Chương 21: Năm 1998 – 2000 (03)

Năm 1998 – 2000 (03)

Mùa hè năm 1999, thiếu gia Liên Ngao mà mọi người trong nhà họ Hoắc mong ngóng đã lâu vẫn chưa trở về. Khi tin tức này được xác thực, mấy ngày đó, Nghê Hải Đường ngoan như một con mèo, không ra ngoài mua sắm cũng không đi đánh bài, chỉ yên lặng ở trong khu vực được phân cho.

Bây giờ Khang Kiều cũng rất hiếm nghe thấy Nghê Hải Đường nói câu “Rồi sẽ có một ngày mẹ sẽ vào sống trong căn nhà duy nhất có nóc màu vàng đó” nữa.

Căn nhà đó thuộc về Hoắc Liên Ngao và mẹ ruột của anh. “Đó là nơi không ai được hoang tưởng bước vào”. Đây là lời quản gia nói với họ bằng ngữ khí của một thị vệ luôn trung thành với quốc vương.

Đầu mùa thu năm 1999, cuối cùng Khang Kiều cũng được cắp sách đến trường như nguyện vọng, trở thành học sinh lớp năm của ngôi trường có sức ảnh hưởng nhất Bandar Seri Begawan. Vì trình độ, phương pháp cũng như vô vàn các yếu tố khác tác động, Khang Kiều buộc phải trở thành một học sinh vượt tuổi, cô lớn hơn các bạn cùng lớp hai tuổi.

Năm ấy, theo lời dặn dò của Nghê Hải Đường, Khang Kiều bình yên khôn lớn, luôn mỉm cười trước mặt mọi người, không nói nhiều, coi những câu như “Được ạ”, “Con hiểu ạ”, “Con cảm ơn” trở thành câu cửa miệng. Cách sống ấy dường như đạt được hiệu quả không tồi. Dần dần, thái độ của đám người làm nhà họ Hoắc cũng tích cực hơn một chút.

Dưới sự nỗ lực của mình, không, có lẽ là dưới những âm mưu toan tính không ngừng của mình, quan hệ giữa Nghê Hải Đường và Hoắc Chính Khải cũng có chút chuyển biến.

Ví dụ như đêm nay, nhìn Nghê Hải Đường đang tô son môi, Khang Kiều hỏi: “Mẹ, mẹ định đi đâu?”.

Nghê Hải Đường không trả lời câu hỏi của cô, ngược lại hỏi cô rằng trông mẹ của xinh đẹp không? Khang Kiều thật thà trả lời là đẹp. Nghê Hải Đường mặc chiếc xường xám màu trắng, trông giống hệt như cái tên của bà, yêu kiều, yểu điệu, tựa một bông hải đường.

Tối ấy, Nghê Hải Đường không về. A Xảo nói cho Khang Kiều biết: “Nghê tiểu thư tối qua ở lại qua đêm tại phòng ngài Hoắc”.

Từ ngày đầu tiên Nghê Hải Đường vào đây sống, bà đã được nâng lên một thân phận đặc biệt “Nghê tiểu thư” trong mắt đám người làm. Vị Nghê tiểu thư này cũng dần dà có được những mối quan hệ của riêng mình. Trong giới đó, những người phụ nữ cũng giống bà, thân phận đáng xấu hổ nhưng không phải lo ăn, lo uống, vàng bạc trang sức đầy đủ, ra ngoài có xe đưa xe đón, thi thoảng còn làm từ thiện nâng cao hình tượng bản thân, không để mình biến thành một người bị lãng quên trong xó.

Hoắc Tiểu Phàn đang trưởng thành dần, một tuổi, rồi một tuổi rưỡi.

Chuyện khiến Khang Kiều vui nhất là trong khoảng thời gian đó, cô phát hiện được từng chút thay đổi dù là nhỏ xíu của Hoắc Tiểu Phàn. Nó mở to mắt hơn, tóc rậm dày hơn, ăn nói rõ ràng hơn. Cô kể lại cho mẹ nghe không biết mệt mỏi, khi nào tâm trạng tốt, Nghê Hải Đường sẽ ậm ừ cho xong, còn khi bực bội thì sẽ trừng mắt với cô: “Tránh ra!”.

Đêm cuối cùng của năm 1999, họ gọi đêm ấy là “Đêm Thiên Hỷ”. Nhà họ Hoắc treo đèn lồng sặc sỡ, đâu đâu cũng ngập tràn không khí đón năm mới.

Nhưng cho dù là vậy cũng chẳng che giấu được sự lãnh lẽo của ngôi nhà. Mấy hôm trước, Hoắc Chính Khải đã bay qua Mỹ. Ông ta muốn đón Hoắc Liên Ngao cùng tới Singapore đoàn viên với gia đình cụ Hoắc. Cụ Hoắc là bố của Hoắc Chính Khải, sau khi giao lại sự nghiệp cho con thì sống ở Singapore để dưỡng già.

Nghê Hải Đường dẫn Hoắc Tiểu Phàn tới tham gia tiệc tùng. Nghê Hải Đường rất thích đưa nó đến những nơi chính quy như vậy. Đứa trẻ có vài phần giống Hoắc Chính Khải ở một khía cạnh nào đó có thể nâng cao địa vị của bà, giúp bà giành được những lời tôn trọng và ngợi khen dù đầy giả tạo.

A Xảo và A Chân đi tham gia hội đồng hương. Cả căn nhà im phăng phắc, tới nỗi Khang Kiều cảm thấy mình bị cả thế giới bỏ quên ở một góc khuất nào đó. Mặc bộ quần áo thêu hoa nửa tháng trước, Khang Kiều đi ra khỏi căn nhà trống trải.

Trong góc vườn hoa lộ thiên có một cái xích đu. Khang Kiều lặng lẽ ngồi lên, không gây ra tiếng động nào. Trước mặt là bức tường cao khoảng một mét, men theo đó có thể tới biệt thự chính của nhà họ Hoắc. Trong một đêm tối như thế này, căn nhà nóc vàng ươm trông lại càng mộng ảo. Khang Kiều chưa một lần được đặt chân vào đó. Từ rất lâu trước kia cô đã được cảnh cáo: Họ chỉ có thể ngắm nó từ xa.

Cô nhún chân lên mặt đất, tạo lực để đẩy xích đu lên. Sau khoảng chục lần như thế, chiếc xích đu lên tới điểm cao nhất. Cuối cùng Khang Kiều cũng đã nhìn thấy bầu trời bên ngoài tường bao, rộng lớn mênh mang, có hàng ngàn ngôi sao lấp lánh.

Trong câu chuyện cổ tích phương Tây, mỗi một người khi ra đi sẽ biến thành một vì sao. Cố gắng để mình bay càng cao càng tốt, là cô sẽ có thể gần với các vì sao hơn, hai người có thể nhìn nhau ở khoảng cách thật gần.

Một tiếng hét ầm ĩ khiến Khang Kiều buông tay, một giây sau, cô ngã xuống khỏi xích đu.

Đau không? Đau chứ, đau đến nỗi đầu óc Khang Kiều như thiếu khí. Cô hoảng loạn bò dậy, cúi đầu chào một tiếng: “Quản gia Diêu!”. Khu vườn này đối với cô cũng là cấm địa.

Tối ấy, lần đầu tiên Khang Kiều cúi đầu đi theo sau quản gia Diêu vào trong biệt thự chính của nhà họ Hoắc. Cô không dám nhìn quanh ngó quất, chỉ mải miết nhìn mũi chân mình. Nó được giẫm lên những lớp thảm đắt đỏ khiến mỗi một bước đi cô cũng phải hết sức dè dặt. Cảm giác duy nhất là con đường ấy dài tựa như đi không hết vậy.

Sau khi quản gia Diêu bôi thuốc cho cô, Khang Kiều cảm ơn một tiếng. Cảm ơn xong, cô bỗng không biết đặt tay ở đâu, cứ đứng ngây ra đó.

Một lát sau, cô nghe thấy quản gia Diêu thở dài bèn vội vã ngẩng đầu, cố gắng giải thích: Lần sau cháu sẽ không tới đó nữa…

“Chỉ có một mình cháu ở đó sao?” Quản gia Diêu ngắt lời Khang Kiều.

Khang Kiều gật đầu.

Ông lại thở dài rồi nói: “Chú dẫn cháu đi xem những thứ hay ho”.

Cô ngây người, ngưỡng mộ không? Có chứ, rất ngưỡng mộ.

Công viên mạo hiểm trước mắt là món quà Hoắc Chính Khải tặng cho Hoắc Liên Ngao. Nó được xây dựng mất gần hai năm rưỡi, bên trong quy tụ gần như mọi trò chơi mạo hiểm: Thuyền hải tặc, nhà cây, đường hầm, bẫy, ống lăn, xe xúc cát…

Ai nói Hoắc Chính Khải không có tình phụ tử. Quay mặt đi, không nỡ nhìn, cô nhớ lại Tiểu Phàn của cô chưa một lần được ngồi trong vòng tay bố. Khang Kiều nghĩ, nếu không phải vì công viên mạo hiểm trước mắt, cô đã chẳng ghi tạc chuyện này như vậy, càng nhớ rõ càng khó chịu.

Vậy mà trong lúc này, quản gia còn nói với Khang Kiều: “Năm ngoái hoàn thành, lúc trước thiếu gia Liên Ngao còn phấn khích tột độ, bảo nhà thiết kế thêm cả ý tưởng của mình vào, nhưng về sau xảy ra chuyện của mẹ cháu. Nếu không vì chuyện của mẹ cháu, từ mùa hè năm ngoái, nơi đây đã vọng ra tiếng cười nói của ngài Hoắc và thiếu gia Liên Ngao rồi”.

Cũng không hiểu vì sao, giây phút ấy, xúc giác của Khang Kiều bỗng trở nên nhạy cảm. Cô chợt căm ghét vô cùng ông già Diêu, người bình thường luôn khinh thường họ. Ông ta dựa vào đâu mà nói mấy lời đó với vẻ điềm nhiên như vậy.

Trong quầng sáng, Khang Kiều hằn học lườm quản gia. Nếu ánh mắt có thể làm tổn thương thì chẳng biết đã bao nhiêu sợi tóc trên đầu ông già này bị cháy khét rồi.

Sau khi nói những câu đó như một lẽ tự nhiên, ông ta lại bày ra một ngữ khí tốt bụng, bảo Khang Kiều ở lại đây chơi, dặn đi dặn lại cô không được động vào thứ gì rồi rời đi.

Khi bóng người quản gia biến mất ở góc khuất, cô cũng không nhìn công viên mạo hiểm ấy thêm một lần, quay phắt lại, đi về hướng ngược lại. Khi ông ta quay lại tìm không thấy cô nhất định sẽ thở dài oán trách: “Tao thấy mày đáng thương mới để mày vào đây chơi, nhưng mày vốn không coi lời nói của tao ra gì, giống y như mẹ mày, thích giả vờ giả vịt”.

Đứng trước cửa vào khu công viên, Khang Kiều quay đầu, phẫn nộ khạc một bãi đờm.

Nối liền đó là một khu vực cực kỳ yên ắng, ở giữa có một con đường nhỏ rộng khoảng một mét, hai bên trồng toàn cây xanh, phân bố rất rậm rạp. Dưới ánh đèn của hành lang, trông chúng càng mơn mởn và đầy sức sống hơn, khiến người ta như đang ở trong một khu rừng mưa nhiệt đới vậy.

Người làm vườn của nhà họ Hoắc tới từ Brazil, lương mỗi năm lên tới năm trăm ngàn đô la Mỹ.

“Người có tiền đúng là lắm trò, trông thì ngốc kinh người.” Khang Kiều bắt chước ngữ khí thi thoảng Nghê Hải Đường hay nói.

Mẹ của cô, cho dù bây giờ dựa vào con để có một cuộc sống thể diện, nhưng thi thoảng vẫn để lộ phong thái bụi bặm của những người tới từ vùng tỉnh lẻ.

Men theo con đường nhỏ đi miết, cô bước lên thềm, đi lên một hành lang lát đá cẩm thạch bóng loáng, sau đó bị một gian phòng thu hút. Đây là căn phòng duy nhất suốt cả hành lang. Cửa phòng có đặt một chiếc xe lăn chở những dụng cụ dọn vệ sinh. Cửa phòng khép hờ. Rõ ràng là người làm đang chuẩn bị dọn dẹp phòng ốc thì có việc gấp phải đi, còn quên khóa cửa lại.

Cô đặt ngón giữa lên cửa, hơi dùng lực, cửa phòng từ từ mở ra. Sau đó Khang Kiều bị bức chân dung của người phụ nữ treo trong phòng hút hồn, cứ thế bước vào như ma xui quỷ khiến, một mỹ nữ đẹp như tiên.

Bên dưới bức tranh còn có một dòng chữ ghi chép lại một cảnh tượng thế này: Vào một buổi sáng mùa thu, mẹ bắt được cảnh con gái tắm nắng trong vườn rồi ngủ quên, sau đó đã vẽ bức tranh này.

Khi nhìn rõ tên người trong tranh, Khang Kiều cũng hiểu ngay vì sao Hoắc Chính Khải lại nhung nhớ không quên người vợ cũ. Có lẽ phải là một người đẹp đến vậy mới giữ được trái tim một người đàn ông như Hoắc Chính Khải.

Cô quay qua nhìn bố cục cả căn phòng. Sau khi vòng một vòng, ánh mắt một lần nữa dừng lại trên dãy ảnh trong tủ kính.

Từ những bức ảnh đó, có thể nhìn ra lịch sử trưởng thành của một đứa bé. Bức cuối cùng là khi đứa bé đã khôn lớn, mặc chiếc bộ quân trang với cổ tay màu trắng, riềm màu vàng, đứng bên cạnh Sudan hiện thời của Brunei.

Quá rõ để hiểu chủ nhân căn phòng này là ai.

Lần đầu tiên nhìn thấy Hoắc Liên Ngao trên ảnh, trong lòng Khang Kiều, đó là một đứa trẻ thông minh, đẹp như thủy tinh.

Lúc đó vì phẫn nộ thay Hoắc Tiểu Phàn, cô không có tâm tình thưởng ngắm vẻ đẹp của thiếu gia Liên Ngao, chỉ một mực muốn làm chút việc xấu.

Trong mắt người làm, thiếu gia Liên Ngao là một người đam mê các sinh vật biển. Khang Kiều nghĩ họ nói không sai chút nào. Bể cá trong phòng to tới mức có thể làm thành bức tường. Những con cá cảnh bơi qua bơi lại náo nhiệt, trông đầy sức sống. Có thể thấy chúng được chăm sóc rất tốt. Khang Kiều nghĩ, không biết mình có nên làm chết mấy con không.

Trước kia ở quê, Khang Kiều nhìn thấy những người dân trong thôn dùng điện làm chết cá. Cô biết cách, mọi việc ổn thỏa rất nhanh. Cô cầm cây chập điện trong tay, đứng dậy khỏi thảm trải sàn.

Cửa sổ phía Đông Nam đang mở. Gió từ đó thổi vào, chiếc rèm cửa màu xám nhạt gần như thổi vào mặt Khang Kiều. Cô vô thức cúi người né tránh. Sau đó cô ngửi thấy mùi của gió mang theo vị mặn của biển đã lâu không gặp. Cơn gió đó dường như khiến cô sống lại những buổi sáng ngày xưa.

Bàng hoàng, cô quay mặt đi.

Đêm Thiên Hỷ, vào năm mười bốn tuổi, Khang Kiều đã hiểu những cảm xúc trong thế giới của người lớn, cảm xúc đó gọi là mừng mừng tủi tủi.

Bên cạnh cửa sổ phía Tây Nam có treo một bức tranh chữ, nền trắng, chữ mực đen. Đó là một dấu ấn ấm áp còn lưu lại trong ký ức của cô, một bài thơ.

Bà ngoại là người nhung nhớ bài thơ này rồi đọc cho cô nghe, còn cô là người nhung nhớ người bà đọc đi đọc lại cho mình hết lần này tới lần khác, từng từ từng chữ mỗi đêm hè.

Tôi lặng lẽ ra đi, như tôi từng lặng lẽ đến.

Nỗi nhớ miên man, dai dẳng.

Nếu hỏi Khang Kiều cô đã dây dưa với Hoắc Liên Ngao từ lúc nào, có lẽ chính từ đêm Thiên Hỷ ấy, vào khoảnh khắc này, giây phút được nhìn dòng chữ đề bên dưới bài thơ.

“Tạm biệt Khang Kiều” – Hoắc Liên Ngao.

Khang Kiều

Khang Kiều

Status: Completed Author:

Thể loại: Hiện đại, ngược tâm, HE
Số chương: 140
Người dịch: Tô Ngọc Hà

Về sau tôi mới biết, thì ra Khang Kiều là tên một người con gái – Các nữ phụ.

* Bản văn án đầy thành ý:
Vào mùa hè năm 2006, tại quốc đảo Indonesia, cảnh sát đã nhận được cuộc điện thoại báo rằng có một đôi tình nhân đang uống thuốc ngủ tự tử thở thoi thóp tại hang Tình Nhân ở đảo Bali.

Đây là vụ tự tử vì tình thất bại, cô gái tên Khang Kiều, chàng trai tên Hoắc Liên Ngao.Mười lăm tiếng đồng hồ sau, khi tỉnh lại, Khang Kiều đã hỏi Hoắc Liên Ngao: Vì sao lại gọi điện thoại?

Vì sao anh gọi cú điện thoại ấy vào giây phút cuối cùng, thật ra Khang Kiều đã sớm hiểu rõ, chẳng qua cũng chỉ vì yêu chưa đủ mà thôi.

* Bản văn án tác giả yêu thích:
Con sinh ra vào thứ Hai thì diện mạo bảnh bao, con sinh ra vào thứ Tư thì dễ đau thương, con sinh ra vào thứ Sáu thì bụng dạ tốt, còn đứa sinh ra vào thứ Năm đã đi xa rồi.

Bài đồng dao của nước Anh cổ kính dường như đã hát lên số phận của họ. Đứa sinh ra vào thứ Hai tên Hoắc Liên Ngao, đứa sinh ra vào thứ Tư tên Khang Kiều, đứa sinh ra vào thứ Sáu tên Văn Tú Thanh, còn đứa sinh ra vào thứ Năm tên Hoắc Tiểu Phàn.

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset