11:50 ĐÊM
MALONE KHÔNG DO DỰ RỜI KHỎI NHÀ THỜ QUA MỘT cánh cửa ở phía sau, đoạn gần phòng để đồ thánh. Anh không thể làm gì cho hai gã đàn ông đang bất tỉnh nhân sự. Ngay lúc này, anh cần gặp được Stephanie, dù cho thái độ của bà thật là khó chịu. Rõ ràng là gã đàn ông ở nhà thờ lớn, kẻ đã giết Peter Hansen, cũng gặp phải những vấn đề riêng. Ai đó đã giết mất hai thuộc hạ của gã. Malone không thể biết đó là ai và tại sao lại như vậy, nhưng anh cảm thấy biết ơn, vì sẽ không dễ đàng để thoát được khỏi hầm mộ đó. Anh tự nguyền rủa mình thêm một lần nữa vì đã để dính dáng vào chuyện này, nhưng giờ đây đã quá muộn để lùi bước. Anh đã dính dáng vào – dù cho có muốn hay không.
Anh theo một đường vòng ra khỏi khu Stroget và đi đến Kongens Nytorv, một quảng trường đông người đặc trưng được bao bọc bởi những tòa nhà của nhà nước. Các giác quan của anh được đặt ở chế độ cảnh giác cao độ và anh liên tục nhìn xem mình có bị theo dõi không, nhưng đằng sau anh không có ai hết. Vào cái giờ muộn màng này, trên quảng trường có rất ít người. Quán Nyhayn, ngay bên ngoài quảng trường về phía Đông, với lối đi dọc bến cảng sặc sỡ màu sắc của những ngôi nhà xây trên cột, vẫn tiếp tục phục vụ những bữa tối ngay gần mặt nước cùng với tiếng nhạc sôi động.
Anh vội vã bước theo lối đi dẫn đến Hotel Dangleterre. Tòa nhà sáng rực nhìn ra biển và chiếm cả một khối nhà. Tòa nhà duyên dáng được xây vào thế kỷ mười tám, và anh biết là các phòng của nó đã từng đón tiếp các vị vua, hoàng để, và tổng thống.
Anh bước vào khách sạn và đi qua trước bàn tiếp tân. Tiếng nhạc thoảng qua từ sảnh chính. Vài người gác đêm đi lại. Một dãy điện thoại treo trên một cái quầy bằng đá và anh cầm lấy một cái để gọi vào phòng Stephanie Nelle. Điện thoại đổ chuông ba lần thì có tiếng trả lời.
“Dậy đi”, anh nói.
“Anh chưa nghe rõ những gì tôi nói à, Cotton?”, giọng nói vẫn giữ nguyên âm điệu khó chịu như lúc ở Roskilde.
“Peter Hansen đã chết”.
Một khoảng im lặng trôi qua.
“Tôi ở tầng bảy, phòng số mười”.
Anh bước vào phòng. Stephanie mặc một cái áo choàng của khách sạn. Anh kể lại cho bà tất cả những chuyện vừa xảy ra. Bà im lặng lắng nghe, giống hệt như những năm qua khi anh đến báo cáo với bà. Nhưng anh nhìn thấy một cảm giác bất lực trên những đường nét mệt mỏi của bà, một cảm giác mà anh hy vọng là dấu hiệu của một thay đổi trong thái độ.
“Giờ thì chị có định để cho tôi giúp không?”, anh hỏi.
Bà nhìn anh chăm chú bằng đôi mắt, như anh vẫn thường để ý, liên tục thay đổi dáng vẻ tùy thuộc vào tâm trạng. Theo những cách khác nhau, bà nhắc nhở anh nhớ đến mẹ anh, mặc dù Stephanie chỉ hơn anh khoảng chục tuổi. Sự tức giận lúc trước của bà cũng là một nét tính cách. Bà không thích phạm sai lầm và ghét người khác nhìn thấy chúng. Tài năng của bà không nằm ở chỗ thu thập thông tin mà là phân tích và ước lượng chúng – một nhà tổ chức tỉ mỉ biết đoán định và lên kế hoạch với sự khéo léo của loài báo. Anh đã chứng kiến bà nhiều lần ra những quyết định khó khăn không chút do dự – cả các Chưởng lý lẫn các Tổng thống đều tin tưởng vào cái đầu lạnh của bà — cho nên anh tự hỏi về tình thế khó xử hiện nay của bà và hiệu ứng kỳ lạ của nó lên cách phán đoán vẫn thường xuyên khôn ngoan của bà.
“Tôi xì Hansen cho chúng đấy”, bà thì thầm, “ở nhà thờ lớn, tôi đã không đính chính khi hắn hỏi có phải là Hansen đang cầm quyển nhật ký của Lars không”. Bà kể cho anh về cuộc nói chuyện.
“Miêu tả hắn xem nào”. Khi bà đã kể xong anh nói. “Gã đàn ông đã bắn súng đầu tiên trong nhà thờ và kẻ giết Hansen chỉ là một người”.
“Tên nhảy từ Round Tower xuống làm việc cho hắn. Hắn đến để giật cái túi xách của tôi, trong đó để quyển nhật ký của Lars”.
“Rồi hắn đi đến chỗ đấu giá, vì biết chị sẽ ở đó. Ai có thể biết chị sẽ đi đâu?”
“Chỉ có Hansen thôi. Văn phòng chỉ biết là tôi đang đi nghỉ. Tôi có điện thoại nối mạng thế giới, nhưng tôi đã để lại tin nhắn không làm phiền trừ khi có báo động cực kỳ quan trọng”.
“Chị biết được về phiên đấu giá ở đâu?”
“Ba tuần trước, một cái gói đóng dấu Ayignon, Pháp, được gửi qua đường bưu điện đến cho tôi. Trong đó có một bức thư và quyển nhật ký của Lars”. Bà ngừng lời. “Suốt nhiều năm tôi không nhìn thấy quyển nhật ký đo.”.
Anh biết rằng thường thì đó là một chủ đề không được phép. Lars Nelle đã qua đời mười một năm trước, được tìm thấy treo cổ trên một cây cầu ở miền Nam nước Pháp, một mảnh giây để trong túi áo chỉ viết vỏn vẹn GOODBYE STEPHANIE. Với một nhà học giả đã viết rất nhiều sách, một lời chào ngắn gọn như vậy thật giống với một lời lãng mạ. Mặc dù bà và chồng sống ly thân vào thời đó, Stephanie vẫn cảm thấy rất đau đớn, và Malone còn nhớ những tháng tiếp sau đó khó khăn đến thế nào với bà. Chưa bao giờ họ nói chuyện về cái chết của ông, và với bà chỉ cần nhắc đến nó vào lúc này đã là cả một chuyện đặc biệt.
“Nhật ký về gì?”, anh hỏi.
“Lars say mê với các bí mật của Rennes-le-Château…”
“Tôi biết. Tôi đã đọc sách của ông ấy”.
“Trước đây chưa bao giờ anh nói điều đó”.
“Chị chưa bao giờ hỏi cả”.
Bà có vẻ cảm thấy tức tối. Rất nhiều chuyện đã xảy ra và cả hai người đều không có thời gian để chuyện gẫu.
“Lars đã tạo ra những giả thuyết cặn kẽ và sống động về những gì có thể hoặc không thể được giấu ở trong và xung quanh Rennes-le-Château”, bà nói. “Nhưng ông ấy giữ riêng cho mình nhiều suy nghĩ riêng trong quyển nhật ký, lúc nào nó cũng ở bên cạnh ông ấy. Sau khi ông ấy chết, tôi cứ nghĩ là Mark giữ nó”.
Lại thêm một chủ đề xấu. Mark Nelle đã từng là một sử gia về thời Trung cổ được đào tạo ở đại học Oxford và sau đó dạy ở Đại học Toulouse, miền Nam nước Pháp. Năm năm trước anh mất tích trong dãy Pyrénées. Một vụ lở tuyết. Xác của anh chưa bao giờ được tìm thấy. Malone biết rằng thảm họa này càng trở nên trầm trọng hơn vì Stephanie và con trai chưa bao giờ gần gũi với nhau. Rất nhiều máu xấu đã chảy trong gia đình Nelle, và không có chút gì trong những việc đó là chuyện của anh.
“Quyển nhật ký khốn kiếp đó giống như một bóng ma quay trở lại ám tôi vậy”, bà nói. “Đúng là như thế. Chữ viết tay của Lars ấy. Bức thư thông báo cho tôi về phiên đấu giá và việc cuốn sách sẽ được mang ra bày. Tôi nhớ Lars đã từng nói đến nó, và có những dẫn chiếu trong quyển nhật ký, nên tôi đã đến để mua nó”.
“Chị không ngờ trước đến các nguy hiểm à?”
“Tại sao? Chồng tôi không liên quan đến phạm vi công việc của tôi. Công việc của ông ấy là một cuộc tìm kiếm vô hại những thứ không hề tồn tại. Làm thế nào mà tôi có thể biết được là có những kẻ liên quan muốn giết chóc?”
“Gã đàn ông nhảy khỏi Round Tonver đã khá rõ ràng. Khi đó chị nên đến gặp tôi mới phải”.
“Tôi muốn làm việc đó một mình”.
“Làm gì?”
“Tôi không biết, Cotton”.
“Tại sao một quyển sách lại quan trọng đến mức độ đó? Ở buổi đấu giá tôi được biết rằng nó được xếp vào loại hàng không quan trọng. Họ bị sốc khi bán được giá cao đến vậy”.
“Tôi làm sao biết được”. Giọng bà bắt đầu cao vống lên. “Thật sự là tôi không biết. Hai tuần trước tôi ngồi xuống, đọc nhật ký của Lars, và phải nói là tôi thấy rất thú vị. Tôi rất xếu hổ mà nói là chưa bao giờ đọc một cuốn sách nào của ông ấy cho đến tuần trước. Khi đọc, tôi bắt đầu cảm thấy thái độ của tôi đành cho ông ấy thật là tệ. Mười một năm sau đó mới bắt đầu có thay đổi”.
“Thế rồi chị định làm gì?”
Bà lắc đầu. “Tôi không biết. Chỉ là mua quyển sách thôi. Đọc nó và xem điều gì sẽ xảy ra từ đó. Khi tôi đến đây, tôi đã định sang Pháp và ở vài ngày tại nhà của Lars. Tôi chưa bao giờ ở đó lâu cả”.
Có vẻ như là bà đang cố gắng làm hòa với những bóng ma, nhưng rõ ràng là bà nói rất thật. “Chị cần được giúp đỡ, Stephanie ạ. Ở đây đã xảy ra nhiều chuyện, và đó là một điều tôi rất có kinh nghiệm”.
“Anh không có một hiệu sách phải điều hành à?”
“Người làm của tôi có thể đảm nhiệm mọi chuyện trong vài ngày”.
Bà do dự, có vẻ như là đang xem xét lời đề nghị của anh. “Anh là người giỏi nhất mà tôi từng có. Tôi vẫn còn rất buồn vì anh thôi việc”.
“Chỉ là làm điều mà tôi phải làm thôi”.
Bà lắc đầu. “Bị Henrik Thorvaldsen ăn trộm mất anh. Thật là nhục nhã”.
Năm ngoái, khi anh thôi việc và nói cho bà biết kế hoạch chuyển sang sống ở Copenhagen của mình, bà đã rất sung sướng cho anh, cho đến khi biết được sự can thiệp của Thorvaldsen. Theo lối hết sức đặc trưng ở bà, bà không hề giải thích tại sao lại như vậy và anh biết tốt hơn hết là không hỏi han gì.
“Tôi còn có vài tin xấu để thông báo cho chị nữa cơ”, anh nói. “Người nào đã trả giá cao nhất để mua quyển sách? Qua điện thoại? Đó là Henrik”.
Bà nhìn anh vẻ khinh khỉnh.
“Ông ta từng làm việc cùng với Peter Hansen”, anh nói.
“Điều gì dẫn anh đến kết luận đó?”
Anh nói cho bà những gì mình biết được ở phiên đấu giá và những gì gã đàn ông đã nói cho anh qua máy điện đàm. “Tôi ghét những kẻ làm tôi thất vọng”. Có vẻ như là Hansen chơi trò hai mang để kiếm lợi của cả hai bên”.
“Đợi bên ngoài đi”, bà nói.
“Đó chính là lý do khiến tôi đến đây. Chị và Henrik cần nói chuyện với nhau. Nhưng chúng ta cần phải rời khỏi đây một cách cẩn thận. Mấy gã đó có thể vẫn còn ở ngoài kia”.
“Tôi mặc quần áo đây”.
Anh đi về phía cửa ra vào. “Quyển nhật ký của Lars đâu rồi?”
Bà nhìn vào cái hộp.
“Cầm nó theo đi”.
“Liệu như vậy có khôn ngoan không?”
“Cảnh sát sẽ tìm thấy xác Hansen. Họ sẽ không mất nhiều thời gian để kết nối các sự kiện đâu. Chúng ta cần phải chuẩn bị để đi khỏi đây”.
“Tôi có thể lo được vụ cảnh sát”.
Anh nhìn thẳng vào bà. “Washington đã cứu chị ra khỏi Roskilde bởi vì họ không biết chị đang làm gì. Còn giờ đây, tôi chắc là ai đó ở Bộ Tư pháp đang tìm cách để biết điều đó. chị ghét những câu hỏi, và chị không thể nói với Chưởng lý là cút đi chỗ khác khi ông ấy gọi điện. Tôi vẫn chưa chắc chắn được về việc chị đang làm, nhưng tôi biết một điều, chị không muốn nói về nó. Cho nên sửa soạn đồ đạc đi”.
“Tôi không quen với sự ngạo mạn này”.
“Và cái tính cách sáng ngời của chị cũng đã khiến cho cuộc đời tôi trở nên không hoàn chỉnh. Liệu chị có thể dù chỉ một lần làm những gì tôi đòi hỏi không? Trên hiện trường, làm việc mà không hành động ngu ngốc đã là khó khăn lắm rồi”.
“Tôi không cần được nhắc nhở về điều đó”.
“Chắc chắn là có đấy”.
Nói đến đó, anh ra khỏi phòng.