Trên trán Trần Tùng Phong túa mồ hôi, môi hơi trắng bệch, không dám phản bác một chữ, vội vàng đứng dậy khỏi ghế, cúi mình lật hòm tìm sổ sách.
Quản sự già lập tức ngồi thẳng eo lưng, chẳng hề có vẻ nhẹ nhõm khi trộm được chút thanh nhàn.
Lưu Bá Kiều nhìn hết nổi. Đúng là tính tình Trần Tùng Phong mềm mỏng, song tốt xấu gì hắn cũng là gia chủ tương lai của nhà họ Trần quận Long Vỹ. Mặc kệ Trần Đối có bối cảnh và lai lịch ra sao, có phải đồng tông đồng tộc với hắn hay không, ít nhất cũng phải giữ chút tôn trọng cần có với hắn chứ. Lưu Bá Kiều trầm giọng nói: “Trần Đối, ta không mù, ta biết Trần Tùng Phong đang giúp đỡ cô. Dù cô không cảm ơn thì cũng đừng có ăn nói khó nghe như vậy.”
Trần Tùng Phong vội vàng ngẩng đầu nháy mắt với Lưu Bá Kiều. Lưu Bá Kiều trợn mắt lườm trả: “Đến hoàng đế còn có mấy kẻ thân thích nghèo hèn kia mà, thì làm sao? Làm gì có ai ngoại lệ? Ờ, thì cứ cho là có ngoại lệ đi, đáng để coi khinh người ta à?”
Đi ngay về thẳng.
Đây chính là bản tính, bản tâm của Lưu Bá Kiều Phong Lôi Viên.
Mặt mũi Trần Tùng Phong xám ngoét.
Quản sự già cúi đầu uống trà, giả mù giả điếc.
Trần Đối sửng sốt một chút, mỉm cười nói: “Có lý.”
Giờ thì lại đến phiên Lưu Bá Kiều hơi khó chịu.
Trần Đối buông cuốn sổ hộ tịch trong tay lên bàn, định ra ngoài hít thở không khí. Tiết quản sự muốn làm trọn lễ chủ nhà, lại bị cô gái họ Trần này từ chối khéo.
Trần Đối đi ra khỏi sảnh phụ của phủ đốc tạo, đứng trong hành lang nhìn về nơi xa.
Bên ngoài đại đường phủ đốc tạo có một quảng trường chiếm diện tích rất rộng. Một cái cổng lớn hướng thẳng ra cửa chính, bên trên viết một đại tự theo thể cổ. Đó là chữ “nhạc” trong “sơn nhạc”, trên là chữ “khâu”, dưới là chữ “ngục”. Chữ này cũng không hiếm thấy. Mỗi vương triều, bang quốc của thế tục đều sắc phong năm ngọn núi trong lãnh thổ của mình làm ngũ nhạc gồm Đồng, Tây, Nam, Bắc, Trung theo luật định. Ở cửa ngõ mỗi ngọn núi đều có hai chữ do hoàng đế ngự bút tự tay đề. Chữ “nhạc” đó đương nhiên cũng viết theo thể cổ.
Văn nhân, thi nhân, tu sĩ, tiên sư của hậu thế đưa ra trăm ngàn kiểu giải thích với chữ này, nhưng chỉ e nội tình thực sự đã bị chôn vùi trong bụi trần lịch sử.
Trần Đối nhìn thấy hai bóng lưng một lớn một nhỏ ngồi trên bậc thang đá trắng của cổng lớn mà bàn tán xôn xao.
Trần Đối do dự một lát rồi chậm rãi bước tới. Để tránh bị hiềm nghi nghe lén, khi đi tới bậc thang sau lưng hai người, cô còn cố ý tằng hắng một tiếng, ai ngờ một trong hai người kia đang nói đến là hăng say, người còn lại nghiêm túc lắng nghe, cứ như không hề hay biết sự xuất hiện của cô. Trần Đối cũng không để ý, thoải mái ngồi xuống nơi xa nhất trên bậc thang. Dù cô ngồi rất nhàn tản và tùy ý, nhưng tư thái toát ra từ dáng ngồi vẫn khiến cho người ta cảm thấy đoan chính.
Hai người một lớn một nhỏ kia nói chuyện bằng nhã ngôn phổ thông của Đông Bảo Bình Châu, Trần Đối nghe hiểu, nếu không cô đã chẳng tới tiểu trấn này. Chỉ có điều cô nói không lưu loát, cho nên khi đi cùng Trần Tùng Phong và Lưu Bá Kiều đều rất kiệm lời. Đương nhiên lý do chính khiến cho Trần Đối không muốn nói chuyện chính là cô cảm thấy chẳng có gì để nói với hai người kia, cho nên không thèm nói.
Lưu Bá Kiều ngoài mặt có vẻ bất cần đời nhưng bên trong chỉ chuyên tâm theo kiếm đạo, trông thì có vẻ thú vị, thực tế lại rất tẻ nhạt. Trần Tùng Phong chỉ một lòng chấn hưng lại gia phong, trông thì có vẻ chất phác, thực tế lại suy nghĩ nhiều. Hai vị được cho là anh tài đỉnh tiêm của Đông Bảo Bình Châu ấy không hợp với cô. Không cùng chí hướng chẳng thể chung đường, chính là như thế.
Thiếu niên liếc nhìn người con gái hơn mình khoảng mười tuổi, không có ấn tượng gì sâu sắc.
Trần Đối lẳng lặng ngồi đó, chẳng nói chẳng rằng.
Song trước đó Trần Đối đã để mắt thấy cô bé ôm một chiếc hồ lô xanh biếc sáng ngời. Mắt cô tinh tường cỡ nào? Vừa nhìn đã biết nó chẳng phải vật phàm.
Thiếu niên ăn mặc sang trọng và cô bé xinh xắn như búp bê sứ này chính là Tống Tập Tân ngõ Nê Bình và Đào Tử núi Chính Dương.
Trước đó Tống Tập Tân đi theo Tống Trường Kính đến nhà họ Lý nói chuyện, vừa thấy cô bé này đã thích ngay, bởi vì từ nhỏ hắn đã thích những thứ xinh đẹp tinh xảo, đồ vật thô kệch tầm thường chẳng lọt nổi mắt xanh của hắn bao giờ. Đào Tử cũng thấy Tống Tập Tân hợp nhãn duyên, thế là cả hai bỗng thành bạn tốt, mặc kệ cách biệt tuổi tác, vẫn có thể nói chuyện say sưa. Tống Tập Tân chẳng hề cảm thấy mình tùy tiện qua loa, cuối cùng còn thỉnh cầu ông chú Tống Trường Kính ép nhà họ Lý tạo điều kiện cho mang Đào Tử đến phủ đốc tạo chơi đùa. Hắn mặc xác dáng vẻ thê thảm như chết cha chết mẹ của nhà họ Lý, nắm tay cô bé ra khỏi cổng lớn, đồng thời bảo người chuyển lời cho tỳ nữ Trĩ Khuê trong nhà nhỏ, bảo cô tìm chiếc hồ lô xanh trong rương tặng Đào Tử làm quà gặp mặt.
Cô bé rất thân với Tống Tập Tân, nũng nịu hỏi: “Dọn Củi ca ca, huynh vừa nói đến học cung thư viện phường trong mười hai loại phường. Trước khi đến đây, ta nghe gia gia nói chuyện với người khác, bảo rằng thư viện Sơn Nhai của Đại Ly các huynh bây giờ sa sút lắm. Huynh có biết ở cổng lớn thư viện viết cái gì không?”
Vì hai chữ trong tên của Tống Tập Tân nên Đào Tử đặt cho hắn cái tên “Dọn Củi ca ca”(**), Tống Tập Tân hoàn toàn không thấy vấn đề gì. Lúc này hắn cũng chẳng màng cô nàng xứ khác kia đi hay ở, cúi đầu cười nói với cô bé bên cạnh: “Không biết. Cả đời ta chưa từng rời khỏi tiểu trấn này, cũng chưa đọc được nhiều sách. Từ nãy đến giờ nói chuyện với muội là bao nhiêu kiến thức trong bụng phải móc sạch ra rồi.”
(**Tập(集) là thu thập, Tân(薪) là củi gỗ, cho nên Đào Tử mới gọi Tống Tập Tân là “Dọn Củi ca ca”)
Cô bé thở dài: “Không biết Viên gia gia ra ngoài tìm người thế nào rồi.”
Tống Tập Tân bật cười, cúi đầu vỗ vạt áo gấm, ánh mắt bỗng trở nên phức tạp.
Trần Đối ngồi phía xa bỗng cất giọng dịu dàng hỏi: “Cô bé này, hồ lô của muội thi thoảng có tự phát ra tiếng vang không?”
Cô bé quay đầu giơ hồ lô lên cao bằng hai tay, cười híp mắt, khoe khoang bảo: “Dọn Củi ca ca tặng ta đó.”
Hỏi một đằng, trả lời một nẻo.
Trần Đối đành phải cười trừ.
Tống Tập Tân thuận miệng đáp: “Mỗi khi trời dông bão sẽ kêu ong ong.”
Trần Đối gật đầu bảo: “Quả nhiên là hồ lô dưỡng kiếm.”
Tống Tập Tân hơi nghi hoặc.
Cô bé núi Chính Dương nhao nhao chen lời: “Ta biết ta biết, nhà ta có ba cái hồ lô dưỡng kiếm, gia gia có một cái, xám xìn xịt, xấu chết đi được. Cái của Lưu gia gia ở Thái Bạch phong là đáng yêu nhất, nó bé xíu, chỉ bằng bàn tay thôi, biết nhả ra mấy chục thanh phi kiếm nhỏ bay vèo vèo vậy nè. Cái của Tô tỷ tỷ thì không nhỏ cũng không lớn, màu tử kim, tiếc là bình thường Tô tỷ tỷ không thích lấy ra, ta phải xin mãi mới được sờ. Mà nhoáng một cái Tô tỷ tỷ đã giấu đi mất rồi.”
Trần Đối giải thích: “Bé con à, muội cũng đừng trách giận Tô tỷ tỷ nhà muội. Hồ lô dưỡng kiếm màu tử kim là loại vô cùng hiếm thấy, có thể xếp vào ba hạng đứng đầu. Có khi cả cái Đông Bảo Bình Châu này cũng chỉ có một chiếc trên tay cô ấy mà thôi. Mà so với các loại hồ lô dưỡng kiếm khác, tuy hồ lô tử kim dưỡng kiếm cực tốt, song lại có khuyết điểm là rất giòn, dễ bị vật sắc đập vỡ.”
Đào Tử lại ôm lấy chiếc hồ lô xanh biếc: “Thế chiếc của ta thì sao?”
Trần Đối cười: “Cũng quý lắm.”
Cô bé giật nhẹ tay áo của Tống Tập Tân, rụt rè hỏi: “Dọn Củi ca ca, huynh muốn lấy lại không?”
Tống Tập Tân xoa đầu cô bé, nhìn nó với ánh mắt cưng chiều, đoạn cười ha hả đáp: “Đừng nói cái hồ lô nhỏ này, dù trên tay ta còn cái nữa thì cũng bằng lòng tặng hết cho muội.”
Trần Đối nhớ đến một chuyện thú vị, nói rằng: “Tương truyền trong lịch sử, có một lần Thiên Tài Địa Bảo lâu tổ chức đấu giá, món đồ quan trọng nhất mang ra cuối cùng chính là một dây leo hồ lô dưỡng kiếm chưa từng xuất hiện trên đời, trên dây có sáu quả hồ lô nhỏ. Nghe nói trước khi Đạo Tử thành tiên đã tự tay gieo mầm nó xuống thiên hạ của chúng ta. Không biết mấy ngàn năm qua đi mới kết ra được dây hồ lô nhỏ đó. Hồ lô trên dây lớn nhỏ không đều, màu sắc khác nhau, vô cùng thần kỳ.”
Tống Tập Tân cảm khái từ tận đáy lòng: “Thiên hạ rộng lớn, không thiếu điều kỳ lạ.”