Chương 4: Những lợi ích của khiêm cung – Mục 1: Mãn (tự mãn) có hại, khiêm có lợi

Những lợi ích của khiêm cung - Mục 1: Mãn (tự mãn) có hại, khiêm có lợi

Kinh Dịch nói thiên đạo và địa đạo không ưu doanh (doanh mãn) mà làm lợi cho khiêm (khiêm hư) là muốn biến cải con người để tự biết sửa mình, bởi thế nên phàm làm việc gì mà kiêu ngạo tự mãn (doanh) thì sẽ chuốc lấy tổn thất, còn nhún nhường (khiêm) coi mình như không thì lại được lợi ích, như trái núi quá cao thì dễ bị lở, chỗ trũng thường được nước chảy tới làm đầy; quỷ thần cũng thường gây hại cho người tự kiêu, và làm lợi ích cho người khiêm tốn nhũn nhặn. Khiêm hư là điều mà trời đất, quỷ thần và người đều trọng. Trong Kinh Dịch có quẻ khiêm là một quẻ đại cát vì lục nào cũng đều tốt cả. Kinh Thư nói tự mãn chuốc lấy tổn hại, tự khiêm được lợi ích. Theo Kinh Dịch và Kinh Thư thì khiêm là điều tốt nhất.

Ta nhiều lần cùng các sĩ tử đi thi, cứ mỗi lần thấy một hàn sĩ nào mà diện mạo, dung quang biểu lộ lòng tự khiêm của họ một cách rõ ràng như tỏa ra một ánh hào quang có thể nắm bắt được thì biết ngay người ấy sẽ đỗ đạt.

Năm Tân Mùi, mở khoa thi hội ở kinh thành, bọn chúng ta gồm có 10 người đồng hương thuộc huyện Gia Thiện cùng đi, duy chỉ có Đinh Kính Vũ, tên Tân, tuổi trẻ nhất bọn mà cực kì khiêm tốn. Ta nói với Phi Cẩm Pha, một người bạn đồng hành, là anh bạn họ Đinh này năm nay tất nhiên trúng cử. Họ Phi hỏi thấy sao mà biết được, thì ta bảo rằng chỉ có khiêm hư là được phúc. Huynh coi xem trong bọn 10 người chúng ta không ai thành tín chất phác, thực thà, nhường nhịn người, không làm mất lòng người như Kính Vũ cả; không ai cung kính, thuận hòa cẩn thận để ý khiêm nhường như Kính Vũ cả, không ai bị chế nhạo, cười chê, chỉ trích mà chẳng hề đối đáp, tranh cãi, lại cứ thản nhiên chịu đựng như Kính Vũ cả. Con người được như thế thì thiên địa quỷ thần đều trợ giúp cho, há chẳng phát đạt hay sao! Kịp đến khi yết bảng quả nhiên họ Đinh được trúng cử.

Năm Đinh Sửu, ta ở kinh cùng với Phùng Khai Chi, thấy con người của họ Phùng cực kì khiêm hư, nghiêm chỉnh, cung kính, là do thói quen tập từ thời thơ ấu biến thành. Phùng Khai Chi có người bạn tốt tên Lý Tệ Nham thực thà, trực tính, hễ gặp điều gì mà Khai Chi làm trái là nói thẳng ngay, chê trách ngay tận mặt mà Khai Chi vẫn bình tâm an hòa, thuận chịu không một lời phản đối, không để bụng giận. Ta có bảo cho biết là họa phúc đều có triệu chứng, người được hưởng phúc nhất định là do đã có sẵn căn nguyên của phúc rồi, có họa cũng do triệu chứng báo trước mà có; chỉ cần tâm thực khiêm hư thì trời đất ắt sẽ tương trợ. Huynh năm nay nhất định cập đệ. Sau thực quả nhiên đúng như vậy.

Triệu Dụ Phong, tên Quang Viễn, người huyện Quán, tỉnh Sơn Đông, lúc trẻ thi hương mãi không đậu. Thân phụ của Dụ Phong được bổ làm Tam Doãn ở huyện Gia Thiện nên y tháp tùng. Ở huyện có Tiền Kính Ngô là người có văn tài, học thức rộng. Dụ Phong ngưỡng mộ đem văn bài của mình tới nhờ chỉ giáo. Kính Ngô xem và gạch xóa, sửa bỏ nhiều chỗ. Dụ Phong không những không buồn lòng mà còn bội phục, để ý đổi cách hành văn ngay nên năm sau đi thi được trúng cử. Đó cũng là do biết khiêm tốn, nhũn nhặn, sửa mình mà đạt thành quả.

Năm Nhâm Thìn, nhân dịp vào kinh yết kiến hoàng đế, ta gặp Hạ Kiến Sở, thấy người này cực kì cung kính, nhún nhường, lòng khiêm hư biểu lộ rõ ràng khiến ai cũng phải nể; khi về ta nói cùng các bạn hữu là phàm người nào được trời giúp thì khi chưa được phát phúc, trước hết trí tuệ sẽ được khai mở; khi trí tuệ đã mở mang thì người phù phiếm trôi nổi, bất định sẽ tự nhiên biến thành thiết thực, sự phóng túng tự nhiên giảm thiểu. Kiến Sở là người ôn hòa, hiền lương như vậy nhất định sẽ được trời cho phát phúc. Đến khi yết bảng quả nhiên trúng tuyển.

Trương Úy Nham, người huyện Giang Âm, tỉnh Giang Tô, là người học rộng, đọc nhiều, văn hay nổi tiếng, năm Giáp Ngọ đi thi hương ở Nam Kinh ngụ tại một ngôi chùa nọ; khi yết bảng không có tên nên lớn tiếng nhục mạ khảo quan là mắt không tròng, không biết người. Lúc đó có một đạo sĩ ở bên cạnh nghe được bèn cười. Úy Nham liền trút cơn giận ngay sang vị đạo sĩ nọ thì đạo sĩ nói: Chắc văn bài của ông nhất định không được hay.

Lời nói này lại càng làm cho Úy Nham thêm giận mắng lớn: Ngươi có đọc văn của ta đâu mà biết là không hay? Đạo sĩ nói: Ta nghe nói hành văn quý nhất ở chỗ tâm bình, khí hòa, nay thấy ông hết lời mạ lỵ khảo quan, lòng bất bình cao ngạo thật quá đáng thì văn làm sao mà hay được? Úy Nham nghe lời bất giác phục thiện, nhân đấy xin thỉnh giáo đạo sĩ nọ.

Đạo sĩ nói: Trúng cử hay có công danh hoàn toàn do số mệnh định, số chưa được đỗ thì dù văn có hay cũng vô ích thôi, nên tự mình sửa đổi biến cải. Úy Nham nói: Đã do số mệnh như vậy thì làm sao sửa đổi? Đạo sĩ nói: Sáng tạo ra mệnh là do trời, lập mệnh là do ta, gắng sức hành thiện, tích âm đức cho thật sâu rộng thì phúc nào mà chẳng cầu được. Úy Nham lại hỏi: Tại hạ là học trò nghèo thì làm sao làm được?

Đạo sĩ bảo: Làm việc thiện, tích âm đức đều do tâm tạo ra, thường phải giữ vững tấm lòng hành thiện này thì công đức vô lượng, chẳng hạn như chỉ một việc khiêm tốn nhũn nhặn thì không phải phí tiền gì cả, sao ngươi không tự phản tỉnh, tự trách lấy mình, mà lại mạ lỵ khảo quan ư?

Do đó, Úy Nham tự hạ mình giữ gìn tu sửa, gia công hành thiện ngày một nhiều, gắng sức tu đức ngày một dày; đến năm Đinh Dậu mộng thấy đi tới một tòa nhà phòng ốc cao, được một quyển sổ ghi danh sách các thí sinh được trúng tuyển trong kỳ thi, thấy nhiều hàng bỏ trống mới hỏi người ở kế bên: Xin hỏi danh sách khóa thi này, sao lại có nhiều hàng tên bỏ trống vậy? Thì người đó đáp rằng: Ở cõi âm đối với danh sách thí sinh của khóa thi thì cứ mỗi ba năm lại cứu xét một lần, người nào tu hành, tích đức không tội lỗi gì thì có tên trong sổ, còn những hàng bỏ trống đều có liên quan tới việc trước đây thí sinh đáng lẽ đã được ghi tên vào sổ nhưng sau vì phúc bạc, phạm lỗi lầm nên bị loại bỏ ra; sau đó lại chỉ một hàng mà bảo: Nhà ngươi trong ba năm tới nên giữ thân tu tỉnh cẩn thận, họa may có thể được điền tên vào đấy, mong rằng nhà ngươi nên lưu tâm đừng phạm lỗi lầm. Khóa thi năm đó, Úy Nham trúng cử vào danh sách một trăm lẻ năm người.

Liễu Phàm Tứ Huấn

Liễu Phàm Tứ Huấn

Score 7
Status: Completed Author:

Thay Lời Tựa

Số mệnh, con người ta ai cũng có. Tại sao lại có số, Phật gia lấy việc tạo nghiệp và luật nhân quả báo ứng, nhân nào quả ấy, như trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu, không lẽ trồng dưa hái đậu, và làm lành gặp lành, làm ác gặp ác, để mà giải thích. Từ những tiền kiếp xa xôi, ta gieo nhân thiện thì nay được phúc, được hưởng quả lành, sống lâu giàu bền, thông minh sáng suốt, công danh sự nghiệp hiển hách. Trái lại, nếu đã trồng nhân ác thì bị quả báo, nghèo hèn khổ sở, ốm đau tật nguyền, đần độn ngu si, sống chẳng đủ ăn. Nhà Phật có câu nói: Dục tri tiền thề nhân, kim sinh thụ giả thị; chỉ cần xem việc thụ hưởng hiện nay là biết được cái nhân của đời trước…

Người xưa có nói: Nhất ẩm, nhất trác giai do tiền định, đã có thì ngay những việc ăn uống xãy ra hàng ngày cũng đều được định sẵn cả rồi.

Vẻ chi ăn uống sự thường,
Cũng còn tiền đinh khá thương lọ là
(Cung Oán Ngâm Khúc)

Người tin vào số mệnh thường cho là việc gì đến nó sẽ đến để tự an ủi mình khi gặp phải cảnh ngộ ngang trái không may thì nghĩ rằng số mệnh số phận đã như vậy đành chịu vậy. Nhưng số mệnh đâu có phải nhất định như thế mãi đối với ta. Đã có biết bao người tiền bạc như nước mà một sớm, một chiều hóa ra trắng tay, ngược lại nhiều người nghèo bỗng nhiên lại trở thành triệu phú, bởi lẽ giàu có mà lại làm nhiều điều ác thất đức, còn nghèo khó lại biết xả thân hành thiện, cứu giúp người, nên số được biến đổi, vì làm lành gặp lành, làm ác gặp ác. Do đó ta thấy rằng mệnh số là ở nơi tay ta và tự sửa, thay đổi được. Tố Nư tiên sinh đã từng phát biểu: Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều.

Đây cũng là trường hợp của tác giả cuốn Liễu Phàm Tứ Huấn.

Dịch Giả: Tuệ Châu, Bùi Dư Long

---

Tác giả họ Hoàng tên Khôn Nghi, người huyện Ngô Giang, tỉnh Giang Tô, đỗ tiến sĩ vào hiệu Vạn Lịch thứ 14, đời nhà Minh. Nguyên lai số không có con, khoa bảng đề danh không được cao, và chỉ sống tới năm 53 tuổi; vì biết định mệnh đã an bài như thế nên cứ điềm nhiên an phận thủ thường không cầu cạnh gì. Nhưng tới sau gặp được thiền sư Vân Cốc chỉ cho cách biến đổi số mệnh, nên cầu được sinh con năm 74 tuổi.

Tác giả đem cái kinh nghiệm quý báu của đời mình soạn thành bốn bài gia huấn để lưu truyền đời sau, gọi là Liễu Phàm Tứ Huấn. Sở dĩ lấy tên hiệu là Liễu Phàm vì tác giả muốn dứt khoát bỏ hẳn cái lớp vỏ phàm phu ở đời để tu thân thành một người mới, với vận mệnh mới. Bốn bài gia huấn trong Liễu Phàm Tứ Huấn là những lời của người cha chỉ dạy cho con cháu trong nhà về vấn đề tu thân, đường lối cư xử với người đời sao cho có đạo đức, có nhân nghĩa, có lòng tương thân tương trợ, quý mến lẫn nhau. Sách này lẽ ra chỉ lưu truyền riêng trong gia đình của tác giả, nhưng vì những lời chỉ dạy rất thiết thực, rất hữu ích nên khi được truyền ra ngoài xã hội, sách được phổ biến sâu rộng. Cư sĩ Chu Quần Tranh, người Ôn Châu phát tâm ấn tống hàng trăm ngàn cuốn. Ấn Quang đại sư, người được tôn vinh là vị tổ cận đại của Tịnh Độ tông ở Trung Quốc đã hoan hỷ đề tựa, và chỉ dạy cho người muốn tu học theo cuốn sách đó cần phải hai chữ Thành và Minh thì việc học mới được tinh tiến, bởi có thành thật thì mới kiểm điểm được hết cách lỗi lầm của mình mà tu sửa, có sáng suốt mới biết chọn lựa các việc thiện mà làm. Hiện nay ở Đài Loan có nhiều cơ quan đã ấn tống cả hàng chục triệu cuốn Liễu Phàm Tứ Huấn đem phát hành. Ở Việt Nam, chúng, chúng ta có cuốn gia huấn ca do Nguyễn Trãi tiên sinh (1380-1442) soạn trước cuốn Liễu Phàm Tứ Huấn cả nửa thế kỷ nhưng tiếc rằng không được lưu thông rộng rãi như cuốn Liễu Phàm Tứ Huấn.

Nền giáo dục ngày nay đã quá suy đồi, bởi ở học đường bỏ không dạy môn luân lý đạo đức nữa, mà chỉ cần đào tạo nhiều chuyên viên về khoa học kỹ thuật nên những người lãnh đạo các cơ quan chính phủ hay các đại công ty thường không có lương tâm đạo đức, toa rập với kẻ gian ác, làm nhiều điều mờ ám thất đức, như gian lận sổ sách, buôn lậu, dối trá lừa đảo, để kiếm tiền tạo dựng tài sản cho riêng mình. Thượng bất chính, hạ tắc loạn, người trên đã không ra người thì sao trách được bọn học sinh mới lớn lên làm đảo lộn trật tự chốn học đường với những vụ bắn bạn, giết thầy, hay đặt bom nổ chết hàng chục mạng các bạn đồng học. Hơn nữa, hàng ngày ti vi còn loan truyền nhiều tin tức rùng rợn, khủng khiếp càng làm cho chúng tiêm nhiễm thêm những thói hư tật xấu.

Đường lối giáo dục hiện nay trước sau rồi cũng cần phải cải tổ, nên những bài gia huấn, những sách dạy về tu thân, về luân thường đạo đức phải được phổ biến sâu rộng. Với ý nghĩ đó, người dịch không tự lượng sức mình tài sơ trí thiển, vốn hán văn còn thiển cận, chữ tác đánh chữ tộ, chữ ngộ đọc ra chữ quá, mà dám mạo muội đem cuốn Liễu Phàm Tứ Huấn với lời văn uyên bác, súc tích, chuyển ngữ ra tiếng việt là vì đã có duyên may được đọc cuốn Liễu Phàm Bạch Thoại Giải Thích của Hoàng Trí Hải tiên sinh diễn thuật và cuốn Liễu Phàm Tứ Huấn Giảng Ký của Tịnh không pháp sư nên cũng hiểu được ít nhiều để mà dịch, nhưng tự biết rằng còn nhiều chỗ sai lầm phản ý lại của tác giả, vì dịch là phản theo như cách ngôn Pháp nói: Traduire c'est trahir; nên kính mong chư quý vị thức giả niệm tình lượng thứ và hoan hỷ phủ chính cho thì thực vạn hạnh, vạn hạnh.

Dịch giả cẩn chí Bùi Dư Long

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset