Hồi 60: Mã Nguyên xuống núi giúp con vua

Mã Nguyên xuống núi giúp con vua

Hoàng Phi Hổ đánh với Ân Hồng được hai mươi hiệp, thì Ân Hồng đánh đỡ không kịp vì cây giáo của Hoàng Phi Hổ như thần, đánh nhiều miếng hiểm ác.

Bàng Hoằng lướt tới trợ lực, Hoàng Thiên Lộc xông ra cản trở.

Lưu Phủ múa đao chạy tới bị Hoàng Thiên Tường đón lại giao công.

Tuân Chương nổi nóng nhảy vào vòng chiến.

Một mình Hoàng Thiên Tường mà cự với hai tướng vẫn cầm đồng.

Tất Hoàn cầm cặp búa xông vào, bị Hoàng Thiên Hóa ngăn đỡ.

Bấy giờ Ân Hồng liệu thế một mình không cự lại nên trá bại, Hoàng Phi Hổ đuổi theo bị Ân Hồng dùng Âm Dương kiếng chiếu vào mặt làm cho Hoàng Phi Hổ té nhào xuống ngựa bất tỉnh.

Trịnh Luân lập tức bắt trói Hoàng Phi Hổ.

Hoàng Thiên Hóa nóng lòng, bỏ Tất Hoàn sang cứu Hoàng Phi Hổ.

Ân Hồng thấy Hoàng Thiên Hóa cầm song chùy cỡi kỳ lân biết là người có phép liền lấy kiếng chiếu vào mắt, Hoàng Thiên Hóa mê man té xuống kỳ lân bị quân bắt trói. Còn Tuân Chương thấy Hoàng Thiên Tường nhỏ tuổi khinh khi chẳng đề phòng bị Hoàng Thiên Tường đâm một giáo trúng đùi, Tuân Chương bại tẩu.

Ân Hồng thấy đã bắt được hai tướng, liền gióng kiểng thâu quân về trại.

Quân thua chạy về phi báo, Tử Nha thất kinh hỏi duyên cớ.

Hoàng Thiên Tường kể lại đầu đuôi.

Tử Nha buồn bã vô cùng.

Ân Hồng thắng trận về dinh, truyền dẫn cha con Hoàng Phi Hổ vào rồi dùng kiếng phép chiếu vào mặt cho cha con Hoàng Phi Hổ tỉnh lại.

Cha con Hoàng Phi Hổ mở mắt thấy mình bị trói, tức giận căm gan.

Hoàng Phi Hổ mắng Ân Hồng:

– Ngươi không phải nhị điện hạ.

Ân Hồng nạt lớn:

– Sao ngươi biết không phải?

Hoàng Phi Hổ nói:

– Nếu ngươi là Nhị điện hạ, sao ngươi không biết ta là Hoàng Phi Hổ. Năm trước ta tha hai vị Ðiện hạ tại ngã ba, và tâu với Trụ Vương xin tội, lẽ nào ngươi không nhớ?

Ân Hồng nói:

– Nếu vậy là Hoàng tướng quân đại ân nhân đây sao?

Nói rồi bước xuống mở trói cho Hoàng Phi Hổ, lại truyền tha trói cho Hoàng Thiên Hóa và hỏi:

– Sao tướng quân lại đầu Châu?

Hoàng Phi Hổ nói:

– Tôi xấu hổ quá, không đủ can đảm nói hết nỗi lòng mình với nhị Ðiện. Bởi Trụ vương vô đạo, giởn cợt với vợ tôi lại giết cả em tôi nữa. Tội ác mỗi ngày một dữ, không kể sao cùng. Nay thiên hạ ba phần đã theo nhà Châu hết hai rồi, tôi cũng là kẻ bạc phước, bị Trụ vương phụ bạc nên cũng phải đầu Châu, tránh chỗ dữ, vô vô chổ lành. Nếu Nhị điện hạ tha chết cho tôi thật là ơn sâu nghĩa trọng.

Trịnh Luân cản lại:

– Ðiện hạ không nên tha tội kẻ phản thần.

Ân Hồng nói:

– Ngày trước Hoàng tướng quân ra ơn cứu ta, nếu nay ta giết đi mang tiếng bất nghĩa. Lần nầy ta trả ơn, nếu lần sao bắt được sẽ gia hình theo phép.

Nói rồi truyền trả y giáp lại, và dặn:

– Hoàng Tướng quân! Hôm nay ta trả ơn, sau nầy chớ nhắc đến nữa. Nếu ngày sau có ra trận phải giữ gìn để khỏi ăn năn.

Cha con Hoàng Phi Hổ đồng lạy tạ ơn, chạy thẳng về thành ra mắt Tử Nha tỏ mọi việc sau trước.

Tử Nha khen:

– Như vậy thì Ân Hồng tỏ ra là người có đức độ.

Còn Trịnh Luân thấy Ân Hồng tha cha con Hoàng Phi Hổ lòng không vui.

Ân Hồng nói:

– Trước kia người ta cứu mình khỏi chết lẽ nào mình lại quên ơn. Ta nhắm Hoàng Phi Hổ cũng chẳng tài cán bao nhiêu, sau này ta bắt không khó gì.

Trịnh Luân thưa:

– Trước kia tôi đã bắt Hoàng Phi Hổ một lần, cũng vì nó trốn thoát mà sinh ra rối rắm sau nầy nếu Ðiện hạ bắt được nên chặt đầu lập tức, đừng để nó nói nhiều lời vô ích.

Rạng ngày Ân Hồng dẫn binh tướng đến dưới thành mời Tử Nha ra nói chuyện.

Tử Nha nói với các tướng:

– Hôm nay các ngươi cùng ta ra trận xem cho rõ cái kiếng phép lợi hại thế nào.

Nói rồi dẫn các tướng xuất trận.

Ân Hồng thấy Tử Nha kéo binh ngũ phương ra thành, có các đệ tữ theo hầu hạ liền ngồi trên ngựa cầm kích điểm mặt Tử Nha:

– Khương Thượng! Khi trước ngươi là tôi nhà Thương sau nay lại đầu Châu làm phản?

Khương Thượng nói:

– Từ xưa nay hễ chúa thánh thì tôi hiền, chúa bất minh thì tôi làm loạn. Trụ vương dâm ác không thương dân, không kể xã tắc, thiên hạ ly loạn mười phần, các chư hầu đều bất phục, đâu phãi chỉ mình Tây Kỳ chống lại? Số trời đã định, Ðiện hạ cũng chẳng nên cưỡng lại số trời mà mang họa.

Ân Hồng nổi giận nạt lớn:

– Có tướng nào ra bắt Khương Thượng cho ta.

Bàng Hoằng xách cặp giản vỗ ngựa xông ra, bên kia Hoàng Thiên Hóa cản lại giao công.

Tất Hoàn lướt tới bị Dương Tiển đón lại.

Khi ấy Tô Hộ và Tô Toàn Trung đứng dựa cửa coi Ân Hồng cùng Tử Nha đánh nhau. Hai bên giáp chiến tối trời.

Ðược ba bốn hiệp, Tử Nha quăng Ðả Thần Tiên đánh Ân Hồng, chẳng ngờ Ân Hồng trong áo giáp có mặc tiên y tuy roi đánh nhằm mà không hại.

Tử Nha thấy vậy liền thâu Ðả Thần Tiên lại.

Na Tra đánh với Bàng Hoằng mấy hiệp rồi quăng Càn Khôn Quyện lên, Bàng Hoằng bị Càn Khôn Quyện đánh trúng hạ mã.

Na Tra đâm một giáo chết tươi.

Ân Hồng thấy vậy hét lớn:

– Thất phu, dám giết đại tướng ta.

Nói rồi bỏ Tử Nha, qua đánh với Na Tra để trả thù.

Còn Dương Tiển đánh với Tất Hoàn ít hiệp, bắt Hạo Thiên Khuyển quăng lên, con chó nhảy lên táp vào cổ Tất Hoàn.

Tất Hoàn lính quýnh bị Dương Tiển chém một dao rụng đầu.

Ân Hồng thấy hai tướng mình bị chết, nổi giận lấy kiếng chiếu vào mặt Na Tra, nhưng Na Tra không hề gì hết.

Ân Hồng chiếu luôn bốn lần vẫn không có hiệu nghiệm, liền cất kiếng đánh liều.

Dương Tiển thấy Ân Hồng dùng kiếng Âm Dương lại không bị roi Ðả Thần Tiên đánh trúng, vội nói với Tử Nha:

– Người nầy có phép hộ thân lại có kiếng phép, xin sư thúc chớ nên lại gần nó.

Tử Nha nghe Dương Tiển nói liền bảo Ðặng Thiền Ngọc:

– Ngươi liệng Ân Hồng một cục đá trợ lực với Na Tra.

Ðặng Thiền Ngọc tuân lệnh ném đá Ngũ Quang trúng nhằm mũi Ân Hồng làm cho Ân Hồng đổ hào quang, hét lên một tràng giục ngựa chạy dài.

Cũng bởi áo tiên không phủ mặt

Cho nên Ðiện hạ mũi sưng vù.

Na Tra thừa dịp đuổi theo, đâm Ân Hồng một giáo, nhưng Ân Hồng trong mình có mặc tiên y, chẳng hề chi cả, Na Tra kinh hãi không dám đuổi theo.

Tử Nha liền thu quân về thành.

Còn Ân Hồng chạy một đổi, nghĩ lại tấm kính phép mình bỗng nhiên không hiệu nghiệm thì buồn bã vô cùng. Ân Hồng có ngờ đâu Na Tra là cốt bông sen, không phải thai phàm.

Rờ vào sóng mũi, Ân Hồng thấy sưng húp, nổi giận nói một mình:

– Khương Thượng! Nếu ta không trả được thù nầy không phải kẻ trượng phu.

Bấy giờ Khương Thượng về đến trướng phủ, hội các đồ đệ lại để bàn kế.

Dương Tiển nói:

– Lúc nãy tôi thấy Ân Hồng dùng kiếng Âm Dương. Phép nầy chính là của Xích Tinh Tử. Nếu không phải Na Tra thì đã mất mạng rồi.

Tử Nha nói:

– Lẽ nào Xích Tinh Tử lại có đồ đệ là Ân Hồng.

Dương Tiển nói:

– Việc nầy rất lạ, xin sư thúc cho đệ tử qua núi Thái Hoa hỏi lại sư bá xem sao.

Tử Nha suy nghĩ hồi lâu rồi mới đồng ý cho đi.

Dương Tiển nóng lòng độn thổ đến núi Thái Hoa, vào động Vân Tiêu ra mắt Xích Tinh Tử.

Xích Tinh Tử hỏi:

– Ngươi đến đây có chuyện gì?

Dương Tiển giả vờ nói:

– Tôi vâng lệnh Thừa Tướng đến mượn kiếng Âm Dương trừ tướng Trụ, xong việc xin trả lại sư bá.

Xích Tinh Tử nói:

– Hôm trước ta đã đưa cho Ân Hồng, đệ tử của ta xuống Tây Kỳ để giúp Tử Nha, lẽ nào nó có phép báu trong mình lại không nói?

Dương Tiển nói:

– Nay tôi đếu cầu sư bá cũng vì Ân Hồng không đến đầu Châu giúp sư thúc, mà lại đem phép báu đánh Tây Kỳ.

Xích Tinh Tử nghe nói, giậm đất than:

– Bởi ta lầm nên giao hết phép báu cho nó, chẳng ngờ thằng khốn đó lại hại ta. Thôi, ngươi về trước, ta sẽ theo chân xuống Tây Kỳ lập tức.

Dương Tiển tạ ơn, độn thổ trở về.

Tử Nha thấy Dương Tiển về đến liền hỏi:

– Ngươi đến hỏi việc ấy, Xích Tinh Tử nói sao?

Dương Tiển thưa:

– Ân Hồng quả là học trò của sư bá. Sư bá sai xuống giúp Tây Kỳ, chẳng ngờ Ân Hồng trở lòng giúp Trụ. Sư bá sắp xuống đến nơi.

Tử Nha nghe nói nóng nảy vô cùng.

Cách ba bữa, có quân vào bảo:

– Xích Tinh Tử lão gia đến phủ.

Tử Nha vội vàng ra tiếp rước.

Xích Tinh Tử vào trước trướng nói:

– Tôi xin chịu tội vì tôi có sai Ân Hồng xuống giúp Châu phạt Trụ, chẳng ngờ nó cãi lời khuấy loạn như vầy.

Tử Nha nói:

– Sao đạo huynh đưa Âm Dương kiếng cho nó làm gì?

Xích Tinh Tử nói:

– Các phép của tôi, tôi đều giao cho nó, chẳng những Âm Dương kiếng mà đến Tử Thọ tiên y tôi cũng đưa cho nó mặc để phòng thủy hỏa, đao binh sau này. Không biết nó nghe lời ai dụ dỗ dọc đường mà trở lòng như vậy. Thôi, để mai tôi bắt nó đem về chịu tội.

Rạng ngày Xích Tinh Tử cầm gươm ra trận kêu quân sĩ bảo:

– Các người vào nói với Ân Hồng ra cho ta dạy việc.

Ân Hồng đang nằm dưỡng bệnh, trông cho mau mạnh để đánh báo cừu xảy nghe quân vào báo:

– Có một đạo nhân gọi Ðiện hạ ra nói chuyện.

Ân Hồng không ngờ thầy mình xuống núi, liền dẫn Tân Chương, Lưu Phủ nổi pháo kéo binh ra trận, thấy Xích Tinh Tử đứng trước mặt thất kinh bái một cái và nói:

– Xin thầy tha tội. Ðệ tử mặc giáp trong mình làm lễ không trọn.

Xích Tinh Tử nói:

– Ngươi đã thề nặng lời với ta trên động sao lại đánh Tây Kỳ? Hễ thề thì mắc, thắt thì rối, ta e xương thịt ngươi sẽ thành tro. Hãy xuống ngựa theo ta về Tây Kỳ chịu lỗi họa may gỡ được lời thề. Còn cãi lời ta họa đến tức thì ăn năn sao kịp.

Ân Hồng nói:

– Xin sư phụ bớt giận cho đệ tử thưa lại vài lời. Ðạo làm con xưa nay cứ lấy theo điều hiếu thảo thì dù cha có lỗi con cũng không nên hỏi tội cha, lẽ nào con lại theo giặc đánh lại cha mình. Dầu Tiên, Phật, Thánh, Thần cũng phải giữ lấy hiếu đạo nếu đạo làm người không tròn thì làm Tiên Thánh sao đặng? Không lẽ thầy dạy con giết cha đầu giặc sao?

Xích Tinh Tử cười lớn, nói:

– Trụ vương bạo ngược, không giữ can thường, giết hại tôi trung, đắm mê tửu sắc, nên trời dứt bỏ nhà Thương mới sanh Châu Võ lên ngôi sửa trị cho trăm họ yên lành. Nếu ngươi phò Châu thì còn nối nghiệp Thương một cõi, bằng cãi lời dạy e đứt họ Ân. Ta chắc Trụ vương quả tàn nhẫn nên di họa đến con cái, khiến con cái chết không được vuông tròn. Hãy mau mau xuống ngựa đặng thầy gỡ họa cho.

Ân Hồng nói:

– Xin thầy về núi tu hành. Con không muốn lỗi tình phụ tử, cũng không lỗi nghĩa thầy trò. Chừng nào con đẹp giặc Tây Kỳ xong sẽ về núi lạy thầy chịu tội.

Xích Tinh Tử nổi giận nói:

– Súc sanh. Dám cãi lệnh thầy buông lời vô lễ.

Nói rồi liền chém một gươm, Ân Hồng đưa kích ra đỡ, và thưa:

– Nỡ nào thầy vị tình Tử Nha mà giết đồ đệ?

Xích Tinh Tử nói:

– Võ Vương là chúa thánh ra đời, Tử Nha là tôi hiền trở mặt, lẽ nào ta dám nghịch thiên, binh vực một đứa học trò bạc nghĩa?

Ân Hồng nói:

– Tình nghĩa thầy trò rất trọng, nỡ nào thầy tuyệt tình. Nếu thầy không châm chế thì còn gì tình cha con, nghĩa sư đệ?

Xích Tinh Tử nổi giận mắng lớn:

– Nghịch đồ vong ân bội nghĩa, chớ nói nhiều lời.

Nói rồi chém một gươm nữa.

Ân Hồng cũng đưa kích ra đỡ và thưa:

– Sư phụ buộc đệ tử bỏ tình cha con, rồi lại buộc đệ tử lỗi tình sư đệ.

Xích Tinh Tử nổi giận chém một gươm nữa.

Ân Hồng nói:

– Con đã kính thầy ba lần mà thầy vẫn buộc con làm một đứa đệ tử bất nghĩa sao? Nếu thầy còn chém con một lần nữa tức thầy đã bắt con tuyệt tình đó.

Xích Tinh Tử nổi giận chém liền.

Ân Hồng đỡ ra và nói:

– Thầy đã coi tình phụ tử không ra gì thì con cũng coi tình thầy trò như cỏ rác. Thôi, con đành lỗi đạo vậy.

Nói rồi đánh Xích Tinh Tử một kích. Hai thày trò giao đấu với nhau một hồi.

Ân Hồng lấy kiếng phép ra, Xích Tinh Tử biết nằm trong thế gậy ông đập lưng ông, nên hóa hào quang bay mất.

Về đến tướng phủ, Xích Tinh Tử ta mắt Tử Nha.

Tử Nha hỏi:

– Công việc ra làm sao?

Xích Tinh Tử thuật hết mọi điều. Các đồ đệ đều không phục, chê Xích Tinh Tử giáo huấn không nghiêm, để cho đồ đệ lộng hành dám đánh thầy như vậy.

Xích Tinh Tử phần buồn bực, phần hổ thẹn, tìm chỗ nghỉ ngơi dưỡng tinh thần.

Còn Ân Hồng thấy thầy mình sợ kiếng phép bỏ chạy thì hiu hiu tự đắc trở lại và thương nghị với Tô Hộ quyết đem binh phá Tây Kỳ.

Giữa lúc đó lại có quân vào báo:

– Có một đạo sĩ đến ngoài dinh, xin vào ra mắt.

Ân Hồng truyền thỉnh vào dinh, thấy đạo sĩ ấy dị hình dị tướng, hai răng nanh mọc dài, miệng như hàm ếch, mặt tợ võ dưa, dùng xương người ta làm hột bề đeo trước cổ, lại lấy một chiếc sọ người làm xái bầu quảy tòn teng, tai mắt mũi họng hơi xông ra như một cái lò đang nấu khói.

Ân Hồng và các tướng thấy vậy đều kinh hải.

Ðạo sĩ ấy bước tới hỏi:

– Nhị Ðiện hạ là ông nào?

Ân Hồng nói:

– Tôi là Ân Hồng nhị điện. Chẳng hay thầy ở núi nào, đến đây có việc gì chỉ dạy?

Ðại sĩ nói:

– Ta là Nhất Trí Tiên, họ Mã, tên Nguyên ở núi Khô Lâu, động Bạch Cốt vì Thân Công Báo đến cầu khẩn nên ta phải đến đây giúp Ðiện hạ.

Ân Hồng mừng rỡ nói:

– Như vậy rất may mắn, chẳng hay đạo sư dùng chay hay mặn?

Mã Nguyên nói:

– Bần đạo dùng mặn đã quen.

Ân Hồng truyền dọn rượu thịt đãi đằng, và kể lại việc chinh chiến nơi Tây Kỳ.

Mã Nguyên nói:

– Bần đạo đã đến đây phải cùng Tử Nha giao đấu một trận.

Ân Hồng nói:

– Thế thì ngày mai Ðạo sư ra binh cũng được.

Rạng ngày Mã Nguyên đến dưới thành mời Tử Nha ra nói chuyện.

Quân vào báo:

– Ngoài thành có một đạo sĩ mời Thừa Tướng ra trận.

Số ta đã bị ba mươi sáu đạo binh đến đánh, thì dù có tránh né cũng chẳng khỏi. Liền dẫn binh tướng ra thành.

Tử Nha thấy hình dạng kỳ quái, tay cầm gươm linh, mình mặc đến đỏ, liền hỏi:

– Chẳng hay đạo nhân danh hiệu là gì?

Mã Nguyên nói:

– Ta là Nhất Tri Tiên, tên Mã Nguyên. Thân Công Báo đã nhờ ta xuống giúp quân hầu, đánh Tây Kỳ bắt Khương Thượng. Bởi các ngươi khoe tài Xiển giáo, khi dễ chúng ta nên ta phải đến đây so tài để rõ ai cao thấp?

Tử Nha nói:

– Thân Công Báo cừu oán với tôi, nên xúi Ân Hồng cải thầy nghịch thiên làm loạn. Ðạo nhân là người tu hành, nghe chi đứa tiểu nhân, giúp người lỗi đạo?

Mã Nguyên cười lớn, nói:

– Ân Hồng là con vua Trụ đem binh phạt Châu, nhà ngươi gọi là nghịch thiên? Nếu Ân Hồng đầu chúng bây, đánh chúa giết cha, chúng bây mới gọi là thuận sao? Các ngươi đòng tiếng là đệ tử cung Ngọc Hư, cao minh đạo đức, nay ta nghe lời nói không chúa không cha này thật chẳng phải kẻ hành đạo. Nay ta không giết các ngươi còn đợi chừng nào nữa?

Nói rồi nhảy chém một gươm, Tử Nha vung roi đánh lại.

Ðược vài ba hiệp, Tử Nha quăng roi Ðả Thần Tiên lên. Song Mã Nguyên không có tên trong bảng Phong Thần nên roi đánh không được.

Mã Nguyên đưa tay cấp lấy cây roi dắt vào lưng.

Tử Nha kinh hải, mặt biến sắc.

Giữa lúc đó có một tướng từ bên ngoài nhảy vào, đầu đội Kim khôi, mình mặc giáp sắt, lưng mang ngọc đái, cầm siêu đao nói lớn:

– Xin Thừa Tướng dừng tay, để tôi trị nó cho.

Tử Nha coi lại thì đó là quan vận lương bên Tầng châu, tên Mạnh hổ tướng quân Võ Vinh.

Võ Vinh giải lương đến, thấy ngoài thành đang giao đấu, nên xông vào trợ chiến với Tử Nha. Võ Vinh lại là một dũng tướng múa siêu đao như thần, Mã Nguyên không sao đánh lại, liền niệm chú lâm râm, tức thì cái sọ người mang sau lưng bỗng hiện ra một cánh tay thần, ngón nào ngón ấy to bằng quả bí, nắm cổ Võ Vinh xách lên cao vật xuống.

Mã Nguyên lướt tới một chân đạp lên đùi Võ Vinh một tay cầm đùi kia xé tét ra làm hai hai móc lấy trái tim cầm ăn ngon lành như ăn một cái bánh.

Lão vừa ăn vừa nói:

– Khương Thượng! Ta bắt được ngươi cũng làm như vậy. Nói cho ngươi biết mà giữ thân.

Ai nấy đều kinh khủng.

Thổ Hành Tôn hét lên:

– Mã Nguyên có ta đây ngươi đừng hành động dã man như vậy.

Nói rồi xách côn vào đánh.

Mã Nguyên thấy thằng lùn chạy tới, cười híp mắt nói:

– Mày làm cái trò gì vậy?

Thổ Hành Tôn nói:

– Ta quyết bắt ngươi trừ bạo.

Nói rồi vung gậy đập liền.

Mã Nguyên nổi giận đánh với Thổ Hành Tôn, nhưng Thổ Hành Tôn lanh lẹ lắm, lòn qua, chụp lại cầm gậy đập vào đít, vào lưng Mã Nguyên, làm cho Mã Nguyên đau quá, tức giận niệm chú lâm râm, chiếc sọ người hóa ra cánh tay thần, nắm đầu Thổ Hành Tôn vật xuống đất.

Chẳng ngờ Thổ Hành Tôn có phép địa hành, chân vừa chấm đất đã biến mất.

Mã Nguyên không thấy Thổ Hành Tôn đâu, tưởng tay thần vật mạnh quá Thổ Hành Tôn đã nát thây rồi.

Ðặng Thiền Ngọc đứng ngoài thấy chồng mình như vậy nóng lòng quăng ra một cục đá, trúng vào mặt Mã Nguyên đổ hào quang.

Mã Nguyên đưa tay phủi mặt, hét lên:

– Ðứa nào đánh lén ta như vậy?

Dương Tiển liền cầm giáo giục ngựa đến, đâm Mã Nguyên.

Mã Nguyên đỡ gạt một hồi rồi lại niệm chú lâm dâm, cái sọ người cũng hiện tay thần, nằm đầu Dương Tiển vật xuống.

Mã Nguyên vừa bị một viên đá của Thiền Ngọc, tức giận xé Dương Tiển, móc trái tim ăn. Ăn xong, Mã Nguyên nói với Tử Nha:

– Bữa nay ta no rồi, trái tim ngươi để dành bữa khác.

Nói rồi trở về dinh.

Ân Hồng ra rước vào dọn tiệc thết đãi.

Mã Nguyên và các tướng đều ăn mừng thắng trận.

Còn Tử Nha về thành rầu rĩ, than:

– Mã Nguyên dữ tợn, ăn sống người ta, thuở nay ta chưa từng thấy người tu hành nào như vậy? Chẳng biết Dương Tiển có phép chi thoát chết không?

Các tướng đều buồn bã không biết sự việc sẽ ra sao.

Bấy giờ Mã Nguyên uống rượu với Ân Hồng và các tướng cho đến canh hai. Bỗng Mã Nguyên cau mày, mồ hôi như tắm.

Ân Hồng hỏi:

– Hình như trong người đạo sư có việc gì đau đớn?

Mã Nguyên nói:

– Ta bị đau bụng.

Trịnh Luân nói:

– Chắc đạo sư vừa ăn thịt sống nên không tiêu. Hay uống rượu cho thật nhiều may ra khỏi bịnh.

Mã Nguyên truyền hâm rượu nóng, uống vào một hồi lại thấy đau thêm, ruột sôi như sấm.

Trịnh Luân nói:

– Hay là đạo sư chột bụng. Xin ra đằng sau trại cho tiện.

Mã Nguyên gượng gạo bước liểng xiểng ra sau dinh.

(Nguyên nhân vì Dương Tiển dùng phép huyền công, biến một viên thuốc xổ thành trái tim người, Mã Nguyên ăn vào mới bị đau bụng như vậy).

Mã Nguyên đi tả suốt ba ngày, chân tay rũ liệt, nằm dài thở hổn hển.

Còn Dương Tiển lúc ấy trở về thành, thuật chuyện với Tử Nha:

– Tôi gạt nó ăn nhằm thuốc xổ, đại tiện ba ngày chưa dứt. Nhắm chừng sáu bảy ngày nữa nó ra trận vẫn chưa nổi. Trong thời gian hoãn chiến, chúng ta sẽ tìm mưu.

Bỗng có Na Tra vào báo:

– Văn Thù quảng pháp Thiên tôn đến.

Tử Nha liền ra nghinh tiếp.

Văn Thù vào phủ chào Xích Tinh Tử và nói:

– Chúng ta chúc mừng Tử Nha gần đến kỳ đăng đàn bái tướng.

Tử Nha nói:

– Nay Ân Hồng cải lời thầy giúp Tô Hộ, lại có Mã Nguyên hung dữ còn đó, tôi không biết làm sao trừ cho được.

Văn Thù nói:

– Tôi đang lo việc Mã Nguyên đến đây quấy rối, làm trể ngày rằm tháng ba là ngày đăng đàn bái tướng nên phải vội đến đây.

Tử Nha mừng rỡ nói:

– Nếu được đạo huynh giúp sức trừ Mã Nguyên, thì còn lo gì nữa. Chẳng biết đạo huynh định liệu thế nào?

Văn Thù nói:

– Muốn bắt Mã Nguyên thì dùng kế mới được.

Nói rồi kề tai Tử Nha dặn nhỏ một hồi.

Tử Nha tuân lệnh truyền Dương Tiển làm theo kế ấy. Còn Tử Nha cũng sắp đặt sẳn sàn. Ðúng vào giờ Thân cỡi Tứ Bất Tướng đến ngoài dinh Thương thám thính, cốt làm cho binh Thương trông thấy.

Quả nhiên, binh Thương vào báo với Ân Hồng:

– Bẩm Ðiện hạ, có Tử Nha đi một mình đến dinh ta dòm ngó.

Ân Hồng vội hỏi Mã Nguyên.:

– Khương Thượng đến dinh ta thám thính chẳng biết có ý gì?

Mã Nguyên nói:

– Hôm trước ta lầm mưu Dương Tiển đến nổi bị kiệt sức, nay tuy chưa phục hồi, song cũng đủ sức bắt Tử Nha để rửa hận.

Nói rồi vội vàng ra khỏi trại, trông thấy Tử Nha đang đứng một mình, Mã Nguyên giận dữ hét lớn:

– Khương Thượng! Ngươi đã đến số rồi chạy đi đâu cho khỏi?

Mã Nguyên vung kiếm chém liền, Tử Nha cũng lướt đến. Ðánh được vài hiệp, Tử Nha trá bại Mã Nguyên đuổi theo.

Phong Thần Diễn Nghĩa

Phong Thần Diễn Nghĩa

Status: Completed Author:

“Phong Thần Diễn Nghĩa” thuộc thể loại truyện tiên hiệp là bộ tiểu thuyết lịch sử được siêu nhiên hóa màu sắc của Đạo Giáo (Xiển giáo và Triệt giáo).

Lấy cuộc chiến tranh phạt Trụ của Châu Võ Vương làm nền cho bối cảnh cốt truyện, nhưng những sự việc, tình tiết hoàn toàn là dã tưởng hoang đường. Truyện không những kích thích trí tưởng tượng của độc giả mà còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa mà tác giả muốn gửi đến người đọc theo phương pháp "ý tại ngôn ngoại"

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset