sao?

Di Thù im lặng dò xét nàng, Khương Trầm Ngư mím môi, lùi ra sau một bước, ôm đàn hành nửa lễ: “A Ngu bái kiến Trình vương bệ hạ”.

Di Thù nhếch môi cười, “Ngu cô nương đa lễ rồi. Cô nương đến tìm Yên vương bệ hạ? Ngài đang ở bên trong… Có điều, trước khi vào có thể nói với cô nương đôi lời không?”.

Điều này cũng là điều Khương Trầm Ngư muốn, nàng muốn nghe xem rốt cuộc người này còn có điều gì để nói với nàng. Nàng lập tức đi theo Di Thì rẽ sang một góc, bước đến dưới gốc liễu trong hậu viện.

Gió thổi cành liễu đung đưa, mặt hồ xao động, sóng nước lăn tăn.

Di Thù chăm chú nhìn những gợn sóng đó, như ngây như ngốc, cứ lặng lẽ nhìn mãi như thế, đến khi Khương Trầm Ngư buộc phải lên tiếng nhắc nhở: “Bệ hạ?”.

Ánh mắt Di Thù run rẩy, tĩnh trí trở lại, khi nhìn sang nàng, trong đó thấp thoáng tiếng cười, sau đó, nàng ta lấy ra một chiếc hộp từ trong tay sao, đưa đến trước mặt nàng.

Khương Trầm Ngư cầm lấy, mở nắp hộp, một mùi thơm kỳ lạ xộc vào mũi, bên trong đựng đầy dược cao, màu sắc đen tuyền, sáng loáng dị thường.

“Đây là Nha Ngọc”, Di Thù giải thích, “có thể nối xương liền gân trị thương, là một trong các mật bảo của nước ta”.

Khương Trầm Ngư gật đầu nói: “Một đất nước nổi danh nhờ giết chóc, phương pháp trị thương đương nhiên cũng phải cao minh”. Nàng nói không hề khách khí, tuyệt nhiên không có ý cảm tạ, vì thế đáy mắt Di Thù lóe lên một tia không vui, nhưng rất mau đã ẩn đi, cười nói: “Trước đây không biết thân phận của nương nương, đã đắc tội nhiều”.

Khi Di Thù bật ra hai chữ nương nương, Khương Trầm Ngư biết ngay thân phận của mình đã bại lộ, tuy không biết là ai tiết lộ, và làm sao lại tiết lộ, nhưng chuyện đó đã không còn quan trọng nữa. Điều quan trọng là rõ ràng Di Thù dùng hai chữ này ám thị nàng, cảnh cáo nàng, giả vờ làm hòa.

Khương Trầm Ngư cười khẩy trong lòng: Trên thế gian này làm gì có chuyện dễ dàng như thế?

Di Thù tươi cười nói “May mà vẫn không gây ra lỗi lầm lớn, cho nên, nương nương nhận quà của ta, sẽ không giận ta nữa, được không?”.

“Không gây ra lỗi lầm lớn”, Khương Trầm Ngư nhắc lại một lần nữa rất chậm, rất chậm, “Một cánh tay, một con mắt và hai cái chân, đối với bệ hạ mà nói, hoàn toàn không là gì sao?”.

Gương mặt tươi cười của Di Thù không thay đổi, nhưng ánh mắt lại trở nên sâu xa, thong thả nói: “Đương nhiên không là gì. Có lẽ nói ra hơi tàn khốc, nhưng chắc chắn
nương nương chưa từng giết người phải không?”.

Khương Trầm Ngư nhớ đến tên thích khách chết dưới lưỡi chủy thủy của mình.

“Nếu nương nương đã từng giết người, hơn nữa từng giết rất nhiều rất nhiều người thì sẽ biết muốn đối phó ai, muốn ai chết, ai khiến ta không vui thì phải cho hắn đau khổ hơn ta – Những điều này đều biến thành một chuyện vô cùng đơn giản và dễ dàng”.

Khương Trầm Ngư không kìm được hỏi: “Ta khiến bệ hạ không vui?”.

Di Thù mím môi, cười cười tự giễu mình: “Thực ra ta rất hổ thẹn, nhưng nếu như có thể làm lại, ta vẫn làm như thế. Ta nói rồi, khi nương nương trải qua một số chuyện rất tăm tối, đạo đức với luân lý đối với nương nương mà nói sẽ hoàn toàn không có tác dụng nào. Tì nữ chải đầu cho ta, làm gãy một sợi tóc đen, ta liền không hề thương xót vả cho nó một cái bạt tai; cung nhân đánh cờ với ta, ăn của ta một quân cờ, ta liền có thể chém rơi đầu hắn… Cho nên, một nữ nhân xấu xí lại trở thành lý do khiến ta bị một nam nhân nào đó cự tuyệt trên giường, vậy thì muốn thị chết chẳng phải sẽ trở nên không khó lý giải lắm sao?”.

“Tại sao bệ hạ có thể thẳng thắn nói ra những chuyện này?”. Khương Trầm Ngư cảm thấy hơi khó hiểu. Thực ra, Di Thù có thể phủ nhận, càng không cần chủ động nhắc tới, nhưng ả lại hẹn nàng, nói những lời gan ruột này, là vì cái gì?

Di Thù vuốt tóc cười, cười đầy vẻ phong tình: “Làm thì đã làm rồi, có gì mà không thể thẳng thắn chứ? Càng huống hồ, bây giờ chẳng phải bức tường ngăn cách giữa chúng ta lúc đó đã biến mất rồi sao? Nương nương không phải là sư muội của Đông Bích hầu, mà là phi tử của Bích vương… Vậy thì, y mượn nương nương làm lý do cự tuyệt ta, rõ ràng chỉ là kiếm cớ mà thôi. Lý do để đố kỵ đã không còn, ta bắt đầu phát hiện, ta rất thích nương nương. Nói trắng ra, nương nương có thân phận vương phi cao quý lại đích thân đến Trình quốc, đúng là cực kỳ to gan, lại cực kỳ tiêu sái. Thậm chí ta cảm thấy chúng ta có thể trở thành bạn tốt, nương nương thấy sao?”.

Khương Trầm Ngư im lặng nhìn nàng ta.

Di Thù hữu nghị chìa tay với nàng.

Khương Trầm Ngư nhìn tay nàng ta, sau đó, đóng nắp hộp Nha Ngọc, đưa trả lại.

Di Thù lộ biểu cảm kinh ngạc bất ngờ.

Khương Trầm Ngư mỉm cười, rất bình tĩnh nói: “Không. Chúng ta không thể trở thành bạn tốt, vĩnh viễn không thể. Đa tạ thuốc của bệ hạ, nhưng, ta nghĩ, ảnh sĩ của ta đã không thể dùng được nữa rồi”. Nói đoạn, quay người bỏ đi.

Di Thù ngẩn người cầm chiếc hộp thuốc đó, vứt đi cũng không phải, giữ lại cũng không xong, lập tức giận dữ quát: “Khương Trầm Ngư, ngươi đừng có rượu mời không uống uống rượu phạt, ngươi tưởng ta thực sự vì thân phận của ngươi mới sợ ngươi, nên đến xin lỗi ngươi, cầu hòa với ngươi chắc? Một kẻ lớn lên trong nhung lụa, thuận buồm xuôi gió như ngươi có tư cách gì để khinh thường ta, cười nhạo ta? Nếu như phụ thân của ngươi cũng là một kẻ cầm thú đội lốt người, nếu như mẫu thân của ngươi nhu nhược vô năng đến bản thân cũng không bảo vệ được càng không nói đến bảo vệ ngươi, nếu các ca ca của ngươi đối tốt với ngươi chỉ vì muốn làm hoàng đế, nếu ngươi đã trải qua hết thảy những chuyện ta đã trải qua, ta không tin ngươi còn có thể thanh cao, bận tâm đến chuyện sống chết của một tên hạ nhân, miệng đầy nhân nghĩa đạo đức như thế…”.

Khương Trầm Ngư đột ngột quay đầu, đăm đăm nhìn nàng ta, trầm giọng nói: “Ta từ chối ngươi, không phải vì khinh bỉ, vì cười nhạo, càng không phải vì coi thường”.

Di Thù sững người trong giây lát.

Khương Trầm Ngư nói: “Ta chỉ đơn thuần không thích ngươi mà thôi”. Nói rồi tiếp tục đi về phía trước, lần này không hề ngừng bước quay đầu.

Công tử nói nàng cần phải chờ đợi.

Công tử nói nàng có thể bướng bỉnh.

Nàng thực lực không đủ, không báo được thù. Được, nàng chờ.

Thế nhưng, chờ đợi không có nghĩa là quên đi, không có nghĩa là thỏa hiệp, một hộp Ngọc Nha không đổi được cả đời sau này của Sư Tẩu. Nàng không chấp nhận sự hòa giải kiểu này. Cũng không chấp nhận trở thành bạn bè với loại người này.

Mẫu thân từng nói không được dễ dàng ghét bỏ người khác, vì khi làm tổn thương đối phương, đồng thời bản thân mình cũng trở nên hẹp hòi.

Mẫu thân nói làm người phải khoan dung.

Nhưng, tại sao không thể ghét bỏ? Tại sao nhất định phải tha thứ? Nàng không phải người xuất gia, cũng chẳng phải Bồ Tát, nàng chỉ là một người bình thường.

Cho nên, nàng lựa chọn căm ghét Di Thù, tuyệt đối không tha thứ!

Khương Trầm Ngư ôm đàn về trước cửa phòng Yên vương, vừa hay Như Ý đẩy cửa bước ra, nhìn thấy nàng, kinh ngạc mà vui vẻ kêu lên: ‘Ngu cô nương? Cô nương đến cầu kiến thánh thượng nhà ta sao? Ta đi thông báo ngay…”.

Khương Trầm Ngư ngăn hắn lại, nói: “Không cần đâu. Ta đứng bên ngoài nói mấy câu là được rồi”.

Như Ý ngoẹo đầu, ánh mắt rơi xuống cây đàn Lôi Ngã: “Tại sao Ngu cô nương lại ôm đàn đến? A! Lẽ nào đặc biệt đến chơi đàn để cáo biệt chúng ta?”.

Khương Trầm Ngư cười mỉm: “Đúng thế”.

“Hay qua! Ta đi lấy cho cô nương cái ghế!”. Như Ý nói rồi vội vã chạy vào trong, không lâu sau, cùng Cát Tường khiêng một bộ bàn ghế ra. Khương Trầm Ngư đặt đàn lên bàn, ngồi xuống, nghỉ một lát, rồi gẩy khúc “Cao Sơn Lưu Thủy”.

Ngón tay lướt, dây đàn rung, thanh âm tuôn trào.

Núi trang nghiêm, nước trong lành, gió phe phẩy, tình chớm dâng, đều lần lượt ngân lên dưới ngón tay nàng.

Núi cao sừng sững, nước chảy dạt dào, mây mù chờn vờn, âm luật mênh mang. Cảnh sinh từ đàn, nổi lên cùng nhạc, một khúc đàn dứt, khiến người chẳng biết đêm nay là đêm nao.

Như Ý hơi há miệng, hồi lâu không thể cử động, đến khi hắn sực tỉnh, nhận ra tiếng đàn đã ngừng, liền phát hiện bàn ghế trước mặt trống không, nào có bóng dáng
Khương Trầm Ngư? Chỉ còn cây đàn Lôi Ngã đó vẫn đặt trên bàn như cũ.

“Hả? Ngu cô nương đâu? Ngu cô nương! Ngu cô nương!”. Hắn đang định đuổi theo, Chương Hoa đã nói vọng từ trong phòng ra: “Đừng gọi nữa, nàng ấy đi rồi”.

“Nhưng Ngu cô nương quên mang đàn theo!”.

“Nàng ấy không quên”.

“Hả?”.

Chương Hoa thở dài, khẽ nói: “Lần này nàng ấy đến đây là để trả lại ta cây đàn này mà thôi”.

Như Ý trợn tròn mắt, nghĩ mãi không hiểu.

Mà bấy giờ Khương Trầm Ngư đã về đến dịch sở của Bích quốc.

Mới vừa bước vào sân, đã nghe thấy một câu: “Thật giảo hoạt”.

Nàng quay lại thấy Tiết Thái sang ngồi bên Mạn Châu Sa Hoa, xung quanh không còn ai khác. Nàng không khỏi nhướn mày: “Ngươi đang nói với ta?”.

“Ngoài ngươi ra, còn ai khác nữa?”. Tiết Thái mím môi cười lạnh lùng, lại nói lại lần nữa: “Thật giảo hoạt”.

“Ta không hiểu ý của ngươi”.

Tiết Thái vứt hoa xuống, đứng dậy, nhìn thẳng nàng: “Tại sao ngươi lại trả đàn cho Yên vương?”.

“Thất phu vô tội, nhưng thân giấu ngọc mới là mang tội (*). Thân là vương phi của Bích quốc, ta sao có thể lén nhận đàn của Yên vương, chuyện truyền ra ngoài, sẽ khiến người đời dị nghị”.

(*) Ý của câu này là bảo vật sẽ dẫn đến tai họa.

“E rằng không chỉ như thế?”. Tiết Thái tiến đến gần nàng thêm một bước, ánh mắt sâu thẳm.

“Vậy ngươi nghĩ ta còn dụng ý gì?”.

“Lùi để tiến. Hôm nay ngươi trả lại một cây đàn, ngày mai nếu ngươi hỏi xin ngài thứ khác, ngài sẽ không thể từ chối”. Tiết Thái chớp chớp mắt, “Nước cờ tuyệt diệu này, ta không tin ngươi không nghĩ tới”.

Khương Trầm Ngư đảo mắt, cũng cười nói: “Tùy ngươi nói thế nào cũng được”.

“Cho nên ta mới nói ngươi giảo hoạt mà!”.

“Như nhau như nhau!”. Hai người vừa nói vừa sóng vai bước tiếp.

Khương Trầm Ngư ngẫm nghĩ, hỏi: “Hôm đó rốt cuộc ngươi dâng Yên vương lễ vật gì? Tại sao ngài nhìn thấy lễ vật lại chấn động đến thế?”.

Tiết Thái cau mày: “Ngươi muốn biết?”.

“Ừ”. Thấy hắn sắp chớp mắt, Khương Trầm Ngư vội nói: “Ngươi đừng bảo ta đoán! Nếu ngươi không nói cho ta biết, ta sẽ hỏi thẳng công tử. Ta nghĩ, công tử nhất định sẽ nói với ta”.

Ánh sáng trong mắt Tiết Thái vụt tắt, hừ một tiếng, khẽ nói: “Hồng nhan họa thủy”.

Khương Trầm Ngư vờ như không nghe thấy.

Thế là Tiết Thái đành trả lời: “Thứ ta dâng lên ngài là một loại bươm bướm, tên là Vũ Thủy điệp”.

“Bươm bướm?”. Không thể không nói, đáp án này quá sức bất ngờ.

“Yên vương thích bươm bướm, đủ loại đủ kiểu bươm bướm. Mà loại Vũ Thủy điệp này có thể nói là loài bươm bướm đẹp nhất, quý hiếm nhất trên đời, đúng như tên gọi của nó, nó sinh sống bên dòng nước, thích ẩm ướt, chỉ có trong lãnh thổ Trình quốc, mà hễ rời khỏi nơi sinh trưởng là chết ngay. Yên vương tốn bao nhiêu năm, nhưng mỗi lần vắt vả bắt được, khi đưa đến tay ngài, bươm bướm đều chết cả. Cho nên lần này ngài đích thân đến Trình quốc bắt bướm”.

“Quả thực không thể tưởng tượng”.

“Thực ra ta cảm thấy không có gì kỳ quái, thân là một đế vương, áp lực quá nặng nề, trách nhiệm quá lớn lao, nếu không tìm chút thú vui để ký thác và phát tiết một chút, rất dễ quỵ ngã. Cho nên, đối với Yên vương mà nói, ngài mê mẫn những con bướm tuyệt mỹ; đối với thần tử của Yên vương mà nói, quân vương anh minh của họ có một thú vui nhỏ tao nhã chẳng ảnh hưởng đến ai. Đôi bên đều vui vẻ”.

