Chương 31: Gõ núi

Gõ núi

Trần Bình An quảy gánh đến giếng khóa sắt, đi qua mấy cửa hàng điểm tâm ở ngõ Hạnh Hoa, bụng sôi lên ùng ục, nhưng ngặt vì túi chẳng có tiền nên chỉ có thể kiên trì xếp hàng chờ múc nước. Trước mặt hắn có ba nhà, khi đến phiên hắn, Trĩ Khuê đột nhiên xách thùng nhỏ chen ngang, làm người phía sau khó chịu.

Những lời càm ràm của họ tuy không đến mức hùng hổ cũng chẳng dễ nghe, nhất là một bà lão lưng gù được mọi người gọi là Mã bà bà. Hai đứa con trai của bà già này đều rất giỏi giang, đứa nào cũng có lò gốm riêng, tuy rằng lò gốm rất nhỏ, chỉ xếp hàng chót trong số ba mươi mấy lò nung, nhưng ở ngõ Hạnh Hoa thì đã có thể coi là nhà giàu sang phú quý. Song chẳng hiểu sao bà cụ lại hục hặc với hai cô con dâu, con trai và con dâu đã chuyển hết sang ngõ Đào Diệp mà bà vẫn sống một mình ở nhà cũ trong ngõ Hạnh Hoa. Trong mắt đám trẻ Trần Bình An, Lưu Tiễn Dương, Mã bà bà là một bà cụ cực kì đáng sợ, mồm miệng đã cay nghiệt lại còn keo kiệt, đến tuyết đọng ngoài cổng mùa đông cũng muốn ôm vào nhà. Hễ có đứa nào dùng tuyết trước cổng nhà Mã bà bà để chơi ném tuyết hoặc bẻ nhũ băng trên mái hiên nhà bà, bà có thể vác chổi vừa chửi vừa đuổi đánh đến mấy con phố.

Trước kia ở những con ngõ nhỏ phía Tây tiểu trấn này chỉ có mẹ Cố Sán là lấn lướt được Mã bà bà vài phần. Bây giờ nghe nói quả phụ họ Cố đã đi theo bà con xa của ông chồng chết sớm, tìm nơi nương tựa ở nhà chồng, thế là Mã bà bà vừa hiền hòa được mấy năm đã hùng hổ trở lại, tái xuất giang hồ, nhìn ai cũng thấy ngứa mắt. Tì nữ nhà Tống Tập Tân vừa chen ngang, bà cụ đã bắt đầu xỏ xiên mai mỉa bằng giọng lầm bầm, mặt mũi thì tươi cười mà trong lòng thì xúc xiểm. Bà cố ý nói với người đàn bà bên cạnh, rằng cô nàng nào đó cuối cùng cũng nở mày nở mặt, đi đường còn chẳng khép chân lại được thế kia mà. Đây là việc đại hỉ đấy, bây giờ cô ta chẳng phải chịu cái kiếp thân tiểu thư mà mệnh nha hoàn nữa, có thể quang minh chính đại được người ta gọi hai tiếng “phu nhân” rồi.

Trần Bình An nghe mà tê cả da đầu, nhưng lại không tiện đuổi Trĩ Khuê chen ngang đi, vì dù sao cũng đã làm hàng xóm nhiều năm. Sau khi múc đầy hai thùng nước cho Lưu Tiễn Dương, hắn nhân tiện kéo cho cô một thùng, mong cô thoát khỏi bà già lắm chuyện kia cho sớm. Mã bà bà thấy tiện tì nhà họ Tống giả vờ không nghe thấy thì càng nổi giận đùng đùng.

Cao thủ so chiêu sợ nhất là đối thủ không tiếp chiêu, võ công cao cường cũng chẳng có đất dụng võ.

Trước kia, khi cãi nhau với con hồ ly quả phụ họ Cố lẳng lơ, bà cụ thua thì thua, chứ lần nào cãi xong cũng thấy công lực tăng cao, lần cãi sau kiểu gì cũng lấy lại được danh dự. Chẳng ai như con điếm ngõ Nê Bình, hết lần này đến lần khác im ỉm không ừ hử gì, mà ánh mắt nó nhìn bà cụ lúc bỏ đi thì khiến cho bà đến là khó chịu, hận ngứa cả răng. Bà cụ chỉ muốn sấn đến vả cho con tì nữ đê tiện ấy toang mặt, để thiếu niên và thanh niên trai tráng trong các ngõ đừng treo thần hồn trên eo nó nữa.

Nhất là thằng cháu trai nhà bà cụ. Tuy trong mắt người ngoài thì nó là một thằng ngu, nhưng gần đây chính người làm bà nội như bà cụ cũng cảm thấy nó điên thật rồi. Suốt ngày nó lảm nhảm nói sau này muốn cưới con tì nữ ngõ Nê Bình về làm vợ, rồi sẽ vung quyền đánh thủng bầu trời luôn.

Thấy thiếu nữ đáng ghét kia không đếm xỉa gì đến mình, Mã bà bà quay mũi dùi sang thiếu niên bần hàn, tặc lưỡi bảo: “Đồ bần tiện bẩn thỉu, hại chết cha mẹ mà cũng dám vác mặt sống ở đời, biết mình không lấy được vợ thì la liếm tì nữ nhà người khác. Đúng là một đôi mèo mả gà đồng trời sinh, hai đứa mày về quách với nhau đi. Dù sao ngõ Nê Bình cũng là chỗ của đám con hoang rác rưởi, biết đâu sau này chúng mày sinh con ra, nó lại xưng vương xưng bá ở đó cũng nên.”

Trần Bình An nghĩ ngợi một lát, quay người muốn buông gánh nước trên vai xuống.

Tỳ nữ Trĩ Khuê thì đã buông thùng nước từ lâu. Cô sải bước đi tới chỗ bà lão ngông nghênh kia, chẳng nói chẳng rằng quăng cho bà ta một phát tát. Mã bà bà bị tát quay vòng tại chỗ, chóng hết mặt mày, phải nhờ mấy người đàn bà xung quanh nâng đỡ mới không ngã sấp xuống. Trĩ Khuê không đợi bà cụ hoàn hồn, đã sấn lên một bước, vả thêm một bạt tai rồi mắng té tát: “Mụ già khốn nạn, ta nhịn bà lâu lắm rồi!”

Bà cụ lắc đầu, giận sôi máu, toan đánh trả. Nhưng chẳng biết có phải ảo giác hay không, mà hai người đàn bà bên cạnh ghìm chặt quá, khiến bà cụ giãy mãi chẳng ra, thế là ăn quả nhục thêm lần nữa. Tỳ nữ ra tay lần thứ ba, cong ngón tay gõ mạnh vào trán bà già mà nói: “Sau này bà còn dám chửi ta, ta sẽ rút cái lưỡi lắm chuyện của bà ra. Bà chửi một chữ, ta sẽ lấy kim đâm bà một lần!”

Bà lão sợ vãi linh hồn, quên luôn cả cãi lại, càng đừng nói đến trả đòn.

Thiếu nữ quay người rảo bước rời đi, thấy thiếu niên hàng xóm đã xách thùng nước giúp mình thì mỉm cười, về ngõ Nê Bình cùng với hắn.

Trần Bình An chưa kịp nói gì, thiếu nữ đã cướp lời ngay: “Không cần cảm ơn ta, ta chửi bà ta chẳng liên quan gì đến ngươi đâu.”

Trần Bình An chẳng còn gì để nói.

Thiếu nữ tay không lẩm bà lẩm bẩm, tuyệt nhiên không nghĩ đến chuyện lấy lại thùng nước từ tay thiếu niên đi giày rơm.

Bên cạnh ròng rọc của giếng nước khóa sắt, bà cụ già ngồi bệt xuống đất gào lên ăn vạ: “Con tiện tì chết tiệt đáng chém ngàn đao! Sao trời không đánh chết mày đi… Ta khổ quá mà, trời không có mắt, sao không cho sét đánh chết con điếm ấy đi hả giời…”

Thiếu nữ bước từng bước nhẹ nhàng, hai tay từ từ hướng lên trời, làm một động tác vô cùng cổ quái.

Cũng may Trần Bình An làm hàng xóm với cô nhiều năm nên không thấy lạ lẫm gì.

Hai người đi qua hàng điểm tâm, Trần Bình An bỗng thấy một bóng lưng quen thuộc. Cô gái đó không cao, mặc xiêm y màu xanh, đang mua bánh bao thịt nóng hổi mới ra lò, mùi hương tỏa khắp cả con đường.

(Chỗ này chỉ có 3 chữ Trần Bình An, không có gì nữa. Em tìm mấy nguồn đều không có cả đoạn, nghi là thiếu đoạn, nếu má tìm thấy thì thêm vào nhé)

Mới sáng sớm ngày ra mà mây mù đã kéo dày đặc từ lúc nào, như chiếc chăn lớn của nhà giàu trải ra phơi nắng.

Ầm ầm. Tiếng sấm vang ì ùng trên bầu trời tiểu trấn.

Mã bà bà bên giếng khóa sắt đứng bật dậy, vội vã chạy về nhà, thùng nước trong tay đung đưa, nước giếng vãi suốt dọc đường, có lẽ về đến nhà chỉ còn lại một nửa.

Có lẽ trong lòng bà cụ cũng biết, nếu ông trời có mắt thật thì tia sét đầu tiên có lẽ sẽ giáng thẳng xuống đầu mình.

Trần Bình An nghe thấy tiếng sấm rền thì ngẩng đầu nhìn lên với vẻ nghi hoặc, trời đâu có giống sắp mưa.

Thiếu nữ cười tủm tỉm nói: “Thiếu gia nhà ta nói, mỗi dịp đầu xuân đều có chính thần của Thiên Đình mặc áo giáp vàng, nổi trống giữa mây, tống cựu nghênh tân, chấn nhiếp vạn tà, báo mùa xuân đến.”

Trần Bình An gật đầu bảo: “Thiếu gia nhà cô đọc nhiều sách thật.”

Thiếu nữ thở dài: “Thiếu gia nhà ta cái gì cũng tốt, mỗi tội hơi lười, lại thích mắng ông trời, ta thấy thế là không được.”

Trần Bình An không có thói quen nói xấu sau lưng người khác nên không bàn luận gì thêm về vấn đề này. Tống Tập Tân có cái nết kì quái duy trì nhiều năm là thích chửi ông trời đui mù không có mắt giống y như Mã bà bà. Nhưng người đọc sách có cách nghĩ của người đọc sách. Vào những đêm gió tuyết, ngày mưa dông và những hôm chân trời có ráng nhiều màu, Tống Tập Tân sẽ không chửi. Hắn nói muốn chửi phải chửi vào lúc ông trời ngủ gật, ông ta không nghe thấy thì sẽ không tức giận, mà hắn thì được mắng sướng mồm, một công đôi việc.

Thấy Trần Bình An không đáp, Trĩ Khuê nói với vẻ thờ ơ: “Hôm qua ngươi không về nhà, sang nhà Lưu Tiễn Dương hả?”

Trần Bình An gật đầu nói: “Trong nhà có khách, không tiện.”

Cô nàng bỗng hỏi: “Đúng rồi, có phải Tề tiên sinh từng gặp ngươi không? Ông ấy nói cái gì?”

Trần Bình An hỏi ngược lại: “Sao cô lại hỏi thế?”

Cô cười vô tư: “Hỏi chơi thôi. Hôm nay ta đi múc nước thì gặp Tề tiên sinh, ông ấy nói mình đi tản bộ buổi sớm, còn hỏi ta ngươi có nhà không, ta trả lời thật thà lắm.”

Trần Bình An cười nói: “Trước đó ta có tình cờ gặp Tề tiên sinh. Tiên sinh nói với ta đôi câu chuyện phiếm, ý bảo năm xưa ta nên đến trường học học cùng với Lưu Tiễn Dương. Ta đành bảo nhà mình nghèo, thật chẳng có cách nào, nếu không thì ta cũng muốn học hành tử tế.”

Trĩ Khuê nghi ngờ hỏi lại: “Thé thôi à?”

Trần Bình An nhìn vào mắt cô, cười hỏi lại: “Không thì cô nghĩ còn gì nữa?”

Trĩ Khuê cười trừ.

Hai người chia tay ở góc đường, Trĩ Khuê nhận thùng nước đi về ngõ Nê Bình, Trần Bình An thì về nhà Lưu Tiễn Dương. Sau đó hắn còn phải đến cửa đông thành lấy thư, mỗi phong thư được một văn tiền. Nếu Trần Bình An nhận được công việc này từ sớm, thì với sức lực có thể chạy hết trăm dặm núi non, có khi hắn đã tích góp đủ tiền cưới vợ rồi.

Trĩ Khuê đứng ở đầu ngõ Nê Bình thấy thiếu gia nhà mình đứng gần đó, ngáp ngắn ngáp dài.

Cô rảo bước đi tới, tò mò hỏi: “Công tử, sao ngươi lại ra đây?”

Tống Tập Tân vươn vai duỗi lưng, lười biếng đáp: “Chờ không cũng chán.”

Cô nhỏ giọng hỏi: “Công tử, bao giờ thì quan đốc tạo mới nhậm chức sẽ về tiểu trấn? Có phải sau đó chúng ta có thể đến kinh thành rồi không?”

Tống Tập Tân nghĩ ngợi một lát: “Chắc là khoảng một tuần nữa thôi.”

Trĩ Khuê do dự, thùng nước nhỏ trong tay cũng lắc lư.

Tống Tập Tân cười hỏi: “Sao, có tâm sự à?”

Cô rụt rè đáp: “Công tử, có thể cho ta mượn bản ghi chép của huyện này để đọc không? Chỉ một hai đêm thôi, để ta nhận mặt chữ, tránh cho khi đến kinh thành bị người ta coi thường thì công tử cũng xấu mặt lây.”

Tống Tập Tân không nhịn được cười, nghĩ ngợi rồi bảo: “Chuyện này thì có gì mà không dám nói? Nhưng mà nhớ phải rửa tay rồi hẵng mở sách, đừng để dính bẩn lên trang sách, và cẩn thận đừng để sáp nến nhỏ vào nữa. Chuyện khác thì khỏi cần chú ý, một cuốn sách nát “đến đây là hết” thôi ấy mà.”

Trĩ Khuê cười tươi roi rói: “Nô tỳ cảm ơn công tử!”

Tống Tập Tân vui vẻ, cười sang sảng: “Nào nào, để công tử xách nước giúp ngươi.”

Trĩ Khuê né sang một bên, nghiêm mặt nói: “Công tử! Chẳng phải có câu “quân tử tránh xa nhà bếp” sao? Chuyện vặt này công tử nhúng tay vào làm gì? Để hàng xóm láng giềng nghe thấy lại xỏ xiên ta cho mà xem.”

Tống Tập Tân giận đến bật cười: “Mấy thứ quy củ, đạo lý, lễ pháp… chỉ dùng để lòe người khác thôi, công tử ta đây…”

Nói đến đây, con mọt sách sinh ra trong ngõ hẻm này bỗng khựng lại.

Tỳ nữ tò mò: “Công tử làm sao?”

Tống Tập Tân lại nở nụ cười bất cần đời, chỉ vào mình mà bảo: “Công tử ta đây thực ra chỉ là một gã nông dân, chia ruộng đồng thành từng hàng từng luống, để người ta gieo trồng, dẫn nước tưới tiêu, còn ta khểnh chân chờ thu hoạch, hết năm này đến năm khác vậy thôi!”

Tỳ nữ ù ù cạc cạc.

Tống Tập Tân cười ha hả.

Sau đó thiếu niên đột nhiên không cười nữa, nghiêm mặt nói: “Trĩ Khuê à, có phải họ Trần xách giúp cô một thùng nước không?”

Tỳ nữ gật đầu với vẻ ngây thơ.

Thiếu niên nói lời thấm thía: “Có một vị thánh hiền từng nói, coi một chút lòng thành của người xa lạ là báu vật quý giá, lại coi toàn bộ nỗ lực của người thân cận bên cạnh thành chuyện đương nhiên mà xem nhẹ nó, là không đúng.”

Tỳ nữ càng thêm lơ mơ: “Hả?”

Thiếu niên vuốt cằm, tự nhủ: “Thế mà không hiểu ý ta, ta biết nói tiếp thế nào đây? Có khi đến kinh thành phải đổi nha hoàn khác thông minh lanh lợi, xinh đẹp khéo léo hơn mới được.”

Tỳ nữ không nhịn được bật cười thành tiếng, chẳng thèm đếm xỉa đến uy hiếp của công tử nhà mình, vạch thẳng ra chân tướng: “Thiếu gia muốn ta hỏi vị thánh hiền đó là ai đúng không? Thiếu gia, ta biết đó, là ngươi mà!”

Tống Tập Tân cười váng lên: “Chỉ có Trĩ Khuê là hiểu ta nhất!”

Trong thư phòng của trường học, nho sĩ trung niên ngồi nghiêm chỉnh. Tất cả những quân cờ trên bàn cờ trước mặt ông đều biến thành bột mịn trong tiếng sầm mùa xuân.

Bọn trẻ con trong trấn có một cách để bắt cá Thạch Bản, là cầm búa sắt đập mạnh vào đá dưới lòng suối, cá trốn trong hốc đá sẽ bị choáng mà nổi lên mặt nước.

Cách này tuy khác với câu “rung cây dọa khỉ” được ghi trong sách, song lại có hiệu quả như nhau.

Nhưng nếu muốn cảnh cáo thánh nhân một phương đừng có làm trái ý trời, luận bậy đại đạo.

Thì giữa thiên địa này, có lẽ chỉ có sấm sét oai nghiêm là xứng tầm làm “cây búa” ấy mà thôi.

Kiếm Lai

Kiếm Lai

Status: Ongoing Author:
Trời đất bao lai, sự lạ không gì không có. Ta - Trần Bình An - chỉ có một kiếm, có thể bạt núi, lấp biển, hàng yêu, trấn ma, phong thần, hái sao, cắt sông, phá thành, khai thiên!_______________________________________________________________________________________________________Đôi lời của người Dịch:Mình bắt đầu làm bộ này với tư thế của một kẻ chưa đọc chương nào Kiếm Lai, hoàn toàn làm vì thấy mọi người bảo truyện này khó Dịch, đọc convert rất mệt nên làm thử. Kết quả là hiện tại mỗi ngày mình đau khổ cặm cụi, không phải vì Dịch nó mà là vì đọc convert ngoài mệt vì câu từ trúc trắc thì nội dung quá hack não. Quả thực Kiếm Lai liên tục đứng Top bên trang Tung Hoành của Trung Quốc trong bối cảnh Tiên Hiệp bị thất sủng là cực kỳ xứng đáng. Một số đánh giá cá nhân của mình về khoảng 100 chương đầu, 100 thôi bởi mình cũng chỉ mới đọc tới đó khi viết những dòng này.1. Nhân vật chính đặc sắc thú vị: Trần Bình An, tên là Bình An nhưng cuộc đời không bình an. 5 tuổi chính thức mồ côi cả cha lẫn mẹ, trải qua cuộc sống cơ cực, số mệnh như bị Thiên oán Nhân nộ nhưng bản tâm không mất mà ngược lại càng thêm sáng trong. Trần Bình An rất giống một con người bình thường, với những ước mong bình thường, có chút tiền để mua câu đối xuân dán cửa nhà, có chút tài sản để sau này lấy vợ sinh con...vv... thế nhưng Trần Bình An lại không hề bình thường, như người hàng xóm thiên tài Tống Tập Tân nói thì hắn như bất kiến sơn, bất lộ thủy, ý chí sắt đá, bản tâm trong sáng vững vàng. Trần Bình An chỉ khóc vì cha mẹ mình, chưa từng quỳ gối hay khóc vì bất kỳ lý do gì khác.2. Tuyến nhân vật phụ quá nhiều não: Nếu bạn bắt đầu đọc vài chương đầu bạn sẽ thấy cái trấn mà Trần Bình An ở nó rất bình thường, thậm chí tầm thường với những con người y như trấn nhưng theo mạch truyện bạn sẽ dần dần thấy cái trấn đó nó không bình thường và những nhân vật tầm thường kia cũng vậy. Mỗi người quanh Trần Bình An đều có những nét tính cách khác biệt với những suy tính rõ ràng. Có người mang trong mình tinh thần đại nghĩa sẵn sàng xả thân mình vì nhân sinh, lại có kẻ bày mưu tính kế tầng tầng lớp lớp mưu hại kẻ khác.3. Cách xây dựng, dẫn dắt mạch truyện khiến người đọc vừa kích thích lại rất đau não: Mỗi tình tiết trong Kiếm Lai, dù nhỏ nhặt dù cảm giác như vô vị nhưng khi đọc tới một lúc nào đó, bạn đọc sẽ phải thốt lên: A, thì ra nó là như vậy! Cách phát triển mạch truyện từ đơn giản tới phức tạp, từ phức tạp, bí ẩn tới đơn giả, rõ ràng đan xen nhau, rồi từ vô số chi tiết nhỏ nhặt để cuối cùng cho ra một kết quả khó ngờ và cái kết quả khó ngờ kia lại là kết quả của một mưu tính còn bất ngờ hơn khiến bạn đọc sẽ liên tục phải chú ý, phải ghi nhớ và tất nhiên, luôn luôn cảm thấy sự thú vị, sự hưng phấn khi đọc.4. Dù chưa biết kết quả nhưng mình có thể nói Kiếm Lai ở những chương mình đọc nó thực sự xứng với chữ Hiệp, ngoài những chi tiết logic cuốn hút, câu chữ xứng với từ Văn Học thì cái tình, cái nghĩa trong truyện rất đáng để chúng ta chiêm nghiệm. Dù bạn sẽ chẳng bao giờ thấy tác giả để nhân vật nói những câu hoành tráng hùng hồn kiểu: Ta thề chết vì huynh đệ, xả thân vì thiên hạ nhưng bằng những sự việc, bằng những câu nói nghe có khi ngô nghê, có khi mơ hồ khó hiểu ở những thời khắc mấu chốt, sinh tử quan đầu, ta thấy cái tình, cái nghĩa trong Kiếm Lai rất sáng, huynh đệ chưa bao giờ nói với nhau câu tử tế vẫn có thể chết vì nhau, người chưa bao giờ nhận thứ gì từ thiên hạ vẫn có thể chết vì thiên hạ.5. Tóm lại là bạn hãy đọc Kiếm Lai đi, không phí đâu ^^

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset