Hồi 67: Ðàn Kim Ðài, Tử Nha bái Tướng

Ðàn Kim Ðài, Tử Nha bái Tướng

Tử Nha thấy Hồng Cẩm bị trói từ trên sa xuống biết là Long Kiết công chúa đã bắt được đem về.

Chẳng bao lâu, Long Kiết công chúa vào phủ, Tử Nha đứng dậy thưa:

– Nhờ công chúa cứu độ, xã tắc và muôn dân đều mang ơn.

Long Kiết công chúa nói:

– Từ lúc tôi xuống Tây Kỳ đến nay chưa lập được công chi, nay bắt Hồng Cẩm về đó, tùy ý Thừa tướng xử trí.

Nói rồi vào phòng an nghỉ. Tử Nha truyền dẫn Hồng Cẩm đến và nói:

– Những tướng nghịch mạng như ngươi chẳng tướng nào trở về được.

Liền truyền Nam Cung Hoát đem ra pháp trường xử trảm.

Nam Cung Hoát vâng lệnh vừa dẫn ra, bỗng có một ông già vừa chạy đến thở hổn hển, la lớn:

– Hãy khoan chém đã.

Nam Cung Hoát thấy ông lão ấy dung mạo như một đạo sĩ, nên không dám trái lời, vội chạy vào phủ thưa với Tử Nha:

– Có một vị đạo nhân đến ngăn cản, không cho chém Hồng Cẩm, xin Thừa Tướng quyết định lẽ nào?

Tử Nha truyền mời đạo sĩ vào. Ðạo sĩ nói với Tử Nha:

– Tôi là Nguyệt Hiệp lão nhân Nguyệt lão đến đây vì Phù Nguyên tiên ông có nói Long Kiết công chúa và Hồng Cẩm trời định mối lương duyên và Thừa Tướng sẽ có thêm một tướng phá năm ải, vì vậy lão phu đến đây, xin Thừa Tướng chớ cãi lời.

Tử Nha nghĩ thầm:

– Long Kiết công chúa là một vị tiên cô trên thượng giới, lẽ nào sánh duyên với một kẻ phàm tục?

Nghĩ rồi truyền Ðặng Thiền Ngọc đến kể hết mọi điều, và dạy Ðặng Thiền Ngọc trao lời lại với Long Kiết công chúa, xem Long Kiết công chúa quyết định như thế nào.

Ðặng Thiền Ngọc tuân lệnh, mời công chúa qua phòng mình đàm đạo.

Long Kiết công chúa hỏi Ðặng Thiền Ngọc:

– Cô nương mời ta qua đây nói chuyện chi?

Ðặng Thiền Ngọc nói:

– Nay Nguyệt lão đến đây bảo Long Kiết công chúa có nhân duyên với Hồng Cẩm, vì tơ duyên đã buộc chân, Thừa Tướng và Nguyệt lão đang bàn luận trong trướng.

Long Kiết công chúa hỏi:

– Vì sao cô nương lại nói chuyện ấy với ta?

Ðặng Thiền Ngọc nói:

– Thừa Tướng cho đòi tôi đến, bảo tôi thưa lại với công chúa, xem ý kiến Long Kiết công chúa quyết định lẽ nào cho niết.

Long Kiết công chúa than:

– Vì ta phạm tội, bị đày xuống núi Phụng Hoàng không được về cung Diêu Trì hầu hạ mẹ ta là Vương mẫu. Nay xuống đây giúp Thừa Tướng chinh Ðông, lập công chuộc tội để sớm được về cõi tiên, không ngờ lại mắc dây oan nghiệt!

Ðặng Thiền Ngọc không dám nói nữa.

Bỗng có Tử Nha và Nguyệt lão bước tới, Long Kiết công chúa và Ðặng Thiền Ngọc ra chào.

Nguyệt lão nói:

– Bởi công chúa vương chút duyên trần nên phải đọa vào cảnh tục, nợ trần thế xong rồi thì mai sau cũng trở về tiên. Vả Tử Nha cũng gần bái tướng đăng đàn, vào lấy Ngũ quan, Long Kiết công chúa và Hồng Cẩm đều có sức giúp đỡ, lưu tiếng ngàn thu, cũng nên lập một chút công cho tiêu tội, mai sau Diêu Trì kim mẫu sẽ có chiếu chỉ rước về. Số trời định như vậy chẳng lẽ trái được. Bần đạo tuân lệnh Phù Nguyên tiên ông đến đây tác hợp, nếu trễ chút nữa, Hồng Cẩm bị chém đầu thì cuộc nhân duyên lỡ làng, chúng tôi mang tội và công chúa vẫn còn dai dẳng nợ hồng trần

Long Kiết công chúa nói:

– Không ngờ dây oan trái tìm đến vấn vương. Tiên ông là người coi việc nhân duyên trong thiên hạ, ta làm sao cãi được.

Nguyệt lão và Tử Nha mừng rỡ, liền tha Hồng Cẩm, đem thuốc tiên đơn xức các vết thương, định ngày phối ngẫu.

Hồng Cẩm được xe duyên cùng Long Kiết công chúa, còn gì sung sướng hơn, vội ra ngoài thành bảo Quý Khương đem binh đến hàng Châu.

Ðêm Hồng Cẩm và Long Kiết công chúa động phòng hoa chúc vào ngày mồng ba tháng ba, năm thứ hai mươi của niên hiệu vua Trụ.

Rạng ngày Võ Vương lâm triều, bá quan chầu chực, Tử Nha dâng biểu như sau:

“Tôi dâng sớ là Thừa tướng Khương Thượng, trộm nghe trời đất là cha mẹ muôn loài, con người khôn ngoan hơn vạn vật. Làm vua trị nước, làm thầy dạy dân, giúp Thượng Ðế trấn bốn phương, vỗ an trăm họ.

Nay Ân Thọ bỏ nghiệp Thành Thang, bá tánh không an, trời đất đều giận. Trụ Vương giết tôi can gián, bỏ đạo luân thường, xa kẻ trung lương, mê đường tửu sắc, cứ việc ăn chơi, sống trên đau khổ của trăm họ. Tám trăm chư hầu quyết hội nơi Mạnh Tân. Cầu chúa thượng kéo binh hùng qua Tị Thủy. Người vô đạo phải trị, dân bất hạnh cũng nên thương, xin chọn ngày tốt buông cương kẻo chư hầu hoài vọng.

Xin trên xuống lệnh để dưới thi hành.

Nay sớ.”

Võ Vương nghe xong, ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

– Thượng phụ kết tội Trụ vương vô đạo, bất nhân, cũng nên chinh phạt, song Tiên vương lúc chết có di ngôn: Làm con không được cãi cha, làm tôi không được đánh chúa. Ta không thể trái lời tiên vương được. Vậy chư hầu ai muốn phạt Trụ mặc họ, ta với Thượng phu cũng nên giữ lời di chúc cho tròn đạo là hơn.

Tử Nha tâu:

– Tôi không dám cãi lời Tiên vương di chúc, song hiện nay chư hầu đều họp mặt tại Mạnh Tân, quyết mời chúa công dấy binh phạt Trụ, cứu dân, nếu chư hầu nào chẳng nghe theo, chư hầu sẽ cho kẻ ấy là đồng đảng của vua Trụ, và họ sẽ đem binh chinh phạt nước nghịch trước rồi mới phạt hôn quân sau. Tôi e nước ta mắc tội với mấy trăm chư chư hầu, nên phải làm biểu xuất sư.

Võ Vương nói:

– Những chư hầu đòi phạt Trụ là những chư hầu nào?

Tử Nha tâu:

– Cả tám trăm chư hầu, trong đó có ba trấn chư hầu lớn như Ðông Bá hầu, Nam Bá hầu, Bắc Bá hầu.

Võ Vương nói:

– Ðã có ba chư hầu lớn ấy thì họ thay mặt ta chinh phạt Trụ cũng được rồi. Thượng phụ cần phải chinh phạt làm gì cho nhọc công, đã trái lời Tiên Vương, lại không tròn niềm thần tử. Ta xét thấy các chư hầu sẽ không hẹp hòi vấn tội ta đâu.

Tử Nha tâu:

– Trời đất là cha mẹ loài người. Nơi trần gian kẻ có đức, có tài được ủy nhiệm chăm dân, làm cha mẹ thiên hạ. Nay Trụ Vương độc ác, làm hại muôn dân, trời muốn đưa chúa công lên trị vì thiên hạ đem lại ấm no cho muôn dân. Nếu chúa công trái ý trời đất, không đổi loạn làm yên, chắc sau này tội ấy về chúa công gánh chịu.

Táng Nghi Sanh tâu:

– Thừa Tướng luận rất phải. Hiện nay các chư hàu họp mặt ở Mạnh Tân, truyền hịch phạt Trụ, nếu chúa công không tham dự tỏ ra chúa công khinh dễ chư hầu lắm. Như vậy e tám trăm chư hầu sẽ không phục và còn đổ lỗi cho chúa công giúp Trụ làm loạn, và đem binh đến chinh phạt Tây Kỳ thì chừng đó chúa công có ăn năn cũng không kịp. Vả lại Trụ Vương nghe lời sàm tấu đem binh phạt Tây Kỳ làm cho ta hao binh tổn tướng và nhiều phen suýt bỏ mạng. Nay thái bình một buổi, mai giặc giã ngàn ngày, biết chừng nào Trụ hết đánh Châu, và để cho muôn dân an cư lạc nghiệp. Theo ý hạ thần thì chúa công nên nghe theo lời Thừa Tướng mà đến Mạnh Tân họp chư hầu. Trước thị oai để cho Trụ Vương khiếp sợ cải thiện, sau không làm hạ nhuệ khí của muôn dân và tiếng tăm của Tiên vương. Xin chúa công xét lại cho, đừng để mất cơ hội.

Võ Vương ngồi suy nghĩ một lúc rồi gật đầu, nói:

– Quan đại phu bàn rất chí lý. Nhưng hôm nay muốn xuất quân phải dùng bao nhiêu nhân mã?

Táng Nghi Sanh tâu:

– Chúa công muốn kéo quân qua ngũ ải thì phải phong Thừa Tướng làm Ðại Nguyên soái, cấp cờ mao, ban búa việt, cai trị muôn binh như vậy mới đi được.

Võ Vương nói:

– Theo lời quan đại phu thì phải phong Tướng phụ là làm Ðại tướng quân đặng cầm quyền chinh phạt.

Táng Nghi Sanh tâu:

– Ngày xưa vua Huỳnh Ðế phong chức ấy cho Phong Hậu, có làm lễ bái tướng nhu có lập một cái đài cao để tế trời đất cùng non sông thánh thần. Xin chúa công làm theo đó.

Võ Vương nói:

– Mọi việc đều nhờ ở quan đại phu định đoạt giùm Trẫm.

Nói rồi truyền bãi chầu.

Táng Nghi Sanh liền đến dinh Tử Nha báo tin mừng. Các tướng nghe tin hoan hỉ vô cùng.

Rạng ngày Táng Nghi Sanh bàn với Tử Nha, sai Nam Cung Hoát và Tân Giáp qua Kỳ Sơn coi lập tướng đài. Hai tướng vâng lệnh ra Kỳ Sơn xem lập đài xong về báo lại với Tử Nha.

Táng Nghi Sanh nghe tin vào tâu với Võ Vương:

– Tướng đài đã lập xong, hạ thần định ngày rằm tháng ba chúa công bái tướng.

Võ Vương nói:

– Ðược, các khanh lo cho chu đáo để đến ngày bái tướng.

Ðến ngày mười ba tháng ba, Tử Nha sai Tân Giáp đi treo bảng điều lệ.

Bản điều lệ gồm có mười sáu khoản kể sau:

1. Nghe trống chẳng tới, nghe chiêng chẳng lui, dỡ cờ chẳng dậy, hạ cờ chẳng mọp. Ấy là lờn phép, phạm thì xử trảm.

2. Kêu tên chẳng dạ, hỏi tên không đứng dậy. Ấy là khí phép, phạm là xử trảm.

3. Ðêm canh nghe hiệu lệnh đẩu phải đánh tiếp theo. Nếu đến trái giờ, hoặc không đúng phép, làm cho việc tuần hàng bị trễ nãi, bắt được xử trảm.

4. Buông lời thù oán, chê bai chủ tướng, không nghe theo lời dạy, ấy là ngang ngạnh, bắt được xử trảm.

5. Cười reo giỡn cợt trước dân chúng, đánh lộn ngoài đường. Ấy là khinh phép, phạm thì xử trảm.

6. Khí giới không chịu chăm sóc, cung đứt quăng không thay, tên hết khôn sắm, gươm giáo bỏ mặc không mài, cờ rách không may. Lấy tiền công qũy đem về xài. Ấy là quân tham lam biếng nhác, bắt được xử trảm.

7. Ðặt lời ca diễu, đặt điều để gạt dân chúng, bày chuyện tà mị làm loạn lòng binh. Ấy là quân yếu, phạm xử trảm.

8. Thày lay sinh chuyện, xúi giục người làm bậy. Ấy là quân thầy lây bắt xử trảm.

9. Tới đâu hiếp dân tới đó, khuấy phá đàn bà con gái. Ấy là dâm ô, bắt xử trảm.

10. Ðứng rình bên rèm nghe trộm việc người khác, bắt được xử trảm.

11. Ðem cơ mưu mật lệnh mật báo cáo giặc biết, đó là đồ phản, bắt được xử trảm.

12. Có việc cần đến thì rút cổ co đầu không chịu phục tùng. Ðó là đồ nhát, phạm đến xử trảm.

13. Binh sĩ không hàng ngũ, la ó, đánh lộn làm ồn ào, đó là loạn quan, phạm xử trảm.

14. Không đau giả bịnh, giả bị thương để khỏi đi đánh giặc, giả chết để trốn đi. Ðó là quân gian, phạm thì xử trảm.

15. Phát lương không đều. Thuế má thì người ngoài thu nhiều người trong họ thu ít làm cho quân sĩ, dân chúng oán thán. Ðó là quân tệ, phạm là xử trảm.

16. Thám thính không rõ về báo không rành thấy ít nói nhiều thấy nhiều lại nói ít, giặc chưa tới thì nói giặc tới, tới sát đến nơi mà nói chưa tới. Ðó là quân xớn xác, phạm đến thì xử trảm.

Qua ngày thứ mười bốn tháng ba, Táng Nghi Sanh vào chầu thưa:

– Sáng ngày mai xin chúa công thỉnh Thừa Tướng lên đài đặng bái tướng.

Võ Vương hỏi:

– Bái tướng phải làm như thế nào?

Táng Nghi Sanh tâu:

– Xin chúa công cứ làm như Huỳnh Ðế bái tướng Phong Hậu thì được.

Võ Vương nói:

– Như thế thì tốt lắm.

Rạng ngày rằm tháng ba, Võ Vương đem bá quan đến ngoài trướng phủ. Xảy nghe lạc đổ ba lần, pháo nổ ba tiếng, cánh cửa từ từ mở ra, Táng Nghi Sanh từ trong bước ra hộ giá vào trong.

Trong lúc đó thì quân vào báo với Tử Nha:

– Bẩm Thừa tướng! Có Ðại vương đem xa giá đến thỉnh Thừa Tướng.

Tử Nha vội mặc áo bát quái rồi bước ra, Võ Vương bái và nói:

– Trẫm xin thỉnh Nguyên soái lên xe.

Tử Nha đáp lễ rồi theo Võ Vương ra ngoài cửa trướng phủ.

Ðến đây, Võ Vương lại bái Tử Nha lần nữa rồi truyền quân đỡ Tử Nha lên xe.

Táng Nghi Sanh đứng ở sau nói nhỏ với Võ Vương:

– Chúa công nhớ truyền quân đẩy xe đi ba vòng nhé.

Võ Vương gật đầu.

Người sau có làm bài thơ khen Tử Nha hiển vinh như sau:

Vua Võ chinh Ðông cậy tướng tài,

Tử Nha mày bạc rỡ cân đai

Ðầy trời phảng phớt mùi hương khói,

Rợp đất cờ treo phỉ chí trai

Bái tướng hiển vinh thêm tuổi hạc,

Cầm binh rạng rỡ khách mày ngài

Tám trăm năm lẻ gây từ đấy,

Trần thế anh hùng ai biết ai.

Tử Nha xem thấy cờ đỏ cắm ở hai hàng, từ cửa thành đến trướng đài suốt bảy mươi dặm trai gái già trẻ, đông nức kéo nhau đến xem.

Tử Nha đến Kỳ Sơn, thấy trên trướng đài có treo một câu đối.

Ba ngàn xã tắc về Châu chúa

Một mối sơn hà thuộc Võ Vương.

Võ Vương thấy đài cao ba trượng, rộng đến hai mươi bốn trượng, gồm có ba từng lầu. Từng thứ nhất, chính giữa có hai mươi lăm người mặc áo vàng, cầm phướng vàng, bên trong có hai lăm người mặc áo xanh, cầm phướng xanh. Bên Tây có hai lăm người mặc áo trắng, cầm phướng trắng. Bên Bắc có hai lăm người mặc áo đen, cầm phướng đen.

Từng thứ nhì có ba trăm sáu mươi người, mỗi người cầm một cây cờ đỏ.

Từng thứ ba có bảy mươi hai tướng mạnh, cầm gươm giáo đao chùy. Mỗi từng có bàn hương án và đồ lễ.

Táng Nghi Sanh liền thỉnh Võ Vương xuống kiệu rồi dặn Võ Vương đến mời Tử Nha xuống xe.

Võ Vương đến trước xe Tử Nha bái và thưa:

– Xin mời Nguyên soái đăng đàn.

Tử Nha lên đài.

Táng Nghi Sanh đóng vai trò lễ bộ, đọc bản văn cáo với thần linh năm non bốn biển, rằng:

“Hỡi ôi! Trời sanh muôn loài. Xưa Thành Thang mở vận, nay truyền ngôi đến Ân Thọ, khí số đã mỏi mòn.

Ân Thọ nghe lời vợ dữ, trợn khách khinh hiền, giết hại bá tánh tôi ngay, coi mạng người như cỏ rác.

Trời buồn đất thảm, trăm họ như rơi vào đống bùn nhơ, té trong lửa đỏ.

Nay Cơ Phát chuộng hiền lánh dữ, đem nhân đức mà hủy bỏ bạo tàn, cậy Tử Nha là anh hùng ra công giúp thế.

Cầu thần linh ngưỡng mộ, ra giúp phò trì. Non nước chứng tri nhờ ơn cổ võ.

Cúi xin nhận lễ”.

Khi Táng Nghi Sanh đọc bản văn tế xong, Châu Công Ðáng thỉnh Tử Nha lên tầng thứ hai, rồi cùng xướng lên một bài văn như sau:

“Năm thứ mười ba, tháng ba, ngày vọng, Tây Bá khiến Châu Công Ðáng cáo với Nhật Nguyệt, Tinh tú, Thần gió, Thần mưa và các vị Hoàng đế thuở xưa.

Hỡi ôi! Càn khôn che muôn vật, Nhật Nguyệt sáng muôn loài.

Nay Ân Thọ chẳng thờ Thượng đế thần tri, lại không tế tiên tông miếu:

Ham mê tửu sắc, không biết trọng tôi hiền, chỉ lo trang điểm lâu đài cho hoan lạc, lại chọn những tôi nịnh cho muôn dân điêu đứng.

Chẳng biết thương vợ con, đem hành hình thảm thiết. Thuế má thâu rất nặng làm cho muôn dân đói khổ.

Chẳng những thế lại còn hung hăng sai tướng đem binh phạt nơi này nơi khác gây cho dân cảnh màn trời chiếu đất, vợ xa chồng, cha lìa con, mẹ mất con.

Nay Cơ Phát động lòng, phong Tử Nha làm Nguyên soái, noi theo Y Doãn thay mình dẹp loạn để cứu muôn dân trong cảnh lầm than.

Cúi xin Thượng đế ban ơn mưa móc, bốn biển thanh bình, gương nhật nguyệt chói lòa bốn biển.

Cúi xin nhận lễ.”

Châu Công Ðáng đọc văn tế xong, rước Tử Nha lên lầu trên.

Mao Công Toại bước ra tay cầm vợt vàng, cờ trắng chúc:

– Từ nay Nguyên soái phải lấy hết mình ra giúp dân, vâng lệnh trời trừ bạo chúa và ban phước cho khắp dân chúng.

Tử Nha quỳ xuống lãnh búa việt cờ mao rồi trao cho tả hữu.

Quan lễ nói:

– Xin Nguyên soái quay mặt về hướng Bắc đặng lãnh ấn.

Tử Nha quỳ xuống xong, tức thì kèn trống trổi lên.

Triệu Công Thích đọc bài văn tế như sau:

“Năm thứ mười ba, tháng ba, Tây Bá Hầu khiến Triệu Công Thích cáo cùng Hoàng thiên, hậu thổ cùng Thần Kỳ.

Hỡi ôi!

Hễ người làm lành thì trời ban phước đức.

Nay Trụ Vương bất cần ông bà, không thèm cúng tế, không biết tu thân.

Khoét mắt chánh cung hoàng hậu, phanh thây quốc trượng tức là phạm tội cang thường, mổ bụng Hoàng thúc đặng chữa bệnh cho Ðắt Kỷ là diều bạo ngược.

Lại xuất kho tiêu xài những chuyện phung phí gây cho binh sĩ, dân chúng nhiều điều phiền toái.

Nay Trụ Vương lỗi đạo với dân, vô nghi với trên trước, nên Cơ Phát vâng lệnh thiên công, Khương Thượng đem hết tài mưu lược để giành lại sự ấm no cho dân chúng.

Vậy cúi xin Thượng đế giúp vận giải nạn cho dân, chỉ dạy đường đi nước bước.

Cúi xin Thượng đế chứng kiến”.

Triệu Công Thích đọc văn tế xong, ba từng đồng đốt sớ một lượt, Tử Nha đứng giữa, liền giống trống dựng cờ.

Tân Giáp bưng mâm sơn đỏ có mão kim khôi, hồng bào.

Kim Giáp dâng ngọc đái lên cho Nguyên soái.

Tử Nha đội mũ, mặc áo, nai nịt đàng hoàng, liền đứng giữa đài đợi dâng kim ấn.

Tân Giáp lại đem lên một cái giám, có móc ba món đồ là ba món báu vật của thiên tử dùng để hiệp với chư hầu:

Thứ nhất lịnh Thiên Tử kỳ.

Thứ nhì lịnh Thiên Tử ấn.

Thứ ba lịnh Thiên Tử kiếm.

Kế đó Tân Giáp cầm ấn, gươm dâng lên cho Tử Nha. Tử Nha cầm gươm ấn đưa lên ngang mày.

Táng Nghi Sanh nhắc Võ Vương bái tướng. Võ Vương làm lễ lạy hai lạy dưới đài.

Có bài thơ rằng:

Ấn vàng vuông vức lớn bằng đồng,

Chinh phạt thần kinh qủy cũng sầu.

Lữ Vọng từ nay làm chủ soái,

Giang san tay Trụ thuôc về Châu.

Võ Vương lạy rồi, Khương nguyên soái lấy cờ lịnh thiên tử trao cho Tân Giáp, truyền đem cờ ấy xuống thỉnh Võ Vương.

Tân Giáp vâng lệnh, cầm cờ xuống đài kêu lớn:

– Tôi vâng lệnh Nguyên soái thỉnh Võ Vương lên đài.

Võ Vương y lịnh.

Nguyên soái truyền Tân Giáp mở gươm và ấn ra, rồi thỉnh Võ Vương ngồi giữa, Tử Nha quỳ lạy tạ ơn, và tâu:

– Trị nước không bắt đầu từ bên ngoài, cầm binh không bắt đầu từ bên trong. Hai lòng thì khó thờ vua, nghi ngại thì khó đánh giặc. Tôi đã lãnh cờ mao búa việt nên phải ráng đền ơn tri ngộ chúa công.

Võ Vương nói:

– Thượng phu nay làm Nguyên soái chinh Ðông, còn ta chỉ đến Mạnh Tân hội chư hầu rồi trở về nước.

Tử Nha tạ ơn, Võ Vương xuống đài. Các tướng đều làm lễ ra mắt.

Tử Nha truyền lệnh rằng:

– Ba hôm nữa các tướng sẽ tựu tại diễn trường để nghe hiệu lệnh, còn hôm nay ta mắc tiếp rước bằng hữu, vì các vị tiên trưởng đến đưa ta.

Võ Vương và các tướng ở lại kim đài, còn Tử Nha đến Lư Bồng họp mặt các vị tiên.

Hai mươi vị tiên trưởng thấy Tử Nha đến, vỗ tay cười lớn:

– Tướng già mà oai nghi thay! Ăn mặc lại càng mạnh.

Tử Nha bái và thưa:

– Nhờ các vị tiên trưởng trợ giúp tôi mới được thế này.

Các vị tiên bàn rằng:

– Chờ giáo chủ đến đây chúng ta sẽ rót rượu tiễn hành mới phải.

Bỗng nghe tiếng hạc vang trời, mọi người biết Nguyên Thỉ thiên tôn giáng hạ, liền xuống khỏi Lư Bồng quỳ lạy nghinh tiếp.

Nguyên Thỉ lên ngồi giữa Lư Bồng, đệ tử đồng làm lễ.

Tử Nha quỳ lạy đợi lời chỉ dạy, Nguyên Thỉ nói:

– Khương Thượng! Công ngươi ở núi bốn mươi năm chứa nhiều âm đức, bây giờ làm thầy một bậc đế vương không phải chuyện nhỏ. Nhờ phước lâu dài, phạt Trụ có công, sau được vinh hoa phú quý, con cháu triền miên toại hưởng. Nay bần đạo tiễn hành ba chén rượu.

Nói rồi truyền Bạch Hạc đồng tử rót một chén trao cho Tử Nha và nói:

– Chén này khuyên ngươi có công phò chúa.

Tử Nha tiếp lấy chén rượu uống cạn.

Nguyên Thỉ truyền rót thêm chén nữa và nói:

– Chén này khuyên ngươi trị nước cho công minh.

Tử Nha cũng lãnh lấy và uống.

Nguyên Thỉ truyền rót chén thứ ba, rồi nói tiếp:

– Chén này khuyên ngươi sớm họp mặt chư hầu.

Thấy Tử Nha đã uống hết ba chén rượu mà chưa đứng dậy, Nguyên Thỉ hỏi:

– Ngươi còn muốn hỏi điều chi?

Tử Nha thưa:

– Nhờ ơn sư phụ dạy dỗ, đệ tử mới dám lãnh ấn chinh Ðông, song chẳng biết đường đi hung kiết lẽ nào, xin sư phụ chỉ dạy.

Nguyên Thỉ nói:

– Ngươi đừng ngại gì cả, hãy nhớ bài kệ này là đủ.

Nói rồi ngâm rằng:

Ải Giới Bài, Tru tiên lập trận,

Xuyên Vân sao khỏi gặp Ôn Hoàng

Giữ gìn Ðạt, Triệt, Quang, Tiên, Ðức,

Qua trận Vân tiêu thân mới an.

Tử Nha nghe xong tạ ơn:

– Ðệ tử không dám quên bài kệ.

Nguyên Thỉ nói:

– Thôi các ngươi ở lại mà đưa đón, ta trở về cung.

Nói rồi đằng vân lên không trung, các đệ tử đồng lạy đưa.

Tiếp đó Nam Cực tiên ông tới, mỗi ông tiên đồng rót ba chén rượu đưa Tử Nha lên đường. Tử Nha vị tình uống hết.

Còn các trò nhỏ thấy Tử Nha hỏi Nguyên Thỉ về số mệnh cũng bắt chước theo, hỏi thầy mình.

Kim Tra lạy Văn Thù thưa:

– Chẳng hay đệ tử đi chinh chiến hung kiết thế nào?

Văn Thù ngâm:

Ðã sẵn có công về tám cõi,

Lo chi không thoát khỏi năm thành.

Na Tra cũng lạy và hỏi Thái Ất:

– Chẳng hay đệ tử đi chinh chiến hung kiết thế nào?

Thái Ất ngâm:

Khi vào ???????? càng thêm phép,

Mới biết liên hoa lại hóa hình.

Mộc Tra cũng lạy thầy và hỏi như vậy, Phổ Hiền ngâm:

Gươm báu Ngô câu là phép mạnh,

Ðường trường quan ải dễ ai ngăn.

Vi Hộ cũng lạy thầy và hỏi như vậy, Ðạo Hạnh ngâm:

Dẫu bao nhiêu bạn tu hành kỹ,

Có một mình ngươi quả vị thành.

Lôi Chấn Tử cũng lạy thầy và hỏi như vậy, Vân Trung Tử ngâm:

Rõ ràng trái hạnh sanh hai cánh,

Bảo hộ nhà Châu đặng tám trăm.

Dương Tiễn cũng lạy thầy và hỏi như vậy. Ngọc Ðảnh chơn nhơn cười và nói:

– Ngươi khác người ta xa lắm.

Tập luyện huyền công ai sánh kịp,

Tung hoành thế giới bực nào hơn?

Lý Tịnh cũng lạy Nhiên Ðăng hỏi về số mạng, Nhiên Ðăng đáp:

– Ngươi lại khác người ta xa lắm.

Nói rồi ngâm rằng:

Thành luôn phần xác về tiên cảnh,

Hẳng những phần hồn đến Ngọc kinh.

Hoàng Thiên Hóa cũng lạy thầy hỏi như vậy. Ðạo Ðức chơn nhơn biết học trò mình chết non, nhưng chẳng nỡ nói, ngồi làm thinh một lúc, thầm nghĩ:

Nếu không nói cũng không tránh khỏi số trời. Liền ngâm rằng:

Tài giỏi thì xông tới,

Phép cao khá chạy ngay

Gà vàng không biết gáy,

Ong nghệ lại ưa bay

Một trận ghi công trọng,

Ngàn năm để tiếng hay

Nếu quen nghề tự phụ,

Ðâu chắc rủi cùng may?

Tuy Ðạo Ðức chơn nhơn căn dặn mặc dù, song Hoàng Thiên Hóa ỷ tài không lấy gì làm sợ.

Thổ Hành Tôn cũng lạy thầy hỏi như vậy. Cù Lưu Tôn biết học trò mình vào được ải, sau bị Trương Khuê giết đi, nên cũng ngâm một bài kệ rằng:

Ðịa hành phép ấy cũng là thông,

Song chớ gây hơn đặng lập công

Bắt được con heo liền cắn cổ,

Trước non thú dữ huyết rơi hồng.

Cù Lưu Tôn ngâm rồi, Thổ Hành Tôn lạy tạ.

Các tiên từ giã về non.

Khi ấy Tử Nha xuống Lư bồng, trở lại tướng đài mời Võ Vương về cung, còn các quan ai về dinh nấy.

Rạng ngày Tử Nha làm sớ vào tạ ơn vua, và tâu:

– Thần nhờ ơn Tiên vương đem về, chưa đền bồi mảy may. Nay cảm ơn đại vương bái tướng, tri ngộ mười phần, dầu thịt nát xương tan, phải đem thân làm trâu ngựa, tôi cũng quyềt không sờn lòng. Vậy xin dâng lá biểu này, xin chúa công thuận theo lòng trời, cho đẹp lòng thiên hạ.

Võ Vương nói:

– Ta đã trao quyền Nguyên soái cho Thượng phụ định đoạt việc binh lẽ nào dám cãi lời?

Nói rồi liền xem sớ. Trong sớ đại khái như sau:

“Ðại Châu năm thứ mười ba, tôi là Nguyên soái Khương Thượng từng nghe đạo thánh, hưng vong là máy tuần hoàn.

Nay Ân Thị chẳng noi Nghiêu, Thuấn vô đạo lỗi nghi, nên Tây Châu phải học theo Thang, Y cứu dân phạt Trụ. Chư hầu gần mở đại hội, chúa công phải thân chinh, làm cho bốn biển thái bình, muôn dân lạc nghiệp”.

Võ Vương xem sớ xong hỏi:

– Thượng phụ định ngày nào xuất binh?

Tử Nha tâu:

– Ðể thần tập binh xong, lựa ngày tốt sẽ tâu lại.

Võ Vương truyền tả hữu dọn yến tiệc đãi đằng.

Hôm sau, Tử Nha đến diễn trường điểm tướng, truyền Tân Giáp đòi Nam Cung Hoát, Võ Kiết, Na Tra, Hoàng Thiên Hóa bốn tướng đồng lên đài.

Khương Tử Nha nói:

– Binh ta sáu mươi vạn, nên phải phong bốn tướng đi tiên phong, chia ra làm tiền, hậu, tả, hữu. Các ngươi ai bắt thăm trúng nhiệm vụ nào thì lãnh ấn thi hành.

Bốn tướng vâng lệnh bốc thăm, Hoàng Thiên Hóa bắt trúng tiền đội tiên phong, Nam Cung Hoát làm tả tiên phong, Võ Kiết làm hữu tiên phong, Na Tra làm hậu đội.

Tử Nha ban ấn tiên phong cho bốn tướng, thưởng mỗi người ba chung rượu.

Bốn tướng tạ ơn.

Tử Nha đòi Dương Tiễn, Thổ Hành Tôn, Trịnh Luân cho ba người này làm chức đốc lương, cũng bắt thăm nhất, nhì, ba cho biết. Dương Tiễn bắt được số một, Thổ Hành Tôn số hai, Trịnh Luân số ba. Tử Nha thưởng mỗi người ba chén rượu.

Kế đó Tử Nha đem sổ bộ ra, kiểm tướng.

Các tướng Tây Kỳ hiện có như sau:

Hoàng Phi Hổ, Hoàng Phi Bưu, Hoàng Phi Báo, Hoàng Minh, Châu Kỷ, Long Hoàn, Ngô Khiêm, Hoàng Thiên Tước, Hoàng Thiên Lộc, Hoàng Thiên ường, Tân Miễn, Thái Ðiền, Hoàng Yên, Kỳ Công, Doãn Công.

Ngoài các tướng ấy còn có Tứ Hiền và Bát Tuấn.

Tứ hiền là Châu Công Tráng, Triệu Công Thích, Mao Công Toại, Tất Công Cao.

Bát tuấn là:

Bát Ðạt, Trọng Hối, Quý Tòa, Bá Hoát, Thục Dạ, Quý Hoa.

Bát tuấn gồm có tám người, nhưng đã mất hết hai nay chỉ còn sáu.

Còn các vị điện hạ con Văn Vương là:

Cơ Thúc Khiên, Cơ Thúc Khôn, Cơ Thúc Khương, Cơ Thúc Chánh, Cơ Thúc Khải, Cơ Thúc Ðảng, Cơ Thúc Nguyên, Cơ Thúc Trung, Cơ Thúc Liêm, Cơ Thúc Ðức, Cơ Thúc Mỹ, Cơ Thúc Kỳ, Cơ Thúc Thuận, Cơ Thúc Bình, Cơ Thúc Quảng, Cơ Thúc Trí, Cơ Thúc Dõng, Cơ Thúc Kỉnh, Cơ Thúc Sùng, Cơ Thúc An.

Cộng là hai mươi người có võ nghệ. Nguyên Văn Vương có chín mươi chín người con, tính thêm Lôi Chấn Tử là một trăm chẵn. Tuy vậy, chỉ có ba mươi sáu người, nay chỉ còn hai mươi vị.

Còn các tướng hàng đầu là:

Ðặng Cửu Công, Thái Loan, Ðặng Tú, Trịnh Thăng, Tô Diệm Hồng, Triều Ðiền, Triều Lôi, Hồng Cẩm, Quý Khương, Tô Hộ, Tô Toàn Trung, Triệu Bính, Tôn Tử Võ.

Có hai nữ tướng là Long Kiết công chúa, Ðặng Thiền Ngọc.

Tử Nha gọi tên các tướng đủ mặt rồi đòi Hoàng Phi Hổ, Ðặng Cửu Công, Hồng Cẩm lên đài, nói:

– Khí số Trụ Vương tuy đã kiệt, song tướng năm ải có tài, ta chẳng nên khinh địch, phải tập luyện binh cơ đồ trận cho tinh thông.

Nói rồi truyền Tân Giáp đem binh thư lên đài, truyền bá tướng theo cách thức tập luyện các trận sau:

1. Nhứt tự trường xà trận.

2. Nhị long xuất thủy trận.

3. Tam sơn nguyệt nhi trận.

4. Tứ môn đẩu để trận.

5. Ngũ hổ ba sơn trận.

6. Lục giáp mê hồn trận.

7. Thất túng thất cầm trận.

8. Bát quái âm dương tử mẫu trận.

9. Cửu công bác môn trận.

10. Thập đại minh vương trận.

Và hai trận bí hiểm là:

11. Thiên địa nhơn tam tài trận.

12. Bao la vạn tượng trận.

Tử Nha lại nói tiếp:

– Trong mười hai trận có sáu thao ta đã giảng nghĩa rõ ràng, ba vị tướng quân cứ theo đó tập quân tiến thối. Bắt đầu từ trận thứ nhứt đến trận thứ mười hai.

Ba tướng vâng lệnh xuống đài, truyền quân lập trận, từ trận trường xà đến trận Ngũ hổ hàng ngũ rất chỉnh tề, qua đến trận Lục giáp mê hồn trận binh ngũ lộn xộn.

Tử Nha đòi ba tướng lên đài dạy:

– Việc chinh Ðông không phải dễ, nếu hàng ngũ không chỉnh tề thì không thể nào thắng giặc nổi. Các tướng phải tập luận cho tinh mới được.

Ba tướng tuân lệnh xuống đài ngày đêm cố công luyện tập.

Còn Khương Tử Nha trở về trướng phủ.

Phong Thần Diễn Nghĩa

Phong Thần Diễn Nghĩa

Status: Completed Author:

“Phong Thần Diễn Nghĩa” thuộc thể loại truyện tiên hiệp là bộ tiểu thuyết lịch sử được siêu nhiên hóa màu sắc của Đạo Giáo (Xiển giáo và Triệt giáo).

Lấy cuộc chiến tranh phạt Trụ của Châu Võ Vương làm nền cho bối cảnh cốt truyện, nhưng những sự việc, tình tiết hoàn toàn là dã tưởng hoang đường. Truyện không những kích thích trí tưởng tượng của độc giả mà còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa mà tác giả muốn gửi đến người đọc theo phương pháp "ý tại ngôn ngoại"

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset