Hồi 40: Bốn Tướng cậy phép đoạt thành

Bốn Tướng cậy phép đoạt thành

Nam Cung Hoát và Võ Kiết bắt được ba tướng Trụ đưa về dinh nạp cho Tử Nha.

Tử Nha thấy Lỗ Hùng đứng sững không quì.

Còn Vưu Hồn, Bí Trọng thì quì móp dưới đất xin dung mạng.

Tử Nha nói với Lỗ Hùng:

– Bậc anh hùng phải trông thời thế rõ được cơ trời, am tường máy tạo. Nay nhà Thương đã đến lúc suy vi, thiên hạ hai phần đã bỏ Trụ theo Châu, lão tướng không biết hay sao mà làm nghịch lại đến nỗi mang họa?

Lỗ Hùng nói:

– Ngươi trước kia cũng làm tôi cho nhà Thương ăn lộc Ðại phu, nay phản phúc đến đây đầu Châu nghịch Trụ, thế thì người là kẻ tham quyền cố vị, mưu sống cầu vinh, chớ đâu phải bậc hiệu lương quân tử. Ta không chối cãi tội ác Trụ Vương đã làm thiên hạ đảo huyền, muôn dân đồ thán, bằng cớ theo lẽ thì trung thần nếu không can vua được thì chịu chết, chứ không theo phò người khác làm tôi. Ta tuổi đã già rồi, chết đi để tiếng thơm muôn đời thì có gì đáng tiếc.

Tử Nha truyền quân giam giữ ba tướng lại một nơi rồi cầm gươm lên đài làm phép, tức thì mây tạnh giá tan, nắng mùa hè trở lại như cũ. Trong năm vạn binh mã của Trụ chết lạnh hơn bốn ngàn, còn bao nhiêu trốn về Nam ải.

Tử Nha sai Nam Cung Hoát về thành thỉnh Võ Vương đến núi Kỳ Sơn.

Nam Cung Hoát tuân lệnh ra đi về đến nơi ra mắt Võ Vương và tâu:

– Hạ thần vâng lệnh Thừa Tướng về triều thỉnh chúa công ngự đến Kỳ Sơn để luận bàn công việc.

Võ Vương nhậm lời, dẫn bá quan đến chân núi đã thấy Tử Nha đón tiếp.

Võ Vương hỏi Tử Nha:

– Thượng phụ cho rước quả nhân đến đây để làm gì?

Tử Nha thưa:

– Tôi thỉnh chúa công đến đây để làm lễ tế núi Kỳ Sơn.

Võ Vương nói:

– Tế núi sông là chính lẽ, trẫm không từ chối.

Tử Nha đặt văn tế Võ vương ngỡ là tế núi không ngờ cúng đài Phong thần.

Võ vương quì xuống thắp hương, còn Tử Nha truyền Võ Kiết chém đầu Lỗ Hùng, Vưu Hồn, Bí Trọng đem ba thủ cấp đến đặt lên đài cao làm lễ tế.

Võ Vương trông thấy ba thủ cấp thất kinh hỏi:

– Sao lại giết người mà tế núi?

Tử Nha tâu:

– Hai người ấy là Vưu Hồn, Bí Trọng, tôi nịnh của Trụ vương, trước kia gây nhiều tội lỗi, nay phải đền tội với nhân dân.

Võ Vương không muốn giết người làm đồ tế lễ như vậy, song nghe đến Vưu Hồn, Bí Trọng là hai tên đại nịnh thì chết cũng an lòng nên không tỏ ý phàn nàn nữa.

Tế xong, tôi chúa đồng đem gia tướng về thành, còn Bá Dẫm dẫn hồn ba tướng lên đài lập tức.

Người sau có thơ nói đến cái chết của Vưu Hồn, Bí Trọng:

Năm xưa kêu ngạo quẻ Cơ Xương

Bị giá ngày nay nghĩ mới tường

Bí Trọng lạnh lùng rơi cổ rắn

Vưu Hồn run rét rụng đầu lươn

Kẻ gian tợ dựa cây gươm báu

Gần dữ như vào đãy cá ươn

Họ Lỗ liên can thương hại bấy

Kẻ trung người nịnh họa đồ vương.

Tàn binh của Lỗ Hùng sau khi thoát nạn tuyết lạnh chạy trở về ải Tụy Thủy.

Hàng Vinh biết được tin, bèn viết sớ dâng về triều cáo cấp.

Lúc ấy Văn Thái Sư đang ngồi xem tờ biểu của Ðặng Cửu Công gởi về, trong biểu nói việc Nam Bá Hầu Ngạc Thuận đánh không lại kéo binh bại tẩu, thì mừng rỡ nhủ thầm:

– Thể thì an được mối giặc ở phía Nam.

Kế đó Văn Thái Sư xem đến tờ biểu của Hàng Vinh nói việc Lỗ Hùng và Bí Trọng, Vưu Hồn đều tử chiến.

Văn Thái Sư thất kinh than:

– Không ngờ binh Tây Kỳ mạnh đến như vậy. Khương Thượng đã giết Trương Quế Phương, nay lại chém đầu Lỗ Hùng và Vưu Hồn, Bí Trọng nữa. Thế nầy ta phải thân chinh mới được, ngặt phương Ðông còn giặc, không dám bỏ đi.

Ngẩm nghĩ một lúc. Thái Sư quay qua hỏi Kiết Lập và Dư Khánh:

– Nay nhắm tướng nào có thể đến đẹp loạn Tây Kỳ được?

Kiết Lập thưa:

– Trước đây chúng ta đánh giá nhân vật Tây Kỳ quá thấp nên mới bị hao binh tổn tướng như vậy. Cứ như Trương Quế Phương cầm binh không lại, bốn vị đạo sư ở Cửu Long đảo bỏ mình thì biết binh tướng Tây Kỳ nhiều kẻ đa mưu túc trí lắm. Vậy phải cho người ra ải Giai Mộng truyền bốn tướng họ Ma đem binh chinh phạt mới mong thắng được.

Văn Trọng nói:

– Bốn tướng họ Ma có nhiều phép lạ, song việc giữ ải Giai Mộng cũng quan trọng lắm.

– Xin sai Hồ Thắng, Hồ Lôi ra đó trấn ải thay cho Ma gia tứ tướng. Tôi thiết tưởng bốn tướng bọ Ma cầm binh thì chinh phục Tây Kỳ chẳng bao lâu.

Văn Trọng khen phải liền viết lệnh tiễn, sai anh em họ Hồ ra trấn ải Giai Mộng, và truyền Ma gia tứ tướng đem binh chinh phạt Tây Kỳ.

Ma gia tứ tướng tiếp được công văn, cười ngất nói với nhau:

– Thái Sư đã từng chinh chiến nhiều, sao lại lẩn thẩn như vậy. Bên Tây Kỳ chỉ có lão thầy bói Khương Thượng và đứa tôi loàn là Hoàng Phi Hổ mà thôi, việc gì phải bắt chúng ta bỏ ải mà đi đánh thật là cắt cổ gà lại dùng đến dao mổ trâu.

Bốn anh em bọ Ma cười nói một hồi, rồi giao ải cho Hồ Thắng, Hồ Lôi, rồi điểm mười muôn binh mã, nổi một tiếng pháo lệnh kéo qua Tây Kỳ như vũ bão.

Ngày đi đêm nghĩ, chẳng bao lâu đoàn quân Ma gia tứ tướng đã vượt qua năm ải đến núi Ðào Hoa.

Quân thám mã vào báo:

– Bẩm chúa tướng, nơi đây đã đến địa phận Tây Kỳ rồi, cách phía Bắc thành Tây Kỳ chừng năm mươi dặm.

Ma gia tứ tướng truyền quân đóng trại nghỉ ngơi, rồi sẽ tìm hiểu địch tình.

Bấy giờ, Tử Nha sau khi hô phong hoán võ, dùng tuyết lạnh bắt ba tướng Trụ tế đài phong thần thì khí thế uy hùng, quân ngũ nức lòng đánh giặc, ai nấy tin tưởng vào tài làm tướng của Tử Nha.

Ngày kia có quân thám mã về báo:

– Trụ vương sai Ma gia tứ tướng kéo quân đến thành Bắc đóng trại cách đây năm mươi dặm.

Tử Nha triệu tập các tướng bàn kế hoạch đánh phá.

Hoàng Phi Hổ nói:

– Xin Thừa Tướng phải để phòng. Bốn tướng này tài hay phép lạ không phải tầm thường.

Tử Nha hỏi:

– Ma gia tứ tướng là những kẻ thế nào, xin tướng quân nói rõ cho ta biết?

Hoàng Phi Hổ nói:

– Ma gia tứ tướng là bốn người dòng họ Ma. Cả bốn người đều có phép tà đạo.

Thứ nhứt là: Ma Lễ Thanh, mình cao hai trượng bốn thước gương mặt như loại cua đinh, hàm râu đỏ loét, thường đùng cây giáo đài, không cỡi ngựa, trong mình có cây gươm báu của thần tiên gọi là Thanh Vân kiếm. Gươm nầy có bùa, giữa có khắc bốn chữ địa, thủy, hỏa, phong. Nếu nó chỉ gươm niệm chú thì lửa và gió cùng nổi lên một lúc. Trong gió ấy có hàng vạn thanh gươm bay tua tủa hễ gió bay đến đâu thì binh tướng thây nằm đến đấy. Còn lửa cháy đến đâu thì binh tướng chết thui đến đấy, không ai chữa nổi.

Thứ nhì là: Ma Lễ Hồng có một cây lọng gọi là Hỗn Nguyên Tán. Cây lọng ấy có kết đủ các thứ hạt châu dính chuyền với nhau. Các hột châu ấy gồm có:

1. Tổ Mẫu Lục

2. Tô Màu Bích

3. Dư Minh châu.

4. Tị Thần châu.

5. Tị Hỏa châu.

6. Tị Thủy châu.

7. Tiêu Lương châu.

8. Cửu Khúc châu.

9. Ðịnh Nhan châu.

10. Ðịnh Phong châu.

Lại còn có những hạt trân châu kết chuyền ra bốn chữ Trang Tải Càn Khôn. Cái lọng ấy vô cớ chẳng dám giương lên, vì hễ giương lên tối tăm trời đất, Càn khôn chuyển động.

Thứ ba là: Ma Lễ Hải sở trường một cây giáo lại có mang theo cây đờn tỳ bà. Bốn dây đờn chia ra: địa, thủy, hỏa, phong. Khảy lên ít tiếng thì gió, lửa nổi dậy như Thanh Vân kiếm.

Thứ tư là: Ma Lễ Thọ có một con chuột trắng gọi là Hoa Hồ Ðiêu. Hễ quăng nó lên cao thì nó lớn bằng của voi trắng, hóa ra hai cánh bay theo ăn thịt tướng binh. Ma Lễ Thọ còn có tài đánh cặp roi hay lắm.

Bởi Ma gia tứ tướng tài phép như vậy nên tôi mới thưa với Thừa Tướng cẩn thận và đề phòng.

Tử Nha hỏi:

– Vì sao tướng quân biết rõ như vậy?

Hoàng Phi Hổ nói:

– Trước kia bốn tướng này là bộ hạ của tôi, giúp tôi đi đánh Ðông hải. Lúc ra trận, bốn tướng có dùng các phép ấy.

Tử Nha nghe rõ, ngồi làm thinh, vẻ mặt buồn bã vô cùng.

Giữa lúc đó bốn anh em Ma gia tứ tướng an cơ hạ trại, cho quân sĩ nghĩ ngơi xong, bàn với nhau:

– Nay chúng ta vâng lệnh Thiên Tử sang đánh Tây Kỳ, đóng trại nơi đây đã ba ngày rồi, cũng nên tính việc động binh trừ quân phản loạn để khỏi phụ lòng Thái Sư tiến cử.

Bốn anh em bàn bạc xong, quyết đinh ngày mai nhổ trại, kéo thẳng đến thành Tây Kỳ khiêu chiến.

Ðạo binh Ma gia tứ tướng kéo đến nơi, an dinh hạ trại xong, phất cờ phát pháo, đến cửa thành Tây Kỳ, gọi Tử Nha ra đối địch.

Quân vào báo, Tử Nha lưỡng lự không dám ra binh.

Kim Tra, Mộc Tra và Na Tra biết ý đồng thưa:

– Sư thúc nghe Hoàng tướng quân kể tài ba anh em họ Ma nên sợ thất trận, không dám ra binh phải không. Chúng tôi thiết nghĩ khí số nhà Châu trị đời thì mọi việc đâu có trời đất che chở, hơi đâu mà sợ!

Tử Nha ngẫm nghĩ một hồi rồi truyền lệnh trương cờ ngũ sắc cùng với các tướng kéo binh ra khỏi thành.

Ma gia tứ tướng thấy Tử Nha dùng binh tề chỉnh, cởi con Tứ Bất Tướng, cầm gươm thư hùng, đội mão đuôi cá, bèn lướt tới trước hỏi:

– Khương Thượng! Ngươi không giữ bổn phận, đem dạ bội quân, lại chứa phản tặc là Hoàng Phi Hổ. Các vị đại thần đến đây vấn tội ngươi lại bêu đầu, ấy là ngươi chẳng nể triều đình, không kiêng phép nước. Nay binh trời đã tới, sao chẳng chịu bó mình. Hay ngươi muốn chống cự với chúng ta, khiến cho binh sĩ Tây Kỳ tiêu tan thành bột chăng?

Tử Nha nói:

– Quí vị nói sai rồi! Chúng tôi là tôi nhà Thương, sắc phong một cõi, hằng giữ phép nước, có làm phản bao giờ đâu. Chỉ vì vua nghe lời các đại thần đem quân đến đánh Tây Kỳ, chúng tôi phải bảo vệ đất đai, giữ gìn cương thổ. Thực ra, chúng tôi chưa hề xâm phạm đến năm ải của nhà Thương, sao lại bảo là phản loạn?

Ma Lễ Thanh nổi giận hét:

– Ngươi dám lộng ngôn, đổ tội cho đại thần sanh chuyện, ngươi không biết cả thành Tây Kỳ sập đổ hay sao?

Nói rồi cầm giáo lướt tới đâm Tử Nha.

Nam Cung Hoát lướt tới đưa siêu đao ra đỡ, và hét lớn:

– Có ta đây, ngươi đừng vô lễ.

Hai người hỗn chiến với nhau.

Ma Lễ Hồng cầm kích xông tới.

Tân Giáp giơ búa đánh liền.

Ma Lễ Hải cầm giáo xốc vào.

Na Tra ngăn lại giao chiến.

Ma Lễ Thọ xách cặp giản lướt lên, thế mạnh như hùm, liền thấy có tướng Châu mặc giáp trắng, cỡi ngựa kim, cầm giáo dài, đội mũ bạc đón Ma Lễ Thọ giao thương, ấy là Võ Kiết.

Tám tướng đánh vùi với nhau một trận rất dữ, kẻ hết lòng phò Minh chúa, kẻ hết sức giúp Thành Thang.

Người sau có thơ rằng:

Vì nước quân thần vẹn chữ trung

Ai binh chúa nấy cũng anh hùng

Bọc thây đã phú cho da ngựa

Trong trận chi sờn sự kiết hung.

Na Tra đánh với Ma Lễ Hải một hồi liền lấy Càn Khôn Quyện liệng lên.

Ma Lễ Hồng trông thấy liền đỡ búa Tân Giáp, rồi nhảy ra ngoài lấy cây lọng Hỗn Nguyên giương lên thâu Càn Khôn Quyện.

Kim Tra thấy vậy liền lấy Ðộn Long Thun quăng lên, cũng bị lọng phép thâu mất.

Tử Nha ném cây roi Ðả Thần Tiên lên quyết đánh bốn tướng.

Ai ngờ roi ấy đánh thần, chớ không phải đánh tiên và kẻ thế, còn Ma gia tứ tướng là con nhà Phật, cách một ngàn năm nữa mới làm thần, cho nên roi ấy đánh không được, cũng bị lộng Hỗn Nguyên thâu mất.

Ma Lễ Thanh bỏ Nam Cung Hoát, nhảy ra ngoài lấy gươm Thanh Vân giá ba cái, tức thì gió mây nổ lên mù mịt, gươm giáo bay tua tủa tối trời.

Có thơ rằng:

Trận gió gươm đao giữa chiến trường

Tướng binh giáp mão nát như tương

Huống chi xương thịt người phàm tục

Dầu kẻ đa đồng cũng bị thương.

Ma Lễ Hồng thấy anh mình dùng gươm phép, liền giương cây lọng Hỗn Nguyên ra, rung rinh ba cái, tức thì trời đất tối tăm, khói lửa ngất trời.

Có thơ rằng:

Lửa cháy tứ bề khó đụt xông

Dẫu cho người đá cũng nung hồng

Tử Nha phép nhiệm không đương lại

Binh tướng Tây Kỳ chẳng đất chôn.

Ma Lễ Hải khảy đờn tì bà trợ chiến, Ma Lễ Thọ giở túi beo thả con Hoa Hồ Ðiêu bay lên nữa lừng trời lớn như con tượng bạch nhăn nanh múa vuốt, ăn thịt tướng binh.

Trận nầy quân Châu thất điên bát đảo.

Tử Nha cỡi Tứ Bất Tướng bay lên nửa lừng trời, Kim Tra, Mộc Tra độn thổ trốn khỏi.

Na Tra nhờ xe Phong Hỏa bay thẳng vào thành, Long Tu Hồ độn thủy vào dinh, Hoàng Phi Hổ cỡi thần ngưu chạy thoát. Còn các tướng trận dầu khỏi chết cũng bị bắt.

Tử Nha vào thành kiểm điểm binh tướng thì thấy chỉ còn hơn phân nữa, tướng tử trận hết chín người. Người con thân lại Văn vương cũng bỏ mình với ba tên phó tướng.

Tử Nha buồn bã vô cùng vì từ lúc cầm quân đến nay chưa thua trận nào nặng nề như vậy.

Ma gia tứ tướng thắng trận về dinh, cùng nhau mừng rỡ.

Ma Lễ Hồng nói:

– Ngày mai chúng ta kéo binh đến vây thành hỗn chiến một trận nữa, thế nào cũng bắt được Tử Nha mà ban sư về nước.

Ma Lễ Thanh khen phải, bốn anh em đồng uống rượu thâu canh.

Hôm sau, bên tướng dẫn quân đến bên thành khiêu chiến.

Tử Nha không đám ra nữa, truyền quân treo miễn chiến bài.

Ma gia tứ tướng thấy vậy khiến quân vây thành công phá.

Tử Nha sai mấy tướng không bị thương như Na Tra, Mộc Tra, Kim Tra, Hoàng Phi Hổ, Long Tu Hồ đốc quân giữ thành, dùng gỗ đá, nước sôi và cung ná, cố thủ nghiêm ngặt.

Ma gia tứ tướng đốc quân phá thành ba ngày không nổi mà quân sĩ hao hớt cũng nhiều.

Ma Lễ Thanh truyền gióng trống thu quân về trại.

Bốn anh em họ Ma lại bàn tính:

– Khương Tử Nha là lão thầy tu trên núi Côn Lôn bản lãnh không vừa, chúng đã thủ thành thì cũng khó bề phá gấp được, chi bằng chúng ta cứ vây riết ngoài thành, đợi cho trong thành hết lương thảo, bên ngoài không tiếp viện được thì thế nào chúng cũng phải đầu hàng.

Bàn định xong, bốn anh em họ Ma lại kéo binh đến vây nữa, nhưng lần nầy không công phá mà chỉ chận đường không cho binh tiếp viện, giải lương mà thôi.

Bốn anh em họ Ma vây thành Tây Kỳ ngày đêm không dứt, tính ra đã hai tháng có dư.

Ma Lễ Thanh nóng lòng nói với ba em:

– Văn Thái Sư sai chúng ta đánh Tây Kỳ, nay đã gần ba tháng mà phá thành không nổi, binh lương hao tốn, như sau nầy Thái Sư khiển trách thì chúng ta còn thể diện gì nữa. Chi bằng tối nay anh em chúng ta dùng bửu bối quăng vào thành, phá thành cho tan hoang, bắt Tử Nha đem về nạp cho sớm.

Ba người em khen phải, đóng chuẩn bị kế hoạch đợi đêm đến phá thành.

Bên kia, Tử Nha đang ngồi bàn luận xảy nghe gió thổi vùn vụt cậy cờ lệnh trước trướng gãy đổ xuống đất. Thất kinh, liền lấy tiền gieo quẻ, mặt biến sắc, vội vàng đi tắm gội đốt hương làm phép đảo hải mà cứu binh Châu.

Tử Nha bỏ tóc xõa, cầm gươm phép, vận nước biển bao thành Tây Kỳ.

Bấy giờ Nguyên Thỉ Thiên Tôn đang ngồi trong động, biết Tây Kỳ mắc họa, tuy Tử Nha đảo hải nhưng cũng cứu không nổi, liền lấy bình lưu ly có nước Tam quan thần thủy rảy xuống thành Tây Kỳ, nước ấy nổi trên mặt biển.

Ðêm ấy Ma Lễ Thanh quăng Thanh Vân kiếm, Ma Lễ Hồng ném Hỗn Nguyên Tán, Ma Lễ Hải khảy đờn tỳ bà, Ma Lễ Thọ quẳng con Hoa Hồ Ðiêu tức thì mây kéo mịt mù, gió gào lửa táp, vũ trụ rung chuyển, hình như trời sập đất long. Quân tướng trong thành đều vỡ mật. Bốn anh em họ Ma chắc là thành Tây Kỳ đã tan nát thành đống gạch vụn, định đến sáng ngày sẽ ban sư.

Ai ngờ:

Nhọc sức hoài công không được việc

Vang trời dậy đất có ra chi.

Ma gia tứ tướng làm phép đến khuya mới thu bửu bối trở về trại.

Còn Tử Nha mượn nước biển cứu thành Tây Kỳ, nội đêm ấy tướng binh không ai ngủ được. Trời rừng đông, Tử Nha trả nước về biển Bắc, thành Tây Kỳ vẫn thấy còn nguyên vẹn không chết một cành cây cọng cỏ nào.

Binh sĩ thấy thành Tây Kỳ vẫn còn y nguyên, vào báo lại với bốn anh em họ Ma.

Ma gia tứ tướng ra xem, thấy quả như vậy lấy làm lạ không hiểu vì cớ gì, chẳng lẽ bảo vật của họ không linh ứng?

Ma gia tứ tướng không còn biết làm cách nào hơn là cứ việc vây riệt, đợi trong thành hết lương thực phải đầu hàng.

Qua trưa ấy rồi, Tử Nha lại truyền các tướng thủ thành nghiêm nhặt. Bên ngoài anh em họ Ma vẫn bao vây, còn bên trong cũng chẳng có cách nào để giải vây.

Ngày kia quan coi kho đến thưa với Tử Nha:

– Kho Tam tế lương đã gần hết rồi, chỉ còn dùng được mười ngày nữa thôi.

Tử Nha kinh hãi nói:

– Bị vây là chuyện nhỏ, hết lương là chuyện lớn. Nếu trong thành mà cạn lương thì chỉ có cách đầu hàng.

Hoàng Phi Hổ nói:

– Xin Thừa Tướng ra yết thị cho những dân chúng giàu có trong thành bảo họ cho vay đỡ lúc nào giải vây xong sẽ trả cả vốn lẫn lời.

Tử Nha nói:

– Không nên làm như vậy. Ngoài thành quân địch đang vây, trong thành báo động hết lương thế nào cũng sanh biến. Liệu còn dùng được mười ngày thì cứ thủng thỉnh sẽ liệu.

Tám ngày nữa trôi qua, mà tình trạng vẫn không thay đổi.

Bấy giờ lương thực chỉ còn có hai ngày nữa là hết.

Tử Nha buồn rầu nghĩ không ra kế.

Trong lúc bối rối bỗng có hai vị đạo đồng một người mặc áo xanh, một người mặc áo đỏ đồng đến trước cửa thành xin vào ra mắt Khương Tử Nha.

Quân canh liền vào báo.

Tử Nha nói:

– Giặc đang vây bên ngoài, chớ nên tin. Phải để ta coi lại cho rõ người nào đã.

Liền bước ra cửa thành hỏi:

– Hai vị ở núi nào, động nào? Có việc chi tìm đến?

Hai đạo đồng thưa:

– Chúng tôi là Hoàng Ðộc Long và Tiết Ác Hổ ở động Ngọc Ốc núi Kim Ðình học trò ông Ðạo Hạnh thiên tôn. Nay vâng lệnh thầy đến vận lương cho sư thúc.

Tử Nha nghe nói mừng rỡ rước vào thành và hỏi:

– Lương thực hiện giờ ở đâu?

Hoàng Ðộc Long thưa:

– Chúng tôi có đem theo đây.

Nói rồi lấy thư đưa ra. Tử Nha mở thư ra xem, và nói:

– Trước kia thầy ta có dặn, lúc nào ngặt nghèo sẽ có người này đến giúp, thật quả không sai.

Liền truyền đạo đồng lấy lương ra, các tướng trông thấy nín cười, nhìn nhau bảo nhỏ:

– Giúp lương thực cho cả thành mà đem đến một vốc gạo như vậy sao?

Khương Tử Nha liền bảo Hoàng Ðộc Long đem gạo đến kho Tam tế.

Hoàng Ðộc Long tuân lệnh đem gạo đổ vào kho.

Vừa được vài giờ sau, quân coi kho đến báo với Tử Nha:

– Kho Tâm tế gạo đã đầy nhóc.

Tử Nha mừng làm. Binh tướng đều vui mừng không ai còn lo chết đói nữa.

Có thơ rằng:

Võ Vương nhân đức đất trời thương

Xui khiến thần tiên đến giúp lương

Thiên Hóa ít ngày qua trợ chiến

Một mình giết hết tứ thiên vương.

Bây giờ Tử Nha lương nhiều tướng mạnh, quân sĩ no đủ nhưng sợ tài phép bốn anh em họ Ma, cứ thủ thành mãi, không dám xuất trận.

Còn Ma gia tứ tướng vây thành gần giáp một năm, mà hãm thành không được, liền viết sớ gởi về Thái Sư Văn Trọng, trong sớ nói:

– Tử Nha đánh cũng hay, thủ thành cũng giỏi nên chúng tôi không thể hãm thành được…

Ngày kia, Tử Nha đang bàn luận việc binh xảy thấy quân canh vào báo:

– Có một ông đạo sĩ đến trước cửa thành xin ra mắt.

Tử Nha cho đòi vào thì thấy đạo sĩ ấy đầu đội mão phiến vân, mình mặc áo bát quái, chân đi giày cỏ, lưng buộc giải tỷ.

Tử Nha hỏi:

– Ðạo sĩ từ đâu đến?

Ðạo sĩ làm lễ ra mắt và thưa:

– Ðệ tử là học trò Ngọc Ðảnh chân nhân họ Dương, tên Tiển vâng lệnh thầy dạy xuống hầu sư thúc sai khiến.

Tử Nha thấy Dương Tiển dung mạo khác thường, lòng mừng thầm, gọi các tướng đến cho biết mặt. Các tướng cùng chào mừng giới thiệu với nhau.

Tử Nha lại dẫn Dương Tiển đến ra mắt Võ Vương.

Võ vương nói:

– Các khanh có lòng đến đây giúp quả nhân, ơn ấy quả nhân không dám quên.

Nói rồi truyền mở tiệc đãi đằng.

Sau bữa tiệc, Dương Tiển hỏi Tử Nha:

– Chẳng hay binh nào vây ngoài thành mà sư thúc không chịu ra quân?

Tử Nha thuật chuyện Ma gia tứ tướng có phép lạ, không ai đánh lại nên phải treo miễn chiến bài.

Dương Tiển nói:

– Nay có đệ tử đến đây, xin sư thúc bỏ miễn chiến bài để đệ tử ra đánh với Ma gia tứ tướng một trận cho biết. Nếu cứ cố thủ thành mãi làm sao tính được mưu kế.

Tử Nha nhận lời, truyền Dương Tiển ra quân.

Quân thám thính thấy thành Tây Kỳ bỏ miễn chiến bài, vội chạy về dinh báo với Ma gia tứ tướng:

– Thành Tây Kỳ bỏ miễn chiến bài rồi.

Ma gia tứ tướng liền nai nịt chỉnh tề, đồn binh đến trước cửa thành khiêu chiến.

Dương Tiển cầm giáo xuất trận, Tử Nha khiến Na Tra theo trợ chiến.

Vừa ra khỏi thành, Dương Tiển thấy bốn tướng:

Oai hùng vùn vụt sanh giông gió

Hơi lửa phừng phừng ngút tận mây.

Còn bốn tướng thấy Dương Tiển cầm giáo bạc, cỡi ngựa kim, dung mạo không phải người tu, cũng không phải kẻ tục thì lấy làm lạ.

Ma Lễ Thanh hỏi:

– Ngươi là ai đó?

Dương Tiển đáp:

– Ta là sư điệt của Khương Thừa Tướng, họ Dương, tên Tiển. Các ngươi tài cán bao nhiêu mà dám hung hăng như vậy. Các ngươi thường dùng phép tà mà hại người, nay ta đã đến đây, e chúng bây không có đất mà chôn thây.

Nói rồi cầm giáo đâm tới. Ma gia tứ tướng lâu ngày không ra trận, nên tay chân đã ngứa ngáy, đồng ra hỗn chiến với Dương Tiển một lượt.

Giữa lúc đó có quan giải lương tại Sở Châu là Mã Thành Long vừa giải lương tới, cỡi ngựa xích thố, cầm siêu đao. Người nầy tánh nóng như lửa, thấy bốn tướng và Dương Tiển choáng cả đường đi không ngõ đem lương qua, liền trợn mắt nạt lớn:

– Cẩu tặc chớ hành hung, có ta đến đây.

Vừa nói vừa giực ngựa xông vào tiếp tay với Dương Tiển.

Ma Lễ Thọ nổi giận đánh với Mã Thành Long mười hiệp, rồi quăng con Hoa Hồ Ðiêu lên, hóa ra một con vật lớn như con voi trắng, miệng đỏ như chậu máu, nhe nanh bạc như gươm trường, cắn Mã Thành Long đứt nghiến nửa mình và nuốt vào bụng.

Có bài thơ rằng:

Thú ấy lâu năm hứng gió trăng

Âm dương thọ khí đã thâm căn

Biến ra lớn nhỏ tùy theo ý

Nuốt sống ăn tươi cọp chẳng bằng.

Dương Tiển trông thấy nghĩ thầm:

– Nó có nuôi vật dữ giết người, hèn chi tướng Châu đánh không lại. Ta sẽ làm cho nó biết tay.

Còn bốn tướng họ Ma không biết Dương Tiển có Thất thập nhị huyền công nghĩa là bảy mươi hai phép biến hóa; nên Ma Lễ Thọ cũng để con Hoa Hồ Ðiêu cắn nuốt Dương Tiển như đã nuốt Mã Thành Long vậy.

Na Tra trông thấy Dương Tiển chun vào bụng con quái thú, thất kinh chạy vào thành báo với Tử Nha:

– Sư thúc ơi! Dương Tiển bị Hoa Hồ Ðiêu cắn đứt nửa mình nuốt vào bụng rồi.

Tử Nha sững sờ nói không ra tiếng, các tướng đều trợn mắt nhìn nhau không ai nói nửa lời.

Ma gia tứ tướng thắng trận kéo binh về dinh, mở tiệc mừng ăn uống cho đến hết canh hai vẫn chưa ngủ.

Ma Lễ Thọ nói:

– Ðể tôi sai con Hoa Hồ Ðiêu bay vào thành Tây Kỳ cắn chết Võ Vương, nuốt sống Tử Nha, hai người ấy mà chết rồi thì chúng ta đánh một trận là ban sư về nước, chẳng lẽ chúng ta ở đây vây nó cả đời sao?

Ma Lễ Thanh khen:

– Nếu con Hoa Hồ Ðiêu của em sai khiến được như vậy thì bắt tướng không cần phải xuất quân.

Ma Lễ Thọ liền lấy túi da beo ra, bắt con Hoa Hồ Ðiêu, và dặn:

– Bửu bối! Nếu ngươi vào thành cắn chết Võ vương và Tử Nha thì được trọng thưởng.

Nói rồi liệng Hoa Hồ Ðiêu lên không trung.

Con Hoa Hồ Ðiêu tuân lời bay vút ra khỏi trận.

Lúc nầy Dương Tiển nằm trong bụng con Hoa Hồ Ðiêu, vì Dương Tiển có bảy mươi hai phép biến hóa, nên Hoa Hồ Ðiêu của nuốt vào bụng vẫn không chết, khi nghe Ma Lễ Thọ dặn con quái thú như vậy mừng rỡ nghĩ thầm:

– Tặc tướng! Ðừng hòng bửu bối của ngươi hành động như vậy.

Nói rồi đợi cho con Hoa Hồ Ðiêu bay ra khỏi cửa trại, ở trong bụng hét lớn lên một tràng:

– Quái thú! Mi biết ta là ai không?

Nói rồi rứt đứt trái tim. Con Hoa Hồ Ðiêu ré lên một tràng rồi nhào xuống đất chết tươi.

Dương Tiển hiện hình chui ta ngoài, xé Hoa Hồ Ðiêu đứt làm ba đoạn, rồi về đến cửa thành thì đã canh ba.

Bấy giờ Tử Nha còn thức đang bàn luận với Na Tra, xảy có quân vào báo:

– Dương Tiển trở về thành kêu cửa.

Tử Nha kinh hãi nói:

– Ðã chết đi sao còn sống lại?

Liền khiến Na Tra lên mặt thành xem thử thật hay giả.

Na Tra vâng lịnh đến trước cửa hỏi lớn:

– Dương đạo huynh đã bị con quái thú xé xác sao còn sống lại mà về đây?

Dương Tiển nói:

– Chúng ta đều là đệ tử của thần tiên, mỗi người hay mỗi phép. Thôi, mở cửa cho mau đặng ta vào thưa với sư thúc những việc cần thiết.

Na Tra không nghi ngờ, hối quân mở cửa.

Dương Tiển bước vào ra mắt Tư Nha.

Tử Nha trông thấy quả thật Dương Tiển, sửng sốt hỏi:

– Hỏi sớm mai tướng quân đã bị tử trận, lầm sao bây giờ sống lại được? Hay là tướng quân có phép hồi sinh?

Dương Tiển thưa:

– Ðệ tử vào trong bụng con Hoa Hồ Ðiêu, nghe Ma Lễ Thọ sai con quái thú ấy vào thành ăn thịt Võ Vương và sư thúc, đệ tử đã giết chết con chuột ấy rồi, nên về thưa lại.

Tử Nha nói:

– Nếu tướng quân có tài hóa như vậy còn sợ gì phép lạ của chúng nó.

Dương Tiẽng thưa:

– Bây giờ tôi tính trở qua dinh địch để tìm cách phá rối.

Na Tra hỏi:

– Dương đạo huynh làm thế nào vào dinh nó được?

Dương Tiển đáp:

– Thầy tôi dạy đủ Thất thập nhị huyền công, biến hóa đủ bảy mươi hai cách.

Hãy nghe bài thơ này:

Bảy mươi hai phép thuật biến huyền công

Thày dạy lâu năm luyện đã xong

Dầu nước dầu non dầu sắt đá

Hoặc vàng hoặc bạc hoặc chì đồng

Khi cần biết tới Loan cùng phụng

Tẩu thú hiện ra cọp với rồng

Thấy chết nhiều lần nhưng chẳng chết

Theo phò thánh chúa lập nhiều công.

Tử Nha nghe Dương Tiển khoe tài liền nói:

– Ngươi có phép hay như vậy hãy biến một vài cách cho ta xem thử.

Dương Tiển rùng mình một cái, biến ra con Hoa Hồ Ðiêu nhảy cùng dưới đất.

Tử Nha mừng rỡ cười lớn:

– Thật là thần thông quảng đại.

Dương Tiển thưa:

– Ðể tôi bay sang dinh nó phá phách một hồi cho vui.

Tử Nha nói:

– Không cần phá phách làm chi, ngươi tìm cách nào lấy được các phép mầu của chúng đem về đây, thì chúng nó như gãy mất tay chân không làm gì được.

Dương Tiển vâng lệnh, giả làm con Hoa Hồ Ðiêu bay tuốt qua dinh Ma gia tứ tướng.

Vừa đến nơi Ma Lễ Thọ đưa tay bắt lấy, giở bụng con quái thú xem, thấy bụng không no, biết chưa ăn Khương Thượng, bèn bỏ vào túi da beo.

Bấy giờ đã canh tư, bốn anh em họ Ma đồng đi ngủ.

Dương Tiển thấy bốn tướng ngủ khì, liền ở trong túi nhảy ra, hiện hình người như cũ, lại quơ trúng cây lọng đụng nhằm gươm Thanh Vân rơi xuống đất kêu lẻng kẻng.

Dương Tiển sợ chúng hay, đớp cây lọng phép đi mất.

Ma Lễ Hồng giật mình thức dậy đưa mắt nhìn quanh, không thấy có ai, chỉ thấy cây gươm rơi xuống đất thì chắt lưỡi nói:

– Ðem gươm vô ý để rớt như vậy.

Liền lấy gươm móc lên vách như cũ, rồi lật đật nằm xuống ngủ nữa.

Dương Tiển trở về dinh đem cây Hỗn Nguyên Tán dâng cho Tử Nha.

Ba anh em Kim Tra đồng xúm lại xem lọng báu.

Còn Dương Tiển từ giả bay qua dinh Thương, chun nằm vào túi da beo như cũ.

Rạng ngày bốn anh em họ Ma thức dậy.

Ma Lễ hồng không thấy cây lọng phép, thất kinh nói lớn:

– Lạ quá! Cây Hỗn Nguyên Tán đâu mất.

Bốn anh em tìm kiếm một hồi, rồi hỏi bọn quân tuần và lính gát cửa.

Bọn quân canh thưa:

– Bụi bay không lọt vào dinh, có gian tế nào vào đây mà lấy cho được.

Ma Lễ Hồng chắt lưỡi than:

– Ta nhờ cây lọng nầy mà lập công dẹp giặc, nay mất đi biết tính làm sao?

Bốn anh em thấy mất phép báu đều buồn bã không bàn đến chuyện chinh chiến nữa.

Ðây nói về động Tử Dương núi Thanh Phong, ông Thanh Hư đạo nhân đang ngồi tu luyện xảy thấy lòng mình hồi hộp, biết Tây Kỳ có việc, và đã đến lúc đưa đệ tử xuống trần, liền sai Kim Hà đồng tử gọi Hoàng Thiên Hóa đến dạy.

Hoàng Thiên Hóa nghe đòi vội bước vào làm lễ:

– Sư phụ cho đòi đệ tử có việc chi?

Thanh Hư nói:

– Ngươi ra sau vườn đào để ta truyền phép, sai xuống Tây Kỳ, trước là đoàn tụ gia đình sau phò vua giúp nước.

Nói rồi dắt Hoàng Thiên Hóa ra vườn đào, trao cặp song chùy cho Hoàng Thiên Hóa tập trận.

Khi đã thuần thục, Thanh Hư nói với Hoàng thiên Hóa:

– Thầy cho con Ngọc Kỳ Lân mà cỡi và đem Hóa Long Phiêu xuống Tây Kỳ. Con khá kính thành, chớ quên cội rễ.

Hoàng Thiên Hóa lạy thầy giã bạn, lên lưng Ngọc Kỳ Lân, đưa tay vỗ vào gạc một cái, tức thì bốn cẳng sanh mây, bay mau như gió. Bởi con kỳ lân này là của Thanh Hư cỡi, dùng để dạo chơi ba núi năm non nên nó bay đi mau lắm.

Chỉ phút chốc, Hoàng Thiên Hóa đã đến Tây Kỳ xin vào thành.

Quân vào báo:

– Có một đạo đồng đang ngoại thành xin ra mắt Thừa Tướng.

Tử Nha truyền lệnh mời vào.

Hoàng Thiên Hóa quỳ lạy thưa:

– Tôi là Hoàng Thiên Hóa vâng lệnh thầy xuống Tây Kỳ, hầu dưới trướng sư thúc để lập công.

Tử Nha hỏi:

– Ngươi ở động nào, núi nào?

Không đợi cho Hoàng Thiên Hóa trình bày, Hoàng Phi Hổ bước ra thưa:

– Hoàng Thiên Hóa là con trai lớn của tôi, đệ tử ông Thanh Hư đạo nhân ở núi Thanh Phong, động Tử Dương.

Tử Nha mừng rỡ khen:

– Tướng quân có con học đạo ta có lòng mừng cho đấy.

Cha con Hoàng Thiên Hóa gặp nhau, đồng vào vương phủ, mở tiệc vui vầy

Khi trước Hoàng Thiên Hóa ở núi ăn chay, nay về thế gian lại ăn mặn.

Tiệc mãn, Hoàng Thiên Hóa cổi bỏ quần áo tu hành, bới tóc đội mão vàng, trong mặc hồng bào, ngoài mang kim giáp, nịt đai ngọc, theo thể thống con vua.

Rạng ngày Hoàng Thiên Hóa vào chầu dưới trướng.

Tử Nha trông thấy lối ăn mặc như vậy trách rằng:

– Hoàng Thiên hóa, ngươi là đệ tử của thần tiên, sao lại đổi thay y phục. Ta tuy làm Thừa Tướng, vẫn phải mặc đồ tu còn ngươi mới về thế gian đã vội quên cội rễ.

Hoàng Thiên Hóa bị trách liền thay áo mão, bỏ đai ngọc, cột dây tơ và thưa:

– Tôi không dám quên nguồn gốc, bởi vâng lệnh thầy ra đấu tứ tướng, phải nai nịt theo thế thường.

Tử Nha nói:

– Ma gia tứ tướng có phép tài, ngươi phải cẩn thận đề phòng mới được.

Hoàng Thiên Hóa thưa:

– Thầy tôi đã dặn kỹ, xin sư thúc chớ lo.

Nói rồi cỡi Ngọc kỳ lân ra ngoài thành khiêu chiến.

Phong Thần Diễn Nghĩa

Phong Thần Diễn Nghĩa

Status: Completed Author:

“Phong Thần Diễn Nghĩa” thuộc thể loại truyện tiên hiệp là bộ tiểu thuyết lịch sử được siêu nhiên hóa màu sắc của Đạo Giáo (Xiển giáo và Triệt giáo).

Lấy cuộc chiến tranh phạt Trụ của Châu Võ Vương làm nền cho bối cảnh cốt truyện, nhưng những sự việc, tình tiết hoàn toàn là dã tưởng hoang đường. Truyện không những kích thích trí tưởng tượng của độc giả mà còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa mà tác giả muốn gửi đến người đọc theo phương pháp "ý tại ngôn ngoại"

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset