Chương 56

Chương 56

Hunt nghi ngờ. Ông nhìn chằm chằm xuống, nhưng Jack vẫn kiên trì. “Nó là lời nói cuối cùng mà gã Freemantle thốt ra.”

“Nói cho tôi nghe một lần nữa.” Hunt khoanh tay. Họ vẫn ở phía đằng sau sân nhà, khuất tầm nhìn gần cánh rừng. Bà Katherine sửng sốt. Johnny lúng túng, mặt cậu đỏ bừng.

“Gã đang ngủ trong nhà kho, sau đó tỉnh giấc và đi ra ngoài. Tôi theo sau gã.”

Jack nhìn Johnny, sau đó nhanh chóng nhìn đi chỗ khác. “Tôi theo sau gã.”

“Nhưng không phải đi về phía ngôi nhà,” Hunt nói.

“Tôi đã quá sợ hãi.” Jack không nói gì về bầy quạ bu kín trên nóc nhà kho, kiên quyết và không hề chuyển dịch. Sự sợ hãi của hắn về đàn quạ quá lớn, quá cá nhân.

Hunt lắc đầu. “Gã ta có thể nói về bất cứ chuyện gì.”

Bà Katherine giữ chặt cậu con trai, nhưng Johnny vùng vẫy. “Gã ta có tấm vải thêu tên cô bé khi chúng tôi tìm được gã. Nó từ chiếc áo cô bé mặc khi cô bé bị mất tích. Tên cô bé thêu trên đó.”

“Cậu đã nói cho tôi biết câu chuyện của cậu,” Hunt nói. “Ngay giây phút này, tôi đang nói chuyện với cậu Jack.” Ông quay qua hướng Jack. “Gã ta có nhắc gì đến tên tuổi của cô bé Alyssa không?”

“Không.”

“Nói tôi nghe chính xác gã nói gì.”

Jack thăm dò từ Hunt đến Johnny, rồi đảo mắt trở lại. Hắn nuốt khan giọng khó khăn. “Giếng mỏ Bắc Crozet. Đó là những gì gã nói.”

“Chính xác từng chữ, Jack. Tôi muốn nghe như vậy.”

Jack lắp bắp một lần, rồi sau nói rành rẽ. “Xác cô ta nằm trong Giếng mỏ Bắc Crozet.”

“Và cậu biết chắc chắn điều này…”

“Gã nói về Alyssa,” Johnny ngắt lời. “Trước đây chúng tôi có hỏi gã về cô bé. Đó là ý của gã. Chắc chắn ý của gã là như vậy.”

Hunt cau mày. “Cậu cũng nói là gã ta nghe lời nói của Chúa vang vọng trong đầu gã. Cậu có hiểu nỗi khổ tâm của tôi không.”

“Chúng ta phải thử.”

Hunt biết về Giếng mỏ Bắc Crozet. Tất cả họ đều biết. Nó là giếng mỏ khoan đào cuối cùng của vùng mỏ vàng danh tiếng, hầm mỏ với trữ lượng giàu nhất từng được khai thác ở Quận hạt Raven. Được đào vào những năm đầu của thế kỷ mười chín bởi người đàn ông gốc Pháp tên Jean Crozet, nó là giếng mỏ thẳng đứng, khoan đào thẳng đứng xuống khoảng hơn hai trăm mét, thẳng tuột trước khi chia cắt ra những nhánh nhỏ chạy ngang dọc. Nó nằm ở vùng đất cằn cỗi của cánh rừng ở khu vực xa tít phía bắc của quận hạt. Hunt từng đi thăm viếng khu vực này một lần và nhớ rõ những hàng cây cao và những thềm đá granite, những phòng chất nổ xây dựng trong sườn đồi, và giếng mỏ, rất nhiều giếng mỏ. Trong tất cả các giếng mỏ – có khoảng vài chục – Bắc Crozet là giếng mỏ sâu nhất và có nhiều giai thoại nhất. Hoạt động liên tục trong suốt hai thập niên, nó gây tử nạn cho bốn thợ mỏ và sản xuất một sản lượng lớn nhất đào lên từ đất thuộc tiểu bang Bắc Carolina. Ông Jean Crozet là một thần tượng của địa phương. Nhiều con đường mang tên ông, cả một nhánh thư viện.

Toàn bộ khu vực này một thời mở rộng cho công chúng tham quan như là một di tích lịch sử, nhưng chính quyền tiểu bang đóng cửa khu vực khi những giếng mỏ bắt đầu đổ sụp và một chuyên viên địa chất từ Chapel Hill tuyên bố toàn bộ khu vực mất an toàn. Giếng mỏ Bắc Crozet không xa lắm so với nơi thi thể ông David Wilson được phát hiện. Từ giếng mỏ đến cây cầu đi nhanh mất khoảng mười hai phút. Có thể mười lăm. Hunt nhìn lên bầu trời. Mặt trời sẽ lặn trong vòng bốn giờ đồng hồ nữa. “Trễ rồi,” ông nói.

Nhưng bà Katherine đặt một bàn tay lên cánh tay của ông. “Làm ơn đi.”

Hunt ngần ngừ.

“Làm ơn.”

Ông quay đi chỗ khác, tránh cặp mắt tuyệt vọng của bà. Ông thấy bác sĩ khám nghiệm tử thi rời khỏi căn nhà, bèn nói, “Chờ ở đây.” Ông chặn bác sĩ Trenton Moore ở khoảng bóng râm ánh sáng mặt trời bên hông nhà. “David Wilson,” ông bắt đầu. “Ông có nói ông ấy là một tay leo núi.”

Bác sĩ Moore nheo mắt, chuyển sự chú ý từ vụ án mạng này sang vụ án mạng khác. “Mọi chứng cớ đều phù hợp với chuyện ấy.”

“Ông ta có những đặc tính thể lực về thám hiểm hang động không? Những đầu ngón tay? Bắp thịt?”

“Thám hiểm hang động ư? Chắc chắn. Nhiều tay leo núi tham gia thám hiểm hang động. Thế giới khác, thử thách khác.” Ông nhún vai. “Kẻ leo núi trèo lên trên, người khám phá hang động tuột xuống dưới. Tất cả đều là leo trèo.”

Hunt trở lại với đám người bồn chồn đang đứng gần hàng cây. Ông nhìn lên bầu trời, rồi nhìn đồng hồ. Ông có thể thấy bà Katherine đang cố gắng van nài. Johnny nhìn như có vẻ sẵn sàng lao đầu chạy vào rừng nếu Hunt nói không. “Chỉ xem xét sơ qua,” ông nói. “Đó là tất cả những gì tôi có thể hứa.”

“Còn tôi thì sao?” Jack hỏi.

“Tôi đã gọi bố cậu. Ông ta đang trên đường đến đây.”

“Tôi không muốn nhìn mặt ông bố tôi.”

“Tôi không trách cậu,” Hunt nói. “Ông ta rất giận dữ. Mẹ cậu từng quẫn trí về chuyện này.”

“Ông không hiểu đâu.” Jack cố một lần nữa.

“Tôi sẽ tống cậu vào trong xe tuần tiễu nếu tôi buộc phải làm như vậy. Tôi có cần thiết phải làm điều đó không?”

Jack chuyển từ trạng thái khiếp sợ qua ủ rũ. “Không.”

“Vậy thì cứ ở đây.”

Ông nói như thể đang nói chuyện với một con chó.

Jack nhìn họ ra đi. Johnny quay đầu nhìn lại một lần và giơ một tay lên. Jack làm tương tự, sau đó Hunt sắp xếp mọi người ngồi ghế sau xe của ông. Hunt nghiêng người vào bên trong xe, nói điều gì đó, và Jack thấy Johnny và mẹ cậu ta nằm sát rạp người xuống, có lẽ để tránh sự soi mói của cánh phóng viên. Hắn nhìn chiếc xe rẽ về hàng rào chắn hướng bắc rồi biến mất. Chiếc xe di chuyển chậm rãi, ánh nắng mặt trời phản chiếu lớp sơn sáng rực. Jack thấy hình bóng ông bố của hắn qua lớp kính, sau đó hắn lủi ngay vào bìa rừng và mất dạng. Hắn biết chuyện gì đang xảy đến và không đủ sức đương đầu.

Không phải ngay bây giờ.

Lúc đang không tỉnh táo.

Johnny ngồi chung ghế sau với mẹ cậu. Bà giữ thẳng lưng và đờ đẫn. Hai bàn tay trắng bệch. Hunt lái xe về hướng bắc và chệch một xíu về hướng tây. Gió lạnh thổi vào qua ngách thông gió và ông trông chừng cặp mắt bà Katherine khi có thể. Giếng mỏ sâu thẳm thẳng dựng đứng hơn hai trăm mét, dưới đáy giếng mỏ đầy nước đen ngòm, lạnh giá. Cơ hội để có một kết cục có hậu rất mong manh.

Ông cho xe chạy chậm khi họ đi ngang cây cầu nơi David Wilson bị thảm sát. Johnny nhìn ra phía bên ngoài cửa sổ. Con sông phản chiếu bầu trời cao xanh; bờ sông đầy bùn sình và xum xuê cây cỏ. Thêm một dặm đường và con đường bắt đầu leo dốc. Nó uốn khúc xa dần khỏi dòng sông, đi lên những con đồi thấp nơi những cánh đồng xa dần và cây cối mỗi lúc một um tùm thành cánh rừng già rậm xanh thẫm. Phần đất thuộc quận hạt này không có nhiều thông. Trong rừng là gỗ cứng mọc trên đất đá núi, trống rỗng và không hề được khai phá. Không phải là nó không đẹp đẽ gì – nó đẹp – nhưng mạch nước ngầm nằm sâu dưới lớp đá granite, và những giếng đào rất đắt đỏ. Vậy mà, có một ít người sinh sống ở đây. Xe đi qua vài căn nhà nằm khuất trong lùm cây, một vài căn nhà tiền chế, nhưng chỉ trong chốc lát những ngôi nhà trở nên hiếm hoi. Hunt rẽ vào một con đường tiểu bang hẹp và đi qua cây cầu một làn xe chạy bắc ngang con lạch nhỏ. Đi sâu vào trong rừng, bầu trời thu hẹp lại chỉ còn một dải nhỏ hẹp. Gần năm giờ chiều. Mặt trời sẽ lặn vào khoảng tám giờ.

“Gần đến nơi rồi,” ông nói.

Bà Katherine ghì chặt cậu con trai.

Họ đi qua cái bảng gãy chỏng trơ ghi dòng chữ: HẦM MỎ QUẬN HẠT RAVEN, DI TÍCH LỊCH SỬ, HAI DẶM. Ai đó thổi sơn chữ “Đóng cửa” màu trắng ngang phía trước tấm bảng. Những lỗ đạn lỗ chỗ trên bề mặt.

Con đường đi ngang qua một cây cầu nhỏ, sau đó trở thành đường đất. Phía bên tay phải, một căn nhà tiền chế cũ nát được xây cất bằng những tảng gạch dưới tàng cây. Nó là nhà một gian, cũ, với một chiếc xe tải tàn tạ đỗ trước cửa. Một bình gas gắn ở phía trước căn nhà. Ghế vườn đặt ở chỗ đất phẳng sát bên con lạch. Một gã trai trẻ tựa người vào nắp sau của xe tải. Gã vào khoảng hai mươi, không cạo râu, người gầy mảnh khảnh và da sạm nắng. Một tay gã cầm lon bia; thùng xe tải trống rỗng không có gì. Johnny giơ một tay lên khi họ đi qua và gã đàn ông cũng giơ tay lên, nheo mắt nhưng thân thiện. Một người phụ nữ trẻ bước ra hàng hiên phía đằng sau gã. Mặt bà ta dữ tợn và người to béo. Johnny đưa tay lên một lần nữa, nhưng bà ta làm ngơ và nhìn chằm chằm cho đến khi khúc cua của con đường lôi kéo bà ta trở vào trong cánh rừng.

“Một số người không thích người lạ,” Hunt nói. “Và một số người ra tít tận ngoài này sinh sống. Đừng suy nghĩ nhiều về chuyện này.”

Đi được thêm một dặm, họ đến một bãi đậu xe bỏ hoang. Cỏ dại vươn lên từ nền sỏi đá. Có một cái bản đồ lớn ở dưới khu vực có mái che và Johnny bước đến gần nó. “Tôi biết giếng mỏ ở đâu,” Hunt nói. “Con đường mòn chính dẫn chúng ta đi thẳng đến đó.”

Họ bước bộ khoảng mười phút, chậm rãi, rồi đi qua một dọc các bảng khuyến cáo trước khi mặt đất mở rộng ra. Mỏ giếng rộng khoảng bốn mét chiều ngang. Những đường ray hoang phế kéo dài tít vào tận trong rừng. Đường ray nhỏ hẹp và rỉ sét, cỏ hoang dại mọc um tùm. Họ tụ tập trên một tà-vẹt mục nát vẫn còn vương mùi hoá chất crezot và dầu tẩm. Johnny bước đến gần miệng giếng hơn. Những vùng đất đá đổ sụp xung quanh miệng giếng. Mặt đất đầy sỏi đá và trơn tuột lỏng lẻo dưới chân.

“Đừng.”

Cậu nhìn mẹ, chồm ra ngoài. Không khí đập vào mặt lạnh và ẩm thấp. Cậu thấy những vụn đá tảng rơi xuống sâu thẳm vào trong đen tối. “Trường con từng đến đây tham quan,” cậu nói. “Hồi đó còn có dây thừng. Để giữ an toàn cho những học trò từ đằng xa.”

Những cây cột vẫn còn đó, trồng vào bệ bê tông; nhưng dây thừng thì biến dạng, hoặc là bị lấy cắp hay mục rữa. Cậu nhớ ngày ấy. Trời có mây. Mát mẻ. Các giáo viên buộc học trò nắm tay nhau và không đứa con gái nào chịu nắm bàn tay của Jack. Johnny có thể thấy điều ấy. Học trò chồm người qua hàng rào dây thừng an toàn, chờ đợi khi giáo viên quay đi chỗ khác, rồi ném đá xuống miệng giếng.

Jack đứng ở phía bên kia.

“Johnny.” Giọng bà Katherine lo ngại. Bà thu mình, lo lắng. Johnny lùi bước và để tầm mắt của cậu đi hoang đến cái nơi mà Jack từng đứng, bị tẩy chay. Nó gần bìa rừng, xa khỏi những đứa học trò khác. Jack quay lưng về phía lũ học trò, hắn nhìn vào cái bảng sắt vuông nhỏ rỉ sét đóng đinh ri-vét vào tảng đá trơ trọi. Hắn đứng nhìn mãi vào tấm bảng, giả bộ như không khóc. Hunt bước gần hơn đến miệng giếng và Johnny bước đến tấm bảng. Những ký tự đóng khắc vào trong kim loại. Jack đứng lần mò những chữ này bằng ngón tay teo nhỏ của hắn. Johnny còn nhớ những ngón tay đó đã tấy bẩn với rỉ sét đỏ thế nào.

“Tôi thấy những đinh móc sắt.” Hunt chồm người ra, và Johnny nhận biết cậu cũng từng thấy chúng: khoảng chín mét sâu ở dưới, đầu đinh sắt vẫn còn sáng choang vì bị búa đập vào. Nhưng sự hiểu biết thì xa xôi, như âm giọng của Hunt.

Johnny nhìn vào cái bảng. Cậu thấy những mẫu tự khắc vào trong kim loại, rỉ sét, ngón tay teo rút của Jack, vết tấy đỏ trên đầu ngón tay. Cậu cảm thấy gió thổi phía sau lưng. Hunt đang nói chuyện điện thoại.

“Đúng là nơi này,” Johnny nói, nhưng không ai nghe giọng cậu.

Cậu nhìn tấm bảng và thò chính ngón tay của cậu chạm vào nó. Những mẫu tự khắc trên tấm bảng. Tấm bảng đánh dấu giếng mỏ.

“Em gái tôi ở đây.”

Tên của giếng mỏ được viết tắt, và Johnny lần mò theo từng mẫu tự. Không. Croz.

Đầu ngón tay của cậu tấy đỏ.

Không có một con quạ đen nào.

Khúc Cầu Hồn

Khúc Cầu Hồn

Score 8
Status: Completed Author:

Khi người em gái song sinh bị bắt cóc, Johnny Merrimon mới mười hai tuổi. Giờ đây, sau một năm, người ta phỏng đoán cô bé đã chết. Quá thương xót con gái, bà mẹ Johnny trở nên kiệt quệ và vô hồn như một cái bóng, cha Johnny không rõ vì sao đã bỏ mẹ con cậu đi xa, không trở về nữa. Và cuộc sống của Johnny chẳng bao giờ được như xưa ...

Johnny có trong tay tấm bản đồ cổ của toàn bang, cái xe đạp cà tàng, và cả một kế hoạch chi tiết truy tìm tung tích người em gái. Cậu sẽ đi tìm em, bất chấp việc bị theo dõi và kiểm soát bởi một nhân viên cảnh sát trong thị trấn - viên thám tử cảnh sát Clyde Hunt - người luôn phiền muộn và bị ám ảnh bởi việc truy tìm thủ phạm và tìm cho ra những cô bé bị mất tích trong thị trấn. Ông coi đây như một nhiệm vụ hoặc buộc phải thực thi, hoặc là chết. Ông dành mọi tâm sức và thời gian để tìm kiếm cô em gái của Johnny, và biết được những chỗ nào ám muội có vẻ là nơi khả nghi dẫn tới manh mối vụ án. Nhưng có lẽ thám tử Hunt không thể hình dung được Johnny đã đi xa đến mức nào để khám phá ra sự thật về vụ mất tích của em gái - Alyssa. Và ông Hunt cũng không mường tượng nổi ông tìm thấy gì khi tìm ra nơi cất giấu bí mật vụ án ...

Trong "Khúc cầu hồn" người đọc sẽ bắt gặp rất nhiều hình ảnh biểu tượng để lại những ám ảnh cho người đọc sau khi câu chuyện kết thúc. Bằng ngôn ngữ của mình John Hart đã vẽ nên bức tranh phong cảnh vùng Đông nam nước Mỹ, với những đường chân trời xa tít, choáng ngợp và đẹp mê người. Bên cạnh đó, nội tâm của từng tuyến nhân vật cũng được tác giả soi rọi dưới góc nhìn nhân ái và đầy yêu thương để rồi tạo nên một tuyệt tác trầm hùng và đầy sức ám ảnh.

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset