Tử Nha nói rồi dùng lửa Tam muội trong con mắt, lỗ mũi phun ra, cháy cả trời đất.
Tỳ bà tinh trông thấy thất kinh, lồm cồm ngồi dậy, nói lớn:
– Ta không cừu oán gì với ngươi sao ngươi nỡ dùng lửa thần đốt xác?
Tử Nha nói:
– Ngươi là giống yêu quái, tác hại mọi người, ta giết ngươi để cứu dân, cần gì phải thù oán.
Vua Trụ thấy người đàn bà đã chết lại còn lồm cồm ngồi dậy nói như thế thì sợ, mình mọc ốc, trán đổ mồ hôi, lập cập đứng dậy vào trong.
Tử Nha tâu:
– Xin Bệ hạ vào trong cung cho mau kẻo có sấm nổ.
Ðợi cho Trụ vương khuất bóng sau rèm, Tử Nha đưa hai tay vỗ nhẹ một cái, tiếng sấm nổi lên rền trời. Lửa tam muội cháy rần rật. Chừng lửa tắt, không ai còn thấy xác người đàn bà coi bói nữa mà chỉ thấy một cây đờn tỳ bà bằng ngọc thạch, nằm giữa sân triều.
Các quan thấy vậy vỗ tay cười lớn, chúc mừng tài Tử Nha.
Các hoạn quan vội chạy vào báo với Trụ vương:
– Yêu quái đã hiện hình ra cây đờn tỳ bằng ngọc thạch rất đẹp.
Vua Trụ sửng sốt nói với Ðắt Kỷ:
– Ðờn tỳ bà bằng ngọc thạch cũng có thể thành yêu sao?
Ðắt Kỷ không trả lời, mặt buồn dàu đàu, lòng đau xót.
Nàng nghiến răng trách thầm:
– Sao muội mnội đến thăm ta rồi không chịu trở về, chọc chi chúng nó cho sanh tai vạ như vậy. Ta quyết lấy đầu Khương Thượng cho rõ mặt hồ ly.
Nghĩ rồi gượng cười chúm chím nhìn Trụ vương nói:
– Thần thiếp nghe nói cây đờn tỳ bà bằng ngọc thạch thì thích lắm, vậy bệ hạ cho thần thiếp để đánh đờn cho bệ hạ nghe. Khương Thượng có tài trừ yêu quái đáng được trọng dụng, xin Bệ hạ phong quan cho Khương Thượng để giúp việc triều chính.
Trụ vương nói:
– Phong quan cho Khương Thượng không có gì trở ngại, còn đem đờn tỳ bà vào cung, rủi nó thành yêu tinh trở lại, Trẫm sợ lắm.
Ðắt Kỷ nói:
– Nó đã bị đốt xác thành cây đờn, còn trở thành yêu tinh sao được, xin Bệ hạ chớ lo.
Vua Trụ nghe theo lời, truyền lấy cây đờn tỳ bà trao cho Ðắt Kỷ.
Ðắt Kỷ cúi lạy tạ ơn, liền đem cây đờn tỳ bà để trên lầu Trích Tinh, lấy hơi sương nắng. Vì Ðắt Kỷ biết rằng với hơi sương nắng ấy, chỉ trong sáu năm, Tỳ bà tinh có thể hiện lại nguyên hình.
Kế đó Trụ vương truyền đòi Tử Nha vào triều phong làm chức Tư Thiên trông coi việc thiên văn.
Tử Nha tuân lệnh, lãnh áo mão, rồi từ tạ Trụ vương trở về trang viện của Dị Nhân sắp xếp việc ra làm quan.
Dị Nhân thấy Tử Nha trở về, có cả áo mão hiển vinh thì mừng rỡ khôn cùng.
Ðêm ấy đôi bạn mở tiệc mừng, ăn uống say tưởng không còn gì vui hơn.
Ngày hôm sau, Tử Nha từ tạ Dị Nhân đến đài Thiên văn nhận việc. Từ chỗ một gã thầy bói trở thành một viên triều thần không có gì khó khăn cả.
Ngày kia Trụ vương truyền tam cung lục viện đến lầu Trích Tinh hầu rượu.
Ðắt Kỷ đến ca múa hát tưng bừng, Trụ vương như say như tỉnh ngồi ngất ngưởng trên long sàn.
Ðắt Kỷ múa hát môt hồi, liếc mắt nhìn thấy các cung nga ai cũng vui tươi chỉ có một nhóm cung nữ hơn bảy mươi người mặt ủ mày châu, không có một nụ cười tiếng nói.
Bấy giờ Ðắt Kỷ đã lên ngôi vị Chánh cung, đủ quyền chế ngự tam cung lục viện, không còn sợ ai nữa, nên thấy bọn cung nga khác thường kia, liền bước đến hỏi:
– Chúng bay hầu hạ ở cung nào mà có thái độ như vậy?
Bọn cung nga ấy thưa trước kia là cung nữ hầu hạ Chánh cung họ Khương.
Ðắt Kỷ nổi giận nói:
– Chúng bay oán trách ta hả? Chủ bây làm phản, toan hại Thánh hoàng, tội ấy đáng lẽ các ngươi có liên quan, ta đã vì nhân đạo không nói đến, các ngươi không biết ơn ta?
Một vài cung nga không nhịn được lối hống hách của Ðắt Kỷ đáp:
– Khương Hoàng hậu nào có tội gì, chẳng qua Bệ hạ nghe lời dua mị, hành hạ Khương hậu đến thác oan.
Ðắt Kỷ tâu với Trụ Vương:
– Bệ hạ trừ kẻ phản mà để tiếng ác lại cho thần thiếp. Thần thiếp nghĩ mình lên chức Chánh cung chưa làm được gì mà chịu phải tiếng oan.
Nói rồi khóc nức nở. Vua Trụ giận quá, đòi đem bảy mươi hai cung nga ấy ra ngoài đập chết hết.
Ðắt Kỷ can:
– Lũ cung nga phạm tội xin chớ giết vội, hãy giam vào lãnh cung chờ thần thiếp chế ra một hình phạt đã.
Quan Phụng Ngự tuân lệnh, dẫn 72 cung nga đem giam vào lãnh cung hết.
Ðắt Kỷ tâu với Trụ Vương:
– Xin Bệ hạ truyền nhân công đào một cái hầm giáp vòng quanh lầu Trích Tinh. Dài 200 thước, sâu 50 thước. Xong lại truyền cho dân chúng ở Triều Ca mỗi nhà nạp vào cung năm con rắn độc. Rắn đó sẽ thả xuống hầm gọi là Sái Bồn.
Trụ Vương hỏi:
– Hậu định lập Sái Bồn để làm gì?
Ðắt Kỷ nói:
– Nếu không dùng Sái Bồn để làm hình phạt thì cung nhân còn sợ uy của thần thiếp sao được. Cung nhân phạm tội sẽ bị lột hết xiêm y quăng xuống Sái Bồn cho rắn xé xác. Làm như vậy bệ hạ sẽ thấy thích thú khi thấy loài rắn đói ăn thịt người và sức kháng cự của những kẻ gần cái chết.
Trụ Vương nói:
– Chánh cung bày phép lạ như vậy trị bọn cung nga mới yên.
Liền truyền quân sĩ ngày đêm đào hầm, và ra chiếu chỉ cho dân chúng quanh Triều Ca mỗi nhà phải nạp rắn độc.
Lệnh vua ban hành, chẳng ai dám trái. Vì vậy dân chúng tấp nập vào triều.
Ngày kia, quan Ðại phu Dao Cách đang xem sổ sách trong đền,thấy dân chúng di dập dìu, trên tay có xách một giỏ rắn đem vào nộp, lấy làm lạ, hỏi viên quan thu rắn:
– Thiên tử dùng vật ấy làm gì mà thu nạp nhiều như thế?
Viên quan thu rắn thưa:
– Tôi chỉ được lệnh thu rắn đem nạp chứ không rõ.
Dao Cách hoài nghi bước ra ngoài hỏi đám dân lành.
– Chúng bay bắt rắn ở đâu nạp nhiều như vậy?
Dân chúng thấy quan cận thần Dao Cách hỏi, vội khúm núm thưa:
– Lệnh vua truyền dân chúng Triều Ca mỗi người nạp bốn con rắn độc. Tại Triều Ca không có rắn độc, chúng tôi phải đến mãi tận vùng rừng núi đặt mua đem về đây.
Dao Cách hỏi:
– Các ngươi có biết loại rắn độc ấy dùng làm gì không?
Dân chúng lăc đầu:
– Chúng tôi là kẻ ngu phu làm sao hiễu được.
Dao Cách liền vào đại điện tìm Tỉ Can, Hoàng Phi Hổ, Cơ Tử, Vi Tử và Dương Nhậm để hỏi ý kiến. May mắn, vừa đến nơi thấy đã các vị đại thần nầy cũng hội đủ mặt.
Dao Cách nói:
– Các ông có biết Bệ hạ truyền nạp rắn vào cung để làm việc chi không?
Hoàng Phi Hổ nói:
– Hôm qua tôi đi tập quân, thấy dân chúng than thở về việc triều đình bắt nạp rắn, chẳng rõ duyên cớ nên định đến hỏi các ngài đây.
Tỉ Can và Cơ Tử đồng lắc đầu nói:
– Trong cung lại truyền dân nạp rắn độc thật là chuyện phi thường, thuở nay chưa thấy. Chúng tôi nghiệm không ra lẽ.
Hoàng Phi Hổ liền đòi viên quan thâu rắn đến dặn:
– Ngươi cố dọ xét thử Bệ hạ dùng số rắn nhiều như vậy để làm gì rồi báo cho ta biết, ta sẽ trọng thưởng.
Viên quan thu rắn tuân lệnh lui ra.
Qua bảy hôm, số rắn dân chúng đến nạp đã nhiều, viên quan thu rắn liền vào cung tâu với vua Trụ:
– Rắn độc không còn chỗ chứa nữa, chúng đói muốn phá giỏ ra, hạ thần phải truyền quân giữ rất khó nhọc, xin bệ hạ chỉ dạy.
Trụ Vương hỏi Ðắt Kỷ:
– Khanh định liệu thế nào?
Ðắt Kỷ truyền đem rắn thả hết xuống hầm, và chấm dứt việc thu nhận rắn. Bây giờ rắn độc đầy hầm, bò qua bò lại, chồng chất lên nhau, cất đầu le lưỡi trông rất sợ.
Trụ Vương nói:
– Khanh còn định gì nữa?
Ðát Kỷ nói:
– Thế là Sái Bồn đã hoàn thành. Xin Bệ hạ truyền chỉ bắt 72 cung nga phạm tội, lột hết xiêm y, bỏ xuống từng người cho rắn độc phân thây. Ðứa sau thấy cái chết của đứa trước, chúng mới kinh sợ.
Trụ Vương gật gù nói:
– Khanh lập các hình phạt rất hay. Nhưng trẫm thấy gớm ghiếc quá!
Ðắt Kỷ mỉm cười nói:
– Bệ hạ là đấng uy quyền nhất vũ trụ, xưa nay các vì vua chúa đã ai được thấy cảnh ấy, thần thiếp thiết tưởng bệ hạ trông thấy sẽ thích thú không gì bằng.
Trụ Vương nói:
– Thấy rắn thì gớm chứ sao lại thích thú?
Ðắt Kỷ nói:
– Thích thú ở chỗ bầy rắn ăn thịt người. Ðó là một nghệ thuật xé mồi, không phải như những con thú khác. Trước khi xe nát từng miếng thịt, mỗi con rắn trườn tới, dùng nọc độc cắn tội nhân. Có những thứ nọc độc làm cho tội nhân tê đi, có những thứ nọc độc làm cho tội nhân đau đớn giảy giụa khổ sở… Những cái ấy trông thấy còn thích hơn là xem một tuồng hát độc đáo nhứt trong cung vàng điện ngọc này.
Trụ Vương cười nói:
– Nếu không có khanh giảng giải, Trẫm làm sao biết được.
Liền truyền chỉ dẫn 72 cung phi đến Sái Bồn lột hết quần áo, cứ từng người xô xuống. Bầy rắn đói gặp thịt người, đổ tới như gió, cắn, đớp… chỉ loáng mắt, từng miếng thịt của cung nhân vào bụng rắn.
Bọn cung nga còn lại trông thấy sợ hãi khóc rống lên. Tiếng khóc thảm thiết hòa thành một điệu vang dội cả nội cung.
Bây giờ Dao Cách đang theo dõi hành động của Trụ Vương bỗng nghe trong cung có tiếng khóc. Kế viên quan thu rắn chạy ra thét:
– Ngài ơi! Ghê gớm quá! Bệ hạ đựng rắn đầy hầm, lại bắt cung nhân xô xuống cho rắn độc xé xác.
Dao Cảnh nổi nóng, vội chạy thẳng lên lầu Trích Tinh, thấy một số đông cung nhân lõa thể, quần áo bị lột hết, không còn một mảnh vai che thân, tóc thả bù xù, đang khóc than thảm thiết.
Trước mắt Dao Cách như một cảnh địa ngục ma quái.
Dao Cách hét quân sĩ bảo không được xô cung nhân xuống hầm nữa, và chạy đến trước mặt Trụ Vương tâu:
– Xin Bệ hạ hồi tỉnh lại, nỡ nào bày ra chuyện quái gở như vậy.
Trụ Vương đang ngồi với Ðắt Kỷ xem rắn ăn thịt người thấy Dao Cách đến quỳ trước mặt, liền hỏi:
– Trẫm không cho đòi, sao khanh dám đến?
Dao Cách vừa khóc vừa nói:
– Bệ hạ di vào con đường dữ, càng làm cho thiên hạ oán hờn. Chẳng hay cung nga có tội gì mà Bệ hạ hành hình độc ác như thế?
Trụ Vương nói:
– Nước có giềng mối, đạo có quân thần. Trong cung nhiều người làm sai phép nước, nếu không lập Sái Bồn răn chúng thì cơ nghiệp khó giữ. Khanh làm quan Ðại phu lại không rõ hay sao?
Dao Cách thở dài:
– Ôi! Bệ hạ nghĩ sai rồi, cơ nghiệp bị mất là do hành động tàn nhẫn của Bệ hạ chứ không phải do đám cung nhân phạm kỷ luật đâu. Dân chúng vừa qua cảnh bảo lụt tai ương, lại phải khổ sở tốn tiền mua rắn độc để dâng Bệ hạ bày chuyện bất nhơn xưa nay chưa từng thấy. Xưa thời Nghiêu Thuấn, không dùng đến hình phạt mà thiên hạ vẫn thái bình, bốn phương đều an lạc, cơ nghiệp vững bền. Thế thì việc giữ nước trị dân đâu phải là hình phạt mà chính là nhân đức. Xin bệ hạ xét lại.
Trụ Vương nói:
– Ta há không biết sao mà ngươi phải giảng dạy. Song trong đời không phải ai cũng thấy đức mà sợ. Có kẻ chỉ sợ hình phạt thôi. Ðối với hạng người ấy, nếu không dùng hình phạt thì không thể dạy được.
Dao Cách nói:
– Cung nga là những tay chân, hầu hạ, đâu có lỗi gì nặng đến đâu nữa cũng chưa phải quan hệ lắm, việc gì phải bày hình pháp? Tôi thiết tưởng, những kẻ có lòng nhân mới làm được việc nhân. Bệ hạ xô người xuống hầm cho rắn xé thịt mà bệ hạ không ghê rợn thì bệ hạ đâu có lòng nhân. Dại khờ nhất là đám tôi thần vô dụng nầy, đòi hỏi một ông vua bất nhân phải làm điều nhân là chuyện không thể có…
Trụ vương không kịp nghe hết lời can gián của Dao Cách, nổi giận đùng đùng, mắng:
– Loài thất phu, dám mắng vua, nghịch mạng. Ðáng chết! Quân, hãy cởi hết quần áo nó rồi ném xác nó xuống Sái Bồn lập tức.
Dao Cách đứng dậy điểm mặt Trụ Vương nói:
– Ta không ngờ hôn quân ngày hôm nay đến nỗi nầy. Kẻ dại khờ là những kẻ mê muội, chỉ biết nghe lời bên gối, trông những sắc đẹp bên mình mà không thấy gì xa hơn. Ta đoán chắc ngày kia lúc hôn quân sáng mắt lên thì đã muộn. Ta, bọn tôi thần bất trí, thờ nhằm một hôn quân thì chết cũng cam, nhưng ta đâu phải chết vì Sái Bồn, ta là một Giám Nhị, có chết cũng tìm chỗ trong sạch.
Nói dứt lời, nhào xuống lầu Trích Tinh tự vận. Lầu Trích Tinh là một cái lầu cao chót vót. Dao Cách nhảy xuống thì còn gì thịt xương. Tuy vậy, Trụ vương vẫn chưa hết giận, truyền xô hết 72 cung nga xuống Sái Bồn, rồi lượm thây Dao Cách ném luôn xuống hầm cho rắn ăn luôn.
Người sau có thơ khóc Dao Cách:
Mặt đỏ lòng son chẳng lợt màu
Họ Dao nhảy xuống thác bên lầu
Phải dè cơ nghiệp Thành Thang dứt
Cơn giận làm chi đến dập đầu…
Cuộc hành hình trông rất khủng khiếp. Nếu Trụ Vương còn một chút ít nhân tính, không thể nào nhìn cảnh dã man ấy được.
Bọn cung nhân kêu khóc một hồi rồi cũng đến lúc oán hận, không còn sợ chết, không kể đến thân xác, chỉ vào mặt Ðắt Kỷ ngâm nghiến:
– Chúng ta sống không ăn thịt người được, chết nguyện làm ma quỉ hóp hồn ngươi…
Số cung nhân bị xô xuống Sái Bồn một lượt, đàn rắn đói cất cổ phùng mang, con thì cắn, con thì xé, con thì chun vào bụng, con thì quấc ngoài da, quang cảnh không thể nói cho cùng.
Ðắt Kỷ nói với Trụ vương:
– Nếu không dùng cách ghê gớm thì khó trị được loài ngang nghạnh.
– Nhưng bình phạt nặng quá chúng sẽ oán ta.
Ðắt Kỷ nói:
– Oán trách mà không hành động chống lại thì nước không mất. Còn hơn là để chúng khi quân, nay mắng, mai chửi bệ hạ, làm cho phép nước rối loạn, quân phản nghịch do đó nổi dậy. Bệ hạ không thấy sao? Từ khi lập Bào Lạc, đốt Mai Bá, triều thần khiếp vía, không còn ai dám đem những giáo điều nhân nghĩa đến trước mặt Bệ hạ nguyền rủa nữa. Như vậy kết quả của trừng phạt là tuyệt đối.
Vua Trụ nghe Ðắt Kỷ nói mùi tai, gật đầu:
– Khanh thật là người thông thái có thể giúp trẫm trị nước được.
Ðắt Kỷ được khen rất hài lòng, tâu với Trụ Vương:
– Làm vua phải có gì cao cả trong đời mình. Nay bệ hạ tuy quyền đã có nhưng sức giàu sang chưa phô diễn tuyệt đỉnh.
Trụ Vương hỏi:
– Sức giàu sang như thế nào mới tuyệt đỉnh?
Ðắt Kỷ nói:
– Sức giàu sang tuyệt đỉnh là sức mà thiên hạ không bao giờ tưởng tượng đến.
Trụ Vương hỏi:
– Trẫm có tiền bạc đầy kho cung điện nguy nga, vàng son lộng lẫy, như vậy thiên hạ chưa tưởng tượng được sao?
Ðắt Kỷ nói:
– Tiền bạc, vàng son, cung điện, các nước chư hầu cũng có. Họ vẫn được cảnh sung mãn ấy.
Trụ Vương hỏi:
– Thế thì Trẫm phải có thứ gì mới gọi là giàu sang?
Ðắt Kỷ tâu:
– Nay Bệ hạ đã lập Sái Bồn nuôi rắn rồi. Rắn dữ đầy hầm, đó là chuyện ít ai có. Nhưng nếu bên tả Bệ hạ làm một hòn núi hèm, để ủ rượu, đống hèm luôn luôn cao chót vót, dùng những cành cây cắm lên, rồi lấy thịt móc vào làm đá! đặt tên là Nhục Lâm (núi thịt). Bên hữu, Bệ hạ khiến xây một hầm sâu, đổ đầy rượu như một hồ nước mênh mông, gọi là Tửu Trì. Ðược như vậy hỏi trong thế gan nầy ai dám sánh?
Vua Trụ đắc ý khen:
– Khanh chế cách chơi như vậy sang trọng lắm. Nếu không thông minh làm sao nghĩ được chuyện to tác như vậy?
Vua Trụ liền truyền bọn Thái giám đốc suất ngự lâm quân làm trong một khoảng thời gian ngắn thì xong. Công việc hoàn thành, vua Trụ và Ðắt Kỷ ngự ra Nhục Lâm và Tửu Trì xem xét.
Trụ Vương khoái chí, truyền Ðắt Kỷ đờn ca múa hát cho vui.
Ðắt Kỷ tâu:
– Ðờn ca múa hát mãi cũng chán xin Bệ hạ tìm thú vui mới lạ đẹp mắt hơn.
Trụ vương hỏi:
– Khanh có thú nào vui chăng?
Ðắt Kỷ tâu:
– Trong cung có một số thái giám và cung nữ, vây bệ hạ truyền bọn thái giám và cung nữ chia làm hai phe, vật lộn nhau, kẻ nào thắng thì được ăn Nhục Lâm, uống Tửu Trì, còn kẻ nào bại thì quăng thây xuống Sái Bồn cho rắn dữ.
Vua Trụ nghe theo, truyền thái giám và cung nga vật lộn làm vui
Ai nấy sợ lệnh vua không dám cãi, kết cuộc có một số cung nga vì yếu sức, bị Ðắt Kỷ truyền quân xô xuống hầm rắn, làm mồi cho giống độc.
Sở dĩ Ðắt Kỷ bày ra chuyện này là để giết bớt một số cung nga làm cho thâm cung vắng vẻ, thừa lúc nửa đêm hiện hình ra đống hèm ăn thịt người, uống rượu.
Người sau có thơ than:
Gặp thịt như rừng rượu cả ao
Trụ nghe Ðắc Kỷ độc chừng nào
Sái Bồn nuôi rắn thương chi xiết
Bào Lạc thành tro thảm biết bao
Văn võ hết lo nền xã tắc
Quan quân không trổ chí anh hào
Lòng dân nhen nhúm hờn bạo ngược
Sắc đẹp mê hồn, chẳng biết sao?
Trụ Vương với Ðắt Kỷ mê man trong Nhục Lâm, Tửu Trì, bao nhiêu công việc triều chính không hề để mắt đến.
Ngày kia, Ðắt Kỷ nhớ lại mối thù với Tử Nha, chưa có cơ hội kết toán, nên nghĩ ra một kế, vẽ ra một bức họa đồ cất trong tay áo rộng, thừa lúc vua Trụ say, quì tâu:
– Thần thiếp vừa vẽ ra một bức họa đồ rất công phu, xin bệ hạ xem thử.
Trụ vương tiếp lấy, trải lên long sàng xem một hồi rồi hỏi:
– Ðây là họa đồ của một lâu đài tráng lệ, ái khanh có ý định gì mà vẽ họa đồ nầy?
Ðắt Kỷ tâu:
– Ðây là họa đồ xây một Lộc đài theo kiểu Bồng Lai. Bệ hạ giàu có muôn xe, uy trải bốn biển, nếu không thụ hưởng Lộc đài thì uổng lắm.
Ðắt Kỷ chỉ từng chỗ, giải thích cho Trụ vương nghe, Lộc đài bề cao 49 thuớc, cột vàng kèo bạc, chạm trổ rất công phu, chổ nào cũng có gắn hạt châu, mã não, hổ phách, ban đêm chiếu sáng ngời, chẳng khác lầu Ngọc Khuyết.
Trụ vương mê man, hỏi:
– Lầu cao và đẹp như thế sẽ tốn rất nhiều của kho, chẳng biết Trẫm ngự ở đấy sẽ tìm được thú vui nào đặc biệt?
Ðắt Kỷ nói:
– Bệ hạ ngự ở Lộc đài khác nào cảnh thượng giới, ban đêm sẽ có tiên ông, tiên nữ xuống chơi, bệ hạ sẽ làm quen với tiên nga, ngắm nhiều tuyệt sắc. Ðã vậy, bệ hạ được sống lâu gần gũi mãi với thần thiếp, hưởng lộc trời…
Trụ vương nói:
– Trẫm có nghe hễ được gần tiên thì tuổi thọ, nay ái khanh tính lập Lộc đài tức là nghĩ đến tuổi già của Trẫm đó. Nhưng chẳng biết tiên có xuống chơi Lộc đài với trẫm không?
Ðắt Kỷ nói:
– Nếu có một Lộc đài cao quý như vậy, thần thiếp dám chắc tiên nga sẽ đến đờn ca múa hát, chầu bệ hạ suốt đêm.
Trụ vương nghe nói đắc ý, bảo:
– Tiền bạc tốn phí Trẫm không ngại gì, chỉ khó ở chỗ tìm người có đủ tài năng mới điều khiển đuợc thợ khéo làm đúng theo họa đồ của ái khanh.
Ðắt Kỷ nói:
– Bệ hạ dạy rất đúng. phải cần kẽ thông thiên văn, am địa lý mới thấu rõ huyền cơ của ngôi Lộc đài được. Nội trong triều thần thiếp chỉ thấy một mình Khương Thượng có đủ tài năng cáng đáng việc này. Xin Bệ hạ phong cho Khương Thượng làm Ðốc công thì thế nào cũng vừa ý.
Vua Trụ nghe theo, liền khiến quan thái giám đến dinh Tỉ Can đòi Khương Thượng vào dinh dạy việc.
Khương Thượng được lệnh, bói một quẻ, biết trước tai bay vạ đến chẳng lâu, liền nói với viên Thái giám.
– Ngài về trước tâu với bệ hạ rằng ta sẽ vào chầu lập tức.
Viên Thái giám đi rồi, Tử Nha nói với Tỉ Can:
– Tôi vói ngài lâu nay khuya sớm có nhau, tình nghĩa khắng khít. Nếu vì một duyên cớ nào hai ta cách trở thì biết bao giờ mới gặp nhau?
Tỉ Can nói:
– Vì cớ gì ông lại nói câu nầy?
Tử Nha nói quẻ, hôm nay vào chầu vua dữ nhiều lành ít, họa gởi tai bay.
Tỉ Can nói lần xem việc thiên văn đâu phải quan giám nghị mà lo tội vạ. Nếu vào chầu Bệ hạ có hỏi gì ông cứ nói không biết là xong. Vả lại, va mới phong chức cho ông, lẽ nào cách chức.
Tử Nha nói:
– Tôi có một phong thư để dưới nghiên mực, trong đó có nói lời tiên tri. Nếu sau nầy ngài có điều gì trắc trở nên theo đó mà làm may tránh khỏi vạ. Ðó là tôi đền ơn ngài vậy.
Dứt lời, Tử Nha tỏ ý giã biệt.
Tỉ Can quyến luyến nói:
– Ông đừng vội bi quan, nếu ông có điều gì rắc rối tôi nguyện đem thân ra bênh vực.
Tử Nha nói:
– Trời đã định mỗi người có một số mệnh riêng, ngài chớ lo mà nhọc tinh thần. Tôi e cứu vớt tôi không được mà ngài bị chìm luôn trong tai họa. Chi bằng xuôi theo vận mệnh tốt hơn.
Tỉ Can đưa Tử Nha ra khỏi phủ.
Tử Nha đến trước Trích Tinh lầu, thấy Trụ Vương đang cùng Ðắt Kỷ uống rượu.
Tử Nha xin vào yết kiến. Trụ Vương đòi vào phán:
– Nay trẫm muốn lập Lộc đài, nhưng trong triều không ai đủ tài giúp trẫm. Nếu khanh chịu khó thay mặt Trẫm hoàn thành thì công của khanh chẳng nhỏ.