“Đợi đã, ngươi nói loài bướm đó hễ rời khỏi nơi sinh trưởng là chết, nhưng ngươi dâng con bướm còn sống cho Yên vương?”. Khương Trầm Ngư nắm được then chốt của vấn đề.

Tiết Thái gật đầu: “Không sai!”.

“Làm thế nào vậy?”.

“Rất đơn giản, đem tặng cả nước đó là được”. Tiết Thái nói đến đây, nhếch miệng khinh bỉ nói: “Cho nên mới nói những kẻ mà Yên vương phái đi trước đây đều là bọn ngốc, chỉ biết bắt bướm nhét vào ống trúc mang về dâng vua. Hết con này đến con khác chết, tìm đủ nguyên nhân, cho rằng thức ăn không đúng, khí hậu không thích hợp… Ngốc chết đi được”.

Khương Trầm Ngư bỗng thấy buồn.

Vốn tưởng Tiết Thái gặp biến cố lớn tính tình thay đổi, kết quả, thay đổi thì có thay đổi, chỉ có điều, hắn trở nên càng cay nghiệt hơn.

Hai ngươi đang nói chuyện, Lý Khánh nhìn thấy họ qua cửa sổ hoa sảnh, lập tức chạy ra, nén thấp giọng nói: “A Ngu cô nương, Nghi vương bệ hạ chờ cô nương ở trong rất lâu rồi”.

Khương Trầm Ngư hơi ngạc nhiên, vội vàng bỏ lại Tiết Thái đi vào hoa sảnh, thấy Hách Dịch ngồi trong sảnh, vừa uống trà vừa nói cười cùng thị nữ dâng trà, thấy nàng tới, chàng đặt tách trà xuống, đứng dậy mỉm cười.

Khương Trầm Ngư ra hiệu thị nữ đó lui ra.

Ánh mắt Hách Dịch lưu luyến theo bóng thị nữ đó hồi lâu mới thu lại, tiếc nuối nói: “Trà của Tiểu Tình pha rất ngon, đáng tiếc quá, e rằng đây cũng là lần cuối cùng ta được uống trà nàng ấy pha”.

Khương Trầm Ngư cười nói: “Nếu bệ hạ thích, sau này có thể năng đến Bích quốc. Ta nhất định sẽ cắt đặt nàng ta pha trà cho bệ hạ”.

“Được, nàng hứa rồi nhé”. Hai ngừơi nhìn nhau cười, cười rồi lại cười, nhưng Hách Dịch không cười nổi nữa.

Chàng ngừng cười, ánh mắt sâu thẳm nhìn nàng chăm chú, chậm rãi nói: “Ta xin lỗi Thục phi nương nương vì sự đường đột trước đây của ta”.

Hàng mi Khương Trầm Ngư run run, “Cuối cùng bệ hạ đã biết rồi…”.

“Đúng thế. Biết rồi…”, giọng nói của Hách Dịch nhẹ nhàng khó tả, nhưng lọt vào tai nàng liền trở nên vô cùng nặng nề, “Biết quá muộn. Đúng không?”.

Đến đây, còn có thể nói gì? Khương Trầm Ngư đáp: “Xin…”.

Hách Dịch giơ ngón tay lên, khẽ lắc: “Nàng không cần nói xin lỗi, nàng căn bản không nợ ta thứ gì… Tất cả… đều là ta… là ta chỉ nghĩ đến cảm xúc của bản thân, cưỡng ép người khác. Người nên xin lỗi… là ta”.

Khương Trầm Ngư đăm đăm nhìn chàng, mỉm cười dịu giọng nói: “Bệ hạ cũng không cần xin lỗi. Bởi vì… bệ hạ đã cho một nữ tử như tiện thiếp sự tán thưởng lớn nhất, ta thực sự rất cảm kích ngài”.

Ánh mắt Hách Dịch từ nhạt chuyển dần sang đậm.

Khương Trầm Ngư tiếp tục nói: “Kỳ thực, lần này ta xuất cung cũng là bất đắc dĩ. Ta thường nghĩ chắc chắn là vì ta không tốt, cho nên mới không thể hạnh phúc như những nữ tử đã gả chồng khác. Khi ta làm tất cả những chuyện mà trong mắt người khác có thể coi là không thể tưởng tượng nổi đó, sẽ cảm thấy khó nén nỗi bi thương. Thế nhưng, may mà ta gặp được bệ hạ. Thứ bệ hạ cho ta là thứ ấm áp nhất đẹp đẽ nhất thế gian. Một người có thể được một người khác yêu mến, đối với người ấy mà nói, đó là một sự khẳng định to lớn biết bao. Cho nên ta phải đa tạ bệ hạ”.

“Tiểu Ngu…”.

“Bệ hạ, ta là Trầm Ngư. Khương Trầm Ngư”.

Hách Dịch vẫn cố chấp: “Tiểu Ngu”.

Khương Trầm Ngư trầm ngâm một lúc, không kiên trì nữa: “Được, Tiểu Ngu”.

“Giữa chúng ta từng có một giao ước”.

“Đúng thế, chúng ta có giao ước”.

“Bây giờ, đến lúc thực hiện giao ước đó rồi”. Hách Dịch vừa nói vừa lấy từ trong tay áo ra một vật, đó là ba cây pháo hoa dài bằng ngón tay, vô cùng tinh xảo.

“Đây là Lam Diễm (pháo hoa) cực phẩm tiến cống năm nay, tổng cộng có sáu cây, vốn định dùng vào dịp quốc khánh. Bây giờ ta giao ba cây này cho nàng. Một cây pháo hoa tượng trưng cho một nguyện vọng ta nợ nàng. Ngày nào đó, nếu nàng nhớ ra muốn yêu cầu gì, hãy đem nó đến bất cứ cửa hiệu nào của Nghi quốc, ta sẽ biết”.

Ba cây pháo hoa nhỏ xíu nhẹ bẫng, nhưng vì có một lời hứa như thế mà trở nên nặng tựa ngàn cân.

Khương Trầm Ngư lặng lẽ đưa hai tay nhận lấy, khi ngước mắt lên, mắt đã hoe đỏ. “Ta có thể dùng bây giờ không?”.

Hách Dịch trợn mắt vì bất ngờ.

Khương Trầm Ngư lấy cây thứ nhất, đặt vào lòng bàn tay chàng, khẽ nói: “Nguyện vọng đầu tiên của ta, hy vọng bệ hạ khỏe mạnh”. Bởi vì, khỏe mạnh thực sự là điều rất quan trọng, rất quan trọng. Mà công tử của nàng đã không còn khỏe mạnh nữa.

Khương Trầm Ngư lấy cây thứ hai, đặt vào trong lòng bàn tay chàng, khẽ nói:

“Nguyện vọng thứ hai của ta, hy vọng bệ hạ không đau buồn, ít nhất, không buồn vì Tiểu Ngu. Nếu như bệ hạ gặp phải chuyện gì buồn, hãy nhớ đến cách xa vạn nước nghìn non, có một người hy vọng bệ hạ vui vẻ, vậy thì, hãy thử nở một nụ cười. Ngài là Duyệt đế, mà muốn làm dân vui, trước tiên, phải làm mình vui trước đã”. Đời này của nàng chung quy sẽ phụ người này. Hách Dịch đến quá muộn… Giống như nàng xuất hiện quá muộn đối với công tử. Đem lòng ấy so với lòng này, nàng không nhẫn tâm làm tổn thương Hách Dịch, giống như không nhẫn tâm làm tổn thương chính mình.

Hách Dịch nhìn nàng, nhìn nàng đăm đăm, không hề chớp mắt, tựa như thời gian được chăm chú ngắm nhìn nàng rất ngắn, mỗi lần chớp mắt, sẽ khiến thời gian này ngắn đi.

Đau lòng nhất là thời khắc ly biệt.

Nhất là trong thời khắc như thế, Khương Trầm Ngư dùng ba lời hứa của chàng, chỉ mong chàng được hạnh phúc.

“Nguyện vọng thứ ba của ta…”. Nhìn thấy nàng sắp lấy cây pháo hoa cuối cùng đặt vào tay mình, Hách Dịch vội vàng nắm lấy tay nàng, trầm giọng nói: “Cây cuối cùng này… hãy giữ lại cho mình”.

Khương Trầm Ngư mím môi cười nói: “Ta vẫn chưa nói ngài đã ngăn, sao có thể biết nguyện vọng này không phải dành cho ta?”.

Hách Dịch sững người, buông tay.

“Nguyện vọng thứ ba của ta… chính là hy vọng bệ hạ có thể cùng ta bắn ba cây pháo hoa này ngay bây giờ. Bởi vì, lễ mừng quốc khánh của Nghi quốc, chắc chắn ta không thể chứng kiến, cho nên, hãy để cho ta được tận mắt ngắm nhìn pháo hoa Lam Diễm nổi danh thiên hạ này ở đây”. Khương Trầm Ngư ngẩng đầu,mỉm cười rạng rỡ với chàng, “Yêu cầu này có được không?”.

Đôi mắt Hách Dịch loang loáng nước, mãi sau, mỉm cười đáp lời nàng: “Được”.

Lam Diễm nở rộ.

Giữa ban ngày mà vẫn vô cùng rực rỡ.

Dưới bầu trời pháo hoa, sứ xa của Bích quốc đã chỉnh đốn xong, bánh xe lăn trên đá xanh, đội ngũ dài dằng dặc chậm rãi tiến về phía bến cảng.

Khương Trầm Ngư nhìn bầu trời bên ngoài cửa sổ, tầng không xanh thẳm như thế, pháo hoa đẹp đẽ như thế.

Tiết Thái bên cạnh ngó đầu nhìn, sau cùng dán mắt nhìn nàng hồi lâu, biểu cảm kỳ quái.

Khương Trầm Ngư không kìm được hỏi: “Tại sao ngươi lại nhìn ta như thế?”.

“Ngươi có biết ba lời hứa của Nghi vương có nghĩa là gì không?”.

“Có nghĩa là gì?”.

“Nghĩa là chỉ cần ngươi thích, ngươi có thể tùy ý có được muôn vàn tiền bạc; chỉ cần ngươi thích, người có thể dùng vàng ném người đến tê cả tay; chỉ cần ngươi thích, ngươi có thể ngày ngày gan rồng dạ phượng hưởng hết tất cả những thứ có thể dùng tiền hưởng thụ được…”.

Khương Trầm Ngư nghe đến đây, cười phì một tiếng: “Bị ngươi nói như thế, giống như chỉ còn lại tiền thôi”.

“Vốn là tiền mà. Bỏ qua một đại thần tài như thế, đồ ngốc”.
Khương Trầm Ngư cười cười, cụp mắt xuống, sau cùng khẽ nói: “Ta không phải không biết sự quan trong của tiền bạc, ta cũng không thanh cao đến mức nói ta không cần tiền, chỉ có điều…”.

Tiết Thái nghiêng tai lắng nghe.

“Người này thích ta. Tiểu Thái”. Giọng nói của nàng rất khẽ rất khẽ, ánh mắt rất đỗi dịu dàng, nàng nói bằng một thứ tình cảm xuất phát từ gan ruột, “Không tính toán thân phận, không để ý được mất, đơn thuần chỉ vì ta là ta mà thích ta như thế. Cho nên, khi đối diện với sự yếu mềm ấy, ta không có cách nào nghĩ đến chuyện như đường lùi với lợi ích… Điều duy nhất ta có thể làm chính là làm hết khả năng để duy trì sự thuần túy của nó”.

Đôi mắt Tiết Thái đen và sâu thăm thẳm.

Mặt Khương Trầm Ngư hơi đỏ lên, “Đến khi ngươi lớn ngươi sẽ biết, có thể được người ta thích là chuyện khó khăn biết bao nhiêu…”.

Vẻ mặt Tiết Thái thoắt biến đổi, cuối cùng hừ một tiếng, quay mặt đi.

Xe đi được nửa canh giờ mới đến bến cảng. Xa xa, nước biển xanh ngăn ngắt và bầu trời xanh vời vợi chiếu rọi lẫn nhau, mặt trời nhô lên đằng Đông, rang đỏ nhuộm một vùng chân trời, lại gần hơn chút nữa, có tiếng hải âu kêu lảnh lót, đám thuyền viên căng buồm, một cơn gió nổi, lá cờ gấm bay phần phật.

Mùa hạ thật tươi đẹp.

Lại là một ngày thời tiết tốt, nắng vàng rực rỡ.

Thế nhưng, thọ mệnh của công tử cũng ngắn đi một ngày.

Khương Trầm Ngư chăm chú nhìn mặt nước bị ánh dương phản chiếu thành ngũ sắc lấp loáng, không khỏi nghĩ: Nếu như, nếu như tình yêu của ta có thể khiến công tử khỏe hơn, vậy thì, ta sẽ càng yêu, càng yêu chàng hơn; nếu như, nếu như ta không yêu công tử, mà có thể khiến bệnh tình của chàng tốt lên, vậy thì ta thà từ bỏ mối tình này.

Thần phật ơi, hãy tha thứ cho giây phút yếu đuối này của con.

Yếu đuối đếnmức dùng sự cân nhắc hão huyền này để mong cầu một kết quả.

Bởi vì, con thực sự, thực sự, thực sự, quá bất lực.

Cũng thực sự, thực sự bi thương.

Cho dù thế nào, xin nhất định, nhất định phải phù hộ cho công tử, để chàng khỏe lại, khỏe lại…

Anh quân tử hoa, triêu bạch ngọ hồng mộ tử, tận phương hoa diệt bất quá quán tuyệt nhất tịch.

Ngu mỹ nhân thảo, xuân thanh hạ lục thu hoàng, sổ trung trinh nan đắc duyên kết tam quý.

(Hoa anh (đào) quân tử, sáng trắng trưa đỏ chiều tím, phô hết hương thơm cũng chẳng quá một đêm

Cỏ Ngu Mỹ Nhân, xuân xanh hạ biếc thu vàng, mấy bận trung trinh khó có thể duyên kết ba mùa)

Đầu thuyền, tiếng tù và vang lên…

Thuyền rời bến cảng, đi về hướng Trình quốc.

HẾT QUYỂN MỘT

Họa Quốc

Họa Quốc

Score 6
Status: Completed Author:

Tứ quốc Yên, Bích, Nghi, Trình tứ phân thiên hạ, mỗi nước làm chủ một phương.

Tiểu nữ Trầm Ngư của hữu tướng Bích quốc nghi dung đoan trang, hiền thục ôn hòa, đem lòng ngưỡng mộ công tử Cơ Anh của Cơ thị - một trong tứ đại thế gia của Bích quốc. Hai nhà Khương – Cơ chuẩn bị có mối liên hôn, nhưng lại bị quân vương Chiêu Doãn ngáng chân chặt đứt, một đạo thánh chỉ, ngày tốt nhập cung.

Khương Trầm Ngư vì lợi ích của gia tộc, lãnh chỉ tiến cung.

Nhưng nàng lại không cam tâm trở thành phi tử của đế vương, không cam lòng cứ như vậy chết già trong cung cấm, cho nên nàng đã tình nguyện thỉnh cầu được trở thành mưu sĩ của Chiêu Doãn.

Chiêu Doãn phái nàng đi sứ Trình quốc, trên danh nghĩa là chúc thọ Trình vương, nhưng thực chất là đảm đương trọng trách làm tình báo. Không thể ngờ rằng bắt đầu từ đây chính Khương Trầm Ngư nàng đã viết ra những trang sử mới cho tứ quốc…

Con tạo bắt đầu xoay vần: Từ một thiếu nữ đa tình ngây thơ thuần khiết trở thành hoàng hậu mẫu nghi thiên hạ; từ một nữ tử liễu yếu đào tơ chịu theo sự sắp đặt của người khác trở thành nữ vương một triều hô phong hoán vũ…

Họa quốc khuynh thiên hạ là đây.

Nhớ năm nào rạng rỡ vẻ vang
Biết bao thanh niên tài đức
Hào hoa tuyệt thế
Đến cuối cùng
Lại đều chỉ vì tác thành
Tác thành quân vương trị vì thiên hạ
Tác thành công huân vô song
Tác thành truyền kỳ Phượng hoàng
Niết bàn của ta

Khương Trầm Ngư

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset