Chương 53: Đưa tặng (2)

Đưa tặng (2)

Ở một tòa nhà lớn sâu trong ngõ Hạnh Hoa, từ trong tới ngoài được quét dọn vô cùng sạch sẽ, thậm chí cả con đường trước cổng cũng sạch hơn nhà khác rất nhiều.

Một bà già với mặt mũi chẳng có vẻ gì là hiền từ gẩy bấc đèn khiến ánh đèn trong phòng sáng hơn một chút, sau đó nhìn cháu mình với vẻ cưng chiều hết mực, bắt đầu lải nhải những chuyện nhàm tai từ năm này qua tháng nọ: “Nửa đêm nửa hôm chạy lên nóc nhà làm gì? Người xưa có câu “Xuân đừng vội cởi áo bông, đông đừng vội mặc ấm khi chưa hàn” mà con chẳng chịu nghe. Đang tuổi ăn tuổi lớn, nếu bị lạnh mà thành mầm bệnh ra đấy thì bà biết sống thế nào?”

Thiếu niên ngây ngốc nhếch miệng cười một tiếng.

Bà lão ngồi xuống, thở dài một hơi, lại tụng bài kinh khó đọc của chính mình: “Cháu ngoan của bà à, con không biết đấy thôi, sáng ngày hôm nay, chẳng biết con sói vô ơn kia ngửi thấy mùi thịt mỡ gì mà tự nhiên lại tay xách nách mang đem quà đến tặng. Lúc ấy con không có nhà nên không thấy cái bản mặt nó thôi, rặt một vẻ cha hiền con thảo, suýt nữa thì bà già này cảm động phát khóc rồi.”

Nói đến đây, vẻ mặt bà lão tràn đầy mai mỉa. Bà ta thình lình khạc một cục đờm đặc xuống đất, khạc xong lại hơi hối hận, bèn dùng mũi chân di đi. Nhìn thằng cháu thờ ơ, bà lão giận lắm mà chẳng biết trút vào đâu, đánh thì không nỡ đánh, đành thở phì phò bảo: “Đồ nhãi con vô lương tâm, chẳng biết thương bà gì cả. Con vốn tên là Mã Huyền, nhưng có cha sinh không có mẹ nuôi, không phải số khổ thì còn gì nữa? Bà cho con thêm một chữ “khổ”. Nếu con thấy xui xẻo thì sau này đổi lại là được, không quan trọng, không cần để ý đến cách nghĩ của bà. Bà chỉ là một mụ già nhà quê như con cóc giữa cánh đồng, kiến thức nông cạn, khổ suốt kiếp cũng là đáng đời…”

Bà lão lau nước mắt.

Thiếu niên Mã Khổ Huyền đặt tay lên mu bàn tay gầy như chỉ có da bọc xương của bà lão.

Bà lão nhìn cháu, thấy trong mắt thiếu niên ánh lên chút tình cảm thì lòng mừng khôn xiết, mỉm cười vỗ nhẹ lên mu bàn tay hắn: “Bà của con không có phúc. Ông chồng có đức không có tài, chẳng trông cậy gì được; thằng con trai thì có tài không có đức, càng chẳng trông mong được gì, bà chỉ còn biết trông vào mỗi mình con thôi. Nếu con cũng không có tiền đồ thì cả đời bà chịu khổ thành công cốc. Chịu khổ cũng không sao, đừng như bà là được. Về sau nhất định con phải có tiền đồ thênh thang rộng mở, ai bắt nạt con thì cứ trả đũa gấp đôi gấp ba vào, đừng có làm người tốt. Thi thoảng làm người xấu cũng không sao, nhưng đừng ăn no rỗi việc lại đi nghĩ cách hại người ta, coi chừng gặp báo ứng đấy. Ông trời thích ngủ gật quanh năm ngày tháng, nhưng kiểu gì cũng có lúc mở mắt không phải sao? Lỡ may mà bị ông ta bắt tại trận thì… ôi chao…”

Thiếu niên nghe những câu chuyện xửa xưa này từ nhỏ tới lớn, nghe đến mức mọc mấy lớp kén trong tai. Nhưng từ đầu đến cuối hắn không rút tay về, mặc cho bà nội mình nắm lấy.

Bà lão bỗng hỏi: “Con thích điểm nào ở cái con tiện tì Trĩ Khuê kia?”

Thiếu niên mỉm cười đáp: “Đẹp chứ sao ạ.”

Bà lão vỗ xuống mu bàn tay Mã Khổ Huyền một cái hơi mạnh, mắng to: “Đồ khốn nạn vô lương tâm! Không chịu nói thật với bà nữa à?”

Thiếu niên cười hì hì: “Bà yên tâm đi, chuyện tốt đấy.”

Bà lão bán tín bán nghi, tạm thời dằn nỗi nghi ngờ lại, đổi đề tài: “Có biết vì sao cha mẹ con lại bỏ con không?”

Thiếu niên cười hỏi: “Hồi xưa nhà nghèo quá không nuôi được con à?”

Bà lão bỗng cao giọng quát lên: “Nghèo? Bảy tám đời nhà họ Mã chúng ta chưa bao giờ nghèo, chẳng qua là giả làm tôm tép quen rồi nên không biết làm rồng phượng thế nào nữa mà thôi. Thực ra tổ tông có để lại lời dặn rằng dù có giàu sang đến đâu cũng không được xây nhà ở đường Phúc Lộc, ngõ Đào Diệp cũng không được. Nếu như đôi cha mẹ trời đánh thánh vật của con mà nghèo thật thì có thể đeo vàng đeo bạc hằng ngày sao? Có thể ăn no uống say hằng bữa sao? Trừ việc không dám dọn sạch chốn tụ tập của bốn họ, mười tộc để khoe giàu sang, chúng nó có bỏ qua chuyện sung sướng nào đâu?”

Cứ mỗi lần nhắc đến con trai và con dâu là bà lão lại hận nghiến răng. Bà cười khẩy nói: “Quy củ của tổ tông chôn dưới đất đã nát thành bùn, bao nhiêu năm qua rồi, còn đáng mấy cắc bạc đâu? Cháu à, sau này con có khấm khá lên thì đừng có coi nó là chuyện gì to tát. Bà sống ngần này tuổi, thấy biết bao nhiêu kẻ giàu người nghèo, suy cho cùng chỉ có kẻ không có tài cán gì mới thành thật mà thôi.”

Mã Khổ Huyền cười toét miệng, chẳng biết là vì thấy lời bà lão có lý hay thấy nực cười.

Từ nhỏ thiếu niên này đã thế. Hắn có thể chịu thiệt mọi lúc, có thể chịu đựng mọi thứ, nhưng phàm hắn đã bướng cái gì thì bà nội nói cũng chẳng nghe.

Bà lão nghĩ ngợi một lát rồi đứng dậy ra xem cổng sân đã chốt chưa, sau đó về phòng ngồi xuống, hạ giọng nói: “Cháu trai à, đừng thấy mấy năm nay bà giả thần giả quỷ, hết làm bà mụ lại cho người ta uống nước mùa, còn mặt dày mày dạn đi thu mua đồng nát… Bà nói cho con hay, đống đồ cũ kia đều là bảo bối đỉnh thiên cả đấy…”

Thiếu niên lại khôi phục dáng vẻ thờ ơ, rõ ràng là chẳng hứng thú gì với một thùng đồng nát của bà nội mình.

Bà nội hắn thì vẫn kể lể những mánh khóe lừa gạt trước kia với vẻ vênh váo tự đắc.

Mã Khổ Huyền đột nhiên hỏi: “Bà ơi, cha của Trần Bình An ở ngõ Nê Bình, có phải chết vì…”

Bà lão tái mét mặt mày, vội vàng vươn tay bịt miệng cháu trai rồi nói với vẻ nghiêm khắc: “Có những chuyện chỉ được làm, không được nói!”

Thiếu niên mỉm cười gật đầu, không gặng hỏi thêm nữa.

Sau đó bà lão cũng chẳng còn hứng thú khoe khoang ánh hào quang ngày cũ. Bà ta ỉu xìu trong tâm trạng trĩu nặng, thi thoảng lại nhìn ra cảnh đêm ngoài cửa sổ.

Mã Khổ Huyền cười hỏi: “Bà ơi, bà làm bà đồng trong trấn bao năm, hàng xóm trong ngõ Hạnh Hoa đều nói bà có thể vượt qua âm dương cách trở, dẫn vong hồn về lại dương gian…”

Bà già liếc xéo hắn: “Người khác tin mấy lời xằng bậy ấy đã đành, con cũng tin sao? Bà của con đến sét đánh còn sợ, nếu gặp ma quỷ lại chẳng tự dọa mình cho chết luôn à?”

“Bà đừng sợ.”

Thiếu niên Mã Khổ Huyền cười khẽ: “Người và quỷ không chung lối, đường thần tiên chẳng giống nhau, mỗi bên có một hướng đi riêng mà.”

Tảng sáng.

Ninh Diêu từ từ mở mắt trong lán nhỏ.

Chẳng thấy bóng dáng thiếu niên kia đâu.

Cô vội vàng bật dậy, chạy ra ngoài, điểm nhẹ mũi chân, nhảy lên vai của bức tượng lớn đổ nghiêng.

Thiếu niên giày rơm đang đi tới từ phía xa, bước chân ung dung thong thả, không giống như bị đuổi giết. Nhìn thấy thiếu nữ áo màu xanh sẫm, hắn vẫy tay ra hiệu cho cô xuống dưới.

Ninh Diêu nhảy xuống khỏi vai tượng thần, đứng trước mặt thiếu niên.

“Con con vượn già kia không tìm được chỗ chúng ta.”

Nói xong, Trần Bình An chắp tay trước ngực, cúi đầu lẩm bẩm với bức tượng không đầu. Ninh Diêu loáng thoáng nghe thấy hắn khấn tượng thần đừng trách tội mình, bèn liếc xéo hắn một cái nhưng không nói gì.

Sau đó Trần Bình An nói với vẻ thần bí: “Ta đưa cô đi xem hai bức tượng này, hay lắm nha!”

Ninh Diêu hỏi: “Thần tiên Bồ Tát hiển linh bằng lòng ra gặp ngươi à? Vậy chẳng phải là thành tâm thì linh nghiệm sao?”

Trần Bình An làu bàu: “Lời Ninh cô nương nói…”

Ninh Diêu cau mày.

Trần Bình An dứt khoát nói tiếp luôn: “Vừa nghe đã biết là người có học.”

Thoáng cái, Ninh Diêu như biến thành người khác. Cô ho khan mấy tiếng, thầm nhủ trong lòng, phải thận trọng, thận trọng vào.

Thiếu niên đi trước dẫn đường, thiếu nữ lặng lẽ theo sau.

Ninh Diêu vô thức duỗi một ngón tay day giữa hai lông mày.

Đúng là ngàn cân treo sợi tóc.

Sau một hồi đấu tranh tâm lý, cô hít một hơi thật sâu, nói nhỏ hai chữ, cảm ơn.

Nãy giờ thiếu niên vẫn luôn chú ý đến động tĩnh xung quanh, đương nhiên cũng nghe được câu cảm ơn đột ngột của thiếu nữ sau lưng mình. Song trong lòng hắn không cảm thấy cô cần cảm ơn, người nên cảm ơn phải là hắn mới đúng.

Song Trần Bình An không biết đáp thế nào, bèn không đáp lời cô nữa.

Trần Bình An đột nhiên dừng bước, nhìn về phía Nam với vẻ ngạc nhiên rồi tự nhủ: “Nếu con con vượn già kia đã bị Tề tiên sinh trục xuất nên mới không đuổi giết chúng ta nữa thì sao?”

Thiếu nữ không biết nói gì.

Trần Bình An đi tiếp, chẳng thấy có điểm gì kì lạ.

Ninh Diêu bước nhanh hơn, sóng vai đi cùng hắn, không nhịn được mà hỏi; “Này Trần Bình An, ngươi không sao chứ?”

Trần Bình An lắc đầu nói: “Không sao. Ta biết có một số việc đã định trước như thế, không làm được gì chính là không làm được gì.”

Thiếu niên chưa từng đọc sách nên không hiểu ý của câu nói kia, nếu nói theo một cách khác thì chính là “sức người rồi sẽ đến lúc cạn”.

Ninh Diêu bỗng dừng bước. Đến khi thiếu niên quay đầu lại với vẻ khó hiểu, cô mới chỉ vào dấu đỏ giữa hai hàng lông mày mình: “Biết ngươi tò mò nhưng không dám hỏi, ta cũng chẳng ngại nói thật với ngươi. Đây chính là đòn sát thủ của Ninh Diêu ta. Con con vượn già núi Chính Dương ghê gớm lắm phải không? Lão đuổi ngươi chạy còn thảm hơn chó nhà có tang, phải không? Nhưng trong khiếu huyệt trên trán ta có quà sinh nhật mười tuổi mẹ ta tặng, cũng là vật bản mệnh của ta. Chỉ cần nó xuất hiện thì không chỉ con con vượn già kia toi đời, mà…”

Nói đến đây, thiếu nữ dừng lời, lướt qua chuyện đó: “Ta nói thế là muốn cho ngươi hay, thiên địa này rộng lớn, đừng xem thường chính mình, cũng đừng nhụt chí. Chẳng phải ngươi đã tập võ rồi sao? Hay là luyện luôn cả kiếm thuật luôn đi?”

Trần Bình An hỏi: “Cô dạy ta kiếm thuật à?”

Ninh Diêu hùng hổ nói: “Thiên tư của ta rất tốt, học kiếm từ rất sớm, cảnh giới tăng cực nhanh, nhưng dạy người khác thì ta chịu!”

Trần Bình An gãi đầu.

Ninh Diêu nghĩ ngợi rồi nghiêm mặt nói: “Dù ta muốn tặng phi kiếm cho ngươi thì nó cũng không bằng lòng, mà ta càng không muốn làm nhục nó như thế. Ở quê nhà ta, kẻ cho rằng kiếm có linh hồn thì đều là đồng đạo của ta.”

Cuối cùng, Ninh Diêu gỡ vỏ kiếm màu trắng bên hông xuống: “Nhưng vỏ kiếm này thì ta có thể tặng ngươi.”

Trần Bình An chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì: “Vì sao?”

Ninh Diêu vỗ mạnh lên vai Trần Bình An, nói lời thấm thía: “Vỏ kiếm có trong tay rồi, kiếm tiên còn xa hay sao?”

Trần Bình An ngơ ngác nhận cái vỏ kiếm rỗng, lơ mơ hỏi lại: “Cô nói gì thế?”

Ninh Diêu bước đi nhanh hơn.

Lúc ấy, thiếu nữ chỉ cảm thấy mình vừa mới làm một chuyện cực kì phóng khoáng, chỉ thế thôi.

Trần Bình An nâng niu vỏ kiếm cực kì cẩn thận, nghĩ bụng, mình nên đi đâu mà tìm một thanh kiếm bây giờ?

Kiếm Lai

Kiếm Lai

Status: Ongoing Author:
Trời đất bao lai, sự lạ không gì không có. Ta - Trần Bình An - chỉ có một kiếm, có thể bạt núi, lấp biển, hàng yêu, trấn ma, phong thần, hái sao, cắt sông, phá thành, khai thiên!_______________________________________________________________________________________________________Đôi lời của người Dịch:Mình bắt đầu làm bộ này với tư thế của một kẻ chưa đọc chương nào Kiếm Lai, hoàn toàn làm vì thấy mọi người bảo truyện này khó Dịch, đọc convert rất mệt nên làm thử. Kết quả là hiện tại mỗi ngày mình đau khổ cặm cụi, không phải vì Dịch nó mà là vì đọc convert ngoài mệt vì câu từ trúc trắc thì nội dung quá hack não. Quả thực Kiếm Lai liên tục đứng Top bên trang Tung Hoành của Trung Quốc trong bối cảnh Tiên Hiệp bị thất sủng là cực kỳ xứng đáng. Một số đánh giá cá nhân của mình về khoảng 100 chương đầu, 100 thôi bởi mình cũng chỉ mới đọc tới đó khi viết những dòng này.1. Nhân vật chính đặc sắc thú vị: Trần Bình An, tên là Bình An nhưng cuộc đời không bình an. 5 tuổi chính thức mồ côi cả cha lẫn mẹ, trải qua cuộc sống cơ cực, số mệnh như bị Thiên oán Nhân nộ nhưng bản tâm không mất mà ngược lại càng thêm sáng trong. Trần Bình An rất giống một con người bình thường, với những ước mong bình thường, có chút tiền để mua câu đối xuân dán cửa nhà, có chút tài sản để sau này lấy vợ sinh con...vv... thế nhưng Trần Bình An lại không hề bình thường, như người hàng xóm thiên tài Tống Tập Tân nói thì hắn như bất kiến sơn, bất lộ thủy, ý chí sắt đá, bản tâm trong sáng vững vàng. Trần Bình An chỉ khóc vì cha mẹ mình, chưa từng quỳ gối hay khóc vì bất kỳ lý do gì khác.2. Tuyến nhân vật phụ quá nhiều não: Nếu bạn bắt đầu đọc vài chương đầu bạn sẽ thấy cái trấn mà Trần Bình An ở nó rất bình thường, thậm chí tầm thường với những con người y như trấn nhưng theo mạch truyện bạn sẽ dần dần thấy cái trấn đó nó không bình thường và những nhân vật tầm thường kia cũng vậy. Mỗi người quanh Trần Bình An đều có những nét tính cách khác biệt với những suy tính rõ ràng. Có người mang trong mình tinh thần đại nghĩa sẵn sàng xả thân mình vì nhân sinh, lại có kẻ bày mưu tính kế tầng tầng lớp lớp mưu hại kẻ khác.3. Cách xây dựng, dẫn dắt mạch truyện khiến người đọc vừa kích thích lại rất đau não: Mỗi tình tiết trong Kiếm Lai, dù nhỏ nhặt dù cảm giác như vô vị nhưng khi đọc tới một lúc nào đó, bạn đọc sẽ phải thốt lên: A, thì ra nó là như vậy! Cách phát triển mạch truyện từ đơn giản tới phức tạp, từ phức tạp, bí ẩn tới đơn giả, rõ ràng đan xen nhau, rồi từ vô số chi tiết nhỏ nhặt để cuối cùng cho ra một kết quả khó ngờ và cái kết quả khó ngờ kia lại là kết quả của một mưu tính còn bất ngờ hơn khiến bạn đọc sẽ liên tục phải chú ý, phải ghi nhớ và tất nhiên, luôn luôn cảm thấy sự thú vị, sự hưng phấn khi đọc.4. Dù chưa biết kết quả nhưng mình có thể nói Kiếm Lai ở những chương mình đọc nó thực sự xứng với chữ Hiệp, ngoài những chi tiết logic cuốn hút, câu chữ xứng với từ Văn Học thì cái tình, cái nghĩa trong truyện rất đáng để chúng ta chiêm nghiệm. Dù bạn sẽ chẳng bao giờ thấy tác giả để nhân vật nói những câu hoành tráng hùng hồn kiểu: Ta thề chết vì huynh đệ, xả thân vì thiên hạ nhưng bằng những sự việc, bằng những câu nói nghe có khi ngô nghê, có khi mơ hồ khó hiểu ở những thời khắc mấu chốt, sinh tử quan đầu, ta thấy cái tình, cái nghĩa trong Kiếm Lai rất sáng, huynh đệ chưa bao giờ nói với nhau câu tử tế vẫn có thể chết vì nhau, người chưa bao giờ nhận thứ gì từ thiên hạ vẫn có thể chết vì thiên hạ.5. Tóm lại là bạn hãy đọc Kiếm Lai đi, không phí đâu ^^

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset