Q2 – Chương 1.4: Gặp chim dữ

Gặp chim dữ

Khi đi đến gần đến điểm giao nhau giữa mái hiên và hành lang phía trước, Lỗ Thiên Liễu quay đầu lại liếc Ngũ Lang một cái. Ngũ Lang lập tức rảo lên hai bước, đến sát sau lưng Lỗ Thiên Liễu.

Hai người cùng tiếp tục tiến về phía trước. Trong khi đó, Lỗ Thịnh Nghĩa đi đằng trước họ đã ngoặt vào lối rẽ, tiến vào hành lang trước mặt. Họ cũng bám theo, ngoặt qua góc lầu, tiến vào hành lang trước mặt. Vừa bước vào hành lang, họ liền phát hiện ra rằng, đây là hành lang ngăn đôi. Ở gần phía họ, tại vị trí bằng một nửa chiều dài của gian phòng xuất hiện một bức vách bằng gỗ lê chạm hoa văn ngăn chia hành lang thành hai phần. Phần hành lang chỗ họ đang đứng rất ngắn, chỉ bằng nữa gian phòng. Phía ngoài hành lang là vườn hoa. Trên bức tường ở bên trái vách ngăn không chỉ có cửa sổ, mà còn có một cánh cửa nhỏ, có lẽ là dẫn vào trong lầu. Cách ngăn chia như vậy xem ra là muốn biến đoạn hành lang ở bên này thành một hiên trước.

Họ vẫn không nhìn thấy Lỗ Ân và Lỗ Thịnh Nghĩa đâu. Thế là hai người bèn tiếp tục rảo bước, nhanh chóng đi vào bên trong căn lầu hai tầng trước mặt.

Khi họ vừa bước chân vào bên trong căn lầu, hai cánh cửa song hoa liền âm thầm khép hờ lại sau lưng. Cánh cửa song hoa ở đây có vẻ hơi khác với bình thường, phần chấn song hoa rất ít, lại được đẩy lên tít phía trên, chỉ chiếm chừng một phần ba nửa trên của cánh cửa. Phần phía dưới là nguyên tấm gỗ đặc, cao ngang đầu người.

Không gian bên trong vô cùng âm u lạnh lẽo, ánh sáng lờ mờ, không khí nồng nặc mùi ẩm mốc. Trong tiết mùa đông, rất ít khi ngửi thấy thứ mùi ẩm mốc như thế này xuất hiện trong nhà cửa, trừ khi ngôi nhà này đã nhiều năm không có người lai vãng. Đồ dùng trong nhà khá đầy đủ, đều là những đồ cổ kiểu đời Minh, tạo hình đơn giản, kết cấu chắc chắn. Những đốm sáng lờ mờ lọt qua chấn song hoa chiếu vào loang lổ, khiến chúng càng trở nên cũ kỹ già nua.

Chỉ có đồ dùng, không một bóng người, không thấy Lỗ Ân và Lỗ Thịnh Nghĩa, cũng không thấy ông Lục đi theo ở phía sau.

– Đây là gian phòng bên, em qua gian trước xem sao! – Lỗ Thiên Liễu nói. Cô nói “gian trước” tức là gian nhà chính. Nhưng căn lầu này chỉ là một căn lầu đơn độc ở hậu viện, có lẽ dùng để xem kịch hoặc đọc sách trong vườn, chứ không phải là căn lầu chính trong các dãy phòng của trạch viện. Bởi vậy, gian phòng chính giữa trong kết cấu ba gian của nó được gọi là gian trước.

Từ trước đến giờ, với tất cả mọi lời nói của Lỗ Thiên Liễu, Ngũ Lang đều răm rắp nghe theo. Vì vậy, sau khi Lỗ Thiên Liễu bước qua gian trước một hồi lâu vẫn không thấy quay lại, mà anh ta vẫn đứng nguyên tại chỗ không hề nhúc nhích. Lỗ Thiên Liễu không cho anh ta đi theo, anh ta cũng sẽ không dám động. Nhưng đột nhiên, anh ta bỗng như linh tính được điều gì đó, nên vội vàng quay người lại, đưa tay đẩy mạnh vào cánh cửa đang khép hờ phía sau lưng.

Rõ ràng ông Lục đã nhìn thấy Lỗ Thiên Liễu và Quan Ngũ Lang rẽ vào căn lầu trước mặt, nhưng chớp mắt đã không thấy đâu nữa. Ông liền quay lại, đứng ở phía trước quan sát căn lầu ba gian. Căn lầu này không có biển ngạch, chỉ thấy trên hai cột trụ ở hai bên cánh cửa của gian nhà chính có treo đôi câu đối: “Nhất thanh xướng mỵ mãn giang hà hải; Tam bôi trà hương lạc nhật nguyệt tinh”(*). Nhìn vào ý tứ của câu đối, có thể đoán rằng đây hẳn là lầu xem kịch, nơi chủ nhân mời anh em bầu bạn đến xem kịch thưởng trà.

(*) Có nghĩa là: Một tiếng hát say đắm khắp sông hồ biển, ba chén trà hương thơm rụng mặt trăng, mặt trời, sao.

Ông bước đến gần cánh cửa, phát hiện ra cả tám cánh cửa đều không có khóa. Như vậy, chắc hẳn là chúng đang mở sẵn; nếu không, chúng sẽ có then cài ở bên trong. Ông mở hòm mây, lấy ra một quả chuông to cỡ bình rượu tên là “Nhiếp hồn tử phong”. Có nghĩa là gì? Tức là quả cầu dùng để lắc ở bên trong quả chuông được cố định tại hai điểm, như vậy khi lắc, chuông sẽ không phát ra tiếng kêu. Mà không, nói chính xác hơn, âm thanh phát ra từ quả chuông này, con người không nghe thấy được, chỉ có ma quỷ mới nghe thấy; một số ít động vật có thính giác đặc biệt cũng có thể nghe thấy. Vì mặc dù quả cầu bên trong đã được cố định tại hai điểm, nhưng khi lắc vẫn tạo ra những chấn động cực kỳ tinh vi. Như vậy nó sẽ phát ra loại sóng tần số cực cao như sóng siêu âm của còi gọi chó.

Phần mép của quả chuông được mài sắc bén như dao, ông Lục không hiểu cái mép sắc bén đó có tích sự gì không. Ông chỉ biết đôi ngón võ mèo què, đó là khi ông học pháp thuật trên núi Long Hổ, các đạo sĩ trên đó đôi lúc cao hứng người này dạy một chiêu, người kia dạy một ngón, lộn xộn chẳng ra trật tự gì. Ông chưa bao giờ nghĩ những ngón đấy là công phu chân chính, dùng để đối phó với ba gã lưu manh nơi ngõ chợ thì còn tàm tạm. Khi ông xuống núi, các đạo sĩ cũng thấy có phần áy náy, bèn tặng ông quả chuông, dặn dò rằng có thể dùng nó làm vũ khí trong khi cấp bách, cứ đánh ra theo cách lắc chuông của pháp thu hồn trong Thiên sư pháp là được. Ông Lục cũng không biết chiêu này có tác dụng gì không, vì trước nay ông chưa bao giờ thượng cẳng tay với người ta cả.

Ông Lục đứng thẳng phía trước cây cột, đây là vị trí tương đối an toàn. Sau đó, ông nghiêng người, giơ tay ra, cầm quả chuông đồng đẩy vào cánh cửa ở ngoài cùng. Cánh cửa không nhúc nhích. Ông bèn bước ngang sang một bước, tiếp tục dùng quả chuông đẩy vào cánh cửa thứ hai, vẫn không có động tĩnh gì. Đúng lúc ông định tiếp tục vào cánh cửa thứ ba, bỗng vang lên một tràng những tiếng đập cánh phành phạch, rồi từ ngã rẽ của con đường dẫn đến vườn hoa, có một khối đen trùi trũi bay vụt về phía ông. Ông vội vã nghiêng người né sang một bên. Khối đen lao vụt qua ông từ trên cao, nhưng đúng lúc nó bay qua, chợt có một thứ gì đó rơi thẳng vào sau cổ ông.

Ông Lục hốt hoảng đứng bật dậy, ngoảnh đầu nhìn theo, thấy khối đen trũi kia đang quạt mạnh đôi cánh, chuyển hướng liệng vòng trên bầu trời. Ông đã thấy rõ, nó là một con chim lông đen tuyền, mỏ vàng, vuốt vàng, mắt vàng. Ông không mấy hiểu biết về chim chóc, nhưng trước đây ông đã từng thấy một số thầy bói dùng chim gắp thẻ cũng có nuôi giống chim này, hình như nó là chim mỏ sáp. Giống chim này có chiếc mỏ thô ngắn nhưng rất cứng và khỏe, mổ rất đau. Trong lúc bay, nó có thể đổi hướng cực nhanh, rất linh hoạt và tốc độ.

Nhưng kỳ thực, đây là một loài chim rất hiếm người biết tới. Con chim vừa vụt qua đầu ông có tên là cù thư, là một giống quái điểu rất có linh tính. Bề ngoài khá giống với chim mỏ sáp, nhưng thực chất lại là một loài khác. Nghe nói loài này đã tuyệt chủng từ rất lâu rồi.

Trong “Thượng hoang cầm kinh”(*) có viết: “Loài chim này ở ven nước, hình dạng giống như quạ, mỏ, vuốt và mắt đều màu vàng, hay mổ, thích ăn vật độc trong óc xác chết, tên là cù thư”.

(*) Sách này không biết tác giả là ai, là một cuốn sách sưu tầm các truyền thuyết dân gian, kể về những loài chim kỳ quái thời cổ đại, trong đó có rất nhiều nội dung giống trong “Sơn hải kinh”. Các câu chuyện về chim chín đầu, chim Tinh Vệ lấp biển, Hậu Nghệ bắn chín chim đều được ghi chép trong sách này. Có bản khắc gỗ từ đời Tống, đến thời Dân Quốc còn có thể tìm thấy trong một số tiệm đồ cổ, sau giải phóng không còn nhiều, chỉ có một số rất ít người cất giữ. Sau phong trào “phá tư cựu” tư nhân cũng rất khó giữ được, bởi vậy cuốn sách có giá trị rất cao trong giới sưu tầm đồ cổ.

Nhưng ông Lục vân đinh ninh con chim trước mặt ông chính là chim mỏ sáp. Nó đã bay vòng trở lại, tiếp tục lao thẳng về phía ông. Lần này, ông đang quay mặt đối diện với con quái điểu, nên ngay lập tức nhận ra rằng nó đang định mổ vào mắt ông.

Trước cú tấn công, ông Lục vẫn chỉ biết gập lưng cúi đầu thụp xuống tránh. Nhưng lần này không giống lần trước, ông vừa cúi người, con chim cũng lập tức sà ngay xuống thấp. May mà lần này ông thụp xuống nhiều hơn, nên vẫn tránh được. Con chim mỏ sáp bay đánh vèo qua sát đỉnh đầu ông, rồi nhẹ nhàng thu cánh đậu lên một bàn tay đang đưa ra.

Đó là một bàn tay trắng muốt, với những ngón thon dài, ở trong một tư thái tuyệt đẹp. Con chim mỏ vàng lông đen đậu lên bàn tay đó, lặng phắc bất động, hệt như một bức tượng đá Thanh Điền(*) tinh xảo.

(*) Thanh Điền tức huyện Thanh Điền thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, được mệnh danh là quê hương của nghệ thuật điêu khắc đá Trung Quốc. Nơi này có nhiều chất đá đẹp, tượng đá Thanh Điền rất nổi tiếng bởi tạo hình sống động, nghệ thuật điêu khắc tinh tế điêu luyện.

Chỉ thấy bàn tay, không thấy người đâu. Người đó đã bị che khuất sau tảng đá hình thanh kiếm phía ngoài lan can.

Ông Lục hít vào hai hơi thật sâu, đưa tay sờ vào thứ mà con chim thả vào sau gáy. Nó ẩm ướt, dính nhép, xộc ra một thứ mùi thật khó ngửi. Ông Lục bất giác bật cười, ông đã biết đó là thứ gì. Phân chim! Giống súc sinh này thật biết cách chiếm thế thượng phong, chưa vội mổ ngay, mà phóng luôn một bãi lên đầu đối thủ. Quả là hiểm ác!

Ông Lục lại liếc nhìn bàn tay kia, ông biết đó là người bên phía đối phương. Người của đối phương đã xuất hiện, chứng tỏ họ biết rõ người nhà họ Lỗ đã tới. Khảm đã bố trí xong, nút cũng đã cài sẵn, giờ đây đã đến lúc hai bên thi thố tài năng kỹ nghệ, sống chết hai đường, định đoạt chỉ trong khoảnh khắc. Đồng thời, đây cũng là lời cảnh báo cuối cùng, nếu như không sợ chết, bây giờ quay ra vẫn kịp.

Ông Lục vẫn giữ một nụ cười tự giễu trên môi thong thả bước tới gần bàn tay đó. Chỉ có điều, bước chân thong thả của ông mỗi lúc càng thiếu tự nhiên, hơi thở cũng lúc một thêm gấp gáp.

Chỉ thấy con chim mỏ sáp vươn cổ, uốn lưng, nhún chân một cái, lại tiếp tục lao vụt về phía ông. Ông Lục vẫn chỉ biết có một chiêu gập lưng, cúi đầu xuống tránh, nhưng lần này ông đã thêm vào một động tác nữa, đó là vừa thụp xuống vừa xoạc một chân sang trái.

Con chim vụt đến với tốc độ nhanh hơn hẳn lần trước, đổi hướng mau lẹ hơn nhiều. May mà ông Lục kịp né sang trái, nên con chim bay xẹt qua sượt ngang má phải ông, luồng gió từ cú đập cánh thốc thẳng vào giữa mặt, ông còn cảm nhận được vẻ mềm mượt của sợi lông vũ phớt qua. Lần này nếu không tránh kịp, hẳn ông đã trở thành người một mắt.

Ông Lục không dám dừng lại, lập tức tung mình nhảy thẳng về phía tảng đá.

Kỳ thực, ngay lúc con chim tung cánh vụt khỏi bàn tay, một cái bóng màu xanh đã lặng lẽ lẩn về phía vườn hoa. Tuy ông Lục đang cuống quýt tránh né con quái điểu, nhưng vẫn loáng thoáng nhìn thấy cái bóng đó. Chính là cái bóng đó! Ông Lục biết, muốn tìm được Lỗ Thiên Liễu và Ngũ Lang, nhất định phải bắt được cái bóng đó! Muốn đảm bảo cho mọi người yên ổn trở ra, cũng phải bắt được cái bóng đó!

Ông Lục lập tức đuổi theo cái bóng, nhanh chóng chìm khuất trong làn khói sương mờ ảo trên lối nhỏ vườn hoa.

Lời Nguyền Lỗ Ban

Lời Nguyền Lỗ Ban

Status: Completed Author:

Nhân vật lịch sử Lỗ Ban không chỉ là ông tổ của nghề mộc, mà còn là ông tổ của ám khí và cạm bẫy. Tác phẩm Lời Nguyền Lỗ Ban không chỉ trình bày chi tiết về nhân vật lịch sử Lỗ Ban, mà còn nói về hành trình khám phá những điều bí ẩn và không kém phần nguy hiểm của chàng trai Lỗ Nhất Khí và những người bạn của cậu.

Cậu thanh niên Lỗ Nhất Khí từ nhỏ đã bị tách khỏi gia đình, đến ở nhờ một người họ hàng rất xa để theo học trường Tây. Say mê với cổ thư, cổ vật trong hiệu đổ cổ của nơi trọ học, cậu đã phát giác ra khả năng linh cảm siêu việt của bản thân. Trong một lần người bác ghé thăm, đã tiết lộ cho cậu biết bí mật về thân thế, đồng thời cũng trao lại cho cậu một sứ mệnh truyền kiếp cả ngàn năm của dòng dõi Lỗ Ban...

Lỗ Nhất Khí là hậu duệ đích truyền duy nhất của Ban môn, nhiệm vụ khai quật bảo vật trấn định hung huyệt đã được giao cho cậu. Thế nhưng thời gian dằng dặc, lịch sử biến thiên, năm tháng phai dần dấu tích, chỉ còn lại một vài manh mối vụn vặt một vài lời khẩu truyền mù mờ. Lại thêm sự phá hoại, bức bách của gia tộc họ Chu thế lực hùng hậu song tàn độc không từ thủ đoạn, nhiệm vụ đã gần như bất khả thi.

Những bảo bối còn sót lại đều được giấu ở những nơi sơn cùng thuỷ tận khó lường, với trùng trùng cạm bẫy từ xa xưa để bảo vệ bảo bối, và lớp lớp thiên la địa võng tà môn, ma quái của họ Chu nhằm vây bắt cướp đoạt, cậu thanh niên thế đơn lực mỏng, mù mờ về thân thế làm thế nào để chắp nối manh mối, phá giải trùng vây, thoát khỏi kẻ thù? Liệu lời thề nguyền truyền kiếp kia có được kết thúc chỉ trong một thế hệ?

.....

Đọc “Lời nguyền Lỗ Ban“, độc giả lập tức bị cảm nhiễm cái nghẹt thở đến đứng tim của một người đang dò dẫm trong những đoạn đường bí hiểm, vừa không thể không trầm trồ thán phục trí tuệ tuyệt luân của người xưa, vừa nơm nớp không biết thứ gì sẽ thình lình hiện ra sau bước chân kế tiếp. Những tiểu tiết tưởng chừng vô thưởng vô phạt đều có thể là một cái nút trí mạng đẩy chúng ta đến những bước ngoặt vô cùng căng thẳng; những hé lộ tưởng chừng như hữu ý rất có thể chỉ là một chiêu đánh lừa cảm giác… Có những nút thắt vừa động là phát, cũng có những nút thắt âm thầm tồn tại, đợi khi người ta vô thức lãng đi, mới thình lình bật mở. Toàn bộ tiểu thuyết, văn phong hàm súc, cấu tứ kỳ lạ, tình tiết chặt chẽ, nòa thắt trùng trùng, khó phân thật giả, khiến người đọc có cảm giác đang lạc bước vào một mê cung cổ xưa tinh vi và phức tạp, vừa không thể không đi tiếp, vừa không thể đoán ra đâu mới là lối đi thực sự.

......

Muốn tìm hiểu về hành trình thám hiểm của chàng thanh niên Lỗ Nhất Khí và những người bạn, quý vị độc giả hãy theo chân bọn họ để cùng khám phá về một thế giới thâm u bí hiểm bằng trí tuệ, bằng cảm quan, và bằng cả hào tình tráng chí…. Và quý vị cũng đừng quên: Kho báu ngay trước tầm tay, nhưng cần thận trọng đừng nên chạm bẫy nhá! Trân trọng!

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset