Sau đài ba tầng là bậc thang không lan can mười bước, theo đó mà lên sẽ vào đến hành lang kinh luân. Trên đỉnh của dãy bậc thang mười bước có hai bức tượng Hàng Ma tôn giả bằng sắt. Hai pho tượng được đúc rời từng bộ phận, rồi ráp nối với nhau bằng đoạn thép có rãnh khớp với hai đầu tròn. Thân tượng có ẩn giấu các sợi gân lò xo, nên thực chất chính là khảm tượng do con người điều khiển. Phía sau mỗi pho tượng Hàng Ma tôn giả ba bước lại có một chum đồng. Hai chiếc chum đồng vốn để đựng nước, phòng khi hạn hán hoặc hoả hoạn, song ở đây lại là nơi ẩn thân cho kẻ điều khiển khảm tượng.
Cuối cùng, Chu Chân Mệnh đã nhìn thấy dấu tích ẩu đả. Trên mặt đất, trên tượng tôn giả, trên chum đồng, đâu đâu cũng thấy vết máu tung toé. Là máu của một trong hai kẻ giật dây, đầu hắn bị bổ toác làm đôi, cú xuống đòn này còn để lại trên mép chum đồng một vết chém sâu hoắm. Tên giật dây trong chum đồng còn lại không nhìn thấy vết thương nào trên cơ thể, không hiểu tại sao lại chết.
– Người ở phía trước! – Đao Thập Lục kêu khẽ.
Chu Chân Mệnh và Cao Bôn Lôi vội ngẩng lên nhìn, quả nhiên phía cuối hành lang kinh luân có hai bóng người vụt qua, lao về phía toà điện hai bên.
– Cao đường chủ, ngươi theo ta đi đến dãy phòng ở bên dưới hành lang phía tây, giải khảm rồi vòng qua đó. Bọn chúng còn phải qua hai điện và tháp trắng, chúng ta hãy vòng lên trước chặn đầu. Đao đầu, ngươi hãy đuổi sát phía sau, chớ vội vã tấn công, đợi người ta gọi tới tề tựu đông đủ mới được hành động! – Tình huống càng gấp rút, tư duy và cách bố trí của Chu Chân Mệnh lại càng kín kẽ.
Ba người lập tức phân thành hai đường hành sự. Mọi hành động đều bình tĩnh tuần tự, bọn họ rất tự tin có thể xoay chuyển tình thế tiến triển của sự việc.
Những đốm sáng âm u lạnh lẽo đang lập loè bên rìa bãi đá quả nhiên là mắt của những con thú lớn. Song Lỗ Nhất Khí vẫn tiến thẳng về phía chúng không hề do dự.
Gần cậu nhất là một con báo tuyết. Nó nằm phủ phục giữa đám đá vụn bên rìa bãi Thần Hô, ánh mắt rực lên hoang dã, nhô vai thóp bụng, thế như sẵn sàng chồm tới.
Con báo tuyết nhe nanh gầm gừ vài tiếng về phía Lỗ Nhất Khí, thè lưỡi liếm một vòng quanh mép. Con báo tuyết đã bị bỏ đói khá lâu, song lúc này trông phè phỡn cứ như vừa được ăn căng bụng, chầm chậm xoay mình, bước đủng đỉnh sang bên cạnh nhường đường.
Lỗ Nhất Khí kín đáo buông lỏng bàn tay đang nắm chặt báng súng, vẻ mặt lại không tỏ ra quá vui mừng. Bởi lẽ thứ khiến cậu khiếp sợ thực sự không phải là muông thú, mà là con người. Nhân tính bị che phủ dưới tầng tầng lớp lớp tục niệm phàm trần, còn lâu mới có được linh giác như thú tính, không biết liệu có phải nó đã nhận được một sức cảm ứng thần kỳ nào đó hay chăng? Song cho dù kết quả cuối cùng có ra sao, lúc này cậu cũng đã không thể lùi bước.
Lão mù đã bước vào qua đoạn tường đổ, bước chân cũng đã nhanh dần. Hạ Táo Hoa bám sát sau lưng, song sắc mặt mỗi lúc một khó coi, tựa như có một tai hoạ khủng khiếp sắp sửa đổ ập xuống đầu.
Năm con chim ưng săn mỏ hoa Trường Bạch đột nhiên bay vụt ra từ trong đám lửa khói mịt mù bên ngoài chùa, chao đi sát sạt qua đầu tường phía tây, lao thẳng tới núi Thiên Thê. Đúng vào thời khắc sắp đâm sầm vào núi, chúng lại đột nhiên chuyển hướng, tách thành một nhóm hai con, một nhóm ba con bay dạt sang hai bên.
Lỗ Nhất Khí không nhìn thấy lão mù và Hạ Táo Hoa, cậu tập trung toàn bộ sức lực và tinh thần để bước lên phía trước. Tuy cậu vẫn bước đi như bình thường, song có đôi khi, đó lại là một việc khó khăn nhất trên đời.
– Chốn này chẳng phải là Cực Lạc, vì khổ nghiệt chi lại muốn đi? – Khi Lỗ Nhất Khí sắp bước tới gian gác Phật, đột nhiên nghe thấy có người ngâm nga hai câu kệ.
Lỗ Nhất Khí giật mình khựng lại, bởi lẽ cậu không hề cảm thấy nơi này có người. Dù là cao thủ tài giỏi cỡ nào, cậu vẫn có thể nhận ra ít nhiều khí tướng. Song người vừa niệm kệ không hề có khí tướng. Hẳn là đã đạt đến đạo hạnh không linh hư ảo tựa thần tiên.
Song giờ đây, Lỗ Nhất Khí đã không còn giống như khi mới bước chân vào giang hồ nữa. Cơn kinh hãi mau chóng qua đi, cậu lập tức tu khí ngưng thần, dùng cảm giác siêu phàm nhanh chóng tìm kiếm. Không phải là không có khí tướng, mà là một khí tướng khác thường. Trong gian gác nhỏ toả ra một luồng Phật quang thanh khiết.
Lỗ Nhất Khí bước hai bước về phía gian gác, nghiêng đầu nhìn vào khám thờ Phật. Bên trong có một pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng xanh đúc theo thủ pháp Ba Tráp Môn Đặc Y[20]. Song lúc này, đối tượng mà Lỗ Nhất Khí muốn tìm ra là người chứ không phải là tượng. Hai câu kệ vừa rồi chắc hẳn không phải do pho tượng đồng tụng niệm!
– Thấy Phật không bái, Phật không trách tội, trong tâm tự trách.
Đúng là có người đang nói, giọng nói quả thực vọng lại từ pho tượng Phật.
Lỗ Nhất Khí không trả lời. Cho đến ngày nay, cậu đã hiểu được rất nhiều mánh khoé xảo trá trong giang hồ, bao gồm cả nút lẫy lời nói. Tuỳ tiện đáp lời rất có thể sẽ khiến bản thân rối loạn tinh thần, từ đó dẫn tới sơ suất, sai lầm trong hàng động. Cậu chỉ đứng im tại chỗ quan sát căn gác một cách kỹ lưỡng, lại âm thầm kiểm tra bằng kỹ xảo đo ngón tay.
Lỗ Nhất Khí lùi lại vài bước, sau đó chậm rãi đi vòng qua căn gác, cậu muốn xem phía sau căn gác có hình thù ra sao.
Đi ra phía sau mới biết, đây không phải là căn gác hai tầng, mà là hai mặt. Mặt kia của gác Phật cũng có một khám thờ, to hơn rất nhiều. Trong khám thờ cũng có một pho tượng Phật, song là vị Phật sống bằng xương bằng thịt.
Phật sống ngồi xếp bằng trong khám thờ, song không cúi đầu chắp tay, mà mở to đôi mắt sáng trong như mặt hồ ngày tạnh mà nhìn Lỗ Nhất Khí chăm chú.
Nhìn thấy khuôn mặt không vương chút bụi trần và ánh mắt trong suốt của Phật sống, tâm tư Lỗ Nhất Khí bỗng chốc trở nên thư thái lạ thường, tự đáy lòng bất giác dâng lên một niềm kính trọng. Bởi lẽ đây là cao thủ đầu tiên mà cậu không thể cảm giác được khí tướng. Không nói tới trình độ võ công của người này, chỉ xét về cảnh giới tu tâm tu đạo, không một cao thủ phàm tục nào có thể sánh bằng. Một cao thủ thế này, chỉ có thể là Phật sống Kim Đỉnh.
Ánh mắt của Lỗ Nhất Khí và Phật sống giao nhau rồi bất động, không hề dịch chuyển. Đó là sự giao lưu trong một cảnh giới khác.
Phật sống Kim Đỉnh vốn đang ngồi thiền tu trong ngôi đình ở đầu hành lang chạy vòng quanh tháp. Bất chợt trong cõi vô hình bỗng lờ mờ cảm nhận thấy bên ngoài chùa có một làn khí tướng hết sức kỳ lạ đang tiến về bức tường phía tây ngoài bãi đá Thần Hô, bèn chuyển chỗ sang căn gác Phật. Khi Lỗ Nhất Khí nổ tung đoạn tường phía tây, ông là người đầu tiên trong chùa biết được, song ông không hề hành động. Bởi lẽ ngay từ khi Lỗ Nhất Khí còn chưa bước chân vào trong chùa, Phật sống đã cảm thấy nhịp tim, hơi thở, và thậm chí là cả dòng máu chảy trong cơ thể mình đều hoà hợp nhịp nhàng với nhịp điệu lên xuống của làn khí tướng kỳ lạ kia. Đây có lẽ chính là tâm duyên hay thiên ứng mà nhà Phật vẫn thường nói tới.
– Hoá ra là một hoà thượng giả! – Lỗ Nhất Khí vẻ cười cợt.
– Phật không có thật giả, thì thuyết thật giả từ đâu mà tới? – Phật sống Kim Đỉnh không hề tỏ ra tức giận trước lời nói của Lỗ Nhất Khí.
Lỗ Nhất Khí phát hiện, hai tay Phật sống tuy không chắp lại, song lại kết thành thủ ấn Liên hoa Tam muội da, một trong những đại thủ ấn của Mật Tông.
– Lời không có hư thực, đại hoà thượng hà cớ gì phải hỏi tới tận cùng? – Lỗ Nhất Khí thu vẻ cười cợt thành nụ cười tủm tỉm.
– Ngươi vào chùa của ta không phải là hư, có điều cầu tìm cũng không phải là hư, không phân biệt rõ sự thực hư này, sao đoán được ngươi là thiện hay ác?
– Tôi là kẻ phàm tục, thực hay hư đều ở trong tình lý, thiện hay ác để người đời luận định. Nhưng tôn giá là Phật tử chí cao, lại coi trọng thực hư quá mức, vậy thì tôi nói là hoà thượng giả hẳn cũng không có gì quá đáng.
– Ngươi hiểu Phật?
– Tôi không hiểu Phật, tôi hiểu lý.
– Lý gì? Gì là lý?
– Phật lý, đạo lý, lý của khuôn thước tròn vuông. Tất cả những gì thuận ứng theo ý trời, lòng người trên thế gian này đều là lý.
Ánh mắt của Phật sống Kim Đỉnh sáng rực chiếu thẳng vào Lỗ Nhất Khí:
– Ngươi đã hiểu đạo lý như vậy, về nguyên tắc càng hơn hiểu Phật.
– Không hoàn toàn như vậy, chỉ thấy được đến lông da.
– Song không biết ở sợi nào, ngọn nào?
– Phật nói không dục tự tại, đạo theo vô ngã tự nhiên. Cái khéo của hoá công, khuôn thước hạ, tròn vuông tự thành.
Câu nói của Lỗ Nhất Khí đã bao hàm cái lý chí thượng của cả ba loại pháp môn. Câu thứ nhất cậu đọc được từ cuốn “Vô thượng Phật luận tâm chú” dịch từ tiếng Ba Tư vào thời Đường. Câu thứ hai cậu học được khi còn ở đạo quán Thiên Phong trên núi Thiên Giám thuở nhỏ. Câu thứ ba là từ chương “Kỹ xảo” trong “Cơ xảo tập”.
Phật sống từ từ đứng dậy, song ánh mắt vẫn không rời khỏi mắt Lỗ Nhất Khí. Phật sống Kim Đỉnh nghiên cứu tam mật của Phật giáo Tây Tạng, bởi vậy khi phán đoán về một người, sẽ dựa vào thất luân tam mạch, bao gồm tướng của khí, ánh sáng của thân, âm của tâm. Mà Lỗ Nhất Khí khí tướng như cầu vồng, bảo quang rực rỡ, tâm âm như tiếng Phạn thánh thót. Phật sống không khỏi ngờ rằng Lỗ Nhất Khí là hoá thân của vị Phật thánh nào.
Lỗ Nhất Khí biết mình cần phải tranh thủ thời gian, nếu không sẽ không theo kịp tiến độ dẫn thế lửa của Viêm Hoá Lôi. Cậu bèn xoay người, tiếp tục tiến lên phía trước theo đúng kế hoạch cũ. Cậu nghĩ rằng tuy Phật sống cũng là một mối uy hiếp, song một bậc tu hành đến cảnh giới thánh thần cũng giống như những con thú dữ khi nãy, tâm tính thuần khiết giàu linh giác, có lẽ cũng đã nhận được một sự cảm ứng nào đó mà không ra tay với mình.
Phật sống bước ra khỏi khám thờ, thấy Lỗ Nhất Khí đã cắm đầu bước đi, chỉ thấy thân hình lắc khẽ một cái, đã ở trước mặt Lỗ Nhất Khí.
Phật sống đã vượt lên trước mặt cậu, song không ngăn cản, mà cùng tiến về phía trước với tốc độ giống hệt như của Lỗ Nhất Khí. Hai người bước không nhanh, bởi lẽ vừa đi vừa suy nghĩ vừa nói chuyện sẽ khiến cho nhịp bước chậm rãi hẳn lại.
– Phật nói vô dục tự tại, ta cũng không có dục, song thân ta không có dấu vết của chân Phật. Lý này khó thấu! – Ngữ điệu của Phật sống có đến sáu phần tựa như đang thỉnh giáo, song đối với Lỗ Nhất Khí, lại là mở đầu cho một cuộc đọ sức.
– Tôn giá không có dục ư? Ý nguyện mong thành chân Phật chính là dục. Còn nữa, việc mình làm không phải vì dục cầu của bản thân, song lại vì dục cầu của một số ít người, khó mà gần được chân Phật! – Lỗ Nhất Khí trả lời.
– Dục cầu đó là thế nào?
– Ví dụ như ngôi chùa mà ngài đang ở, được chọn xây ở khí khẩu bên dưới “nội hợp khí thông”, là mảnh đất thoái phàm nhập thánh cực kỳ tốt đẹp. Nhưng ngài hãy nhìn lại nơi đây mà xem, ẩn tàng khí đao quang tanh máu, hiển lộ khí vàng ngọc tiền tài, che lấp cả linh khí Phật quang cần có rồi! – Lời nói của Lỗ Nhất Khí đã bắt đầu hiển lộ vẻ đanh thép, ý trách cứ đã dần hiện rõ.
Sắc mặt của Phật sống hơi sầm xuống một thoáng:
– Phật tử, chúng sinh có tâm buông xả của cải hư phù hướng theo Phật, cũng là cái đạo quy y, không nên chê trách!
– Phật tử, chúng sinh buông xả của cải theo Phật, song của cải đó có được dùng để thực thi Phật sự hay chưa? Có được dùng để phổ độ chúng sinh, cứu nhân độ thế hay chưa? Đều chưa! Chỉ là mượn danh nghĩa Phật sống tôn sùng Phật pháp cứu độ sinh linh của ngài, để cho bọn tiểu nhân lừa lấy tiền tài, tham lam cái phúc chí tôn trong thiên hạ. Tuy ngài không có dục, song lại thành tựu cho cái dục tà dâm của kẻ khác, như vậy cũng khác gì có dục, có đại dục, có tà dục. Lại thêm những đệ tử gian ác xấu xa ở ngay bên cạnh, mà ngài không biết khuyên răn dạy bảo, cũng là có tội với Phật. Hơn thế nữa, ngài không đi, không nhìn, không nghe, không biết, lại càng là tội lỗi.
Phật sống nghe tới đây, không nói gì thêm nữa.
– Còn nói về thuyết tự tại, tu tới cảnh giới chân Phật đương nhiên là tự tại. Song chưa có cái thân tự tại, làm sao có được cái tâm tự tại đây? – Lỗ Nhất Khí lại tranh thủ bồi thêm một đòn, vừa nãy là trách cứ Phật sống giúp kẻ ác làm việc xấu, bây giờ lại ngấm ngầm chế nhạo Phật sống đang phải chịu sự kiểm soát của Chu gia.
– Trong việc này đích thực là có căn tục còn vướng víu khó dứt, song tâm ta tự tại, không vật gì ràng buộc. – Phật sống khẽ giọng trả lời.
– Nếu nói như vậy, việc tôn giá ở đây đợi tôi là xuất phát từ cái tâm gì?
– Những vướng mắc bên trong khó lòng nói rõ. Thân không theo tâm, tâm không tự tại, đích thực là đại ách trong tu hành. Có điều nếu ta bắt được ngươi, thì trao đổi sẽ xong, sau này không còn vướng bận gì nữa. – Nói tới đây, Phật sống đột nhiên dừng bước.
Lỗ Nhất Khí vẫn tiếp tục tiến lên, cho tới khi đứng song song với Phật sống mới dừng lại, sau đó rầu rĩ thở dài một tiếng:
– Bắt tôi cũng giống như lỡ tay giết chết con sâu cái kiến. Song làm trái ý trời, đừng nói đến tu hành chân Phật, mà e rằng ngài sẽ rơi vào cõi Tu La, muôn kiếp không thể quay về.
Lời nói vừa dứt, sắc mặt Phật sống lập tức trở nên khổ sở, luôn miệng lầm bầm:
– Để ta suy nghĩ đã, để ta suy nghĩ đã!
Nói rồi tay lần tràng hạt, bắt đầu lầm rầm tụng kinh.
Lỗ Nhất Khí cảm thấy Phật sống hơi run rẩy, lại càng cảm nhận rõ hơn bên trong cơ thể Phật sống có hai luồng khí đang giao thoa, đang va chạm kịch liệt. Lúc này, trong nội tâm Phật sống đang nổ ra một cuộc chiến giữa trời và người, giữa tâm và tính, hơn thế nữa, còn dữ dội đến khó tưởng tượng…
Âm, Dương Thiên Vương đi vòng qua Dưỡng Quỷ Tỳ, tới trước mảng tường bị đổ, sau đó một kẻ quay mặt vào trong, một kẻ quay mặt ra ngoài, rồi đứng im lìm bất động tại đó, tựa như hai pho tượng thần hộ pháp tạc từ đá tảng.
Khoé mắt Dưỡng Quỷ Tỳ vừa quét qua đã biết hai kẻ kia đang muốn chặn kín đường lui của Lỗ Nhất Khí. Song nếu muốn chiếm được vị trí lối vào, trước hết cần phải giải quyết tên Đại hộ pháp đang lù lù trước mặt.
Dưỡng Quỷ Tỳ đã hành động. Dải lụa trắng lồng lộng bay lên, xoáy tròn thành hai đạo kình phong, thổi ập về phía Đại hộ pháp, trong khi gã còn chưa ý thức được đây là một đòn tấn công. Bởi lẽ gã không nhìn thấy bất kỳ bộ phận nào trên người Dưỡng Quỷ Tỳ xê dịch, cứ ngỡ rằng dải khăn lụa vắt trên cổ cô bị gió thổi bay.
Tuy Dưỡng Quỷ Tỳ đã thả hết ma đã nuôi đi, song ma lực tích luỹ nhiều năm vẫn không thể xem thường. Ma lực này là công phu tà môn luyện thành nhờ quá trình nuôi ma, vận dụng tuỳ theo tâm ý.
Còn Đại hộ pháp luyện công phu Phật môn, vốn dĩ không hề biết còn có thể loại công phu ma lực. Bởi vậy ngay đòn đầu tiên gã đã phải chịu phần thua thiệt.
Chỉ đến khi đã thực sự cảm nhận thấy lực đạo ghê gớm cuốn theo khăn mà tới, Đại hộ pháp mới vội vàng hành động, đẩy nhanh cả hai chưởng ra. Song cánh tay còn chưa kịp duỗi thẳng, đầu khăn đã giáng tới. Một tiếng “roạt” vang lên, giống như tiếng mặt trống da bị đập rách. Liền ngay đó, ống tay áo tăng bào rách bươm, bay tới tả như vô số cánh bướm màu đỏ thẫm. Đại hộ pháp lùi liền bốn năm bước mới dừng lại được, bộ mặt phúc hậu như Phật Đà của gã lúc xanh mét lúc đỏ gay.
Đại hộ pháp tuy có phần thua thiệt, song Dưỡng Quỷ Tỳ cũng phải hứng chịu sức phản công không hề nhỏ. Đầu khăn bật ngược trở về, quấn hai vòng quanh cánh tay mới dừng lại được. Thân hình tuy không dịch chuyển, song lại chao đảo liên hồi tựa như nhành dương liễu trước cuồng phong, mới tiết được hết lực phản kích.
Song Dưỡng Quỷ Tỳ không ngờ được rằng, Đại hộ pháp mặt vừa biến sắc trong chốc lát đã lập tức hồi phục trở lại. Cô vừa kịp ổn định thân hình, Đại hộ pháp đã giật tấm tăng bào đỏ xuống khỏi người, múa tít thành một đám mây lực sĩ, úp chụp lên đỉnh đầu Dưỡng Quỷ Tỳ.
Dải khăn lụa của Dưỡng Quỷ Tỳ lập tức cuồn cuộn tung lên, phóng thẳng vào đám mây màu đỏ. Thế là một khối đỏ rừng rực, một khối trắng âm u quấn riết vào nhau, một lát sau lại đột ngột bung ra. Tiếng gió, tiếng va đập, tiếng toạc rách vang lên liên hồi kỳ trận.
Về lý mà nói, công pháp Phật môn của Đại hộ pháp sẽ khắc chế được công pháp tà môn của Dưỡng Quỷ Tỳ. Thế nhưng công pháp Phật môn ít nhiều cũng mang ba phần nhân từ, lại thêm Đại hộ pháp cũng không phải là kẻ quen tay sát phạt trong giang hồ, bởi vậy khi ra tay thiếu phần tàn độc. Dưỡng Quỷ Tỳ thì ngược lại, công phu của cô rất ma quái, nham hiểm và tà độc, những đặc điểm này không những khiến cô không bị lép vế, mà ngược lại, nhiều lúc còn khiến Đại hộ pháp phải tay chân luống cuống.
– Đại hộ pháp, hai vị Thiên Vương, môn trưởng có lệnh, lập tức xông vào trong tường truy bức! – Một tên tiểu Lạt ma từ phía xa hộc tốc chạy tới, vừa chạy vừa gào lên ầm ĩ.
– Môn trưởng còn nói… – Tiểu Lạt ma còn chưa kịp gào hết câu, thì từ trong làn khói lửa mù mịt bên cạnh bỗng chớp ra một vệt hào quang trắng loà loà như tuyết xẹt thẳng về phía gã, lập tức đầu một nơi thân một nẻo. Phần đầu tung lên bay lộn tùng phèo trên không, còn thân người vẫn tiếp tục lao thêm vài bước mới đổ phịch xuống sau lưng Đại hộ pháp. Cái đầu rơi bịch trên mặt đất, vẫn trong tư thế uốn lưỡi há miệng.
Ngay sau khi vệt sáng trắng xẹt qua, một đám mây đỏ rực bay vụt tới, bao trọn lấy vòi máu chuẩn bị phun ra tứ tán, gom hết vào trong. Sắc đỏ của nó còn rực rỡ hơn đám mây lực sĩ của Đại hộ pháp rất nhiều. Sau khi máu tươi đã gom hết, vệt sáng mới dừng lại, lộ ra một bộ mặt quỷ đang ngoác miệng cười. Đầu quỷ mặt cười vừa lộ diện, lập tức lại hoá thành một vệt đao quang bay vụt đi. Là phép xuất đao của đao phủ, sau khi xuống đao, định thần lấy hơi trong chốc lát, lại tiếp tục nhát chém thứ hai. Tiếu Phật Nhi Lợi Hâm đã tới!
Chú thích
[20] Một thủ pháp điêu khắc tượng Phật có nguồn gốc từ Ba Tư, được du nhập vào Trung Quốc từ thời Đường. Song người Hán không ưa thích thủ pháp điêu khắc này, bởi vậy không được tiếp tục lưu truyền nữa. Vào thời Nguyên, thủ pháp này lại xuất hiện ở vùng Tây Tạng, tuy không thịnh hành, song cũng đã trở thành một thủ pháp điêu khắc tượng Phật quan trọng.