Trần Bình An giẫm lên ánh sao rải rác, ra khỏi tiểu trấn, đi thẳng đến dòng suối nhỏ. Tuy đi trong bóng đêm nhưng tốc độ của thiếu niên chẳng hề chậm hơn lúc ban ngày. Hắn cố lách qua vị trí cây cầu có mái có mức nước sâu nhất, mức nước ở đó sâu hơn vị trí khác rất nhiều, sau đó chọn một đoạn suối mà nước không ngập quá đầu gối, tháo chiếc sọt tre lớn sau lưng xuống, xoay người lấy ra một chiếc giỏ trúc con bên trong, buộc chặt bên hông, rồi cởi giày rơm, xắn ống quần, xuống nước sờ đá suối.
Vết thương bị mảnh sứ vỡ cứa rách trong lòng bàn tay trái vẫn còn đau, không được để dính nước, thiếu niên đành dùng tay phải chọn nhặt trong lòng suối. Thực ra đá dưới lòng suối cạn rất dễ nhặt, nhưng màu sắc sẽ nhạt đi nhiều, giống như Lưu Tiễn Dương đã nói. Bây giờ Trần Bình An biết được một chút huyền cơ từ chỗ thiếu nữ áo đen cho nên không thấy khó hiểu nữa. Hắn cảm thấy những cục đá này chẳng khác gì đất đai trên những ngọn núi mà mình và Diêu lão đầu trèo đèo lội suối đi nếm thử trước kia. Trông thì có vẻ là bùn đất bình thường, nhưng chỉ cách một ngọn núi thôi thì nếm vào miệng đã thành mùi vị khác.
Diêu lão đầu nói cái này gọi là cây chuyển thì chết, người chuyển thì sống, bùn đất chuyển thì thành phật. Bùn đất trong tay chỉ cần chuyển khỏi mảnh đất ban đầu thì sẽ biến vị rất nhanh.
Dòng suối nhỏ không có tên. Những viên đá trong suối to bằng nắm đấm, bằng ngón cái, đủ mọi màu sắc. Nhưng người dân trong tiểu trấn hết đời này đến đời khác thấy chúng nó lẳng lặng nằm dưới suối nước trong vắt, đương nhiên chẳng ai nghĩ chúng là thứ gì hiếm có khó tìm. Nếu ai tha lôi đống sỏi đá ấy về nhà thì chắc chắn sẽ bị coi là đồ đần ăn no rửng mỡ. Thừa sức như thế mà không đi làm thêm việc đồng áng, chẳng phải ngu si thì là gì?
Trần Bình An lội nước bì bõm, lật hết tảng đá này đến tảng đá khác dưới lòng suối, nhặt được bảy, tám hòn để vào giỏ trúc. Những viên đá ấy có kích cỡ và màu sắc khác nhau, viên thì có màu như trái quýt mùa thu treo đầu cành, viên thì trắng nõn mịn màng như da em bé, viên thì đen sì như mực mà óng ánh, còn có viên đỏ thắm tựa hoa đào, song nhiều nhất vẫn là đá xanh như lưng tôm, đâu đâu cũng thấy.
Những viên đá này có cái tên quê mùa là “đá Xà Đảm”, kích cỡ không lớn, cầm trong tay nặng trịch và trơn nhẵn. Ban ngày giơ lên cao trong ánh mặt trời hoặc buổi tối soi đèn nhìn sẽ thấy những đường vân rõ ràng in trên đá như những sợi tơ, không khác gì những con rắn, con cá uyển chuyển, để xa ra một chút thì mặt đá lại như vảy cá, vảy rắn lấp lánh.
Sau khoảng gần một canh giờ, chiếc giỏ bên hông Trần Bình An đã gần đầy. Hắn quay trở lại bờ suối đặt sọt tre và giày rơm, hái một bó cỏ lau, rau dại và cỏ đuôi chó lót xuống đáy sọt, sau đó mới nhặt từng viên đá bỏ vào trong. Làm xong, hắn xách giày rơm, buộc giỏ trúc, cõng sọt tre, leo lên bờ, đến bên khúc ngoặt con suối trước đó, lại buông sọt và giày xuống rồi lội suối nhặt đá.
Nhặt được nửa giỏ, Trần Bình An đứng thẳng dậy, ngẩng đầu nhìn bầu trời sao, chờ mong được thấy sao băng lướt qua bầu trời, nhưng rõ ràng là đêm nay hắn không may mắn như thế. Hắn không ngẩn ra nữa, tiếp tục làm việc nên làm của một kẻ ham tiền dựa vào ánh sao lờ mờ và thị lực hơn người.
Mỗi lần nhặt được một viên đá, Trần Bình An đều cảm thấy vô cùng sung sướng. Đối với thiếu niên mà nói, mỗi viên đá ấy chính là một phần hi vọng.
Chẳng mấy chốc, Trần Bình An đã nhặt được hơn một nửa sọt đá, tổng cộng khoảng hơn tám mươi viên. Viên lớn nhất trong số đó còn to hơn nắm tay của hắn, màu sắc bắt mắt như tiết gà ngưng tụ, rực rỡ nhưng không chói mắt, chẳng hề có vết rạn nào. Trần Bình An đi trên bờ, hướng tới đoạn suối tiếp theo, cầm trong tay một viên đá Xà Đảm cỡ trung màu xanh nhạt mà nhìn ngắm. Viên đá ấy có màu nhạt hơn men sứ Mai Tử Thanh trong tiểu trấn, chất đá bóng loáng nhẵn nhụi, cực kì đáng yêu, Trần Bình An vừa nhìn đã thích.
Trần Bình An đi về phía ngọn núi đá xanh ven bờ suối. Trong những ngày hè nắng gắt, trẻ con trong tiểu trấn rất thích tắm mát ở đoạn suối này. Nước suối gần vách núi rất sâu, chỗ sâu nhất phải ngập đến hai Trần Bình An chồng lên nhau, gần bằng đoạn suối dưới cây cầu. Đám trẻ con bơi giỏi thích nhất là thi xem đứa nào lặn xuống đáy nước chỗ này được lâu nhất.
Sở dĩ Trần Bình An chọn vùng nước sâu này là vì trước kia khi tắm rửa ở đây cùng Lưu Tiễn Dương, hắn đã phát hiện ra dưới đáy nước có rất nhiều đá Xà Đảm. Có lần Lưu Tiễn Dương còn cố ý kẹp một hòn đá Xà Đảm vào nách rồi nổi lên để khoe mình bơi giỏi cỡ nào. Trần Bình An nhớ hòn đá kia phải to bằng cái đầu của Cố Sán, có màu trắng trong suốt, bên trong điểm những đốm đỏ tươi, hệt như cánh hoa đào bị đóng băng.
Lúc ấy Lưu Tiễn Dương cảm thấy sự kiện đó rất có ý nghĩa nên đã bảo Trần Bình An giúp hắn khiêng hòn đá to tổ chảng ấy về nhà. Kết quả là khi về đến tiểu trấn, thiếu niên ba phải cao lớn kia oải quá, bèn vứt quách nó cho Trần Bình An xử lý. Trần Bình An vừa vào đến ngõ Nê Bình đã nhận ra Trĩ Khuê sát vách chẳng hiểu sao cứ bám theo mình, chẳng nói chẳng rằng, chỉ nhìn chằm chằm vào hòn đá trong lòng hắn bằng ánh mắt chẳng khác gì hắn thấy ngõ Hạnh Hoa bán bánh bao. Trần Bình An không chịu nổi ánh mắt thèm thuồng của cô, bèn cho luôn cô hòn đá ấy, ai ngờ cô không khiêng được, suýt nữa thì rơi vào chân. Trần Bình An đành vác nó vào tận sân nhà Tống Tập Tân, còn sau này nó đi đâu về đâu thì hắn chịu.
Tảng đá trong vắt như nước, có đốm hoa đào bồng bềnh.
Non tơ mỡ màng như hoa đào ở ngõ Đào Diệp sau cơn mưa.
Tuy trước hôm nay, Trần Bình An không biết sự huyền diệu của hòn đá ấy, nhưng hắn vẫn luôn thấy nó đẹp mắt từ tận đáy lòng.
Trần Bình An thở dài rồi đột nhiên dừng bước.
Cách hắn khoảng ba mươi bước chân, có một thiếu nữ áo xanh ngồi trên vách đá bên khe suối, tay không ngừng nhét đồ ăn vào miệng dù hai má đã căng phồng.
Trần Bình An nghĩ bụng chắc thiếu nữ này phải là quỷ chết đói đầu thai, thì đêm hôm khuya khoắt mới đói đến đáng thương như thế.
Nghĩ ngợi một lát, hắn quyết định không đến gần, sợ quấy rầy nhã hứng ăn đêm của thiếu nữ kia. Song hắn cũng không bỏ đi, bởi vì đã hạ quyết tâm đêm nay phải đến vùng nước sâu kia thử vận rồi. Mỗi lần chỉ cần mò một, hai hòn đá ngoi lên, mò nhiều lần kiểu gì cũng được. Hơn nữa đá Xà Đảm ở vùng nước sâu kia dường như còn to và đẹp hơn ở những đoạn suối khác nhiều.
Trần Bình An bơi không giỏi bằng Lưu Tiễn Dương, nhưng cũng không hề thua kém.
Trần Bình An không ngờ thiếu nữ xa lạ kia vừa ăn xong đã nhặt đồ để bên cạnh lên ăn tiếp, không hề dừng lại chút nào, miệng lúc nào cũng phồng căng. Hắn cõng hơn nửa sọt đá nặng trĩu, nghĩ bụng lát nữa xuống nước mò đá cũng rất tốn sức, bèn nghiêng người đặt nó xuống đất.
Trần Bình An đánh giá thấp thính lực của thiếu nữ kia. Hắn vừa đặt cái sọt xuống, cô đã vểnh tai lên, liếc mắt nhìn sang.
Hắn không tiện nói “cô nương cứ từ từ mà ăn”, đành phải cười bẽn lẽn.
Vẻ mặt thiếu nữ hơi đờ đẫn. Cô ợ hai cái thật to, sau đó dường như bị nghẹn, phải ưỡn ngực lên mà vỗ liên hồi.
Đến lúc ấy Trần Bình An mới nhận ra tuy tuổi tác cô nàng này không lớn, nhưng hai trái bưởi dưới cổ lại rất đẫy đà, trông chẳng kém gì phụ nữ đã có con.
Phần áo trước ngực căng núc ních.
Thiếu niên vội vàng nhìn đi nơi khác, không hề tơ tưởng bất cứ chuyện xấu xa gì.
Lúc này, thiếu nữ áo xanh nhớ ra mình mang theo nước, bèn nghiêng người đưa lưng về phía Trần Bình An, ngửa đầu tu một hớp lớn, bấy giờ cơn nghẹn mới xuôi.
Thiếu niên đi giày rơm chỉ có một suy nghĩ rất đơn giản, rằng chắc hẳn xiêm áo trên người cô nương này không phải hàng rẻ tiền, nếu không thì không thể chịu được lực mạnh như thế.
Thiếu nữ áo xanh lại ăn tiếp, lần này thì ý tứ hơn, chỉ cắn từng miếng nhỏ vừa, hai má không phình ra nữa. Thi thoảng cô lại nghiêng đầu liếc mắt nhìn thiếu niên kì quái, đôi mắt hẹp dài như hai đóa hoa đào, đuôi mắt hơi xếch lên khiến cô tựa như một con hồ mị còn nhỏ tuổi.
Dường như cô đang dùng ánh mắt để hỏi thiếu niên, ngươi làm gì thế? Cứ đi tiếp đi.
Trần Bình An chẳng còn cách nào, đành phải chỉ dòng suối bên vách đá xanh rồi nói: “Ta không đi ngang qua đây, ta muốn xuống con suối chỗ cô ngồi ấy.”
Thiếu nữ nhìn thiếu niên gầy gò, chẳng nói chẳng rằng.
Sau đó, dường như nhớ ra chuyện gì quan trọng, thiếu nữ giơ một ngón tay lên miệng, ra hiệu cho Trần Bình An đừng nói gì, rồi nhích ra một chút, ý bảo hắn cứ đi qua, cô sẽ không làm ảnh hưởng đến việc hắn xuống nước nhặt đá.
Trần Bình An đành cõng cái sọt, kiên trì đi qua đó. Cũng may vách đá xanh rất rộng, đủ cho mười người đứng, mà thiếu nữ áo xanh cũng chủ động ngồi sang bên cạnh và khoanh chân lại, không duỗi thẳng như ban nãy nữa. Trên đầu gối cô đặt một cái bao đang mở, trong ấy chất đầy bánh ngọt và quà vặt muôn hình muôn vẻ như một ngọn núi nhỏ. Cô nàng mới ăn hết phần đỉnh của ngọn núi ấy mà thôi.
Trần Bình An buông giày rơm, sọt trúc và giỏ nhỏ xuống. Hắn vốn định cởi trần xuống nước vì đã là nửa đêm canh ba, nhưng bây giờ thì không dám nữa. Có một cô hoàng hoa khuê nữ xa lạ ngồi ngay bên cạnh, chưa nói đến việc cô có hét ầm lên không, nếu để người lớn trong nhà cô nhìn thấy hay nghe được thì hắn đoán mình có bị đánh gãy hai giò cũng không oan uổng.
Trần Bình An đến bên vách đá, lặn một hơi, xuống tận đáy vùng nước sâu.
Loáng một cái, hắn đã mò được một viên đá to bằng bàn tay, tiếc rằng không phải là đá Xà Đảm. Hắn đành lau mặt một cái, tiếp tục lặn xuống, ba lần liên tục mới mò lên một viên đá Xà Đảm màu xanh đen. Thiếu niên ướt sũng bò lên vách đá, bỏ đá vào sọt rồi lại chui xuống suối.
Từ đầu đến cuối, thiếu nữ đều quay lưng về phía hắn mà ăn lấy ăn để.
Chưa đến nửa canh giờ sau, Trần Bình An đã nhặt được bảy, tám viên đá, trừ viên đầu tiên hơi tối màu, còn lại viên nào cũng to và rực rỡ.
Lần cuối cùng lặn xuống, Trần Bình An không mò đá mà bắt được một con cá sống to bằng bàn tay, người dân trong tiểu trấn gọi là cá Thạch Bản, hễ thấy người là trốn ngay xuống kẽ đá. Cá này vị ngon nhưng bình thường chỉ to bằng ngón tay, hiếm có con nào to như con Trần Bình An bắt được. Trước đó Trần Bình An cũng mò được mấy con trong kẽ đá dưới đáy nước nhưng vì cầm đá nên phải thả đi. Lần này hắn đột nhiên nghĩ ra, nếu bắt được chục con cá để ngày mai hầm canh cho Ninh cô nương thì cũng không tồi.
Trần Bình An lên bờ, tiện tay ném cá vào giỏ trúc.
Lần thứ hai bắt cá lên bờ, Trần Bình An đột nhiên thấy thiếu nữ kia đã ngồi xổm cạnh giỏ cá mà nhìn chằm chằm con cá duy nhất trơ trọi trong ấy. Sắc mặt cô sáng ngời lên, chẳng khác gì vẻ mặt của Trĩ Khuê khi nhìn thấy hòn đá trong ngõ Nê Bình năm xưa.
Trần Bình An ném con cá thứ hai vào giỏ trúc.
Thiếu nữ chậm rãi ngẩng đầu lên.
Thiếu niên đi chân đất đã rảo bước quay đi, lặn xuống dòng suối một lần nữa.
Nghe thấy thiếu niên lặn xuống, thiếu nữ áo xanh vội vàng túm mỗi tay một con cá trong giỏ lên, cúi đầu nhìn chúng còn đang uốn éo, trịnh trọng gật đầu khen: “Giỏi quá, giỏi quá!”
Thiếu nữ áo xanh biết tiểu trấn này có rất nhiều dị tượng và cảnh lạ. Cái giếng nước trong ngõ Hạnh Hoa treo cái khóa sắt không biết dài bao nhiêu mà kể. Cái cầu lợp mái cách đó không xa có tiền thân là cầu đá vượt suối thâm niên ba ngàn năm, gầm cầu có một thanh kiếm sắt hoen gỉ, mũi kiếm chỉ thẳng vào một đầm nước xanh biếc sâu không thấy đáy. Tòa miếu Cua mười hai cột, trảng cỏ bên ngoài từ đường, tượng đất xiêu đổ ngổn ngang, núi sứ ở phía Bắc chất đống những món đồ sứ bị đập nát vì quan đốc tạo vung bút phê thành hàng phế phẩm qua nhiều triều đại…
Thậm chí cô còn biết phân nửa xuất xứ của chúng.
Từ nhỏ cô đã theo cha vào nam ra bắc, cho nên có thể nói là trải nghiệm đầy mình.
Khi Trần Bình An bắt cá Thạch Bàn lên bờ lần thứ ba, thiếu nữ vẫn còn ngồi bên giỏ cá, hai tay đã trống trơn song lại len lén lau vào vạt áo. Cô ngẩng đầu nhìn thiếu niên chân đất đến gần, như dân thường nhìn thấy thần tiên.
Trần Bình An bị cô nhìn bằng ánh mắt quái gở, toàn thân không thoải mái, bèn ướm hỏi: “Cô muốn mấy con cá này à?”
Thiếu nữ vô thức gật đầu như giã tỏi.
Trần Bình An cười bảo: “Thế thì cho cô ba con này, rồi ta lại bắt tiếp.”
Thiếu nữ chớp mắt cười rộ lên vui vẻ, quyến rũ và ma mị.