KHOAN MỘT CÁI LỖ TRÊN TRẦN
Ông Ove đã mặc cái quần dài đẹp nhất của mình cùng với chiếc áo sơ-mi đi nhà thờ Chủ nhật. Ông cẩn thận trải một tấm nhựa trên sàn nhà, như để bảo vệ một tác phẩm nghệ thuật. Không phải vì nó còn quá mới (mặc dù ông vừa chà giấy nhám nó chưa đầy hai năm trước). Ông khá chắc chắn việc treo cổ không làm người ta đổ nhiều máu, và cũng không lo lắng vì lượng bụi bê tông rơi xuống từ lỗ khoan. Cũng như vết trầy cái ghế đẩu gây ra khi ông đá văng nó. Ông đã bịt mấy miếng lót vào chân ghế, nên nó sẽ không để lại dấu vết gì cả. Không, tấm nhựa mà ông đang cẩn thận trải ra để che phủ toàn bộ tiền sảnh, phòng khách và phần lớn căn bếp hoàn toàn không dành cho ông.
Ove hình dung sẽ có cả đám cò nhà đất vây quanh chỗ này, cố chui vào ngôi nhà trước cả khi xe cứu thương đưa thi thể ra ngoài. Ông không thể để cho những gã con hoang đó làm trầy xước sàn nhà bằng những đôi giày của chúng, dù là bước qua hay không bước qua xác ông. Chắc chắn rồi!
Ông đặt giữa sàn nhà một chiếc ghế đẩu phủ lấm tấm những vệt sơn của ít nhất bảy màu sắc khác nhau. Vợ của ông nhất trí về mặt nguyên tắc là cứ mỗi sáu tháng bà sẽ để ông sơn lại một căn phòng trong nhà. Hay nói chính xác hơn là mỗi sáu tháng bà lại muốn một màu sơn khác. Thế là bà gọi cho bên trang trí nội thất để hỏi giá. Rồi bà nói với ông về số tiền sẽ phải trả cho thợ. Và ông lại lọ mọ lôi chiếc ghế để sơn phòng ra.
Người ta hay nhớ những thứ lạ lùng khi mất đi người thân nào đó. Những thứ nhỏ xíu. Những nụ cười. Cách bà trở mình trong lúc ngủ. Thậm chí là việc sơn lại một căn phòng cho bà.
Ông mở hộp lấy mũi khoan ra. Chúng là thứ quan trọng nhất khi khoan tường. Không phải máy khoan, mà là mũi khoan. Cũng giống như bạn phải có bộ lốp thích hợp cho ô tô thay vì băn khoăn về má phanh và những thứ vớ vẩn tương tự. Bất cứ ai có hiểu biết đều nói như vậy. Ove đứng ở giữa phòng để ước lượng khoảng cách, rồi tựa như một bác sĩ phẫu thuật xem xét chỗ dụng cụ của mình, ông quan sát các mũi khoan. Ông chọn một mũi, gắn nó vào máy khoan, rồi bấm nút khởi động vài lần để tiếng máy vang lên. Ông lắc đầu, cho rằng nó chưa chuẩn, và thay mũi khoan. Lặp lại thao tác bốn lần, cuối cùng ông cũng hài lòng và vừa bước đi vừa vung vẩy cái máy khoan như một khẩu súng lớn.
Ove đứng giữa phòng khách, mắt ngước lên nhìn trần nhà. Ông phải đo trước khi bắt đầu. Để cho cái lỗ khoan thật sự nằm chính giữa. Không còn gì tệ hơn việc khoan bừa trên trần nhà.
Ông đi lấy một chiếc thước dây rồi tiến hành đo từ bốn góc – mỗi góc hai lần cho chắc ăn – trước khi đánh dấu điểm trung tâm của trần nhà bằng một chữ thập.
Bước xuống ghế, ông đi một vòng để xem tấm lót bằng nhựa có nằm đúng vị trí hay chưa. Ông mở khóa cửa chính để cho người ta không phải phá chúng khi vào nhà đưa ông xuống. Đó là một cánh cửa bền chắc, còn tồn tại được nhiều năm nữa.
Ông mặc áo vest vào, kiểm tra cái phong bì ở túi trong. Cuối cùng, ông quay tấm ảnh vợ đặt ở cửa sổ sao cho bà nhìn ra ngoài, về phía cái lán. Ông không muốn bà thấy việc ông sắp làm, nhưng không dám đặt sấp tấm ảnh xuống. Vợ của ông luôn cằn nhằn khi họ đến nơi nào đó không có tầm nhìn. Bà cần “thứ gì đó sống động để nhìn”, như lời bà nói. Thế nên ông quay mặt bà ra phía cái lán, tự nhủ rằng con mèo phiền toái đó sẽ quay lại. Vợ ông thích con mèo phiền toái.
Cầm lấy máy khoan cùng với cái móc, ông đứng thẳng người trên ghế đẩu, và bắt đầu khoan. Khi tiếng chuông cửa vang lên lần đầu tiên, ông nghĩ rằng mình nghe nhầm và phớt lờ nó. Ở lần thứ hai, ông nhận ra có người đang bấm chuông thực sự, và cũng phớt lờ nó.
Đến lần thứ ba thì ông ngừng khoan và quắc mắt nhìn cánh cửa. Làm như ông có thể dùng ý nghĩ để thuyết phục kẻ đứng ngoài kia biến đi. Nhưng vô ích. Người đó rõ ràng đang nghĩ rằng cách giải thích hợp lý nhất cho việc cánh cửa không mở ra ngay từ đầu là do ông chủ nhà không nghe thấy tiếng chuông.
Ông Ove bước xuống khỏi chiếc ghế đẩu, băng qua phòng khách ra tiền sảnh. Không lẽ việc tự sát một cách yên bình lại khó khăn đến thế?
— Gì đấy? – Ông gắt giọng hỏi sau khi mở toang cửa.
Anh chàng cò hương vừa kịp rụt đầu tránh được cánh cửa trong đường tơ kẽ góc.
— Chào bác! – Cô nàng bầu bí reo lên vui vẻ bên cạnh chồng.
Ông cụp mắt nhìn cô vợ, rồi ngước lên quan sát anh chồng. Cò hương đang bận sờ nắn xem các bộ phận trên mặt có còn nằm đúng chỗ hay không.
— Của bác đấy. – Cô nói tiếp với giọng thân thiện, rồi dúi một cái hộp nhựa màu xanh vào tay Ove.
Ove ngơ ngác.
— Bánh quy ạ. – Cô vội giải thích.
Ove chậm rãi gật đầu, như thể ghi nhận nó.
— Bác mặc đẹp quá. – Cô vợ mỉm cười.
Ông lại gật đầu.
Và ba người họ đứng đó, chờ đợi nhau nói tiếp. Cuối cùng cô vợ nhìn anh chồng và lắc đầu.
— Ồ, thôi nào, anh để cái mặt của anh yên được không, cưng? – Cô khẽ nói, rồi đẩy anh một cái.
Cò hương nhìn vợ và gật đầu. Anh nhìn Ove. Ông nhìn cô vợ. Anh chồng chỉ vào cái hộp, mặt sáng bừng.
— Cô ấy là người Iran, bác biết đấy. Đi đâu cũng phải đem theo đồ ăn.
Ông nhìn anh chồng với ánh mắt hờ hững. Anh chàng cò hương càng ngập ngừng hơn.
— Dạ… cũng vì thế mà cháu hợp với người Iran. Họ thích nấu ăn và cháu thích…
Đến đây thì anh ta ngừng lại. Ông Ove tỏ ra không mấy quan tâm.
— … ăn. – Anh chàng nói nốt.
Anh chàng định làm cử chỉ gì đó để phụ họa cho câu nói, nhưng rồi nhìn vợ và quyết định thôi.
— Còn gì nữa không? – Ông Ove hỏi với giọng mệt mỏi.
Cô vợ duỗi tay rồi đặt lên cái bụng bầu.
— Bọn cháu chỉ muốn có chút quà ra mắt bác, vì từ giờ chúng ta đã là hàng xóm…
Ove gật đầu nhanh.
— Được rồi. Chào cô cậu.
Ông đóng cửa, nhưng cô vợ đã giơ tay ngăn lại.
— Và bọn cháu cũng muốn cảm ơn bác vì đã lùi xe giúp. Bác thật tử tế!
Ove hừ một tiếng. Ông miễn cưỡng để ngỏ cửa.
— Không cần phải cảm ơn tôi vì chuyện đó.
— Có chứ, bác rất tử tế. – Cô vợ khăng khăng.
— Không, ý tôi là không cần phải cảm ơn, vì một người đàn ông trưởng thành lẽ ra nên biết cách lùi ô tô có gắn rơ-mooc. – Ove đáp và nhìn anh chàng cò hương, người đang nhìn ông như thể không biết đây có phải là một lời sỉ nhục hay không.
Ove quyết định không giúp anh ta ra khỏi tình thế khó xử. Ông quay gót và một lần nữa tìm cách đóng cửa.
— Tên của cháu là Parvaneh! – Cô vợ nói, một chân đặt trên ngưỡng cửa.
Ove nhìn bàn chân, rồi nhìn khuôn mặt gắn trên cùng cơ thể với nó. Ông không hiểu được hành động của cô ta.
— Cháu là Patrick! – Cò hương nói.
Cả Ove lẫn Parvaneh đều không buồn để ý tới anh chàng.
— Bác lúc nào cũng khó như vậy à? – Parvaneh thắc mắc một cách nghiêm túc.
Ove nổi cáu:
— Tôi không khó.
— Có đấy ạ.
— Không hề.
— Vâng, vâng, bác nói chuyện ngọt như mía lùi ấy. – Cô vợ đáp với giọng điệu khiến Ove cảm thấy cô ta ngụ ý điều ngược lại.
Ông buông nắm cửa ra và nhìn cái hộp trong tay mình.
— Ờ, bánh quy Ả Rập. Ngon chứ hả? – Ông lẩm bẩm.
— Ba Tư.
— Gì cơ?
— Ba Tư, chứ không phải Ả Rập. Cháu là người Iran… Đó là nơi mà người ta nói tiếng Ba Tư ấy, bác biết không?
— Tiếng Ba Tư? Vì nó có ba mươi tư chữ cái à?
Tiếng cười của cô làm ông bất ngờ. Nó giống như nước có ga bị rót quá nhanh và tuôn trào ra khỏi ly. Hoàn toàn lạc lõng trên nền xi măng xám và những viên đá lát vuông vức. Giòn tan, tinh quái, không bị gò bó vào khuôn khổ hay phép tắc nào.
Ove lùi lại một bước và giẫm phải một miếng băng dính dưới sàn. Bực bội giãy giãy chân, ông làm bung một góc tấm nhựa bảo vệ. Khi cố gỡ cả miếng băng dính lẫn tấm nhựa, ông bị vấp và càng làm nó bung ra nhiều hơn. Rồi ông cũng lấy được thăng bằng và đứng trên ngưỡng cửa, cố gắng trấn tĩnh lại. Ông túm lấy nắm cửa, nhìn anh chàng cò hương và tìm cách chuyển chủ đề.
— Vậy cậu đang làm công việc gì?
Anh ta nhún vai mỉm cười, hơi e dè.
— Cháu làm tư vấn IT.
Ove và Parvaneh lắc đầu nhịp nhàng tựa như hai vận động viên bơi nghệ thuật. Trong một thoáng nó làm ông bớt ghét cô ta một chút, mặc dù ông chỉ miễn cưỡng thừa nhận điều đó.
Cò hương dường như không nhận thấy gì. Anh chỉ tò mò nhìn cái khoan mà ông Ove đang cầm chắc trên tay như một du kích cầm khẩu AK47.
Sau khi nhìn ngó chán chê, anh nghiêng người tới trước và nhòm vào trong nhà của ông Ove.
— Bác đang làm gì thế ạ?
Ông nhìn anh ta như cách người ta nhìn một người thấy người khác cầm trên tay cái khoan mà còn hỏi cầm khoan làm gì.
— Tôi đang khoan. – Ông đáp.
Parvaneh nhìn chồng và đảo mắt. Nếu cái bụng bầu không chứng tỏ cô ta sẵn lòng góp phần duy trì bộ gen của anh chàng, chắc ông đã thấy cô ta dễ thương.
— À. – Cò hương gật đầu.
Rồi anh ta chồm người tới trước và quan sát mặt sàn phòng khách đang được phủ tấm nhựa bảo vệ.
Anh ta tươi hẳn lên và nhìn ông, miệng cười toe.
— Trông cứ như là bác sắp sát hại ai đó vậy!
Ove im lặng quan sát cò hương. Anh ta hắng giọng, hơi do dự.
— Ý cháu là, nó giống như cảnh trong một tập phim Dexter. – Anh nói tiếp với một nụ cười dè dặt hơn. – Đó là một series phim truyền hình… về một tay chuyên đi sát hại người khác.
Nói đến đó anh ta im lặng, sục mũi giày vào khe hở giữa các viên đá lát đường.
Ove lắc đầu, không rõ là vì câu nào.
— Tôi có việc phải làm. – Ông nói cộc lốc và siết chặt tay nắm cửa.
Cô vợ ý tứ thúc cùi chỏ vào sườn anh chồng. Anh ta liếc vợ, rồi cố huy động dũng khí nhìn Ove với vẻ mặt của một người chờ bị cả thế giới bắn dây thun vào người.
— Dạ, chuyện là thế này, thực ra bọn cháu sang đây vì cháu muốn mượn một vài thứ…
Ông Ove nhướng mày.
— Vài thứ?
Anh hắng giọng.
— Một cái thang, và một cái khóa có đầu ngôi sao.
— Ý cậu là khóa lục giác^[Chính xác hơn là dụng cụ mở loại vít có đầu lục giác (Caruri).]?
Cô vợ gật đầu. Anh chồng tỏ vẻ hoang mang.
— Nó là khóa ngôi sao đúng không ạ?
— Khóa lục giác. – Parvaneh và ông Ove cùng sửa một lượt.
Cô vợ đắc thắng gật đầu với anh chồng, tay chỉ ông Ove.
— Đó, anh nghe thấy bác nói chưa?
Anh ta lẩm bẩm gì đó không rõ.
— Còn anh thì cứ khăng khăng bảo nó là khóa ngôi sao.
Anh chồng tiu nghỉu ra mặt:
— Có đâu mà?
— Có.
— Không có.
— Có, anh đã khăng khăng như thế!
— Không hề!
Ánh mắt của ông Ove chuyển từ người này sang người kia như thể đang xem một trận đấu quần vợt.
— Có. – Một người nói.
— Không. – Người kia đáp.
— Mọi người đều dùng chữ đó!
— Đa số nói không có nghĩa là nó đúng!
— Chúng ta tra Google xem nào.
— Phải rồi. Tra Google đi. Hoặc Wikipedia.
— Đưa điện thoại của em cho anh.
— Anh dùng điện thoại của anh đi.
— Trời ơi, anh không mang nó theo, hiểu chưa!
— Giỏi nhỉ!
Ông Ove nhìn hai người trong lúc cuộc tranh cãi tiếp tục diễn ra. Họ giống như hai cái máy sưởi hỏng đua nhau rít lên xem cái nào kêu to hơn.
— Chúa ơi! – Ông lẩm bẩm.
Parvaneh bắt đầu bập môi bắt chước tiếng một con côn trùng bay để chế giễu chồng. Hiệu quả tức thì. Với cả anh ta và Ove. Ông bỏ cuộc.
Ông đi vào nhà, treo áo vest lên, đặt cái khoan xuống, xỏ đôi giày gỗ, rồi đi ngang qua chỗ họ để tới cái lán. Ông gần như chắc chắn cả cô vợ lẫn anh chồng đều không buồn để ý tới mình. Họ vẫn còn cãi nhau chí chóe khi ông vác cái thang quay lại.
— Anh khiêng giúp bác ấy đi chứ, Patrick. – Parvaneh nói to khi trông thấy ông Ove.
Cò hương đi về phía ông trên những bước chân lóng ngóng. Ông nhìn anh ta như thể đang quan sát một người mù đi trước đầu xe buýt. Đến lúc đó Ove mới nhận ra là trong lúc ông đi ra ngoài, lãnh địa của ông đã bị một người nữa xâm nhập.
Anita, vợ của Rune, đang đứng nhìn họ bên cạnh Parvaneh. Ove quyết định cách phản ứng hợp lý duy nhất là giả vờ như không nhìn thấy bà ta. Mọi thái độ khác nơi ông đều chỉ khuyến khích bà ta mà thôi. Ông đưa cho anh chàng cò hương một cái hộp hình trụ, trong đó có cả bộ khóa lục giác.
— Ồ, nhiều thật đấy. – Anh chàng vừa nói vừa trố mắt nhìn cái hộp.
— Cậu cần cỡ nào?
Anh ta nhìn ông với vẻ mặt của một người không đủ tự tin để nói ra điều mình đang nghĩ.
— Cỡ… thông thường ạ?
Ove nhìn anh ta hồi lâu.
— Cậu dùng cái này cho việc gì? – Cuối cùng ông hỏi.
— Để lắp một cái tủ áo IKEA mà bọn cháu đã tháo rời khi chuyển nhà. Cháu chẳng nhớ đã cất bộ khóa ngôi sao ở đâu nữa.
Ông nhìn cái thang.
— Cậu đặt cái tủ áo ở trên nóc nhà hay sao?
Anh chàng cò hương bật cười và lắc đầu.
— À… dạ, cháu hiểu ý bác rồi. Cháu mượn cái thang vì cửa sổ trên tầng bị kẹt. Không tài nào mở ra được. – Anh ta thêm vào mấy chữ cuối, như thể nếu không thì ông Ove không thể hiểu được chữ “kẹt”.
— Vậy tức là cậu định mở nó từ bên ngoài?
Anh chàng cò hương gật đầu rồi vụng về đỡ lấy cái thang từ tay Ove. Ông nhìn anh ta và định nói gì nữa, nhưng lại thôi. Ông quay sang phía cô vợ.
— Thế sao cô phải sang tận đây?
— Để động viên tinh thần ạ. – Parvaneh nói liến thoắng.
Ông có vẻ không hoàn toàn tin điều đó. Cò hương cũng vậy.
Ánh mắt của ông miễn cưỡng chuyển sang phía vợ của Rune. Bà ta vẫn đứng đó. Tưởng như đã hàng năm trời ông không gặp bà ta. Trông Anita già hẳn đi. Dạo này mọi người dường như đều bị lão hóa sau lưng ông.
— Vâng? – Ông mở lời.
Vợ của Rune cười nhẹ và chắp hai tay trước bụng.
— Ove à, anh cũng biết đấy, tôi không muốn làm phiền anh, nhưng mấy cái máy sưởi trong nhà tôi hình như bị làm sao ấy. Không có tí hơi nóng nào. – Bà ta nói với một cách thận trọng, rồi lần lượt mỉm cười với những người xung quanh.
Parvaneh và chồng mỉm cười đáp lại. Ông Ove nhìn xuống cái đồng hồ móp méo của mình.
— Không ai làm việc trong khu phố này nữa hay sao? – Ông thắc mắc.
— Tôi nghỉ hưu rồi. – Anita nói với giọng tựa như xin lỗi.
— Còn cháu thì nghỉ đẻ. – Parvaneh tiếp lời, tay vỗ vỗ cái bụng bầu.
— Cháu làm tư vấn IT. – Anh chàng cò hương cũng lên tiếng một cách tự hào.
Một lần nữa Ove và Parvaneh đồng loạt lắc đầu.
Vợ của Rune cố nài thêm:
— Tôi nghĩ có thể là do mấy cái máy sưởi.
— Chị xả gió chúng chưa?
Anita lắc đầu, tò mò hỏi lại:
— Anh nghĩ có thể là do vậy sao?
Ove đảo mắt.
— Bác Ove! – Parvaneh thốt lên với giọng của một cô giáo quở trách học trò. – Bác đừng có khó như thế.
— Tôi đã nói với cô rồi, tôi không khó.
Ánh mắt của cô ta không hề nao núng. Ông hừ một tiếng, rồi quay lại đứng trên ngưỡng cửa. Như vậy là quá đủ rồi. Ông chỉ muốn chết thôi. Tại sao những con người điên rồ này không chịu hiểu điều đó?
Parvaneh đặt tay lên cánh tay của bà Anita một cách khích lệ.
— Cháu tin chắc bác Ove có thể giúp bác sửa lại máy sưởi.
— Như thế thì tốt quá, Ove. – Vợ của Rune nói ngay, mặt sáng rỡ.
Ove đút tay vào túi. Ông đá đá miếng nhựa bị bung lên ở ngưỡng cửa.
— Ông chồng của chị không thể tự lo những chuyện như vậy trong nhà mình hay sao?
Vợ của Rune lắc đầu ngao ngán.
— Không, Rune dạo này ốm yếu lắm, anh biết đấy. Người ta bảo đó là bệnh Alzheimer. Anh ấy phải ngồi xe lăn. Mọi chuyện không dễ dàng…
Ove gật đầu vẻ thông cảm, như thể ông được nhắc điều mà vợ ông đã nói với ông hàng ngàn lần và ông luôn quên nó đi.
— Phải rồi, phải rồi. – Ông đáp với giọng sốt ruột.
— Bác thổi gió giúp bác ấy mấy cái máy sưởi nhé. Đi mà bác! – Parvaneh nài
Ông liếc nhanh sang cô, định phản bác câu gì đó, nhưng rồi ông cụp mắt xuống đất.
— Không lẽ đó là đòi hỏi quá đáng hay sao? – Cô nàng bầu bí tiếp tục nhìn xoáy vào ông, tay khoanh lại trước bụng.
Ove lắc đầu.
— Không phải là thổi gió, mà là xả gió… Chúa ơi! – Ông ngẩng mặt lên nhìn những người hàng xóm.
— Các người chưa bao giờ xả gió máy sưởi hay sao?
— Chưa bao giờ. – Parvaneh đáp luôn.
Bà Anita nhìn sang anh chàng cò hương với ánh mắt lo lắng.
— Cháu chẳng hiểu mọi người đang nói gì đâu ạ. – Anh trấn an.
Vợ của Rune nhẫn nhục gật đầu và quay sang phía Ove một lần nữa.
— Nếu anh không phiền thì…
Ông vẫn đứng nguyên trên ngưỡng cửa, mắt nhìn xuống đất.
— Lẽ ra chị nên nghĩ đến chuyện này trước khi lật đổ tôi ở cuộc họp tổ dân phố. – Ông khẽ nói và ho húng hắng.
— Trước khi gì cơ? – Parvaneh hỏi lại.
Vợ của Rune hắng giọng.
— Nhưng mà, Ove à, làm gì có lật đ…
— Có đấy. – Ông gắt.
Bà Anita nhìn sang Parvaneh với một nụ cười bối rối.
— Cô thấy đấy, ông nhà tôi và ông Ove đây chưa bao giờ hòa thuận được với nhau. Trước khi Rune nhà tôi bị ốm, ông ấy là tổ trưởng tổ dân phố, thế chỗ ông Ove. Lúc nhà tôi được bầu lên, đã có một chút xích mích giữa hai người.
Ông Ove ngước mắt lên và chỉ thẳng ngón tay trỏ vào Anita.
— Một cuộc lật đổ! Chính xác là như thế.
Vợ của Rune gật đầu với Parvaneh.
— À, chuyện là trước cuộc họp đó, Rune đã tập hợp được một số người ủng hộ đề nghị của mình, theo đó hệ thống sưởi trong các ngôi nhà sẽ được thay thế. Và ông Ove ch…
— Anh ta biết cái quái gì về hệ thống sưởi kia chứ? – Ove lớn tiếng.
Ông lập tức nhận được ánh mắt của Parvaneh và quyết định không nói hết suy nghĩ của mình.
Vợ của Rune gật đầu.
— Có thể anh đúng, Ove. Nhưng dù sao thì bây giờ Rune cũng đang đau ốm. Chấp nhau làm gì nữa. – Môi dưới của bà khẽ run lên.
Rồi Anita trấn tĩnh lại, hất cằm lên một cách cứng cỏi, và hắng giọng.
— Phía bảo trợ xã hội cho biết họ sẽ đưa Rune đi khỏi đây và tống anh ấy vào viện dưỡng lão. – Bà cố gắng nói nốt.
Ove lại đút tay vào túi quần và lùi vào trong ngưỡng cửa. Ông đã nghe đủ rồi.
Cùng lúc đó, anh chàng cò hương cho rằng đã đến lúc đổi chủ đề để làm không khí nhẹ nhàng hơn một chút. Anh ta chỉ xuống sàn nhà.
— Kia là vệt gì thế ạ?
Ove quay lại, nhìn khoảng sàn lộ ra dưới tấm nhựa.
— Trông như thể sàn nhà bác có… có… vệt bánh xe. Bác đi xe đạp trong nhà hay sao thế? – Anh ta hỏi tiếp.
Parvaneh tiếp tục chiếu ánh mắt tò mò vào Ove trong lúc ông lùi thêm một bước nữa để chắn tầm quan sát của chồng cô.
— Không có gì đâu.
— Nhưng cháu có thể thấy nó… – Anh ta bối rối nói tiếp.
— Là vợ của ông ấy, Sonja. Bà ấy phải… – Anita cắt ngang, nhưng đến lượt mình, bà bị ông Ove ngắt lời.
— Đủ rồi. Các người IM HẾT ĐI! – Ông hét lên với ánh mắt điên dại.
Cả bốn người cùng im lặng, choáng váng như nhau. Bàn tay của Ove run lên khi ông bước vào trong nhà và đóng sầm cửa lại.
Ông nghe thấy Parvaneh khẽ hỏi Anita về chuyện đã xảy ra. Bà vợ của Rune lúng túng tìm từ, rồi đáp:
— Thôi, tốt hơn tôi nên về nhà. Chuyện của vợ ông ấy thì… Quên nó đi. Mấy bà già như tôi hay bị cái tật nhiều chuyện thôi mà…
Ông nghe thấy tiếng cười gượng gạo của Anita, sau đó tiếng bước chân của bà ta vang lên, gấp gáp đi vòng qua căn lán của ông. Giây lát sau, cô nàng bầu bí và anh chàng cò hương cũng ra về.
Trong tiền sảnh nhà ông chỉ còn lại sự im lặng.
Ove buông người xuống chiếc ghế, thở nặng nhọc. Tay ông vẫn còn run rẩy như thể ông đang đứng trong nước đá ngập đến thắt lưng. Trống ngực ông đập thình thịch. Dạo này nó xảy ra ngày càng nhiều. Ông phải gắng sức để hớp một chút không khí, như một chú cá bị đưa ra khỏi chậu nước. Bác sĩ ở công ty của ông bảo nó là hiện tượng mãn tính và ông không được làm việc quá sức. Nói thì dễ lắm.
“Giờ thì ông có thể về nhà nghỉ ngơi,” các sếp của ông đã nói như vậy. “Với quả tim trở chứng và những thứ khác.” Họ gọi đó là “nghỉ hưu non”, nhưng lẽ ra họ nên nói thẳng là “sa thải”. Một phần ba thế kỷ làm việc để rồi ông bị đối xử như thế đấy.
Ove không rõ mình ngồi trên cái ghế đẩu bao lâu, với cái máy khoan trong tay và nhịp tim đập mạnh đến nỗi ông nghe được tiếng thình thịch của nó trong đầu. Trên bức tường, bên cạnh cửa ra vào, có một tấm ảnh chụp ông và Sonja. Lần ấy hai vợ chồng đi sang Tây Ban Nha du lịch. Bà có làn da rám nắng, mặc chiếc váy đỏ, và nom vô cùng hạnh phúc. Ove đứng bên cạnh nắm tay vợ. Ông ngồi đó khoảng chừng một tiếng và nhìn bức ảnh không rời mắt. Trong tất cả điều mà ông nghĩ mình tiếc nhớ nhất về bà, điều ông thực sự ao ước có thể làm được một lần nữa là nắm lấy tay bà. Sonja hay co ngón trỏ lại, giấu nó vào lòng bàn tay ông. Và ông luôn cảm thấy trên đời này không có gì là không thể mỗi khi bà làm như vậy. Trong tất cả những thứ ông tiếc nhớ, đó là thứ ông nhớ nhiều nhất.
Ove chậm rãi đứng dậy. Ông đi vào phòng khách. Leo lên cái ghế đẩu. Ông khoan cái lỗ trên trần rồi gắn móc treo vào.
Xong xuôi, ông bước xuống ghế đẩu và xem xét thành quả công việc.
Ông bước ra tiền sảnh, mặc áo vest vào, sờ nắn chiếc phong bì trong túi áo. Ông đã tắt hết đèn đuốc trong nhà, rửa sạch tách cà phê, và gắn cái móc trong phòng khách. Xong hết các việc rồi.
Ông lấy sợi dây thừng từ cái móc treo áo trong tiền sảnh. Thật dịu dàng, ông dùng mu bàn tay ve vuốt những chiếc áo khoác của vợ mình một lần cuối. Rồi ông đi vào phòng khách, thắt một nút thòng lọng bằng sợi dây thừng, gắn nó vào cái móc trên trần, trèo lên chiếc ghế đẩu, và tròng đầu vào thòng lọng.
Ông dùng chân đá cái ghế.
Nhắm mắt lại, Ove cảm thấy nút thòng lọng thít quanh cổ mình như hàm của một con thú hoang to xác.