Vận mệnh rốt cuộc có chuyển ngoặt không?
Hay cái chúng ta tưởng là chuyển biến
lớn, chẳng qua là kết quả của các loại nhân
duyên nước chảy tất thành mương.
Nước mắt tồn tại vì điều gì?
Có phải không khóc, là có thể thoát khỏi bi
thương chăng?
Ngàn thu tịch liêu, tàn một giấc mộng
1.1
Gió đông gào thét, sắc trời mịt mù
Tuyết đông đêm qua chưa tan, trời lạnh buốt. Nhìn ra ngoài từ phía sau rèm kiệu, chỉ cảm thấy hết thảy đều âm u, giữa thành lũy san sát, canh gác nghiêm ngặt, mấy thân tùng bách trải qua đông giá vẫn không tàn lụi có vẻ ảm đạm rõ rệt. Ban ngày mà vẫn thắp đèn trên hành lang, từ xa nhìn lại giống như một dải màu đỏ liên miên uốn lượn, dường như không có điểm cuối.
Hai bên là những tòa nhà tường đỏ, móng đá màu xanh trắng, ngói lưu ly màu vàng, được trang trí bằng những bức tranh màu rực rỡ, hình vẽ phần lớn là rồng phượng, tuy rằng hoành tráng, nhưng lại thiếu vẻ tinh thế.
Khương Trầm Ngư nghĩ, chung quy nàng vẫn không thích hoàng cung.
Nếu năm đó, một đạo thánh chỉ ban xuống, người được chọn không phải tỉ tỉ mà là nàng, thực không biết phải làm thế nào để trải qua cuộc đời dài đằng đẳng trong thâm cung nội viện….. May mà tỉ tỉ khôn khéo hiểu đời, mới có thể thuận lợi được thánh quyền ân sủng
Đương nghĩ đến đây, kiệu chợt dừng lại, phía trước truyền tới một giọng nói: “Trong kiệu có phải Khương gia tỉ tỉ không?”.
Nàng vén rèm kiệu lên, liền nhìn thấy một gương mặt tươi cười tiến đến trước mặt: “A ha! Quả nhiên là Khương gia tỉ tỉ! Hôm nay tỉ đến thăm Khương quý nhân sao? Sao không nói trước với ta một tiếng? Nếu không phải vừa khéo gặp nhau ở đây, ta còn không biết tỉ đến nữa…”.
Thiếu nữ đó nói liến thoáng, nhả chữ như ngọc, ước chừng mười ba, mười bốn tuổi, thân hình còn chưa phát triển hết, dung mạo bình bình, nhưng thần thái hồn nhiên rạng rỡ,lộ rõ vẻ được nuông chiều. Người này không phải ai khác, chính là đương kim hoàng muội, công chúa Chiêu Loan.
Khương Trầm Ngư vội vàng xuống kiệu, cúi mình định khấu đầu, Chiêu Loan liền kéo tay nàng, cười nói: “Giữa tỉ và ta, sao còn đa lễ. Vừa khéo gặp nhau, ta cùng tỉ đi thăm Khương quý nhân nhé”.
Nàng sao dám chối từ, nhưng thấy sau lưng công chúa chỉ có hai cung nữ theo hầu, không ngồi xe, bụng nghĩ kiệu của mình chắc không thể ngồi tiếp, bèn dứt khoát bỏ kiệ mà đi cùng công chúa. Dọc đường vừa đi vừa chuyện trò, cung nhân hai bên đường đều cúi đầu hành lễ.
“Sao công chúa lại tới đây?”.
“Ta vừa yết kiến thái hậu xong, đang định đến tiền điện gặp hoàng huynh thì gặp tỉ. Đúng rồi, nghe nói tháng trước tỉ tỉ làm lễ cập kê (*), đáng tiếc ta lại không thể đến xem lễ. Chúng ta dễ chừng nửa năm chưa gặp, tỉ còn đẹp hơn so với ấn tượng của ta”. Chiêu Loan nói đến đây, không kìm được cảm khái, “Thế gian này, quả nhiên chỉ có đệ nhất mỹ nhân của Bích quốc là tỉ, mới xứng với cái tên ‘Trầm Ngư’ (**)”.
Trong giây lát, mặt Khương Trầm Ngư đỏ bừng lên, nàng khẽ nói: “Lời của công chúa làm ta thật xấu hổ, không nói đâu xa, chỉ trong hoàng cung này, Tiết hoàng hậu cao quý, Cơ quý tần tài hoa phong nhã, ta đều không bì kịp, huống hồ…. còn có Hy Hòa phu nhân đó, nàng mới là đệ nhất mỹ nhân được cả bốn nước công nhận”.
Mặt Chiêu Loan bỗng lộ vẻ chán ghét, “hừ” một tiếng,nói: “Yêu phi đó ư? Tỉ không nhắc đến ả thì thôi, nhắc đến ta liền thấy bực, ả đúng là chỉ lo thiên hạ không loạn, một ngày cũng không yên. Tỉ có biết vì sao tả phải tới tiền điện tìm hoàng huynh không? Cũng chính vì ả gây cơn sóng gió đó!”.
Khương Trầm Ngư hơi ngẩn ra, vẫn còn mù mờ, Chiêu Loan đã kéo tay nàng đi qua Ngọc Hoa môn, từ xa chỉ về phía Cảnh Dương điện, nói: ” Đó, tỉ xem!”.
Phóng tầm mắt nhìn ra xa, xuyên qua những hàng cột khảm ngọc, chỉ thấy một nữ tử đang quỳ trước bậc thềm ngoài điện.
Vì sắc trời mờ tối, cảnh vật xung quanh đều ảm đạm, ánh lên sắc xanh tối u ám, chỉ có nàng ta khoác một chiếc áo lông chồn trắng, giữa cảnh trí như vậy, trắng đến nhức mắt, trắng đến trêu ngươi, trắng đến kinh động hồn phách.
Tuy rằng khoảng cách xa xôi, dung mạo mơ hồ, nhưng chỉ dựa vào bóng dáng khí thế áp đảo ấy, Khương Trầm Ngư đã đoán được đó chắc chắn là Hy Hòa phu nhân.
“Tạ sao phu nhân lại quỳ trước điện”
Chiêu Loan nhếch môi, khinh miệt nói: “Khổ nhục kế thôi. Ả bị ấm ức, muốn đòi lại công bằng”.
Khương Trầm Ngư không kìm được lại đờ đẫn, thầm nghĩ: Dưới gầm trời này lại có người dám bắt nạt người con gái này sao?
Quả thực nàng đã nghe rất nhiều, biết rất nhiều về Hy Hòa phu nhân, nguyên nhân là vì tỉ tỉ nàng coi nữ tử này là kẻ địch lớn nhất, hận đến xương tủy, đến cả trên dưới Khương gia đều coi Hy Hòa phu nhân là hồng thủy mãnh thú, lúc nào cũng lo lắng, suy nghĩ thế nào mới có thể trừ bỏ tảng đá ngáng chân này.
Nhưng nghĩ đi nghĩ lại vẫn không có cơ hội hạ thủ, hiện giờ Hy Hòa phu nhân đang được ân sủng, có khí thế “vứt bỏ ba nghìn, chỉ sủng một người”. THậm chí chỉ vì phu nhân thích ngọc lưu ly, hoàng đế bèn cho dựng một tòa Lưu Ly cung, từ ngói đến tường, từ cửa sổ đến cửa ra vào, còn có lan can, sàn nhà, đâu đâu cũng làm bằng lưu ly, ngũ sắc lóng lánh.
Xa xỉ như thế, thối nát như thế, khiến cho quần thần bất mãn, nghị luận không dứt, nhưng nữ tử bị bàn tán đó vẫn phô trương đắc ý, không hề giữ ý.
“Hừ, ả càn rỡ như thế, sớm muộn gì cũng có báo ứng thôi. Đến lúc nào đó, hoàng thượng hết hứng thú với ả, không sủng ái ả nữa hôm nay ả có được phúc phận như thế nào, thì phải trả giá thế ấy.”.
Vẻ mặt cắn răng nghiến lợi khi đó của tỉ tỉ, giờ nàng vẫn còn nhớ rất rõ. Mà nay, nhìn nữ tử đang quỳ trước thềm giữa gió rét lạnh run như thế, không hiểu vì sao, trong lòng thầm nảy sinh một cảm giác bi ai – hoàng cung này, quả nhiên là chốn thị phi.
“Nhưng, lần này e rằng là không đòi được, quỳ cũng uổng công”. Chiêu Loanowr bên cạnh vui vẻ trước đau khổ của người khác, cũng không biết Hy Hòa phu nhân đã đắc tội gì với nàng, mà lại khiến nàng căm ghét như thế.
Khương Trầm Ngư quay mình nói: ” Chúng ta đi thôi”.
“Ấy? Cứ như thế mà đi sao? Ta còn chưa xem đã, hiếm khi yêu phi này mới gặp xui xẻo thế…”. Chiêu Loan vừa bất mãn lầu bầu, vừa vẫn bước theo, tiếp tục nói: “Tỉ biết không? Người mà ả đắc tội lần này chính là hoàng hậu đấy”.
Khương Trầm Ngư kinh ngạc. Sao cơ?
(*) Theo phong tục của người Trung Quốc, con trai mười ba tuổi làm lễ đội mũ, con gái mười lăm tuổi làm lễ cài trâm ( cập kê), đánh dấu là người trưởng thành, đến tuổi dựng vợ gả chồng (ND)
(**) “Trầm Ngư, Lạc Nhạn, Bế Hoa, Tu Nguyệt” là những từ thường dùng để miêu tả dung mạo người con gái, ý chỉ dung mạo xinh đẹp khiến cá phải lặn, chim phải sa, hoa phải cụp cánh, trăng phải thẹn. Trong văn hóa Trung Quốc, từ “trầm ngư” thường được chỉ người đẹp Tây Thi thời Chiến Quốc