Chương 30: Năm 2000 – 2002 (04)

Năm 2000 – 2002 (04)

Từ lúc Hoắc Liên Ngao bước vào cho đến khi đi ra cũng chỉ vỏn vẹn chục phút đồng hồ. Hoắc Liên Ngao uống hết cốc trà Khang Kiều rót cho anh thì lấy lý do trở về thu dọn hành lý.

Từng ngọn đèn trong vườn lần lượt sáng lên. Cánh cửa theo kiến trúc Porticus vẽ hình cây lá móng tuyệt xảo, Hoắc Liên Ngao đứng bên cạnh cửa, Nghê Hải Đường cũng vậy, Khang Kiều thì nắm tay Hoắc Tiểu Phàn.

Cảnh tượng bây giờ rất giống đứa trẻ tới nhà ai đó làm khách và sắp trở về.

Nhìn Nghê Hải Đường, Hoắc Liên Ngao nói: “Không biết tôi có nên cảm thấy may mắn vì dì chưa vứt cuốn sách tôi tặng dì vào trong thùng rác không?”.

Hai cuốn sách bằng tiếng Anh Hoắc Liên Ngao tặng cho Nghê Hải Đường vẫn được đặt ở vị trí dễ nhìn nhất trong phòng khách, vì Nghê Hải Đường đã dặn dò, nên người làm giữ gìn chúng rất tốt.

Nghê Hải Đường thật thà nói: “Dì không biết tiếng Anh. Nhưng, gần đây dì đang đi học tiếng Anh, một thời gian nữa chắc là dì có thể đọc được nội dung trong sách”.

“Thế ư?” Hoắc Liên Ngao kéo dài giọng, ánh mắt trôi về phía Hoắc Tiểu Phàn.

Khang Kiều vô thức đứng chắn tầm nhìn của anh.

“Tiểu Phàn.” Miệng anh gọi tên thằng bé, nhưng mắt thì lại nhìn cô. Anh khiêu khích: “Anh Liên Ngao sắp đi rồi”.

Dưới sự kháng nghị của Hoắc Tiểu Phàn, Khang Kiều đành phải tránh ra.

“Anh Liên Ngao, anh sắp đi tới tổng bộ của người máy ạ?”

“Phải, anh Liên Ngao sắp đi tới tổng bộ của người máy. Đúng rồi, Tiểu Phàn, em còn chưa nói cho anh biết vì sao bạn người máy của em lại biến mất?”

Câu nói ấy khiến Khang Kiều cảm thấy có sự chẳng lành, biểu cảm của Nghê Hải Đường cũng lộ rõ đôi phần căng thẳng.

Bà ủy khuất lên tiếng: “Tại mẹ không tốt, mẹ đã làm hỏng nó”.

Hoắc Liên Ngao đi rồi, khi bóng anh khuất dạng, Nghê Hải Đường lập tức nắm lấy tay Hoắc Tiểu Phàn. Khang Kiều vội vã đuổi theo sau.

Cánh cửa đóng sập lại, Khang Kiều tẽ tay Nghê Hải Đường ra, giải thoát cho Hoắc Tiểu Phàn.

Nghê Hải Đường thở hồng hộc chỉ vào họ: “Hai đứa chúng mày, cộng cả hai vào cũng không bằng được Hoắc Liên Ngao”.

Nói xong dường như vẫn chưa hết giận, bà đi tới trước tủ kính bày cuốn sách của Hoắc Liên Ngao, vung tay, quăng sách xuống đất.

Bà giẫm chân lên sách, chửi rủa: “Thằng nhãi ranh ấy rốt cuộc ăn gì khôn lớn mà quái đản như vậy, thật tức chết tao!”.

Không hiểu vì sao, so với một Nghê Hải Đường dịu dàng hiền thục, Khang Kiều thích một Nghê Hải Đường như thế này hơn: Đanh đá, chua ngoa, còn mang theo chút tính cách của dân tỉnh lẻ.

“Khang Kiều, mày đang cười đấy à? Cả mày mà cũng cười mẹ?” Bà chỉ tay vào cô.

Lúc đó, Khang Kiều rất muốn nói: Không phải đâu mẹ, con không cười mẹ, con chỉ cảm thấy mẹ của giây phút này thật dễ thương, rất giống mẹ người ta.

Câu nói đó gần như đã bật ra khỏi miệng.

“Khang Kiều, mẹ cho mày biết, trên đời này ai cũng có tư cách cười mẹ, riêng mày thì không. Nếu không vì ông bố trời đánh của mày, mẹ mày đã chẳng rơi vào bước đường này!” Ngón tay chỉ vào mặt cô không khác gì một mũi tên sắc nhọn.

Nếu Nghê Hải Đường không nhắc tới danh xưng đó, Khang Kiều đã sắp quên mất thì ra mình còn một người cha. Nụ cười của cô tắt dần, khó khăn nuốt xuống những lời định nói, cô kéo tay Hoắc Tiểu Phàn, quay người, rời khỏi đó.

Sáng hôm sau, Khang Kiều nhìn thấy hai cuốn sách đã được bày lại lên tủ. Chúng hoàn toàn không xây xước gì, dường như chẳng thể nhận ra chúng từng bị ai đó giày xéo.

Thở hắt ra một hơi, Khang Kiều đứng ngoài cửa phòng Nghê Hải Đường. Cô gõ cửa, sau khi nghe thấy giọng bà từ trong vọng ra, cô gọi một tiếng “Mẹ”.

“Mẹ, hôm nay có thể con sẽ về rất muộn, mẹ thay con xin lỗi chú Hoắc một tiếng nhé.”

Hôm nay Khang Kiều phải tới trường báo danh. Cô rất vui vì nhà trường chọn ngày hôm nay. NHư vậy cô có thể lề mề đến khi qua thời gian đi tiễn Hoắc Liên Ngao. Khang Kiều luôn cảm thấy bộ dạng lần đầu tiên gặp anh của mình có hơi ngu ngốc.

Ánh nắng chiều khiến người ta say lòng rơi xuống bức tường bao màu trắng hồng. Hoắc Liên Ngao ngồi trên xe, mỉm cười, vẫy tay chào những người làm mặc đồng phục xếp thành hàng ngay ngắn đứng một bên xe.

Biểu cảm lưu luyến thể hiện trên nét mặt của tất cả mọi người, nhưng rốt cuộc trong số đó có bao nhiêu gương mặt là thật lòng, bao nhiêu gương mặt là giả ý thì chẳng ai hay biết.

Nhưng, Hoắc Liên Ngao thì biết chủ nhân của gương mặt giả tạo kia nhất định tên là Nghê Hải Đường.

Cánh cửa vàng từ từ được kéo vào đằng sau xe, Hoắc Liên Ngao không cười nữa, ngồi nghiêm chỉnh, mắt hướng về phía trước. Hoắc Chính Khải đang ngồi bên cạnh anh, đây là người có thể nói là đã bỏ trăm công ngàn việc, tranh thủ đưa anh ra sân bay.

Ông thích cứ để ông đưa.

“Liên Ngao, xin lỗi, năm nay bố quá bận, không có thời gian dành cho con.” Hoắc Chính Khải cất giọng áy náy.

“Con hiểu.” Hoắc Liên Ngao trả lời.

“Con hiểu chuyện hơn năm ngoái rồi.” Ngữ khí áy náy biến thành nhẹ nhõm.

Hoắc Liên Ngao cười.

“Năm sau nhé.” Ông nói với vẻ lấy lòng: “Năm sau con về, bố sẽ cùng con ra biển, chúng ta làm một cuộc thi câu cá”.

“Được ạ.”

Trầm mặc — Lạnh lẽo.

Chiếc xe vòng qua quảng trường. Trên quảng trường còn treo tấm áp phích chụp lại cảnh Hoắc Liên Ngao và hoàng tử Brunei trao đổi áo thi đấu. Giống như bắt được cơ hội tuyệt vời, Hoắc Chính Khải chỉ tay lên đó: “Con biết không, giây phút đó, bố rất tự hào về con”.

“Cảm ơn bố.”

Vớ vẩn, những lời như vậy chỉ càng khiến anh buồn ngủ mà thôi.

Hoắc Chính Khải bổ sung thêm một câu: “Ông nội cũng vậy”.

“Ông nội có gọi điện cho con rồi.”

Hoắc Chính Khải có phần ngượng ngập. Những chủ đề ông cố tình tạo ra đều không nhận được hưởng ứng.

Tiếp theo bầu không khí lại rơi vào lạnh lẽo.

Lát sau, Hoắc Chính Khải lên tiếng, giọng có chút chua xót: “Liên Ngao, hình như bố vẫn chưa xin lỗi con về những việc bố đã làm”.

“Không, bố ạ, bố nên xin lỗi mẹ.”

Trầm mặc…

Một lúc nữa thì di động của Hoắc Chính Khải vang lên.

Chiếc xe dừng lại, Hoắc Chính Khải làm mặt áy náy vòng qua ôm lấy anh: “Liên Ngao, bố xin lỗi. Bố nghĩ bố phải về công ty một chuyến, mấy hôm nữa bố sẽ qua thăm con, gửi lời hỏi thăm của bố tới bà ngoại”.

“Vâng.”

Hoắc Chính Khải vội vã bỏ đi. Hoắc Liên Ngao không buồn nhìn theo bóng ông một lần, chiếc xe tiếp tục chạy thẳng.

Chiếc xe dừng trước ngã tư đèn tấp nập nhất trung tâm thành phố, vỉa hè hai bên chỗ nào cũng bắt gặp hình ảnh những nữ sinh trong chiếc sơ mi trắng phau và chiếc váy xếp ly màu xanh da trời.

Nếu Hoắc Liên Ngao nhớ không nhầm, có lẽ đó là đồng phục trường nữ sinh Bandar Seri Begawan. Vài hôm trước họ tổ chức party đồng phục trường học trên du thuyền, có mấy người tới từ ngôi trường đó mặc chính bộ đồng phục này.

Anh vừa nghe nhạc vừa lơ đãng phóng tầm mắt ra ngoài cửa sổ, vô tình nhìn thấy bóng một nam một nữ. Họ đang sóng vai nhau đi về phía thư viện. Người con trai cao lớn mặc chiếc áo sơ mi ngắn tay nhạt màu, cô gái hơi gầy một chút, mặc bộ đồng phục của trường nữ sinh.

Đôi nam nữ ấy bỗng nhiên dừng lại, nhìn tình huống có lẽ là có cát bay vào mắt cô gái. Ngay gần đó là cảng biển, gió ở đây cực lớn.

Người con trai đang cúi xuống thổi cát cho cô gái.

Cũng không biết vì cô gái hơi gầy hay vì anh chàng kia cao to khiến cô ấy trông nhỏ lại. Tiết tấu nhạc nhanh trong tai nghe chuyển sang bản dương cầm êm ru, bài Sonata Ánh trăng của Beethoven.

Cơn gió bên cảng biển thổi tung mái tóc dài ngang vai của cô gái, ánh hoàng hôn hắt lên những lọn tóc, giống như rắc một màu vàng kim.

Cơn gió cũng thổi tung vạt váy dài tới đầu gối của cô gái. Dưới vạt váy là đôi chân đều tăm tắp, làn da trắng sáng. Làn da kiểu đó rất dễ khiến người ta liên tưởng tới ánh tuyết trên dãy núi Alps, mềm mại, thánh thiện.

Không hiểu sao đầu óc Hoắc Liên Ngao nhất thời hồi tưởng lại câu nói của Joe cách đây không lâu.

Mình cũng không thể nói cụ thể được cô ấy khá ở điểm nào. Nhưng khi nhìn thấy cô ấy đứng ở đó, chỉ có cảm giác rất muốn ôm lấy cô ấy, cảm giác khi ôm cô ấy nhất định rất mềm mại…

Hoắc Liên Ngao mơ hồ nghĩ, cô gái trước mắt mới phù hợp với hình tượng đó, cô gái trước mắt mà ôm vào nhất định rất mềm mại.

Cuối cùng, chiếc xe chầm chậm khởi động. Đồng thời lúc này, người đàn ông cũng thổi được cát ra khỏi mắt cô gái. Họ lại sóng vai như ban nãy tiến về phía trước. Chiếc xe sượt ngang qua họ, ánh mắt Hoắc Liên Ngao cũng thu lại.

Phía trước là hàng xe dài dằng dặc, tốc độ tiến lên chậm như rùa bò.

Nghĩ một lát, anh lại kéo cửa sổ xuống, quay đầu nhìn.

Vừa nhìn…

Gặp ma rồi!

Khang… Khang Kiều?

Gặp ma rồi, gặp ma rồi!

Cô gái đó là Khang Kiều! Vì sao lại là Khang Kiều, làm sao có thể là Khang Kiều! Khúc gỗ đó ư? Khúc gỗ đó dựa vào cái gì mà khiến người ta cảm thấy ôm vào sẽ mềm mại chứ?

Hoắc Liên Ngao biết mình không thể nhìn nhầm. Đôi mắt như cá chết của Khang Kiều rất dễ phân biệt, con ngươi tựa hồ có thể rơi ra khỏi hốc mắt bất kỳ lúc nào vậy!

Quay mặt đi, đóng cửa lại, vì cơ thể thực hiện một động tác với biên độ lớn nên cánh tay đã chạm vào chiếc di động đặt trên đầu gối làm nó rơi xuống đất. Anh cúi xuống nhặt máy lên thì…

“Rầm!” một tiếng, đầu anh đụng trúng ghế phía trước.

Shit! Đúng là gặp ma thật rồi!

Anh cuống cuồng chuyển bài nhạc nhẹ vừa rồi thành nhạc nhanh, để Rock nặng lấp đầy lỗ tai mình, như vẫn cảm thấy chưa đủ, anh còn dặn dò tài xế: “Lái nhanh một chút!”.

Chiếc xe rẽ vào một con đường, Hoắc Liên Ngao thở phào, một lần nữa khôi phục ánh nhìn hờ hững du đãng ngoài cửa sổ. Đều tại bà ngoại cả, suốt ngày lải nhải bên tai anh là đừng nghe mấy thứ nhạc Rock đó nữa, phải nghe các danh khúc thế giới, thế nên mới khiến anh có ảo giác vừa rồi?

Cái khúc gỗ đó ôm vào người sao có thể mềm mại được, đúng là vô lý đùng đùng!

Hoắc Liên Ngao thề khi trở lại Mỹ sẽ xóa sạch đống danh khúc đó đi, bài đầu tiên cần xóa chính là Sonata Ánh trăng của Beethoven.

Ban nãy quả thật là một kỷ niệm ác mộng.

Tháng chín, Hoắc Tiểu Phàn đón sinh nhật năm tuổi. Đó đúng là một thằng bé tham lam, nó ước rất nhiều điều, một trong số đó là hy vọng anh Liên Ngao mau trở về. Thế nhưng trong vô vàn những điều ước ấy không có cái nào liên quan tới “bố”.

Hoắc Chính Khải vắng mặt lần thứ năm trong bữa tiệc sinh nhật của Hoắc Tiểu Phàn.

Năm 2002 bước đến trong những câu lải nhải của Hoắc Tiểu Phàn rằng: “Khi nào anh Liên Ngao mới trở lại”. Hoắc Tiểu Phàn lại cao hơn một chút, lớp son môi của Nghê Hải Đường cũng đậm hơn một chút.

Buổi tối hôm ấy, Khang Kiều cũng âm thầm cất hết những chiếc áo lót cũ của mình đi, mấy chiếc ngày xưa hình như đã nhỏ lại, siết chặt khiến cô khó chịu, tới mức cô đành phải suy tính tới việc tăng thêm một cỡ khi mua đồ lót.

Cuối năm mười sáu tuổi, Khang Kiều đón lần dậy thì thực sự của mình, hai bầu ngực phát triển với tốc độ chóng mặt khiến cô hơi hoang mang, tới độ cô đành phải dùng những bộ quần áo cỡ lớn để che đi.

Cuối năm 2002, nước Mỹ phía bên kia Thái Bình Dương xảy ra một sự việc: Một cảnh sát người da trắng ở New York nhận được điện thoại báo án, bắt giữ thanh niên châu Á từ trong siêu thị đi ra. Năm phút sau, thanh niên này chết tại chỗ, báo cáo khám nghiệm tử thi cho biết, anh ta tử vong vì tắc thở.

CCTV trước cửa siêu thị quay được toàn bộ quá trình chàng trai tử vong. Sau một cuộc cãi vã kịch liệt, người cảnh sát da trắng đã dùng tay bóp chặt cổ chàng trai khiến anh ta chết tại chỗ.

Giám đốc siêu thị đã giao đoạn CCTV này cho Cục cảnh sát New York. Vị cảnh sát da trắng bị cách chức do hành xử thái quá trong lúc chấp pháp. Nhưng một tháng sau, người ta một lần nữa nhìn thấy vị cảnh sát này đeo thẻ liên bang. Chuyện này gây xôn xao dư luận New York, nhưng vì vấn đề này tồn tại phổ biến trong xã hội Mỹ, cộng thêm việc chàng trai kia tới từ một gia đình tái hôn nên cuối cùng chuyện này đành dang dở.

Một tuần sau, một người Trung Quốc cầm bức ảnh của chàng trai bị bóp chết, mặc chiếc áo phông màu xanh lục mang dòng chữ “Tôi không thở nổi” tới Cục cảnh sát New York, ngồi yên kháng nghị sự chấp pháp tháp quá của cảnh sát tại đây.

Một ngày sau, bên cạnh chàng trai người Hoa này xuất hiện thêm khoảng chục người tầm tuổi tương đương, ăn mặc giống hệt cũng ngồi đó. Ba ngày sau, số người đã lên đến hàng trăm.

Thú vị là trong số hàng trăm người ấy có tới 80% là nữ giới. Hiện tượng này khá hiếm gặp, nhưng khi bức ảnh của chàng trai người Hoa được truyền thông tung lên mạng, mọi người cũng không còn cảm thấy lạ nữa.

Thanh niên đó có một diện mạo hơn người, một gương mặt điềm tĩnh và lạnh lùng khác hẳn tuổi của mình.

Sự việc kháng nghị ấy kéo dài nửa tháng, sau đó biến thành một hoạt động rầm rộ. Có gần chục ngàn người mặc áo phông xanh với dòng chữ “Tôi không thở được” đi trên đường phố vào cuối mùa xuân năm 2002, đa số đều còn rất trẻ.

Ngày hôm nay, một vài tờ báo chính thống đã dành vị trí đẹp nhất cho những thanh niên này, họ gọi ngày này là “Bài ca mùa xuân”.

Hoạt động này buộc Cục trưởng Cục cảnh sát New York phải đệ đơn từ chức. Hôm đó, một phóng viên phỏng vấn được thanh niên người Hoa đã yên lặng ngồi đó suốt nửa tháng trời.

Lời nói của cậu bé mới mười bốn tuổi khiến người ta phải suy tư.

“Em chỉ không muốn làm một người khoanh tay đứng nhìn. Khi vấn đề xảy ra, chính những người thờ ơ không hành động mới là những người khiến chúng ta thất vọng nhất.”

Đoạn phỏng vấn này, câu nói kinh điển này khiến người ta ghi nhớ một cái tên.

Cậu thanh niên người hoa đó tên là Hoắc Liên Ngao.

Bài phỏng vấn nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội, Khang Kiều cũng nhìn thấy.

Đó là một buổi sáng cuối tuần, chiếc laptop được đặt trước cửa sổ hướng Nam. Cửa sổ mở toang, bên ngoài có hàng chục cây Xa kê. Lá của nó to như tán ô, qua một đêm mưa gió, vài phiến lá Xa kê trước cửa sổ tựa như nhỏ xuống những giọt nước màu xanh lá.

Cũng xanh ngắt như màu áo của Hoắc Liên Ngao, bài ca mùa xuân.

Đúng vào độ tuổi dễ sùng bái, không hiểu sao, vào buổi sáng hôm ấy, Khang Kiều bỗng âm thầm nhen nhóm chút chờ đợi nhỏ nhoi.

Chờ đợi mùa hè mau tới.

Có lẽ, một Hoắc Liên Ngao nói được câu đó mới là Hoắc Liên Ngao thật sự. Khang Kiều vẫn luôn tâm niệm chữ Tạm biệt Khang Kiều mà anh viết, luôn tâm niệm đôi giày bóng đá màu xanh trắng, luôn tâm niệm mối quan hệ huyết thống gắn chặt với nhau của Hoắc Liên Ngao và Hoắc Tiểu Phàn.

Cô là chị gái của Hoắc Tiểu Phàn, Hoắc Liên Ngao là anh trai của Hoắc Tiểu Phàn…

Khang Kiều

Khang Kiều

Status: Completed Author:

Thể loại: Hiện đại, ngược tâm, HE
Số chương: 140
Người dịch: Tô Ngọc Hà

Về sau tôi mới biết, thì ra Khang Kiều là tên một người con gái – Các nữ phụ.

* Bản văn án đầy thành ý:
Vào mùa hè năm 2006, tại quốc đảo Indonesia, cảnh sát đã nhận được cuộc điện thoại báo rằng có một đôi tình nhân đang uống thuốc ngủ tự tử thở thoi thóp tại hang Tình Nhân ở đảo Bali.

Đây là vụ tự tử vì tình thất bại, cô gái tên Khang Kiều, chàng trai tên Hoắc Liên Ngao.Mười lăm tiếng đồng hồ sau, khi tỉnh lại, Khang Kiều đã hỏi Hoắc Liên Ngao: Vì sao lại gọi điện thoại?

Vì sao anh gọi cú điện thoại ấy vào giây phút cuối cùng, thật ra Khang Kiều đã sớm hiểu rõ, chẳng qua cũng chỉ vì yêu chưa đủ mà thôi.

* Bản văn án tác giả yêu thích:
Con sinh ra vào thứ Hai thì diện mạo bảnh bao, con sinh ra vào thứ Tư thì dễ đau thương, con sinh ra vào thứ Sáu thì bụng dạ tốt, còn đứa sinh ra vào thứ Năm đã đi xa rồi.

Bài đồng dao của nước Anh cổ kính dường như đã hát lên số phận của họ. Đứa sinh ra vào thứ Hai tên Hoắc Liên Ngao, đứa sinh ra vào thứ Tư tên Khang Kiều, đứa sinh ra vào thứ Sáu tên Văn Tú Thanh, còn đứa sinh ra vào thứ Năm tên Hoắc Tiểu Phàn.

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset