CÁI CHẾT
Cái chết là một thứ lạ lùng. Người ta sống cả đời như thể nó không tồn tại, thế nhưng nó là một trong những lý do quan trọng nhất để sống. Một số người trong chúng ta nhận thức rõ về cái chết đến nỗi sống mạnh mẽ hơn, bướng bỉnh hơn, điên cuồng hơn. Một số cần sự hiện diện thường xuyên của nó để cảm thấy mình đang sống. Số khác bị ám ảnh bởi cái chết đến nỗi họ ngồi đợi nó rất lâu trước khi nó tới. Chúng ta sợ chết, nhưng đa phần chúng ta sợ nhất là khi nó đem một ai đó đi mất chứ không phải chính chúng ta. Bởi lẽ nỗi sợ hãi lớn lao nhất khi đối mặt với cái chết là việc nó sượt qua chúng ta. Và bỏ chúng ta lại một mình.
Mọi người luôn nói rằng Ove là một người “cay nghiệt”. Nhưng ông không phải như thế. Ông chỉ không cười thường xuyên. Liệu chuyện đó có đồng nghĩa với việc bị đối xử như tội phạm không? Ove không nghĩ vậy. Có gì đó trong ông đã vỡ vụn khi ông phải chôn cất người duy nhất từng hiểu được ông. Thời gian không thể làm lành vết thương đó.
Và thời gian cũng là một thứ kỳ lạ. Hầu hết chúng ta chỉ sống vì khoảng thời gian còn lại phía trước. Vài ngày, vài tuần, vài năm. Một trong những khoảnh khắc đau đớn nhất trong cuộc đời một con người là khi anh ta nhận ra mình đã đến cái tuổi có nhiều thứ ở sau lưng hơn là trước mặt. Và khi thời gian không còn nhiều phía trước, người ta sống vì những thứ khác. Những ký ức chẳng hạn. Những buổi chiều có nắng, với bàn tay ai đó nắm chặt trong tay mình. Mùi hương của những luống hoa mới nở. Những ngày Chủ nhật ngồi quán cà phê. Những đứa cháu, có lẽ vậy. Người ta tìm cách sống vì tương lai của ai đó khác. Không phải Ove cũng chết khi Sonja bỏ ông mà đi. Ông chỉ thôi không sống nữa.
Sự đau buồn là một thứ lạ lùng.
Khi nhân viên bệnh viện từ chối để Parvaneh đi theo băng ca của Ove vào nơi phẫu thuật, phải cần đến sự hợp lực của Patrick, Jimmy, Anders, Adrian, Mirsad và bốn y tá để khống chế cô và những cú đấm loạn xạ của cô. Khi một bác sĩ bảo cô bình tĩnh lại vì đứa bé trong bụng, Parvaneh lật luôn cái băng ghế gỗ trong phòng đợi vào chân anh ta. Còn khi một bác sĩ khác bước ra từ cửa khu phẫu thuật với một bộ mặt vô cảm và bảo họ nên “chuẩn bị tinh thần cho điều xấu nhất”, cô đã hét lớn và ngồi phệt xuống sàn như một cái bình sứ bị vỡ, mặt vùi vào hai bàn tay.
Tình yêu thương là một thứ rất lạ. Nó gây bất ngờ cho người ta.
Đồng hồ chỉ ba giờ rưỡi sáng khi một y tá đến gặp Parvaneh. Cô đã bám trụ tại phòng đợi. Tóc cô rối bù, đôi mắt đỏ quạch lấm lem đầy nước mắt và mascara. Khi bước vào căn phòng nhỏ ở cuối hành lang, trông cô yếu đến nỗi một y tá phải lao vội đến để ngăn không cho cô gục ngã ngay trên ngưỡng cửa. Parvaneh tựa người vào khung cửa, hít một hơi thật sâu, mỉm cười yếu ớt với người y tá và trấn an rằng cô không sao. Cô bước thêm một bước vào trong phòng và đứng yên trong một giây, như thể đó là lần đầu tiên trong đêm đó cô ghi nhận toàn bộ tính chất nghiêm trọng của sự việc đã xảy ra.
Sau đó, cô đến bên chiếc giường và đứng cạnh đó với đôi mắt nhòa lệ. Hai bàn tay cô bắt đầu đấm thùm thụp cánh tay ông Ove.
— Bác đừng hòng chết trước mặt cháu, bác Ove. – Cô nấc lên. – Đừng có nghĩ tới chuyện đó.
Những ngón tay của ông Ove khẽ nhúc nhích. Cô tóm lấy chúng bằng cả hai tay và áp trán vào lòng bàn tay ông.
— Tôi nghĩ tốt hơn cô nên bình tĩnh lại. – Ove nói với giọng khàn khàn.
Parvaneh lại đập vào tay ông lần nữa. Ông thấy mình nên biết khôn mà giữ im lặng. Nhưng khi cô níu chặt bàn tay ông, ngồi thụp xuống ghế với một sự pha trộn của xúc động, thương cảm và kinh hoàng trong đôi mắt nâu to tướng, ông đưa bàn tay kia lên và vuốt tóc cô. Mũi ông được gắn ống, ngực ông vất vả nhấp nhô bên dưới lớp vải như thể mỗi hơi thở của ông là một cơn đau dài. Giọng ông khò khè thật khó nghe:
— Cô không để bọn họ lái xe cứu thương vào trong khu phố chứ hả?
Phải mất bốn mươi phút sau, một y tá mới đi vào phòng. Ngay sau đó, một anh chàng bác sĩ đeo kính đi dép nhựa với vẻ mặt của một người bị táo bón bước vào phòng và uể oải đứng bên giường bệnh. Anh ta nhìn xuống một tờ giấy.
— Parr… na va? – Anh ta ngập ngừng và đưa mắt lơ đãng nhìn cô.
— Parvaneh. – Cô chỉnh lại.
Tay bác sĩ có vẻ không quan tâm lắm tới chuyện đó.
— Ở đây cô được ghi là “người thân gần nhất”. – Anh ta nói, mắt liếc nhanh người phụ nữ ba mươi tuổi gốc Iran đang ngồi ở ghế và người đàn ông năm mươi chín tuổi không phải gốc Iran đang nằm trên giường bệnh.
Khi cả hai người không buồn giải thích gì hơn ngoài câu “à há, người thân gần nhất!” của Parvaneh và “Cô im đi!” của ông Ove, tay bác sĩ thở dài nói tiếp:
— Ove có một vấn đề với quả tim… – Anh ta thông báo với giọng đều đều, rồi giảng giải một hồi với những thuật ngữ không thể hiểu được đối với một người không có mười năm theo học ngành y hoặc bị nghiện một số bộ phim truyền hình về đề tài này.
Khi Parvaneh nhìn anh ta với một đôi mắt mang hình dấu hỏi và dấu chấm than, tay bác sĩ thở dài lần nữa theo cái cách mà anh ta thường làm khi đối diện với những người không biết đường theo học ngành y trước khi tới bệnh viện.
— Tim của ông ấy quá lớn. – Anh ta tóm tắt tình hình.
Parvaneh ngẩn người nhìn anh ta hồi lâu, rồi quan sát ông Ove đang nằm trên giường với ánh mắt thắc mắc. Sau đó, cô lại nhìn anh chàng bác sĩ như thể đang chờ đợi anh ta dang tay ra và hét lên: “Đùa thôi mà!”
Khi anh ta không làm thế, cô bắt đầu cười thành tiếng. Thoạt tiên, nó giống như một cái ho, sau đó nó giống như một cái hắt hơi cố nén, trước khi nhanh chóng chuyển thành một tràng cười khùng khục. Parvaneh bám vào cạnh giường, dùng bàn tay như cái quạt phả gió vào mặt để nín lại, nhưng vô ích. Cuối cùng cô phá lên cười rũ rượi, khiến cho các y tá ở ngoài hành lang cũng phải thò đầu vào phòng xem chuyện gì đang xảy ra.
— Anh đã hiểu được sự mệt mỏi của tôi chưa? – Ove rít lên với tay bác sĩ và đảo mắt.
Parvaneh vùi mặt vào một chiếc gối trong lúc vẫn cười sằng sặc. Anh chàng bác sĩ không biết phải làm gì trong tình huống này, nên cuối cùng anh ta chỉ hắng giọng thật lớn rồi giậm chân mấy cái để thể hiện uy quyền. Mặc dù không mấy hiệu quả, nhưng sau khi anh ta làm vài lần, Parvaneh đã có thể nén cơn cười để thốt lên:
— Tim của bác Ove quá lớn. Thôi tôi đi chết đây.
— Tôi mới là người sắp chết! – Ông Ove phản đối.
Parvaneh lắc đầu và mỉm cười với tay bác sĩ.
— Có vậy thôi á?
Anh ta đóng hồ sơ bệnh án một cách nhẫn nhục.
— Nếu ông ấy uống thuốc, chúng tôi có thể giữ cho tình hình trong tầm kiểm soát. Nhưng chúng tôi không dám chắc về những ca như thế này. Có thể kéo dài được vài tháng, hoặc vài năm.
Parvaneh phẩy tay.
— Ồ, anh đừng lo. Bác Ove CHẾT THẾ QUÁI NÀO ĐƯỢC!
Ông Ove có vẻ tự ái thấy rõ.
Bốn ngày sau, ông Ove tập tễnh đi về nhà. Ông được Parvaneh và Patrick dìu. Một người đi nạng, người kia bụng chửa vượt mặt, hỗ trợ thế mới gọi là hỗ trợ chứ, ông nghĩ bụng. Nhưng ông không nói ra. Parvaneh vừa mới nổi cơn tam bành khi ông không để cho cô lùi chiếc Saab vào lối đi giữa hai dãy nhà vài phút trước đó “CHÁU BIẾT RỒI! KHỔ LẮM, NÓI MÃI! Nếu bác nói thêm một lần nữa là cháu thề có trời đất, cháu sẽ châm lửa đốt cái bảng cấm đó!” Parvaneh đã quát to như thế với Ove. Ông thấy như vậy hơi quá.
Tuyết lạo xạo dưới gót giày của ông. Các ô cửa sổ đều sáng đèn. Con mèo ngồi đợi ngay tại cửa nhà. Những bức vẽ nằm đầy trên mặt bàn bếp.
— Bọn trẻ vẽ tặng bác đấy. – Parvaneh nói trong lúc để chiếc chìa khóa dự phòng vào cái rổ bên cạnh điện thoại bàn.
Khi nhìn thấy ông đọc những chữ cái nằm ở góc dưới của một bức vẽ, cô tỏ ra hơi bối rối.
— Đó là… cháu xin lỗi, bác đừng bận tâm về những gì chúng viết. Trẻ con ấy mà. Bố của cháu đã mất bên Iran. Bọn trẻ chưa bao giờ gặp mặt ông ngoại… bác biết đấy.
Ông Ove không bận tâm tới những lời cô nói. Ông chỉ cầm những bức vẽ lên và đi tới chỗ tủ bếp.
— Chúng có thể gọi tôi thế nào cũng được. Không cần cô phải can thiệp đâu. Nói đoạn ông gắn từng bức vẽ lên cửa tủ lạnh. Bức vẽ có đề “ông ngoại” được gắn ở trên cùng.
Parvaneh cố nén cười nhưng không được.
— Cô đừng có cười nữa, bật máy cà phê lên đi. Tôi sẽ đi lấy mấy cái thùng đựng đồ trên gác mái. – Ove lẩm bẩm rồi tập tễnh đi về phía cầu thang.
Tối hôm đó, Parvaneh và hai cô con gái giúp ông dọn dẹp ngôi nhà. Họ gói giấy báo các món đồ của bà Sonja và cẩn thận xếp vào thùng từng kỷ niệm một. Lúc chín rưỡi, khi mọi thứ đã xong xuôi và bọn trẻ đã ngủ thiếp đi trên ghế sofa của ông Ove với các ngón tay dính mực in báo và khóe miệng dính kem sôcôla, Parvaneh bỗng bấu mạnh vào cánh tay ông Ove làm ông đau điếng. Khi ông thốt lên một tiếng “Ái!”, cô vội suỵt ông.
Thế là họ phải quay trở lại bệnh viện.
Đó là một cậu bé trai.