Stephen dậy sớm, soi gương ngắm nghía mái tóc bạc của mình một cách thán phục. Để có nó, anh đã phải mất khá nhiều tiền và tiêu tốn cả một buổi chiều ở hiệu làm đầu Debenhams. Anh cẩn thận chọn lựa quần áo: Bộ complet màu xám trang nhã và một cái cravat kẻ ô. Anh thường mặc trang phục này trong những dịp lễ đặc biệt: Từ những buổi gặp gỡ sinh viên cho đến những buổi tiệc ở Đại Sứ Quán Mỹ. Cho đến nay, vẫn chưa ai nói với anh là màu sắc bộ complet và chiếc cravat không hề hoà hợp, hoặc bộ complet đã lỗi thời vì nơi khuỷu tay và ve cổ không đúng mốt. Theo tiêu chuẩn của riêng Stephen thì bộ đồ lớn này, tự bản thân nó, rất trang nhã. Từ Oxford, anh đón tàu hỏa đi Ascot, còn Jean Pierre lại khởi hành từ London bằng xe hơi. Họ sẽ cùng gặp James ở Belvedere Arms vào lúc 11 giờ sáng (sau khi đã đi chừng một dặm).
Ngay lập tức, Stephen gọi cho Robin để khẳng định rằng cả ba người đã tới đích và yêu cầu được nghe nội dung bức điện Ronbin sẽ gửi đi.
— Thật hoàn hảo, Robin. Bây giờ, cậu hãy tới Heathrow, và chờ đến đúng 1 giờ thì gửi nó đi
— Chúc may mắn, Stephen. Hãy nghiền thằng con hoang này ra tro bụi.
Stephen quay lại chỗ Jean Pierre và James, thông báo với họ là tại London, Robin đã sẵn sàng.
— James, hãy lên đường. Khi nào Harvey tới, phải báo ngay cho chúng tôi.
James tu cạn một chai Carlsbers rồi mới xuất phát. Thật rắc rối vì anh liên tục gặp bạn bè, khó khăn lắm anh mới tìm đủ lý do để không phải nhập bọn cùng họ.
Đầu giờ chiều, Harvey Metcalfe xuất hiện trong khu đỗ xe của hội viên, chiếc Rolls Royce màu trắng bóng loáng như một bảng quảng cáo Persi. Ngay lập tức, tất cả những ai có mặt đều nhìn chằm chằm vào chiếc xe với vẻ coi thường khinh khỉnh, Nhưng Harvey lại tưởng nhầm là họ thán phục gã. Bộ complet mới may của gã quả là sự thử thách, kiểm nghiệm hữu hiệu nhất cho tài năng và sự khéo léo của Bernard Weatherill. Một bông cẩm chướng đỏ bên ve áo và chiếc mũ che đi cái đầu hói. Trông gã lạ lẫm tới mức suýt nữa James đã không nhận ra, may nhờ có chiếc Rolls Royce màu trắng. Với một khoảng cách cố định, James theo sau Harvey và bạn bè gã cho đến khi nhìn thấy cả bọn khuất sau một cánh cửa có đề: Ngài Harvey và khách.
— Hắn vào lô riêng rồi, – James nói
— Cậu đang ở đâu? – Jean Pierre hỏi.
— Ngay trên đầu hắn, trên lô đất của một người đánh cá ngựa tên là Sam O’Flaherty.
— Jame, không nhất thiết phải thổ lộ như vậy với người Ailen, – Jean Pierre nói. – Bọn mình sẽ đến chỗ cậu ngay đây.
James nhìn không chớp mắt vào khu khán đài rộng mênh mông màu trắng, có sức chứa 10.000 khán giả. Một lần nữa, anh lại thấy khó có thể tập trung vào công việc vì phải tìm cách né tránh bạn bè, họ hàng. Đầu tiên là nhà quý tộc Halifax, sau đó là một cô gái khó chịu mà mùa xuân năm ngoái, do thiếu suy nghĩ anh đã đưa tới dự buổi tiệc khiêu vũ do Nữ Hoàng Charlotte tổ chức. Tên cô ta là cái quái gì nhỉ? À, đúng rồi. Quí cô Selina Wallop. Một cái tên rất tương xứng với con người. Cô nàng mặc chiếc váy ngắn, có lẽ đã lỗi thời từ bốn năm nay, đầu đội một chiếc mũ hình như sẽ không bao giờ là mốt. Để không phải tiếp chuyện cô, James chụp chiếc mũ nỉ lên đầu, nhìn sang hướng khác, giết thời giờ bằng cách tán ngẫu với Sam O’Flaherty về cuộc đua Vua George VI và Nữ Hoàng Elizabeth Stakes. Bằng một giọng cao chói tai, O’Flaherty thông báo về lợi thế của con ngựa được ưa chuộng nhất và số tiền cá cược mà người ta đặt cho nó.
— Con Rosalie thuộc về một người Mỹ có tên là Harvey Metcalfe. Pat Eddery sẽ cưỡi con này. Tiền đặt cược mới đây nhất của nó là 6 trên 4. Nhiều người cho rằng Eddery sẽ là quán quân đua ngựa trẻ nhất trong lịch sử và Harvey sẽ là người chiến thắng cuộc đua này.
Stephen và Jean Pierre đến bên James, và cùng đứng gần quầy của Sam O’Flaherty. Ông ta đứng trên cái bục cao màu da cam đang vung hai tay như thể hoa tiêu trên một chiếc tàu sắp chìm.
— Các ngài chọn con nào, các quý ngài trẻ tuổi? – Sam hỏi ba người.
Phớt lờ cái nhíu mày của Stephen, James nói:
— Mỗi lượt 5 bảng cho con Rosalie, – anh nói rồi chìa ra một đồng 10 bảng mới cứng, và nhận lại một tấm thẻ màu xanh trên có ghi số series và đóng dấu “Sam O’Flaherty” ở giữa.
— Có lẽ, đây cũng là bản năng bẩm sinh của cậu. – Jean Pierre nói. – Cái mà tôi muốn biết bây giờ là, nếu thắng, chúng ta sẽ được bao nhiêu?
— Mỗi lượt 9 bảng 10 xu không kể thuế, nếu Rosalie thắng. – Sam O’Flaherty xen vào, điếu xì gà lập bập trên môi mỗi khi ông ta nói.
— Một đóng góp khó có thể gọi là lớn so với số tiền một triệu đôla. Thôi, bây giờ chúng tôi sẽ đi vào khu vực hội viên. Khi nào hắn ra khỏi lô ghế thì báo cho chúng tôi. Tôi đoán hắn sẽ nhổ rễ vào khoảng 1 giờ 45 phút và khoảng 2 giờ thì sẽ tới gặp gỡ các tay đua và lũ ngựa. Như vậy, chúng ta còn hẳn 1 giờ đồng hồ nữa.
***
Người bồi mở thêm một chai Krug 1964, rót vào ly cho khách khứa của Harvey, bà chủ ngân hàng, hai kỹ sư kinh tế, một chủ tàu và một phóng viên tờ City nổi tiếng.
Harvey rất thích những vị khách nổi tiếng và có thế lực, vì vậy gã luôn mời những người mà gã biết sẽ không khi nào từ chối vì họ cũng cần đến gã trong nghề nghiệp của họ. Gã rất hài lòng về đám tùy tùng mà gã đã mất công chọn lựa để đón chào ngày lễ trọng đại này. Trong số họ, ngài Howard Dodd là người nhiều tuổi hơn cả, ông ta là chủ tịch một ngân hàng thương mại quốc tế mang tên mình. Thực ra, ông ta thừa kế ngân hàng này từ cụ nội. Ngài Howard Dodd cao 6 foot 2 inch, thẳng đứng như một que sắt, và có dáng vẻ của một người gác cổng hơn là một chủ ngân hàng danh giá. Điểm giống nhau duy nhất của ông ta và Harvey là mái tóc, chính xác hơn là sự hiếm tóc trên cái đầu trơn bóng. Người trợ lý trẻ tuổi của ông ta, Jamie Clark, hôm nay cũng hiện diện. Ngoài ba mươi tuổi, thông minh, sắc sảo hơn người, anh có mặt ở đây chỉ cốt ngăn chặn Ngài Chủ Tịch không hứa hẹn bất cứ mối quan hệ làm ăn nào kẻo sau này hoặc anh hoặc chính bản thân ông ta phải hối tiếc. Mặc dầu thầm khâm phục Harvey, nhưng chưa bao giờ Clark đặt gã vào danh mục khách hàng tin cậy có thể quan hệ giao dịch. Tuy vậy, anh cũng không thể cưỡng lại ý muốn được chứng kiến một cuộc đua ngựa tại đây.
Hai nhà kinh tế học, ngài Conlin Emson và tiến sĩ Michael Hogan của viện Hudsen Institute, cũng có mặt để thông báo tóm tắt tình trạng suy thoái của nền kinh tế Anh. Emson là một người hoàn toàn tự lập. Tốt nghiệp phổ thông khi mới mười lăm tuổi, và đã tự học tiếp các chương trình khác. Sau này, thông qua các mối quan hệ xã hội, ông đã xây dựng nên một công ty chuyên về thuế. Công ty này cực kỳ ăn nên làm ra nhờ thông lệ vài tuần Chính Phủ Anh lại áp dụng một đạo luật tài chính mới. Emson cao 6 food, người chắc nịch, tính tình chan hòa, tốt bụng, luôn sẵn lòng giúp đỡ bạn bè. Hogan, ngược lại, đã theo học ở những trường nổi tiếng Winchester, Trinity, Oxford và Wharton Business ở Pennsylvania. Bên cạnh đó, việc theo học Mc Kinsey và những bậc thầy về quản trị ở London đã giúp ông trở thành một trong những nhà kinh tế thông thái nhất Châu Âu. Bất cứ ai khi nhìn thấy cơ thể mảnh dẻ của ông cũng đều không thể tin rằng ông đã từng là cầu thủ squash quốc tế. Đây là lần thứ năm ông được mời tới dự Ascot – chưa bao giờ ông từ chối Harvey điều gì.
Ở đây, chúng ta không thể không kể đến anh em nhà Kundas, vốn gốc người Hy Lạp, say mê các cuộc đua ngựa như say mê tàu thủy. Họ có mái tóc màu đen, da ngăm ngăm, lông mày đen rậm. Không ai biết chính xác tuổi của họ và cũng không ai biết đích xác họ giàu có tới mức nào. Ngay bản thân họ cũng không biết. Người khách cuối cùng của Harvey là Nick Lloyd, phóng viên tờ Tin Thế Giới. Lloyd đang cúi khom người bên ly rượu gin pha nước khoáng. Đây là chén thứ ba rồi. Ông ta vừa uống vừa ngắm nhìn đám đông hỗn tạp nhiều màu sắc với vẻ thích thú.
— Thưa ngài, có điện.
Harvey xé toạc phong bì. Trong mọi tình huống, gã đều không cẩn thận.
— Rosalie, con gái tôi. Thật thú vị là nó còn nhớ tới ngày này, nhưng tại sao không cơ chứ, tôi đã lấy tên nó đặt cho con ngựa đáng yêu. Mời các vị. Hãy ăn uống tự nhiên.
Cả bọn kéo nhau đi ăn trưa. Vichyssoie nguội, thịt chim trĩ, và dâu tươi. Harvey thậm chí còn ba hoa nhiều hơn thường lệ nhưng tất cả mấy vị khách đều không để tâm đến những gì gã nói. Họ đều biết gã đang hoang mang. Tuy vậy, gã cũng không ít cơ hội để đoạt cúp, một cách không khó khăn lắm. Bản thân Harvey cũng không thể hiểu tại sao gã có cảm giác này. Có lẽ bởi không khí đặc biệt của Ascot đã thu hút gã quá mạnh mẽ – sự kết hợp giữ lớp cỏ xanh tươi tốt và môi trường xa hoa xung quanh, sự kết hợp giữa những đám đông giàu có với lối tổ chức có hiệu quả đã làm cho Ascot trở thành một trường đua khiến giới đua ngựa phải ghen tỵ
— Chắc chắn là năm nay ông sẽ có nhiều cơ hội hơn bao giờ hết. – Ngài giám đốc ngân hàng nói.
— Vâng, ông cũng biết đấy, ông Howard Dodd, Lester Piggot cưỡi con ngựa của Công Tước Devonshire, Thái Tử Crown và ngựa của Nữ Hoàng, con Highclere, là một ứng cử được nhiều người ưa chuộng, vì vậy, tôi không thể khinh xuất. Nếu như ba lần ông đoạt giải ba, một lần đoạt danh hiệu được ưa chuộng và một lần không được xếp hạng gì thì ắt hẳn ông sẽ bắt đầu nghi ngờ khả năng các con ngựa của ông.
— Thưa ngài, lại có điện.
Một lần nữa, những ngón tay ngắn ngủn mập mạp của Harvey lại xé toạc phong bì.
«Xin gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới ngài trong cuộc đua Vua George VI và Nữ Hoàng Elizabeth Stakes.»
— Điện chúc mừng từ các nhân viên ngân hàng của ngài, ngài Howard.
Chất giọng Mỹ lai Ba Lan của Harvey làm cho câu thành ngữ Anh trở nên hơi lố bịch.
— Mời các ngài dùng champagne!
Lại thêm một bức điện nữa.
— Với tốc độ này, Harvey, ngài sẽ cần một phòng đặc biệt ở bưu điện.
Quanh bàn tiệc nổ lên tiếng cười hưởng ứng câu đùa nhạt nhẽo của ngài Howard. Một lần nữa, Harvey lại đọc oang oang:
— «Rất lấy làm tiếc vì không thể tới Ascot cùng ngài. Hẹn sớm gặp lại ở California. Rất biết ơn nếu ngài đón tiếp người bạn cũ của tôi, Giáo sư Rodney Porter, người giành được giải thưởng Nobel về cho Oxford. Đừng để những tay cá ngựa câu được ngài.
Wiley B. Sân bay Heathrow».
— Của bác sĩ Wiley Barker. Ông ta là người đã khâu vết thương cho tôi ở Monte Carlo. Ông ta đã cứu sống tôi vì đã lấy ra khỏi người tôi một viên sỏi mật to bằng miếng bánh mỳ mà ông đang ăn đấy, tiến sĩ Hogan ạ. Nào, bây giờ tôi phải làm gì để tìm ngài giáo sư Porter đây? – Harvey quay sang người bồi. – Tìm tài xế của tôi ngay.
Vài giây sau, anh hầu Salmon xuất hiện trong bộ đồng phục rất bảnh bao.
— Hôm nay ở đây sẽ có một giáo sư Oxford tên là Rodney Porter. Hãy đi tìm ông ấy.
— Thưa ngài, trông ông ta thế nào?
— Làm sao mà tôi biết được. – Harvey nói. – Giống như một vị giáo sư.
Anh tài xế phải từ bỏ các kế hoạch đã định cho một buổi chiều bên ngoài hàng rào để đi tìm giáo sư Porter. Harvey và các bạn bè của gã lại tiếp tục vui vẻ bên những chùm dâu, những ly rượi champage và một loạt các bức điện vẫn tới dồn dập.
— Ông biết không, nếu ông chiến thắng, chính Nữ Hoàng sẽ tặng Cup cho ông đấy. – Nick Lloyd nói.
— Vâng, đó sẽ là giây phút huy hoàng nhất đời. Nhất định tôi sẽ chiến thắng và sẽ được gặp Nữ Hoàng đáng kính. Nếu Rosalie chiến thắng, tôi đề nghị con gái tôi cưới Thái tử Charles. Họ bằng tuổi nhau mà.
— Ôi, Harvey, tôi thậm chí không dám nghĩ là ông có thể thu xếp được việc này.
— Ông sẽ làm gì với số tiền thưởng 81.000 bảng, Harvey? – Jamie Clark hỏi.
— Tặng cho một tổ chức từ thiện nào đó. – Harvey nói và thấy hài lòng với ấn tượng mà câu trả lời tạo ra.
— Ôi, Harvey, ông thật hào phóng. Đây chính là điểm sáng nhất mà người ta vẫn đồn đại về ông.
Nick Lloyd trao cho Michael Hogan một cái nhìn đầy ngụ ý. Dù những người khác ngơ ngác không hiểu gì thì hai ông đều hiểu điểm sáng ấy là cái gì.
Anh tài xế quay lại để báo rằng không hề có dấu vết của vị giáo sư đơn độc ở quầy Champagne, ban công phòng ăn trưa hay là ở sân giữ ngựa, và anh ta không được phép đi vào khu vực hội viên.
— Tất nhiên là không rồi. – Harvey nói với vẻ khoa trương. – Tôi phải tự mình đi tìm ông ta. Xin các ngài cứ tự nhiên.
Harvey đứng lên và cùng anh tài xế đi về phía cửa. Khi đã thoát ra khỏi tầm nghe của khách khứa, gã mới hét lên:
— Đồ con lừa, biến cho khuất mắt tao và đừng có rống lên một cách phi lý là không thể tìm thấy ông ta, kẻo mày phải tự tìm cho mình một công việc mới đấy.
Anh ta vội vàng lao đi. Harvey quay trở về cùng những vị khách và mỉm cười.
— Tôi định kiểm tra lại lũ ngựa và đám nài.
***
— Hắn sắp sửa đi đấy. – James nói.
— Cậu nói cái gì vậy? – Một giọng đầy uy quyền chợt vang lên ngay bên cạnh James. – Nói một mình à?
James ngỡ ngàng nhìn vào nhà quý tộc Somerset, cao 6 foot 1 inch với các tấm huy chương M.C và D.S.O trong đại chiến thế giới thứ nhất. Cả con người ông vẫn toát lên sự nhiệt tình, mặc dầu các nếp nhăn trên mặt cho thấy rằng ông đã qua rồi cái độ tuổi mà tạo hoá cho phép.
— Ồ, không. Không thưa ngài, tôi chỉ vừa… ừm…
— Cậu nghĩ thế nào về cuộc đua Vua George VI và Nữ Hoàng Elizabeth Stakes? – Bậc khanh tước hỏi.
— À, tôi đã đặt 5 bảng cho con Rosalie, thưa ngài.
— James không nói nữa, – Stephen nói
— Nào, gọi tiếp cho cậu ấy đi, – Jean Pierre giục.
— Tiếng gì thế James? Cậu phải sử dụng máy nghe đấy à?
— Không, thưa ngài. Đó … đó … đó là máy nhắn tin.
— Lẽ ra người ta phải cấm tiệt những cái của này. Thật là một sự xâm phạm quyền tự do cá nhân quá lắm.
— Vâng, đúng vậy, thưa ngài.
— Cậu ta chơi cái trò quỉ gì vậy, Stephen?
— Tôi không biết. Tôi nghĩ có lẽ đã xảy ra chuyện gì.
— Ôi, lạy chúa tôi, Harvey đang đi về phía chúng ta. Cậu đi vào khu vực hội viên đi Stephen, tôi sẽ đi theo cậu. Nào hít sâu vào! Hãy bình tĩnh nhé. Hắn chưa nhìn thấy chúng ta đâu.
Harvey hùng dũng bước về phía nhân viên soát vé bên cổng vào khu vực hội viên.
— Tôi là Harvey Metcalfe, chủ nhân con Rosalie, đây là thẻ của tôi.
Người soát thẻ để cho gã đi qua. Ba mươi năm trước đây, anh ta nghĩ, dù có là chủ nhân của tất cả các con ngựa đi chăng nữa, gã cũng không được phép đặt chân vào khu vực hội viên. Hồi đó, đua ngựa Ascot chỉ tổ chức bốn ngày mỗi năm và là hoạt động của giới thượng lưu. Còn bây giờ, nó được tổ chức hai mươi tư ngày một năm và lại còn là hoạt động thương mại. Thời thế đã đổi thay.
Jean Pierre theo sát Harvey, anh xuất trình thẻ ra vào, không hề nói một lời với nhân viên kiểm soát. Một anh thợ ảnh với chiếc mũ độc đáo của Ascot từ đâu xông đến chớp vội một tấm hình của Harvey để dự phòng trong trường hợp con Rosalie chiến thắng.
Đèn flash vừa lóe sáng, anh ta đã chạy vội sang cửa khác. Ở đây, Linda Love Lace, ngôi sao chính trong bộ phim Deep Throat, một bộ phim được chiếu rộng rãi ở New York nhưng lại bị cấm chiếu ở nước Anh, đang cố tìm cách vào khu vực hội viên. Mặc dầu đã được giới thiệu là người quen của một chủ ngân hàng nổi tiếng ở London, Richard Szpiro, kể cả lúc ông này cũng đang đi vào cổng, Linda vẫn không thành công. Hôm nay cô ta đội một chiếc mũ có chóp, mặc đồ truyền thống buổi sáng. Nhờ sự ồn ã quanh cô ta, không ai quấy rầy Harvey. Khi Love Lace biết chắc rằng tất cả các phóng viên đều đã chụp được hình cô đang cố sức lọt vào khu vực hội viên thì cô bỏ đi, không quên chửi thề bằng một giọng the thé chói tai. Cô đã hoàn toàn thu hút được sự chú ý của công chúng.
Khi Harvey đi về phía lũ ngựa thì Stephen cũng bám theo gã, không quên giữ khoảng cách phù hợp.
— Tuyệt quá! – Chúng ta lại gặp nhau ở đây! – Jean Pierre nói bằng tiếng Pháp, rồi với những bước đi tao nhã nhất, anh tiến về phía Stephen. Khi đã đứng giữa Stephen và Harvey, anh dừng lại, nồng nhiệt bắt tay Stephen, và hồ hởi chào bằng một giọng cố ý.
— Ngài khỏe chứ, giáo sư Porter? Tôi không biết là ngài cũng quan tâm đến các cuộc đua.
— Không hẳn là thế. Tôi vừa hoàn thành một cuộc hội thảo ở London và đang trên đường trở về. Dẫu sao thì đây cũng là một cơ hội tốt để …
— Giáo sư Porter, – Harvey kêu lên. – Rất hân hạnh được làm quen với ngài. Tên tôi là Harvey Metcalfe, ở Boston, Massachusetts. Một người bạn tốt của tôi, bác sĩ Wiley Barker, người đã cứu sống tôi, bảo với tôi rằng hôm nay ngài sẽ tới đây một mình. Chắc chắn là tôi sẽ giúp được ngài có một buổi chiều thật thú vị.
Jean Pierre nhẹ nhàng rút lui êm thấm. Anh không thể tin rằng sự việc lại diễn ra trôi chảy như vậy. Các bức điện quả có sức quyến rũ lớn.
“Tiến vào lô ghế của Hoàng Gia bây giờ là Hoàng Hậu; Công Tước xứ Edinburgh; Thái Hậu; và Công Chúa Anne” – Tiếng loa phát thanh vang lên.
Các ban nhạc của Brigade of Guards liền cử hàng bài Quốc Ca.
“Cầu chúa che chở… Nữ Hoàng”.
Đám đông hơn mươi nhăm ngàn người đứng dậy, hào hứng hát với tất cả lòng trung thành.
— Ở Mỹ, chúng ta cũng cần phải có một người nào đó tương tự, – Harvey nói với Stephen. – Để thay thế cho Richard Nixon, như vậy, sẽ không còn những vụ như Watergate.
Stephen thấy ông bạn đồng hương này không được công bằng cho lắm. Làm theo các tiêu chuẩn của riêng Harvey Metcalfe thì Richard Nixon có vẻ là một thằng điên.
— Mời ngài theo tôi, giáo sư. Chúng ta về lô riêng của tôi. Tôi sẽ giới thiệu ngài với các vị khách khác. Tôi đã phải trả 750 đôla cho cái lô này đấy. Ngài đã dùng bữa chưa?
— Rồi. Rất tuyệt. Cảm ơn ngài, – Stephen nói dối. Đây cũng là kinh nghiệm anh học được từ Harvey. Anh đã đứng ở khu vực hội viên này gần một giờ đồng hồ, hoang mang u uất, tới mức không nuốt nổi một miếng sandwich, nên bây giờ đang đói ngốn ngấu.
— Vậy thì mời ngài đến dùng champagne.
“Uống champagne với cái bụng rỗng không, thật hay ho làm sao”, – Stephen nghĩ.
— Cảm ơn, ngài Metcalfe. Nhiều điều mới lạ quá. Đây là lần đầu tiên tôi dự Ascot Hoàng Gia.
— Thưa giáo sư, đây không phải là Ascot Hoàng Gia, mà là ngày cuối cùng của tuần lễ Ascot. Gia đình Nữ Hoàng luôn luôn tới đây để xem cuộc đua mang tên Vua George VI và Nữ Hoàng Elizabeth Stakes, vì thế tất cả mọi người đều ăn mặc đẹp.
— Tôi hiểu, – Stephen nói với vẻ ngượng ngùng. Nhưng kỳ thực, anh rất hài lòng với sai lầm cố ý của mình.
Harvey bá vai Stephen, dẫn anh về lô ghế riêng, như thể dẫn một tên tù binh.
— Thưa các vị, tôi muốn các vị gặp gỡ với người bạn xuất chúng của tôi, giáo sư Rodney Porter, người đã đoạt giải thưởng Nobel. Tiện đây, xin ngài cho biết chuyên ngành của mình.
— Hoá Sinh.
Stephen đã quá quen với tính cách con người Harvey. Một khi anh đã dám chơi bài ngửa, thì tất cả các chủ ngân hàng, chủ tàu, thậm chí các nhà báo đều phải công nhận anh là người thông minh nhất kể từ thời Einstein. Anh ngồi thư giãn một lúc và thừa khi mọi người không để ý, anh tranh thủ nhét đầy bụng bánh sandwich kẹp cá hồi hun khói.
Sau hai giờ, con Lester Piggot chiến thắng con Olympic Casino và 2 giờ 30 phút thì vượt qua con Roussalka, khép kín vòng đua. Harvey ngày càng hoang mang. Gã bắt đầu nói liên tục những câu vô nghĩa. Sau đó, gã ngồi im, phớt lờ kết quả các vòng đua, chỉ tập trung nốc champagne. 2 giờ 50 phút, gã yêu cầu tất cả mọi người trở vào khu vực hội viên để ngắm nhìn con Rosalie yêu quý của gã. Stephen, cũng giống như tất cả những người khác, lầm lũi đi theo Harvey, như thể một đoàn tuỳ tùng trung thành, nhưng là sự trung thành giả tạo.
Từ phía xa Jean Pierre và James chăm chú ngắm nhìn bọn họ
— Cậu ta đã dấn vào quá sâu rồi, không lùi được nữa. – Jean Pierre nhận xét.
— Trông cậu ta vẫn bình tĩnh, – James nói, – Chúng ta có lẽ phải chuồn thôi.
Họ đi về phía quầy champagne. Nơi đây chật ních những gã đàn ông mặt đỏ gay, có vẻ như họ đã dành nhiều thời gian để uống hơn là để xem đua ngựa.
— Nó đẹp đấy chứ, giáo sư? Có thể nói là đẹp như con gái tôi. Tôi nghĩ, nếu hôm nay nó không thành công, thì từ nay về sau, hết đời tôi cũng sẽ không bao giờ thành công.
Harvey rời khỏi đoàn tuỳ tùng để nói chuyện với tay nài ngựa Pat Eddery, và chúc anh ta may mắn. Sau khi nghe huấn luyện viên Peter Walwyn dặn dò những lời cuối cùng, Eddery leo lên ngựa, tiến ra khỏi khu trại. Mười con ngựa đi đều bước qua khán đài. Tập quán này chỉ tiến hành ở Ascot trong cuộc đua Vua George VI và Nữ Hoàng Elizabeth Stakes. Dẫn đầu đoàn diễu hành là con Highclare của Nữ Hoàng với các màu vàng, tía và đỏ tía, sau đó là con Crown Princess. Tiếp sau là con Rosalie, trông nó có vẻ nhẹ nhàng, khỏe khoắn và sẵn sàng thi đấu. Buoy và Dankaro đi sau Rosalie. Đi ở phía bên ngoài, gần hàng rào là các con Mesopotamia, Ropey và Minnow. Toàn thể khán giả đứng dậy reo hò cổ vũ các chú ngựa khiến Harvey cảm thấy như gã là chủ nhân của cả mười con ngựa vậy.
— …Cùng đứng với tôi đây là một chủ ngựa người Mỹ, Harvey Metcalfe. – Julian Wilson nói trước chiếc camera trực tiếp của đài truyền hình BBC. – Tôi sắp sửa hỏi ngài Metcalfe về các quan điểm của ngài đối với Vua George VI và Nữ Hoàng Elizabeth Stakes. Ngài Metcalfe tham gia cuộc đua này với con Rosalie, một con ngựa được nhiều người ưa chuộng. Thưa ngài Metcalfe, chúc mừng ngài đã tới nước Anh. Ngài có cảm nghĩ gì về cuộc đua lớn này?
— Thật xúc động. Đây là cơ hội lớn của Rosalie. Tuy vậy, nó vẫn chưa chiến thắng. Nó đang sắp thi đấu.
Stephen nhíu mày. Chẳng lẽ Baron de Coubertin, người đầu tiên phát biểu những lời này trong Thế Vận Hội Olympics 1896, đang đội mồ trở dậy.
— Những số tiền cá cược đã cho thấy con Rosalie và con Highclare của Nữ Hoàng là những con được ưa chuộng nhất. Ngài có cảm xúc gì về điều này không?
— Tôi còn cả nỗi lo về con Crown Princess của Công Tước xứ Devonshire. Vào những cuộc đua lớn như thế này, anh ta cũng được chuẩn bị rất chu đáo. Crown Princess là một con ngựa tuyệt vời.
— Ngài sẽ làm gì với số tiền thưởng 81.240 bảng?
— Tiền không phải là điều quan trọng. Nó chưa bao giờ tồn tại trong tâm trí tôi.
Nhưng tiền lại tồn tại trong tâm trí Stephen.
— Cảm ơn ngài Metcalfe, chúc ngài may mắn. Và bây giờ, mời các bạn đón xem những tin tức mới nhất về các khoản tiền đặt cược.
Harvey trở lại với đoàn tuỳ tùng. Để tiện theo dõi cuộc đua, gã chủ động mời mọi người ra ban công bên ngoài lô.
Stephen cảm thấy thích thú vì được quan sát Harvey ở khoảng cách gần cận. Càng ngày Harvey càng tỏ ra hoang mang. Gã không phải là cỗ máy lạnh lẽo như họ đã từng e sợ. Giống như bao nhiêu người khác, gã đàn ông này cũng nói láo, và cũng biết run sợ.
Tất cả bọn họ cùng ngả người vào lan can, dán mắt vào các con ngựa đang được dẫn vào vị trí. Trong khi các con ngựa khác đều ngoan ngoãn chờ đợi thì con Crown Princess vẫn tỏ ra ương bướng. Sân khấu tràn ngập một bầu không khí căng thẳng.
“Bắt đầu” – Tiếng loa phóng thanh vang lên.
Hai mươi nhăm ngàn người cùng nhất loạt giương ống nhòm, còn Harvey thì nhận xét “xuất phát rất tuyệt”. Sau đó, gã im lặng chờ ghe tiếng của tường thuật viên. Những người khác cũng im lặng. Mọi sự chú ý đều đổ dồn về chiếc loa phóng thanh.
“Những con ngựa đang chạy thành hàng một. Dẫn đầu là con Minnou. Tiếp theo là con Buoy và Dankaro đang chạy rất nhẹ nhàng, sau nữa là các con Crown Princess, Rosalie và Highclare…
“Chúng đang tiến vào chặng thứ sáu, Rosalie và Crown Princess vượt lên, con Highclare cũng bắt đầu tăng tốc độ…
“Còn chặng nữa, con Minnou vẫn duy trì được tốc độ, nhưng đã có dấu hiệu mệt mỏi. Con Croun và Buoy vẫn bám sát con Minnou…
“Các con ngựa đã đi được nửa đường, con Minnou vẫn chạy trước. Con Bouy đang ở vị trí thứ hai, có lẽ nó đã vượt lên quá sớm…
“Còn ba chặng nữa. Trong khi các con khác vẫn bắt đầu tăng tốc độ thì con Minnou vẫn giữ tốc độ cũ, còn con Buoy và Dakaro đã bị tụt lại, tiếp theo là con Rosalie, rồi tới Lester Pigott với con Crown Princess. Con Highclare đang cố gắng vượt lên…
“Còn hai chặng nữa. Trong khi Highclare và Rosalie đang vượt lên thách thức Buoy thì Crown Princess lại bị tụt hậu…
“Còn một chặng …”
Giọng tường thuật viên vang vang.
“Joe Mercer với con Highclare đang vượt lên trước Pat Eddery và con Rosalie… còn 200 yard…hai con ngựa đang chạy sát bên nhau…còn một trăm yard…. Hầu như không có khoảng cách nào giữa con ngựa có màu lông vàng, tía, đỏ tía của Nữ Hoàng và hai con ngựa vằn xanh đen của người Mỹ, ngài Harvey Metcalfe … con Dankaro của M. Moussac đang chạy ở vị trí thứ ba.”
Harvey đứng chờ kết quả, người cứ lặng đi như thể toàn thân đã bị tê liệt, ngay cả Stephen cũng cảm thấy thông cảm với gã. Không một ai trong số khách khứa của Harvey dám lên tiếng vì sợ mắc sai lầm.
“Và đây là kết quả của cuộc đua Vua George VI và Nữ Hoàng Elizabeth Stakes.”
Một lần nữa tiếng loa phóng thanh lại vang lên, và sự im lặng lại trùm xuống khán đài.
“Chiến thắng thuộc về con số Năm, con Rosalie”
Những thông báo tiếp theo bị xoá nhoà đi trong tiếng hò reo của đám đông, và tiếng rống lên vì chiến thắng của Harvey. Với đám tuỳ tùng sau lưng, gã phóng như bay về phía thang máy gần nhất, ấn tờ một bảng vào tay cô gái điều hành và hét lên: “Làm cho cái này này chạy đi”. Chỉ một nửa đoàn tuỳ tùng kịp nhảy vào thang máy cùng gã, trong đó có Stephen. Khi đã lên tới mặt đất, cửa thang máy mở ra, Harvey vọt đi như một con ngựa nòi, chạy băng qua quầy rượu, xuyên qua rìa khu vực người chiến thắng, vung tay choàng lấy cổ con ngựa Rosalie mạnh tới mức suýt đẩy ngã cả nài ngựa. Một vài phút sau, trong tư thế chiến thắng, gã dẫn con Rosalie tới bên một cái cọc nhỏ đề chữ “Thứ Nhất”. Người ta vây quanh gã, tung hô những lời chúc mừng. Nhân viên phụ trách sân đua. Captain Beaumont, đứng bên cạnh Harvey, hướng dẫn gã các thủ thục sau khi nhận giải thưởng. Nhà quý tộc Abergavenny, đại diện của Nữ Hoàng Ascot, cùng đi với Nữ Hoàng vào khu vực người chiến thắng.
“Đoạt giải tại cuộc đua Vua George VI và Nữ Hoàng Elizabeth Stakes là con Rosalie, và chủ nhân của nó là ngài Harvey Metcalfe.”
Harvey tưởng như đang sống trong một giấc mơ. Khi gã tiến về phía Nữ Hoàng, các ánh đèn flash loé lên, các camera đồng loạt chĩa về phía gã. Gã cúi gập người xuống để nhận Cúp. Nữ Hoàng rực rỡ trong trang phục lụa màu ngọc lam, và chiếc mũ không vành mà chỉ Norman Hartnell mới thiết kế được, phát biểu một vài lời. Nhưng với Harvey thì đây là lần đầu tiên trong đời gã giữ im lặng vì không biết nói gì. Gã lùi lại một vài bước, cúi gập người một lần nữa rồi mới trở về lô riêng trong tiếng hò reo, vỗ tay vang dội.
Trong lô của gã, rượu champagne chảy tràn trề, đối với gã bây giờ, tất cả mọi người đều là bạn bè. Stephen nhận thấy đây là lúc thể hiện trí thông minh. Cần phải kiên trì. Anh ngồi yên lặng trong một góc phòng chăm chú quan sát phản ứng của con mồi và chờ cho sự hưng phấn xung quanh lắng xuống.
Khoảng thời gian chờ đợi Harvey trở lại trạng thái bình thường dài bằng cả một cuộc đua. Stephen quyết định bằng hành động. Anh làm như thể sắp ra về.
— Ngài đã đi rồi sao, giáo sư?
— Vâng, thưa ngài Metcalfe. Tôi phải trở về Oxford ngay để chuẩn bị một số bài giảng cho sáng mai.
— Tôi luôn đánh giá cao công việc của các ngài. Tôi hy vọng là ngài rất yêu thích công việc của mình.
Stephen né tránh lối đối đáp ứng khẩu nổi tiếng của Shaw: “Tôi buộc phải yêu thích nó vì chẳng có cách nào khác”.
— Vâng, cảm ơn ngài. Đây là một chiến thắng lẫy lừng. Ngài hẳn phải rất tự hào?
— Vâng, tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi đã chuẩn bị thời khắc này lâu rồi, nhưng phải nói là kết quả rất xứng đáng….Rod, thật tệ là ngài phải chia tay với chúng tôi. Ngài không thể ở lâu hơn và tham dự buổi tiệc tối nay tại Claridge’s hay sao?
— Tôi cũng muốn được như vậy, Metcalfe, nhưng ngài sẽ tới Oxford thăm tôi chứ, ít nhất là để tôi có cơ hội giới thiệu với ngài về trường đại học này.
— Tuyệt. Sau đây, tôi sẽ nghỉ vài ngày. Tôi vẫn ước ao được tới thăm Oxford, nhưng hầu như chưa bao giờ có cơ hội.
— Thứ tư tuần sau là lễ Garden Party của trường. Mời ngài thứ ba này tới ăn tối với tôi. Chúng ta sẽ có cả một ngày để đi thăm trường và dự buổi lễ Garden Party.
Stephen viết vài dòng chỉ dẫn lên một tấm card.
— Tuyệt vời. Đây sẽ là kỳ nghỉ tuyệt vời nhất của tôi ở Châu Âu. Ngài về Oxford bằng phương tiện gì, giáo sư?
— Tàu hoả.
— Không. Không thể thế được. Chiếc Rolls Royce của tôi sẽ đưa ngài về.
Trước khi Stephen phản đối, tài xế đã được triệu tới.
— Đưa giáo sư Porter về Oxford rồi trở lại đây ngay. Chúc ngài lên đường may mắn, giáo sư. Hẹn gặp lại vào tối thứ ba, 8 giờ. Gặp ngài thật là tuyệt.
— Cảm ơn, Metcalfe. Cảm ơn về một ngày thật tuyệt vời. Một lần nữa xin chúc mừng chiến thắng vinh quang của ngài.
Trên đường trở về Oxford, Stephen ngồi ở ghế sau của chiếc Rolls Royce màu trắng, chiếc xe mà Robin đã có lần ngồi và từng khoe khoang với anh thì giờ đây chỉ một mình anh đang cưỡi trên nó. Stephen cảm thấy khoan khoái. Anh mỉm cười một mình. Rút trong túi ra một quyển sổ nhỏ, anh viết:
“Cắt giảm 98 xu trong mục chi phí, bằng tiền một chiếc vé một chiều hạng hai từ Ascot tới Oxford”