Cố Thăng tìm số điện thoại của cảnh sát phụ trách vụ việc này, nhưng khi định ấn số gọi đi thì anh lại chần chừ.
Ngẫm kĩ ra thì Mạnh Thanh Hà chỉ làm một việc mà thôi: Đó là đứng ra làm một thẩm phán bất đắc dĩ khi chính nghĩa mãi không
chịu đến.
Nếu không phải thôn làng khép kín kia đã có xu hướng mở cửa dần với bên ngoài, thì anh không nghi ngờ gì việc nhà họ Đào sẽ
lại mua thêm những cô gái vô tội khác về.
Anh lại nhớ đến Hứa Tuệ Lộ vô tội bị Mạnh Thanh Hà bán đứng và người phụ nữ bị cầm tù trong nhà họ Mạnh, xét đến cùng,
người lựa chọn chính là Mạnh Thanh Hà.
Anh thở dài rồi gọi đi, sau đó nói cho cảnh sát Trần Lượng rằng có thể đến nhà họ Mạnh và nhà bác sĩ Mục thử xem.
Lý do của Cố Thăng là anh tình cờ thấy Mạnh Thanh Hà vẽ ba vòng tròn lớn ở nhà họ Đào, nhà họ Mạnh và nơi ở của bác sĩ Mục
trong sổ tay, như thể đang có âm mưu gì đó.
Trần Lượng cảm ơn Cố Thăng rồi nói sẽ đi điều tra ngay, nếu có tiến triển gì thì sẽ cho anh biết.
Cố Thăng cúp máy rồi nói với Nam Sơn:
– Hài cốt của Hứa Tuệ Lộ còn đang phải đối chiếu AND với danh sách người mất tích, chắc khoảng hai ngày là có kết quả thôi.
– Đợi bao giờ có kết quả rồi nói với mẹ em sau vậy.
Bà ngoại lớn tuổi rồi, không chịu nổi kích thích, nếu bà biết dì cả đã mất thì không biết tim bà có chịu nổi hay không.
Vừa nghe Nam Sơn nói mẹ cô sẽ tới thì Cố Thăng đã ngồi thẳng lưng lên theo bản năng. Anh không ngờ là lại được gặp mẹ vợ
nhanh đến thế.
Hơn nữa, hoàn cảnh cuộc gặp này không thích hợp cho lắm, có lẽ không khí sẽ chìm trong bi thương.
Y tá đẩy cửa bước vào, thấy Nam Sơn ngồi trên giường thì kinh ngạc lắm:
– Cuối cùng cô cũng tỉnh rồi.
Năm ngày nay, hôm nào cô cũng tới cắm kim truyền cho Nam Sơn. Nam Sơn cứ ngủ mãi, không có động tĩnh gì, ấy thế mà mọi
thiết bị khám bệnh thay nhau ra trận đều không thể tìm ra được vấn đề trên cơ thể cô.
Suốt năm ngày nay, anh Cố cứ ở bên Nam Sơn trông nom cô suốt. Anh lo lắng cho bệnh tình của cô, làm mọi việc cho cô mà
không nhờ hộ lý, thực sự là một người rất thâm tình.
Y tá trẻ thấy kim đã được tháo ra thì không nói gì. Đó chỉ là dịch dinh dưỡng thôi, bệnh nhân tỉnh lại là ăn cơm được rồi, không
cần phải dùng đến nó nữa.
– Để tôi gọi bác sĩ Lục tới kiểm tra.
Nam Sơn nói:
– Làm phiền cô rồi.
…
Sau khi thăm khám một hồi, các chỉ tiêu cơ thể của Nam Sơn đều ổn.
Vậy là có thể xuất viện rồi.
Bác sĩ Lục thấy tình trạng bệnh của Nam Sơn hơi kì lạ nên đề nghị cô ở viện thêm mấy ngày cho tiện quan sát. Nam Sơn từ chối.
Cô biết rõ tình trạng của mình, vấn đề có nằm ở thân thể đâu.
Cố Thăng và Nam Sơn vẫn ở khách sạn trước đó, hai người thuê hai gian phòng đối diện với nhau.
Cố Thăng về phòng thì bồn chồn đi vào phòng tắm, tắm rửa, cạo râu, vén gọn tóc rồi thay ra một bộ quần áo thoải mái.
Mấy ngày tới mẹ vợ đến đây rồi, anh phải để lại ấn tượng tốt cho bà mới được.
Cố Thăng vừa thả lỏng tinh thần thì cơn mệt mỏi rã rời ập tới. Mấy ngày nay lo lắng cho Nam Sơn nên anh chẳng thể ngủ được
một giấc ngon.
Anh nhắn tin nói cho Nam Sơn biết anh đi ngủ một giấc, đến tối ăn cơm sẽ gặp nhau.
Sau đó anh ngã nhào xuống chiếc giường trắng phau mềm mại rồi nhắm mắt chìm vào giấc ngủ.
…
Có lẽ là vì mệt quá, nên khi Cố Thăng mở mắt ra thì thấy trời đã tối đen rồi. Anh ngủ một giấc dài, lại thấy đầu nhưng nhức.
Nam Sơn biết anh mệt nên cũng không đánh thức anh.
Anh sờ chiếc điện thoại di động để trên tủ đầu giường, nhìn đồng hồ mới biết là đã chín giờ tối, qua mất giờ cơm chiều từ lâu rồi.
Cố Thăng vội vàng bò dậy, sửa soạn một chút rồi sang gõ cửa phòng Nam Sơn.
– Anh dậy rồi à?
Nam Sơn mở cửa phòng rồi nói với Cố Thăng đang đứng trước cửa.
Cố Thăng gật đầu:
– Qua mất giờ cơm chiều rồi, mình đi ăn đêm nhé?
– Được, anh vào ngồi đi, em thay đôi giày đã.
Nam Sơn mở cửa rồi quay người đi vào phòng.
Cố Thăng đi vào, ngồi xuống sofa.
Nam Sơn thay giày đế phẳng, bỏ ví và điện thoại vào chiếc túi màu kẹo.
Chiếc túi này cô mua riêng cho chuyến du lịch này đây, không ngờ là…
– Em xong rồi, mình đi ăn đi.
Cố Thăng chưa kịp đáp thì chiếc điện thoại trong túi quần anh đã reo vang, anh lấy ra xem, thấy tên người gọi đến là cảnh sát
Trần.
Anh nhìn Nam Sơn đang đứng bên cạnh:
– Cảnh sát Trần gọi đến, chắc là về vụ việc của Mạnh Thanh Hà đất, anh mở loa ngoài cho em nghe cùng nhé.
Nam Sơn gật đầu:
– Vâng.
Cô ngồi xuống mép giường đối diện chỗ anh.
– Cố Thăng đấy à? Tôi là cảnh sát Trần phụ trách vụ án chôn xác dưới gốc lê đây.
Bên kia điện thoại truyền ra giọng nam trong trẻo.
– Ừ, tôi biết rồi, vụ án có tiến triển gì không?
Trần Lượng đáp:
– Chúng tôi tìm đến nhà bác sĩ Mục theo manh mối anh cung cấp, thế nhưng nơi đó bị đốt cháy thành một bãi hoang rồi.
Nam Sơn: làm sao có thể như thế được? Rõ ràng cô đã thấy Mạnh Thanh Hà đi rồi, không quay về châm lửa đốt nhà mà.
Với tính tình cẩn thận của Mạnh Thanh Hà thì bà ta không làm thế đâu.
Nhà bác sĩ Mục ở trong núi, dưới chân núi có không ít người dân trong thôn làm việc, cháy nhà trên núi bốc khói cuồn cuộn sẽ
khiến dân làng chú ý.
Cố Thăng hỏi:
– Sao tự nhiên lại cháy?
– Có dân làng châm lửa đốt rẫy ở bên cạnh, lửa lớn quá không khống chế được, thế là lan đến cháy luôn nhà bà thầy…
Cố Thăng nhìn Nam Sơn, cả hai người đều rất đỗi nghi ngờ. Chuyện này trùng hợp quá, trùng hợp đến mức khiến người ta không
thể không hoài nghi là có người cố ý.
Cảnh sát Trần nói tiếp:
– May mà trong nhà không có ai, bác sĩ Mục đã từ trần từ mười ngày trước rồi. Nghe trưởng thôn nói cả thôn còn họp nhau lại tổ
chức tang lễ cho bà ấy, vì bà là bác sĩ duy nhất trong thôn, đã cống hiến hết mình cho sức khỏe của dân làng đấy. Sau khi mọi
người hỏa táng cho bà xong thì thả tro cốt xuống sông theo nguyện vọng khi còn sống của bà rồi.
Nam Sơn kinh ngạc tột cùng, rõ ràng năm ngày trước cô mới gặp bà ta rồi tận mắt chứng kiến bà ta bị Mạnh Thanh Hà đâm chết.
Thế mà bây giờ cảnh sát Trần lại nói với họ là bác sĩ Mục đã chét từ mười ngày trước, đúng là một trò cười.
Cố Thăng hỏi:
– Có tìm thấy gì trong nhà bác sĩ Mục không?
Thực ra anh muốn hỏi là có thấy cái xác nào không.
– Không có.
Cảnh sát Trần ngồi trên ghế, dùng ngón cái và ngón trỏ day huyệt thái dương của mình:
– Chẳng có cái gì khả nghi cả.
Cảnh sát Trần lại nói tiếp:
– Đúng rồi, cục cảnh sát bọn tôi đặt trọng điểm điều tra lên Đào Quả Thực, Đồng Minh Thiên và Đào Minh. Nghe người trong thôn
nói, phải mấy năm sau vụ việc của Hứa Tuệ Lộ thì Mạnh Thanh Hà mới được gả vào nhà họ Đào, bà ấy không có liên quan gì đến
vụ án chôn xác cả. Hơn nữa, có người nói năm ngày trước họ thấy Mạnh Thanh Hà cãi nhau với Đào Minh một trận rồi xách túi đi
ra khỏi nhà. Bà ấy không chạy trốn cùng ba người nhà họ Đào đâu.
Nam Sơn:
– …
Tâm trạng cô cực kì phức tạp. Cô thật muốn nói to lên cho anh ta biết rằng cả ba người nhà họ Đào và bác sĩ Mục đều bị Mạnh
Thanh Hà giết chết rồi, đừng có đi tìm người chết nữa.
Thế nhưng cô không thể. Cô hoàn toàn không giải thích được vì sao mình lại biết chuyện này. Hơn nữa nếu cô đoán không lầm,
thì toàn bộ chứng cứ chứng minh Mạnh Thanh Hà giết người đều đã được dân làng che giấu hết rồi.
Cô không thể nào lý giải được vì sao dân làng lại nói dối giúp Mạnh Thanh Hà, thậm chí che giấu cả chứng cứ giết người thay bà
ta.
Chẳng lẽ là lương tâm lên tiếng?
Nam Sơn thấy chưa chắc.
Cố Thăng không suy nghĩ quá nhiều về vấn đề này. Anh hỏi:
– Trong nhà họ Mạnh có phát hiện gì không?
Anh vừa nhắc tới nhà họ Mạnh, cảnh sát Trần đang ăn bánh bao lấp bụng suýt nữa nôn hết ra:
– Nhà họ Mạnh có một căn phòng ngầm như tầng hầm ấy. Chúng tôi tìm thấy xác của một người phụ nữ, phán đoán bước đầu là
chết hơn mười ngày rồi. Thời tiết thì nóng, cả cái xác toàn là…
Anh chàng nghĩ cho cảm nhận của Cố Thăng nên không nói tiếp:
– Thi thể bị trói trên giường, vì lâu ngày không hoạt động nên chân tay teo tóp nghiêm trọng…
– Có điều tra ra người đó là ai không?
Trần Lượng đáp:
– Theo dân làng nhận diện thì đó là mẹ của Mạnh Thanh Hà, lúc người dân gần đó nhận ra cái xác thì thấy ngạc nhiên lắm, vì hai
mươi năm trước người phụ nữ này đã rời khỏi nhà họ Mạnh rồi. Ông chủ của nhà họ Mạnh còn buồn bực mà chết vì vợ bỏ đi mà.
Khi anh ta nói phần đầu thì Cố Thăng và Nam Sơn đã lờ mờ đoán được. Họ không ngạc nhiên cho lắm. Nam Sơn mở to hai mắt,
vậy là câu “người nên đi đã đi rồi” của Mạnh Thanh Hà chỉ mẹ của bà ta sao?
Cô còn nhớ rõ những gì dì Đào nói với mình, mẹ của Mạnh Thanh Hà không chịu nổi hoàn cảnh trong thôn Đào Nguyên nên mới
bỏ đi. Hơn nữa, nguyên nhân khiến cho ông cụ Mạnh chết chính là ngày đêm nhớ vợ, uống rượu giải sầu, buồn rầu mà chết.
Cô không nghĩ rằng người giam giữ bà cụ Mạnh là ông Mạnh, vậy thì chỉ có thể là Mạnh Thanh Hà.
Khi đó Mạnh Thanh Hà mới có mấy tuổi chứ? Một cô bé tầm mười tuổi lại có thể làm chuyện này ư? Đã thế nó còn làm mà không
bị ai phát hiện… rốt cuộc phải to gan, cẩn thận và máu lạnh đến mức nào?
Nam Sơn không dám tưởng tượng, lại có người giam hãm mẹ mình dưới tầng hầm được nhiều năm như thế.
Chắc là bà cụ Mạnh đã nhiều lần khuyên lơn van vỉ Mạnh Thanh Hà thả mình ra, thế nhưng Mạnh Thanh Hà không chịu.
Thậm chí vì mẹ mình mà Mạnh Thanh Hà cam tâm từ bỏ ước mơ ra thế giới bên ngoài. Nam Sơn nhìn vào tình cảm thân nhân
này, chỉ cảm thấy méo mó mà thôi.
Nam Sơn nghĩ cuối cùng cũng có dân làng nói thật.
Ai ngờ câu tiếp theo của Trần Lượng lại đánh nát suy nghĩ này của cô ngay lập tức.
Trần Lượng nói:
– Sau đó trưởng thôn chạy đến, bảo với cảnh sát bọn tôi là bà Mạnh vốn mắc bệnh tâm thần, hễ đến mùa thu là lên cơn, bình
thường thì không nhận ra đâu. Mấy năm sau bệnh tình của bà ta ngày càng nghiêm trọng, nên bố của Mạnh Thanh Hà phải trói
vào để tránh bà ta đi làm phiền người khác. Ông cụ thấy chuyện này xấu hổ quá nên bảo với người ngoài là bà xã bỏ đi rồi, chỉ
nói cho mỗi trưởng thôn biết thôi.
Đúng là người dân thôn Đào Nguyên bất chấp tất cả để bảo vệ cho Mạnh Thanh Hà mà, rốt cuộc họ làm thế vì mục đích gì chứ?
Nam Sơn không hiểu.
– Chuyện đại khái là thế, giờ thì cả thôn đang quyên tiền để đưa ma cho bà cụ Mạnh đây, mọi người trong thôn này thuần phác
thật.
Trần Lượng cảm thán.
Thuần phác sao? Đám thôn dân đó cùng nhau đeo mặt nạ để diễn kịch cho người ngoài xem đó thôi. Sau khi vạch lớp mặt nạ ấy
ra, ắt sẽ thấy những khuôn mặt máu lạnh rợn người.
Đáng tiếc là không ai nhận ra họ đeo mặt nạ, còn nói gì đến vạch trần chứ?
– Vụ án diễn biến như thế đó, chúng tôi không tìm thấy người nhà họ Đào ở chỗ bác sĩ Mục hay là nhà họ Mạnh.
Trần Lượng dừng một chút rồi nói tiếp:
– Chúng tôi cho rằng khả năng ba người kia còn trong thôn là không cao, chắc phải hướng mũi điều tra ra bên ngoài thôi.
– Ừ.
Hướng mũi điều tra vào trong hay ra ngoài thôn đều không quan trọng, vì người đã chết cả rồi.
Cảnh sát Trần Lượng ném túi bọc bánh vào thùng rác:
– Bao giờ có tin mới thì tôi sẽ báo cho anh.
– Được rồi, làm phiền anh quá.
Sau khi gác máy, Cố Thăng nhìn về phía Nam Sơn:
– Em nghe được hết đúng không, có suy nghĩ gì nào?
Nam Sơn cau mày nói:
– Em không hiểu, vì sao người dân trong thôn Đào Nguyên lại hợp tác với nhau để che giấu sự thật giết người, bao che cho Mạnh
Thanh Hà?
Nếu muốn giúp Mạnh Thanh Hà, sao họ không giúp luôn từ lúc bà ta bị gả cho Đào Minh đi?
Cô nói tiếp:
– Em đoán chẳng bao lâu sau khi cảnh sát tới lần đầu tiên thì đã có người phát hiện ra bốn cái xác trong nhà bác sĩ Mục. Trong
thôn này, người có quyền lực và uy tín cao nhất là trưởng thôn, có lẽ ý tưởng xử lý xác chết và đốt nhà là của ông ta, mới khiến
cả thôn thống nhất ý kiến như thế. Em chỉ không rõ vì sao dân trong thôn lại làm như vậy, vì mục đích gì chứ?
Không biết bốn cái xác kia lại bị vùi ở sân sau nhà ai rồi.
Cố Thăng trầm tư:
– Chỉ có ích lợi mới có thể trói con người ta vào nhau thôi.
Có lẽ sau khi Mạnh Thanh Hà bị bắt thì ích lợi tập thể của thôn Đào Nguyên sẽ bị ảnh hưởng.
Hẳn là Mạnh Thanh Hà đã đoán chắc được điều này nên mới dám gây án mà không kiêng nể gì. Bà ta đã sớm liệu được rằng sẽ
có người thu thập tàn cuộc sau lưng mình rồi.
Cố Thăng thở dài xoa tóc Nam Sơn:
– Thôi đừng nghĩ đến chuyện không vui nữa, mình đi ăn đi, anh đói quá.
– Đi thôi.
Nam Sơn đứng dậy, đi ra ngoài cửa.
Tất cả chứng cứ phạm tội của Mạnh Thanh Hà đều đã bị dân thôn xóa sạch, lại có toàn thôn đứng ra làm chứng. Nam Sơn hiểu
rằng cảnh sát sẽ không thể điều tra ra được gì đâu.
Người nhà họ Đào đã chết hết, dì cả ở dưới suối vàng có biết, hẳn là cũng được an lòng. Nam Sơn nghĩ thế mới tìm thấy đôi điều
an ủi.