MỞ ĐẦU

MỞ ĐẦU

PARIS, PHÁP THÁNG GIÊNG 1308

JACQUES DE MOLAY SẮP CHẾT, NHƯNG BIẾT RẰNG sự cứu rỗi sẽ không bao giờ được ban cho mình. Ông là Trưởng giáo thứ hai mươi hai của Dòng Chiến binh nghèo của Christ và Đền thờ Solomon, một dòng tu thờ phụng Chúa tồn tại từ hai trăm năm nay. Nhưng ba tháng vừa rồi, ông cũng như năm nghìn giáo hữu khác, đã trở thành tù nhân của Philip IV, vua nước Pháp.

Dòng tu Các Hiệp sĩ Đền thờ được tổ chức một cách chặt chẽ, với ba chức vụ quan trọng hơn cả theo thứ tự là Master. Seneschal và Marshal. Trong sách này, các chức vụ đó sẽ được dịch là Trưởng giáo, Giám quản và Tướng quân.

Dòng Chiến binh nghèo của Christ, Đền thờ Solomon – tất cả các tên này đều được dùng để chỉ Dòng tu của các Hiệp sĩ Đền thờ (Onier of the Krughis Templar), ban đâu là một nhánh quân đội tủa Giáo hội thiên Chúa giáo trong các cuộc Thập tự chinh, thành lập vào thế kỷ mười hai. Với sự đóng góp về tư tưởng quan trọng của Godefroy de Bouillon và nhất là Bernard de Clairvaux. Chương này kể về sự xóa sổ của Dòng vào thế kỷ mười bốn. Trong câu chuyện, lịch sử của Dòng sẽ được giải thích cặn kẽ.

“Đứng lên”, Guillaume Imbert ra lệnh từ cửa ra vào.

De Molay vẫn nằm trên giường.

“Ông thật hỗn xược, ngay cả khi đối mặt với cái chết của chính ông”, Imbert nói.

“Cao ngạo là tất cả những gì tôi để lại trên đời này”

Imbert là một kẻ mưu ma chước quỷ với bộ mặt ngựa mà de Molay thấy là vô cảm ngang với một bức tượng. Lão là Chánh Quan tòa Dị giáo của nước Pháp và là giáo sĩ nghe xưng tội của Philip IV, nghĩa là lão sở hữu đôi tai của nhà vua. Đã nhiều lần de Molay tự hỏi, ngoài đau đớn, còn có điều gì khác mang lại niềm vui cho linh hồn lão giáo sĩ dòng Dominican này. Nhưng ông biết điều gì có thể khiến lão điên tiết. “Tôi sẽ không làm bất cứ điều gì mà ông muốn”.

“Ông đã làm nhiều hơn là ông tưởng rồi đấy”.

Điều đó thì đúng, và một lần nữa de Molay lại thấy hối tiếc vì sự mềm yếu của mình. Những đòn tra tấn của Imbert trong những ngày tiếp theo những vụ bắt bớ ngày 13 tháng Mười thật tàn độc, và nhiều giáo hữu đã đành phải thú tội. De Molay quỵ xuống trước ký ức về những thú nhận của chính ông – rằng những người được nhận vào Dòng đã chối bỏ Đức Chúa Jesus Christ và khạc nhổ vào một cây thánh giá để thể hiện sự khinh bỉ Người. Thậm chí de Molay còn gục ngã và viết một bức thư kêu gọi các giáo hữu của mình thú tội giống như ông đã làm, và một số lượng khá lớn đã vâng lời ông.

Nhưng vài ngày trước đây, các phái viên của Đức Giáo hoàng Clement V cuối cùng đã đến Paris. Ai cùng biết Clement là con rối trong tay Philip, chính vì vậy mà de Molay đã mang theo rất nhiều tiền florin vàng và chất bạc ròng trên mười hai con ngựa sang Pháp vào mùa hè vừa rồi. Nếu mọi chuyện diễn biến xấu, số tiền đó sẽ có thể dùng để mua lấy sự ủng hộ của nhà vua. Nhưng ông đã đánh giá quá thấp Philip. Nhà vua không thích nhận một phần. Ông ta muốn tất cả những gì mà Dòng sở hữu. Vì vậy mà các tội danh dị giáo đã được tạo ra và hàng nghìn vụ bắt bớ các Hiệp sĩ được thực hiện chỉ trong một ngày. De Molay đã báo cáo cho các phái viên của Giáo hoàng về sự tra tấn và công khai phủ nhận lời thú tội của mình, điều mà ông biết rõ là sẽ có thể mang lại những đòn trả đũa. Vì vậy ông nói, “Tôi cho là hiện tại Philip đang lo đến chuyện Giáo hoàng của ông ấy nhớ ra lại tự đứng thẳng lên được”.

“Nhục mạ người bắt mình là không khôn ngoan”, Imberl nói.

“Thế điều gì thì khôn ngoan ?”

“Làm những gì chúng tôi muốn”.

“Và rồi tôi sẽ trả lời Chúa của tôi thế nào đây ?”

“Chúa của ông đang đợi ông, và tất cả các Hiệp sĩ khác trả lời đấy”. Imbert nói bằng cái giọng kim khí quen thuộc của lão, không biểu hiện chút tàn tích nào của cảm xúc.

De Molay không muốn tranh luận thêm nữa. Ba tháng vừa qua ông đã không ngừng phải chịu đựng các cuộc tra hỏi và không được phép ngủ. Ông bị còng tay chân lại, chân bôi mỡ và đặt ngay sát lửa, người bị kéo dài đặt trên giá. Thậm chí ông còn bị buộc phải nhìn bọn cai tù say rượu tra tấn các Hiệp sĩ khác, đại đa số trong đó chỉ là nông dân, nhà ngoại giao, kế toán, thợ thủ công, lái tàu, giáo sĩ. Ông thấy nhục nhã vì những gì đã nói ra do bị bắt buộc, và sẽ không chịu làm thêm điều gì nữa. Ông nằm trở lại trên cái giường nhớp nhúa và hy vọng lão cai tù kia đi khỏi.

Imbert vẫy tay, và hai tên lính gác chạy vào, nhấc de Molay đứng dậy.

“Mang hắn đi”. Imbert ra lệnh.

De Molay bị bắt ở Đền thờ Paris và bị giam ở đó từ tháng Mười. Cái nhà tù cao bốn góc có tháp canh đó là một đại bản doanh của Dòng – một trung tâm về tài chính – và không có phòng tra tấn nào. Imbert đã ứng biến, cải tạo nhà thờ nhỏ thành một chốn hành hạ khó có thể tưởng tượng nổi – nơi mà de Molay thường xuyên phải đến trong ba tháng đó.

De Molay bị lôi vào trong nhà thờ nhỏ và mang đến giữa sàn nhà sọc đen trắng. Nhiều giáo hữu đã được tiếp nhận vào Dòng bên dưới cái trần khảm những ngôi sao đó.

“Tôi biết rằng”, Imbert nói, “những buổi lễ bí mật nhất của các ông đã được tổ chức ở chính nơi đây”. Lão người Pháp, quấn quanh người một cái áo dài màu đen, khệnh khạng đi sang mé bên của căn phòng dài, gần cái rương chạm trổ mà de Molay biết rất rõ. “Tôi đã lục tìm bên trong cái thùng này rồi. Nó đựng một cái đầu lâu người, hai cái xương chân, và một mảnh vải liệm màu trắng. Lạ đấy chứ, phải không nào ?”

Ông không định nói gì cả. Thay vào đó, ông nghĩ đến những lời mà mỗi người khi được nhận vào Giáo phái đều lẩm nhẩm. Tôi sẽ chịu đựng tất cả những gì làm vui lòng Chúa.

“Nhiều giáo hữu của ông đã nói cho chúng tôi biết những thứ đồ này dùng để làm gì”. Imbert lắc đầu. “Giáo phái của ông trở nên đáng tởm quá rồi đấy”.

Ông chán lắm rồi. “Chúng tôi chỉ trả lời cho Đức Giáo hoàng của chúng tôi, như các bầy tôi trả lời bầy tôi của Chúa. Chỉ một mình ông ấy mới có quyền phán xử chúng tôi”.

“Giáo hoàng của các người là thần dân của Đức vua của ta. Ông ta sẽ không cứu ông đâu”.

Điều đó thì đúng. Các phái viên của giáo hoàng đã rất rõ ràng về chuyện chuyển lại lời phản cung của de Molay, nhưng rất nghi ngờ rằng việc đó có thể tạo ra khác biệt nào đó về số phận của Dòng.

“Cởi quần áo của hắn ra”, Imbert ra lệnh.

Cái áo choàng ông mặc kể từ khi bị bắt bị giật khỏi người ông. Ông không thấy nhất thiết phải buồn lắm vì chuyện ấy, bởi cái mảnh vải hôi hám đó đã sặc sụa mùi cứt đái và nước tiểu. Nhưng Giới luật cấm mọi giáo hữu phô bày thân thể mình. Ông biết Tòa án Dị giáo thích nhìn thấy các nạn nhân của mình trần truồng – không chút kiêu hãnh nào – nên ông tự nhủ không được chùn bước trước hành động mang tính sỉ nhục của Imbert. Ông co cơ thể năm mươi sáu tuổi vẫn còn rất vững chãi của mình lại. Cũng giống như tất cả các hiệp sĩ giáo hữu khác, ông rất chăm chút cho bản thân. Ông đứng sừng sững ở đó, bấu chặt lấy phẩm giá của mình, và bình tĩnh lên tiếng hỏi, “Tại sao tôi lại phải bị làm nhục ?”

“Ông muốn nói gì ?” Câu hỏi mang dáng vẻ của sự ngờ vực.

“Căn phòng này là một chốn để cầu nguyện, thế mà ông lại định lột quần áo của tôi và nhìn vào sự trần truồng của tôi, dù biết rằng các giáo hữu đều phải nhíu mày trước những cảnh tượng đó”.

Imbert cúi xuống, rút ra từ cái rương một mảnh vải chéo dài. “Mười tội danh đã được nêu cho cái Dòng quý báu của các ông”.

De Molay biết tất cả những cái đó. Trong đó bao gồm việc khinh rẻ đồ tế, thờ phụng thần tượng, lạm dụng các hành động phi luân, và dung thứ quan hệ đồng tính.

“Điều mà ta lo lắng hơn cả”, Imbert nói, “là việc ông đã yêu cầu tất cả các giáo hữu chối từ Christ là Chúa của chúng ta và buộc họ khạc nhổ và giẫm chân lên thánh giá. Một trong số các giáo hữu của ông thậm chí còn kể rằng một số người còn đái vào hình Đức Chúa Jesus trên thánh giá. Có đúng không ?”

“Hỏi giáo hữu đó ấy”.

“Thật không may là anh ta đã không qua được thử thách”.

De Molay không nói gì.

“Vua của ta và Đức Giáo hoàng bị chấn động bởi tội danh này hơn bất kỳ tội danh nào khác. Chắc chắn là một người sinh ra cho Nhà thờ như ông có thể hiểu được họ có thể nổi giận đến mức độ nào về việc ông chối từ coi Christ là Người Cứu rỗi chúng ta chứ ?”

“Tôi chỉ muốn nói với Giáo hoàng của tôi”.

Imbert vẫy tay, và hai tên lính canh chụp còng vào hai cổ tay de Molay, rồi bước lùi lại sau, giữ chặt hai tay ông dang ra, vẻ coi thường những cơ bắp tả tơi của ông. Imbert lôi từ dưới cái áo choàng của lão ra một cái roi chùm. Đoạn cuối của chúng kêu lanh canh và de Molay thấy cái nào cũng có buộc xương.

Imbert vụt cái roi vào phía dưới hai cánh tay dang rộng, sợi roi quấn đến sau cái lưng trần của de Molay. Sự đau đớn chạy suốt qua người ông rồi lùi xa dần, để lại phía sau sự nhức nhối âm ỉ. Trước khi da thịt kịp hồi phục tí chút, một cú vụt khác lại ào đến, rồi một cú nữa. De Molay không muốn tạo cho Imbert chút khái niệm nào về thỏa mãn, nhưng sự đau đớn vượt quá mức chịu đựng của ông và ông bắt đầu la hét.

“Mi sẽ không thể chế nhạo Tòa án Dị giáo”, Imbert tuyên bố.

De Molay tập trung toàn bộ các cảm giác của mình lại. Ông thấy nhục nhã vì đã kêu. Ông nhìn chằm chằm vào đôi mắt nhớt của kẻ đang hành hạ mình và chờ đợi điều sẽ xảy ra sau đó.

Imbert nhìn trả. “Mi từ chối Người Cứu rỗi chúng ta, nói rằng ông ấy chỉ là một con người chứ không phải con trai của Chúa ? Mi làm nhơ bẩn thánh giá ? Được lắm. Mi sẽ thấy gánh thánh giá nghĩa là như thế nào”.

Cái roi lại vụt tới vào lưng ông, mông ông, chân ông. Máu bắn ra khi đầu những đoạn xương đập vào da thịt ông.

Cả thế giới tan biến.

Imbert dừng đánh. “Đeo vòng lên đầu Trưởng giáo”, lão hét lên.

De Molay ngẩng đầu lên và cố nhìn cho rõ. Ông nhìn thấy một cái vòng sắt tròn màu đen, vành cắm những cái đinh, đầu hướng cả ra bên ngoài và vào phía trong.

Imbert tiến lại gần. “Thử xem Chúa của chúng ta đã phải chịu đựng những gì. Vị Chúa Jesus Christ mà mi và giáo hữu của mi chối bỏ ấy”.

Cái vòng tròn được đặt lên đầu ông và ấn xuống thật chặt. Những cái đinh cắm vào sọ ông và máu ộc ra từ những vết thương, nhuộm đỏ mái tóc dày và trơn của ông.

Imbert vung vẩy cái roi bên cạnh. “Mang hắn đi”.

De Molay bị lôi qua nhà thờ nhỏ đến một cánh cửa gỗ cao đã từng là nơi dẫn đến chỗ ở riêng của ông. Một cái ghế đã được để sẵn đó và ông bị đặt lên trên. Một trong số những tên lính gác giữ ông đứng thẳng trên ghế, trong khi tên kia chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp ông kháng cự, nhưng ông đã quá yếu để có thể cựa quậy.

Những cái còng tay được tháo ra.

Imbert chìa ba cái đinh cho tên lính gác kia.

“Buộc tay phải của hắn lên đinh”, Imbert ra lệnh, “như là bọn ta đang nói chuyện ấy”.

Tay ông bị kéo lên cao quá đầu. Tên lính gác tiến lại gần và de Molay nhìn thấy cái búa.

Và nhận ra điều mà bọn chúng định làm.

Chúa ôi !

Ông cảm thấy một bàn tay nắm chặt lấy cổ tay ông, đầu một cái đinh ấn xuống da thịt đầm đìa mồ hôi của ông. Ông nhìn thấy cái búa bật ngược trở lại và nghe tiếng va đập kim loại vang lên.

Cái đinh xuyên qua cổ tay ông và ông gào lên.

“Có tìm được mạch không đấy ?”, Imbert hỏi tên lính.

“Không đâm vào đó đâu”.

“Tốt. Hắn sẽ không chết vì mất máu”.

De Molay, khi còn là một giáo hữu trẻ, đã chiến đấu ở Đất Thánh khi Dòng tham gia trận đánh cuối cùng ở Acre. Ông nhớ lại cảm giác bị lưỡi gươm đâm vào da thịt. Sâu. Nặng. Kéo dài. Nhưng một cái đinh đóng vào cổ tay thì tồi tệ hơn như thế rất nhiều.

Cánh tay còn lại của ông bị kéo lên một góc và một cái đinh đâm vào thịt ở đoạn cổ tay. Ông cắn lưỡi, cố kìm giữ, nhưng cơn đau khủng khiếp làm răng ông cắn sâu quá. Máu trào đầy miệng ông và ông nuốt vào.

Imbert lấy chân đá cái ghế đi và giờ đây toàn bộ trọng lượng cao sáu feet của de Molay chỉ còn được những cái xương cổ tay đỡ lấy, đặc biệt là bên tay phải, vì ông bị treo hơi lệch. Cái gì đó bật ra bên trong vai ông, và sự đau đớn đập dồn đập trong óc ông.

Một trong hai tên lính chộp lấy bàn chân phải của ông và xem xét nó. Có vẻ như là Imbert muốn thật cẩn thận trong việc chọn điểm cắm đinh, những nơi ít có mạch máu chảy qua. Bàn chân trái khi đó nằm cạnh bàn chân phải và cả hai chân đều bị đính chặt vào cái cửa bằng một cái đinh duy nhất.

De Molay không thể gào thét được nữa.

Imbert kiểm tra kết quả công việc. “ít máu. Làm tốt đấy”. Lão bước lùi lại. “Ông sẽ phải chịu những gì Chúa và Người Cứu rỗi của chúng ta từng phải chịu. Với một khác biệt duy nhất”.

Giờ đây de Molay đã hiểu tại sao chúng lại chọn một cái cửa. Imbert chậm rãi mở cửa, cánh cửa xoay trên các bản lề, rồi lão lại đóng nó lại.

Người de Molay bị kéo về một phía, rồi phía khác, đung đưa theo những khớp xương vai trật ra, quay theo trục những cái đinh. Cơn đau lớn đến mức ông chưa bao giờ tưởng tượng nổi là có thể.

“Giống như là sự tàn phá ấy”, Imbert nói. “Nơi sự đau đớn được áp dụng theo từng cấp độ. Cái này cũng bao hàm một yếu tố về kiểm soát. Tôi có thể cho phép ông treo ở đó. Tôi có thể đung đưa ông qua lại. Hoặc tôi có thể làm cái việc mà ông vừa trải qua, cái tồi tệ hơn cả”.

Thế giới chớp lên rồi tắt vụt, và gần như ông không thể thở được nữa. Những cơn chuột rút ở tất cả các cơ. Tim ông đập điên loạn. Mồ hôi túa ra từ da ông và ông cảm thấy như thể mình đang lên cơn sốt, cơ thể ông giống như một ngọn lửa sáng lòe.

“Giờ thì ông còn chế nhạo Tòa án Dị giáo nữa không ?”, Imbert hỏi.

Ông muốn nói với Imbert rằng ông căm ghét Nhà thờ vì những gì đang xảy ra ở đây. Một Giáo hoàng yếu thế bị một tên vua Pháp xấu xa kiểm soát theo cách nào đó đang phá hỏng tổ chức tôn giáo lớn nhất mà con người từng biết đến. Mười lăm nghìn giáo hữu bị bắt giữ trên toàn Châu Âu. Chín nghìn điền sản cùng đất đai. Một nhóm giáo hữu đã từng có thời quản lý Đất Thánh và tồn tại mạnh mẽ từ hai trăm năm nay. Những Chiến binh Nghèo của Chúa và Đền thờ Salomon là hình ảnh mẫu mực của tất cả những gì tốt đẹp. Nhưng thành công đã gieo rắc ghen tị và, với tư cách Trưởng giáo, lẽ ra ông phải biết ứng phó khôn khéo hơn trước những cơn bão chính trị nổ ra xung quanh. Phải bớt cứng nhắc hơn, mềm dẻo hơn, không lớn tiếng như vậy. Ơn Chúa vì ông đã dự đoán được một phần những gì sẽ xảy ra và có một số đề phòng. Philip IV sẽ không bao giờ được nhìn thấy một cắc vàng hay bạc của Đền thờ.

Và hắn sẽ không bao giờ nhìn thấy được kho báu vĩ đại nhất đó. Vì vậy de Molay cố gom góp những mẩu sức lực còn lại để ngẩng đầu lên. Rõ ràng là Imbert nghĩ ông sắp sửa nói nên ghé sát tai lại.

“Cầu cho ngươi phải xuống địa ngục”, ông thầm thì. “Ngươi và tất cả những kẻ giúp ngươi thực hiện cái lý tưởng xấu xa đó”.

Đầu ông gục xuống ngực. Ông nghe tiếng Imbert hét lên ra lệnh đung đưa cánh cửa, nhưng sự đau đớn đã quá lớn và xâm nhập đầu óc ông từ nhiều hướng đến nỗi gần như ông không còn cảm thấy gì nữa.

Ông được gỡ xuống. Ông không biết mình đã bị treo trên đó bao nhiêu lâu, nhưng không hề cảm thấy tay chân mình được giãn ra vì cơ bắp ông đã hoàn toàn tê liệt. Ông được đưa đi một quãng đường và nhận ra mình đã quay trở lại xà lim. Những kẻ lôi ông về đặt ông lên trên đệm, và khi cơ thể ông được trở về nơi quen thuộc, một mùi hôi thối quen thuộc tràn đầy trong lỗ mũi ông. Đầu ông được đặt lên một cái gối, hai tay ông để xuôi hai bên người.

“Tôi được biết”, Imbert trầm tĩnh nói, “rằng khi một giáo hữu mới được chấp nhận vào Dòng của các ông, ứng cử viên được phủ lên vai một tấm vải liệm bằng lanh. Một cái gì đó giống như một biểu tượng về cái chết, rồi sau đó phục sinh, sống một cuộc đời mới với tư cách là một Hiệp sĩ. Cả ông nữa, giờ đây, ông cũng sẽ có vinh dự đó. Tôi đã trải tấm vải liệm lấy từ cái rương trong nhà thờ ở dưới người ông”. Imbert cúi xuống và cuộn tấm vải dài thêu hình chữ chi bọc lấy hai chân de Molay, dọc theo chiều dài cơ thể ẩm ướt của ông. Cái nhìn của ông giờ chú mục vào tấm vải. “Tôi được biết là tấm vải này đã được Dòng của ông dùng ở Đất Thánh, được mang về đây và được phủ quanh người tất cả những người mới gia nhập ở Paris này. Giờ đây ông đã được tái sinh rồi nhé”, Imbert chế nhạo. “Cứ nằm đấy mà suy nghĩ về những tội lỗi của mình. Tôi sẽ quay lại”.

De Molay đã quá yếu để có thể trả lời. Ông biết rằng rất có thể Imbert được lệnh không giết ông, nhưng ông cũng nhận ra rằng sẽ không có ai chăm sóc đến ông. Nên ông nằm im. Sự tê liệt dần biến mất, thế chỗ là một cơn đau khủng khiếp. Tim ông đập liên hồi và người ông tiết ra một khối lượng ẩm ướt lớn đến kinh hoàng. Ông tự nhủ cố bình tĩnh và nghĩ đến những điều dễ chịu. Nảy ra trong đầu óc ông là điều mà ông biết những kẻ giam giữ mình muốn biết hơn tất thảy mọi thứ khác. Ông là người duy nhất sống trên đời này biết được điều đó. Đó là quy định của Dòng. Một người ở cương vị trưởng giáo truyền lại điều ấy cho người kế vị mình theo cách bí mật nhất. Thật không may, vì ông bị bắt quá bất ngờ và Dòng bị bắt bớ tan tác, có thể rồi đây việc truyền lại bí mật sẽ phải được thực hiện theo một cách khác. Ông sẽ không cho phép Philip hoặc Nhà thờ giành chiến thắng. Họ sẽ chỉ có thể biết được điều mà ông biết khi nào ông muốn họ biết. Lời Thánh vịnh, đã nói gì nhỉ ? Này hỡi tên chuyên nghề lừa đảo, lưỡi ngươi khác nào dao sắc bén.

Nhưng khi đó một đoạn khác trong Kinh Thánh hiện ra trong óc ông, đoạn mang đến một chút ít an ủi cho linh hồn đang bị phong bế của ông. Trong khi nằm đó, người cuộn trong tấm vải liệm, từ cơ thể trào ra cả máu lẫn mồ hôi, ông nghĩ đến Cựu Ước.

Để ta lại một mình, ta sẽ diệt trừ chúng.

Kho Báu Của Các Hiệp Sĩ Đền Thờ

Kho Báu Của Các Hiệp Sĩ Đền Thờ

Score 9
Status: Completed Author:

Dòng tu cổ của Hiệp Sỹ Đền Thờ sở hữu một kho báu vô kể và một quyền lực tuyệt đối trên cả các vị vua và các Đức giáo hoàng. Khi bị đưa ra xét xử ở toà án Dị giáo vào thế kỷ XIV, họ bị xoá sổ, và những của cải của họ cũng biến mất.

Nhưng giờ đây, hai thế lực đang ganh đua để giành kho báu, và họ cũng nhận ra rằng không chỉ có của cải như họ từng nghĩ, mà kho báu kia cũng còn chứa đựng một "bí mật lớn" có thể khiến cả thế giới hiện đại choáng váng.

Cotton Malone, một thời từng là đặc vụ cấp cao trong Bộ tư pháp Mỹ, đang tận hưởng một cuộc sống mới thanh bình của người buôn bán sách cũ ở Copenhagen, Đan Mạch. Nhưng rồi một tình huống nguy hiểm bất ngờ ập đến, khơi dậy bản năng hành động sẵn có và lôi anh trở lại với cái thế giới của các thế lực đen tối mà anh ngỡ đã bỏ lại sau lưng.

Stephanie Nelle, cựu chỉ huy của anh, đến Đan Mạch với một mục đích đặc biệt và bị một kẻ lạ mặt giật mất chiếc túi xách khi đi trên đường phố.

Khi biết mình đang nắm giữ những đầu mối quan trọng dẫn tới một loạt những câu đố đã tồn tại từ hàng thế kỷ bị phân tán rải rác khắp châu Âu, Stephanie quyết định sẽ khám phá điều bí ẩn đã ám ảnh các học giả và những kẻ săn lùng kho báu từ nhiều năm nay, bằng cách tìm ra chốn truyền thuyết đó, nơi cất giấu của cải và những "Bí mật lớn" tưởng như đã mất theo Dòng tu các Hiệp sỹ Đền Thờ từ thế kỷ XIV.

Cùng với tham vọng tìm thấy món quà của lịch sử, một kẻ cuồng tín giấu mặt - Robert de Roquefort, cùng với đám sát thủ của y - đã bằng mọi thủ đoạn liều mạng chiếm đoạt những tài liệu quan trọng trong tay Stephanie.

Dẫu được hoan nghênh hay không, cotton vẫn lao vào cuộc tìm kiếm, mặc cho những bất hòa nảy sinh trong suốt cuộc đua nguy hiểm này. Nhưng, càng hiểu thêm về những âm mưu xa xưa xung quanh các Hiệp Sỹ Đền Thờ, anh càng nhận ra rằng điều gì đó còn lớn hơn những sinh mạng đang bị lâm nguy.

Kết thúc trò chơi chết người trong cuộc chinh phục kho báu mà ở đó, đầy rẫy những mưu mô, sự phản bội, những tham vọng quyền lực đớn hèn, là một khám phá gây chấn động có thể làm rung chuyển thế giới văn minh đương đại và khiến các thế lực đen tối phải quỳ gối.

Một cuốn tiểu thuyết hoàn hảo cho các fan thích đọc chuyện ly kỳ cũng như chuyện lịch sử. Cốt truyện hoang đường lắt léo.
Và hơn hết, còn có một "bí mật lớn" mà những kẻ truy tìm kho báu lẫn các học giả nhiều thời đại đều bị ám ảnh phải khám phá đến cùng, một bí mật có thể làm rung chuyển thế giới văn minh đương đại.

Bằng lối kể chuyện cuốn hút, ngôn từ giản dị mà tài tình, nhà văn Steve Berry đã khôn khéo dẫn dắt người đọc đi hết từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác, và dâng tặng độc giả một kết thúc hoàn toàn thoả mãn. Ông xứng danh là tác giả best-selling trên toàn thế giới do tờ New York Times danh tiếng bình chọn.

Mời các bạn đón đọc!

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset