Chương 1: Thôi lão đạo bắn thiên cẩu

Thôi lão đạo bắn thiên cẩu

Từ cổ xưa, thời điểm vẫn còn hoàng thượng, thành Bắc Kinh, chín cửa thành đều có trấn vật. Trấn vật ở cửa thành phụ là bức chạm trổ hoa mai ở bên phải Ủng thành (bức thành nhỏ ở ngoài cổng thành). Vì cửa thành phụ vận chuyển than đá qua lại lâu ngày, đường đi bên dưới ám toàn than đá đen kịt, rất nhiều phu kéo lạc đà chuyển than cũng ở đó, mà chỗ họ ở không mấy cái giống nhà, chỉ toàn là “ly ba đăng” (hàng rào đèn). Thực ra “ly ba đăng” cũng vốn không phải là đèn, người nghèo ở đó không làm được nhà ngói, dựng đại mấy cây cột gỗ thành cái khung, trên nóc rải cỏ, lấy thân cây cao lương quét vôi trắng làm vách, người ở đó gọi là “Ly ba đăng”.

Ở nơi bần cùng khốn khổ “Ly ba đăng” đó có một sạp bói quẻ. Tiên sinh xem bói khoảng chừng hơn ba mươi, vốn xuất thân từ gia đình đại phú, tổ tiên truyền lại ba cửa hiệu, một hiệu kinh doanh thư họa cổ, một hiệu kim châu bảo ngọc, một hiệu kinh doanh tơ lụa. Có điều truyền đến đời gã thì gia cảnh sa sút, của cải bạc vạn đều tiêu tán, gã cùng con gái nhỏ tới kinh thành bốc quẻ, với chút vốn hiểu biến trong bụng kiếm phần cơm tạm bợ.

Đối diện sạp coi bói của gã là một hàng sửa giày da, thợ giày tuổi chừng ba mươi, tướng mạo hung dữ. Nhà hắn ở Sơn Tây, vì đói kém thiếu nợ quá nhiều, bất đắc dĩ phải bán xới tới thành Bắc Kinh vận chuyển than đá kèm thêm nghề vá giày, cả ngày đi sớm về khuya, không nỡ ăn, không nỡ mặc, tính toán xem còn bao nhiêu tiền, mang về cho vợ con. Thầy bói có bụng dạ tốt, thấy thợ giày không có chỗ nương tựa, gặp khi mưa gió không mở hàng được đều mời thợ giày tới nhà gã ăn cơm, ngủ lại qua đêm. Qua lại thường xuyên, hai người liền trở thành bạn tốt.

Một hôm như vậy, thợ giày kiếm được một món bảo vật từ đồng hương. Vị đồng hương kia là một kẻ gian chuyên đào trộm mộ. Trước đó không lâu móc được một cái thúy ngọc ban chỉ (nhẫn đeo tay bằng ngọc bích), bóng loáng xanh biếc. Vương công quý tộc nhà Thanh cưỡi ngựa bắn tên, trên tay đều có ban chỉ, người bình thường không dám dùng.

Đồ này là đồ tốt, có điều đến lúc cần dùng tiền thì mấy mối béo bở đều bỏ của chạy lấy người, dưới chân thiên tử, trước mặt là vương pháp, ai mà không sợ rơi đầu chứ? Vị kia nhất thời không tìm được người mua, đành phải tới cầu cạnh đồng hương. Thợ giày cho rằng cơ hội tới rồi, có thể phát tài, liền bỏ tiền mồ hôi nước mắt khốn khổ suốt ba năm đổi lấy cái ban chỉ này. Hắn không dám trưng ra quầy hàng mà chạy thẳng đến tìm thầy bói. Đóng cửa lớn lại, hắn bảo thầy bói đốt đèn, rút gói vải từ trong ngực ra, mở tiếp mấy lớp da dày bọc bên ngoài, vừa mở vừa nói: “Thợ giày thối tôi, ở thành Bắc Kinh không ai vừa mắt, chỉ có lão huynh xem trọng, chiếu cố tôi không ít, đang không biết báo đáp thế nào thì trời liền cho tôi vận lớn. Tôi kiếm được từ trên tay bọn trộm mộ một cái ban chỉ. Vật này quý giá vô cùng, là một trong thập đại trân bảo của Thanh triều, Hãn Vương xưa chỉ huy quân Bát Kỳ (thuộc tộc Mãn của Trung Quốc) vào cổng thành, một con ngựa ba mũi tên định thiên hạ, chính là dùng cái ban chỉ này giữ dây cung!”

Thầy bói hoảng sợ nhảy dựng lên: “Trân bảo chôn theo vương tôn công tử đương triều không phải chuyện đùa, phải biết rằng da thịt còn có tình, vương pháp vô tình. Thành Bắc Kinh lại là nơi nổi tiếng nghiêm khắc, ngộ nhỡ bị buộc tội “nhanh tay lẹ mắt”, kẻ phạm tội bị chém đã đành, phần mộ tổ tiên cũng không yên nổi!”

Có điều dưới ánh nến, nhìn qua gói vải một chút, gã liền yên tâm nói với thợ giày: “Anh á! Còn không mau ra ngoài mua lấy cục băng ướp lạnh nó đi!”

Thợ giày khó chịu nói: “Ý anh là gì? Cần băng làm gì?”

Thầy bói nói: “Anh bị lừa chứ sao, cái này làm bằng đường thỏi, không mang ướp lạnh, nó chảy ra mất toi thì sao? . Thành Bắc Kinh này nơi nơi đều là “Lược giao hàng”(hàng giả), ngay cả thần tiên còn không tránh khỏi có lúc nhìn nhầm, cứ tưởng rằng được mối lợi, ai ngờ lại mắc mưu chịu thiệt. Toàn bộ tiền ba năm sửa giày cực khổ kiếm được đều đã không còn, gã lại là người ngắn học, nhất thời trong lòng bứt rứt không biết làm sao, liền chạy ra nhảy xuống con sông đào hộ thành.

Thầy bói đuổi đến, mượn móc câu, kéo gã lên, khuyên nhủ một hồi lại đưa cho gã chút tiền, khuyên hắn bỏ suy nghĩ tự tìm cái chết.

Đảo mắt đã sang tháng Chạp, thợ giày từ biệt thầy bói về nhà ăn Tết. Thời gian này làm ăn không tốt, nghe nói vải bố Sơn Tây vừa bền vừa rẻ, thầy bói muốn đánh một lô hàng, nhân dịp cuối năm kiếm chút tiền chênh lệch giá, chủ ý đã định, gã cũng mang theo lộ phí đi Sơn Tây. Không ngờ giữa đường gặp phải chiến trận, chậm trễ mất mười ngày, nửa đường lại gặp loạn quân, gã hoảng hốt chạy bừa chốn vào núi hoang, đi mấy ngày không thấy đường.

Chẳng mấy chốc đã tới đêm ba mươi nhưng chỉ thấy mây đen dày đặc, gió bắc thổi qua, trời đầy tuyết giăng, núi non trùng điệp, thoáng trông không có dấu chân người. Thầy bói vừa lạnh vừa đói, đi không nổi nữa, nghĩ mình có lẽ phải chết cóng ở chỗ này. Chợt thấy trong gió tuyết có một căn nhà tường lở ngói vỡ, hình như có người ở, trong đó mơ hồ hắt ra ánh đèn. Gã thấy đường sống, vột vã chạy tới gọi cửa. Cửa nhà vừa mở, một người bước ra, vạn lần không thể ngờ, căn nhà này lại chính là nhà của thợ giày kia.

Thợ giày thấy thầy bói vẻ mặt đầy tiều tụy, vội vàng mời gã vào nhà, nấu canh nóng cho gã uống, thầy bói lúc này mới từ cõi chết trở về. Hai người hàn huyên lại nguyên do xa cách đều xúc động rưng rưng. Thợ giày kêu vợ con ra dập đầu trước ân công, vợ gã là người phụ nữ nông thôn bình thường, chưa từng thấy qua chuyện đời, thằng nhỏ nhỏ ước chừng bảy tám tuổi, bộ dạng khỏe khoắn, kháu khỉnh, tên mụ là Hổ Oa, thấy người lạ cũng ngại không dám lên tiếng.

Thầy bói vốn chạy thẳng một mạch tới nơi đây, không mang theo gì, sờ thấy trên người còn một cắc bạc vụn. Người Bắc Kinh coi trọng lễ nghĩa, ngày tết gặp trẻ nhỏ, đều phải mừng tuổi chút tiền. Thầy bói không có gì, lấy cắc bạc ra đưa cho Hổ Oa, Hổ Oa lắc đầu không nhận.

Thầy bói nói với thợ giày: “Anh xem thằng nhỏ nhà anh này, cũng thật là phép tắc quá đi, tôi cho nó bạc nó còn không nhận.”

Thợ giày liền nói với Hổ Oa: “Bác con không phải là người ngoài, cho con bạc con có thể cầm.”

Hổ Oa vẫn lắc đầu không chịu đưa tay ra nhận bạc.

Thợ giày nói: “Con còn nhỏ chưa từng nhìn thấy, không biết được là gì, cái này gọi là bạc đó!”

Hổ Oa nói: “Thứ này có rất nhiều, con cần nó làm gì.”

Thợ giày nói: “Mồm con nít, cái gì cũng nói được, nếu như có rất nhiều bạc, cha với bác của con còn phải nghèo khổ như thế này không?”

Hổ Oa nói: “Thật là có cả đống mà, mấy ngày hôm trước con lên núi kiếm củi, nhìn thấy một sơn động, bên trong toàn là là thứ này.”

Thợ giày cùng thầy bói nửa tin nửa ngờ, hôm đó ăn tối xong, nghỉ ngơi một chút liền lên giường đi ngủ. Qua ngày hôm sau, gió tuyết ngừng, thợ giày bảo Hổ Oa dẫn bọn họ đi xem. Ba người đi vòng sau thôn, quanh co trong núi một hồi thì tới một chỗ, trên sườn núi chỗ đó chôn một tấm bia đá. Trải qua thời gian quá lâu tấm bia đã bị vỡ, xung quanh cỏ ngải mọc um tùm che kín. Hổ Oa gạt cỏ dại sang hai bên, phía dưới là một huyệt mộ. Thợ giày bảo Hổ Oa chờ ở bên ngoài, hắn và thầy bói đốt đuốc, xách dao đốn củi một trước một sau đi vào.

Vừa giơ đuốc lên soi liền thấy trên sườn bia đá có chữ viết: “Ngộ hổ nhi khai, hữu long tắc hưng” (Gặp hổ thì khai mở, có rồng thì hưng thịnh). Hai người tôi nhìn anh, anh nhìn tôi đều không nói được lời nào. Lại thấy bốn chiếc rương nằm đó, nắp rương mở một nửa, phủi bụi đất đi, bên trong toàn là đĩnh vàng bạc nguyên bảo (đĩnh vàng hoặc bạc thời xưa, một đĩnh bạc thường nặng 50 lượng, một đĩnh vàng thường nặng 5 hoặc 10 lượng), hai người nhìn thấy mắt đều dựng lên.

Trong huyệt mộ cũng không có quan tài, chỉ có một bộ xương khô nằm rải rác trên bệ đá, không biết là người nào. Bên cạnh đặt một cái tráp bọc da phủ đầy tro bụi.

Hai người lạy bộ xương khô vài cái, tiến tới mở cái tráp da ra, bên trong tráp là một quyển sách cổ, trang sách vô cùng cũ nát.

Thợ giày vốn không biết nhiều chữ nghĩa, chỉ dán mắt vào vàng bạc trong rương, hắn nói với thầy bói: “Trời cho hai cha con tôi phát tài, lúc trước không nhờ có lão huynh cứu giúp thì tôi cũng không thể có ngày hôm nay, bốn rương vàng bạc này, chắc là nên chia đều đi.”

Thầy bói ngẩng đầu, qua làn ánh sáng thấy mặt gã thợ giày hiện lên như ác hổ hung tợn muốn lập tức cắn xé người. Thầy bói vốn là kẻ hiểu biết, có một câu thành ngữ thế này “Nói chuyện nghe thanh mà, chiêng trống nghe âm nhi” (Ý là qua giọng điệu của muột người mà đoán biết tính cách của họ, qua âm thanh của chiêng trống mà phán đoán nó tốt xấu), nghe qua lời trong lời ngoài của gã thợ giày, thầy bói cũng có thể hiểu được, trong lòng lay động, vội nói: “Lão đệ nói gì vậy, không phải nhờ anh cứu giúp, tôi cũng đã chết ở chân núi rồi, cho nên anh vốn không có nợ tôi. Con của anh tìm được cổ mộ, đồ bên trong đó đều là của nhà anh, mệnh trời đã như vậy, lại có thể tính toán được sao!”

Thợ giày vẫn nói muốn chia đều: “Ít nhiều huynh cũng phải lấy một chút chứ, không thì chính là huynh khinh thường tôi đó.”

Thầy bói đành nói: “Vậy thế này đi, bốn rương vàng bạc toàn bộ đều là của anh, quyển sách cổ trong hộp thì cho tôi.”

Thợ giày hỏi: “Trong sách có đạo pháp thần binh hay sao?” (ý là pháp thuật của đạo gia như đuổi ma, trừ tà. . . )

Dưới ánh đèn cầy, thầy bói thử lật giở trang sách, cuốn sách dường như viết về bí quyết “tầm long chi thuật” (thuật tìm long mạch trong phong thủy), xem ra bộ xương khô trong mộ kia khi còn sống là một vị “Thiên quan” (chỉ người trộm mộ), dân bản xứ ở đây có truyền thuyết về “Thiên quan” nhân, gần giống với chân nhân trong đạo gia, hiểu biết bát quái, thông tỏ âm dương, có thuật tầm long.

Thợ giày vốn không hiểu biết gì, hắn là “Tỉnh để chi oa, sở kiến bất đại; huỳnh chúc chi quang, kỳ lượng bất viễn”, (Tạm dịch là: ếch ngồi đáy giếng, việc trông thấy không nhiều, chỉ như ánh sáng đom đóm phát không xa – Trích từ 《 Phong thần diễn nghĩa 》), vừa nhìn thấy không phải là đạo pháp thần thông gì, hắn cũng không muốn tranh giành, liền tiện thể đưa luôn cho thầy bói. Đào bới đồ trong cổ mộ, dù sao cũng đã phạm vào vương pháp, chia cho thầy bói một chút cũng có thể khiến cho gã ngậm miệng, thợ giày liền an tâm.

Hai người thu dọn đồ xong liền hướng về phía bộ xương khô lạy ba lạy, đào huyệt mai táng, sau đó mang bốn rương vàng bạc kia xuống núi. Nói đến mấy chiếc rương, chính là loại rương đặt trên giường lò của vùng nông thôn Trung Quốc, một chiếc đặt dọc theo vừa vặn bằng mép giường, một chiếc đặt ở đuôi giường sát mép tường, nhét vừa hai người lớn. Trong rương chứa đầy vàng bạc, một mình mang không nổi, hai người gói lại cho vàng bạc vào từng bao cõng mấy ngày mới hết. Thầy bói không dám ở lâu, sau khi từ biệt thợ giày liền ra đi suốt đêm. Về đến ngoài cổng thành rồi nghĩ lại mà trong lòng vẫn còn run.

Gã xuất thân là gia đình tài phú, lúc hạ sinh gã mẹ gã mơ thấy có hổ đến cướp, không biết lành dữ thế nào, nên mới đặt tên cho gã một chữ “Triết” (thông minh, sáng suốt), tự là “Ngộ Hổ” (gặp hổ). Nửa câu đầu khắc trên bia đá là “Ngộ hổ nhi khai” (Gặp hổ thì mở), chẳng phải là chỉ gã đó sao? Gã cũng nhìn ra thợ giày là người thế nào, cũng bởi quá bần cùng, nghèo khổ mà ra, người như vậy đừng để cho hắn thấy hơi tiền, thấy hơi tiền liền nổi máu tham, không có chuyện gì là không làm được.

Sau khi trở về, thầy bói vẫn mở hàng ở gò đất bên cổng thành xem bói, những lúc vắng khách, gã lại mở xem sách cổ, ghi nhớ từng câu từng chữ trong lòng. Trang cuối cùng cuốn sách chỉ có bốn câu: “Cần tìm chính xác để xem hình dạng thật, quẻ âm dương cân nhắc trong lòng. Sáu mươi tư quẻ không có quẻ nào biết được, chỉ e rằng tầm long đến tận cùng chỗ ấy. . .” Bên dưới vẽ một quẻ đồ hình, trong hộp da còn dấu một miếng ấn quan, trên có hai hàng chữ Triện (chữ cổ): “Thiên quan tứ phúc, bách vô cấm kỵ.” (Thiên quan ban thưởng, không gì kiêng kỵ).

Gã là người có căn cốt thông tuệ, người khác xem có thể không hiểu, đến tay gã vừa xem liền hiểu ngay, vì vậy cũng học được căn cơ của thuật tầm long. Sau đó người này không chỉ biết xem bói, còn kiêm luôn cả xem phong thủy cho người, phán chính xác cả chuyện âm dương, từ đó danh tiếng nổi khắp thành Bắc Kinh.

Không ngờ có một ngày thợ giày lại tìm tới nhờ xem phong thủy, kể rằng sau khi phát tài, những thứ người sống nên có gã đều có, cuộc sống tột cùng sung túc, liền nghĩ tới liệt tổ liệt tông, hắn không chỉ muốn xây Từ Đường mà còn muốn di dời phần mộ tổ tiên, đến nhờ thầy phong thủy tìm giúp hắn chỗ đất phong thủy hưng vượng.

Thầy xem bói nghe người đồn đại: “Thợ giày làm giàu bất nhân, lòng tham không đáy”, không định qua lại với người này nữa, có điều biết người này vốn không thể chọc vào. Liền trầm ngâm một hồi lâu rồi nói: “Một phần đất tốt một phần phúc, phúc phần không đủ, chiếm vô dụng. Người vô phúc mộ tổ tiên chôn ở đâu cũng vô ích. Anh cứ suy nghĩ thật kỹ, nếu như thật sự động phần mộ tổ tiên, tương lai cũng phải làm thêm nhiều việc nhân nghĩa. Không cần tìm đâu xa, ngọn núi phía đông huyện thành của anh chính là long mạch. Đón thần tránh quỷ, mộ phần không định trước, không được tự ý dời quan tài mà phải theo đúng thời gian tôi chỉ dẫn mà khiêng quan tài ra ngoài, cứ hướng lên núi mà đi, lúc nào dây thừng nâng quan tài đứt, chỗ đất quan tài rơi xuống chính là long huyệt!”

Thợ giày hỏi thầy xem bói thời gian cụ thể rồi về nhà chuẩn bị, dời quan tài trong phần mộ tổ tiên vào từ đường cúng bái. Lễ động thổ dời mộ cũng được tổ chức như đưa tang lần thứ hai. Hắn tiền muôn bạc vạn, bày trò phô trương lãng phí, trước thời hạn đã định hắn rình rang dựng lều phía trước từ đường, niệm kinh, làm đạo trường (nơi làm phép thuật của thầy thu hay đạo sĩ), mời danh quán “Tụ hợp thuận” tới đặt tiệc tang lễ, đặt mấy chục bàn, rượu thịt trên bàn như nước chảy, chỉ có thiếu người chứ không thiếu tiệc. Cho dù là người không quen biết, chỉ cần tới dập đầu hai cái là có thể tùy ý ăn uống. Lại tìm hơn một trăm hòa thượng, đạo sĩ, ni cô, lạt ma, niệm “ngũ phủng đại kinh”, mở pháp hội sơn hào hải vị đầy nhà.

Lần đưa tang thứ hai này, dây dưa tới hơn một trăm ngày, theo giờ tốt đã định khiêng quan tài ra khỏi thành. Theo lệ cũ chú ý “Đổi mộ phần không đổi quan”, tránh mở quan tài kinh động tổ tiên, chỉ làm một cái lọng lớn che bên ngoài quan tài, lọng được trang trí bằng ngọc bội Vân Hải, mép viền vàng, kim tuyến, rủ xuống tua vàng, cần bao nhiêu khí thế có có bấy nhiêu. Thời đó quan tài phủ lọng, sáu mươi bốn phu khiêng đã là hoành tráng lắm rồi, thợ giày còn chơi trội dùng xà kép, thuê một trăm năm mươi phu khiêng đòn thay nhau nâng quan.

Đội ngũ mở đường phía trước mang đăng (thứ đồ dùng để đựng đồ cúng), cờ, chiêng, ô, lọng, giáo mác búa rìu hướng lên trời, lại có hai đoàn nhạc công, vừa vặn một trăm lẻ tám đồng nam đồng nữ, ai nấy đều bưng lư hương, khói hương lượn lờ. Đội ngũ phía sau mang theo ‘tang phổ”, là thứ mà trước kia người ta hay dùng để thị uy. Chắc các bạn sẽ thắc mắc: “Phổ là cái thứ đồ chơi gì?”. Giống như quan chức đi tuần có mộc bài, trên viết “Yên lặng, tránh đường” gọi là “quan phổ”, “quan phổ” cũng được dùng để chỉ người miệng lưỡi kiểu cách, ra vẻ quan cách.

Tang phổ là loại phổ nhiều màu sắc, đầu thẻ gỗ bôi phấn vàng, hai bên có treo đèn lồng tua rua, trên viết tên họ, đạo hiệu, ngày sinh cùng với ngày giờ mất. Thời đó người ta quan niệm có đạo hiệu có thể thăng thiên, tổ tiên hắn còn nghèo hơn cả hắn, lúc chết chỉ có ông nội hắn là có được cỗ quan tài còn lại toàn bộ đều ném ở núi hoang làm mồi cho chó hoang, đại danh không có, lấy đâu ra đạo hiệu, cái này cũng là sau khi giàu có hắn bỏ tiền ra mời người về phong cho. Một nghìn tám trăm người tiền hô hậu ủng đưa quan tài phủ lõng ra khỏi huyện thành đi về phía đông, gióng chống khua chiêng, uy thế rung động cả vùng.

Ngoài cửa đông của huyện thành có một ngọn núi không cao lắm, thế núi vững trãi. Nhóm người khiêng quan tài lên trên sườn núi, chợt thấy dây nâng quan tài đứt, lập tức đào huyệt mộ chôn quan tài. Ứng với âm dương phong thủy trong câu nói kia.

“Hữu địa phi nhân bất hạ, hữu nhân phi thì bất hạ”. Những lời này nghĩa là gì? Tức là có đất phong thủy tốt không có người thích hợp thì không chôn được. Có người thích hợp nhưng không vào giờ phù hợp thì cũng không chôn được. Thợ giày có được thời vận này, phần mổ tổ tiên nhà hắn có được vị trí vô cùng đắc địa, nếu không phải người tinh tường thì nhìn không nhìn ra được. Nếu là người có con mắt nhà nghề, nhìn qua liền giật mình. Ngọn núi phía đông huyện thành hình dạng giống như một cái ghế ngồi đối diện với cổng thành phía đông, giống như một cái bàn thờ thiên tạo vậy, nhân dân trong trấn ngày ngày nhóm lửa thổi cơm, chẳng khác nào bày đồ cúng phần mộ tổ tiên nhà hắn. Quanh năm suốt tháng không ngày nào không thờ phụng. Đối với phong thủy mà nói, vừa hay hợp thành một cách gọi là “Nhật hưởng thiên trác cung, dạ thụ vạn trản đăng” (Ngày hưởng ngàn mâm cúng, đêm nhận vạn ngọn đèn).

Theo Yêu Giản Thư nói lại, từ khi thợ giày dời phần mộ tổ tiên, hắn giống như gặp được vận lớn, làm gì cũng phát tài, mà không chỉ vận làm giàu, quan lộc của hắn cũng suôn sẻ, có thể nói là một bước lên mây. Về sau, con của hắn cũng làm quan, nhận nhiều bổng lộc, thăng chức rất nhanh. Tục ngữ có câu: “Lão miêu phòng thượng thụy, nhất bối truyền nhất bối” (đại khái nghĩa là con mèo ngủ trong buồng đã quen, thì đời sau của nó cũng vậy – ý chỉ tính nết di truyền), lòng tham của hắn cũng truyền lại, con của hắn còn tham lam hơn hắn, tiền càng nhiều thì càng tham lam, tâm địa càng đen tối, đảo mắt đã vô ơn, lừa trên gạt dưới, tàn hại người lương thiện. Hai cha con hắn lo lắng có người tới phá phong thủy phần mộ tổ nhà mình, nghĩ ra một kế nhổ cỏ tận gốc. Liền ra lệnh cho thủ hạ mời thầy bói tới xem phong thủy cho từ đường nhà mình, nửa đường đánh lén một gậy, cột vào tảng đá lớn rồi ném xuống sông Hoàng Hà.

Thầy bói trước khi đi đã dặn dò vợ nhiều lần: “Thợ giày lần này tìm ta, chỉ sợ là lành ít dữ nhiều. Nếu ta không chỉ điểm long mạch cho người khác cũng không đến mức lãnh họa sát thân này. Ta tự làm tự chịu, không oán hận ai được. Các ngươi nhanh chóng trốn về quê, rồi chôn quan ấn và sách cổ, đời sau của ta không được phép ăn chén cơm phong thủy này nữa, cũng không cần báo thù cho ta, không quá ba năm, kẻ thù ắt gặp báo ứng.”

Không ngoài dự đoán của gã, ba năm trôi qua, tường thành phía đông huyện thành vì quá cũ nên đổ sụp, cửa thành bị đá rơi xuống bịt lấp lại. Chỗ đó ngày một suy sụp, nghèo khổ. Nhà nước không cấp bạc sửa lại cổng thành, lý do vì phía đông đều là núi, không có người lui tới, còn lại ba cửa thành vẫn đủ dùng, cửa đông bị phá hỏng cũng không quan trọng.

Chỉ có điều không ai biết được cửa thành này bị lấp đã chặn đi nguồn thờ cúng của tổ tiên gã thợ giày kia, giống như người ở trong phòng kín thở không nổi, gia thế ngày một xuống dốc không phanh. Vận làm quan của cha con hắn cũng chấm dứt, bị hạch tội khi quân phạm thượng, cả nhà bị tịch thu tài sản, cả nhà bị chém, phần mộ tổ tiên đều bị san phẳng.

Về phần hậu nhân của thầy bói, vẫn luôn sinh sống ở nông thôn, gia cảnh vẫn nghèo khó, cũng không còn xem long mạch cho người khác. Tổ truyền như vậy, truyền đến đời Bạch Bán Lạp, quan ấn cùng với sách cổ vẫn chôn ở quê nhà, trước sau không dám dùng tới. Bạch Bán Lạp có người huynh đệ kết nghĩa, tên là “Hạt Lão Nghĩa” (Lão Nghĩa Mù), theo sư phụ học phép thần thông, thầy của hắn là Kim Toán Bàn, sư tổ là Trương Tam thái gia, tất cả đều là Mô kim hiệu úy tiếng tăm lừng lẫy, nói tới thủ đoạn đào trộm mộ, không mấy người qua nổi anh ta. Chỉ có điều Hạt Lão Nghĩa thị lực không được tốt, ban ngày ban mặt ra cửa cũng có thể đâm đầu vào tường nên không ăn nổi chén cơm này.

Hạt Lão Nghĩa nghe Bạch Bán Lạp kể lại chuyện của tổ tiên mình thì nói: “Thứ mà Tổ tiên anh trước kia truyền lại gọi là “Lăng Phổ”, còn gọi là bí quyết tầm long, thực tế không phải là sách về xem âm dương phong thủy trên giang hồ, mà chính là Phát khâu mô kim bí quyết. Sách của sư tổ tôi là Trương Tam thái gia truyền dạy lại cũng chưa được đầy đủ, toàn vẹn bằng sách này, cái kia mới dạy mười sáu chữ ứng với mười sáu quẻ, còn cái này là những sáu mươi tư quẻ ứng với sáu mươi tư chữ. Ấn kia là Phát Khâu ấn, là vật chí bảo từ cổ xưa, sao lại có thể bị chôn vùi ở nơi trần tục thế này. Một người không thể đoạt bảo vật từ âm ty, cần có năm ba tinh hoa nhân lực, nhiều cũng vô dụng. Anh hãy nhập bọn với chúng tôi, chỉ cần hai người chúng ta lĩnh xướng là có thể xuất nhập chốn âm dương như đi trên đất bằng!”

Bạch Bán Lạp khi đó nghèo đói tới mức sắp không có gì ăn rồi nhưng vẫn mặc cho Lão Nghĩa khuyên sống khuyên chết, một mực không động tâm. Không phải gã không muốn phát tài, cũng không phải là không có lá gan, vậy thì lý do tại sao?

Cái đó cần phải xem lại chuyện trước kia, lúc gã còn là một tiểu tử chừng mười tuổi, không người thân thích, chạy nạn đến biến giới Liêu Hà, sống bằng nghề chăn trâu thuê. Ở nơi đó, ông chủ gọi bọn đầy tớ nhỏ như gã là tiểu bán lạp, nghĩa là làm một nửa việc, ăn một nửa cơm. Ông chủ này của gã tuy không phải là địa chủ, nhưng có mấy thưởng đất (1 thưởng = khoảng 1ha), hai con trâu cùng vài con la, ngựa, tìm tiểu bán lạp để ban ngày chăn trâu, ban đêm cho gia súc ăn, một ngày cho gã hai bữa cơm, buổi sáng ăn khô, buổi chiều ăn cháo loãng.

Phía đông nhà có một cái sân, phòng lát gạch vuông, tường cũng lát gạch vuông. Đầu phía tây gần một tòa điện trấn sông, trong điện thờ Long Vương, lâu rồi không ai hương khói, giăng đầy bụi đất mạng nhện, bên ngoài hiên đã sụp một nửa. Đền tuy rằng đổ nát nhưng truyền thuyết nói rằng nơi này có thần tiên.

Ông chủ là người từ nơi khác đến, vốn không tin ba cái chuyện cũ rích kia, lại muốn mở rộng sân viện, hắn mượn bức tường phía sau điện trấn sông, làm hai gian nhà gạch mộc. Tường điện bằng gạch viên, tường nhà làm bằng gạch mộc đắp đất, ba mặt tường nhà đất bám lấy một mặt tường gạch. Dù sao người cũng không dám ở, chỉ để làm kho chứa củi nên cũng không lo sụp. Trước vựa củi làm một cái chuồng gà, nuôi một ổ gà, hàng ngày đẻ trứng. Mỗi buổi sáng cũng nhặt được khoảng hai chục trứng. Ở góc vựa củi có một cái hũ lớn đựng trứng có nắp đậy rồi lại dùng tảng đá chẹn lên trên để tránh cáo hoang ăn trộm. Nhưng điều kỳ quái là, qua ngày hôm sau nhìn vào hũ, toàn bộ trứng bên trong đều không thấy, chỉ còn lại vài cái vỏ trứng rỗng.

Từ lúc có vựa củi, trứng gà ông chủ đặt trong hũ không giữ được quả nào. Cái hũ kia vừa sâu vừa lớn, mèo chui vào đó cũng không ra được, lại dùng một tảng đá lớn đè lên trên, vậy thứ gì có thể mang trứng đi đây?

Người khai hoang làm ruộng, vốn không muốn gây thù chuốc oán, có điều nhịn không được, ba lần bảy lượt mất trứng cũng không phải là việc nhỏ nữa rồi. Ông chủ đứng ngồi không yên, sau khi trời tối, một mình hắn ngồi xổm ở bên ngoài vựa củi, đợi tới nửa đêm thì nghe được bên trong có tiếng động. Vựa củi làm bằng gạch đắp đất, trên nóc phủ cỏ tranh, che không kín hết. Ông chủ vịn cửa nhìn vào chỉ thấy ánh trăng đầy trời, sương giăng đầy đất, một con rắn lớn từ giữa nóc nhà trườn xuống, chỉ thấy đầu mà không thấy đuôi, nó dùng đầu đẩy tảng đá trên hũ đi, nuốt từng quả từng quả trứng gà, quấn trên xà giũ vài cái rồi phun vỏ trứng ra, rồi lại bò lên nóc nhà đi mất, chớp mắt đã không thấy tung tích.

Ông chủ xem rõ rồi, sợ tới mức lông tóc trên người dựng đứng, đầu túa ra đầy mồ hôi. Một hôm, hắn dẫn người tới điện bắt rắn, mọi người đều khuyên hắn, rắn lớn như vậy không thể đánh được. Hắn căn bản không nghe, lo rằng sau này khó mà sống yên ổn được, liền đem theo mấy người gan lớn, cầm súng săn đi vào, tìm trong ngoài vài lần cũng không phát hiện con rắn, gần đỉnh điện tìm thấy một cái hang lớn. Nghe người dân xung quanh đó nói lại, điện này có từ thời Liêu, quy mô vô cùng lớn, thời đó hương khói cực phồn thịnh. Rất nhiều người cao tuổi đã từng gặp “xà tiên” ở đây, có khi xà tiên quấn trên cột, có khi lại cuộn tròn ở đỉnh điện, miệng to như cái chén, vảy đen lưng bạc, có công che chở điện cho Long Vương, chưa từng gây hại. Còn có một lão đầu bán dầu chiên nói, năm đó lão gánh thúng qua đường, thấy một con rắn dài lượn quanh đỉnh điện ba vòng như đang tìm rạch nước để uống. Dưới nóc hiên có một cái động, có lẽ là động rắn, để cho rắn lớn trấn điện lui tới.

Người xưa ít ai không mê tín. Gia đình ông chủ mặc dù là người nơi khác đến khai hoang nhưng nghe dân bản xứ khẳng định như vậy, cũng nghi ngờ không biết có phải là thật hay không, khó tránh khỏi cảm thấy sợ hãi, mặc dù vẫn sai người đi đánh rắn nhưng không ai dám đi. Gã nhanh trí nghĩ ra một cách, ra ngoài tìm gỗ đẽo thành hai mươi quả trứng gà, độ lớn như trứng thật, bên ngoài quét phấn trắng, đặt vào bên trong hũ ở vựa củi, phía trên vẫn dùng tảng đá đè lên.

Nửa đêm hôm ấy, ông chủ lại nằm sấp ở ngoài cửa nhìn vào bên trong, con rắn lớn từ nóc nhà bò xuống nuốt trứng gỗ trong hũ, dốc sức quấn trên xà một hồi lâu, có điều ăn cả một bụng trứng mà không ép vỡ được, dùng nhiều sức lực mà cũng không nhả vỏ trứng ra được, nôn nóng đập loạn xạ khắp nơi. Ông chủ hết hồn liền trốn vào trong buồng trong, không dám nhìn nữa.

Sau đó, tới hừng đông qua xem vựa củi, vẫn không nhìn thấy xác con rắn, không biết chết ở đâu.

Một buổi sớm, tiểu Bán Lạp ra bờ sông chăn trâu, nhìn thấy con rắn lớn chết ở dưới tán cây, cuốn mấy vòng quanh thân cây, bụng bị vỏ cây mài rách, hai mươi mấy quả trứng gà gỗ rụng đầy đất, vết máu loang lổ khắp nơi. Nó không đành lòng liền đào đất chôn. Ngày hôm đó thời tiết nóng bức ngột ngạt, trâu không ăn cỏ mà nằm ở bờ sông hóng mát, nó ngồi trên lưng trâu, bỗng không biết một lão nhân từ nơi nào đến, nó thấy người này rất quen, chỉ có điều không nhớ nổi đã từng gặp qua ở đâu.

Người đó đến trước mặt nó, không nói gì mà chỉ đưa cho nó một con cá mời ăn.

Tiểu Bán Lạp nói: “Tôi không quen biết ông, vì sao vô duyên vô cớ lại mời tôi ăn cá?”

Người kia nói: “Ngươi không cần hỏi, mau ăn đi! Ngươi ăn con cá này rồi, từ nay về sau sẽ không còn là người bình thường nữa!”

Tiểu Bán Lạp nghe không hiểu gì: “Không phải người bình thường? Tôi khác người chỗ nào?”

Người kia nói: “Ngươi ăn con cá này, toàn thân có sức lực, chờ khi trời tối, ngươi trèo lên nóc hiên của điện trấn sông, ba ngày không bị đói, qua ba ngày, ngươi trở xuống lại con đường này, đi đến cuối đường có một tòa Kim Loan điện, trong điện đó bên trên là vua, bên dưới là hạ thần, bên phải là quan võ, bên trái là quan văn, ở đó có một chỗ dành cho ngươi, đó là một tòa tháp chắn trước Kim Loan điện. Ăn con cá này, ngươi mới đi được . . .”

Tiểu Bán Lạp nghe không hiểu lời nói của lão nhân kia, có điều đang lúc đói bụng liền nhận cá, ăn vài miếng. Mới ăn chưa hết một nửa thì ông chủ tới đạp nó một đạp, mắng chửi không chịu chăn trâu cho tốt lại ngủ gật ở bờ sông. Nó hoảng hốt xem lại thì trong tay không có cá, người lạ trước mặt cũng không thấy đâu, hóa ra là một giấc mộng, nhưng nó cũng không thấy đói bụng nữa.

Đuổi trâu trở về, đi qua điện trấn sông, đột nhiên nhớ ra hình dáng lão nhân kia tại sao lại giống với Long Vương thờ trong điện như vậy? Trong lòng nó vô cùng khó chịu, nửa đêm, cho gia súc ăn xong liền trèo lên nóc hiên đại điện, nhìn khắp mọi nơi, không thấy điều gì bất thường, đang lúc buồn bực thì chợt thấy biến cố kinh hoàng.

Đúng lúc nó định trèo xuống thì nghe phía xa xa tiếng động ầm ầm, giống như âm thanh của thiên binh vạn mã, Liên Hà lụt lớn rồi. Chỉ chớp mắt lũ lớn đã tràn đến, phòng ốc, gia súc của ông chủ cùng cả nhà lớn nhỏ đều bị hồng thủy nuốt hết, chỉ có điện trấn sông là không bị lũ xô đổ, người dân mê tín cho rằng Long Vương tới báo thù.

Tiểu Bán Lạp trốn ở đỉnh điện, tránh thoát được một kiếp nạn. Hồng thủy ba ngày mới lui, ba ngày nó không ăn không uống, cũng không biết tại sao vẫn cầm cự được.

Đợi tới lúc lũ rút đi, nó mới trèo xuống tìm đồ ăn, đi nhiều ngày nhưng không tìm thấy Kim Loan điện đâu. Sau đó nghe người ta đồn đại: “Trên giang hồ có một người là Thôi lão, là thầy tướng số tinh thông phép thuật.” Nó liền nảy ra ý niệm đi tìm Thôi lão.

Nhắc tới Thôi lão kia, trước tiên cần nói rõ nguồn gốc của gã, phía đông thành Thiên Tân nước Vệ có một tòa miếu thờ rất lớn, tục gọi là “Nương Nương Cung”, thờ thánh mẫu nương nương. Miếu lớn, thần tiên được thờ cúng trong miếu cũng nhiều. Chính điện ở giữa thờ thánh mẫu, tiền điện thờ Vi Đà, chếch một bên cạnh thờ tứ đại kim cương, còn cả con cháu nương nương cùng thiên nhãn của nương nương. Hương khói quanh năm suốt tháng không ngừng. Thiện nam tín nữ đến đây thắp hương bái tế cầu con nối dõi thì tìm điện tử tôn nương nương, bệnh về mắt thì cầu thiên nhãn nương nương. Đều không tới tay không, đốt hương xong, ít nhiều đều cung tiến một chút gọi là tiền đèn đuốc, tiền dầu thắp.

Thời đó trong miếu có một lão đạo trụ trì, chuyên thu tiền nhang đèn. Càng nhiều người đến cúng bái, lão càng kiếm được nhiều tiền. Lão còn thu hương chưa tàn hết, bán cho nhà làm hương, tái chế rồi lại mang bán ở trước cửa miếu, bản chất là kinh doanh không vốn. Từ xưa có câu nói rằng: “Thắp hương không được bỏ sót thần”, người đến miếu cầu thần, cần có thành tâm, phải phục lạy lần lượt các điện, dâng hương xung quanh, cả con cháu của lão nương nương cũng phải cúng. Khi đó, làm ông từ ở “nương nương cung”, chỗ nào cũng có thể thu tiền, thật đúng là “cật hương uống cay” (ý nói cuộc sống rất xa xỉ), cho dù là Huyện thái gia cũng không sánh bằng.

Tiền điện, chính điện và hai điện hai bên của nương nương cung hương khói ngày càng vượng, hậu điện ngược lại vô cùng đìu hiu. Do hai nguyên nhân chính, thứ nhất do vị trí hẻo lánh, thứ hai chính là vì hậu điện thờ vị “Vương Tam nãi nãi”. Có lẽ bạn đang nghĩ tới Hồ Tam nãi nãi, Hồ Tam thái gia, không cần hỏi cũng biết là hồ tiên, trong thành còn có miếu Hồ Tam thái gia, nhưng ba thái gia trong miếu Hồ Tam đó vốn không liên quan gì tới Vương Tam nãi nãi. Đến nỗi vị Vương Tam nãi nãi được thờ trong hậu điện là ai, thực ra cũng không ai biết. Nhìn qua thì tượng Vương Tam nãi nãi tạc bằng gỗ, không thấy mũ phượng, khăn quàng vai, áo quan, đai ngọc, cũng không có tướng mạo lão bà phúc hậu, dáng vẻ giống như một mụ già quê mùa, trông rất khó coi? . Vì thế qua mười năm mở hội, tiền điện luôn tấp nập chen chúc tới ngã ngoài cửa miếu mà hậu điện cũng không mấy khi được hương khói tử tế.

Không biết từ khi nào, quan phủ bỗng ban bố một quy định, bố trí một nhóm đạo sỹ luân phiên trông coi hậu điện. Đạo sỹ không ở tại miếu, mà nhà ở trong vùng, bình thường không mặc đạo bào. Mỗi người đảm nhiệm một năm, đến phiên ai thì người ấy đi. Trong một năm ở đây, hậu điện có chuyện lớn chuyện nhỏ gì, tiền thu được bao nhiêu, đều thuộc quyền quản lý của đạo sỹ trông coi. Có điều cũng chẳng ai muốn đi, chẳng qua là vì sợ vương pháp, không đi là bị ăn gậy mà thôi.

Năm đó, đến phiên Thôi lão đạo trông coi hậu điện Vương Tam nãi nãi. Lão cả ngày ủ rũ, chán nản. Người ta ở bên ngoài, làm cái gì cũng dễ, xuống thung lũng nhặt củi, trộm gà trộm chó, không lo lắng tới cái ăn, còn trông coi hậu điện, mười ngày nửa tháng không thấy có mống nào vào thắp hương, gió Tây Bắc cũng không có mà hít, qua một năm, chẳng phải sẽ chết đói ở đây sao?

Có điều Thôi lão đạo là kẻ lắm mưu nhiều kế, hắn nghĩ tới nghĩ lui, nghĩ ra một cách. Hắn nghĩ các điện phía trước hương khói cực thịnh bởi vì đều tương truyền là có linh ứng. Thực sự là có linh ứng sao? Cũng chưa chắc, bât kể tâm nguyện của ngươi là gì, kết quả có linh ứng hay không đều có lý do cả, không ứng thì là do ngươi làm việc thiện chưa đủ.

Có thể thấy rằng linh hay không linh cũng là thứ yếu mà thôi, chủ yếu là do đầu năm nhiều người mê tín, nhờ thần dựa quỷ, tin rằng cái gì cũng có cả. Nhìn xem điện Vi Đà phía trước, quá khác với Vi Đà ở nơi khác, hai tay tượng đất trống trơn không có chày hàng ma. Không có chày hàng ma, Vi Đà còn có thể coi là Vi Đà sao? Có người nói là chày hàng ma của Vi Đà trấn trụ tại mắt biển, Vi Đà ngồi cạnh trên, phù hộ một phương này không bị lũ lụt. Như vậy là chỉ một truyền thuyết dân gian thôi cũng có thể làm cho rất nhiều thiện nam tín nữ tin là thật. Vậy nếu Vương Tam Nãi Nãi hiển linh, còn lo không có ai vào thắp hương sao?

Thôi lão đạo quyết tâm để Vương Tam Nãi Nãi hiển linh. Ngày hôm sau có một vụ ồn ào, gần đến trưa, trước cửa miếu vô cùng hỗn loạn. Có một phu xe chặn trước cửa miếu, giọng như thanh la hướng vào trong miếu hò hét. Rằng có một lão thái thái, mặt mũi hiền từ, phúc hậu, mặc áo dài, tà áo màu xanh nhạt, quần đen quấn xà cạp, chừng bảy mươi tuổi, thân hình rắn rỏi, sáng sớm đã tới kêu xe của hắn tới miếu thắp hương đầu ngày, nói xong việc sẽ đưa cho hắn năm đồng. Nhưng mà lão thái thái kia vào miếu, tới trưa vẫn chưa thấy đi ra, một nhà già trẻ trông vào tiền kéo xe của hắn, hắn phải về nhà mua bột ngô không đợi được, liền ở trước miếu gây ồn ào, khiến cho rất nhiều người vây quanh xem náo nhiệt.

Ông từ quản lý trong miếu đi ra, hỏi rõ ràng chuyện xảy ra, nói lão cũng rất ngạc nhiêu, từ sáng sớm tới bây giờ, lão đều ở trong miếu, không có lão thái thái nào như vậy đi vào thắp hương.

Phu kéo xe tiếc năm đồng to kia, mượn dây xích khóa xe lại, đi vào trong miếu tìm người. Những kẻ xem náo nhiệt bên ngoài cũng kéo vào theo. Điện trước không có, chính điện không có, điện thờ hai bên cũng không có. Tìm đến hậu điện, phu xe liếc mắt một cái liền nhận ra lão thái thái ngồi xe của hắn, tà áo dài xanh nhạt, quần đen quấn xà cạp, chính là vị ở hậu điện này. Người xem náo nhiệt theo vào toàn bộ đều choáng váng, đây không phải là người, mà là tượng gỗ của Vương Tam Nãi Nãi phía trước tượng gỗ còn bày ra mười đồng tiền.

Phu xe vừa nhìn thấy, vội quỳ rạp xuống đất, lạy như tế sao, hô là: ” Vương Tam Nãi Nãi hiển linh, thương cảm người nghèo chúng ta, đã nói chỉ cần năm đồng, lại thưởng cho những mười đồng!”

Đương nhiên, toàn bộ trò này đều do Thôi lão đạo một tay sắp xếp, hắn đã thuê gã phu xe đến cửa miếu gây một trận náo loạn. Kể từ đó, một truyền mười, mười truyền trăm, truyền khắp đông tây. Thiện nam tín nữ từ bốn phương tám hướng đều đổ về thắp hương, quyên tiền hiến vật nhiều vô kể, đều kháo nhau rằng Vương Tam Nãi Nãi hiển linh, cầu được ước thấy.

Có điều người tới thắp hương cầu thần đều thắc mắc không biết Vương Tam Nãi Nãi ở hậu viện cai quản sự vụ gì? Thôi lão đạo thấy trong điện có bày một cái cung tên, hắn nhanh trí nói vói thiện nam tín nữ, Vương Tam Nãi Nãi là vị hộ tử nương nương (nhũ mẫu của con cháu nương nương), hậu điện có cung tên bắn thiên cẩu (chó trời). Trước đây có câu nói mê tín: “Hách tẩu thiên cẩu, tử tôn tiến lai” (đuổi đi thiên cẩu, con cháu tiến vào). Dân gian mê tín, nghĩ chuyện hai vợ chồng không có con cái là do thiên cẩu chặn tiểu hài tử đi đầu thai, nhất định phải dùng cung tên bắn lên trời, dọa thiên cẩu đi mới có hậu thế. Lại có truyền thuyết thiên cẩu chui trong ống khói, dọa nạt trẻ con, dễ dọa cho linh hồn đứa bé rơi rụng. Hễ là vợ chồng nào cần cầu sinh con cái hoặc là trẻ nhỏ trong nhà gặp tai họa, liền mang tiền nhang đèn cúng cho Thôi lão đạo ra để hắn giả bộ bắn ba mũi tên lên trời.

Thôi lão đạo mượn việc Vương Tam Nãi Nãi hiển linh, bắn thiên cẩu ở hậu điện, thu được không ít tiền tài. Phải nói rằng đối với những người mê tín, đã tín thần tiên thì đương nhiên cũng tín số mệnh. Không ít người cũng tìm đến Thôi lão đạo nhờ xem số, đều nói lão xem vô cùng chính xác. Thôi lão đạo sẽ nói là: “Ngươi hỏi mệnh là gì? Nói cho ngươi biết trước cũng vô dụng, ngươi sống sẽ không thể nhìn thấy, sau này ngươi biết cũng không còn kịp nữa, mới hiểu ra rằng cái này gọi là mệnh!”

Bóc mẽ Thôi lão đạo là để nói tới chuyện lão coi bói cho Tiểu Bán Lạp. Nó vốn nghĩ rằng Thôi lão đạo là chân nhân đương thời, không quản ngàn dặm xa xôi mà chạy tới tìm Thôi lão đạo để hỏi mệnh. Thôi lão đạo nói với nó như vậy: “Ngươi mơ thấy Long vương mời ngươi ăn cá, cái này là phúc của ngươi không nhỏ, vận may này người bình thường khó mà có được. Bát tự của ngươi cũng tốt, sinh ngày mười tám tháng tám, gặp phải bát tự có Mã Kỵ, nên có số làm vương làm tướng, thậm chí là mệnh được ngồi cung điện, sao không tìm đường xuất thân trong nghiệp binh?”

Nó cũng không hiểu, ngày trước xem số đầu năm, thầy tướng số cũng nói như vậy, nhìn đĩa thức ăn nhà nó, hắn liền bảo nó phải đi nhập ngũ, nói rằng có mệnh “Cao quan đắc tọa, tuấn mã đắc kỵ” (Được làm quan lớn, được cưỡi ngựa khỏe).

Hễ đầu quân binh nghiệp, đương nhiên không thể tránh khỏi việc chết đi sống lại giữa đám đao thương, chỉ cần có thể sống sót, là có cơ hội được làm quan. Làm quan rồi nghĩ đến lời phán của thầy tướng số, sao có thể biết rằng lời phán xằng này của hắn đã khiến cho bao nhiêu người chết oan. Thầy tướng số Thôi lão đạo kia cũng đều là quen miệng nói láo, mượn danh Vương Tam Nãi Nãi hiển linh để lừa bịp, bắn thiên cẩu cầu con cái cho người thu tích tiền tài. Có điều Bạch Bán Lạp vốn là người không có chủ kiến, lỗ tai mềm yếu, người khác nói gì hắn cũng tin, hơn nữa lại cực kỳ mê tín, không may mắc lừa đều là vì thế. Hắn tin lời nói của Thôi lão đạo là đúng, cho rằng mình có mệnh ngồi cung điện, một lòng muốn phong vương bái tướng. Hắn đưa “lăng phổ” mà tổ tiên truyền lại cho Hạt Lão Nghĩa, chạy đi đầu quân, mất đi tiền đồ.

Qua thời kỳ chiến tranh, không đếm nổi bao nhiêu lần vào sinh ra tử, cuối cùng đánh tới Tháp Sơn, Tháp Sơn thực ra không hề có tháp, cũng chẳng phải núi, có điều trong tên đất có chữ “Tháp”, trùng với tên địa danh. Có thể do hắn chỉ ăn có nửa con cá, tới Tháp Sơn không qua được, bị nổ mất một chân. Hắn nghĩ đây là mệnh, luôn nhắc tới việc hắn chỉ ăn có nửa con cá, đường Long Vương chỉ cho chỉ có thể đi được một nửa.

Vì hắn luôn nói như vậy nên bạn bè cũng thường gọi hắn là “Bạch Bán Lạp” (Bạch nửa đường). Năm 1966, hắn qua đời, Bạch Kỳ con của hắn đi trấn thủ biên cương ỏ vùng biên cương phía bắc, không chịu đổi nghề.

Trước đây tổ tiên Bạch gia có được một quyển cổ thư, ứng với bốn chữ “Ngộ hổ nhi khai” (Gặp hổ mà mở”, truyền lại hai trăm năm, vẫn không ai biết “Hữu long tắc hưng” (có rồng thì hưng thịnh) ứng nghiệm ở đâu. Kết quả lại thành ra ứng với câu nói của Thôi lão đạo- Người ở trong thì nhìn không thấy, sau này thấy được rồi thì đã muộn, đây không phải mệnh thì là gì?

Mô Kim Hiệu Úy Cửu U Tướng Quân

Mô Kim Hiệu Úy Cửu U Tướng Quân

Status: Completed Author:

Những năm 80 của thế kỷ trước, "Nhóm ba người" mô kim hiệu úy quyết định rửa tay gác kiếm tu chí làm ăn.

Không ngờ trong một lần ba người đi Tây An thu mua đồ cổ văn vật bị một người tên là Mã Lão Oa Tử chủ tâm hãm hại, thiếu chút nữa bỏ mạng.

Trong lúc vô tình vào Tần Vương Huyền Cung, thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, còn thu thập được từ trong mộ hoang một hộp sắt mạ vàng.

Hộp sắt mạ vàng là một bộ kim sách (sách vàng), là bảo vật trấn quốc của Tây Hạ, trải qua mấy nghìn năm chưa hề bị hư hại.
Vật này vừa xuất hiện liền chấn động khắp giang hồ. Tổ ba người mô kim phát hiện bí mật kinh thiên động địa được lưu giữ từ nghìn năm trước.

Bọn họ lại một lần nữa lên đường, chuẩn bị tiến vào "Vong giả thế giới" (thế giới người chết), nghênh đón bọn họ chính là một hành trình u tối đầy mê hoặc!

"Mô Kim Hiệu Úy" là kiệt tác mới nhất của Thiên Hạ Bá Xướng, có thể sánh vai cùng bộ truyện nổi tiếng "Ma thổi đèn" ở thể loại thám hiểm truyền kỳ!

Giới thiệu tác giả:
Thiên Hạ Bá Xướng là tác giả người Trung Quốc có óc tưởng tượng vô cùng phong phú, tác giả bộ truyện "Ma Thổi Đèn" vô cùng nổi danh trên diễn đàn Hoa ngữ. Tới nay là bộ tiểu thuyết được truyền bá rộng rãi bậc nhất tiếp theo các tác phẩm võ hiệp của Kim Dung.

Thiên Hạ Bá Xướng đã mang văn hóa thần bí của phương Đông kết hợp với yếu tố phiêu lưu mạo hiểm của văn học thế giới vào trong tác phẩm của mình, tạo ra một loại hình tiểu thuyết thám hiểm đậm dấu ấn Trung Quốc.
Điểm đặc biệt ở tiểu thuyết thám hiểm của anh luôn nằm ở hành động và suy nghĩ đầy thú vị của nhân vật trong các hoàn cảnh bất ngờ.

Anh đã không câu nệ mà thoải mái đưa vào truyện của mình các truyền thuyết cổ xưa, di tích thần bí, tình cảm anh em, sinh tử vô thường, cộng thêm câu từ hài hước, phong phú, đầy màu sắc, ngập tràn văn hóa dân gian khiến cho câu chuyện của tác giả xây dựng khác biệt với "giang hồ".
Tác giả đang sáng tác thiên tiểu thuyết vĩ đại "Mô Kim Phù" hệ liệt, kính mong độc giả đón nhận.

Một chút về nguồn gốc tên truyện: Từ ngàn năm trước, ở Trung Quốc đã có nghề trộm mộ, gồm bốn phái là Mô Kim, Phát Khâu, Ban Sơn đạo nhân và Xả Lĩnh. Mô Kim và Phát Khâu vốn từ một mạch mà ra nên thủ đoạn trộm mộ cũng gần tương tự nhau, Mô Kim có bùa Mô Kim không sợ tà ma, Phát Khâu có Ấn Phát Khâu, bên trên khắc tám chữ: Thiên quan tứ phúc, bách vô cấm kỵ”, cả hai đều được coi là bảo vật trấn phái. Đến thời Tam quốc, hai phái ấy được Tào Tháo sử dụng như một đội chuyên đi đào mộ. Tào Tháo đặt ra hai chức quan là Mô Kim Hiệu Úy và Phát Khâu Trung Lang Tướng để hợp thức hóa việc đào mộ quật mả của mình.

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset