Các loài thủy tộc dưới biển đa số đều có tập quán trồi lên kiếm ăn vào những lúc sáng trăng, con cá to đại tướng bất thình lình ập đến này dường như chính là bị ánh đèn của chuông lặn thu hút mà tới. Cái chuông lặn bằng đồng mới bị quật cho một cú mà đã chao đảo liên hồi, hai ngọn đèn bên ngoài tắt ngúm. Tôi nghe tiếng lớp vỏ kim loại rung bần bật, sợ rằng nếu bị con cá ấy đụng cho cú nữa, quả chuông lặn sẽ không chịu nổi.
Cái chuông lặn đặc biệt này đã được người Anh cải tạo, chuyên dùng để trinh sát ở những khu vực đáy biển nguy hiểm. Để ứng phó với môi trường khắc nghiệt, ngoài thiết kế tinh vi chính xác ra, xung quanh chuông còn được gắn thêm các thiết bị phòng ngự tương đối hoàn thiện nữa. Ngoài cửa sổ quan sát có song sắt, đề phòng chuông bị các dòng hải lưu dưới đáy biển xô đẩy chạm đá ngầm. Nhưng đối phó với những con cá dữ có thể chuyển động linh hoạt thế này, tôi đành sử dụng biện pháp ứng cứu khẩn cấp, kéo chốt an toàn, khiến mười mấy mũi lao nhọn bên ngoài chĩa ngược ra. Cái chuông lặn lập tức biến thành một con nhím bằng kim loại.
Mười mấy mũi lao vừa bật ra khỏi rãnh ngầm bố trí ngoài vỏ chuông lặn thì con cá dài bảy tám mét, da sần sùi như đá vừa khéo quay đầu lao tới. Con cá dường như cũng biết sự lợi hại của những mũi lao nhọn hoắt, nhưng muốn tránh né cũng không kịp nữa rồi. Nó chỉ kịp ngoặt đầu sang một bên, nhưng thân mình thì lại bị mấy mũi lao đâm trúng, toạc ra cả vết thương dài trên lớp da dày chắc. Chỉ thấy, loáng một cái, con cá đại tướng ấy đã kéo theo một dòng máu đục ngầu lặn tít xuống đáy sâu.
Nguyễn Hắc ở trong chiếc chuông lặn còn lại xoay chuyển đèn chiếu sáng, lần theo vết máu ấy. Tôi cũng ngó qua cửa sổ quan sát nhìn xuống, chỉ thấy có mấy con cá mập lớn bị mùi máu tanh thu hút, từ trong rặng san hô quẫy mình bơi ra, lao bổ đến chỗ con cá bị thương kia hung hăng cắn xé. Nhất thời, lớp cát và bùn dưới đáy biển bị chúng quẫy tung, hòa với máu loang ra, khiến cảnh cá mập giành mồi bị hoàn toàn che khuất khỏi tầm nhìn của chúng tôi.
Tôi thầm nhủ “Nguy hiểm quá,” xem ra dân miền Nam Hải này mò ngọc mưu sinh cũng chẳng dễ dàng hơn Mô Kim hiệu úy chúng tôi trộm mộ là mấy. Lúc này, đèn chiếu sáng dùng để trinh sát địa hình đáy biển đã hỏng, những mũi lao nhọn chĩa lên cũng ngăn cản một phần tầm nhìn, tiếp tục ngồi trong chuông lặn thế này cũng không còn ý nghĩa gì nữa, tôi vội dùng hệ thống điện thoại báo với mấy người trên tàu, giảm áp suất trong khoang lặn rồi từ từ nâng chuông lặn lên mặt nước.
Hai cái chuông lặn lần lượt trồi lên, người trên tàu trông thấy vỏ đồng của chuông lặn bị cá dưới biển húc lõm cả vào, ai nấy không khỏi lắc đầu le lưỡi. Đồng thời, mỗi người đều ngầm hiểu rằng, hành động mò ngọc ở Nam Hải này, bây giờ mới coi như chính thức mở màn, nếu muốn mò được hàng tốt, thì còn phải mạo hiểm nhiều hơn nữa.
Nhưng cả bọn cũng đều hiểu rất rõ, không vào hang cọp thì không bắt được cọp con, không vượt sông cao trăm thước thì khó mà bắt được cá nghìn cân. Nay đã tìm được nơi lũ ốc lũ trai khổng lồ thành tinh ẩn nấp trong vực xoáy San Hô, vậy thì việc mò ngọc coi như cũng có một chút manh mối để bắt tay thực hiện. Chúng tôi thảy đều phấn chấn tinh thần, người nào cũng hết sức hưng phấn, bận rộn sửa soạn trên boong tàu, chuẩn bị chu toàn để xuống nước mò ngọc quý.
Tôi đứng trên boong tàu quan sát tình hình mặt biển, biển Nam Hải ba đào cuồn cuộn, dẫu không có gió thì sóng cũng dâng cao đến ba thước, nhưng chỉ cần nước triều rút đi thì vùng biển vực xoáy San Hô này sẽ lại bình lặng đến dị thường. Trời mù mịt mây, nhưng lại không có dấu hiệu gì của sóng to gió lớn. Nếu không phải trước đó hải khí tích tụ bùng phát, gây ra hiện tượng long thượng thủy đáng sợ nhường ấy, thì giờ đây, tình hình ở vực xoáy San Hô cũng chưa chắc đã ổn định được như vậy. Thật đúng là đến sớm không bằng đến đúng lúc, lúc này, mực nước đang xuống rất thấp, chính là thời cơ tuyệt vời để lặn xuống.
Tôi đưa mắt nhìn khắp bốn xung quanh, đột nhiên phát hiện mặt biển ở phía đuôi tàu lộ ra một hòn đảo đen trùi trũi, lúc nãy trước khi lặn xuống có thấy gì đâu, nó xuất hiện từ lúc nào vậy nhỉ? Nghĩ đoạn, tôi vội giơ ống nhòm lên quan sát kỹ hơn. Thường nghe nói, trên biển đột nhiên xuất hiện hòn đảo kiểu như vậy đa phần là sống lưng của con cá khổng lồ nào đấy, hoặc mai của một con rùa to đại bố tướng, những người không hiểu chuyện lại dừng tàu leo lên, khiến con vật khổng lồ giật mình lặn xuống, kéo cả người lẫn tàu theo xuống đáy nước sâu.
Shirley Dương nói, vừa nãy cô và bọn Minh Thúc đã dùng pháo Chấn hải để thử rồi, nó không phải thú biển khổng lồ trồi lên mặt nước, mà là một hòn đảo u linh xuất hiện do tác dụng của nước triều. Lúc nước triều dâng lên, hòn đảo đen kịt này sẽ hoàn toàn chìm xuống bên dưới mực nước, khi triều xuống, lại lộ ra một phần trên mặt biển, cũng bởi nó khi ẩn khi hiện như thế, nên mới gọi là “đảo u linh”.
Vùng biển vực xoáy San Hô này là nơi tập trung đủ các loại hiện tượng thần bí, một hòn đảo u linh cũng không có gì là lạ, lúc trước ở trên đảo Miếu San Hô tôi cũng từng nghe qua một số truyền thuyết về đảo u linh rồi. Dân chài và dân mò ngọc địa phương gọi nó là “cá voi đen”, cũng có khá nhiều lời đồn đại khác nhau, nhưng người thực sự nhìn thấy rồi thì lại chẳng có mấy ai. Nếu có đảo này làm vật tham chiếu, thì công việc mò vớt coi như thành công được một nửa rồi.
Tôi định bảo Minh Thúc lái thuyền về phía hòn đảo u linh ấy, lên trên xem xét coi sao, nhưng Shirley Dương nói, cô có dự cảm chẳng lành về hòn đảo đó, chắc đó chẳng phải là nơi tốt lành gì, tốt nhất không tiến lại gần thì hơn. Cô khuyên tôi từ bỏ ý định, chớ nên mạo hiểm vô vị làm gì, vả lại nước triều xuống quá thấp, địa thế xung quanh đảo u linh lại khá cao, tàu Chĩa Ba của chúng tôi khó lòng mà tiếp cận được.
Sau đó, Shirley Dương lại hỏi tôi có phát hiện dấu vết của tàu đắm dưới đáy biển không? Ở trên biển, chữ “đắm” cũng là chữ cấm kỵ, không được nhắc đến, nếu muốn nói tới tàu đắm, thì phải dùng ẩn ngữ, thay bằng chữ “bay”, nhưng tôi chẳng tin mấy chuyện bàng môn tà đạo ấy. Thời Cách mạng Văn hóa, Hồng vệ binh đả phá hủ tục mê tín, lên tàu lên thuyền ra sông ra hồ ra biển, lúc trên tàu trên thuyền còn ép nhà thuyền phải hét một nghìn lần chữ “đắm”, mà cùng chẳng thấy tàu thuyền nào bị chìm cả. Từ đó trở đi, tôi không tin mấy thứ kiểu này lắm, có thể là, nếu trên tàu có người mạng lớn, thì muốn tàu chìm cũng khó. Shirley Dương thì lại càng chẳng tin vào mấy thứ kỵ húy kiểu Trung Quốc này làm gì.
Tôi nhún vai với cô, dưới đáy biển chẳng có tàu chìm tàu đắm gì sất, có điều, cũng không thể vì vậy mà từ bỏ hy vọng, vì tôi phát hiện ra có mấy khe nứt rất sâu, trai ngọc và những cây san hô ở đó đều rất lớn, thuộc loại hiếm thấy trên đời. Nếu không phải sinh khí dưới đáy biển quá dồi dào thì khó lòng có được cảnh tượng như thế. Từ đây, có thể xác định nơi này một trăm phần trăm chính là điểm cuối của dư mạch Nam Long. Nếu dưới đáy biển thực sự có âm hỏa tiềm tàng, vậy thì nhất định thứ lửa ấy phun trào lên từ mấy rãnh sâu đó, nghĩa địa tàu đắm trong truyền thuyết hẳn cũng không xa đây lắm. Lúc xuống biển mò ngọc, tôi sẽ bảo mọi người lưu tâm hơn, nói không chừng lại có phát hiện đột phá cũng nên.
Shirley Dương gật đầu đồng ý. Lúc này Đa Linh lên boong tàu gọi mọi người vào ăn cơm, chúng tôi bèn vào trong khoang đánh chén, tiện thể bàn kế hoạch xuống biển mò ngọc luôn. Dựa trên thông tin tôi và Nguyễn Hắc thăm dò được dưới nước, địa hình đại thể của rừng san hô đã được vẽ lại thành một tấm bản đồ đơn giản.
Cơm Đa Linh nấu đa phần là món kiểu miền Nam Việt Nam, vừa chua vừa ngọt, thêm nữa là nguyên liệu trên tàu rất hạn chế, ngày lại qua ngày ăn uống đơn điệu, tôi ăn cơm mà cứ như uống thuốc vậy. Ăn vội ăn vàng mấy miếng cho qua bữa, rồi chỉ vào bản đồ miêu tả địa hình dưới đáy biển cho cả bọn. Vực xoáy San Hô, trên thực tế là một quần đảo hình bầu dục, các đảo quây lại thành một hình elip khép kín, vòng bên ngoài toàn là đá ngầm. Đây chính là vòng xoáy ngoài mà các thủy thủ giàu kinh nghiệm ở vùng này vẫn hay nhắc tới. Địa hình bên trong vòng xoáy ngoài rất phức tạp, càng vào giữa thì địa thế càng cao, điểm cao nhất ở giữa, có lẽ chính là hòn đảo u linh lộ ra trên mặt biển khi nước triều rút xuống. Khu vực này rất có thể là vùng đảo và núi non bị nhấn chìm cùng với sự hạ thấp của thềm lục địa. Dưới đáy biển, có mấy khe sâu không thấy đáy, nhiều khả năng thông ra vùng biển ngoài.
Giữa vòng xoáy ngoài và đảo u linh có một khu vực, địa thế hõm xuống như bồn địa, đáy biển mọc đầy san hô, hình thành một khoảnh rừng dưới đáy biển trải dài nhấp nhô, có những cây san hô cao đến mấy chục mét, trông sừng sững vững chãi vô cùng. Tuy dưới đáy biển, nhưng cảnh tượng vẫn hết sức hoành tráng. Trong khoảnh rừng ấy, nổi bật nhất là một cây lớn, trong suốt như thể bằng đồi mồi. Nơi đó phỏng chừng rất gần hải nhãn, cái cây ấy nhận được tinh hoa của hải khí và nhật nguyệt cả trăm nghìn năm, rốt cuộc mới thành ra như vậy. Cây đồi mồi ở độ sâu khoảng bảy tám chục mét đó chính là mục tiêu hàng đầu của hành động mò ngọc lần này.
Bên cạnh cây san hô lớn đó có một khe vực, độ sâu cụ thể không thể phán đoán được. Theo những gì tay thủy thủ sống sót trên tàu Mariana kể lại, tàu của bọn họ đã bị bão lốc cuốn vào vòng xoáy ngoài bình thường tàu bè khó có thể vượt qua, ở chỗ tàu đắm, mặt biển sáng như ban ngày. Đó là bằng chứng rõ ràng nhất chứng tỏ dưới đáy biển có long hỏa tiềm tàng. Tôi đoán, mấy khe sâu dưới đáy biển này, rất có thể chính là nơi âm hỏa của Nam Long phun trào. Nếu độ sâu vượt quá hai trăm mét, thì dù biết rõ tàu Mariana bị chìm vào đây, chúng tôi cũng chỉ biết nhìn mà thở dài tiếc nuối chứ chẳng làm được gì. Vả lại, trong khe vực sâu ấy còn có các dòng chảy ngầm, một khi đã rơi xuống đó, thì đúng là chỉ có trời mới biết xác tàu đã bị đẩy đến nơi nào rồi.
Sau khi tôi nói xong, Nguyễn Hắc bổ sung thêm một số chi tiết. Ông ta là dân chài lưới, lại có kinh nghiệm xuống biển mò ngọc. Trên đảo Miếu San Hô, ngoài mò ngọc dưới biển, một trong những cách quan trọng để duy trì sinh kế, chính là giúp đỡ các đội trục vớt xuống biển kiếm thanh đầu, vì bản thân người mò ngọc cũng có thể coi như thợ lặn bán chuyên nghiệp rồi. Với kinh nghiệm mò ngọc trai, cùng những hiểu biết trong việc vớt thanh đầu, Nguyễn Hắc có thể khẳng định chắc chắn một điều rằng, khoảnh rừng dưới đáy biển này cực kỳ nhiều cá dữ, mức độ nguy hiểm khi xuống nước mò ngọc cực lớn. Nhưng vừa nãy ở trong chuông lặn, ông ta cũng thấy rất rõ, lũ trai lớn dưới đáy nước sâu kia, con nào cũng ngậm ngọc, lấp lóa như ánh sáng trăng rằm, bản thân ông ta sống đến ngần này tuổi rồi cũng chưa thấy thứ nào giá trị đến thế. Đó là những sản phẩm diệu kỳ của tạo hóa, là linh khí dưới đáy biển tích tụ mà thành, sợ rằng trên thế gian này, chỉ vùng vực xoáy San Hô mới có mà thôi.
Từ bao đời nay, ở các đảo mạn Nam Hải này, dân mò ngọc là khổ nhất. Thảng như tổng kết những cảnh ngộ của họ lại, hoàn toàn có thể viết thành một bộ Huyết lệ sử của dân mò ngọc còn dày hơn cả cuốn Từ hải. Minh châu xưa nay vốn được phân thành “Đông châu” và “Nam châu”. Vùng ven sông Ninh Cổ Tháp thời Mãn Thanh có đặc sản Đông châu, mỗi hạt trung bình nặng khoảng hai đến ba chỉ[36], chủ yếu màu xanh da trời hoặc màu trắng, cũng có một số ít màu hồng phấn. Hạt Đông châu lớn nhất từ trước đến nay được ghi chép lại trong sử sách, là do một đứa trẻ địa phương bơi lội dưới sông, vô ý nhặt được trong miệng con trai, chuyện này xảy ra vào thời Khang Hy. Nghe nói, hạt Đông châu này đường kính khoảng một tấc rưỡi.
Nếu xét vẻ hoa mỹ quý hiếm của minh châu, Đông châu tuy cũng có chỗ hơn người, nhưng vẫn khó có thể so bì được với Nam châu cực phẩm. Thời trước, Nam châu là thứ phải tiến cống cho Hoàng đế sử dụng. Không có chiếu chỉ, dân mò ngọc cũng không được xuống nước. Lúc lặn xuống mò ngọc, trên tàu thuyền đều có quan binh giám quản. Dẫu cho biển động, không thể lặn xuống, quan binh cũng cưỡng ép, buộc dân mò ngọc phải đeo đá vào người cho chìm xuống, nếu để làm mất, hoặc quá kỳ hạn mà không tìm được ngọc quý, tất cả đều phải chịu hình phạt chặt chân tay. Từ cổ chí kim, thực không biết đã có bao nhiêu người mất mạng vì thứ này rồi, thi thoảng cũng có người ngẫu nhiên mò được Nam châu, nhưng đa phần đều bị đám gian thương lột mất, rốt cuộc, chỉ nhận được một phần nghìn giá trị của thứ mà họ phải đem tính mạng ra mạo hiểm mới mò được về ấy.
Dân mò ngọc đều biết, cho đến nay, viên Nam châu lớn nhất phát hiện được là từ thời Minh, khi Tam Bảo thái giám Trịnh Hòa ra biển đến Tây Dương. Tương truyền, trên tàu có thủy thủ vớt được một con ốc lớn, bỏ vào nồi nấu lên, vừa nổi lửa, nước trong nồi liền đột nhiên sôi sùng sục, nổ “oành” một tiếng, con ốc lớn bị đun cho dở sống dở chết trong nồi thình lình bắn vọt lên không trung. Khoang tàu trong chớp mắt mù mịt khói trắng như thể có sương mù, hai người ngồi đối diện cũng chẳng trông thấy nhau. Đám người nấu ốc ấy đều kinh hoảng tột cùng, vội tranh nhau chạy ra khỏi khoang. Hồi lâu sau, không thấy động tĩnh gì, họ mới dám trở vào xem xét, chỉ thấy con ốc lớn đã chết từ lâu, bên cạnh có một viên Nam châu to như mắt rồng, vì bị đun trên lửa nóng nên đã không còn phát sáng được, cũng không thể phục hồi.
Dưới đáy biển ở vực xoáy San Hô có suối nước ngọt phun trào, nước biển mặn vừa phải, lại tích tụ tinh hoa của hải khí và ánh trăng, nên Nam châu ở đây cơ hồ viên nào cũng to tướng. Lúc chúng tôi lặn xuống, mới thoạt nhìn qua đã thấy hạt châu tỏa sáng biến ảo, trên đời thật hiếm có thứ châu ngọc nào có thể sánh cùng. Chuyến này, nếu như thuận lợi, ít nhất cũng có thể mò được trăm viên ngọc chứ chẳng chơi. Từ hồi rời Việt Nam, cuộc sống của Nguyễn Hắc vẫn luôn khó khăn vất vả, rốt cuộc cũng đợi được cơ hội này, việc sang Pháp tìm người thân cho Đa Linh cuối cùng đã có hy vọng, nên ông ta có vẻ rất kích động, tỏ ý dù mạo hiểm mấy cũng đáng, làm được chuyến này thì chẳng uổng năm xưa liều mạng học nghề mò ngọc.
Nguyễn Hắc lại nói ra suy đoán của mình về tình hình dưới đáy biển. Khe sâu bên cạnh khu rừng san hô có dòng chảy ngầm và từng đợt từng đợt xoáy nước không ác liệt lắm, theo quan sát của ông ta, chỉ không hiểu tại sao thủy tộc ở vùng biển này thảy đều không dám lại gần. Lúc ở trong chuông lặn, ông ta đã dùng đèn công suất lớn chiếu xuống khe sâu, mơ hồ trông thấy cái bóng mờ mờ như của một con tàu lớn, có điều, Nguyễn Hắc cũng không dám khẳng định đó chính là tàu Mariana. Ở vùng biển nông gần đảo Miếu San Hô cũng có một nghĩa địa tàu đắm, nằm trong một khe sâu dưới đáy biển. Những con tàu đắm xung quanh, đều bị các dòng biển cuốn vào khe sâu đó, trải qua một thời gian dài, một phần khe sâu bị cát bùn và rong rêu che lấp, hình thành một tầng vỏ cứng, chỉ còn lại mấy lối có thể lặn ra lặn vào. Có rất nhiều đội trục vớt đến đó thử vận may, cũng có người tìm được khá nhiều món đồ tốt thật, nhưng cũng có kẻ đen đủi đi mấy chuyến liền, dốc hết tâm huyết tiền tài, cuối cùng tay trắng. Có khả năng, địa hình bên dưới vực xoáy San Hô cũng tương tự. Nơi này có cát biển trầm tích, đáy biển mà chúng tôi nhìn thấy có thể chính là một tầng vỏ xốp mềm hình thành từ cát bùn, tàu bè bị đắm sẽ lọt xuống, tạo ra những dấu vết thoạt trông tưởng như khe sâu dưới đáy biển. Những khe rãnh mà chúng tôi trông thấy khi lặn xuống, rất có thể chính là dấu vết của những con tàu đắm lưu lại.
Lời Nguyễn Hắc nói hoàn toàn chỉ là suy đoán, nhưng chúng tôi đều cảm thấy tương đối có lý, vậy là bèn lập tức xác định kế hoạch lặn xuống. Muốn lặn xuống, ít nhất cũng phải có một nhóm hai người để còn tiện hỗ trợ lẫn nhau. Có điều, người trên tàu đương nhiên không thể xuống nước hết một lượt, vì vậy, tôi quyết định chia thành ba nhóm A, B, và C. Tôi và Shirley Dương, Minh Thúc thuộc nhóm A, Nguyễn Hắc cùng đồ đệ Đa Linh là nhóm B, còn Tuyền béo và Cổ Thái là nhóm C.
Nhóm A và nhóm B sẽ đồng thời xuống nước, nhóm A sử dụng ba bộ trang bị lặn nước hạng nặng duy nhất mà chúng tôi có, lặn xuống gần khe vực, thăm dò xem bên dưới có tàu đắm hay không, sau khi xác định mục tiêu sẽ lập tức triển khai hành động. Có thể vớt được Tần Vương Chiếu Cốt kính lên hay không, chủ yếu là dựa vào hành động của nhóm này. Nhóm B và nhóm C thì sẽ luân lưu xuống mò ngọc ở rừng san hô. Cũng bởi các trang thiết bị và vật tư chúng tôi mang theo rất hạn chế, vả lại, thuật Ban Sơn Trấn Hải cũng có những giới hạn nhất định, nên nhân lúc thời tiết và tình hình mặt biển còn cho phép, hoàn thành công việc sớm phần nào là bớt mạo hiểm phần ấy.
Phân chia nhân lực như vậy, chủ yếu là do tôi nghĩ việc tìm xác tàu đắm rất cần nhân thủ, dù có ba người, thì lực lượng vẫn hơi mỏng một chút. Tuy nhiên, Minh Thúc có hiểu biết kha khá về kết cấu của các loại tàu thuyền, tương đối thành thạo việc dưới nước, để lão làm cố vấn kiêm trợ thủ, ít nhiều cũng có chút tác dụng. Ngoài ra, quan trọng nhất là phải có lão đi theo, tôi mới yên tâm lặn xuống vùng nước sâu, bằng không có trời mới biết lão già này sẽ lại giở trò quỷ quái gì. Thêm nữa, Shirley Dương là tinh anh trong Học viện Hảì quân Hoa Kỳ, cũng là một chuyên gia trinh sát dưới nước. Nhóm A lặn xuống khe sâu trong rừng san hô, dù có gặp phải chuyện gì ngoài ý muốn, cũng không khó rút lui an toàn.
Nguyễn Hắc, Đa Linh và Cổ Thái đều là dân mò ngọc chuyên nghiệp, bảo họ lặn xuống rừng san hô tìm ngọc, chính là làm những việc trước đây họ vẫn làm để sinh nhai, cũng có phần đảm bảo nhất định. Đồng thời, tách ba người nhà Nguyễn Hắc ra, để kẻ cực kỳ nhiệt tình hăm hở với sự nghiệp mò ngọc là Tuyền béo cùng làm với họ, còn có thể đề phòng ba người này thấy báu vật nổi lòng tham, bỏ lại ba người nhóm A chúng tôi mà lái tàu chạy nhất. Có điều, Nguyễn Hắc cũng không biết sử dụng Ti thiên ngư và Khôi tinh bàn, tôi sắp xếp như vậy chẳng qua cũng chỉ là đề phòng vạn nhất. Bởi lẽ, tôi hiểu rất rõ, một người nghèo túng quẫn bách rất dễ bị tiền bạc làm cho mờ mắt mà làm những chuyện họ căn bản không hề muốn làm. Dĩ nhiên, những tính toán này không thể nói ra với Shirley Dương được, tôi chỉ lẳng lặng tiến hành sắp xếp mà thôi.
Cả bọn đều hân hoan đồng ý, chỉ có Minh Thúc là lộ vẻ khó xử: “Đến cả lũ cá cũng không dám lại gần các khe sâu dưới đáy biển ở vực xoáy San Hô này, vì phần sâu bên dưới đều thông ra vùng biển bên ngoài, lũ quái vật khổng lồ dưới đáy đại dương thường chiếm cứ các nơi như thế làm sào huyệt, chúng ta tiến vào há chẳng phải tự đâm đầu vào chỗ chết à? Không nghe lời người già, thiệt thòi ngay trước mắt đấy, chú Nhất ơi, chú nghe Minh Thúc này nói đi. Dưới đáy biển, lợi hại nhất không phải bạch tuộc khổng lồ đâu, nghe đồn, tôm cua ở những vùng biển sâu thậm chí to ngang với cá voi đấy, trong đó lũ cua khổng lồ là khủng khiếp nhất, dẫu là loài hung ác như giao long thuồng luồng cũng không dám đụng vào bọn chúng. Các chú muốn đi thì tự mà đi với nhau, tôi… tôi thấy tôi hợp đi mò ngọc trai hơn.”
Tôi biết lão này muốn giở trò yêu ngôn hoặc chúng dọa dẫm mọi người, bèn nói thẳng vào mặt lão: “Nếu có con cua to như thế thật, vậy phải bán bao nhiêu tiền? Với lại, bác chẳng bảo bác là sói biển đánh không chết, quật không ngã đấy sao? Người dám cạo vàng trên mặt Phật, thọc tay vào chảo dầu sôi mò tiền như bác mà còn sợ hạng cua cáy ấy à? Vả lại, chuyến này chúng ta ra biển, đã nói trước là có tiền mọi người cùng chia, có nạn mọi người cùng gánh, nhưng giờ vừa mới định mạo hiểm một chút bác đã muốn né tránh rồi, sau này trở về chia tiền chia của, tôi cũng tránh bác, lúc ấy bác đừng có mà trách tôi đấy nhé.”
Minh Thúc vừa nghe đến chuyện chia tiền, liền đành im ỉm chấp nhận, dẫu có xuống biển lửa thì cũng phải xuống một phen. Lần này nếu thành được đại sự, thì bao nhiêu tổn thất mấy năm trước coi như bù đắp được hết, tỷ lệ thành công là năm ăn năm thua, lão thấy đánh liều cũng đáng, ai bảo tròng mắt đen ngòm của lão chỉ thấy bạc trắng ròng ròng thôi chứ.
Mọi người bàn bạc đã xong, liền dốc toàn lực ra bắt tay chuẩn bị, sắp đặt trên mặt biển mấy cái phao nổi dùng để định vị, tìm ra vị trí của cái cây lớn nhất dưới đáy biển kia, tiếp sau đấy, sẽ phải dùng đến thuật Ban Sơn Trấn Hải của Ban Sơn đạo nhân để đối phó với lũ cá dữ dưới nước. Tôi ra phía mũi thuyền, đốt cái lò hương cũ kỹ hình con vịt bằng đồng lên, chuẩn bị mời “Dưa thần” về.