Chương 39: Mắng hòe

Mắng hòe

Trần Bình An nghĩ, nếu sau này đi mò đá ban ngày thì có thể bắt đầu từ chỗ Lưu Tiễn Dương, kéo dài tới chỗ cây cầu. Thế nên đêm nay hắn bèn chọn xuống nước ở thượng du, xa hơn nơi đã mò lần đầu. Sở dĩ phải cách xa cây cầu và dốc đá màu xanh được dân địa phương nơi này gọi là lưng Thanh Ngưu cũng vì đó là nơi lần đầu tiên Trần Bình An gặp thiếu nữ áo xanh nọ, cũng vì vậy mà hắn bỏ lỡ cuộc gặp mặt giữa Tống Tập Tân và quan đốc tạo.

Trên cầu có treo tấm biển “Phong sinh thủy khởi”.

Trên danh nghĩa, nam nhân áo trắng mang ngọc đái này là quan đốc tạo của lò gốm ngự nơi đây, nhưng thật ra hắn lại là phiên vương quyền thế hàng đầu của Đại Ly. Dưới sự dẫn đường của hắn, Tống Tập Tân đi tới điểm cuối của cây cầu. Trước khi tới đây, chẳng những cậu ta phải tắm rửa thay đồ ở phủ quan mà còn phải đeo cả túi thơm và một miếng ngọc bội hình rồng làm bằng chất liệu bình thường, màu sắc thì tối thui, không hề bắt mắt chút nào. Nhưng miếng ngọc bội Lão Long Bố Vũ có chất liệu, đẳng cấp và ngụ ý tốt hơn hẳn kia thì lại bị nam nhân ép phải để lại, tuyệt đối không được phép đeo.

Tống Tập Tân cầm ba nén nhang, đứng dưới bậc thang, không biết phải làm gì.

Phiên vương Đại Ly Tống Trường Kính bỗng xoay người vươn tay. Hai ngón tay lướt nhẹ qua, ba nén nhang lập tức được thắp.

Nam nhân thản nhiên nói: “Sau khi quỳ xuống thì mặt hướng về phía tấm biển, dập đầu ba cái, cắm nhang xuống đất là xong.”

Tuy Tống Tập Tân ôm một bụng hoài nghi, nhưng vẫn làm theo lời của vị “thúc thúc” từ trên trời rơi xuống này, hai tay giơ nhang lên cao, quỳ xuống dập đầu ba cái.

Tuy nam nhân nói có vẻ nhẹ nhàng, nhưng sau khi thiếu niên quỳ xuống thì sắc mặt hắn lại trở nên nghiêm túc xen lẫn phức tạp. Nhìn nơi thiếu niên dập đầu, trong lòng nảy ra nỗi căm hận sâu đậm.

Sau khi cắm nhang xuống đất và đứng dậy, Tống Tập Tân lại hỏi: “Thắp nhang ở đây có sao không?”

Nam nhân cười nói: “Chỉ là nghi thức mà thôi, đừng để tâm làm gì. Từ giờ trở đi, nếu thấy vui thì cứ chơi cho đã đi, không thì sau này ngươi sẽ bận đến sứt đầu mẻ trán đấy.”

Nói đến đây, nam nhân không cười nữa: “Nhưng đừng quên, cây cầu này chính là… long hưng chi địa* của ngươi.”

*Ý chỉ nơi khởi nguyên của từng triều đại.

Môi của Tống Tập Tân tái mét, không rõ là do lạnh hay sao, thiếu niên cố ra vẻ thoải mái: “Bốn chữ này không tiện dùng bừa nhỉ?”

Nam nhân một tay đặt ở bụng, một tay đỡ lấy đai ngọc bên hông, cười lớn đáp: “Đến kinh thành thì đương nhiên là thế, nhưng ở đây thì không phải lo. Đã không có lũ chó nhà triều đình, lại không có đám chó hoang giang hồ, không ai dám cắn bản vương đâu.”

Tống Tập Tân thắc mắc: “Ông không sợ bị người ta dị nghị à?”

Nam nhân hỏi ngược lại: “Ở Đại Ly, bản vương đã đánh khắp trên non dưới núi vô địch thủ rồi, nếu như không có gì khiến ta sợ thì chẳng phải còn thoải mái hơn cả người ngồi trên long ỷ kia sao? Tiểu tử ngươi thấy sao?”

Tống Tập Tân do dự suy xét, sau đó vẫn quyết định hỏi: “Ông đang giấu tài? Hay là nuôi giặc giữ mình*?”

*Câu gốc là dưỡng khấu tự trọng, nghĩa là cố ý giữa lại thế lực đối địch để nhấn mạnh tầm quan trọng của bản thân.

Nam nhân nhịn không được mà bật cười, chỉ vào thiếu niên tài hoa xuất chúng kia, lắc đầu nói: “Mấy lời đại nghịch bất đạo này mà ngươi cũng dám nói, đúng là không biết nặng nhẹ mà. Sau này đến kinh thành hoặc đến tòa phủ đệ tiên gia nào đó trên đỉnh núi thì cũng phải biết giấu tài. Bản vương khuyên ngươi một câu, nói năng làm việc chớ nên trắng trợn như thế, bằng không nhất định sẽ gặp chuyện.”

Tống Tập Tân gật đầu đáp: “Ta nhớ rồi.”

Nam nhân chỉ về phía tấm biển có chữ vàng kia: “Phong sinh thủy khởi, phong sinh thủy khởi, bản vương hỏi ngươi, thủy khởi là khởi như thế nào?”

Tống Tập Tân đáp ngay: “Không biết.”

Nam nhân lẩm bẩm: “Biết thì lấy làm biết, không biết thì lấy làm không biết, ấy chính là biết vậy (Luận Ngữ). Toàn mấy câu chó má, lũ đọc sách đúng là lòng dạ gian xảo, đánh cái rắm thôi cũng phải quanh co đủ đường.”

Nhưng đối mặt với thiếu niên, nam nhân vẫn phải giữ phần lịch sự: “Nếu như bản vương nhớ không nhầm thì ba ngàn năm nay, dù bị lũ lụt bao nhiêu lần thì mực nước của dòng suối trong trấn cnày chưa từng cao hơn mũi kiếm.”

Tống Tập Tân nghi hoặc hỏi: “Đúng là cụ già ở cạnh giếng bên ngõ Hạnh Hoa hay ngồi dưới gốc hòe kể chuyện này cho bọn ta nghe. Trong chuyện này thật sự có huyền cơ ư?”

Nam nhân chỉ về phía dòng suối rời khỏi dãy núi, cười nói: “Giữa núi rừng, xà có xà ngôn, trong nhà bỏ trống, chuột có lối chuột. Còn trong khe nước con suối này thì giao có giao đạo.”

Nam nhân rút tay về, kiên nhẫn giải thích: “Nhiều nơi ở vương triều Đại Ly cũng có tập tục treo kiếm dưới cầu. Có điều những thanh kiếm bằng đồng điếu, kiếm gỗ đào hoặc kiếm bùa kia bình thường chỉ trụ qua được một lần giao núi rắn rừng vào sông chứ không ngăn được lần hai. Thậm chí nhiều kẻ treo kiếm phép có đạo hạnh nông cạn thì đến một lần vào sông cũng chẳng trụ nổi, thậm chí còn chọc giận loài giao long vào sông. Nên lũ quét qua một cái, những cây cầu vốn có thể không sao cũng sẽ sụp đổ, kiếm cũng mất tăm. Duy có thanh kiếm ở nơi này…”

Nam nhân nói một nửa thì im lặng.

Tống Tập Tân kiên nhẫn chờ đợi.

Nam nhân thở dài, nói tiếp: “Chỉ có thanh kiếm này, ngay từ ngày đầu tiên treo dưới cầu đã không phải nhằm vào loài giao long vapf sông, mà là bị Thánh Nhân dùng để trấn áp cửa ra vào của cái giếng Tỏa Long kia. Nên lối ra chính là cái hồ sâu nằm dưới chân cầu, đề phòng long khí tiêu tán quá nhanh, tránh cho tiểu thiên địa này bị phá vỡ.”

Tống Tập Tân hỏi thẳng: “Rốt cuộc con chân long cuối cùng trên đời này có chết hay không?”

Tống Trường Kính cười nói: “Trận chiến diệt rồng ba ngàn năm trước đã khiến vô số kẻ luyện khí bỏ mạng. Ngay cả Thánh Nhân tam giáo và tông sư trăm họ cũng chết vô số. Tiểu tử ngươi cho rằng tất cả mọi người đều bị lủng não, hay là Thánh Nhân sống nhiều mà không có khôn? Cố ý giữ lại con chân long cuối cùng để nuôi như chim lồng cá chậu trong nhà?”

Tống Tập Tân phản bác: “Lỡ như không thể giết con chân long kia chết hẳn, chỉ có thể dùng kế hoãn binh, như tằm ăn rỗi thì sao? Tuy ta không biết ý định và mưu đồ của Thánh Nhân mấy ngàn năm trước, nhưng ta đoán con chân long kia tuyệt đối không đơn giản!”

Nam nhân lắc đầu rồi lại lắc: “Ngươi nói đúng một nửa, chân long đúng là đã chết, về phần thân phận thật sự và ý nghĩa tượng trưng của nó… ba chữ ‘không đơn giản’ kia tuyệt đối không đủ để nói hết!”

Tống Tập Tân muốn nói lại thôi.

“Tóm lại, tất cả mưu đồ và tâm huyết mà Đại Ly bỏ ra chỉ vì mong ‘phong sinh thủy khởi’, vì đại nghiệp xuôi nam sau này.”

Nam nhân đi tới chỗ bậc thang, khoan thai nói: “Nếu ngươi hỏi bản vương tại sao ba ngàn năm trước, các Thánh Nhân lại giết rồng thì đúng là ta không tiện trả lời. Nhưng nếu ngươi hỏi tại sao lại ném ngươi ở đây, tại sao ngươi lại là hoàng tử tôn quý dòng chính của Đại Ly thì bản vương có thể nói rõ chân tướng cho ngươi biết.”

Tống Tập Tân cúi đầu, không thấy rõ nét mặt.

Thiếu niên không hỏi, đương nhiên nam nhân cũng chẳng cần tự mình lắm lời, khi hắn đi tới bậc thang cao nhất thì xoay người lại nhìn về phía tiểu trấn: “Sau này bụng dạ rộng rãi một chút. Đã tính toán ganh đua với hạng như Lưu Tiễn Dương, lại còn sinh lòng muốn giết người, ngươi không sợ mất thân phận à?”

Tống Tập Tân ngồi trên bậc thang, cùng nhìn về phía Bắc với nam nhân, hỏi một vấn đề chẳng liên quan gì: “Đại Ly chúng ta nằm ở cực Bắc của Đông Bảo Bình Châu à?”

Nam nhân gật đầu đáp: “Đúng, bị coi là man di phương Bắc gần ngàn năm rồi. Bây giờ chẳng qua là do nắm đấm mạnh nên mới lấy được chút tôn trọng.”

Tống Tập Tân vẫn cúi đầu, nhưng ánh mắt lại sáng rực.

Nam nhân tên Tống Trường Kính kia lại bình thản nói: “Đến kinh thành rồi thì phải cẩn thận kẻ tên Tú Hổ đấy.”

Tống Tập Tân không hiểu nguyên do.

Tống Trường Kính cười nói: “Bây giờ hắn ta chính là quốc sư của Đại Ly ta, còn là ân sư dạy dỗ người đệ đệ ruột của ngươi. Đại Ly ta có thể từ tám trăm thành, bảy mươi quận từ khi khai quốc, biến thành một ngàn năm trăm thành, một trăm bốn mươi quận chỉ trong vòng năm mươi năm như hiện nay cũng có một nửa là nhờ công lao của kẻ này.”

Tống Tập Tân đột nhiên ngẩng đầu nhìn lên.

Nam nhân mỉm cười: “Tiểu tử ngươi đoán đúng rồi.”

Nam nhân cũng ngồi xuống, hai tay chống gối, mắt nhìn về phương xa.

Một vị có công lớn giúp Đại Ly mở mang bờ cõi khác đang xa tận chân trời mà gần ngay trước mặt.

Lúc này toàn thân Tống Tập Tân lại run rẩy, da đầu tê rần.

Hai bên không nói gì, hồi lâu sau, Tống Tập Tân đột nhiên lên tiếng: “Thúc thúc, mặc dù ta có sinh sát ý với Lưu Tiễn Dương, thậm chí trước đó còn cân nhắc chuyện giao dịch cùng thiếu chủ thành Lão Long là Phù Nam Hoa, để hắn nghĩ cách giết Lưu Tiễn Dương. Nhưng trong lòng ta chưa từng cảm thấy Lưu Tiễn Dương sẽ có tư cách cùng đứng cùng ngồi với ta, dù cho hắn cũng có được một phần truyền thừa lâu đời của gia tộc. Ta muốn giết hắn, chẳng qua là vì cảm thấy giết hắn rồi ta cũng chẳng cần trả giá lớn lao gì, chỉ vậy thôi.”

Tống Trường Kính hứng thú: “Nói vậy là ngươi có khúc mắc khác?”

Thiếu niên sờ cổ, im lặng không đáp.

Dêm đã về khuya, bốn bề thanh vắng.

Vẫn còn một người đi lại giữa tiểu trấn, thân ảnh nhỏ nhắn, áo quần mỏng manh. Khi cô đi ngang qua giếng nước ở ngõ Hạnh Hoa thì nghiến răng nghiến lợi, lúc đi ngang qua miếu thờ thì còn tức tối đạp cột đá một cước thật mạnh. Cuối cùng, cô lại đi đến dưới gốc hòe già cây lá xum xuê kia, theo như lời các cụ ông cụ bà khác kể lại thì gốc hòe này không biết đã sống bao lâu, hơn nữa dù có cành khô rơi xuống bất cứ lúc nào thì cũng không trúng phải ai, rất có linh tính.

Thiếu nữ nghênh ngang đi tới dưới tán cây, đương nhiên cô cũng chẳng buồn bận tâm đến mấy lời kể kia.

Cô mở quyển sách mượn được từ chỗ công tử nhà mình ra, bắt đầu “học theo”.

Cô đọc rõ từng chữ, hệt như đại tướng điểm binh giữa sa trường.

Đợi đến khi miệng đắng lưỡi khô thì cô mới dừng lại, một tay cầm bản huyện chí địa phương mà Tống Tập Tân gọi là “sách ngoài tường” kia, một tay chỉ về phía cây hòe, ngửa đầu mắng: “Rượu mời không uống, muốn uống rượu phạt đúng không?!”

Xung quanh lặng ngắt, không có gì đáp lại.

Thiếu nữ tức giận giẫm chân, mắng ầm lên: “Bốn họ mười tộc, bắt đầu từ bốn họ, Lư Lý Triệu Tống, bốn họ lớn các ngươi. Biết điều một chút, nhanh lên đi, mỗi họ rơi xuống ít nhất ba lá hòe, thiếu một lá thì đời này Vương Chu ta sẽ không để yên cho các ngươi đâu! Sau khi ra ngoài ta sẽ tính sổ từng chuyện một, già trẻ lớn bé gì cũng xử hết. Dù sao cũng là một đám ăn cháo đá bát, đã vong ân phụ nghĩa còn muốn nói lý à?!”

Thiếu nữ mắng đến mức thở hồng hộc, một tay chống eo, vẫn cứ hùng hổ: “Họ Tống, vương triều Đại Ly cũng tính là họ của các ngươi, công thần lớn nhất là ai? Trong lòng các ngươi tính sao? Gỉa điên với ta à? Có tin ta ra ngoài xong sẽ lập tức để Đại Ly theo họ Lư, họ Triệu, họ khỉ khô gì cũng được, nhưng không phải họ Tống không?”

“Mười đại gia tộc, mỗi nhà hai lá, còn mấy họ bình thường ít nhất một lá. Đương nhiên, nếu ai quyết tâm đánh cược thì càng nhiều càng tốt. Sau này ta nhất định sẽ khiến nhà đó vớ bẫm!”

“Nhà họ Tào trong mười tộc, chính là nhà họ Tào sinh ra tên khốn Tào Hi đấy! Thằng ranh này năm đó còn mặc yếm đã phá phách! Ngoại trừ hai lá hòe, các ngươi còn phải đưa ta thêm một lá xem như bồi thường. Bằng không ta thề, ta mà ra ngoài thì nhất định sẽ khiến Tào Hi đoạn tử tuyệt tôn! Dám tè vào giếng, thứ sống thiếu đạo đức như vậy sao có thể làm chân quân một nước được?!”

“Cả nhà họ Tạ kia nữa, nhà các ngươi sinh ra một gã tên Tạ Thực đúng không? Ừ thì ta cũng có chút giao tình với hắn đấy, lúc trước nếu không nhờ ta thì hắn đã bị lũ cuốn đi từ lâu rồi, các ngươi không cho thêm lá hòe thì coi sao được?”

Phía xa, Tề Tĩnh Xuân nhìn cảnh tượng dưới gốc hòe mà phải câm nín.

Giống một người cha nghiêm khắc chỉ biết dạy con bằng đòn roi, nay lại bó tay với cô con gái càng lớn càng kiêu căng của mình.

Nhưng khi ông thấy thiếu nữ không ngừng lật sách, sau đó từng chiếc lá hòe rời cành bay xuống từng trang sách thì Tề Tĩnh Xuân lại thấy vui mừng.

Bao lời thổn thức, cuối cùng Tề Tĩnh Xuân chỉ lẩm bẩm: “Sau khi rời nhà phải sống thật tốt.”

Thiếu nữ như cảm ứng được, bất ngờ quay đầu lại.

Không một bóng người.

Thiếu nữ thất vọng lắc đầu, không nghĩ vẩn vơ nữa, quay đầu tiếp tục mắng hòe.

Kiếm Lai

Kiếm Lai

Status: Ongoing Author:
Trời đất bao lai, sự lạ không gì không có. Ta - Trần Bình An - chỉ có một kiếm, có thể bạt núi, lấp biển, hàng yêu, trấn ma, phong thần, hái sao, cắt sông, phá thành, khai thiên!_______________________________________________________________________________________________________Đôi lời của người Dịch:Mình bắt đầu làm bộ này với tư thế của một kẻ chưa đọc chương nào Kiếm Lai, hoàn toàn làm vì thấy mọi người bảo truyện này khó Dịch, đọc convert rất mệt nên làm thử. Kết quả là hiện tại mỗi ngày mình đau khổ cặm cụi, không phải vì Dịch nó mà là vì đọc convert ngoài mệt vì câu từ trúc trắc thì nội dung quá hack não. Quả thực Kiếm Lai liên tục đứng Top bên trang Tung Hoành của Trung Quốc trong bối cảnh Tiên Hiệp bị thất sủng là cực kỳ xứng đáng. Một số đánh giá cá nhân của mình về khoảng 100 chương đầu, 100 thôi bởi mình cũng chỉ mới đọc tới đó khi viết những dòng này.1. Nhân vật chính đặc sắc thú vị: Trần Bình An, tên là Bình An nhưng cuộc đời không bình an. 5 tuổi chính thức mồ côi cả cha lẫn mẹ, trải qua cuộc sống cơ cực, số mệnh như bị Thiên oán Nhân nộ nhưng bản tâm không mất mà ngược lại càng thêm sáng trong. Trần Bình An rất giống một con người bình thường, với những ước mong bình thường, có chút tiền để mua câu đối xuân dán cửa nhà, có chút tài sản để sau này lấy vợ sinh con...vv... thế nhưng Trần Bình An lại không hề bình thường, như người hàng xóm thiên tài Tống Tập Tân nói thì hắn như bất kiến sơn, bất lộ thủy, ý chí sắt đá, bản tâm trong sáng vững vàng. Trần Bình An chỉ khóc vì cha mẹ mình, chưa từng quỳ gối hay khóc vì bất kỳ lý do gì khác.2. Tuyến nhân vật phụ quá nhiều não: Nếu bạn bắt đầu đọc vài chương đầu bạn sẽ thấy cái trấn mà Trần Bình An ở nó rất bình thường, thậm chí tầm thường với những con người y như trấn nhưng theo mạch truyện bạn sẽ dần dần thấy cái trấn đó nó không bình thường và những nhân vật tầm thường kia cũng vậy. Mỗi người quanh Trần Bình An đều có những nét tính cách khác biệt với những suy tính rõ ràng. Có người mang trong mình tinh thần đại nghĩa sẵn sàng xả thân mình vì nhân sinh, lại có kẻ bày mưu tính kế tầng tầng lớp lớp mưu hại kẻ khác.3. Cách xây dựng, dẫn dắt mạch truyện khiến người đọc vừa kích thích lại rất đau não: Mỗi tình tiết trong Kiếm Lai, dù nhỏ nhặt dù cảm giác như vô vị nhưng khi đọc tới một lúc nào đó, bạn đọc sẽ phải thốt lên: A, thì ra nó là như vậy! Cách phát triển mạch truyện từ đơn giản tới phức tạp, từ phức tạp, bí ẩn tới đơn giả, rõ ràng đan xen nhau, rồi từ vô số chi tiết nhỏ nhặt để cuối cùng cho ra một kết quả khó ngờ và cái kết quả khó ngờ kia lại là kết quả của một mưu tính còn bất ngờ hơn khiến bạn đọc sẽ liên tục phải chú ý, phải ghi nhớ và tất nhiên, luôn luôn cảm thấy sự thú vị, sự hưng phấn khi đọc.4. Dù chưa biết kết quả nhưng mình có thể nói Kiếm Lai ở những chương mình đọc nó thực sự xứng với chữ Hiệp, ngoài những chi tiết logic cuốn hút, câu chữ xứng với từ Văn Học thì cái tình, cái nghĩa trong truyện rất đáng để chúng ta chiêm nghiệm. Dù bạn sẽ chẳng bao giờ thấy tác giả để nhân vật nói những câu hoành tráng hùng hồn kiểu: Ta thề chết vì huynh đệ, xả thân vì thiên hạ nhưng bằng những sự việc, bằng những câu nói nghe có khi ngô nghê, có khi mơ hồ khó hiểu ở những thời khắc mấu chốt, sinh tử quan đầu, ta thấy cái tình, cái nghĩa trong Kiếm Lai rất sáng, huynh đệ chưa bao giờ nói với nhau câu tử tế vẫn có thể chết vì nhau, người chưa bao giờ nhận thứ gì từ thiên hạ vẫn có thể chết vì thiên hạ.5. Tóm lại là bạn hãy đọc Kiếm Lai đi, không phí đâu ^^

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset