Một vị nho sĩ tóc mai bạc trắng dẫn theo thiếu niên áo xanh rời khỏi trường, đi đến ngôi miếu thờ kia. Sắc mặt cuar vị tiên sinh dạy học có học vấn cao nhất tiểu trấn này có phần tiều tụy, chỉ tay vào một tấm biển trên đầu: “Bốn chữ đương nhân bất nhượng này giải thích thế nào?”
Thiếu niên Triệu Diêu vừa là học trò trong trường, lại là thư đồng củ tiên sinh ngẩng đầu nhìn lên, đáp thẳng chẳng chút do dự: “Nho gia chúng ta lấy chữ Nhân lập giáo, bốn chữ trên tấm biển này lấy từ câu ‘Đương nhân, bất nhượng vu sư’, ý chỉ người đọc sách chúng ta phải tôn sư trọng đạo, nhưng khi đứng trước nhân nghĩa đạo đức thì không cần khiêm nhường.”
Tề tiên sinh lại hỏi: “Không cần khiêm nhường? Nếu đổi thành ‘Không thể’ thì sao?”
Thiếu niên có tướng mạo tuấn tú nho nhã, khí chất lại ôn nhuận nội liễm hơn vẻ bộc lộ tài năng và khí thế quá mạnh của Tống Tập Tân, tự nhiên đáng yêu hệt như phù dung buổi sớm. Sau khi nghe tiên sinh hỏi vấn đề ẩn chứa huyền cơ này, thiếu niên chẳng dám khinh nhờn mà tập trung suy nghĩ, cảm thấy đây là tiên sinh đang kiểm tra học vấn của mình, sao dám tùy tiện? Nho sĩ trung niên thấy bộ dạng căng thẳng như gặp kẻ thù của đệ tử thì hiểu ý mỉm cười, vỗ vai thiếu niên: “Ta chỉ thuận miệng hỏi mà thôi, đừng căng thẳng thế. Xem ra là do lúc trước ta đã trói buộc thiên tính của con quá, điêu khắc quá nhiều, khiến con sống khuôn đúc như mấy bức tượng trong Văn Xương các. Quá mức nghiêm nghị, quá trọng quy cũ, chuyện gì cũng xét đạo lý, có mệt mỏi cũng không nói ra… Nhưng nay xem ra đó lại là chuyện tốt.”
Thiếu niên lấy làm khó hiểu, nhưng tiên sinh đã dẫn hắn đi đến một bên khác, vẫn ngẩng đầu nhìn về phía tấm biển bốn chữ trên đó. Vẻ mặt của nho sĩ có phần nhẹ nhõm, chẳng biết tại sao, vị tiên sinh dạy học ít khi nói cười này lại nhắc đến vài chuyện thú vị, sau đó lại thủ thỉ với đệ tử: “Người khắc tấm biển Đương nhân bất nhượng kia từng là thư pháp gia đứng đầu thời đó. Tấm biển này từng dẫn đến rất nhiều tranh cãi, ví như bố cục và cả thần ý, đến nay việc khen chê chất hoài cổ và đẹp hiện đại vẫn chưa có hồi kết. Vận, pháp, ý, tư, bốn nghĩa trong thư pháp thì người này đứng đầu cả hai ý, đúng là không chừa cho tông sư đồng lứa chút đường sống nào. Về phần Hi ngôn tự nhiên này thì lại thú vị hơn cả. Nếu con tin h ý thì sẽ phát hiện, tuy bốn chữ này dùng bút, kết cấu, thần ý đều gần giống với nhau. Nhưng thực tế lại do bốn vị đại chân nhân của Đạo giáo tách ra chép lại. Lúc đó có hai vị lão thần tiên vẫn còn thư từ qua lại, nảy sinh cãi vã, thậm chí còn muốn ghi chữ Hi huyền diệu khó diễn tả thôi chứ không muốn ghi chữ Ngôn quá đỗi tầm thường kia…”
Sau đó nho sĩ lại dẫn thiếu niên qua nhìn tấm biển ‘Mạc hướng ngoại cầu’ kia. Ông nhìn quanh, tầm mắt có vẻ sâu thẳm: “Ngôi trường mà con theo học vốn dĩ sẽ bị mấy đại gia tộc bắt ngừng hoạt động vì không có tiên sinh dạy học, thậm chí là tháo dỡ để xây thành một con đường nhỏ, hoặc dựng một bức tượng Phật để cho khách đến hành hương cung phụng. Có một đạo nhân hoặc tăng nhân chủ trì, năm này qua năm khác, cho đến kỳ hạn một giáp. Trong thời gian này sẽ cố gắng ‘đổi người’ hai ba lần để tránh cho dân chúng trong tiểu trấn sinh nghi. Thật ra tất cả chỉ là thủ thuật che mắt đơn giản mà thôi. Có điều, nếu đặt một thần thông thuật pháp bé như hạt vừng ở nơi này ra ngoài thì chẳng khác gì thiên thần vỗ trống, khí thế còn lớn hơn cả sấm xuân đánh rung trời…”
Đến đoạn sau, giọng của tiên sinh ngày càng nhỏ hơn, dù Triệu Diêu cố vểnh tai lên cũng không thể nghe rõ.
Tề tiên sinh thở dài, ngữ khí có phần mệt mỏi và bất đắc dĩ: “Có rất nhiều chuyện vốn là thiên cơ bất khả lộ, nhưng đến snay thì càng lúc càng không quan trọng. Nhưng dù sao chúng ta cũng là người đọc sách, vẫn phải giữ chút thể diện. Huống hồ, nếu như Tề Tĩnh Xuân ta dẫn đầu phá shongr quy cũ thì không khác gì tự quản tự trộm, còn ra thể thống gì nữa.”
Triệu Diêu đột nhiên lấy hết can đảm mà rằng: “Tiên sinh, học trò biết rõ người không phải tục nhân, tiểu trấn này cũng không phải nơi tầm thường.”
Nho sĩ kinh ngạc, cười nói: “Ồ? Con nói thử xem.”
Triệu Diêu chỉ vào ngôi miếu nguy nga: “Nơi này, cùng với cái giếng bên ngõ Hạnh Hoa, cây cầu với lời đồn có hai thanh kiếm thép giắt bên dưới, gốc hòe già, cây đào bên ngõ Đào Diệp cùng với thiếp Cốc Vũ và thiếp Trùng Dương được dán mỗi năm bên đường Phúc Lộc chỗ Triệu gia của học trò đều rất kỳ lạ.”
Nho sĩ cắt ngang lời của thiếu niên: “Kỳ lạ? Kỳ lạ thế nào, bản thân con sinh ra và lớn lên ở đây, vốn chưa từng ra ngoài. Chẳng lẽ con đã được thấy cảnh tượng bên ngoài tiểu trấn rồi à? Nếu không có gì để so sánh thì sao lại nói vậy?”
Triệu Diêu trầm giọng đáp: “Con đã thuộc nằm lòng nội dung những quyển sách của tiên sinh. Hoa đào ở ngõ Đào Diệp khác hẳn với đào được miêu tả trong thơ văn trên sách. Nhưng tiên sinh dạy học, tại sao chỉ truyền dạy tam thư vỡ lòng, trọng tại biết chữ. Sau khi vỡ lòng thì chúng con nên đọc sách gì? Đọc sách để làm gì? Cử nghiệp trong sách để làm gì? Cái gì gọi là triêu vi điền xá lang, mộ đăng thiên tử đường?* Thiên tử trọng anh hào, văn chương giáo nhĩ tào là gì?** Hai vị quan giám sát ở lò gốm tuy không nói gì về triều đình, kinh thành và chuyện thiên hạ với người khác, nhưng…”
*Nghĩa là sáng sớm là nông dân làm ruộng, chiều đã được vào điện vua. Ý chỉ đừng nên khinh người nghèo, có khi sau này người ta sẽ làm quan lớn.
**Ý chỉ vua chúa trọng anh hào, đọc sách giúp chúng ta biết cách làm bề trên vui.
Nho sĩ vui vẻ cười nói: “Được rồi, nói nữa cũng thế.”
Triệu Diêu lập tức im lặng, không nói thêm gì nữa.
Nho sĩ tự xưng là Tề Tĩnh Xuân thấp giọng nói: “Triệu Diêu, sau này con nói năng, làm việc đều phải cẩn thận. Hãy nhớ rằng họa từ miệng mà ra, nên hiền nhân Nho gia phần lớn đều miệng kín như bưng. Quân tử xếp trên hiền tài thì phải thận độc*, sưc cung nhược bích, chỉ sợ có tỳ vết.** Về phần Thánh Nhân, ví như các sơn chủ của mười hai thư viện… Mấy người này ấy à, có thể một câu thành sâm, ngôn xuất pháp tùy hệt như đại chân nhân Đạo giáo và kim thân la hán của Phật gia. Những vị cao nhân đó, sau khi tới cảnh giới này thì đều được gọi là lục địa thần tiên, xem như bước một chân vào cửa. Nhưng những nhân vật này đều như thần long, một vài người thì cao cao tại thượng như tượng thần nơi đạo quan và chùa miếu, cao không thể với. Một vài người thì như thần long thấy đầu không thấy đuôi, người binhf thường căn bản không thể tìm thấy.”
*Ý chỉ khi ở một mình, dù không ai giám sát thì cũng phải nghiêm khắc với bản thân, tự giác tuân thủ quy tắc đạo đức, không làm chuyện trái đạo đức.
**Một câu vô ý có thể rước lấy họa lớn, nên cổ nhân nói chuyện phải hết sức cẩn thận, chỉ sợ rước lấy họa sát thân như cái bình rơi xuống đất sẽ vỡ nát. Một chuyện sơ ý cũng đủ khiến sự trong sạch cả đời của mình bị hủy, nên cổ nhân làm việc phải hết sức cẩn thận, giữ mình trắng trong như ngọc trắng, chỉ e làm sai chuyện gì sẽ để lại tiếc nuối cả đời.
Triệu Diêu nghe mà thấy mơ hồ như lạc giữa sương mù.
Triệu Diêu nhịn không được, bèn hỏi: “Tiên sinh, sao hôm nay người lại nói những chuyện này?”
Nho sĩ cười nói: “Con có tiên sinh, ta đương nhiên cũng có. Mà tiên sinh cuẩ ta thì… Không nói cũng được. Tóm lại, ta vốn ngỡ rằng vẫn có thể kéo chút hơi tàn này thêm mấy chục năm, nhưng đột nhiên lị phát hiện có vài người không chịu chờ nữa. Nên lần này ta không thể đưa con ra khỏi tiểu trấn, con phải tự mình đi thôi. Một vài chân tướng không ảnh hưởng đến toàn cục cũng nên nói chho con biết, con cứ cho là nghe chuyện cổ tích cũng được. Nhưng mong con hiểu rằng thiên ngoại hữu thiên, nhân thượng hữu nhân. Mặc kệ Triệu Diêu con ‘may mắn’ cỡ nào đi nữa cung không được đắc chí hài lòng, đâm ra lười biếng.”
Nước giếng rút xuống, lá hòe rời cành chính là báo hiệu cho việc này.
Vị nho sinh tên Tề Tĩnh Xuân này lại nhắc nhở: “Triệu Diêu, còn nhớ lá hòe mà ta bảo con hãy cất kỹ không?”
Thiếu niên gật đầu cật lực: “Đã cất cùng với con dấu của tiên sinh tặng con.”
“Trên đời này làm gì có lá cây lìa cành mà vẫn tươi xanh như thế? Tiểu trấn có mấy nghìn người, có được phần phúc ấm này chỉ trên đầu ngón tay. Con cứ thường xuyên cầm lá hòe đó, nói không chừng sau này sẽ nhận được một phần cơ duyên.”
Ánh mắt của nho sĩ trở nên sâu lắng: “Ngoài ra, mấy năm nay ta luôn nhắc con phải làm nhiều việc thiện, kết nhiều thiện duyên ở tiểu trấn, dùng lễ đối đãi với tất cả mọi người, chân thành kết giao. Sau này từ từ con sẽ hiểu rõ huyền cơ trong đó. Những việc nhỏ nhặt tưởng chừng không có gì đó cũng như nước chảy đá mòn, chưa hẳn đã thua kém việc cứ ôm một bộ huyền chí địa phương kia.”
Thiếu niên phát hiện có một chú chim sẻ đậu trên xà miếu, thi thoảng lại kêu lên ríu rít.
Nho sĩ chắp tay sau lưng, ngẩng đầu nhìn chú chim kia với vẻ nghiêm trọng.
Thiếu niên không nhìn ra có gì bất thường.
Nho sĩ Tề Tĩnh Xuân đột nhiên nhìn về phía ngõ Nê Bình bên kia, cau mày nhiều hơn.
Ông thở dài, nói: “Bọ nghe tiếng xuân, phá đất chui lên. Thân là khách, lén lút âm mưu ngay dưới mí mắt của gia chủ như thế, có phải là kiêu căng quá rồi không? Tưởng rằng dựa vào nửa bát nước là có thể muốn làm gì thì làm ở đây sao?”
Triệu Diêu lo lắng hỏi: “Tiên sinh?”
Nho sĩ khoát tay, ý bảo việc này không liên quan gì với thiếu niên, chỉ dẫn hắn đi tới phía treo tấm biển cuối cùng.
Thiếu niên Triệu Diêu giống như bọ nghe tiếng xuân, thốt nhiên dừng bước, ánh mắt ngẩn ngơ.
Chỉ thấy cách đó không xa có một thiếu nữ áo đen đội mũ, lớp lụa mỏng che khuất dung nhan, dáng người cân xứng, không gầy mà cũng chẳng đẫy đà. Bên hông đeo một thanh trường kiếm vỏ trắng và một thanh đao vỏ xanh. Cô khoanh tay, ngẩng đầu nhìn lên tấm biển “Khí trùng đẩu ngưu”.
Nho sĩ buồn cười, hắng giọng một cái.
Nhưng thiếu niên vẫn cứ ngơ ngác, không hề nhận ra lời nhắc nhở “phi lễ chớ nhìn” của tiên sinh nhà mình.
Nho sĩ hiểu ý mỉm cười, cũng không quát mắng hay ho khan phá hư phong cảnh nữa, để mặc thiếu niên bên cạnh ngơ ngẩn ngắm nhìn cô gái kia.
Thiếu nữ giống như không phát giác ánh mắt của thiếu niên.
Dường như cô rất thích bốn chữ “Khí trùng đẩu ngưu” này, so với vẻ nghiêm trang túc mục của ba tấm biển chữ Khải còn lại, tấm biển này có phong cách khác hẳn. Thần vận trong đó đúng là gần như cố tình làm bậy.
Cô thích!
Thiếu niên đột nhiên giật mình sực tỉnh, hóa ra là do tiên sinh vỗ vai hắn, cười nói: “Triệu Diêu, con nên đến trường lấy đồ về nhà đi.”
Thiếu niên đỏ mặt, cúi đầu theo tiên sinh quay về trường.
Lúc này thiếu nữ mới từ từ thả lỏng năm ngón tay đang cầm chuôi đao ra.
Phía xa, nho sĩ trêu ghẹo: “Triệu Diêu ơi Triệu Diêu, ta vừa cứu con một mạng đấy.”
Thiếu niên giật mình: “Tiên sinh?”
Nho sĩ do dự một lúc mới nghiêm túc nói: “Sau này thấy cô ấy thì con nhất định phải vòng sang đường khác mà đi.”
Thanh niên đọc sách lấy làm kinh ngạc xen lẫn mất mác: “Tiên sinh, tại sao lại thế?”
Tề Tĩnh Xuân ngẫm nghĩ một lúc, phán chắc nịch: “Cô ấy vô cùng sắc bẻn, nhất định sẽ là một thanh kiếm không vỏ.”
Thiếu niên muốn nói lại thôi.
Nho sĩ trung niên cười nói: “Đương nhiên, nếu là tình cảm đơn phương thì Đạo tổ hay Phật đà cũng không thể ngăn cản. Người đọc sách chúng ta lại nhiều khuôn sáo, nhưng ngay cả vị tiên sư chí thánh của chúng ta cũng chỉ nói phi lễ chớ nói, phi lễ chớ nhìn, phi lễ chớ nghe, phi lễ chớ động chứ không nói là phi lễ chớ nhớ.”
Lúc này thiếu niên như bị ma xui quỷ khiến, đột nhiên nói lớn: “Cô ấy thơm lắm!”
Lời vừa râ khỏi miệng thì thiếu niên lập tức ngớ người.
Nho sĩ cảm thấy đau đầu, nhưng không phải tức giận mà vì cục diện trở nên khó giải quyết hơn. Ông trầm giọng nói: “Triệu Diêu, xoay người sang chỗ khác!”
Thiếu niên bất giác xoay người, đưa lưng về phía tiên sinh.
Dưới miếu thờ, thiếu nữ quay đầu lại, sát khí bừng bừng.
Cô đầu tiên là rũ hai tay xuống, hai ngón tay cái đặt lên chuôi kiếm và chuôi đao.
Sau đó cô bắt đầu chạy lấy đà, chừng bốn năm bước sau thì tay chân đột nhiên phát lực. Lưỡi kiếm dài ba thước và thanh đao cũng ra khỏi vỏ, chém xéo tới. Cùng lúc đó, thân hình của cô cũng bắn lên, hai tay cầm đao kiếm chém thẳng xuống!
Giữa thiếu nữ áo đen và đôi thầy trò bỗng xuất hiện hai vệt sáng, tạo thành hình vòng cung chói mắt.
Đây tuyệt đối không phải thần thông hay thuật pháp gì.
Thuần túy dựa vào một chữ nhanh!
Nho sĩ sắc mặt như thường, không hề có ý tránh né, chỉ nhẹ nhàng giẫm chân một cái.
Một làn sóng lan ra.
Ngay sau đó, thân thể của thiếu nữ căng cứng, sát ý lại càng nặng hơn.
Một đao một kiếm với thế như chẻ tre ban đầu đã thất bại thì không nói, bây giờ cô lại đang đứng ở nơi đã rút đao kiếm ra khỏi vỏ.
Nho sĩ mỉm cười: “Khá lắm, sư tử vồ thỏ mà cũng dùng toàn lực. Tuy đúng là học trò của ta đã mạo phạm cô nương, nhưng tội cũng không đáng chết mà!”
Cô gái cố ý ép giọng trầm hơn, tra kiếm vào vỏ, đổi thành tư thế một tay cầm đao, chỉa thẳng mũi đao về phía nho sĩ: “Ông cảm thấy thế nào là chuyện của ông, ta mặc kệ.”
Thiếu nữ lại sải bước: “Ta làm gì là chuyện của ta. Đương nhiên, ông có thể… quản thử xem.”
Cô vọt thẳng tới.
Mặt đất nơi cô giẫm chân xuống lập tức sụp thành hai cái hố nhỏ.
Nho sĩ một tay chắp sau lưng, một tay khép lại thành nắm đặt ở trước bụng, cười nói: “Võ đạo binh gia, duy khoái bất phá. Tiếc rằng dù nơi này sắp sụp đổ, nhưng chỉ cần chưa đến lúc đó, dù là mười vị thần thiên lục địa liên thủ phá trận cũng chỉ như châu chấu đá xe. Xá gì đến cô?”
Ngay sau đó, thiếu nữ lại đột nhiên xuất hiện ở bên trái, cách nho sĩ hơn mười bước.
Cô suy nghĩ một lúc rồi nhắm mắt lại.
Nho sĩ lắc đầu, cười nói: “Thật sự không phải thủ thuật che mắt như cô vẫn nghĩ đâu. Nơi này cũng giống như tiểu thiên thế giới mà Phật gia hay nói, ở đây, ta chính là…”
“Ồ?”
Ông bỗng kinh ngạc bật thốt, dừng lời đang nói lại. Thoáng cái đã đi tới bên cạnh thiếu nữ để quan sát, hai ngón tay kẹp nhẹ mũi đao.
“Là ai dạy cô đao pháp và kiếm thuật?”
Thiếu nữ không mở mắt, tay trái cầm chuôi kiếm vừa tra vào vỏ, một vệt sáng lạnh lướt ngang qua bên hông nho sĩ, cố gắng chém đứt.
Nho sĩ đang kẹp nhẹ mũi đao quát khẽ: “Lùi!”
Mặt đất kêu ầm ầm, bụi tung mịt mù. Một lát sau, thân ảnh của thiếu nữ đội mũ xuất hiện, hai chân trước sau dừng lại. Dưới chân xuất hiện một khe hở kéo dài tới trước mặt nho sĩ, hệt như bị kéo lê ra.
Hai tay của thiếu nữ đều nhuốm máu.
Đao đã ra khỏi võ, kiếm cũng đã rút ra, nhưng cô lại rơi vào cảnh bị người ta tay không đoạt đao.
Hơn nữa, trong lòng cô cũng biết rõ, đối phương ngoại trừ ra “khung” của vùng đất này, còn áp chế cảnh giới và tu vi thành cùng cấp với mình.
Đây là do mình tài không bằng người chứ chẳng phải tu vi chưa tới.
Cô như đứng ở bờ vực bùng nổ.
Đến bản thân thiếu nữ cũng không ý thức được ánh sáng xung quanh người cô đã xuất hiện dấu hiệu vặn vẹo.
Vị tiên sinh dạy học này cũng là người trọng đạo lý, bèn uyển chuyển khuyên nhủ: “Tốt nhất là tạm thời cô đừng so sánh với ta, làm vậy sẽ dễ ảnh hưởng đến tâm cảnh võ đạo của cô. Lên đỉnh võ đạo cần phải làm từng bước.”
Bộ dạng của ông lúc này rất lạ, một tay nhấc mũi kiếm, tay còn lại thì vói lên cầm thân kiếm.
Ông bỗng mỉm cười, học theo giọng điệu nói chuyện của thiếu nữ: “Nghe hay không là quyền của cô, nói hay không là chuyện của ta.”
Thiếu nữ im lặng một lúc mới trầm giọng nói: “Xin thụ giáo!”
Nho sĩ gật đầu mỉm cười, không phải một cô gái ngang ngược kiêu ngạo, thế thì tốt rồi. Ông ném thanh đao lại cho thiếu nữ: “Trả đao lại cho cô trước.”
Ông cúi đầu nhìn trường kiếm đang rung ngâm trong tay.
Phượng non ngâm vang hơn phượng già.
Nho sĩ lấy làm tiếc hận: “Phẩm chất của thanh kiếm này không tầm thường, nhưng vẫn thiếu một chút mới đến mức hoàn mỹ, nó thừa nhận hai chữ đã xem như miễn cưỡng rồi. Bằng không, với tư chất và căn cốt của cô, không nói đến chuyện lấy hết bốn chữ, nếu chỉ ba chữ thì chắc chắn vẫn dư sức…”
Ông thở dài, tiện tay giơ lên, quát một tiếng: “Sắc!”
Hai luồng hào quang chói mắt bay thẳng tới chỗ tấm biến có bốn chữ “Khí trùng đẩu ngưu”.
Nho sĩ khoát tay chém hai cái, đánh vào giữa trường kiếm.
Trên biển, khí thế của hai chữ “khí”, “ngưu” vẫn còn.
Nhưng hai chữ “trùng”, “đẩu” lại như hai cụ già tuổi đã về chiều, sau khi hồi quang phản chiếu, cuối cùng cũng mất hết tinh khí thần.
Nho sĩ thản nhiên hất tay, trường kiếm lập tức quay về vỏ kiếm của chủ nhân. Do đã vào vỏ nên tạm thời không ai biết trên thân kiếm đang có hai luồng khí tức chạy dọc như giao long.
Nhưng chuyện diễn ra ngay sau đó lại khiến Tề Tĩnh Xuân đã trải qua bao tang thương cũng phải giật mình kinh ngạc.
Thiếu nữ từ từ tháo vỏ kiếm xuống, tiện tay hất lên. Vỏ kiếm cắm vào mặt đất, ánh mắt sau lớp sa mỏng vô cùng kiên nghị: “Đây không phải kiếm đạo mà ta theo đuổi.”
Nho sĩ liếc mắt nhìn thanh kiếm bị thiếu nữ vứt lại, trong lòng cảm nhận được loại nặng nề đã lâu không có. Không thể không hỏi một câu có vẻ hơi mất thân phận: “Cô có biết ta là ai không?”
Thiếu nữ hết gật lại lắc: “Ta ngeh nói cứ cách sáu mươi năm thì sẽ có một vị Thánh Nhân trong tam giáo tới đây chủ trì sự vận chuyển của một đại trận, kéo dài suốt mấy ngàn năm rồi. Thỉnh thoáng có người sau khi rời khỏi đây thì thân mang dị bảo, hoặc là tu vi đột nhiên tăng tiến, nên ta mới muốn tới thử xem sao. Lúc gặp được ông thì ta đã xác định được thân phận của ông rồi, bằng không lúc đó ta cũng chẳng ra tay dứt khoát như thế.”
Tề Tĩnh Xuân lại hỏi: “Vậy cô có biết rốt cuộc mình vừa từ bỏ cái gì không?”
Thiếu nữ im lặng.
Trong vỏ kiếm nằm dưới đất, trường kiếm liên tục rung lên, hệt như giai nhân khuynh thành đang ai oán nghẹn ngào, nức nở van lơn tình nhân hồi tâm chuyển ý.
Thiếu niên đã lén lút quay đầu lại, dè dặt nhìn về phía thiếu nữ ở phía xa.
Nho sĩ học thức uyên bác, không gì không biết nghĩ mãi vẫn không hiểu. Cũng không thể ép uổng nhét thanh kiếm ẩn chứa vận số khổng lồ kia cho thiếu nữ được, cuối cùng đành phải lên tiếng nhắc nhở: “Cô nương, tốt nhất là cô nên thu hồi thanh kiếm kia. Tiếp theo, tiểu trấn sẽ không được thái bình cho lắm. Có thêm một thứ phòng thân cũng là chuyện tốt.”
Thiếu nữ không nói gì mà chỉ xoay người rời đi.
Cô vẫn không muốn mang thanh kiếm kia theo.
Tề Tĩnh Xuân bất đắc dĩ, phẩy tay cắm thanh kiếm này vào chỗ cao trên cột đá của miếu thờ. Nếu có người cố rút ra thì sẽ quấy nhiễu đến người tọa trấn ở giữa là mình, cũng như hai lần ra tay của vị tiên sinh kể chuyện kia đều không thể thoát khỏi sự chú ý của vị tiên sinh dạy học này vậy.
Sau khi tự mình đưa Triệu Diêu từ trường về nhà họ Triệu ở đường Phúc Lộc, nho sĩ trung niên lại ung dung dạo bước. Mỗi khi ông bước một bước, một vài chỗ khuất của các tòa nhà hai bên sẽ có từng tia sáng đủ màu lặng lẽ lóe lên, sau đó biến mất.
Tề Tĩnh Xuân thì thào: “Lạ thay, tiểu nha đầu từ đâu đến? Không phải là đệ tử tiên gia bên ngoài bản châu đấy chứ?”
Ông quay về trường, ngồi trước bàn. Trước bàn có một chiếc ngọc khuê* dài chừng một thước hai tấc, bốc góc được khắc bốn ngọn núi, ý chỉ bốn phương yên ổn. Chính diện có khắc đầy những minh văn tiểu triện, không dưới trăm chữ.
*Dụng cụ bằng ngọc dùng trong nghi lễ của vua chúa ngày xưa, trên nhọn dưới vuông.
Theo lễ chế Nho giáo, đây vốn là thứ chỉ có thiên tử của một nước mới có thể nắm giữ.
Đủ thấy ý nghĩa của tiểu trấn này quan trọng ra sao.
Lật qua, mặt sau của ngọc khuê chỉ khắc hai chữ.
Chữ viết quy cũ ngay ngắn, lại phong thần riêng biệt.
Cân cốt rắn rỏi, thần ý kéo dài.
Trên thư án còn có một bức mật thư vừa được đưa đến.
Hốc mắt của nho sĩ ửng đỏ: “Tiên sinh, đệ tử vô năng, chỉ có thể trơ mắt nhìn người chịu nhục đến vậy…”
Nho sĩ nhìn ra cửa sổ, buồn vui nhạt nhòa, chỉ là vẻ mặt có phần cô đơn: “Tề Tĩnh Xuân thẹn với ân sư, sống tạm trăm năm, chỉ thiếu cái chết.”
—
Khi Tống Tập Tân lấy một món đồ ra đặt trên bàn, dù Phù Nam Hoa có cố che giấu cỡ nào cũng không nén nổi vẻ vui mừng trên mặt.
Một chiếc hồ lô nhỏ bình thường, lạc khoản dưới đáy là “sơn tiêu”.
Tống Tập Tân chống tay lên bàn, đưa người tới trước, mỉm cười hỏi: “Chiếc hồ lô này đáng giá bao nhiêu?”
Thiếu chủ thành Lão Long khó khăn lắm mới có thể dời tầm mắt ra khỏi đó, ngẩng đầu nói thẳng: “Nếu bán ở vương triều thế tục thì không đáng một lượng. Nhưng nếu để ta bán thì có thể mua được một tòa thành.”
Tống Tập Tân hỏi: “Mấy vạn người?”
Phù Nam Hoa giơ ba ngón tay ra.
Tống Tập Tân ồ một tiếng, bĩu môi: “Hóa ra là ba mươi vạn.”
Phù Nam Hoa ngớ ra, sau đó bật cười. Hắn ctưởng là Tống Tập Tân sẽ nói ba vạn người.
—
Bên ngõ Hạnh Hoa, có một người đàn ông ngồi xổm bên cạnh giếng, nhìn chằm chằm vào sợi xích sắt quấn trên trục quay như đang xoắn xuýt không biết phải đưa nó đi kiểu gì.
—
Thiếu nữ áo đen, khí chất lạnh lùng lang thang dạo quanh tiểu trấn. Lúc này cô chỉ đeo thanh đao vỏ xanh kia, hai tay dùng vải băng bó qua loa.
Khi cô vừa bước vào một ngõ hẻm không tên thì vèo một cái, một thứ gì đó phá không bay tới, sau đó ngoan ngoãn dừng lại sau lưng cô, kêu lên oong oong.
Thiếu nữ nhíu mày, chẳng buồn quay đầu lại, chỉ rít một chữ qua kẽ răng: “Cút!”
Lại vèo một tiếng.
Thanh “phi kiếm” đã bay ra khỏi vỏ để đến đây sợ tới mức bay rụt về vỏ kiếm.
Một thiếu nữ kiêu ngạo.
Một phi kiếm khôn ngoan.