Tôi đưa mắt nhìn bọn Shirley Dương, cô nhún vai, cũng chẳng còn cách nào khác, Tuyền béo thì chẳng mảy may bận tâm, cảm thấy càng đông càng vui, Răng Vàng nhếch mép lộ cái răng vàng ởn của hắn vào mặt tôi, ý rằng mấy của nợ này coi như các cậu phải tự đèo bòng thôi. Truyện “Ma Thổi Đèn “
Tôi thầm nghĩ mả mẹ thằng khọm Hồng Kông, định đưa cả nhà đi nghỉ mát chắc, từ vợ đến con, cả thằng bảo kê cũng có mặt tề tựu, đương tính xem phải tìm lời thoái thác thế nào, để cho lão khọm quên cái mùa xuân ấy đi, lắm thầy thối ma, lắm thằng tham gia càng thêm rối, hàng bao người đi như vậy, thế nào cũng xảy ra chuyện.
Bấy giờ Minh Thúc đưa tất cả thành viên còn lại trong đoàn đi lần này ra mắt, giới thiệu từng người một cho cả hai bên. Mụ vợ Hàn Thục Na của lão ta thì chúng tôi quen biết rồi, mụ này rất quyến rũ, chẳng trách lão lại say như điếu đổ. Răng Vàng mở miệng chào bà Minh, Hàn Thục Na vội nói chớ có gọi như thế, nghe già lắm, mọi người với nhau xưng hô thế nào chẳng được, miễn trang trọng đi, cứ như trước là được.
Sau đó Minh Thúc lại giới thiệu cô con gái nuôi A Hương. Cô bé trông rất nhát, có khi còn chưa đầy hai mươi tuổi, thấy người lạ là không dám nói chuyện. Minh Thúc bảo A Hương là trợ thủ đắc lực nhất của lão ta, có thứ gì không sạch sẽ là con bé phát hiện ra ngay.
Tôi tò mò hỏi việc này là thế nào, chẳng lẽ cô bé có “mắt âm dương” hay là có “thiên nhãn” chắc?
Minh Thúc đắc ý kể cho chúng tôi biết, khi vừa được sinh ra, bố mẹ A Hương đã đem cô bé bỏ vào trong lồng kính có thiết bị làm sạch không khí hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài, cho đến tận năm cô bé hai mươi tuổi mới thôi. Làm như vậy là để tránh cho cô bé không phải chịu sự ô nhiễm và ảnh hưởng của không khí, khiến hệ thần kinh của cô bé trở nên hết sức mẫn cảm, có thể cảm nhận được một số thứ mà người bình thường không thể nhận biết.
Về sau A Hương trở thành trẻ mồ côi, Minh Thúc liền nhận cô bé về nuôi. A Hương đã cứu mạng lão ta không chỉ một lần, cho nên được lão nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, đặc biết là khi tiếp xúc mới những thứ âm khí nặng nề như quan tài, xác khô, lão ta toàn phải mang cô theo mình. Shirley Dương đứng bên cạnh bảo tôi, lão này không nói bừa đâu, ở Mỹ có một giáo phái, người trong phát đều hành sự như vậy. Cô bé tên A Hương này có lẽ sẽ giúp được chúng ta, nhưng mà tốt nhất đừng đưa cô bé đi Tây Tạng, người có sức khỏe tốt còn cảm thấy khó chịu trước phản ứng cao nguyên, A Hương mỏng manh như vậy, chỉ e xảy ra việc ngoài ý muốn.
Minh Thúc muốn đưa ai đi cùng, tôi quả thực chẳng có cách nào can thiệp, bèn nhỏ giọng nói với Shirley, xem ra lão đã dốc hết cả vốn liếng vào vụ khai quật Băng xuyên thủy tinh thi lần này, lại đem tính mạng của cả gia đình ra đanh cược, ý muốn nhất định phải thành công rồi. Có khuyên chắc cũng không được đâu, dẫu lời lẽ có hay đến mấy cũng khó mà lay chuyển được kẻ cố chấp, ta gắng chăm lo cho họ một chút, cứ tận lực mà làm, cuối cùng sống hay chết, liệu có vác được Băng xuyên thủy tinh thi hay không, đành trông chờ vào số mệnh của họ thôi.
Sau cùng lão giới thiệu cho chúng tôi vệ sĩ của lão ta, Peter Hoàng, người Campuchia gốc Hoa. Trong những năm chiến tranh ở Campuchia, gã ta lưu lạc từ vung Tam Giác Vàng đến khu vực Malacca làm hải tặc. Về sau gặp bão, được Minh Thúc cứu về, từ đó gã liền làm vệ sĩ riêng cho lão. Trông dáng vẻ gã chừng hơn bốn mươi tuổi, da rất đen, mặt lạnh như tiền, ánh mắt dữ tợn, nhìn là biết chẳng phải hạng hiền lành lương thiện gì. Nổi bật nhất là thể hình, hoàn toàn khác với dáng vẻ gầy nhỏng của người Đông Nam Á, trông gã ta vạm vỡ vô cùng, như một cái thùng sắt di động vậy.
Tuyền béo vừa nhìn thấy Peter Hoàng thì khoái chi, nói với Minh Thúc: “Tên mà chẳng giống người tí nào, sao không gọi là Peter Hắc nhỉ? Mà có bọn tôi đi theo tháp tùng bác còn lo cái lỗi gì, chẳng cần đến vệ sĩ, một sợi lông cũng không mất của bác đâu.”
Minh Thúc nói: “Cái thằng béo cậu chỉ thích đùa, anh ta họ Hoàng, sao lại gọi là Peter Hắc được? Mà các chú chớ có coi thường, con người này đối với anh đây một mức trung thành, hết sức đáng tin cậy, vả lại từng tham gia chiến tranh thật, giết người không chớp mắt.”
Tuyền béo nói với lão: “Cho anh ta mau về vườn đi thôi, mấy ngón võ của hội du kích ấy đáng kể gì, đồng chí Hồ Bát Nhất của chúng tôi đây, năm xưa còn chỉ huy cả một tiểu đoàn quân chính quy, còn cả tôi nữa, bác nghe nói đến sự tích của Tuyền béo này chưa? Thành viên chủ chốt của quân cộng hòa Bắc Ireland, năm xưa tôi ở… “
Tôi vội ngắt lời Tuyền béo, không để cậu ta tiếp tục ba hoa bốc phét, rồi nói với Minh Thúc, thành viên và lộ trình đều đã xác định rõ rồi, vậy mỗi người chúng ta chia nhau ra chuẩn bị thôi, hội nhà bác phải đi bệnh viện kiểm tra sức khỏe xem sao, nếu không vấn đề gì thì sau năm ngày nữa ta khởi hành.
Minh Thúc nói OK, lộ trình và trang thiết bị đều do chú Nhất đây toàn quyền phụ trách, chú bảo xuất phát lúc nào thì xuất phát lúc ấy, suy cho cùng trong đoàn chúng ta, chỉ có chú am hiểu đất Tạng nhất thôi.
Tôi dẫn bọn Tuyền béo tạm biệt ra về. Ngay sau khi về nhà, tôi liền thu dọn đồ đạc, chuẩn bị một mình đi Tây Tạng trước, tới ven hồ Lhamo Lhatso tìm Thiết bổng Lạt ma, nhờ ông tìm giúp một hướng dẫn viên hiểu rõ phong tục và môi trường địa lý Tây Tạng, tốt nhất là một người hát sử thi thiên bẩm, nếu không thể tìm được một người kiêm được cả hai việc ấy, thì tìm ha người cũng được.
Tôi giao phó nhiệm vụ dẫn đoàn vào đất Tạng cho Shirley Dương. Cô nàng tuy chưa lên cao nguyên Thanh Tạng bao giờ, nhưng từng đi thám hiểm ở những vùng có môi trường tự nhiên khắc nhiệt như Sahara, Taklamakan, rừng Amazon…, tố chất tâm lý vững và kinh nghiệm đều không có vấn đề gì cả. Chúng tôi bàn bạc suốt một hồi, quyết định Shirley Dương sẽ dần đoàn tới sông Sư Tuyền họp mặt với tôi. Cố gắng mang vác gọn nhẹ, những trang thiết bị hỗ trợ thì tạm thời để lại Bắc Kinh cho Răng Vàng trông coi, khi nào tìm ra manh mối tháp mộ trong di tích Cổ Cách giữa hai ngọn Kangrinpoche và Sengezangbu, Răng Vàng sẽ phụ trách vận chuyển các thứ ấy tới địa điểm chỉ định.
Sau khi trở về từ Vân Nam, Shirley Dương trông gầy đi, mắt gợn những vân đỏ. Trong thời gian này, chúng tôi đều lao tâm khổ tứ, đi lại vất vả, vừa từ Vân Nam về không lâu, giờ lại đi Tây Tạng, người thường thực sự khó mà chịu nổi. Tôi khuyên Shirley Dương không cần phải lo lắng quá, Tây Tạng không nguy hiểm lắm, trang thủ mấy ngày trước khi lên đường nghỉ ngơi cho khỏe, sớm muộn thì thời gian cũng sẽ trả lời cho chúng ta thôi.
Shirley Dương nói: “Tôi không lo việc đi Tây Tạng có nguy hiểm hay không, cái chính là mấy ngày nay tôi đang phân vân, sau khi kết thúc vụ Quỷ động không đáy thì đi đâu làm gì, anh mà muốn tiếp tục làm cái nghề đổ đấu thì tôi tuyệt đối không bằng lòng đâu, nghề này quá nguy hiểm. Anh Nhất ạ, anh cũng nên lo nghĩ việc sau này đi, chúng ta cùng quay về Mỹ được không?” Truyện “Ma Thổi Đèn “
Tôi nói đi Mỹ thú vị gì đâu, lại chẳng biết tiếng, mùi vị của cà phê cô pha cũng na ná như mùi thuốc bắc, bắt tôi ngày nào cũng uống thì tôi xin chịu. Song nếu cô cứ bắt tôi đi bằng được thì tôi cũng hết cách, thôi thì cứ đi thử mấy năm xem sao đã, nếu thấy không quen thì tôi về, điều tôi đau đầu nhất là Tuyền béo, chẳng biết phải làm thế nào, bỏ mặc cậu ta một mình ở lại Bắc Kinh, chắc chắn sẽ chuốc vạ vào thân.
Tuyền béo nói xen vào: “Tôi bảo này Nhất ạ, cậu nói thế nào ấy nhỉ, cứ làm như cậu giác ngộ hơn tôi nhiều lắm ấy, vạ cậu chuốc vào còn nhiều hơn tôi nhiều, về điểm này, cậu không cần khiêm tốn đâu. Hai người đi Mỹ, chẳng lẽ tôi lại không đi? Chúng ta đến địa bàn của tham mưu trưởng Shirley, chẳng lẽ cô ấy lại không nỡ cho được một con xe hay sao, tôi thấy con xe của gã cảnh sát trưởng Hunter rất ổn, chắc là Mercedes Benz hả. Tôi nào có yêu cầu cao gì đâu, lái con Benz đấy là được rồi, Detroit, San Francisco, eo biển Đông Tây gì thì ta cũng đi cho mở mắt, hợp tác cùng giai cấp vô sản ở Mỹ, đại đoàn kết nhân dân thế giới muôn năm!”
Tôi nói với Tuyền béo: “Cảnh sát Mỹ không đi xe Đức, đến điều này còn chẳng biết, với cái tố chất của cậu, cậu đi Mỹ có khác nào đi gây thêm phiền nhiễu cho nhân dân Mỹ chứ?”
Ba người chúng tôi bàn tán trêu chọc nhau một hồi, tâm lý cũng thoải mái lên nhiều.
Ngày hôm sau tôi một mình khăn gói đi Tây Tạng trước.
Ở Trung Nam bộ Tây Tạng, giữa dãy Himalaya và Nyenchen Tanglha có rất nhiều hồ to nhỏ chi chit, số lượng phải đến hàng nghìn, chỉ cần hơi lớn một chút thì đều được người dân Tạng coi là hồ thần, nếu cạnh hồ còn có núi tuyết, vậy càng thần thánh hơn nữa. Trong tên của những hồ này, đều có một chữ “co”, tương đối nổi tiếng có hồ Ngangla Ringco, hồ Tangra Yumco, hồ Namco, hồ Dagze Namco vân vân, nhiều không kể xiết, mỗi hồ đều có vô số những câu chuyện truyền thuyết thần kỳ, hồ Tiên Nữ mà ông bạn già Thiết bổng Lạt ma của tôi đang trú ngụ, chính là một trong những hồ này.
Xuống xe ở Hese, hướng Nam không còn đường đi, chỉ có thể bộ hành, hoặc bỏ tiền thuê ngựa của dân du mục mà cưỡi. Nơi đây không phải vùng núi, nhưng độ cao so với mặt nước biển cũng gần bốn nghìn năm trăm mét, nhờ dân du mục dẫn đường, tôi không ngừng đi về phía Nam, đến nơi phân nhánh của dòng Bocang zangbo. Trong tiếng Tạng “zangbo” có nghĩa là sông.
Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi tiến sâu vào trung tâm đất Tạng, ánh nắng cao nguyên khiến người ta chóng mặt, trời xanh đến nỗi như sắp rỏ nước xuống. Hướng dẫn viên kiêm chủ ngựa tôi thuê là một người dân tộc Tạng trẻ tuổi, tên là Vượng Đôi. Vượng Đôi đưa tôi tới một vùng đất cao, chỉ xuống hai cái hồ lớn xanh như ngọc bích, nói: “Cái hồ to bên trái, là hồ Yongma zhozhaco, hồ Long Cung; còn hồ bên phải, nhỏ hơn một chút, là hồ Tiên Nữ Lửng Lơ Bên Trời.”
Bấy giờ bầu trời sáng trong, nước hồ xanh ngắt, song biếc lăn tăn in bóng núi tuyết, ráng mây, quanh hồ còn thấp thoáng dáng dấp những rặng núi xa. Qua cuốn Đại Đường Tây Vực ký, có thể thấy cao tăng Đường Huyền Trang hết sức xúc động trước cảnh đẹp này, ông gọi hai khoảnh hồ nhìn sát nhau này là “Tây Thiên Dao Trì song bích”.
Súc vật do con người nuôi dưỡng không được vào thánh địa, tôi và Vượng Đôi tìm chỗ dốc đi bộ đến bên hồ. Vượng Đôi bảo tôi ở đây có một truyền thuyết, kể rằng dưới đáy hồ có cung điện của Quang tài Long vương, chất chưa vô số châu báu quý hiếm, người có duyên chỉ cần đi một vòng quanh hồ, nhặt một con cá nhỏ, một viên đá nhỏ, hoặc chỉ cần một sơi lông của con chim nước nào đó trong hồ, là có thể được Quảng tài Long vương ban phước, cả đời tiền của dồi dào. Truyện “Ma Thổi Đèn “
Những những kẻ hành hương đến chốn thánh địa này đều thích đi vòng quanh hồ Tiên Nữ hơn, bởi tương truyền dòng nước xanh biếc trong hồ là nước mắt của tiên nữ, không những có thể làm tiêu tan mọi vết nhơ nhuốc, bệnh tật nơi người trần, mà còn có thể gội sạch làm tham sân si, đố kị, khiến tâm hồn con người trở nên thuần khiết. Rặng núi tuyết đối diện với hai khoảnh hồ chính là tượng trưng cho sự quảng đại vô biên của Phật pháp.
Tôi nói với Vượng Đôi, chúng ta hãy tới gội sạch tâm hồn trước đi, dạo quanh hồ Tiên Nữ một vòng, tiện thể tìm Thiết bổng Lạt ma trong số những tín đồ đang dạo quanh hồ. Hai người cất bước đi men theo bờ hồ, chúng tôi không có ý đến chốn thánh địa này chầu bái, cho nên không cần phải đi một bước, rập đầu một lần. Đi ven hồ, chốc chốc lại có thể nhìn thấy hài cốt của những tín đồ kiền thành, họ đã hòa lẫn cơ thể mình vào vùng đất thánh.
Từ phía xa, một dáng người lom khom xuất hiện trong tầm mắt của chúng tôi. Nhìn chiếc thiết bổng hộ pháp màu đen nổi bật phía sau lưng liền có thể đoán ngay được người ấy là ai, song cử chỉ của ông lúc này rất kỳ cục, rõ ràng không phải nghi thức đi vòng quanh hồ mà chúng tôi vẫn thấy, ngay cả người Tạng như Vượng Đôi cũng chưa từng thấy động tác như thế, dường như ông đang tiến hành một nghi thức cổ xưa thần bí nào đó vậy.
Đi vòng quanh núi hoặc quanh hồ, là phương thức sùng bái có một không ai trong cuộc sống ở vùng nóc nhà thế giới đặc thù này, là một dạng tín ngưỡng sùng bái tự nhiên cho rằng vạn vật hữu linh, và là hình thức biểu hiện có tính kế thừa từ tôn giáo nguyên thủy của dân tộc Tạng. Động tác thông thường có thể phân làm hai dạng, dạng thứ nhất phổ thông nhất, là đi bách bộ; dạng thứ hai thì kiền thành hơn, hai tay đeo tấm gỗ, giơ cao quá đầu, sau đó thu về trước ngực, toàn thân đổ xuống, trán chạm đất, rạp người vái lạy, dùng cơ thể mình đo từng chút một chiều dài của núi thần hồ thánh, mỗi một vòng đi quanh, tội nghiệt sẽ được tiêu trừ, công đức sẽ được tích lũy, nếu như chết trên đường đi quanh hồ, thì đó cũng là thuận theo tạo hóa.
Cử chỉ của Thiết bổng Lạt ma không giống như đang đi quanh hồ, mà khiến tôi nhớ đến động tác nhảy đồng vùng Đông Bắc. Hồi còn đi cải tạo ở Nội Mông, mấy trò lên đồng của bà cốt hay saman tôi đều đã thấy, phải chăng lạt ma đang tiến hành nghi thức đuổi tà? Nhưng ở chốn đất thánh này làm gì có tà ma? Nghĩ đến đây tôi liền rảo bước tiến lên.
Thiết bổng Lạt mà cũng nhận ra tôi, liền ngừng động tác, bước lại gặp mặt. Xa nhau hơn mười năm, lạt ma dường như không mấy thay đổi, chỉ là quần áo đã cũ kỹ hơn. Tôi kể với lạt ma tình hình hiện tại của hai chiến hữu. Ông nghe xong liền cảm khái không nguôi: “Phàm người đụng độ với yêu ma trong mộ, có thể sống sót đã là Phật tổ khai ân rồi, mong rằng trong những năm ta còn sống, có thể tích góp thật nhiều công đức ở bên hồ, cầu phúc cho bọn họ.”
Mấy năm gần đây lạt ma không hề rời khỏi hồ Lamlaco, hàng ngày đều đi quanh hồ tụng kinh, cơm ăn áo mặc đều cậy nhờ những tín đồ tới ven hồ chầu bái bố thí cho. Kỳ thực những tín đồ hành hương tới đây chầu bái, trên đường cũng nhận của bố thí, bố thí các thánh đồ cũng là một cách tích góp công đức.
Tôi hỏi vừa nãy lạt ma đang làm gì, Thiết bổng Lạt ma liền kể lại ngọn nguồn, thì ra ông đang cầu xin ý chỉ của đức Dược Vương Bồ Tát. Bởi vì có hai tên săn trộm từ nội địa đến đây đi săn, song hai người này đều là lính mới,, rình năm ngày liền cũng chẳng thấy có con vật nào ra hồn, cuối cùng bắt gặp một con thú nhỏ xưa nay chưa từng thấy, liền nổ súng bắt chết ngay tại trận, tranh thủ lúc nó còn tươi, lột da luộc lên ăn.
Sau khi ăn xong, hai kẻ đó lập tức đau bụng, lăn lộn ra đất, khi người Tạng phát hiện ra thì mép đã sùi bọt trắng, bất tỉnh nhân sự rồi. Nơi đây vốn dĩ không có bệnh viện gì, chỉ có Dược sư Lạt ma trong chùa Tây Tạng phụ trách khám bệnh cho người dân, Thiết bổng Lạt ma tuy là lạt ma hộ pháp, nhưng thời trẻ từng giữ chức Dược sư Lạt ma, thường xuyên chữa bệnh cho dân chúng cùng kẻ đến chầu bái ven hồ, cho nên người dân Tây Tạng mới thỉnh ông đến cứu người.
Thiết bổng Lạt ma nghe nói là bọn săn trộm, vốn định để mặc, nhưng đức Phật từ bi, thấy người sắp chết không thể không cứu, bèn nhận lời, dặn dò người dân đưa hai kẻ đó đến đây, đồng thời tụng niệm thần chú “Cam chu nhĩ” cầu xin đức Dược Vương Bồ Tát chỉ cho phương pháp cứu người.
Chúng tôi đang nói chuyện, thì sáu người dân Tạng đã cõng hai tên săn trộm tới. Lạt ma lệnh cho đặt hai kẻ đó nằm thẳng xuống đất, chỉ thấy hai người mặt vàng như nghệ, hơi thở thoi thóp, khóe miệng không ngừng sùi ra bọt trắng, bụng trướng to kềnh. Theo tôi thì triệu chứng này không lấy gì làm lạ, thường thì khi ăn phải đồ bẩn, hoặc ngộ độc thực phẩm ác tính thì đều có phản ứng như vậy, tình trạng hết sức nguy hiểm, cần phải đưa vào viện cấp cứu ngay, không biết mất viên thuốc Tây Tạng của Thiết bổng Lạt ma liệu có chữa trị được cho họ hay không.
Lạt ma xem xét chứng trạng của hai người này, lập tức cau mày, nói với người dân bản địa: “Một kẻ ăn quá nhiều, không cứu được nữa, kẻ còn lại cứu được, các người ra ven hồ thánh, tìm lấy ít vảy trên xác cá đã thối rữa về đây!”
Người dân liền theo lời dặn của lạt ma, chia nhau ra ven hồ tìm kiếm. Khi ấy, bọt mép trắng phớ sùi ra trong mồm một trong hai tên săn trộm đã chuyển sang màu đỏ tía, chỉ trong chốc lát đã tắt thở. Lạt ma vội nhờ hai chúng tôi cạy miệng của tên còn lại ra, đổ thuốc và nước vào cho hắn nuốt xuống. Người đó thần trí hoảng hốt, gắng gượng cũng chỉ uống được một nửa.
Loại thuốc Tạng này có hiệu quả kỳ diệu là giữ lấy mạng sống cho người ta, sau khi uống lập tức nôn thốc nôn tháo, miệng hộc ra toàn nước đen. Tên săn trộm vừa được cứu sống, tuy ruột vẫn đau như cắt, nhưng ý chí đã hồi phục, lạt ma liền hỏi rốt cuộc hắn ăn phải thức gì.
Tên săn trộm kể hắn cùng với tên đồng bọn đã chết kia, ở trong nội địa nghe nói là tới Tây Tạng săn bắt, chỉ cần đem bán bộ da thú thôi cũng kiếm được khối tiền, thế nên đầu óc mụ mị cả đi, cũng muốn đến kiếm lấy một món hời. Song hai tên đều không có kinh nghiệm, những chỗ không người muôn thú nhiều thì lại không dám mạo hiểm tiến vào, đành loanh quanh dưới chân núi tuyết đợi vận may, bắn được con gấu ngựa Tây Tạng cũng tốt.
Cứ như vậy đi năm ngày trời mà chẳng săn bắt được gì, ngược lại lương khô mang theo đã ăn hết cả, đành chuẩn bị khăn gói quay về. Nào ngờ vừa định rời đi, liền thấy một con mèo rừng màu đen, cỡ như con sơn dương, trông rất xấu xí, lại chẳng hề sợ người, đến nối lúc đầu cứ lầm là một con báo. Hai người cậy sung đạn nhạy bén, bắn liền mấy phát, giết con vật tại chỗ. Đúng lúc bụng đói cồn cào, liền mặc xác thịt mèo có ngon không, cứ lột da, bắc nồi luộc ăn nửa con, thớ thịt thô dày, có luộc thế nào cũng không chín nổi, cho nên đành phải ăn thịt tái.
Tên săn trộm nước mắt nước mũi đầm đìa, nói rằng hai anh em, tuy nhất thời có ác niệm, muốn săn trộm kiếm tiền, nhưng suy cho cũng ngoài con mèo đen này ra cũng chưa săn được con vật nào khác, cầu xin lạt ma phát lòng từ bi, cứu lấy tính mạng, sau này nhất định sẽ sửa sai, làm lại từ đầu. Hắn đang câu được câu mất kể lại sự tình, cơn đau bụng dữ dội lại ập đến, một lần nữa hắn lại lịm đi trong cơn sống dở chết dở.
Tôi còn nhớ hồi ở núi Côn Luân có nghe được một truyền thuyết của đất Tạng, con mèo rừng lớn màu đen ấy không phải là mèo, mà là linh hồn của người vừa chết đi hóa thành, đương nhiên không thể ăn được. Tôi hỏi lạt ma xem phải làm thế nào, liệu người này có cứu được không?
Lạt ma nói: “Thứ họ ăn phải chừng là loài chuột xạ trên tuyết. Loài này có thể ăn được, nhưng họ ăn nó sớm quá. Người Tạng không bao giờ ăn động vật giết trong ngày hôm ấy, bởi vì linh hồn của chúng còn chưa hoàn toàn thoát ra khỏi xác, ăn vào sẽ có kết cục không tốt. Ta trước kia hầu hạ Phật sống, từng học được một mật phương, còn như có hiệu nghiệm hay không, thì phải xem số mệnh của họ thế nào nữa.”
Những người tới ven hồ tìm vảy cá chết đã lục tục quay lại, gộp vào ước chừng cũng được một vốc lớn. Thiết bổng Lạt ma đen vảy cá rải quanh người bệnh, rồi tìm lấy một đoạn gỗ tước đốt cháy ra tro, rồi quấy với vảy cá mục ruỗng thối hoắc, cho tên săn trộm ăn.
Sau một loạt những động tác kỳ quặc, tên săn trộm lại một lần nữa nôn ồng ộc ra. Lần này dữ dội hơn lần trước, tất cả mọi thứ trong bụng đều nôn ra cho bằng sạch, đến tận khi nôn ra chỉ toàn là nước trắng, lạt ma mới cho hắn uống thuốc chống nôn.
Lạt ma xem thứ ô uế tên săn trộm nôn ra, bảo rằng mạng hắn coi như giữ lại được rồi, song cả đời này không được ăn thịt nữa, hễ ăn thịt ắt sẽ nôn ọe không ngừng. Tôi lách người vào nhìn, thì thấy trong bãi nôn to tướng kia hình như có thứ gì đó đang động đậy, nhìn kỹ một lúc, thì thấy giống như một đống chuột con không có lông.
Tên săn trộm quỳ sụp xuống khấu tạ ơn cứu mạng, rồi hỏi lạt ma liệu có thể chôn xác người anh em của hắn bên bờ hồ hay không. Lạt ma nói tuyệt đối không được, người dân tộc Tạng cho rằng chỉ có tội đồ mới phải chôn vào đất, linh hồn bị chôn trong đất vĩnh viễn không thể giải thoát. Ban ngày mặt trời chiếu rọi, linh hồn sẽ cảm thấy như bị luộc trong chảo nóng; ban đêm ánh trăng soi tỏa, sẽ cảm thấy như rơi xuống hố băng, lạnh lẽo vô cùng; nếu như trời mưa, sẽ cảm thấy như có vạn mũi tên xuyên thấu tim gan; lúc trời nổi gió, sẽ lại cảm thấy như có nghìn con dao đẽo xương róc thịt, nổi khổ ấy thực là khôn tả. Trên ngọn núi cách bờ hồ không xa, có mười tám đài thiên táng, cứ đặt thi thể ở đó, cho linh hồn được giải thoát đi!
Tên săn trộm không bằng lòng làm vậy, dẫu sao thì cũng khác xa so với phong tục trong lục địa quê hắn. Lạt ma giải thích, ở Tây Tạng, tất cả mọi cách xử lý xác chết, ngoài thổ táng ra, thì cách nào cũng thịnh hành cả, nhưng vì thiếu chất đốt để hỏa táng, cho nên thông thường người ta đều vác xác chết đặt trên đài thiên táng ở đỉnh núi, rồi lóc thịt ra vứt cho chim thú chia nhau, nếu người chết chết bở một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nào đó, thì thổ táng cũng chỉ là trường hợp cá biệt.
Cuối cùng tên săn trộm cũng bị lạt ma thuyết phục, thôi thì coi như nhập gia tùy tụng vậy. Được mấy người dân Tạng giúp đỡ, xác chết của tên đồng bọn được đưa lên đài thiên táng trên đỉnh núi. Tôi thấy hành lý của hắn hơi dài hơn bình thường, bên trong chắc chắn có vũ khí đạn dược. Lần đi Tây Tạng này chúng tôi còn chưa chuẩn bị vũ khí, giờ có cơ hội đương nhiên không thể bỏ lỡ, liền níu tên săn trộm lại, bàn chuyện mua lại hành lý.
Tên săn trộm bảo tôi, hai cây súng này hắn mua lại của thợ săn ở Thanh Hải, sau khi sử lý xác chết của đồng bọn xong, hắn sẽ về quên sông an phận thủ thường, giữ súng cũng chẳng có tác dụng gì, tôi đã là bạn của Thiết bổng Lạt ma, súng này xin tặng lại, coi như một chút tâm ý đáp tạ ơn cứu mạng.
Tôi xem thử hai cây súng trong bao, thì ra là loại súng săn bắn đạn chùm, hiệu Remington, kiểu dáng hơi cũ một chút, loại 870, đường kính nòng 12mm chuyên trang bị cho xe cảnh sát này là sản phẩm của thập niên 50, song được bảo dưỡng rất tốt, chẳng trách con chuột xa nhanh nhẹn như thế mà vẫn bị bắn chết. Ngoài ra còn có hơn 70 viên đạn, chia ra đựng trong hai túi đeo chéo. Trong vòng bán kính 15 mét thì loại súng này có uy lực khủng khiếp, song dùng để đi săn xem chừng không thích hợp cho lắm, công kích mục tiêu ở cự ly xa vẫn phải dùng loại vũ khí có tầm bắn dài như súng trường mới được, súng này có thể dùng phòng khi cận chiến.
Sau cùng tôi vẫn nhét tiền vào tay tên săn trộm, súng, đạn cho tới hành lý đóng gói, tôi đều giữ cả lại