Trong một ngôi nhà ở ngõ Đào Diệp, có một vị lão nhân mặt mày hiền lành đang ngồi trên chiếc ghế dài ngay hành lang. Bên cạnh là một nữ tỳ đáng yêu mặc áo vàng nhạt với chiếc quần lụa mỏng màu xanh biếc. Cô gái vừa nghe lão nhân kể chuyện vừa quạt nhẹ.
Lão nhân đột nhiên nói: “Đào Nha, quạt đi chứ, lại ngủ quên đấy à? Không phải lão hủ dọa ngươi đâu nhé, nếu là ở nhà khác ngoài tiểu trấn, lười như ngươi thể nào cũng sẽ bị phạt cho mà xem.”
Không có bất kỳ lời đáp lại nào, lão nhân vốn tính rộng lượng cùng người ăn kẻ ở đang định trêu chọc thêm vài câu thì chợt biến sắc, ngẩng đầu nhìn về phía xa với vẻ mặt nghiêm túc hẳn ra.
Hóa ra không chỉ cây quạt nữ tỳ kia cầm trong tay là bất động, thực tế tất cả mọi thứ, bao gồm ngọn gió trong tiểu viện này đều dừng lại. Lão nhân vội nín thở ngưng thần, mặc niệm khẩu quyết rồi ngồi xuống nhập định, để tránh việc khi khổng khi không lại bị hao tổn tu vi đạo hạnh trong đợt dòng sông thời gian đằng đẵng phút chốc ngược dòng này.
Lão nhân khẽ thở dài, Tề Tĩnh Xuân vốn tuân thủ quy tắc và lễ nghĩa nghiêm ngặt nhất nay cuối cùng cũng phá lệ ra tay, vậy thì đúng là giông gió đã sắp kéo đến thật rồi.
Bên giếng nước, một người trẻ tuổi cao to đang ngồi xổm gần đó dán mắt nhìn vào ròng rọc. Nhưng khóe mắt lại lén lút liếc nhìn sườn mặt của một thôn phụ với thân hình đẫy đà. Người phụ nữ kia đang xoay người nhấc một thùng nước từ miệng giếng, bờ mông cong vút, đôi gò bồng đảo căng tròn tạo thành những đường cong có phần khoa trương, uyển chuyển mà lại lồ lộ, tạo thành cảm khác căng mẩy mà lại tràn đầy sức hút. Khiến cho người phụ nữ vốn cũng chỉ bình bình có thêm một phần ý nhị khác hẳn. Sau khi người trẻ tuổi nhận ra cảnh vật xung quanh chợt bất động rất đỗi quỷ dị, những người khác không hề nhúc nhích nữa nên mới đánh bạo nhìn lom lom vào cảnh đẹp phụ nhân kéo nước kia. Hắn ta lén nuốt một ngụm nước bọt, vội nhích người, đổi sang tư thế ngồi khác.
Chẳng trách sư phụ lại nói phụ nữ dưới chân núi đều là hổ dữ ra khỏi rừng, công lực giảm mạnh, nhưng nếu đưa lại về rừng thì sẽ thành chúa tể rừng xanh, sẽ ăn thịt người. Sư phụ uống rượu xong cứ luôn miệng nói toàn bộ anh hùng hào kiệt trên đời này đều thua trước hổ cái nhà mình, không ai là ngoại lệ.
Nhưng hắn ta cảm thấy hổ ra khỏi rừng đã ghê gớm lắm rồi. Cũng như phụ nhân trước mắt vậy, rõ ràng dung mạo bình thường, nhưng lại quyến rũ đến mức khiến hắn cảm thấy trong lòng ngứa ngáy. Nếu cô ta bỗng dưng tát hắn một cú chẳng màng lý lẽ, người trẻ tuổi cảm thấy chắc là mình cũng sẽ không dám đánh trả. Nói xong chừng cô ta mà cười một cái thì hắn ta còn ngơ ngác người theo ấy chứ.
Người trẻ tuổi nghĩ thế thì bỗng thấy nhụt chí, cúi đầu nhìn đũng quần, hùng hổ quát tháo: “Đúng là cái đồ không xương, chẳng trách lại không có cốt khí như thế!”
_______
Trong ngõ Nê Bình, Tống Tập Tân đang đọc một quyển huyện chí địa phương cũ kỹ dày cộp. Nhờ vậy mà Tống Tập Tân đã lần mò ra được rất nhiều quy luật, ví như đại khái cứ sáu mươi năm sẽ bổ sung một thêm một lần, nên Tống Tập Tân ngầm gọi quyển sách này là “Giáp Tử Chí”. Nó còn viết về chuyện vô số trẻ nhỏ trong tiểu trấn được họ hàng đưa ra ngoài xong thì gần như không có người nào từng quay về, giống như không hề có tâm lý “lá rụng về cội” vậy. Thuộc dạng hoa nở trong vườn nhưng ngoài đường lại thơm, rất nhiều dòng họ bắt đầu khai chi tán diệp ở bên ngoài, thậm chí phát triển thành một gốc đại thụ che trời với bộ rễ bám sâu, nên Tống Tập Tân cũng đặt cho nó một biệt danh là “Sách Ngoài Tường”.
Lúc này thiếu niên đang đọc truyện về cuộc đời của một nhân vật tên Tào Hi, câu chữ ngắn gọn chính là nét đặc sắc của quyển sách này. Tống Tập Tân đã xem tới xem lui ít nhất bảy tám lần, cũng thuộc nằm lòng từ lâu. Nên hôm nay hắn rảnh rỗi giở ra xem lướt, chỉ chọn bừa chuyện về một vài người kỳ lạ. Vì nghĩ bụng mấy câu chuyện thần thoại do một vị tiên sinh kể chuyện viết ra thì khó mà kiểm tra thật giả, nên đương nhiên Tống Tập Tân cũng chẳng để tâm lắm. Cậu ta nhớ là trước khi người đàn ông mặc quan phục đó rời khỏi tiểu trấn để vào kinh thuật chức đã một mình tới đây giữa lúc đêm khuya, dùng thái độ vô cùng trịnh trọng để nhắc cậu ta phải nhớ kỹ một chuyện, ấy chính là đọc và nhớ kỹ từng tên người xuất hiện trong quyển sách này, cùng với hàng trăm hàng nghìn người khác và cả tổ tông gốc gác của bọn họ ở tiểu trấn, nhất là phải rõ ràng quan hệ của bốn họ và mười tộc ở đây.
Lúc này Tống Tập Tân đang nằm im trên bãi cỏ, giống như những bức tượng thần sứt sẹo ở phía Đông Nam tiểu trấn, mỗi con nằm chỏng chơ một góc giữa lùm cây bụi cỏ. Dù gió táp mưa sa cỡ nào thì vẫn cứ lù lù bất động. Ánh nắng xuyên qua khung cửa sổ, chiếu lên bàn sách, giữ nguyên một trạng thái bất động khác thường.
Trong ngôi nhà này, người và vật duy nhất có thể động đậy chính là nữ tỳ Trĩ Khuê và con rắn mối ngu ngốc kia. Cô đã phát giác được có điều khác thường từ sớm, suy nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu chính là muốn sang ngôi nhà kế bên để tìm thiếu nữ mặt đơ kia mà mắng cho một trận ra trò. Nhưng khi nữ tỳ ý thức được sự tồn tại của thanh phi kiếm kia thì lập tức từ bỏ suy nghĩ đầy dụ hoặc kia.
Cô đi vào phòng của thiếu gia nhà mình, nghiêng đầu nhìn nội dung trên trang sách. Khi thấy hai chữ “Tào Hi” thì lại ngại phiền, bèn giúp thiếu gia nhà mình lật đến vài trang sau. Sau khi thấy phần có liên quan tới “Tạ Thực” thì mới vui vẻ mỉm cười.
Chẳng qua ngay sau đó cô lại bực bội lật trang sách lại như cũ, hòng tránh để lộ thiên cơ, hại mình bại lộ chân tướng. Mấy năm nay, vị thiếu gia khôn khéo này chẳng qua chỉ vì sinh lòng tò mò nên mới hoài nghi thân phận và lai lịch của cô, chứ chưa bao giờ nắm được chứng cứ xác thực. Cô không muốn mình lại thất bại ngay khi việc lớn sắp sửa thành công. Cô hay theo thiếu gia đến trường, cảm thấy đám đọc sách có mấy lời nói ra đã sặc mùi dối trá, ví như “Xá sinh nhi thủ nghĩa giả dã (*)”, nhưng cũng có mấy lời nghe cũng không đến nỗi nào như “Trăm dặm đường dài, đi đến chín mươi vẫn chỉ mới là bắt đầu”, đúng là nói rõ hết đạo lý.
(*) Câu gốc của Mạnh Tử là “Nhị giả bất khả khiêm phục đắc, xá sinh nhi thủ nghĩa giả dã” ý nói “Nếu phải chọn giữa mạng sống và chính nghĩa, ta thà từ bỏ mạng sống để giữ lấy chính nghĩa” – Đây cũng là nguồn gốc của câu thành ngữ “Hy sinh vì chính nghĩa”.
Con rắn mối màu vàng sẫm kia đang nằm ở ngưỡng cửa phơi nắng, nhân lúc mọi thứ bất động, nó bèn khôi phục “chân thân”. Ánh sáng chiếu xuống, chỉ thấy trên người nó lấp lánh đủ màu, long lanh trong suốt, toàn thân giống hệt như một khối ngọc lưu ly.
Trong căn phòng nhỏ kế bên, thiếu nữ áo đen Ninh Diêu rơi vào một trạng thái thai tức huyền diệu khó mà nói rõ. Cô không hít thở bằng mũi miệng mà giống như bào thai còn trong bụng mẹ, thần khí quy căn, mọi suy nghĩ đều dừng lại.
Trong vỏ kiếm trắng noãn kia, phi kiếm như được đại xá mà từ từ rời khỏi vỏ. Nó nhẹ nhàng bay lượn quanh chủ nhân, ngoan ngoãn nép sát vào người cô như một chú chim nhỏ, tạo thành mỹ cảm giống như vạt áo của thiếu nữ đang nhẹ nhàng bay lượn.
Nó không hề bay lung tung, mà giống như linh tê vẽ bùa, tạo thành một vùng đất phong thủy tốt nhất cho chủ nhân đang chữa thương của mình. Qủa nhiên, khí tức xung quanh bỗng nhiên ào ào đổ về phía thiếu nữ hoàn toàn không hề có dấu hiệu hô hấp kia. Cô như một chú cá voi nuốt nước, điên cuồng hấp thu linh khí bản nguyên ở nơi này.
Nên lúc này đây, tiểu trấn vắng lặng như tờ lại tạo thành so sánh rõ rệt với tòa nhà đang bừng bừng khí thế này.
Bên một khe suối ở phía Nam tiểu trấn.
Một người đàn ông ngũ đoản (**) mày rậm mắt to, nhuệ khí bức người, phanh ngực hở bụng, tay cầm búa sắt đập sắt. Mỗi búa đánh xuống lại có ánh lửa bắn ra khắp nơi, chiếu sáng cả căn phòng.
(**) Mình và cả tứ chi đều ngắn.