Hồi 37: Tử Nha về núi cầu Nguyên Thỉ

Tử Nha về núi cầu Nguyên Thỉ

Na Tra thấy Quế Phương bại tẩu liền trở vào thành, đến tướng phủ ra mắt Tử Nha.

Tử Nha hỏi:

– Ngươi cùng Trương Quế Phương giao chiến thắng bại lẽ nào?

Na Tra thưa:

– Trương Quế Phương bị đệ tử đánh cho một Càn Khôn Quyện, gãy tay, lọi xương chạy tuốt về dinh.

Khương Tử Nha nói:

– Nó có dùng tà thuật gọi tên ngươi hay không?

Na Tra thưa:

– Nó có gọi tên tôi ba lần, nhưng tôi không thấy ứng nghiệm gì cả.

Các tướng ghe Na Tra nói lấy làm lạ.

Nguyên phép thu hồn của Trương Quế Phương lợi hại lắm, nhưng chỉ tác dụng đối với những người thường, có khí huyết, có thịt xương do bào thai sinh ra, còn Na Tra thân thể kết tụ bằng bông sen, cho nên phép thu hồn của Trương Quế Phương không linh ứng.

Khi ấy, Trương Quế Phương đã gãy cánh tay, Phong Lâm cũng bị thương, cả Nguyên soái và tiên phuông đều không thể ra quân được nên túng thế phải sai người về nước, trình với Thái Sư Văn Trọng xin binh tiếp viện.

Còn Tử Nha tuy thắng được một trận, song lòng hồi hộp không an, sợ Trương Quế Phương viện binh đến đánh, thì Tây Kỳ nhỏ hẹp không chống ngăn nổi, bèn tính trở về núi cầu cứu thầy mình là Nguyên Thỉ chỉ giáo.

Sáng hôm sau, Tử Nha dậy sớm thay đổi áo quần theo lối đạo sư ra mắt Võ Vương.

Võ Vương thấy lạ, hỏi:

– Thượng phụ hôm nay có việc gì cho ra mắt quả nhân sớm như vậy?

Tử Nha tâu:

– Xin Chúa công cho phép hạ thần trở về núi một phen.

Võ vương nói:

– Quân địch đóng ngoài ải, binh tướng trong thành đang lo việc chống ngăn.Thượng phụ ra đi việc binh cần gấp ai điều khiển?

Tử Nha nói:

– Tôi tính Trương Quế Phương vừa thua một trận bị thương nặng, chưa dám động binh, nên tính việc xa hơn. Tôi đi lâu lắm là ba hôm sẽ trở lại, việc nhà tôi đã sắp đặt xong, xin Chúa công chớ lo.

Võ Vương nói:

– Nếu vậy Thượng phụ về cho sớm, chớ dần dà trên non cao mà quả nhân trông đợi.

Tử Nha tuân lệnh, từ tạ về dinh, gọi Na Tra đến dặn:

– Ngươi cùng Võ Kiết thủ thành, chẳng nên ra trận, đợi ta trở về sẽ tính việc ra quân.

Sắp đặt đâu đó xong xuôi, Tử Nha độn thổ thẳng đến núi Côn Lôn.

Có thơ khen rằng:

Tự nhiên biến hóa nhiệm vô cùng.

Bay khỏi non cao biết mấy trùng

Phép độn ngũ hành đi quá lẹ

Gió thanh một trận thấu tiên cung.

Tử Nha độn thổ giây phút đã ra khỏi núi Kỳ Lân, bèn trồi lên mặt đất, thấy núi Côn Lôn vui vẻ tốt tươi, bất giác thở dài than:

– Mình mới rời khỏi núi nầy mười năm mà phong cảnh khác xưa rất nhiều.

Thực vậy, bên đầu cầu các cây kiễng đã sum xuê, trước cửa động mấy cội tùng xanh biếc, trên núi đào tươi như dệt gấm, dưới khe nước trong vắc, chảy róc rách như tiếng nhạc xa vời, ngàn chim đua hót, thú rừng chạy từng đoàn.

Tử Nha đến trước cửa cung Ngọc Hư, nhưng không dám vào phải đứng bên ngoài đợi lệnh.

Xảy thấy Bạch Hạc đồng tử bước ra, Tử Nha hỏi:

– Có sư phụ trong động không?

Bạch Hạc đồng tử nói:

– Có, chẳng hay sư huynh về động có việc chi?

Tử Nha nói.

– Xin vào báo với thầy có Tử Nha trở về ra mắt.

Bạch Hạc đồng tử vào động, đến trước đài bát quái quì thưa:

– Có Khương Thượng xin vào ra mắt.

Nguyên Thỉ gật đầu nói:

– Ta cũng đang trông nó tới.

Bạch Hạc đồng tử ra ngoài cửa động truyền rằng:

– Thầy cho mời sư huynh vào cung.

Tử Nha đến trước đài bát quái quì lạy thưa:

– Ðệ tử là Khương Tử Nha đến ra mắt tôn sư.

Nguyên Thỉ nói:

– Nay ngươi lên đây đúng lúc lắm. Ðể ta sai Nam Cực tiên ông trao bảng phong thần cho ngươi đem về Tây Kỳ lập một cái đài phong thần mà treo bảng ấy thì xong công việc của ngươi.

Tử Nha nói:

– Nay Trương Quế Phương có phép tà thuật, đem quân đến đánh Tây Kỳ, đệ tử tài năng còn kém, không cự lại, xin thầy ra ơn trợ giúp đệ tử.

Nguyên Thỉ nói:

– Ngươi làm quan đến chức Thừa Tướng, hưởng lộc triều. Võ vương phải kêu ngươi bằng Thượng phụ, thế mà ngươi sợ tà đạo, đến đây cầu cứu nỗi gì?

Tử Nha năn nỉ:

– Nhưng Trương Quế Phương ỷ phép thuật hoành hành, không người chống nổi.

Nguyên Thỉ cười lớn:

– Chúa Tây Kỳ có đức, không đến nỗi gì mà lo. Ngươi đừng sợ tà đạo cứ về đi. Lúc nào gặp việc hiểm nghèo sẽ có người tài đến giúp.

Tử Nha không dám nói nữa liền cúi lạy bước ra khỏi cửa thì Bạch Hạc đồng tử đã bước theo gọi lại:

– Sư huynh, thầy gọi lại có việc.

Tử Nha vội bước vào quì dưới đài.

Nguyên Thỉ nói:

– Ngươi về dọc đường, nếu gặp ai kêu đừng đứng lại, nếu ngươi nói chuyện với người ấy ngày sau sẽ có ba mươi sáu đạo binh đến đánh ngươi,còn tại Ðông Hải có một người đang chờ ngươi đó, ngươi đến đó sẽ gặp. Ta nói trước cho ngươi hay để khỏi ân hận. Thôi, hãy về đi.

Tử Nha lạy tạ ra khỏi cửa động, bỗng gặp Nam Cực tiên ông đón lại, trao bảng phong thần và theo đưa đón.

Tử Nha than:

– Sư huynh ơi! Tôi về đây cầu thầy giúp sức, cho tôi phép mầu để trị Trương Quế Phương nhưng thầy không nhận lời, tôi chẳng biết tính làm sao được.

Nam Cực tiên ông nói:

– Số trời đã định, không thể lậu thiên cơ, sư đệ phải nhớ lời thầy dậy, trên đường về nghe ai kêu đừng dừng lại nói chuyện với họ là mọi việc xong luôn. Nay tôi đưa sư đệ đến đây thôi, còn theo xa hơn nữa bất tiện.

Tử Nha từ giã ôm bảng phong thần đi đến núi Kỳ Lân toan độn thổ mà đi, xảy nghe có tiếng gọi cheo chéo sau lưng:

– Bớ Khương Tử Nha!

Tử Nha nghĩ thầm:

– Thật quả có người kêu ta. Nhưng thầy đã dặn không nên dừng lại nói chuyện với ai.

Nghĩ rồi lầm thinh lầm lũi đi tới.

Tiếng gọi đàng sau lại khẩn thiết hơn:

– Khương Tử Nha ơi! Ði đâu vậy? Hãy dừng lại ta nói câu chuyện nầy.

Tử Nha làm thinh không đáp.

Tiếng gọi lại gần hơn:

– Này Khương Tử Nha Thừa Tướng, coi bộ anh làm cao làm sao.

Khưong Tử Nha cứ làm thinh.

Người ấy gọi đến năm lần thấy Khưọng Tử Nha không quay lại nổi giận trách:

– Khương Thượng! Anh làm đến chức Thừa Tướng rồi quên cả tình xưa bạn cũ hay sao? Anh quên hẳn trước đây bốn mươi năm, tôi cùng anh đồng tu luyện tại cung Ngọc Hư sao?

Tử Nha nghe nói liền quay lại xem thử người nào, thì thấy người ấy cỡi trên lưng cọp, đầu bịt bao đánh xanh, mình mặc áo rộng, tay cầm gươm báu sáng ngời. Nhìn kỹ Tử Nha nhận ra là Thân Công Báo nên mừng rỡ nói:

– Ủa sư đệ đây mà! Bởi thầy tôi có dặn trên đường về nếu gặp ai kêu hỏi đừng trả lời, vì vậy tôi sợ trái lời thầy, chẳng ngờ lại gặp sư đệ. Vậy xin miễn chấp.

Thân Công Báo hỏi:

– Anh cầm bức tượng gì vậy?

Tử Nha nói:

– Ðây là bảng Phong Thần, không phải bức tượng.

Thân công Báo hỏi:

– Bây giờ anh đem đi đâu?

Tử Nha nói:

– Tôi đem về Tây Kỳ làm đài Phong Thần mà treo bảng ấy.

Thân Công Báo mỉm cười hỏi:

– Sau này anh tính phò ai?

– Sư đệ hỏi gì vậy? Tôi đang làm Thừa Tướng Tây Kỳ, được Văn vương thác cô phò Võ Vương thế thì tôi còn tính phò ai nữa?

Thân Công Báo nói:

– Cần gì phải câu chấp. Ðại trượng phu trong trời đất muốn làm gì thì làm, muốn chọc trời khuấy nước lúc nào không được, tại sao lại phải buộc mình trong nghĩa vụ thác cô?

Tử Nha nói:

– Nay thiên hạ chia ba, giang sơn đã về nhà Châu hai phần rồi, tám trăm chư hầu đều bỏ Trụ, vả lại Võ Vương ân đức cao dày sánh với bậc Nghiêu, Thuấn. Khi số đã định, phụng gáy tại non Kỳ, Thánh chúa ra đời là vua Võ còn cơ nghiệp Thành Thang tối tăm, chỉ truyền được một đời nầy nữa là đứt, há sư đệ không biết hay sao? Bởi vậy tôi phò Châu diệt Trụ là thuận theo lòng trời, đúng theo đạo chính.

Thân Công Báo nói:

– Anh bảo là khí số nhà Thương đã dứt, vậy thì anh cứ xuống phò Châu, tôi phò Trụ xem thử thế nào cho biết.

Tử Nha nói:

– Sao sự đệ lại nói bừa như vậy? Lẽ nào cải mạng trời?

Thân công Báo nói:

– Theo tôi thì không phải khí số gì cả. Nói đến khí số chẳng qua lời gạt gẫm của giáo phái độc tài muốn dùng chiêu bài để tác yêu tác quái trong thế gian này thôi.

Tử Nha nói:

– Trong trời đất có luật tuần hoàn, trong mỗi người chúng ta đều có số mệnh, trong thế gian phải có vận khí. Ðó là lẽ chánh trong càn khôn. Anh nói như vậy thì dựa vào đâu mà hành đạo.

Thân Công Báo nói:

– Sư huynh còn non nớt lắm, chỉ chết chìm trong giáo điều của các giáo hệ độc tài về tư tưởng. Tôi hỏi anh khí số là gì? Ðinh mệnh là gì? Ai tạo ra những điều ầy? Chẳng lẽ ý muốn của một nhóm người nào đó tạo ra rồi bảo là vận mạng, khí số sao?

Tử Nha cãi:

– Vận mạng, khí số là quy luật tự nhiên của càn khôn, vũ trụ, sự chuyển vận của trời đất, chúng ta làm sao phủ nhận được.

Thân Công Báo nói:

– Chúng ta có thể tìm hiều quy luật tự nhiên ấy, và cải biến đi được. Cũng như chúng ta đang tu luyện tức là sửa đổi lại con người của chúng ta.

Tử Nha nói:

– Như vậy là sư đệ theo tà đạo rồi.

Thân Công Báo nói:

– Tà đạo hay chính đạo vẫn là đạo, không có cái nào xấu tốt. Nói cho đúng hơn kẻ nào chống lại các giáo hệ độc tài thì gọi là tà mà thôi. Tôi nói thật với sư huynh tôi sẽ xuống phò Trụ diệt Châu. Nếu sư huynh muốn cho tình anh em chúng ta sau này khỏi xích mích thì cùng tôi phò Trụ.

Tử Nha nói:

– Sư đệ luận sai rồi. Tại sao chúng ta đi phò một hôn quân mà bỏ một chúa thánh?

Thân Công Báo nói:

– Vua Trụ là hôn quân, nhưng nhà Thương không phải là những ông vua bạo ngược cả. Cũng như Võ Vương nhân đạo, nhưng các đời vua nối tiếp vẫn còn nhân đạo hay không? Như vậy từ một hôn quân trở thành một thành chúa, rồi từ một thánh chúa trở thành một hôn quân, chẳng qua chỉ qua chỉ là một thể tướng chớ không phải là một chân tướng. Chúng ta chạy theo thể tướng mà không hiểu gì đến chân tướng ư?

Tử Nha nói:

– Sư đệ có ý như vậy, nhưng tôi không thể trái lời thầy. Vả lại lúc nào tôi cũng phục tùng thiên mệnh.

Thân Công Báo nổi giận nói:

– Tử Nha ngươi tu luyện có bốn mươi năm, công lực bao nhiêu mà dám phò Châu. Ngươi hãy nghe ta biểu dương công lực của ta đây.

Nói rồi ngâm lớn:

Ngũ hành biến hóa đã tinh thông

Trút biển dời non chẳng nhọc công

Lừng lẫy Nam sơn mình cỡi cọp

Nghinh ngang Bắc hải sức thâu rồng

Hào quang ánh sáng ba ngàn trượng

Bửu kiếm hơi lòa chín khúc sông

Chân đạp rừng mây chơi khắp xứ

Muôn năm thong thả dạo Tây Ðông.

Khương Tử Nha nói:

– Công phu của ngươi thì ngươi biết, công phu của ta thì ta hay cần gì phải luận cao thấp.

Thân Công Báo nói:

– Ngươi chẳng qua học thông ngũ độn, di sơn đảo hải mà thôi, sánh với ta sao được. Ta chặt thủ cấp liệng lên trời, đi chơi muôn dặm rồi mây đỏ chở thủ cấp đem ráp lại như thường, vậy mới đáng công học đạo. Chớ như ngươi tài phép gì mà dám cự cùng ta. Nếu nghe lời ta, cùng xuống Triều Ca, đốt bản Phong thần đi thì cũng chẳng mất công hầu khanh tướng.

Tử Nha nghĩ thầm:

– Lẽ nào lại có thể cắt đầu quăng lên trời cho bay một hồi rồi lắp lại được?

Nghĩ rồi liền nói với Thân Công Báo:

– Nếu quả sư đệ làm được như vậy, tôi xem tỏ tường, sẽ đốt bảng phong thần xuống phò Trụ Vương.

Thân Công Báo nói:

– Ngươi phải giữ lời, chớ nên thất tín.

Tử Nha nói:

– Ðấng trượng phụ đã nói ra thì nhớ, lẽ nào lại quên.

Thân Công Báo liền mở hồ bao lấy ra một thanh gươm, tay trái nắm tóc mình, tay mặt cứa lưỡi gươm vào cổ, cắt đứt cái đầu, quăng bỗng lên trời, mà cái mình vẫn trơ trơ không ngã xuống.

Tử Nha trông thấy thất kinh, không hiểu tại sao có chuyện lạ lùng như vậy.

Bấy giờ Nam Cực tiên ông, sau khi đưa Tử Nha ra khỏi cửa, thơ thẩn mải chưa vào cung, thấy Thân Công Báo cởi beo chạy theo Tử Nha đến núi Kỳ Lân lại múa tay múa chân mà nói chuyện. Xảy thấy đầu của Thân Công Báo bay qua bay lại trên trời. Nam Cực tiên ông nghĩ rằng:

– Tử Nha tánh tình thật thà e lầm mưu gian trá.

Liền gọi Bạc hạc đồng tử nói:

– Ngươi hãy hiện nguyên hình, tha đầu Thân Công Báo đem qua Nam hải cho ta.

Ðồng tử vâng lệnh hóa ra con hạc trắng bay nửa lừng trời tha đầu Thân Công Báo.

Có thơ than rằng:

Phép tà quyết ý nghịch lòng trời

Bạch hạc tha đầu khó dạo chơi

Sống lại rước binh băm sáu đạo

Làm cho thiên hạ chết tơi bời.

Tử Nha thấy Bạch hạc tha đầu Thân Công Báo bay qua Nam hải thì thất kinh, giậm chân kêu lớn:

– Ðồ yêu nghiệt từ đâu đến tha đầu người bay mất.

Nam Cực tiên ông hiện đến vỗ vào lưng Tử Nha một cái, làm Tử Nha bất thần quay đi hỏi:

– A! Sư huynh! Chẳng hay sư huynh theo tôi có việc chi dạy bảo không?

Nam Cực tiên ông chỉ Tử Nha nói:

– Ngươi điên cuồng hay sao mà tin nhảm như vậy. Thân Công Báo là tà đạo, dùng tà thuật, ngươi tưởng thật à? Chỉ nội trong một giờ ba khắc mà không ráp đầu được, nó sẽ tuôn máu ra mà chết. Thầy dặn ngươi không được nói chuyện với ai, sao ngươi không tuân lời. Nó sẽ kêu ba mươi sáu đạo binh đến đánh ngươi đó. Ta nghe ngươi giao ước với nó đốt bảng phong thần xuống Triều Ca phò vua Trụ, ngươi tưởng bản Phong Thần dễ đốt lắm sao? Ta thấy vậy nên sai Bạch hạc tha đầu nó quăng xuống Nam hải đặng quá giờ nó chết cho rồi. Hễ nó chết là ngươi khỏi lo.

Tử Nha nói:

– Nếu sư huynh biết quá giờ mà không ráp được đầu nó sẽ chết thì xin tha cho một phen. Lòng đạo ai cũng lấy tình thương làm trọng. Thân Công Báo tu luyện đã lâu năm, chẳng lẽ vì biểu diễn công lực cho bạn bè xem mà hại nó như vậy?

Nam Cực tiên ông nói:

– Ngươi có tình thương đối với nó, nhưng nó không có tình thương đối với ngươi đâu. Ngày nay tha nó, ngày sau có ba mươi sáu đạo binh đến đánh ngươi, ngươi đừng than thở.

Tử Nha nói:

– Chừng nào nó bất nghĩa sẽ hay, nay vì tình bạn, nó biểu diển công lực cho xem mà lại giết nó, lòng tôi không nỡ.

Nam Cực tiên ông thấy Tử Nha năn nỉ mải liền ngoắt Bạch hạc về.

Còn Thân Công Báo bị Bạch Hạc tha đầu, cái mình đứng trơ trơ mà đợi, sợ quá giờ khắc thì tánh mạng không còn. Kế Bạch hạc tha đầu về thả xuống, cái đầu rớt nhằm chỗ mà trở mặt ra sau lưng.

Thân Công Báo đưa tay sửa lại, mở con mắt ra, nhìn Nam Cực tiên ông chứa đầy thù hận.

Nam Cực tiên ông hét lớn:

– Ngươi là yêu nghiệt, theo cám dỗ Tử Nha, bảo đốt bảng Phong thần bỏ Chậu phò Trụ. Lẽ ra ta bắt ngươi dẫn đến cung Ngọc Hư cho thầy ta trị tội, nhưng nghĩ tình ngươi tu luyện không nỡ ác tâm.

Thân Công Báo cau mày nói:

– Mỗi người có một hướng đi, không ai bắt buộc ai được cả.

Tử Nha sợ Thân Công Báo cãi lẩy sanh chuyện, nên nói:

– Thôi, sư đệ hãy trở về núi cho yên. Chúng ta đều là bạn tu hành cả, tranh đua nhau làm chi.

Thân Công Báo hậm hực lên lưng beo, còn quay đầu nói lại:

– Rồi đây sẽ thấy pháp thuật của tà đạo lợi hại đến mức nào.

Thấy Thân Công Báo giục beo đi khuất rồi, Tử Nha giã biệt tiên ông độn thổ đi về ngang Ðông hải, thấy nơi ven biển non cao lởm chởm, cây mọc tốt tươi, tiếng gió thổi rì rào vào các khóm hoa bốc mùi thơm phức.

Tử Nha than thầm:

– Biết ngày nào ta mới dứt được nợ đời vào núi nầy tu luyện. Nhìn vào mặt biển, xảy thảy sóng dậy ầm ầm, gió giông nổi dậy, sấm chớp bủa giăng, chỉ trong khoảnh khắc sắc thái của không gian thay đổi cả.

Tử Nha giật mình kinh hãi, không rõ vì đâu lại có hiện tượng lạ lùng.

Ngoái nhìn xuống đáy biển thấy có một người trần truồng đang cố nhoi lên trên mặt nước, cất giọng gọi lớn:

– Ðại tiên ôi! Hồn oan lạnh lẽo ngàn năm chưa được siêu rỗi, ngày trước tôi vâng lệnh Thanh Hư đạo nhân đợi nơi đây, chờ pháp sư đến cầu xin ra ơn cứu nạn trầm luân. Nay gặp được pháp sư xin ra ơn tái tạo, ơn đức bằng non.

Tử Nha nói:

– Ngươi là ai? Bị oan ức làm sao mà ở Ðông hải làm sóng, hãy nói cho ta rõ đã.

Người ấy nói:

– Tôi là Bá Dẫm, giữ chức Tổng binh, phò vua Quỳnh đế Hiên Viên đi đánh giặc Xi Vưu, bị nhâm hỏa nổ phải sa xuống biển mà chết. Hồn tôi ở đây hơn ngàn năm chưa được siêu thăng. Xin pháp sư cứu tôi làm phước.

Tử Nha nói:

– Ngươi là Bá Dẫm thì hãy nghe theo sắc chỉ Ngọc Hư, hãy về ở Tây Kỳ mà hầu sai khiến.

Nói rồi vỗ tay như sấm nổ, Bá Dẫm lên khỏi biển Ðông.

Bá Dẫm mừng thoát nạn, lạy Tử Nha tạ ơn rồi độn thổ theo Tử Nha về Tây Kỳ.

Hai người đến núi Kỳ Sơn, nghe gió thổi ào ào, thấy Ngũ Lôi thần đến nghinh tiếp, Năm vị thần ấy thưa:

– Xưa chúng tôi đều ở Triều Ca, nhớ ơn thầy dạy đến Kỳ Sơn mà đợi. Nay thấy thầy đi ngang qua đây nên chúng tôi nghênh tiếp.

Tử Nha nói:

– Ta chọn ngày tốt lập đài Phong thần, ủy nhiệm Bá Dẫm làm đốc công, các ngươi cố sức giúp việc. Chừng nào xong ta sẽ treo bảng Phong thần.

Nói rồi truyền Bá Dẫm ở lại Kỳ Sơn, sai Ngũ Lôi thần làm đài. Sáu người vâng lệnh.

Còn Tử Nha độn thổ trở về tướng phủ.

Võ Kiết và Na Tra hay tin vội ra nghênh tiếp.

Tử Nha hỏi:

– Mấy hôm nay Trương Quế Phương có đến khiêu chiến chăng?

Vỏ Kiết thưa:

– Từ bữa Sư phụ đi vắng đến nay chúng cố thủ dinh trại, không thấy hành động gì cả.

Tử Nha vào ra mắt Võ Vương.

Võ Vương mời ngồi, và hỏi:

– Thượng phụ về núi công việc thế nào?

Tử Nha không dám nói rõ việc thầy mình quở trách, nên tâu:

– Các việc đều xong cả.

Võ Vương nói:

– Thượng phụ vì ta mà đau khổ, lòng ta chẳng yên.

Tử Nha tâu:

– Tôi lo cho lợi nước yên nhà, miễn sao làm trọn lời thác cô của Tiên vương, dầu lao khổ đến đâu cũng chẳng nài.

Võ Vương truyền dọn tiệc đãi đằng, Tử Nha dự tiệc xong lui về tướng phủ.

Hôm sau, Tử Nha thăng trướng, các tướng nghe trống lệnh lập tức ứng hầu.

Tử Nha liền viết lịnh tiễn trao cho Hoàng Phi Hổ, Na Tra và Tân Giáp, Tân Miễn, dặn các tướng cứ theo mật lệnh mà thi hành.

Nói về Trương Quế Phương bị Na Tra đánh xụi một cánh tay nằm mãi trong dinh đợi binh tướng Triều Ca đến tiếp ứng. Bỗng vào lúc canh ba đêm ấy nghe tiếng pháo nổ vang, bốn phía binh reo tở mở.

Trương Quế Phương và Phong Lâm vội mang giáp lên ngựa ra đến cửa dinh thấy binh Châu đèn đuốc sáng ngời, giáo gươm lởm chởm.

Na Tra đứng trên xe Phong Hỏa, cầm giáo dài xông vào, thế mạnh như cọp.

Trương Quế Phương thấy Na Tra chẳng khác gà chạy độ, không dám giao phong.

Còn Phong Lâm thấy Hoàng Phi Hổ cỡi ngũ sắc thần ngưu xông tới, nổi giận mắng:

– Phản tặc! Ðừng hòng lợi dụng đêm tối đến cướp dinh ta.

Nói rồi giục ngựa vung thương đánh với Hoàng Phi Hổ. Hai tướng ra tài hỗn chiến.

Giữa lúc đó. Tân Giáp, Tân Miễn xông vào dinh bên hữu, binh tướng Trụ không ai chống lại. Hai tướng thừa thắng đánh riết vào hậu dinh, tháo tù xa cứu Nam Cung Hoát và Châu Kỷ

Nam Cung Hoát và Châu Kỷ bị cầm tù mấy bữa nay như cọp xổ lồng, giựt gươm chém binh Thương chạy tán loạn, thây nằm rợp đất máu chảy đầy chơn.

Trương Quế Phương và Phong Lâm thấy quân ngũ vỡ tan, biết không thể nào cầm cự nổi, liền giục ngựa bôn tẫu.

Thương hại cho binh Trụ lớp chết lớp bị thương, thây chồng lên nhau một số còn lại tìm đường chạy thoát.

Trương Quế Phương và Phong Lâm chạy riết một hồi đến núi Kỳ Sơn mới dám dừng lại, thu góp tàn quân thì thấy còn không đầy một nửa.

Trương Quế Phương than:

– Thuở nay ta cầm binh chưa bao giờ biết bại trận, thế mà hôm nay bị hao binh tổn tướng thế này!

Than rồi ngồi viết biểu sai người về Triều Ca cáo cấp.

Thái Sư Văn Trọng tiếp được tờ biểu của Trương Quế Phương kinh hãi triệu tập các tướng đến thương nghị, và nói:

– Trương Quế Phương thất trận hao binh, lão phu phải thân chinh mới được. Ngặt vì hai cỏi Ðông và Nam chưa yên, trong triều lại không còn tướng giỏi, nếu bỏ ra đi dẹp loạn thì ai coi việc Triều Ca.

Kiết Lập nghe nói, thưa:

– Chinh phạt là việc nhỏ, giữ nước là việc lớn. Nay trong triều chỉ còn Thái Sư điều khiển mọi việc, nếu Thái Sư cầm binh chinh phạt tôi e trong triều sinh biến, chi bằng cử một vài vị sư hữu qua Tây Kỳ trợ lực với Quế Phương, trừ Khương Thượng thì tiện hơn.

Phong Thần Diễn Nghĩa

Phong Thần Diễn Nghĩa

Status: Completed Author:

“Phong Thần Diễn Nghĩa” thuộc thể loại truyện tiên hiệp là bộ tiểu thuyết lịch sử được siêu nhiên hóa màu sắc của Đạo Giáo (Xiển giáo và Triệt giáo).

Lấy cuộc chiến tranh phạt Trụ của Châu Võ Vương làm nền cho bối cảnh cốt truyện, nhưng những sự việc, tình tiết hoàn toàn là dã tưởng hoang đường. Truyện không những kích thích trí tưởng tượng của độc giả mà còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa mà tác giả muốn gửi đến người đọc theo phương pháp "ý tại ngôn ngoại"

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset