Tôi nghĩ bụng chắc không phải hỏi, vị này nhất định chính là Mã chân nhân rồi. Tôi giả làm người đến xem cho có không khí, len vào trong đám đông, chỉ thấy Mã chân nhân đang trỏ tay xuống dưới núi vẽ phương hướng, chỉ huyệt đạo, nói với đám người kia rằng:” Núi Tây Bắc phẳng, núi Đông hơi trũng, có bình phong che chắn, có long mạch vây quanh, trường học thôn trang ta nên dựng ở đây, ắt có nhiều trạng nguyên”.
Bấy giờ có một người miền núi trung tuổi lưng đeo tay nải, diện mạo chẳng có gì nổi trội, xem chừng đi ngang qua đây vô tình nghe thấy những lời của Mã chân nhân, liền nói rằng:” Nom hành động của các vị, lẽ nào định xây nhà ở đây chăng? Núi này là nơi kiến trắng kết bầy, nhất thiết không được xây cất nhà cửa, bằng không sẽ dễ xảy ra sự cố tổn thương đến mạng người đó”.
Mã chân nhân xưa nay đã quen với những lời tung hô, coi xem hình thế trăm phát chẳng sai, nào từng có ai dám buông lời phản bác, nom người miền núi kia hết sức lạ mắt, chẳng phải người trong làng, trong lòng khó tránh khỏi tức khí, bèn hỏi anh ta, người ở vùng khác sao lại biết trong núi này có kiến trắng.
Người qua đường nói:” Núi Đông trũng, núi Tây bằng, nơi trập trùng được dãy Tây Bắc che chắn, gấp khúc rồi trải về phía Nam, chạy vòng qua núi này, tuy có cái hình tàng phong, song lại không có cái thế tàng phong, gió ngưng mà khí kết. Gió sinh ra trùng, cho nên chữ Phong (風) phồn thể sớm nhất, bên trong có chữ Trùng (虫). Gió gặp núi, thì sinh ra kiến trắng. Đất này trong Thanh Ô thuật hoặc Kinh Dịch, gọi là Sơn Phong cổ, xây lầu lầu đổ, dựng nhà nhà sập”.
Mã chân nhân lại hỏi:” Nơi đây sơn thanh thủy tú, sao lại bảo có dấu hiệu hung độc? Tuy trong núi có gió, nhưng thế Sơn Phong Cổ thì chẳng nghe ai nói bao giờ cả, anh đã nói đến vậy, thì xin hỏi ‘cổ’ ấy từ đâu mà ra?”
Người miền núi chỉ xuống dưới nói, kiến trắng chẳng có con nào hành động đơn độc cả, phàm đâu có kiến trắng xuất hiện ắt sẽ có cả đàn cả tổ. Trên chữ Cổ ( 蠱)có ba chữ Trùng, tức là nhiều, chữ Mãnh (皿)phía dưới, hình bát vỡ, giống như ổ kiến. Đất này tuy lớp ngoài cùng hoàn hảo, song bên dưới đã bị đục bới ngang dọc, đâu đâu cũng là tổ kiến. Tôi chỉ là người nhàn rỗi qua đường, đúng sai được mất đều chẳng có liên can, chỉ có điều không nỡ để nhà cửa đổ sụp, tổn hại tới người vô tội, cho nên mới mở lời nhắc nhở, lời nói quê kệch lỗ mãng, nếu có gì không thỏa đáng, thì xin các hạ lượng thứ cho, tôi đây xin được cáo từ!”
Người kia nói xong, quay người định bỏ đi. Mã chân nhân liền vươn tay giữ lại:” Khoan đã! Chưa nói rõ ràng thì chớ đi vội. Anh nói trong núi này có tổ kiến, việc này còn chưa thể biết được,song lấy chữ Cổ mà diễn giải ra kiến trắng, thì quả thực là hoang đường, thứ tiểu xảo giang hồ này làm sao che được mắt tôi?”
Người miền núi kia đành giải thích:” Từ xưa Phong thủy và Dịch số vốn là một nhà, cho nên người ta mới nói ‘Âm dương Phong thủy’. Đất nơi đây nằm ở bờ sông Cứ Mã, nước sông chảy quanh núi Tây rồi đổ ra bể. Nơi kiến trắng kéo đàn ắt cũng có nước, cho nên quẻ Cổ trong Kinh Dịch, mới có lời rằng ‘lợi thiệp đại xuyên’. Sơn Phong Cổ ứng với lợi thiệp đại xuyên”.
Mã chân nhân nghe xong cười rằng:” Tổ tiên tám đời nhà tôi đều làm nghề thầy bói lẫn thầy địa lý. Kinh Dịch tôi đã đọc trôi như cháo chảy, nhắc đến Dịch số thì anh không thể qua mặt tôi được đâu. ‘Lợi thiệp đại xuyên’ trong quẻ Cổ là hình dung tượng đồi bại đã tới cùng cực, loạn đương hồi về đại trị, hết loạn quay về nẻo chính, cho nên quẻ này là nguyên hanh đại cát, thế mới gọi là ‘ lợi thiệp đại xuyên’, anh lại dám giải nghĩa linh tinh như vậy, quả thực là nực cười quá mức”.
Bấy giờ có mấy người dân làng hiếu kỳ, tranh nhau chạy xuống dốc núi, dùng xẻng sắt bới lên hai xẻng, quả nhiên xuất hiện hàng đống kiến trắng kết thành bầy, mọi người bất giác đều nhìn nhận lại ông thầy phong thủy và cả người qua đường kia.
Chỉ nghe thấy người kia nói với Mã chân nhân:” Theo những lời ông nói, thì ‘lợi thiệp đại xuyên’ chỉ là hư ngôn, thay đổi từ khác có ý nghĩa tương tự, đọc lên vẫn thông chăng, như vậy chứng tỏ kiến giải của ông về Dịch số chưa sâu sắc vậy. Kỳ thực ‘lợi thiệp đại xuyên’ trong quẻ này có cái sở chỉ đặc biệt, quẻ Cổ trên Cấn dưới Tốn, vốn thuộc cung Tốn, Tốn là mộc, trong Cấn lại có sự tương hỗ với Khảm, Khảm là thủy, lấy cái tượng cây trên nước, thành ra mới có lời ‘ lợi thiệp đại xuyên’ vậy. Tôi đang bận nhiều việc, không thể đứng đây lâu tranh luận với các vị được. Nếu như trên thế gian này có đất báu phong thủy thật, thì làm gì có thầy phong thủy nào lại đi xem đất cho người khác, thôi thì mong các vị chớ có cố chấp trong việc này, các cụ bảo rồi: hòn đất mà biết nói năng, thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn”. Nói xong, anh ta cũng mặc kệ sắc mặt lúc đỏ au lúc tím tái của Mã chân nhân, quay người bỏ đi luôn. Truyện “Ma Thổi Đèn “
Tôi đứng bên cạnh nghe mà mồm miệng há hốc, quả nhiên “ở nhà nhất mẹ nhì con, ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta”. Từ khi có nửa cuốn Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật, tôi đã cản thấy mình oách lắm rồi, nhưng so với người qua đường tướng mạo không lấy gì làm nổi bật này, cái mớ kiến thức vụn vặt của tôi chỉ là thứ tép riu. Hóa ra bao năm nay tôi chỉ biết phong thủy mà không hiểu âm dương, tôi sực tỉnh ngộ, người kia am hiểu quẻ số như lòng bàn tay, lại tinh thông bí thuật phong thủy, hôm nay tình cờ gặp được, lẽ nào lại để anh ta đi vụt qua mặt như thế. Truyện “Ma Thổi Đèn “
Trong lúc tôi đứng ngây ra, người kia đã xuống dốc núi, Mã chân nhân tự xưng là toàn quẻ, thuộc lòng Kinh Dịch kia bị người ta nói đến nỗi không cãi được lời nào, xem chừng cũng chỉ là một tay bị thịt. Tôi chẳng buồn nhìn lại bản mặt ông ta, vội vàng ba chân bốn cẳng đuổi theo người miền núi kia.
Đường núi khúc khuỷu, sau khi quẹo qua một cái ngoặt, cuối cùng cũng đuổi kịp, tôi vào thẳng vấn đề, nói muốn tìm hiểu về quẻ số. Người kia cũng chẳng làm bộ làm tịch gì, thoải mái trò chuyện, thì ra anh ta đến đây thăm người thân, bây giờ phải chạy đi bắt xe cho kịp về quê. Tôi thấy không thể để lỡ cơ hội này được, liền không khách sáo nữa, trực tiếp thỉnh giáo anh ta, xem có biết cuốn Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật không?
Người miền núi nghe thấy lời này, sắc mặt lộ đôi phần kinh ngạc, bèn cùng tôi ngồi hẳn xuống bìa rừng để nói tường tận hơn. Thiên quái thập lục tự là một hệ thống riêng bao gồm bốn môn: quyết, tượng, hình, thuật, tương truyền do Chu Văn Vương tạo ra, song do quẻ số ấy đến quỷ thần cũng khó lường, cho nên kẻ có thể nắm được môn ấy cực ít, sau thời Hán thì thất truyền. Thứ còn lại, chỉ là Dịch số bát quái, tất cả các môn kỳ số, huyền học của đời sau, bao gồm cả phong thủy bí thuật, không có môn nào không bắt nguồn từ đó cả.
Vào cuối đời Thanh, có vị Mô kim Hiệu úy nổi tiếng đã rửa tay gác kiếm, người ta vẫn gọi là Trương Tam liên tử, hay ông Trương Tam gia. Nghe nói ông ta moi được cuốn Thập lục tự thiên quái toàn tượng trong một ngôi mộ cổ, đồng thời kết hợp với “quyết chú tầm long” của Mô kim Hiệu úy, soạn ra một cuốn gọi là Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật. Song sách này gom đoạt bí mật của trời đất, ông ta e tổn đến dương thọ, bèn hủy đi nửa quyển nói về thuật âm dương, nửa còn lại đem truyền cho đồ đệ là Âm dương nhãn Tôn Quốc Phụ, ngay đến con cháu trong nhà ông ta cũng không được truyền thụ.
Người này chính là hậu duệ của Trương Tam gia năm xưa, tên là Trương Doanh Xuyên, mọi điều kiến văn, sở học của anh ta hầu hết đều do trưởng bối trong nhà truyền miệng, đặc biệt nghiên cứu rất sâu về Dịch số. Chúng tôi hỏi thăm lẫn nhau, càng hỏi càng thấy gần gũi. Âm dương nhãn Tôn Quốc Phụ chính là ân sư của ông nội tôi, thật tình cờ quá, hóa ra không phải là người ngoài, tính theo sự truyền thừa đời đời của tổ tiên, hai chúng tôi cùng vai vế, tôi có thể gọi Trương Doanh Xuyên một tiếng đại ca được.
Trương Doanh Xuyên hỏi tôi rõ ngọn nguồn vì sao lại tìm Thập lục tự, rồi nói rằng việc này khó lắm, Thập lục tự không thể nào tìm lại được, cho dù có cất giấu trong ngôi mộ cổ nào đó thì muốn tìm cũng chẳng khác nào mò kim đáy bể, vả lại việc này quan hệ đến thiên cơ, dẫu tìm được cũng chưa chắc là điều may mắn.
Tôi cảm thấy cách hiểu về “thiên cơ” của chúng tôi có sự bất đồng. Tôi cho rằng cái gọi là thiên cơ chỉ là một vài bí mật của việc truy tìm đạo trường sinh bất tử, một thứ bí mật nằm trong tay giai cấp thống trị. Song tôi không có hứng thú với những việc tu luyện thành tiên gì đó, mà chẳng qua chỉ muốn cởi bỏ lời nguyền đang đè nặng trên lưng, mới đành phải lần tìm phép sử dụng Mộc trần châu trong thiên thư long cốt. Việc liên quan đến sự sống chết tồn vong, nên mới phải cam tâm mạo hiểm lao vào chốn rừng thiêng nước độc, để đào mồ quật mả, thà rằng chết chốn trận tiền, cũng còn hơn để huyết mạch dần dần xơ cứng, ngày ngày khổ sở nằm chờ chết.
Trương Doanh Xuyên nói, huynh đệ xảy ra chuyện, người làm anh phải đứng ra lo liệu, ngặt nỗi tài nghệ kém cỏi, bản lĩnh Mô kim gia truyền cũng không được truyền thụ, nên chẳng giúp đỡ được bao nhiêu. Song Kinh Dịch bao la muôn tượng, cổ nhân nói rằng sinh sinh biến hóa là Dịch, sự hằng thường tự cổ chí kim là Kinh, sự biến đổi họa phúc trong vòm trời đất có cái cơ mầu nhất định, ngu huynh biết qua đạo này, tuy chỉ có thể đoán biết được cái vẻ bề ngoài, nhưng có còn hơn không, thôi thì hôm nay cũng không ngại bói cho huynh đệ một quẻ, suy đoán đạo trời để biết rõ việc người, bốc quẻ mà biết con đường phải đi lần này.
Tôi nghe vậy vui mừng khôn xiết, nói rằng nếu được anh chỉ điểm, có khác nào vén chốn mây mù thấy được mặt trời. Nói về quẻ số thì anh Trương Doanh Xuyên này thật không hàm hồ chút nào, trong lòng lồ lộ thiên cơ, chỉ thấy anh tiện tay bứt mấy chiếc lá cây, vứt xuống đất, đợi sau khi xem rõ quẻ tượng cũng lấy làm ngạc nhiên:” Kỳ lạ quá, cơ số ở đây, lại là một quẻ Cổ trong Phong Sơn Cổ, nguyên hanh, lợi thiệp đại xuyên, tiên giáp tam nhật, hậu giáp tam nhật”.
Tôi mù tịt về cái đạo này, vội hỏi:” Quẻ này có nghĩa là sao? Lời nguyền trên lưng bọn em có thể hóa giải không ạ?”
Trương Doanh Xuyên trả lời:” Cam cổ chi mẫu đắc Trung đạo dã, lợi thiệp đại xuyên, vãng sự hữu dã. Gió từ Tây tới, nên chủ ở phương Tây, Tây hành ắt có thu hoạch. Song gió dấy lửa, quẻ này lấy tượng cây vượt sông, vậy nên lửa này dữ, gặp nước hóa thành sinh, nếu gặp lửa thì không được vậy, còn gặp nước thì đắc được Trung đạo, song cũng chưa chắc thấy được điềm lành ở nơi ấy. Tiên giáp tam nhật, hậu giáp tam nhật, kết thúc ắt lại bắt đầu, ấy thiên hành vậy, nhớ kỹ, nhớ kỹ!”
Tôi vốn đã phát hãi đất Tây Tạng, lâu nay có bao điều u uất ở nơi đó, mãi không thể nào hạ quyết tâm đi Tây Tạng cho được, lúc này thấy quẻ số như vậy, lập tức quyết định ngay, xem chừng không đi Côn Luân sơn lần này, tai vạ này chung quy không thể hóa giải được. Thế rồi lại hỏi tiếp Mộc trần châu rốt cuộc là vật gì, là con mắt hay là phượng hoàng?
Trương Doanh Xuyên chăm chú nhìn mấy chiếc lá cây hồi lâu, mới đáp:” Vừa là con mắt, vừa là phượng hoàng, vật này là vật trường sinh”.
Tôi bảo thế thì lạ quá, sao có thể vừa là con mắt, lại vừa là phượng hoàng được? Lẽ nào là mắt của phượng hoàng? Phượng hoàng là con chim thần trong truyền thuyết, sao lại có mắt chim phượng trên đời này được?
Trương Doanh Xuyên giải đọc cho tôi cơ số của quẻ này, tiên giáp tam nhật, hậu giáp tam nhật, kết thúc ắt lại bắt đầu, những thứ này đều chỉ sự luân chuyển tuần hoàn. Tương truyền phượng hoàng có thân bất tử, có thể từ trong đống tro tàn tái sinh về cõi Niết Bàn, đây cũng hợp với cái tượng sinh sôi không ngừng. Mắt là hai, tam nhật là kỳ số, chữ Nhật (日) tuy giống chữ Mục (目)mà chẳng phải Mục, thành thử không đủ để thành Mục, vậy mà có “tam” ở trước, nhôi ra một, tức lại là Mục. Ta đem cơ số xem xét vật này, có khả năng là một thứ tượng trưng cho ý trường sinh bất tử, cực kỳ giống mắt người mà lại không phải là mắt người, song rốt cuộc là thứ gì, vì thần cơ không đủ, ngộ tâm chưa thấu được.
Lời của Trương Doanh Xuyên chưa thể xác định chính xác Mộc trần châu cụ thể là vật gì, song đã khiến tôi ngộ ra được nhiều điều, cảm phục sát đất, màn mây mê muội dày đặc trước mắt cuối cùng đã được vén mở để lộ ra một khe hở. Trước đó tôi chưa hề nói rõ cho Trương Doanh Xuyên biết tình hình của Mộc trần châu ra sao, vậy mà anh ta chỉ dựa vào mấy cái lá cây và dăm ba câu hỏi đã đoán ra được hai chữ “trường sinh”, kết hợp với những sự kiện trải qua gần đây, việc gì cũng trùng khớp, quẻ số Bát quái đã tinh kỳ như vậy, phải như có Thập lục tự, thì không biết còn thần thông đến nhường nào. Truyện “Ma Thổi Đèn “
Trương Doanh Xuyên nói hôm nay cơ số đã hết, bói thêm nữa là đi ngược với đạo trời. Vừa mới gặp mặt, nhưng giờ đành phải mỗi người một đường, quẻ số có chuẩn hay không, thì nằm ở sự tương hợp giữa thiên cơ và ý niệm, có khi chỉ cần sai một ly là đi một dặm. Quẻ bói vừa nãy có thể lấy làm tham khảo, không thể không tin, cũng không thể tin hết, mong chú tự biết lo liệu, sau này có duyên, chắc còn gặp lại.
Tôi nhớ kỹ từng lời quẻ bói của anh, khi nào trở về từ Tây Tạng, nếu còn sống sót, nhất định sẽ tới tìm anh bái kiến. Thế rồi hai bên để lại địa chỉ cho nhau, tôi tiễn anh thẳng tới bến xe dưới núi, lưu luyến chia tay. Tôi đứng nguyên chỗ ấy, ngẫm nghĩ lại lời trong quẻ bói kia, lại cảm thấy trong những lời đó, sự sâu xa huyền bí dường như bất tận