Chương 25

Chương 25

Thứ Sáu 27 tháng Năm 2005

Trong 25 phút, khó có thể từ Eskilstuna đến tận Falköping. Sau một đêm trằn trọc không yên giấc, công tố viên Conny Ranelid phải dậy từ bình minh để kịp tới trang trại Bellringer lúc 10 giờ. Và cuộc gặp gỡ không thể kéo dài hơn một tiếng, nếu không ông lại trễ giờ. Dù sao, buổi họp báo đã trót được thông báo là bắt đầu từ ba giờ chiều.

Conny Ranelid chỉ chực khóc khi ngồi sau tay lái trên đường E20 bên ngoài Örebro. Chiến thắng vĩ đại của Tư pháp, cuốn sách của ông lẽ ra sẽ được đặt tên như thế. Chao ơi! Nếu trời có mắt thì sét phải đánh vào cái trang trại chết tiệt đó và thiêu cháy hết bọn người ấy. Rồi sau đó công tố viên Ranelid thích nói gì thì nói với cánh nhà báo.

Chánh Thanh tra Aronsson đã ngủ một giấc dài ở khách sạn tại Falköping. Ông thức dậy tầm 9 giờ, hơi áy náy về những chuyện xảy ra hôm trước. Ông đã ngồi đó uống sâm banh với những kẻ có thể là tội phạm, và nghe Karlsson ông ổng nói rằng sẽ bịa chuyện gì đó cho công tố viên Ranelid. Chẳng nhẽ Aronsson sắp thành đồng lõa ư? Đồng lõa với cái gì trong trường hợp đó?

Tối hôm qua, khi về tới khách sạn, chánh thanh tra – theo gợi ý của Bosse Ljungberg – đã xem lại những câu thơ của John ở chương 8 câu 7 trong cuốn Kinh Thánh mà Gideonites đã thấy, nằm trong ngăn kéo bàn ngủ. Thế là sau đó ông mất thêm vài tiếng đọc Kinh Thánh ở một góc quán bar của khách sạn, nhâm nhi một ly gin tonic, rồi thêm một ly, ly nữa.

Chương đáng bàn là về một cô ả phạm tội ngoại tình và bị các tín đồ giáo phái Fari đưa đến trước Chúa Giêsu, đặt Ngài vào tình thế khó xử. Nếu theo Chúa, người phụ nữ không đáng bị ném đá vì tội lỗi của mình thì hóa ra Chúa đi ngược lại với Môise (Sách Lêvi). Nếu, trái lại, Chúa cùng phe với Môise, thì Ngài lại mâu thuẫn với người La Mã vốn độc quyền về hình phạt tử hình. Chúa Giêsu sẽ đi ngược lại với Moses hay người La Mã? Những tín đồ giáo phái Fari tưởng mình đã dồn Chúa đến chân tường. Nhưng Chúa Giêsu là Chúa Giêsu, và sau khi suy nghĩ, Ngài phán:

– Hãy để ai là người chưa từng có tội ném viên đá đầu tiên!

Do đó Chúa Giêsu đã tránh được tranh cãi với cả Môise và người La Mã, hay với những tín đồ giáo phái Fari trước mặt Ngài. Các tín đồ giáo phái Fari lần lượt bỏ đi (đàn ông nói chung chẳng có ai vô tội cả). Cuối cùng, chỉ có Chúa Giêsu và người phụ nữ ở lại.

“Thế cánh phụ nữ đâu rồi? Không ai lên án con ư?”

“Không ai cả, thưa Cha,” cô ả trả lời. “Thế thì ta cũng không kết tội con, Chúa Giêsu tuyên bố. Hãy đi đi và bỏ lại cuộc sống tội lỗi của con.”

Bằng linh cảm nghề nghiệp, Chánh Thanh tra vẫn đánh hơi thấy vụ này vẫn có gì đó mờ ám. Nhưng chính Công tố viên Ranelid hôm qua đã tuyên bố Karlsson, Jonsson, anh em Ljungberg, Björklund và Gerdin là vô tội, thế thì Aronsson là ai mà lại gọi họ là bọn bịp bợm chứ? Thêm nữa, chắc chắn họ là một nhóm người khá dễ thương và – như Chúa Giêsu đã chỉ ra rất đúng – có ai vô tội để ném viên đá đầu tiên? Aronsson nhớ lại những khoảnh khắc đen tối trong đời mình, nhưng hơn hết, ông ngồi đó, nổi giận với cái kiểu công tố viên Ranelid đã muốn một người hết sức dễ thương như Pike Gerdin phải chết, chỉ để phục vụ cho mục đích của công tố viên.

– Không, quỷ tha ma bắt! Tự ông đi mà hót vụ này, Ranelid ạ, Chánh Thanh tra Aronsson lầm bầm và lấy thang máy xuống phòng ăn sáng của khách sạn.

Bánh ngô, bánh mì nướng, trứng, kèm cà phê và hai tờ nhật báo lớn, cả hai tờ đều gây ấn tượng là công tố viên đã thất bại trong vụ án cụ già trăm tuổi mất tích, từng bị buộc tội giết người rồi lại được tuyên bố vô tội. Tuy nhiên báo chí cũng thừa nhận rằng họ chưa biết đầy đủ. Cụ già trăm tuổi vẫn chưa được tìm thấy, và công tố viên không muốn nói thêm gì nữa với báo chí cho đến chiều thứ Sáu.

– Phải, Ranelid ạ, ông tự đi mà lo lấy, Aronsson lầm bầm trong lúc ăn sáng.

Sau đó, Chánh Thanh tra gọi một xe taxi và đến trang trại Bellringer lúc 9 giờ 51, ba phút trước khi công tố viên tới.

Chẳng có vẻ gì là sét sẽ đánh xuống trang trại Bellringer như công tố viên Ranelid chân thành mong ước. Nhưng trời âm u và lạnh lẽo. Do đó, mọi người ở trang trại đã dời cuộc gặp mặt xuống căn bếp rộng rãi.

Tối hôm trước, nhóm đã thống nhất dựng lên một câu chuyện khác cho công tố viên Ranelid, và để chắc ăn, họ ôn lại nó trong bữa sáng. Bây giờ tất cả phải thuộc vai diễn của mình, cho dù thực tế là sự thật luôn đơn giản dễ nhớ hơn là bịa nhiều. Càng nói dối thì càng dễ gặp rắc rối, cho nên lúc này các thành viên của nhóm phải suy nghĩ cẩn thận trước khi mở miệng. Thêm vào đó, cứ thoải mái vận dụng tất cả các cách để đánh lạc hướng công tố viên Ranelid.

– Chà, tiên sư nhà nó, quỷ tha ma bắt, Người Đẹp tổng kết sự căng thẳng chung bằng một câu như thế, trước khi Chánh Thanh tra Aronsson và công tố viên Ranelid được đưa vào bếp.

Cuộc gặp với công tố viên Conny Ranelid hóa ra khá vui với một số người. Nó diễn ra thế này:

– Vâng, trước hết tôi xin cảm ơn quý vị đã cho phép tôi đến đây, tôi thực sự đánh giá cao điều đó, công tố viên Ranelid nói. Và tôi phải xin lỗi, thay mặt cho… ờ… thay mặt cho văn phòng công tố viên, về chuyện vài người trong quý vị bị truy nã không lí do. Nói như vậy, tôi rất muốn biết những gì đã xảy ra, từ thời điểm cụ Karlsson leo ra ngoài cửa sổ tại Nhà Già cho đến hiện tại. Cụ có muốn bắt đầu không, thưa cụ Karlsson?

Allan không phản đối. Cụ nghĩ rằng cái gì được mong đợi thường là thú vị. Cụ mở lời:

– Được chứ, thưa ông công tố, dù tôi già nua lẩm cẩm rồi và trí nhớ tôi cũng thế. Nhưng dù sao tôi vẫn nhớ là mình đã trèo ra khỏi cái cửa sổ đó, chắc chắn thế. Và có lý do hẳn hoi cho chuyện đó, lý do chính đáng ấy. Ông thấy đấy, ông công tố ạ, tôi định đi thăm người bạn tốt của tôi, anh Julius Jonsson đây, mà đã thăm anh ấy thì phải có một chai vodka và tôi đã có được nó sau khi lẻn đi, vào cửa hàng bán rượu ở địa phương vào lúc không ai để ý. Thật ra, thời buổi này cũng chẳng phải đến tận cửa hàng rượu nhà nước, chỉ cần gõ cửa nhà… chà, tôi sẽ không nói tên anh ta cho ông đâu, ông công tố ạ, vì ông đến đây chẳng phải vì chuyện đó, nhưng anh ta sống ở trung tâm và bán vodka tư nhân nhập khẩu rẻ bằng nửa giá bình thường. Nhưng mà lúc ấy Eklund không có nhà – thôi chết, thế nào mà tôi lại nói tên anh ta ra mất rồi – và tôi chẳng có cách nào khác là phải mua rượu vodka ở cửa hàng nhà nước. Thế rồi tôi tìm được cách mang chai rượu vào phòng tôi và thường thì mọi thứ ổn cả, nhưng bữa ấy tôi lại lôi nó ra lần nữa, đúng vào ca trực của Matron và cô ấy có mắt mọc sau gáy và khắp nơi, thật thế đấy, ông Công tố ạ. Cô Matron được gọi là Xơ Alice và lừa cô ấy không dễ đâu. Thế nên, tôi nghĩ trong trường hợp này đi bằng cửa sổ là con đường tốt nhất. Hôm đó là sinh nhật thứ một trăm của tôi, có ai muốn đồ uống mừng sinh nhật của mình bị tịch thu vào ngày đầy trăm tuổi đâu?

Công tố viên e rằng cứ thế này thì mất thời gian quá. Cụ Karlsson này đã lảm nhảm khá lâu toàn chuyện lăng nhăng. Mà trong vòng chưa đầy một giờ nữa, Ranelid phải lên đường trở về Eskilstuna rồi.

– Cảm ơn cụ, cụ Karlsson ạ, chuyện cụ khó khăn lắm mới kiếm được thức uống vào ngày trọng đại của mình rất thú vị, nhưng cho phép tôi nhắc cụ kể có chọn lọc hơn, chúng ta không có nhiều thời gian, chắc cụ hiểu đấy, cụ Karlsson ạ. Thế còn chiếc vali và cuộc gặp với Bylund Ốc Vít ở Trung tâm Du lịch Malmköping thì thế nào?

– Vâng, nó thế nào ấy à? Per-Gunnar đã gọi điện cho Julius và Julius gọi điện cho tôi… theo Julius thì Per-Gunnar muốn tôi chịu trách nhiệm về mấy cuốn kinh thánh ấy và tôi nghĩ mình cũng có thể giúp anh ấy, vì tôi…

– Kinh Thánh ư? công tố viên Ranelid cắt ngang.

– Nếu ông cho phép, ông công tố ạ, có lẽ tôi có thể cung cấp một ít thông tin về chuyện này? Benny nói.

– Vâng anh cứ nói, công tố viên đáp.

– Vâng, nó là như thế này: Allan là bạn tốt của Julius ở Byringe, mà anh ấy thì là bạn tốt của Per-Gunnar, người mà ông công tố tưởng là đã chết ấy, và Per-Gunnar thì lại là bạn tốt của tôi, và tôi vừa là em trai của Bosse, chủ nhà này, vừa là chồng chưa cưới của Gunilla, cô ấy là người đẹp ngồi phía cạnh bàn kia, Gunilla lo phần chú giải và do đó có điểm chung với Bosse người bán kinh thánh – ví dụ cho Per-Gunnar chẳng hạn.

Công tố viên ngồi bút lăm lăm trong tay, nhưng mọi thứ được nói quá nhanh, ông chẳng kịp ghi lại từ nào. Điều đầu tiên ông có thể rặn ra là:

– Chú giải á?

– Vâng, diễn giải Kinh Thánh, Người Đẹp giải thích với ông.

Diễn giải Kinh Thánh? Chánh Thanh tra Aronsson ngồi im cạnh công tố viên thầm nghĩ. Tối hôm qua Aronsson đã nghe Người Đẹp chửi thề như ranh, thế mà lại có thể diễn giải Kinh Thánh ư? Tuy nhiên, ông không nói gì. Cứ kệ công tố viên tự tìm hiểu mọi chuyện.

– Diễn giải Kinh Thánh? Công tố viên Ranelid hỏi, nhưng rồi lập tức quyết định tiếp tục. Không sao, hãy kể cho tôi chuyện gì đã xảy ra với chiếc vali và Bylund Ốc Vít ở Trung tâm Du lịch Malmköping.

Bây giờ đến lượt Per-Gunnar Gerdin nhảy vào cuộc.

– Ông công tố, cho phép tôi nói vài câu được không ạ? Anh ta hỏi.

– Chắc chắn rồi, công tố viên Ranelid đáp. Miễn là có ai đó nói gì soi sáng sự việc chút ít, rồi ma quỷ tự nó sẽ nói ra.

– Nào nào, ông dùng từ cẩn thận cho một chút, Người Đẹp nói và đảo mắt (thế là Chánh Thanh tra biết tỏng rằng họ đang đem công tố viên ra làm trò đùa).

– Tôi không nghĩ ‘ma quỷ’ là một từ xứng với tôi kể từ khi tôi gặp Chúa Giêsu, Per-Gunnar Gerdin nói. Ông công tố tất nhiên chắc phải nghe nói rằng tôi đã đứng đầu một tổ chức gọi là “Never Again”. Cái tên này ban đầu có nghĩa là các thành viên của tổ chức sẽ không bao giờ quay lại sau song sắt một lần nữa, dù có thể không thiếu lý do pháp lý cho chuyện ấy, nhưng về sau tên này đã có một ý nghĩa khác. Chúng tôi sẽ Không Bao Giờ bị cám dỗ để vi phạm pháp luật lần nữa, dù là luật của con người hay luật trên thiên đường!

– Có phải đó là lý do vì sao Ốc Vít đập tan phòng chờ, đánh đập một nhân viên rồi bắt cóc tài xế xe buýt và cướp xe của ông ta? Công tố viên Ranelid chất vấn.

– Trời ơi, tôi cảm nhận thấy một sự mỉa mai nào đó ở đây, Per-Gunnar Gerdin nói. Nhưng bản thân tôi đã nhìn thấy ánh sáng, không có nghĩa là những người tôi quen biết cũng thế. Một trong số họ đã đến tận Nam Mỹ để truyền giáo, nhưng hai người khác chẳng may vắn số. Tôi đã giao cho Ốc Vít nhiệm vụ lấy chiếc vali chứa hai trăm cuốn kinh trên đường từ chỗ Bosse ở Uppsala đến Falköping. Tôi sẽ dùng kinh sách để mang tin lành đến với những kẻ côn đồ xấu xa nhất nước, xin ông thứ lỗi về cách diễn đạt của tôi, thưa ông công tố.

Cho tới lúc này, Bosse, ông chủ của trang tại Bellringer vẫn giữ im lặng. Nhưng đến đây, ông nâng một chiếc vali nặng màu xám lên bàn ăn và mở nó ra. Bên trong là một số lượng lớn các cuốn kinh thánh bọc bìa da thật màu đen, chữ nạm vàng, có chú giải song song, ba tấm đánh dấu sách, một danh sách các nhân vật trong Kinh Thánh, bản đồ in màu và đủ thứ khác.

– Khó thấy ở đâu có cuốn Kinh Thánh nào tuyệt vời hơn, ông công tố ạ, Bosse Ljungberg nói với giọng thuyết phục. Cho phép tôi đưa ông xem một cuốn nhé? Ngay cả trong Văn phòng Công tố nhà nước thì người ta cũng cần được giúp đỡ để tìm kiếm ánh sáng, ông công tố chắc cũng phải ý thức điều đó!

Bosse là người đầu tiên trong nhóm không lảm nhảm vô nghĩa trước mặt công tố viên, vì anh ta nói thực. Và công tố viên hẳn phải bán tín bán nghi điều đó, vì bây giờ ông bắt đầu lung lay, không dám chắc rằng tất cả các chuyện Kinh Thánh này chỉ là bịp bợm. Ông nhận cuốn Kinh Thánh từ Bosse và nghĩ rằng chỉ có sự cứu rỗi ngay lập tức mới có thể cứu mình bây giờ. Nhưng ông không nói ra điều đó mà chỉ bảo:

– Liệu chúng ta có thể trở lại lần cuối với sự việc trước mắt không? Chuyện gì đã xảy ra với cái vali chết mẹ ở Malmköping?

– Ôi đừng chửi thề! Người Đẹp khẩn khoản.

– Giờ chắc tới lượt của tôi chứ? Allan thắc mắc. Vâng, ông thấy đấy, tôi đến Trung tâm Du lịch sớm hơn dự định ban đầu một chút, vì Julius nhân danh Per-Gunnar bảo tôi thế. Nghe nói là trước đó Bylund Ốc Vít đã gọi điện cho Per-Gunnar ở Stockholm và xin xỉn rồi – xin lỗi ông công tố lần nữa vì cách diễn đạt của tôi! Và như ông biết đấy, ông công tố ạ, mà cũng có thể là ông không biết vì tôi chẳng biết tửu lượng của ông thế nào, nhưng dù sao… tôi nói đến đâu rồi nhỉ? Vâng, ông biết đấy, ông công tố ạ, rượu vào thì mất khôn, hoặc đại loại thế. Bản thân tôi lúc say xỉn đã nói hớ khá nhiều hơn trong một tàu ngầm ở độ sâu 200 mét ở giữa biển Baltic…

– Nhân danh Chúa, cụ có thể đi thẳng vào vấn đề không! Công tố viên Ranelid nói.

– Xin đừng báng bổ! Người Đẹp tha thiết.

Công tố viên Ranelid đặt một tay lên trán và hít sâu vài lần. Allan Karlsson tiếp tục:

– Vâng, Bylund Ốc Vít đã gọi điện cho Per-Gunnar ở Stockholm lẩm bà lẩm bẩm rằng anh ta rút khỏi Câu lạc bộ Kinh Thánh của Per-Gunnar và có ý định đăng lính Lê dương ở nước ngoài nhưng trước hết – đến đây thì ông nên ngồi xuống, Công tố viên ạ, vì những gì tôi sắp nói khủng khiếp lắm – anh ta có ý định đốt sạch chỗ thánh kinh ở quảng trường chính tại Malmköping!

– Chính xác hơn, anh ta đã nói là “đống kinh sách khốn nạn chết tiệt”, Người Đẹp bổ sung.

– Đương nhiên, sau đó, tôi được cử đi tìm Ốc Vít để lấy cái vali từ anh ta trước khi quá muộn. Chúng ta thường có ít thời gian, nhưng đôi khi thời gian thậm chí còn ít hơn là ta có thể tưởng tượng. Ví dụ như trường hợp Tướng Franco ở Tây Ban Nha suýt bị nổ banh xác ngay trước mắt tôi. Nhưng nhân viên của ông có mặt ở đó, họ tóm lấy ông tướng, nhấc bổng lên và đưa ông xuống đất an toàn. Họ đã không phí thời gian suy nghĩ. Cứ thế mà làm thôi.

– Tướng Franco ở Tây Ban Nha thì liên quan gì đến chuyện này? Công tố viên Ranelid thắc mắc.

– Chẳng liên quan gì ráo, ông công tố ạ, tôi chỉ lấy ông ta làm ví dụ minh họa vậy thôi. Càng rõ ràng càng tốt mà.

– Trong trường hợp đó, cụ Karlsson ạ, cụ có thể làm rõ ràng vấn đề này được không? Chuyện gì đã xảy ra với cái vali?

– Vâng, anh Ốc Vít không muốn đưa nó cho tôi, và thể lực tôi không đủ để giằng lấy cái vali, vấn đề không chỉ ở thể lực của tôi, về nguyên tắc, tôi tin rằng thật khủng khiếp cái cách người ta…

– Xin cụ tập trung vào chủ đề, cụ Karlsson!

– Vâng, xin lỗi ông công tố. Vâng, giữa lúc lộn xộn này, anh Ốc Vít phải vào nhà vệ sinh công cộng ở trung tâm du lịch, thế là tôi nắm lấy cơ hội. Tôi biến mất cùng với cái vali, bằng cách lên xe buýt Strängnäs đến Byringe chỗ anh bạn già Julius, hay thỉnh thoảng còn được gọi là Julle.

– Julle ư? công tố viên hỏi, vì cảm thấy mình cũng phải nói gì đó.

– Hoặc Julius, Julius nói. Hân hạnh được gặp ông.

Công tố viên ngồi im lặng một lúc. Bây giờ ông thực sự bắt đầu ghi chép một chút, vạch vài đường kết nối giữa ghi chú này với kia, rồi ông nói:

– Nhưng, cụ Karlsson ạ, cụ trả tiền vé xe buýt bằng tờ năm mươi crown và còn hỏi bằng ấy thì đi được bao xa. Nó đâu có khớp với việc chủ tâm đi du lịch đến Byringe chứ không phải nơi nào khác?

– Ôi dào! Allan nói. Tôi thừa biết giá vé đến Byringe chứ. Mỗi tội tôi chỉ có một tờ năm mươi crown trong ví và định trêu bác tài một chút. Chắc nó không bị cấm chứ, ông công tố?

Công tố viên Ranelid không trả lời là trêu cợt người khác có bị cấm hay không. Thay vào đó, một lần nữa, ông đề nghị Allan tiếp tục và nói nhanh lên.

– Ngắn gọn thôi: Tiếp theo thì sao?

– Ngắn thôi à? Tóm lại, chuyện xảy ra là Julius và tôi, chúng tôi đã có một buổi tối vui vẻ với nhau, cho đến khi anh Ốc Vít đến và ra sức tháo ốc vít cửa, xin ông công tố tha lỗi vì tôi đã chơi chữ. Nhưng vì chúng ta có một chai vodka trên bàn, có lẽ ông sẽ nhớ từ lúc trước tôi đã kể rằng tôi mang theo một chai vodka – thành thực mà nói thì không chỉ một chai mà là hai chai, người ta không nên nói dối những chi tiết không quan trọng nhưng dù sao đi nữa ông là người có thể đánh giá trong câu chuyện này cái gì là quan trọng nhiều hay ít, ông công…

– Tiếp đi!

– Vâng, xin lỗi ông. Vâng, anh Ốc Vít hết giận ngay khi biết là thực đơn sẽ có món nai sừng tấm nướng và rượu vodka. Trong bữa ăn tối muộn, anh ấy thậm chí đã quyết định không đốt chỗ kinh sách, nhờ say xỉn cả đấy. Rượu thực ra cũng có mặt tích cực của nó, ông có nghĩ thế không, ông công…

– Tiếp đi!

– Sáng hôm sau, ông thấy đấy, ông công tố ạ, anh Ốc Vít đã bị nhức đầu khủng khiếp. Cá nhân tôi đã không bị thế từ năm 1945, hồi đó tôi đã cố hết sức uống thắng Phó Tổng thống Truman bằng rượu tequila. Thật không may, Tổng thống Roosevelt đã mất đúng ngày hôm đó thế nên chúng tôi phải ngừng bữa rượu sớm, thế có khi lại may cho tôi vì, ôi, Chúa phù hộ, tôi không thể tả được đầu mình hôm sau bị làm sao. Tôi chỉ cảm thấy khá hơn so với Roosevelt một chút thôi, có thể nói là như vậy.

Giờ thì công tố viên Ranelid chớp mắt lia lịa trong lúc tự hỏi mình nên nói gì. Cuối cùng, sự tò mò thắng thế. Công tố viên thậm chí không nhắc Allan Karlsson nói đúng vào chủ đề nữa:

– Cụ đang nói gì thế? Cụ đã ngồi uống rượu tequila với Phó Tổng thống Truman trong khi Tổng thống Roosevelt mất ư?

– Không, ông Roosevelt không hẳn là chết, Allan nói. Nhưng tôi hiểu ý ông, ông công tố ạ. Nhưng có lẽ chúng ta không nên sa lầy vào chi tiết, ông có nghĩ thế không ông công tố?

Công tố viên chẳng nói gì, thế là Allan tiếp tục.

– Dù sao thì anh Ốc Vít cũng không khỏe để giúp chúng tôi đạp xe goòng đến làng đúc Akers sáng hôm sau.

– Theo như tôi hiểu thì anh ta thậm chí còn không mang giày, công tố viên nói. Cụ giải thích thế nào về chuyện đó, cụ Karlsson?

– Nếu mà ông công tố chứng kiến sáng hôm đó anh Ốc Vít bèo nhèo đến mức nào… Anh ta thậm chí có thể ngồi đấy mà không mặc gì trừ quần lót ấy chứ.

– Thế còn đôi giày của cụ, cụ Karlsson? Sau đó nó được tìm thấy trong nhà bếp của Julius Jonsson.

– Vâng, tất nhiên là tôi mượn giày của Julius. Nếu một trăm tuổi, rất hay cứ thế lê dép ra ngoài, rồi ông cũng thấy mình như thế, bốn mươi hoặc năm mươi năm nữa.

– Tôi chẳng nghĩ mình sẽ sống lâu đến thế, công tố viên Ranelid nói. Câu hỏi đặt ra là liệu tôi có thể sống qua cuộc trò chuyện này không ấy. Cụ giải thích thế nào về việc khi chiếc xe goòng được tìm thấy, chó cảnh sát có thể đánh hơi ra dấu vết của một xác chết?

– Ông cho tôi biết đi, ông công tố. Tất nhiên anh Ốc Vít là người cuối cùng rời khỏi chiếc xe, có lẽ anh ấy có thể tự kể với chúng ta, nếu không chẳng may chết ở Djibouti. Hay là ông công tố nghĩ tôi có thể là nguyên nhân gây ra cái mùi đó? Tôi đúng là chưa chết, chắc chắn là như thế, nhưng tôi già khủng khiếp… có thể nhuốm mùi người chết hơi sớm chăng?

Công tố viên Ranelid đã bắt đầu mất kiên nhẫn. Thời gian trôi vèo vèo và nãy giờ mới kể chưa xong một trong hai mươi sáu ngày. Và chín mươi phần trăm những gì cụ già lảm nhảm là hoàn toàn vô nghĩa.

– Tiếp đi! Công tố viên Ranelid giục, không bình luận thêm gì về mùi người chết nữa.

– Vâng, chúng tôi để anh Ốc Vít ngủ trên chiếc xe và đi dạo đến quầy bánh mì kẹp của Benny, bạn của Per-Gunnar.

– Anh cũng từng bị đi tù à? Công tố viên hỏi.

– Không, nhưng tôi đã nghiên cứu Tội phạm học, Benny nói rất thành thực, trước khi bịa ra chuyện vì thế mình từng phỏng vấn các tù nhân trong một nhà tù lớn và nhờ thế mà gặp Per-Gunnar.

Hình như công tố viên Ranelid lại ghi chép gì đó, rồi ông đều đều giọng bảo Allan Karlsson cứ tiếp tục!

– Ban đầu, Benny định lái xe đưa tôi và Julius đến Stockholm để chuyển cái vali kinh thánh cho Per-Gunnar. Nhưng rồi Benny bảo sẽ đánh một đường vòng qua Småland, chỗ vợ chưa cưới của anh ấy, là cô Gunilla đây…

– Cầu cho ông được bình an, Gunilla nói và gật đầu với Công tố viên Ranelid.

Công tố viên Ranelid gật đầu lại với Người Đẹp rồi quay lại với Allan đang nói tiếp:

– Benny đương nhiên là người biết Per-Gunnar rõ nhất và Benny bảo, Per-Gunnar có thể đợi một vài ngày để lấy thánh kinh, dù sao thì trong đó có tin tức thời sự gì đâu, và phải công nhận là anh ta nói đúng. Nhưng làm sao có thể chờ đợi đời đời được, vì đến khi Chúa Giêsu thực sự trở lại trái đất thì tất cả các chương về sự phục sinh của Người lại bị lỗi thời…

– Đừng nói lằng nhằng nữa, cụ Karlsson. Bám vào chủ đề đi!

– Tất nhiên, ông công tố ạ! Tôi sẽ cực kỳ tập trung vào chủ đề, nếu không là hỏng hết mọi chuyện. Tôi nghĩ chuyện này mình phải rõ hơn bất cứ ai. Nếu không tập trung vào chủ đề trước mặt Mao Trạch Đông ở Mãn Châu thì hồi đó, tôi gần như chắc chắn đã bị bắn ở đó rồi.

– Phải công nhận đấy là giải pháp tối ưu, Công tố viên Ranelid nói và ra dấu cho Karlsson nói nhanh lên.

– Nhưng dù sao, Benny cứ không tin rằng Chúa Giêsu có đủ thời gian để quay trở lại khi chúng tôi còn ở Småland, và theo chỗ tôi biết thì Benny đã đúng về điều đó…

– Karlsson!

– Ồ vâng. Vâng, cả ba chúng tôi lái xe đến Småland, một cuộc phiêu lưu khá thú vị cho Julius và tôi, chúng tôi đã đi mà không báo cho Per-Gunnar, tất nhiên đó là một sai lầm.

– Vâng, đúng thế, Per-Gunnar Gerdin chêm vào. Tôi nghĩ mình có thể đợi một vài ngày để lấy thánh kinh, nó không thành vấn đề. Tuy nhiên, ông thấy đấy, ông công tố, tôi nghĩ rằng Ốc Vít cùng với Julius, Allan và Benny đã nảy ra một trò gì đó ngớ ngẩn. Vì Ốc Vít chưa bao giờ thích ý tưởng là Never Again nên bắt đầu tuyên truyền kinh Phúc Âm. Và tất nhiên tôi chẳng thấy dễ chịu hơn tí nào sau khi đọc những gì báo chí nói!

Công tố viên gật gù ghi chép. Có lẽ ở đây có điều gì đó hợp lý hơn cả. Rồi ông quay về phía Benny:

– Nhưng khi đọc về nghi án bắt cóc cụ già trăm tuổi, về Never Again và về “trùm ăn trộm” Julius Jonsson – sao anh không liên lạc với cảnh sát?

– Chà, tôi có nghĩ đến chứ. Nhưng khi tôi bảo nó với Allan và Julius, họ khăng khăng không chịu. Julius nói rằng về nguyên tắc, ông không bao giờ nói chuyện với cảnh sát, còn Allan bảo cụ đã chạy trốn khỏi Nhà Già và hoàn toàn không muốn bị trả lại cho Xơ Alice chỉ vì báo chí và truyền hình đã hiểu sai .

– Về nguyên tắc, ông không bao giờ nói chuyện với cảnh sát ư? Công tố viên Ranelid hỏi Julius Jonsson.

– Vâng, sau đủ thứ chuyện xảy ra. Bao năm qua, tôi chẳng mấy khi may mắn khi dính tới cảnh sát. Nhưng gặp mà dễ chịu như với Chánh Thanh tra Aronsson ngày hôm qua, và với ông, ông Công tố ạ, hôm nay tôi rất vui làm một ngoại lệ. Ông có muốn thêm cà phê không?

Có, công tố viên đúng là đang cần thêm cà phê. Ông cần các kiểu năng lượng và sức mạnh mà mình có thể tập hợp để đưa cuộc trò chuyện này vào trật tự, rồi có cái gì đó mà trình bày với báo giới vào lúc 3 giờ. Cái đó phải là sự thật, hoặc ít nhất thì cũng đáng tin.

Nhưng công tố viên không chịu buông tha Benny Ljungberg.

– Thế thì tại sao anh không gọi điện thoại cho bạn anh, Per-Gunnar Gerdin? Anh phải biết rằng ông ấy sẽ đọc về anh trên báo chứ.

– Tôi nghĩ rằng có lẽ cảnh sát và ông công tố vẫn chưa nhận thức được thực tế là Per-Gunnar đã gặp Chúa Giêsu, và do đó đường dây điện thoại của ông ấy bị nghe trộm. Và tôi nghĩ rằng ông công tố phải công nhận rằng tôi nói đúng chứ?

Công tố viên lẩm bẩm gì đó, ghi chép, và lấy làm tiếc rằng mình đã trót để lộ chi tiết này cho cánh nhà báo, nhưng việc đã rồi tiếc cũng vô ích. Rồi ông tiếp tục, quay sang Per-Gunnar Gerdin.

– Ông Gerdin, có vẻ như ông đã được chỉ dẫn đến nơi Allan Karlsson và bạn của cụ ấy đang ở. Chỉ dẫn này từ đâu ra?

– Đáng tiếc là chúng ta có lẽ sẽ không bao giờ biết nữa. Đồng nghiệp của tôi mang theo mọi thông tin xuống mồ rồi. Hay nói chính xác hơn là trong bãi xe phế thải.

– Thế chỉ dẫn nói gì?

– Nói là đã nhìn thấy Allan, Benny và bạn gái của anh ấy ở Rottne, Småland. Một người bạn của Thùng Gỗ đã gọi điện, tôi nghĩ thế. Tôi chỉ quan tâm đến thông tin đó là chính. Tôi biết rằng bạn gái của Benny tóc màu đỏ và sống ở Småland. Vì vậy, tôi đã bảo Thùng Gỗ đến Rottne và đứng bên ngoài siêu thị. Vì ai chả phải mua các thứ…

– Và Thùng Gỗ vui vẻ vâng lời, nhân danh Chúa Giêsu?

– Chà, không hẳn như vậy, ông đã điểm đúng huyệt đó, ông công tố ạ. Có thể nói đủ thứ về Thùng, nhưng còn… tôn giáo thì… Không, anh ta chẳng bao giờ có đức tin. Anh ta thậm chí còn khó chịu hơn Ốc Vít trước xu hướng mới của câu lạc bộ. Anh ta bảo sẽ đến Nga hoặc các nước vùng Baltic để kinh doanh ma túy ở đó… ông đã bao giờ nghe chuyện gì khủng khiếp đến thế chưa? Thực ra, có khi anh ta còn bắt đầu làm thế rồi cũng nên, nhưng chuyện đó ông phải hỏi chính anh ấy… Không, cũng không thể hỏi được…

Công tố viên nhìn Per-Gunnar Gerdin nghi ngờ.

– Chúng tôi có một băng ghi âm, như Benny Ljungberg đã phỏng đoán. Trong đó, ông gọi Gunilla Björklund là một “con mụ” và sau đó, trong cuộc trò chuyện ông còn chửi thề nữa. Liệu Chúa nghĩ sao về điều đó?

– À, Chúa sẽ tha thứ ngay, ông sẽ thấy thế nếu mở cuốn sách mà ông vừa nhận được kia.

– “Ai tội lỗi gì cũng được tha thứ” Chúa Giêsu đã phán thế, Bosse chen vào.

– Kinh Phúc Âm, lời thánh John? Chánh Thanh tra Aronsson nói, ông nhận ra câu này mình đã đọc tối qua, lúc ngồi hàng tiếng trong góc của quán bar khách sạn.

– Ông đọc Kinh Thánh à? Công tố viên Ranelid ngạc nhiên hỏi.

Chánh Thanh tra Aronsson không đáp, chỉ mỉm cười ngoan đạo với Công tố viên Ranelid. Per-Gunnar Gerdin tiếp tục:

– Tôi cố ý nói theo kiểu đó vì muốn Thùng Gỗ nhận ra phong cách hồi trước, tôi nghĩ nó có thể khiến anh ta nghe lời tôi, Per-Gunnar Gerdin giải thích.

– Thế anh ta có nghe không? công tố viên hỏi.

– Có và không. Tôi không muốn anh ta ra mắt Allan, Julius, Benny và bạn gái anh ấy, vì sợ cung cách thô lỗ của anh ta gây mất cảm tình với nhóm.

– Và đúng thế thật đấy, Người Đẹp thêm vào.

– Sao lại thế? Công tố viên Ranelid hỏi.

– Chà, anh ta xông vào trang trại của tôi, hút thuốc, chửi thề và đòi uống rượu… Tôi cũng dễ tính lắm, nhưng tôi không thể chịu nổi kẻ mở mồm ra là văng tục.

Chánh Thanh tra Aronsson suýt nghẹn miếng bánh. Mới tối qua, Người Đẹp đã ngồi ngoài hiên và chửi thề gần như không dừng lại để thở. Aronsson mỗi lúc một cảm thấy mình không hề muốn tìm ra sự thật trong đống lộn xộn này. Kệ nó thế thì tốt hơn. Người Đẹp tiếp tục:

– Tôi khá chắc chắn là khi đến, anh ta say xỉn, mà lại còn lái xe hơi nữa chứ, ông nghĩ xem! Rồi anh ta đi vòng vòng, vung vẩy khẩu súng lục diễu võ dương oai, rằng anh ta sẽ buôn ma túy ở… Riga, hình như thế. Thế là, tôi gầm lên, vâng, ông Công tố ạ, tôi gầm lên rằng “Không được mang vũ khí trên đất của tôi!” và buộc anh ta đặt khẩu súng xuống hiên. Tôi chưa từng gặp ai nóng tính và khó chịu hơn…

– Có lẽ tại mấy quyển kinh thánh khiến anh ta mất bình tĩnh, Allan thắc mắc. Tôn giáo có thể dễ dàng khuấy động cảm xúc của người ta. Một lần, hồi tôi ở Teheran…

– Teheran ư? công tố viên buột miệng.

– Vâng, một vài năm trước đây, chắc chắn thế. Hồi đó còn có chút trật tự, Churchill bảo tôi thế khi chúng tôi bay khỏi đó bằng máy bay.

– Churchill á? Công tố viên hỏi.

– Vâng, ông Thủ tướng ấy. Có lẽ hồi đó ông ấy không phải là Thủ tướng Chính phủ mà là trước đó. Và sau đó, thực tế là vậy.

– Mẹ nó, tôi thừa biết Churchill là ai chứ, tôi chỉ… ông và Churchill đi Teheran cùng nhau?

– Đừng chửi thề, ông công tố! Người Đẹp thốt lên.

– Chà, không hẳn là cùng nhau. Tôi đã sống một thời gian với một nhà truyền giáo. Ông ấy có biệt tài khiến mọi người chung quanh phát điên lên.

Và công tố viên Ranelid cũng sắp phát điên đến nơi. Ông vừa nhận ra mình đã cố gắng moi sự thật từ một cụ già trăm tuổi, người ngồi đó tuyên bố rằng cụ đã gặp Franco, Truman, Mao Trạch Đông và Churchill. Nhưng Allan chẳng lấy làm phiền nếu Ranelid mất bình tĩnh. Ngược lại thì có. Cho nên cụ cứ tiếp tục:

– Suốt thời gian ở Trang trại Bên Hồ, anh Thùng Gỗ cứ như một đám mây dông. Anh ấy chỉ tươi tỉnh đúng một lần, đó là khi cuối cùng anh ấy bỏ đi. Lúc đó, anh ta hạ cửa sổ xe xuống và gào lên: “Latvia, tôi đến đây” Chúng tôi hiểu là anh ta định nói mình đang trên đường đến Latvia, nhưng ông công tố giàu kinh nghiệm trong ngành cảnh sát hơn chúng tôi nên có lẽ sẽ giải thích khác?

– Đồ ngu! Công tố viên nói.

– Đồ ngu? Allan hỏi. Tôi chưa bao giờ được gọi như thế cả. Đồ chó và chuột thì có, Stalin buột ra hai từ đó trong lúc giận dữ nhất, nhưng chưa bao giờ là ngu cả.

– Thế thì nó là thời chó chết, công tố viên Ranelid nói.

Per-Gunnar Gerdin phản ứng lại:

– Nào nào, đừng có nổi nóng chỉ vì ông không thể còng tay bất cứ ai ông muốn, ông công tố ạ. Ông có muốn nghe phần còn lại của câu chuyện hay không?

Có, công tố viên muốn nghe, vì vậy ông lẩm bẩm một lời xin lỗi. Mà có lẽ “muốn” không phải là từ chính xác… ông đơn giản là “phải” nghe. Vì vậy, ông để Per-Gerdin tiếp tục:

– Thế thì, về tổ chức Never Again, có thể nói Ốc Vít đã đến châu Phi đăng lính Lê dương Pháp, Thùng Gỗ đến Latvia để buôn ma túy, và Caracas về quê để… chà, anh ta về quê. Còn lại chỉ mình tôi, hoàn toàn trơ trọi, dù tôi có Chúa Giêsu ở bên cạnh, tất nhiên.

– Ồ, phải, lôi kéo thêm đi, công tố viên lầm bầm. Tiếp tục nào!

– Tôi tìm xuống Trang trại Bên Hồ để gặp Gunilla, bạn gái của Benny. Ít nhất thì Thùng Gỗ đã gọi điện và cho tôi địa chỉ trước khi rời khỏi đất nước. Dù bất lương nhưng anh ta còn chút tử tế đấy.

– Ừm, tôi có một số câu hỏi về điều đó, Công tố viên Ranelid hỏi. Đầu tiên với cô, Gunilla Björklund. Vì sao vài ngày trước khi bỏ đi, cô lại ra ngoài mua một chiếc xe tải – và tại sao cô bỏ đi nhỉ?

Tối hôm trước, nhóm bạn đã quyết định giữ Sonya đứng ngoài chuyện này. Cũng giống như Allan, nó đang trên đường chạy trốn, nhưng khác với cụ, nó không có quyền công dân. Có thể nó sẽ không được coi là người Thụy Điển và ở Thụy Điển, cũng như hầu hết các nước khác, người nước ngoài chẳng được coi trọng lắm. Sonya có thể sẽ bị trục xuất hoặc bị giam trong vườn thú. Hoặc có lẽ là cả hai.

– Vâng, đúng là chiếc xe được mua dưới tên tôi, Người Đẹp đáp, nhưng thực sự là Benny và tôi đã mua nó cùng nhau và chúng tôi mua cho anh Bosse của Benny.

– Và anh ta sẽ dùng nó chở sách kinh? Công tố viên Ranelid hỏi, không còn giữ nổi thái độ bình tĩnh.

– Không, để chở dưa hấu, Bosse trả lời. Ông có muốn nếm vị dưa hấu ngọt ngào nhất thế giới không, ông công tố?

– Không, tôi không muốn, công tố viên Ranelid đáp. Tôi muốn làm rõ những gì còn lại rồi về nhà và làm xong cuộc họp báo, sau đó thì tôi muốn đi nghỉ. Tôi chỉ muốn thế thôi. Và bây giờ tôi muốn chúng ta tiếp tục. Vì cái quái quỉ gì… ừm, vì lẽ gì mà anh rời khỏi Trang trại Bên Hồ đúng lúc Per-Gunnar Gerdin đến?

– Nhưng họ có biết tôi đang đến đâu, Per-Gunnar Gerdin nói. Ông thấy khó hiểu à, ông công tố?

– Vâng, tôi thấy thế, Công tố viên Ranelid đáp. Einstein cũng khó mà hiểu nổi nếu nghe câu chuyện vô nghĩa này.

– Ông nói đến Einstein thì…, Allan nói.

– Không, cụ Karlsson ạ, công tố viên Ranelid nói với giọng chắc nịch. Tôi không muốn nghe cụ và Einstein đã làm với nhau những trò gì. Thay vào đó, tôi muốn ông Gerdin giải thích vì sao ‘người Nga’ dính líu vào đây.

– Người Nga ư? Per-Gunnar Gerdin hỏi.

– Phải, người Nga. Thùng Gỗ, đồng nghiệp quá cố của ông đã nhắc tới ‘người Nga’ trong cuộc trò chuyện bị nghe lén qua điện thoại. Ông trách cứ Thùng Gỗ đã không gọi điện đến sim rác của ông, và Thùng Gỗ trả lời anh ta tưởng chỉ cần làm thế khi ông làm ăn với người Nga.

– Tôi không muốn nói về chuyện đó, Per-Gunnar Gerdin đáp, vì chẳng biết phải nói gì.

– Nhưng tôi muốn, công tố viên Ranelid đáp.

Quanh bàn, mọi người im lặng trong khoảnh khắc. Báo chí không đề cập đến thông tin về người Nga trong cuộc điện đàm của Gerdin, và Gerdin cũng không nhớ ra. Nhưng rồi Benny nói:

– Jesli tjelovek kurit, on plocho igrajet v futbol.

Mọi người quay hết lại nhìn Benny, trố mắt lên.

– ‘Người Nga’ là tôi và anh trai tôi, Benny giải thích. Cha chúng tôi và bác Frasse – cầu cho họ yên nghỉ – thuộc phe tả khuynh, có thể nói như thế. Vì vậy, họ bắt anh em tôi học tiếng Nga suốt thời thơ ấu, làm chúng tôi bị bạn bè và người quen đặt cho biệt hiệu là “người Nga”. Tôi vừa nói thế, tất nhiên bằng tiếng Nga.

Trong buổi sáng đặc biệt này, hầu hết những gì Benny nói đều là bịa cả. Bác chỉ định cứu nguy cho Pike Gerdin. Benny đã suýt có bằng cử nhân tiếng Nga (còn nợ bài tiểu luận tốt nghiệp) nhưng nó đã lâu rồi và trong lúc vội vàng Benny chỉ nhớ độc một câu là:

“Nếu hút thuốc, bạn sẽ không đá bóng giỏi được.”

Nhưng nó lại được việc. Trong số mọi người ngồi quanh bàn tại Trang trại Bellringer, Allan là người duy nhất hiểu được những gì Benny đã nói.

Giờ thì nó bắt đầu trở nên quá tải với công tố viên Ranelid. Thoạt tiên là những chuyện vớ vẩn với các nhân vật lịch sử, rồi thì mọi người bắt đầu nói tiếng Nga… và tất cả cùng với thực tế không thể giải thích rằng Bolt được tìm thấy đã chết ở Djibouti còn Thùng Gỗ ở Riga – không, không phải hơi mà là thực sự quá tải.

Cuối cùng, liệu ông có thể giải thích cho tôi, ông Gerdin, vì sao mà thoạt tiên bạn bè lại đâm xe và giết chết ông, rồi làm thế nào ông trở về từ cõi chết và bây giờ đang ngồi đây… ăn dưa hấu? Nhân tiện, tôi có thể nếm miếng dưa không?

– Tất nhiên rồi, Bosse nói. Nhưng công thức pha chế là bí mật đấy! Hay như người ta thường nói: “Muốn ăn ngon đừng dòm vào bếp.”

Câu này cả Chánh Thanh tra Aronsson lẫn Công tố viên Ranelid chưa nghe qua. Nhưng Aronsson đã định giữ im lặng từ đầu đến cuối, còn Ranelid bây giờ chẳng muốn gì hơn là có một cái kết luận… kiểu gì cũng được… rồi biến khỏi đây. Vì thế, ông không đòi giải thích gì. Thay vào đó, ông nhận xét chưa bao giờ ăn dưa hấu ngon như quả này.

Trong khi công tố viên Ranelid nhai nốt miếng dưa hấu, Per-Gunnar Gerdin giải thích mình đã đến trang trại Bên Hồ đúng lúc chiếc xe tải đi ra, ông đã quay lại, nhìn quanh rồi nhận ra trên xe có đám bạn mà mình đang tìm, thế là ông bắt đầu đuổi theo, vượt qua cái xe tải, bị trượt mất lái – và, chà , hẳn là ông công tố đã xem hết các bức ảnh chụp chiếc xe bị đâm .

– Chẳng có gì lạ khi anh ấy bắt kịp chúng tôi, Allan nói thêm, sau một hồi im lặng. Xe anh ấy những hơn ba trăm mã lực. Nó khác hẳn với hồi tôi đi bằng chiếc Volvo PV444 từ Bromma đến chỗ Thủ tướng Erlander. Bốn mươi tư mã lực! Ngày ấy đã là ghê lắm. Tôi cứ thắc mắc khi Gustavsson chạy vào nhầm sân nhà tôi thì xe anh ta bao nhiêu mã lực…

– Im đi… xin cụ Karlsson, trước khi cụ làm tôi phát quẫn, công tố viên Ranelid nói.

Chủ tịch câu lạc bộ Never Again tiếp tục câu chuyện của mình. Tất nhiên, ông đã mất ít máu trong cái xe bị đâm, thực ra là khá nhiều, nhưng ông đã được băng bó ngay và thấy không cần thiết phải đi bệnh viện vì vết thương xoàng, một cánh tay gãy, bị choáng và vài rẻ xương sườn gãy.

– Hơn nữa, Benny còn nghiên cứu cả văn học nữa đấy, Allan nói.

– Văn học á? Công tố viên Ranelid hỏi.

– Tôi nói văn học à? Ý tôi là Y học ấy.

– Tôi cũng nghiên cứu cả văn học nữa, Benny nói. Tôi thích nhất có lẽ là Camilo José Cela, đặc biệt là cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông ấy, năm 1947, La familia de…

– Đừng bắt đầu như cụ Karlsson, công tố viên nói. Anh quay lại với chuyện chính đi.

Công tố viên khẩn khoản và tình cờ nhìn sang Allan, thế là cụ nói:

– Xin ông thứ lỗi cho, ông công tố ạ, chuyện kể thế là hết rồi. Nhưng nếu ông thật sự muốn nghe chúng tôi kể thêm thì có lẽ tôi còn nhớ một hai cuộc phiêu lưu hồi tôi còn là nhân viên CIA. Hay thú vị hơn là lúc tôi vượt qua dãy Himalaya. À, ông có muốn công thức làm rượu vodka từ sữa dê không ? Chỉ cần mỗi củ cải đường và chút nắng mặt trời. Và tất nhiên, một ít sữa dê nữa.

Đôi khi não không vận động mà miệng cứ thế tự tuôn ra, với công tố viên Ranelid cũng thế – trái với những gì vừa quyết định, ông buột mồm nhận xét về chuyện khó tin mới nhất của cụ Allan:

– Cụ đã vượt qua dãy Himalaya ư? Một cụ già trăm tuổi?

– Không, đừng ngớ ngẩn thế, Allan nói. Ông thấy đấy, ông công tố ạ, có phải cả đời tôi lúc nào cũng trăm tuổi đâu. Không, chỉ mới đây thôi.

– Chúng ta có thể nói tiếp về…

– Chúng ta đều lớn lên và già đi, Allan tiếp tục. Có thể ông không nghĩ thế khi còn là một đứa trẻ… ví dụ như cậu Kim Jong Il chẳng hạn. Cậu bé tội nghiệp ngồi khóc trên đùi tôi, nhưng bây giờ cậu ta là người đứng đầu nhà nước, về mọi phương tiện…

– Bỏ qua chuyện đó đi cụ Karlsson, và…

– Vâng, tôi xin lỗi. Ông muốn nghe chuyện tôi vượt qua dãy Himalaya, ông công tố nhỉ. Vâng, đầu tiên suốt vài tháng tôi không có ai bầu bạn ngoài một con lạc đà, mà đi cùng bọn lạc đà thì có gì vui…

– Không! công tố viên Ranelid kêu lên. Tôi không muốn nghe chuyện đó. Tôi chỉ… tôi không biết… cụ có thể chỉ…

Rồi công tố viên Ranelid đực ra một lúc, trước khi lẩm bẩm rằng mình không có câu hỏi nào nữa… có lẽ trừ việc ông không thể hiểu tại sao nhóm bạn lại ẩn trốn nhiều tuần ở đồng bằng Västgöta nếu không có gì phải che giấu.

– Mọi người vô tội cơ mà, đúng không?

– Nhưng vô tội có nhiều nghĩa khác nhau tùy thuộc vào quan điểm mà người ta áp dụng, Benny nói.

– Tôi cũng nghĩ thế đấy, Allan nói. Ví dụ như tổng thống Johnson và de Gaulle chẳng hạn. Quan hệ xấu giữa họ là do lỗi ở ai nào? Ông biết cho là không phải tại tôi nhé, khi gặp nhau, chúng tôi đã nói về những chuyện khác, nhưng…

– Xin cụ, cụ Karlsson, Công tố viên Ranelid nói. Nếu tôi quỳ xuống van xin thì cụ sẽ im miệng chứ?

– Ông không cần phải quỳ, ông công tố ạ. Tôi sẽ câm như hến từ bây giờ, hứa với ông thế. Trong suốt trăm năm sống của tôi, tôi chỉ nhỡ miệng có hai lần. Lần đầu tiên là tôi nói với phía Tây cách tạo bom nguyên tử, và lần sau, tôi nói y như thế với phía Đông.

Công tố viên Ranelid thầm nghĩ bom nguyên tử có thể giải quyết một số vấn đề, nhất là nếu cụ Karlsson ngồi ở đó khi nó nổ. Nhưng ông không nói gì. Ông không còn sức đâu để nói nữa. Câu hỏi tại sao nhóm bạn không lộ diện trong suốt ba tuần có lệnh truy nã đã không có trả lời, trừ vài gợi ý triết học rằng pháp luật có nhiều hình thái khác nhau ở các nước và thời điểm khác nhau.

Thế là công tố viên Conny Ranelid từ từ đứng dậy, gật đầu lặng lẽ cảm ơn nhóm bạn ở trang trại Bellringer đã tiếp đãi, mời ăn dưa, uống cà phê và bánh ngọt,… trò chuyện… và thật sự đã… hợp tác đến như vậy.

Rồi ông rời khỏi nhà bếp, leo lên xe và đi.

– Cuộc gặp cũng trôi chảy đấy chứ nhỉ, Julius nói.

– Đúng thế, Allan nói. Tôi nghĩ mình đã nói đủ thứ.

*

Ngồi trong xe, trên đường E20 đi về hướng đông bắc, đầu óc công tố viên Ranelid bớt mụ mị đi. Ông bắt đầu ôn lại những chuyện đã nghe, thêm bớt chỗ này chỗ kia (chủ yếu là bớt), cắt dán và đánh bóng cho đến khi ông thấy mình có một câu chuyện sáng sủa hợp lý. Về độ tin cậy của câu chuyện, điều duy nhất mà công tố viên thực sự lo lắng là chất vấn của báo chí, các nhà báo cũng không tin rằng cụ Allan Karlsson trăm tuổi có mùi người chết.

Công tố viên Ranelid nảy ra một ý. Con chó cảnh sát chết tiệt… Liệu có thể đổ riệt mọi lỗi lầm lên con chó chết tiệt đó?

Vì nếu Ranelid có thể chứng minh rằng, hóa ra con chó ấy bị điên thì biết đâu công tố viên vẫn giữ được thể diện. Chuyện sẽ là chẳng hề có xác chết nào trên cái xe goòng trong rừng Södermanland hết. Nhưng công tố viên đã bị đánh lạc hướng nên tin vào điều ngược lại, từ đó mà có một số kết luận và quyết định hợp lý – tất nhiên, hóa ra nó bị chệch hướng hoàn toàn, nhưng không thể đổ lỗi cho công tố viên được mà đó là lỗi của con chó.

Sáng kiến thật, công tố viên Ranelid nghĩ. Chỉ cần có người xác nhận là con chó đã bị mất khứu giác và… Kicki… có phải tên nó thế không nhỉ?… và Kicki xong đời, nhanh như chớp. Không cần phải chứng minh khả năng của nó sau khi công tố viên đã đưa ra lời giải thích của mình.

Cong tố viên Ranelid có ảnh hưởng với người trông giữ Kicki từ vài năm trước, khi ông đã lờ đi trường hợp một sĩ quan cảnh sát bị tình nghi ăn cắp tại cửa hàng Seven-Eleven. Ông thấy không đáng phải chấm dứt sự nghiệp của viên cảnh sát chỉ vì một cái bánh muffin quên trả tiền. Nhưng bây giờ đã đến lúc người giữ chó phải trả ơn.

– Vĩnh biệt Kicki, công tố viên Ranelid nói và lần đầu tiên cứ tủm tỉm cười một mình suốt dọc đường E20 theo hướng đông bắc về phía Eskilstuna.

Ngay sau đó, điện thoại của ông reo. Là tỉnh trưởng cảnh sát gọi, cho biết mình đã có bản khám nghiệm tử thi và báo cáo xác nhận danh tính từ Riga.

– Họ xác nhận rằng cái xác bị nghiền chết ở bãi xe phế thải chính là Henrik Hulten, cảnh sát trưởng nói.

– Tốt lắm, công tố viên Ranelid đáp. Ông gọi đúng lúc quá! Ông có thể nối máy cho tôi với lễ tân không? Tôi cần gặp Ronny Backman. Người giữ chó, ông biết đấy…

*

Nhóm bạn ở trang trại Bellringer vẫy tay chào tạm biệt công tố viên Ranelid rồi trở lại bàn ăn theo đề nghị của Allan. Cụ bảo có một vấn đề cần được giải quyết.

Allan mở đầu cuộc họp bằng cách hỏi liệu ông Chánh Thanh tra Aronsson có gì để nói về những chuyện đã kể với công tố viên Ranelid không. Hay có lẽ ông Chánh Thanh tra thích đi dạo một chút trong lúc nhóm bạn họp với nhau?

Aronsson đáp ông nghĩ mọi chuyện đã rõ ràng và nghe khá hợp lý. Theo Chánh Thanh tra thì vụ này đã được đóng lại, và ông sẽ rất vui nếu vẫn được phép ngồi tại bàn. Nếu không, Aronsson nói, ông cũng chẳng phải vô tội gì và sẽ không ném viên đá đầu tiên hay thứ hai trong vụ này.

– Nhưng xin các bạn đừng nói với tôi những điều tôi thực sự không nên biết. Ý tôi là, nếu cần có đáp án khác thay thế những chuyện các bạn vừa kể với Ranelid…

Allan hứa là ông và mọi người sẽ làm thế, rồi nói thêm mời anh bạn Aronsson cứ ngồi ở bàn.

Anh bạn Aronsson, Aronsson nghĩ. Bao năm hành nghề, Aronsson đã có rất nhiều kẻ thù trong giới xã hội đen của cả nước nhưng chưa hề có một người bạn nào. Ông nghĩ giờ đã đến lúc rồi! Và thế là ông đáp mình rất tự hào và vui sướng nếu Allan và mọi người muốn xem ông là bạn.

Allan đáp rằng trong cuộc đời rất dài của cụ, cụ đã bầu bạn với cả các tổng thống và linh mục, nhưng cũng chưa bao giờ với một cảnh sát. Và vì anh bạn Aronsson không muốn biết quá nhiều, nhân danh tình bạn, Allan hứa sẽ không nói gì về nguồn gốc của đống tiền..

– Đống tiền ư? Chánh Thanh tra Aronsson hỏi.

– Vâng, anh biết cái vali ấy chứ? Trước khi đựng kinh thánh bìa da thật, nó đã chứa đầy đến miệng toàn tờ năm trăm crown. Khoảng năm mươi triệu crown.

– Chết tiệt thật…, Chánh Thanh tra Aronsson thốt lên.

– Phải, ông cứ chửi thề thỏa thích, Người Đẹp nói.

– Nếu ông định viện ai ra để thề thì theo tôi nên là Chúa Giêsu, Bosse nói. Có, hoặc không có mặt công tố viên ở đó.

– Năm mươi triệu? Chánh Thanh tra Aaronson hỏi.

– Trừ đi vài chi phí trong chuyến đi của chúng tôi, Allan nói. Và bây giờ nhóm phải giải quyết xem tiền thuộc về ai. Tôi mời anh Pike nói trước.

Per-Gunnar Pike Gerdin gãi tai, suy nghĩ một lúc. Rồi gã nói mình muốn nhóm bạn và chỗ bạc triệu gắn với nhau, họ có thể cùng nhau đi nghỉ, vì bây giờ Pike chẳng ao ước gì hơn là được phục vụ ly đồ uống có cắm cái ô nho nhỏ, dưới bóng dù, ở đâu đó xa thật xa. Thêm nữa, Pike biết rằng cụ Allan cũng có ý na ná như thế.

– Nhưng mà không cần ô đâu, Allan bảo.

Julius nói ông đồng ý với Allan rằng che mưa cho vodka không phải là nhu cầu cần thiết gì, nhất là nếu mình đang nằm dài dưới một cây dù, mặt trời luôn tỏa sáng trên bầu trời xanh trong. Nhưng ông nghĩ nhóm bạn hà tất phải tranh cãi về điều đó. Một kỳ nghỉ chung có vẻ rất tuyệt!

Chánh Thanh tra Aaronson mỉm cười bẽn lẽn với ý tưởng này, chẳng dám tin mình cũng được ở trong nhóm. Benny để ý thấy thế bèn choàng tay lên vai Chánh Thanh tra và tinh quái hỏi đại diện lực lượng cảnh sát thích đồ uống trong kỳ nghỉ của mình được phục vụ thế nào. Chánh Thanh tra toét miệng cười và định trả lời thì Người Đẹp trút một gáo nước lạnh:

– Tôi sẽ không đi một bước nếu không có Sonya và Buster!

Rồi cô im lặng một giây trước khi nói thêm:

– Trời đánh thánh vật cũng không!

Vì Benny về phần mình không thể đi đâu một bước thiếu Người Đẹp nên nhiệt tình của bác nhanh chóng xẹp xuống.

– Ngoài ra, tôi sợ là rằng một nửa trong chúng ta thậm chí không có hộ chiếu hợp lệ, bác thở dài.

Nhưng Allan bình tĩnh cám ơn Pike vì sự hào phóng trong cách chia vali tiền. Cụ thấy đi nghỉ là một ý hay, nhất là xa Xơ Alice hàng ngàn dặm thì càng tốt. Nếu các thành viên khác trong nhóm đồng ý, chắc chắn họ có thể giải quyết vấn đề về phương tiện và điểm đến, nơi không quá khắt khe về thị thực cho cả người và thú.

– Nhưng làm sao mà đưa được một con voi năm tấn đi cùng máy bay? Benny tuyệt vọng hỏi.

– Tôi không biết, Allan đáp. Nhưng miễn là chúng ta suy nghĩ tích cực, tôi chắc chắn sẽ có cách.

– Còn vấn đề nhiều người trong chúng ta thậm chí không có hộ chiếu hợp lệ?

– Miễn là chúng ta suy nghĩ tích cực, như tôi đã nói.

– Tôi không nghĩ Sonya nặng hơn bốn tấn nhiều đâu, có lẽ chỉ bốn tấn rưỡi là cùng, Người Đẹp nói.

– Anh thấy đấy, Benny, Allan nói. Suy nghĩ tích cực là như thế. Vấn đề ngay lập tức đã nhẹ hẳn đi một tấn.

– Có lẽ tôi có một ý này, Người Đẹp tiếp tục.

– Tôi cũng thế, Allan nói. Cho tôi mượn điện thoại của cô nhé?

*

Ông Trăm Tuổi Trèo Qua Cửa Sổ Và Biến Mất

Ông Trăm Tuổi Trèo Qua Cửa Sổ Và Biến Mất

Score 6
Status: Completed Author:

Nguyên tác: Hundraåringen som klev ut genom fönstret och försvann
Tác giả: Jonas Jonasson

Vào ngày sinh nhật lần thứ 100 của mình, cụ ông Allan Karlsson đột nhiên trèo qua của sổ ngôi nhà dưỡng lão - Nhà Già - và biến mất. Ở cái tuổi 100 hiếm ai đạt tới thì cụ có thể đi đâu được? Một cuộc truy tìm trên khắp nước Thụy Điển diễn ra từ phía những người có trách nhiệm chăm nom cụ cũng như chính quyền sở tại. Song song với cuộc truy tìm nhân đạo ấy, một cuộc truy tìm đuổi bắt khác gay cấn hơn, xảy đến từ một tên tội phạm, kẻ đã ngớ ngẩn hoặc đúng hơn, bất cẩn trao vali 50 triệu crown vào tay cụ già này. Nhưng một người đã sống qua một thế kỷ thì không dễ gì tóm cụ ta được.

Cuốn tiểu thuyết hồi tưởng lại cuộc đời phiêu lưu của Allan Karlsson, người đã đi khắp thế giới từ những năm trước Đại chiến thế giới thứ nhất đến cuộc Thế chiến thứ hai, từ nước Nga Xô Viết tới nước Mỹ siêu cường và nước Trung Quốc con rồng đang lên ở Viễn Đông. Cuốn tiểu thuyết với giọng điệu hóm hỉnh trào lộng, dẫn dắt người đọc chu du cùng Allan qua những tình huống giả tưởng làm bật lên cái nhìn tưng tửng về thế giới này.

Những xung đột văn hóa, ý thức hệ và những nét khác thường của các vùng đất xa xôi, càng chứng tỏ sự đa dạng của nhân loại trong thế giới có vẻ phẳng này. Cuốn tiểu thuyết Ông Trăm Tuổi Trèo Qua Cửa Sổ Và Biến Mất đã trở thành hiện tượng quốc gia ở Thụy Điển, đem lại cho người đọc một cái nhìn hài hước kín đáo của văn hóa Bắc Âu, nơi có truyền thống tôn quý văn học lâu đời.

Cảm nhận:
"Phải công nhận cuốn này độc đáo thật...

Xưa nay mình cứ nghĩ "chém gió" kiểu Dan Brown hay James Rollins đã là ghê (ý mình "chém gió" là nói chuyện vĩ mô, giật gân chứ không phải nói xạo), nay mới biết tác giả Jonas Jonasson này thuộc hàng thượng thừa.

...

Nhìn chung, cuốn này có cái tên rất nhí nhố thì phong cách của nó cũng nhí nhố y như cái tên, có vẻ tác giả cũng hâm mộ Aziz Nesin. Tuy nhiên, nội dung của sách thì đúng là độc đáo, mình rất thích. Ngoài ra một cái hay khác của tác phẩm này là dù có đủ hết các thứ tội ác như ma túy, lừa gạt, trộm cắp, giết người nhưng tác giả có khả năng làm cho mọi việc trở nên nhẹ nhàng, thoải mái. Vui nhất là khi ông Benny kể về cuộc đời của mình lúc 2 anh em ông nhận được di chúc của người chú, đọc đoạn này mình cười muốn rụng rốn. Rõ ràng là ông Benny chơi xỏ người anh nhưng qua lời văn của tác giả thì thấy ông Benny giống như vô tình mà thôi. Lâu lâu mới đọc một cuốn tiểu thuyết mà thấy vừa hấp dẫn vừa vui như thế này."
- banycol -

"Một cuốn sách độc đáo, thú vị...rất hài hước kiểu giật gân nhưng vừa đủ."
- thanhedx -

Làm ebook: quandh301
Nguồn ebook: tve-4u.org

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset