Chương 49: Gốm vỡ (1)

Gốm vỡ (1)

giữa đống ngói vụn, tai con vượn già hơi động đậy, nghe thấy động tĩnh nhỏ bèn nhếch mép, khom lưng cầm lấy một mảnh ngói vỡ. Sau một hồi cân nhắc, lão đứng dậy rồi ném mạnh một cái, mảnh ngói dễ dàng chọc thủng vách tường và nóc nhà tựa như dao cắt đậu phụ, kéo theo âm thanh tựa sấm sét phá không gian mà đi, hướng bay của mảnh ngói chính là nơi phát ra tiếng động kia.

Chỉ tiếc rằng lão không hề nhìn thấy tung tích của thiếu niên giày rơm, lão điểm mũi chân, vóc dáng lực lưỡng đội đất mà lên, một chân giẫm lên một thanh xà nhà cũ kỹ, nương theo lực phản chấn đó mà bật thật cao ra khỏi lỗ thủng trên nóc, đáp xuống mái nhà.

Con vượn già trông thấy, ở phía xa có một thiếu niên lưng đeo cung gỗ đứng ở mái hiên cong trên nóc nhà, đang nhìn chằm chằm về phía lão.

Lão cũng biết bản thân tính nhầm, miếng ngói vừa rồi được ném khỏi tay tạo ra động tĩnh quá lớn, phỏng chừng đã đánh rắn động cỏ làm tên nhà quê ở ngõ Nê Bình hay được sự bất tường, hoàn toàn không định chiếm lợi dựa vào ưu thế khoảng cách của cung tên. Con vượn già dang hai tay ra cười, ý bảo rằng mình tay không tấc sắt, sau đó ngoắc ngoắc tay, ra hiệu bảo thiếu niên có thể tiếp tục giở hết thủ đoạn ra, lão có thể tiếp đến cùng để thư giãn gân cốt.

Nếu bảo rằng lão già này giở trò xảo trá thì quả là oan cho con vượn hộ sơn của núi Chính Dương quá, tu hành ngàn năm, chân thân ngàn trượng, dù có khen thân pháp thủ đoạn của lão là đỉnh thiên lập địa cũng chẳng quá lời.

Trên con đường tu hành dài dằng dặc của Bàn Sơn Viên, nhất là thời gian đầu khi núi Chính Dương khai sơn lập phái, sơn môn nhỏ yếu, bốn bề thọ địch, hổ sói rình rập. Sau này, khi thủy tổ núi Chính Dương tử trận, thân là một đại tướng đứng đầu, có cuộc huyết chiến nào mà con vượn già chưa từng kinh qua? Trận “đánh nhỏ ồn nhỏ” trên mái nhà trong cái ngõ bé tí này, so với những cuộc chém giết ngày trước, kỳ thực có cách đánh khác nhau nhưng kết quả lại giống nhau một cách thần kỳ. Như cuộc đại chiến rúng động tâm can năm đó, tu sĩ đứng đầu và đám nhân sĩ luyện khí cũng dùng pháp bảo trọng khí kìm chế lão từ xa, cơ bản không dám đối diện quyết đấu. Tựa như kỵ binh Đại Khương đến đi như gió nơi sa trường thế tục tuyệt đối sẽ không mặc thẳng lên mình trọng giáp của võ tốt Đại Ly, mà là dao bén cắt thịt chậm, từng bước từng bước tìm kiếm thời cơ, chầm chậm lột bỏ lớp ngoài của trận thùng thép.

Giờ đây, ngoài phiên vương Tống Trường Kính ra, con vượn già có thể được coi như là một trong số nhân vật bị thiên đạo nơi đây áp chế nhiều nhất. Vì thân phận đặc thù, tông sư binh gia đeo hổ phù bên mình kia đã bị nơi này “ưu ái”, cho nên dù tu vi vô cùng đáng nể, nhưng ảnh hưởng lại chẳng hề rõ rệt mấy.

 Giờ này phút này, đối diện với một thiếu niên mạnh mẽ khác hẳn so với dân chúng tầm thường của tiểu trấn, con vượn già bỗng tìm được một chút niềm vui tắm máu trong cuộc chiến đấu anh dũng năm nào.

Con vượn già không phủ nhận rằng thiếu niên đã mang đến cho bản thân rất nhiều sự kinh ngạc, biết tính đoán lòng người, biết thiết kế bẫy rập, biết phát huy địa lợi. Đương nhiên, quan trọng nhất là lá gan cũng không nhỏ.

Con vượn già ngước mắt nhìn sắc trời, mặt trời lặn đằng tây, hoàng hôn đã phủ xuống, tầm nhìn sẽ càng lúc càng bị ảnh hưởng. Mà lão lại hoàn toàn không quen với  địa thế của tiểu trấn này, có thể đây là một trong số những điều kiện mà thiếu niên kia dựa vào, cũng tạm xem như là một tấm bùa hộ mệnh.

Lão bắt đầu chạy vội, thế như ngựa phi, một bước có thể nhảy hơn một trượng, khiến cho người ta giật mình kinh hãi.

Ngay khi khi con vượn già di chuyển, thiếu niên bèn xoay mình chạy như bay, chẳng hề chạy men theo nóc nhà liên miên chẳng dứt nơi ngõ hẻm về hướng Bắc, dù sao ở đó cóđường Phúc Lộc và ngõ Đào Diệp. Nhà giàu tụ tập, ngọa hổ tàng long, vạn nhất có ai ra mặt thay cho con vượn già thì Trần Bình An tự cảm thấy mình khó mà thoát khỏi vòng vây. Cho nên Trần Bình An quả quyết chạy về hướng Tây, bởi vì hướng cây cầu ở phía Nam có tầm nhìn rộng thoáng, chẳng có chỗ ẩn thân. So sánh sức chạy của hai bên, Trần Bình An đoán nếu mình chẳng may mất đi chướng ngại vật ngăn chặn thì sẽ khó trốn được sự truy sát của Bàn Sơn Viên.

Ra khỏi tiểu trấn, đi về phía Tây chính là rừng già núi sâu, cây cỏ um tùm, có rất nhiều lối nhỏ kín đáo, ngoài ra còn có nhiều bẫy do thợ săn đặt sẵn.

Đường núi khó đi, nếu không quen đường lại càng gian nan hơn, Trần Bình An hiểu rõ điều này hơn ai hết.

Thiếu niên nghĩ không sai, chỉ là hắn đã đánh giá sai về con vượn già, phải biết rằng lão là vượn hộ sơn của núi Chính Dương, lão hiểu rõ về rừng núi hơn thiếu niên rất nhiều.

Trần Bình An nhảy xuống nóc nhà cuối cùng, vào lúc chạm đất, hai gối gập xuống, khéo léo loại bỏ một phần lực rơi, vụt ngoảnh đầu nhìn cảnh tượng phía sau, sau đó tiếp tục cúi rạp người vọt lên phía trước.

Trên đường chạy trốn, cung gỗ và túi tên đều không thấy tăm hơi. Trong rừng núi, một khi Trần Bình An đã chọn vứt bỏ con đường nhỏ mà tổ tiên đã đi bao đời, chọn “con đường phải chạy khi hoảng loạn” thì chúng nhất định sẽ trở thành gánh nặng.

Mắt thấy thiếu niên kia sắp như cá vào sông rộng, con vượn già cũng thấy sốt ruột, quay lại nhìn hướng đường Phúc Lộc và tòa nhà họ Lý một cái. Thực ra một khi đã vào núi, con vượn già không dám nói là chiếm hết địa lợi, song chắc chắn sẽ thành thạo hơn so với việc chạy Đông chạy Tây theo thằng oắt kia ở trong trấn.

Lão ra quyết định, nhanh chóng cân nhắc thiệt hơn, hít sâu một hơi “không khí mát lành”, không nhiều chẳng ít, tựa như không chênh lệch quá nhiều nhưng vừa đủ có thể giết người. Chỉ thấy sắc mặt lão dần dấy lên từng đợt sóng gợn xanh tím, thân hình cao lớn như đội đất vươn lên. Tòa nhà đáng thương dưới lòng bàn chân bị đạp một cái, đổ sụp mất hơn một nửa, cũng may ở phía Tây tiểu trấn đều là người nghèo, nhà cửa sơ sài hơn so với kiến trúc ở đường Phúc Lộc nhiều lắm, ví như gỗ dùng làm rường kèo xà cột không đủ tốt. Một nhà bốn người trong họa được phúc, lúc này đều không có ai ở nhà.

Lão nhảy lên thật cao, vạch ra một đường cong cực lớn trong không trung. Lúc rơi xuống, vừa hay đáp xuống ở bên cạnh thiếu niên, nơi chân lão đặt xuống xuất hiện hai cái hố to, bùn đất mùa xuân mềm xốp văng ra tứ phía.

Con vượn già đánh một quyền vào giữa lưng thiếu niên.

Lưng của con người là nơi tồn tại các kinh dương, cho nên dù là kinh mạch tạng phủ nào cũng đều tương thông với lưng. Đặc biệt là giữa lưng, chỉ cách tim trong gang tấc, ấy là nơi yếu ớt khó chống đòn nhất.

Trong giây phút nguy cấp, thiếu niên nghe thấy động tĩnh bên cạnh thì đột ngột phát lực, thân hình còn nhanh hơn hai ba lần so với lúc dẫn dụ con vượn già dẫm nát nóc nhà trước đó!

Vậy có nghĩa là từ đầu tới cuối, thiếu niên đều giấu giếm khí lực.

Điều này làm một quyền của con vượn già chẳng những không thể đâm xuyên qua giữa lưng thiếu niên, không thể thành công đánh nát tim hắn mà chỉ có thể “lướt” qua phần dưới của vùng giữa lưng hắn một tấc.

Mặc dù không bị trúng một quyền này, nhưng thiếu niên vẫn như bị chùy lớn đập chuông, cả cơ thể bị nện bay ra ngoài.

Tiếp theo đó, dáng vẻ linh hoạt tráng kiện trên cơ thể thiếu niên khiến người ta khen ngợi chẳng ngừng(1), thể hiện vô cùng nhuần nhuyễn.(2)

Chỉ thấy khóe miệng thiếu niên đi giày rơm nhiễu đầy tơ máu, sau khi bị một quyền đánh bay, vốn tưởng phải rơi vào kết cục đầu chúi xuống đất như chó ăn phân, nhưng thiếu niên lại vươn đôi tay về phía trước, chống lên mặt đất trong nháy mắt. Khuỷu tay gập xuống tiếp tục ra sức, cả cơ thể trở mình trên không trung một cách lưu loát. Sau khi chuyển thành hai chân hạ đất, hắn lại nương vào quán tính hướng về phía trước, tiếp tục chạy tới trước với tốc độ cực nhanh.

Cho dù là Bàn Viên Sơn hiểu biết rộng rãi, trải trăm trận chiến nhìn thấy sự cứng cỏi của thiếu niên này cũng khó tránh khỏi việc cảm thấy đau răng.

Con vượn già giơ tay lên, trên mu bàn tay có dấu máu nhàn nhạt.

Vết thương nhỏ này không là gì cả, con vượn già chẳng mảy may để tâm. Nhưng sát ý đối với thiếu niên kia lại càng trở nên kiên định hơn.

Còn về việc vì sao lão lại bị thương thì chẳng hề phức tạp.

Xuân hàn se sắt, thiếu niên ngõ hẹp vốn mặc quần áo mỏng manh. Hôm nay, khi xuất hiện trước mắt con vượn già, rõ ràng thiếu niên đã mặc cho thật dày. Trừ áo quần của mình, hắn còn tìm được một bộ quần áo thùng thình của thiếu niên cao lớn Lưu Tiễn Dương để mặc ở bên ngoài, ở giữa hai bộ quần áo đó có huyền cơ khác. Hóa ra thiếu niên đã làm cho mình một bộ “giáp gỗ sứ”. Khoan lỗ trên sáu miếng gỗ tốt dài mảnh, lấy tơ thừng xuyên qua rồi buộc chắc lại với nhau, ba mảnh trước ngực ba mảnh sau lưng. Quan trọng nhất là trên bộ giáp gỗ vô cùng sơ sài này lại gắn chằng chịt cơ man là mảnh gốm vỡ.

Bây giờ con vượn già cảm thấy rất tồi tệ, cứ như làm quan phát tài rồi mà lại không cẩn thận dẫm phải một bãi phân chó thối um, hơn nữa nhất thời khó mà gạt bỏ được.

Con vượn già nắm chặt hai tay, nín thở tập trung, đứng im tại chỗ. Cố gắng nén khí cơ luân chuyển dồi dào mãnh liệt trong cơ thể, sắc mặt xanh tím gợn lên chuyển thành màu tím vàng, lóe lên rồi biến mất.

Lão giận tím mặt, thì ra đúng lúc này lại có một viên đá bắn nhanh đến từ trong rừng cây.

Lão giơ tay bắt lấy viên đá đặc biệt cứng, chỉ to cỡ móng tay đó.

Tiếp theo lại có một tràng âm thanh rời rạc vang lên, chứng tỏ thiếu niên đang chạy trốn vào sâu bên trong.

Sắc mặt con vượn già u ám cực độ, ngoảnh đầu nhìn màn đêm nơi tiểu trấn, sợ rằng đây mới là kế điệu hổ ly sơn thực sự của đối phương. Nhưng trực giác bảo với lão rằng tốt nhất phải mau chóng đánh hạ được thiếu niên giày rơm ở trong núi.

Kiếm Lai

Kiếm Lai

Status: Ongoing Author:
Trời đất bao lai, sự lạ không gì không có. Ta - Trần Bình An - chỉ có một kiếm, có thể bạt núi, lấp biển, hàng yêu, trấn ma, phong thần, hái sao, cắt sông, phá thành, khai thiên!_______________________________________________________________________________________________________Đôi lời của người Dịch:Mình bắt đầu làm bộ này với tư thế của một kẻ chưa đọc chương nào Kiếm Lai, hoàn toàn làm vì thấy mọi người bảo truyện này khó Dịch, đọc convert rất mệt nên làm thử. Kết quả là hiện tại mỗi ngày mình đau khổ cặm cụi, không phải vì Dịch nó mà là vì đọc convert ngoài mệt vì câu từ trúc trắc thì nội dung quá hack não. Quả thực Kiếm Lai liên tục đứng Top bên trang Tung Hoành của Trung Quốc trong bối cảnh Tiên Hiệp bị thất sủng là cực kỳ xứng đáng. Một số đánh giá cá nhân của mình về khoảng 100 chương đầu, 100 thôi bởi mình cũng chỉ mới đọc tới đó khi viết những dòng này.1. Nhân vật chính đặc sắc thú vị: Trần Bình An, tên là Bình An nhưng cuộc đời không bình an. 5 tuổi chính thức mồ côi cả cha lẫn mẹ, trải qua cuộc sống cơ cực, số mệnh như bị Thiên oán Nhân nộ nhưng bản tâm không mất mà ngược lại càng thêm sáng trong. Trần Bình An rất giống một con người bình thường, với những ước mong bình thường, có chút tiền để mua câu đối xuân dán cửa nhà, có chút tài sản để sau này lấy vợ sinh con...vv... thế nhưng Trần Bình An lại không hề bình thường, như người hàng xóm thiên tài Tống Tập Tân nói thì hắn như bất kiến sơn, bất lộ thủy, ý chí sắt đá, bản tâm trong sáng vững vàng. Trần Bình An chỉ khóc vì cha mẹ mình, chưa từng quỳ gối hay khóc vì bất kỳ lý do gì khác.2. Tuyến nhân vật phụ quá nhiều não: Nếu bạn bắt đầu đọc vài chương đầu bạn sẽ thấy cái trấn mà Trần Bình An ở nó rất bình thường, thậm chí tầm thường với những con người y như trấn nhưng theo mạch truyện bạn sẽ dần dần thấy cái trấn đó nó không bình thường và những nhân vật tầm thường kia cũng vậy. Mỗi người quanh Trần Bình An đều có những nét tính cách khác biệt với những suy tính rõ ràng. Có người mang trong mình tinh thần đại nghĩa sẵn sàng xả thân mình vì nhân sinh, lại có kẻ bày mưu tính kế tầng tầng lớp lớp mưu hại kẻ khác.3. Cách xây dựng, dẫn dắt mạch truyện khiến người đọc vừa kích thích lại rất đau não: Mỗi tình tiết trong Kiếm Lai, dù nhỏ nhặt dù cảm giác như vô vị nhưng khi đọc tới một lúc nào đó, bạn đọc sẽ phải thốt lên: A, thì ra nó là như vậy! Cách phát triển mạch truyện từ đơn giản tới phức tạp, từ phức tạp, bí ẩn tới đơn giả, rõ ràng đan xen nhau, rồi từ vô số chi tiết nhỏ nhặt để cuối cùng cho ra một kết quả khó ngờ và cái kết quả khó ngờ kia lại là kết quả của một mưu tính còn bất ngờ hơn khiến bạn đọc sẽ liên tục phải chú ý, phải ghi nhớ và tất nhiên, luôn luôn cảm thấy sự thú vị, sự hưng phấn khi đọc.4. Dù chưa biết kết quả nhưng mình có thể nói Kiếm Lai ở những chương mình đọc nó thực sự xứng với chữ Hiệp, ngoài những chi tiết logic cuốn hút, câu chữ xứng với từ Văn Học thì cái tình, cái nghĩa trong truyện rất đáng để chúng ta chiêm nghiệm. Dù bạn sẽ chẳng bao giờ thấy tác giả để nhân vật nói những câu hoành tráng hùng hồn kiểu: Ta thề chết vì huynh đệ, xả thân vì thiên hạ nhưng bằng những sự việc, bằng những câu nói nghe có khi ngô nghê, có khi mơ hồ khó hiểu ở những thời khắc mấu chốt, sinh tử quan đầu, ta thấy cái tình, cái nghĩa trong Kiếm Lai rất sáng, huynh đệ chưa bao giờ nói với nhau câu tử tế vẫn có thể chết vì nhau, người chưa bao giờ nhận thứ gì từ thiên hạ vẫn có thể chết vì thiên hạ.5. Tóm lại là bạn hãy đọc Kiếm Lai đi, không phí đâu ^^

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset