Trí giả ái sơn, nhân giả ái thủy. (Người tài trí yêu núi, người nhân nghĩa yêu nước.)
Sai! Hình như
là “Trí giả ái thủy, nhân giả ái sơn”.
Lại sai à? Không nhớ nữa, chẳng nhớ được rốt cuộc là trí giả yêu thủy hay là nhân giả yêu thủy nữa? Tại sao chỉ có một kẻ được yêu nước thôi?
Tại sao không thể cả hai cùng yêu nước? Tại sao không thể cả hai vừa yêu nước và yêu
Lẽ nào nước và núi là đối lập?
Lẽ nào trí giả và nhân giả cũng đối lập?
Nếu như chỉ có thể làm một người, tôi sẽ là trí giả hay nhân giả?
Tôi yêu núi, những dãy núi trùng điệp. Trước trời núi bao la, tôi cảm thấy hưng phấn như muốn hét lên.
Tôi đến rồi đây…
Lại như có cảm giác muốn thì thầm tâm sự.
Đời người thay đổi khôn lường, thế nhưng núi non ngàn đời vẫn thế. Sự bền vững và vĩnh cửu ấy, sự kiên cố và rộng lớn ấy… khiến cho đời người trở nên dung tục và bé nhỏ, khiến cho những vui buồn, phẫn nộ của con người sao mà bé nhỏ, ngu xuẩn và nực cười đến vậy!
Nhưng tôi thích nước, các loại nước.
Những con suối róc rách, những đại dương dậy sóng, những mặt hồ long lanh, những ngọn thác cuộn trào. Ngay cả những vũng nước đọng trên mặt đất sau cơn mưa… cũng thật mê hoặc. Lúc còn nhỏ tôi thường thích đi dép lê lội qua những vũng nước ấy.
Những người yêu núi chắc chắn cũng yêu nước. Những người yêu nước sao có thể không yêu núi?
Người tài trí ắt phải là người có nhân nghĩa, nhưng người có nhân nghĩa chưa chắc đã là người có trí thức.
Người nhân nghĩa ắt phải là người tài trí, không có trí sao có thể trở thành một người nhân nghĩa chân chính?
Một người chọn nơi “an cư” nằm giữa non xanh nước biếc, liệu có phải là vừa là người tài trí vừa là người nhân nghĩa không? Nhưng ít nhất cũng có thể khẳng định người đó không phải là một tên ngốc.
– Giáo sư Từ… anh ta… ở trong nhà riêng sao?
– Đương nhiên là nhà riêng rồi, người ta là giáo sư, lẽ nào lại đi thuê phòng ở?
– Giáo sư Từ… ở một mình sao?
– Đương nhiên là một mình, người ta đơn thân mà lại!
Vấn đề “đương nhiên”, đương nhiên là phải hỏi, đương nhiên là cần có lời đáp.
Mặt trời từ từ xuống núi, chiếc ô tô chạy men theo con đường rợp bóng cây ven hồ. Mặt hồ tĩnh lặng tới kì lạ. Rất muốn một mình chìm vào trong lòng hồ, lắng tai nghe tiếng tay vỗ vào mặt nước, thưởng thức cái cảm giác hai bàn chân chạm xuống lớp bùn đất mềm nhũn dưới đáy hồ, cảm giác làn nước âm ấm xuyên qua các kẽ chân, càng đi ra chỗ sâu, nước càng dâng lên cao, vuốt ve cơ thể như một tình nhân, mơn man bầu ngực tựa như đôi bàn tay dịu dàng, không ai có thể tuyệt vời bằng. Gợi cảm, mê đắm, kích thích… han muốn trỗi dậy…
– Ở đấy anh có hành chưa?
Thật là đồ phá đám! Người ta đang admire (thưởng thức) phong cảnh mĩ lệ ven hồ, mọi tế bào trong cơ thể đều đang tràn đầy ý thơ, một cây hành của Tiểu Lan đã “đuổi sạch” ý thơ đi đâu mất. Hừ, mấy cái chuyện dưa cà mắm muối này mà đem ra nói trong một hoàn cảnh tràn đầy ý thơ như thế này, không biết vị giáo sư Từ kia sẽ trả lời như thế nào?
Già, lùn, đầu lại hói.
Cảnh bên hồ đẹp như tranh sơn dầu, sao có thể để cho một gã đàn ông vừa già, vừa lùn, vừa hói nhảy vào được chứ? Tôi phải phản đối! Tôi phải phản đối dựa trên danh nghĩa của người bảo vệ môi trường, tuyệt đối không thể để một lão già vừa lùn vừa hói nhảy vào định cư ở nơi này được. Như vậy là làm ô uế cảnh quan thiên nhiên.
Làm ô uế cảnh quan thiên nhiên là một tác!
– Còn gừng không? Hết rồi á? Vậy thì anh đi mua đi! Bọn em không mang gừng theo đâu.
Lại nữa rồi! Người ta đang phản đối để bảo vệ môi trường sinh thái, thế mà một nhánh “gừng” của Tiểu Lan đã xua tan ý định phản đối của tôi rồi. Mua gừng làm cái gì chứ? Chẳng phải là gừng già mới cay hay sao? Ông ta già như vậy, chẳng nhẽ lại chẳng bằng một nhánh gừng?
– Không được, không được rồi, anh ra ngoài mua gừng, bọn em đến đó làm sao vào nhà? Đợi ở bên ngoài á? Anh trai à, anh có biết ở bên ngoài lạnh thế nào không hả?
Tiểu Lan có thể nhõng nhẽo với ông ta như vậy là bởi vì bố của cô ấy với “lão gừng” đó là bạn thân (nhưng sao mình lại gọi là “lão gừng” nhỉ?). “Lão gừng” đã giúp Tiểu Lan chuyển tới sống ở Mỹ, cũng không biết là đã dùng cách gì, nhưng tuyệt đối không phải là chuyện kết hôn giả. Nếu là như vậy, một cô gái trẻ tuổi như vậy, “lão gừng” chắc chắn không tha, nhất định sẽ chuyện giả thành thật cho xem.
Ha ha ha ha… một trận cười khanh khách vang lên, không biết là “lão gừng” đó đã nói cái gì. Nếu như bạn muốn phán đoán một người có hài hước hay không căn cứ vào tràng cười khanh khách của con gái, chắc chắn mười lần sai chín.
– Nếu như chúng ta đến đó mà không có anh ta ở nhà thì chúng ta cứ đợi ở trong xe đi, bên ngoài lạnh lắm!
– Đừng lo, anh ta không khóa cửa đâu.
Cửa không khóa?
Già, lùn, lại hói đầu.
Có cảm giác đồng cảm, muốn tổ chức quyên góp.
Phong cảnh hùng vĩ của núi non nhòa dần, thay vào đó là “hương vị” gần gũi của con người: cây cầu nhỏ, con đường mòn, vườn hoa, cây cối, nhà cửa, bãi cỏ
Đẹp như tranh.
Không muốn phản đối nữa.
Có thơ làm chứng:
Khô đằng lão thụ hôn nha, tiểu kiều lưu thủy nhân gia.
(Dịch thơ: Cây khô đổ bóng chiều tà/ Cầu xanh ngấn nước mái nhà liêu xiêu.)
Cây dây leo đã nhìn thấy rồi (chỉ có điều vẫn còn xanh, nhưng mùa thu đã đến rồi, “cây khô” đâu còn là xa vời?), cây cổ thụ cũng đã nhìn thấy, cây cầu cũng có rồi, nước chảy, người ta… lại cộng thêm “con quạ chiều” là giáo sư Từ nữa, vậy là đầy đủ rồi.
Trước đây chỉ chú ý đến “nước chảy dưới chân cầu” mà quên mất “cây khô” và “quạ chiều”. Cực đẹp và cực xấu, sự sống và tàn lụi… câu thơ đã dung hòa giữa sự sống và cái chết để tạo ra một cảnh tượng tuyệt mĩ.
Hôn nha?
Con quạ lúc hoàng hôn? Hay là con quạ hoa mắt lúc hoàng hôn?
Cho dù là loại nào thì cũng vẫn phù hợp với giáo sư Từ của chúng ta. Một giáo sư của học viện Khổng Tử vừa già, vừa lùn lại vừa hói, gầy như que củi, lưng còng như thằng gù ở nhà thờ Đức Bà, ngoài hình ảnh “quạ chiều” ra thì chẳng tìm ra được một cái Icon (biểu tượng) nào khác phù hợp hơn nữa cả.
Cửa nhà quả nhiên không khóa. Không đóng kín cũng chẳng mở toang.
Balance (cân bằng)?
Mở cửa đi vào bên trong, dường như là đi vào một “danh lam thắng cảnh”. Trên tường có tranh chữ, đáng tiếc là không hiểu ý nghĩa của những lời thơ trên đó. Màu sắc, mùi vị, phong cách, bài trí, dụng cụ gia đình… tất cả đều ảng phất hơi thở của văn hóa, nó đập vào mắt bạn, bao vây lấy con người bạn…
Hơi thở? Không khí?
Phòng ngủ, phòng khách, cầu thang… điển hình của phong cách kiến trúc Mỹ. Trong phòng ngủ có một cái Island (một cái bục tách biệt), một đầu to, một đầu nhỏ, giữa hai đầu to nhỏ là một đường gấp khúc hoàn hảo, chỉ có những người con gái vào loại “thượng hạng” mới có được những đường cong hoàn mỹ đến vậy.
Vẻ đẹp cấu trúc phương Tây, vẻ đẹp khí chất phương Đông, Đông – Tây kết hợp, phối hợp trong ngoài, chân thực tới mức có thể đưa tay ra chạm vào được, nhưng tuyệt đối không phải là thứ có thể cảm nhận bằng tay. Dường như có thể ngửi thấy được, nghe thấy được, nếm thấy được…
Oa… I’m in a we! (Cung kính nể phục)
Đây là một căn nhà kì diệu, tất cả mọi thứ dường như đang truyền đạt đến tôi một message (thông điệp), một message quý báu và bí mật. Không phải là sự truyền đạt về ngôn ngữ, không phải là sự truyền đạt về số hiệu, không phải là bất kì một hình thức truyền đạt hữu hình nào. Cái message đó nồng nàn trong không khí, bồng bềnh trong hơi thở của căn nhà, bao vây lấy tôi, tấn công tôi, khúc xạ vào trái tim tôi, khúc xạ vào não bộ của tôi, tôi có thể cảm nhận được, nhưng tôi không thể nào lí giải được.
Tôi cần thời gian.
Nếu như cho tôi sống trong thứ không khí này khoảng ba mươi ngày, tôi nhất định sẽ lí giải được cái message ấy.
Sống ở đây ba mươi ngày? Vậy thì sẽ thế nào nhỉ? Một không khí vừa cổ kính vừa hiện đại, vừa mang phong cách phương Tây lại vừa mang hương vị phương Đông, vừa đơn giản vừa thần kì, vừa tôn nghiêm vừa lãng mạn.
Một người đàn ông vừa già, vừa lùn lại hói đầu.
Oh my God
Có một chiếc xe đang tiến lại gần. Càng gần hơn. Xe dừng lại. Tắt máy,
Có người đến gần. Càng gần. Gõ cửa. Đẩy cửa.
Quạ chiều về rồi!
Trái tim tôi bị đả kích.
Dường như có một lực từ trường khúc xạ ra khắp nơi, tôi bị trúng từ trường rồi, mặt đỏ lựng, tim đập nhanh, đầu nặng trịch không sao ngẩng đầu lên được.
Tôi đứng nhặt giá ở bên cạnh cửa, đó sẽ là “cống hiến lớn lao” nhất của tôi dành cho buổi tối ngày hôm nay… nó sẽ được dùng cho món mì lạnh. Tôi là một người ưa sạch sẽ, tôi không thể chịu nổi những cái rễ giá thò ra bên cạnh những sợi mì. Dù sao thì tôi cũng đâu có việc gì để làm.
Tôi nhặt giá ở bên cửa.
Cảm thấy hình như quạ chiều đang lại gần… biết rằng quạ chiều đang lại gần.
Ngẩng đầu.
Một nụ cười hấp dẫn nhất thế gian.
Ngất lịm.