Hồi 75: Thổ Hành Tôn trộm thú Dư Nguyên

Thổ Hành Tôn trộm thú Dư Nguyên

Rạng ngày Dư Hóa dẫn binh ra khiêu chiến.

Quân vào báo lại. Tử Nha hỏi các tướng:

– Ai dám ra binh cự với Dư Hóa chăng?

Lôi Chấn Tử bước ra xin đi. Tử Nha nhận lời.

Lôi Chấn Tử ra trận thấy một tướng mặt vàng, râu đỏ liền hỏi:

– Ngươi có phải là Dư Hóa chăng?

Dư Hóa mắng lớn:

– Tặc tử ngươi không biết ta sao?

Lôi Chấn Tử vỗ cánh bay lên, cầm kim côn đánh xuống. Dư Hóa đỡ ra rồi đâm lại, hai bên hỗn đấu một hồi. Bởi Lôi Chấn Tử từ trên cao đánh xuống, còn Dư Hóa từ dưới đánh lên nên thất thế cự không lại.

Dư Hóa biết đánh lâu bất tiện, liền quăng đao hóa huyết lên trợ lực, đao ấy chém nhằm đôi cánh Lôi Chấn Tử, nhờ cánh ấy là do trái hạnh đào hóa ra, nên Lôi Chấn Tử chỉ bị thương chớ không chết, liền sa xuống đất bại tẩu về dinh.

Tử Nha thấy vậy lòng buồn bực, không biết mưu gì trừ Dư Hóa.

Hôm sau Dư Hóa lại dẫn binh đến khiêu chiến nữa, Tử Nha hay tin nói với các tướng vừa bị phi đao nằm mê chưa tỉnh, nếu sai tướng khác giao chinh tánh mạng chẳng còn.

Nói rồi ra lệnh treo miễn chiến bài đợi tính kế trừ địch.

Dư Hóa thấy trước dinh Châu treo miễn chiến bài, biết tướng Châu không còn ai dám ra nghinh chiến, cười ngất rồi kéo binh về thành.

Bấy giờ Dương Tiễn giải lương về đến, thấy cửa dinh treo miễn chiến bài thì lấy làm lạ, không biết sự việc ra sao nghĩ thầm:

– Ðăng đàn bái tướng từ hôm rằm tháng ba, nay gần đến tháng mười rồi mà chưa lấy xong ải Tỵ Thủy, lại còn treo miễn chiến bài là vì cớ gì?

Quân vào báo:

– Có Dương tướng quân giải lương về.

Tử Nha mừng rỡ truyền vào, Dương Tiễn ra mắt rồi thưa:

– Tôi đi kỳ này không trễ, vận lương đủ số.

Tử Nha buồn bã nói:

– Binh lương ta không thiếu chỉ thiếu người tài để trừ tướng địch.

Dương Tiễn hỏi:

– Hiện nay tướng nào ngăn cản?

Tử Nha nói:

– Dư Hóa có gươm phép vừa chém Na Tra và Lôi Chấn Tử bị thương nằm mê sau dinh, ngực chỉ thoi thóp, không biết lành dữ ra sao, ta phải treo miễn chiến bài, không dám cho ai đương cự.

Dương Tiễn nghe nói Na Tra và Lôi Chấn Tử bị thương liền ra sau dinh thăm viếng, rồi trở vào nói với Tử Nha:

– Ðệ tử chưa thấy gươm nào độc hại như vậy, xin sư thúc dẹp bỏ miễn chiến bài, để đệ tử ra binh xem thử loại đao phép gì thì mới tìm cách chữa trị được hai vị đạo huynh.

Tử Nha nói:

– Tướng quân bàn như vậy cũng phải. Việc cần kíp là lo chữa chạy cho Na Tra và Lôi Chấn Tử đã.

Còn đang bàn bạc thì có quân vào báo:

– Có một đạo đồng đến trước dinh, xin cho vào ra mắt.

Tử Nha truyền mời vào. Ðạo đồng bước vào thi lễ và nói:

– Tôi là đệ tử Thái Ất chơn nhơn, vâng lệnh thầy đến đây cõng Na Tra đem về núi lo chạy chữa.

Tử Nha liền dẫn đạo đồng ra sau dinh.

Kim Hà đồng tử thấy Na Tra nằm thiêm thiếp nước vàng rỉ ra cùng người, liền kê vai cõng đi.

Chỉ còn lại Lôi Chấn Tử, mắt nhắm nghiền, chỗ vết thương rỉ máu ra đen như mực, Dương Tiễn biết đó là loại thuốc có tẩm thuốc độc, cần có loại thuốc trừ độc mới giải được, nhưng không biết là thuốc gì.

Hôm sau Dư Hóa thấy dinh Châu gỡ bỏ miễn chiến bài, liền dẫn quân đến khiêu chiến.

Dương Tiễn liền giục ngựa ra khỏi dinh nạt lớn:

– Ngươi có phải là Dư Hóa không?

Dư Hóa đáp:

– Ta mới chém hai tướng Châu vang danh thiên hạ, ngươi ở đâu mới tới mà không biết? Ngươi tên họ là chi?

Dương Tiễn đáp:

– Ta là Dương Tiễn, đệ tử Khương Nguyên soái.

Nói rồi lướt tới chém Dư Hóa.

Dư Hóa đỡ ra đánh lại. Hai bên hỗn chiến độ hai mươi hiệp, Dư Hóa quăng đao Hóa huyết lên, hào quang chiếu xanh lòe, Dương Tiễn liền xuất hồn, đưa cánh tay cho đao phép chém một nhát rồi bỏ chạy về dinh.

Tử Nha thấy Dương Tiễn chạy về liền hỏi:

– Ngươi đánh với Dư Hóa như thế nào?

Dương Tiễn nói:

– Tôi thấy thần đao của Dư Hóa dữ quá nhờ có huyền công phép của thầy tôi truyền dạy nên xuất hồn ra ngoài cho nó chém một nhát để xem thử loại đao gì. Nay tay tôi đã có vết thương rồi xin sư thúc cho tôi về núi Ngọc Tuyền động Kim Hà hỏi thầy tôi thì rõ.

Tử Nha nhận lời, Dương Tiễn liền độn thổ ra đi.

Ngọc Ðảnh chơn nhơn thấy Dương Tiễn về động vào làm lễ liền hỏi:

– Dương Tiễn! Ngươi về đây có việc chi?

Dương Tiễn thưa:

– Ðệ tử phò sư thúc đến ải Tỵ Thủy bị Dư Hóa dùng cây dao thần chém Lôi Chấn Tử và Na Tra bị thương nặng không biết thuốc gì chữa được. Hai tướng ấy nói năng không được nằm run lẩy bẩy mình mẩy chảy nước vàng chỗ vết thương chảy máu đen, đệ tử ra trận nhờ phép huyền công của thầy truyền xuất hồn trước chịu một đao bên cánh tay tả nay đến đây nhờ thầy chỉ dạy.

Ngọc Ðảnh chơn nhơn bảo Dương Tiễn đưa cánh tay ra xem thử.

Sau khi xem xét kỷ vết thương, Ngọc Ðảnh chơn nhơn nói:

– Ấy là đao Hóa huyết người thường bị chém thì tiêu ra máu. Bởi Na Tra là cốt bông sen còn Lôi Chấn Tử hai cánh là hai trái hạnh đào nên tuy bị thương nặng mà chẳng hề gì.

Dương Tiễn nghe nói thất kinh hỏi:

– Bây giờ làm cách nào chữa trị cho hai tướng ấy?

Ngọc Ðảnh chơn nhơn nói:

– Loại thuốc ấy là thuốc độc chắc không ai luyện làm gì mà vết thương này nếu không dùng đúng thuốc đó thì không thể chữa lành.

Dương Tiễn nói:

– Nếu vậy tánh mạng Na Tra và Lôi Chấn Tử phải nguy rồi sao?

Ngọc Ðảnh chơn nhơn nói:

– Thế nào cũng phải tìm ra thuốc để chữa. Ta biết cây gươm Hóa huyết là của Nhất khí tiên Dư Nguyên ở núi Bồng Lai luyện trong lò thuốc độc hàng mấy trăm năm nay. Bởi vậy gươm ấy rất độc, phải có loại thuốc luyện độc mới chữa được.

Ngọc Ðảnh chơn nhơn ngồi làm thinh suy nghĩ một lát rồi nói với Dương Tiễn:

– Ta bày cho ngươi cách này có thể cứu được hai tướng song ngươi phải khôn ngoan và cẩn thận lắm mới được.

Dương Tiễn tuân lời.

Ngọc Ðảnh chơn nhơn kề tai nói nhỏ với Dương Tiễn một hồi, Dương Tiễn liền độn thổ qua núi Bồng Lai.

Ðến nơi Dương Tiễn dùng phép huyền công biến thành hình Dư Hóa vào động ra mắt Dư Nguyên.

Dư Nguyên thấy Dư Hóa liền hỏi:

– Ngươi về đây có việc gì?

Dư Hóa thưa:

– Ðệ tử nhờ đa phép, xuống ải Tỵ Thủy giúp sức Hàng tổng binh, Tử Nha dẫn quân phá ải, đệ tử ra trận ba lần. Lần trước Hóa huyết đao chém nhằm Na Tra, lần thứ nhì nhằm Lôi Chấn Tử, lần thứ ba bị Dương Tiễn chỉ một cái, đao Hóa huyết bay trở về chém nhằm cánh tay của đệ tử, vì vậy đệ tử vội vã trở về đây xin sư phụ cho thuốc cứu mạng.

Dư Nguyên nói:

– Khá khen cho Dương Tiễn thần thông quảng đại, chỉ đao hóa huyết bay trở về. Ðao ấy ta luyện trong lò thuốc độc trên mấy trăm năm, chưa hề có một ai trừ được. Nay thuốc ta còn dư, để cũng vô dụng, vậy ngươi lấy hết bầu thuốc đó đem về theo mà phòng thân.

Dư Hóa tạ ơn, lãnh bầu thuốc và hỏi:

– Sao thầy còn dư nhiều thuốc vậy?

Dư Nguyên nói:

– Ta còn định luyện đao ấy thêm vài trăm năm nữa mới hoàn tất, nên có dự trữ chín hoàn thuốc trong bầu ấy. Nay ngươi cần dùng đao phép, ta phải cho ngươi đó.

Dương Tiễn lạy tạ lui ra khỏi động.

Dư Nguyên ngồi một mình buồn bã nghĩ thầm:

– Dương Tiễn là học trò Ngọc Ðảnh chơn nhơn chỉ có Thất thập nhị huyền công, làm gì có phép thần thông mà chỉ gươm báu bay trở về? Hay là có duyên cớ gì chăng?

Nghĩ rồi đánh tay mới biết Dương Tiễn đã dùng huyền công giả làm Dư Hóa đến gạt mình lấy bầu thuốc.

Dư Nguyên nổi giận hét lên một tiếng, nói:

– Quân thất phu! Dám cả gan liều lĩnh.

Liền cỡi lạc đà mắt vàng đuổi theo Dương Tiễn để đoạt bầu thuốc lại.

Bấy giờ Dương Tiễn độn thổ đi một đỗi, nghe đàng sau có tiếng gió đuổi theo, biết Dư Nguyên đoán được việc mình, theo bắt lại. Liền vội vã trút bầu lấy một viên thuốc uống cho chắc ý, rồi đeo bầu thuốc vào lưng, thả con Hạo Thiên Khuyển ra chực hờ Dư Nguyên nhảy đến làm hỗn.

Dư Nguyên đuổi theo kịp, trông thấy Dương Tiễn thì giận lắm, xông vào nắm đầu, chẳng ngờ Dương Tiễn đã thả con chó thần chờ sẳn, Hạo Thiên Khuyển nhảy chồm lên, cắn vào bả vai Dư Nguyên một miếng rứt thịt, làm rách cả áo Bạch hạc.

Dư Nguyên thất kinh la lên một tiếng rồi trở về không dám đuổi theo Dương Tiễn nữa.

Dương Tiễn thấy Dư Nguyên bị chó cắn trở về mừng rỡ chạy thẳng về ải Tỵ Thủy, vào ra mắt Tử Nha thuật hết mọi việc.

Tử Nha khen:

– Dương tướng quân thật gan dạ và có công. Nếu không làm như vậy biết thuốc gì chữa thương cho hai tướng?

Liền truyền đem thuốc cho Lôi Chấn Tử uống, lại sai Mộc Tra đem một hoàn đến Kim Quang động chữa bệnh Na Tra nữa.

Rạng ngày Dương Tiễn khiêu chiến, Lôi Chấn Tử xin theo trả thù.

Quân vào báo, Dư Hóa lấy làm lạ lùng, cỡi thú ra thành thấy mặt Dương Tiễn hét:

– Lũ chuột này chưa chết hay sao mà còn ra đây?

Dương Tiễn cười lớn nói:

– Ngươi dùng đao Hóa huyết chém ta, may ta có luyện thần đơn, nếu không đã nguy tính mạng rồi.

Dư Hóa nghĩ thầm:

– Chỉ có loại thuốc độc của thầy ta mới trị được vết thương này, chúng nó làm sao có được thuốc ấy? Nếu trong đời cũng luyện được thì đao Hóa huyết còn quý gì nữa?

Nghĩ rồi giục ngựa đến hỗn chiến.

Hai đàng đánh nhau được ba mươi hiệp, Lôi Chấn Tử đứng ngoài chịu không nổi vỗ cánh bay lên hét lớn:

– Dư Hóa ngươi dùng đao tẩm thuốc độc chém ta, nếu ta không có sẵn thuốc để điều trị thì đã mất mạng rồi. Nay ta đánh ngươi một trận để trả thù.

Nói rồi vung thiết côn trợ chiến với Dương Tiễn.

Dư Hóa một mình phải cự với hai tướng lại bị Lôi Chấn Tử từ trên cao đánh xuống nên khó đỡ gạt.

Chẳng bao lâu, Lôi Chấn Tử vung gươm đánh nhằm đầu con thú của Dư Hóa cỡi, làm cho con thú té nhào.

Dư Hóa rơi xuống đất, bị Dương Tiễn chém một đao hồn bay lên đài phong thần.

Dương Tiễn cắt thủ cấp Dư Hóa thâu binh trở về ra mắt Tử Nha.

Tử Nha mừng rỡ bêu đầu Dư Hóa trước cửa dinh rồi làm tiệc ăn mừng.

Hàng Vinh nghe tin Dư Hóa tử trận mặt biến sắc, tay chân rã rời, phần xin binh cứu viện ở Triều Ca vẫn chưa thấy tin tức gì hết.

Giữa lúc đang bối rối, thì có tin báo:

– Có một đạo sĩ đến trước thành xin vào yết kiến.

Hàng Vinh cho thỉnh vào, thì thấy đạo sĩ ấy có cặp răng nanh rất dài, hình thù cao lớn, mặt xanh tóc đỏ, trông có vẻ dữ tợn.

Hàng Vinh thủ lễ và hỏi:

– Chẳng hay thầy ở núi nào, động nào đến đây dạy việc, xin cho mạt tướng biết?

Ðạo sĩ nói:

– Ta là Nhất khí tiên Dư Nguyên, ở núi Bồng Lai thầy của Dư Hóa, bởi Dương Tiễn khi ta giả Dư Hóa vào động gạt ta lấy tiên đơn về chữa bệnh, nên ta phải xuống đây bắt nó trừng trị.

Hàng Vinh nghe nói mừng rỡ vô cùng, liền hối quân dọn tiệc thiết đãi.

Rạng ngày Dư Nguyên cỡi lạc đà mắt thau đến kêu Tử Nha ra nói chuyện.

Tử Nha liền dẫn binh tướng ra khỏi dinh, Dư Nguyên kêu lớn:

– Khương Thượng hãy bảo Dương Tiễn ra đây cho ta vấn tội.

Tử Nha nói:

– Dương Tiễn đi vận lương không có mặt trong dinh. Ðạo huynh muốn nói gì tôi xin thay mặt.

Dư Nguyên nói:

– Ta đến đây có hai việc, trước là hỏi Dương Tiễn về tội ăn cắp, hai là trả thù việc Dương Tiễn giết học trò ta là Dư Hóa.

Tử Nha nói:

– Hai việc ấy đều do đạo huynh không biết xét khí số trời đất mà gây ra cả, sao lại oán Dương Tiễn? Ðạo huynh để học trò đem gươm báu xuống chém tướng nhà Châu, đó là trái lẽ trời, dĩ nhiên đạo huynh phải có trách nhiệm. Dương Tiễn lấy thuốc trị độc cũng vì đạo huynh để học trò làm bậy. Còn việc Dương Tiễn chém Dư Hóa đi phò kẻ dữ, đánh lại người nhân, số trời đã định Dư Hóa phải chết, sao lại cố thù Dương Tiễn?

Dư Nguyên nổi giận mắng:

– Chúng bay đi ăn cắp của, giết người, rồi mỗi đổ thừa cho thiên mệnh. Thật là lối bào chữa hồ đồ làm mê hoặc lòng người trái tai gai mắt. Nếu ta không giết ngươi thì thiên hạ còn loạn lạc mãi.

Nói rồi giục lạc đà mắt thau tới chém Tử Nha, Tử Nha đưa gươm ra đỡ, bên trái có Lý Tịnh, bên phải có Vi Hộ đồng trợ lực.

Dư Nguyên một mình đánh không lại, liền lấy Kim quang tỏa cao một thước ba tấc trong túi Càn khôn mà liệng Tử Nha, Tử Nha thấy hào quang dữ, liền lấy cờ Hạnh Huỳnh che thân. Cờ Hạnh Huỳnh hóa bông sen tua tủa, làm cho Kim quang tỏa không rớt xuống được.

Dư Nguyên thấy vậy liền thu phép ấy về quăng Lý Tịnh. Chẳng ngờ Tử Nha lẹ tay hơn, quăng Ðả Thần Tiên ra trước đánh Dư Nguyên, còn Lý Tịnh cũng lẹ tay đâm Dư Nguyên một kích sả đùi.

Dư Nguyên thất kinh, vỗ trên đầu lạc đà mắt thau một cái, bốn chân con thú sanh mây, chiếu hào quang bay mất.

Tử Nha thấy Dư Nguyên bị thương bại tẩu, liền kéo quân về trại.

Trong lúc hai bên giao đấu, Thổ Hành Tôn giải lương về đến, lén xem thắng bại, thấy Dư Nguyên cỡi con lạc đà bay rất nhanh, lòng ao ước:

– Nếu ta được con lạc đà này dùng để vận lương thì khỏe lắm.

Nghĩ rồi Thổ Hành Tôn vào ra mắt Tử Nha thật lại công việc vận lương.

Tử Nha khen Thổ Hành Tôn vận lương đúng kỳ hạn:

– Tướng quân có nhiều công lao khổ cực. Vậy hãy ra sau nghỉ ngơi.

Thổ Hành Tôn tạ ơn, vào phòng Ðặng Thiền Ngọc tâm tình.

Ðặng Thiền Ngọc thấy chồng về mừng rỡ kể lại việc Dư Hóa dùng đao Hóa huyết chém một lúc hai tướng, may nhờ Dương Tiễn lấy trôm được thuốc của Dư Nguyên mới chữa nổi.

Thổ Hành Tôn nghe vợ kể lại việc Dương Tiễn ăn trộm thuốc, thích chí vô cùng, nói với vợ:

– Ta thấy con lạc đà của Dư Nguyên bốn cẳng sinh mây, chiếu hào quang ngũ sắc, bay như chớp, chạy lẹ như tên, để đêm nay ta lén vào dinh bắt trộm con lạc đà ấy đem về cỡi đi vận lương thì tiện lắm.

Ðặng Thiền Ngọc nói:

– Quân pháp rất nghiêm, làm việc gì cũng phải bẩm với Nguyên soái đừng tự ý mà phạm tội.

Thổ Hành Tôn nói:

– Chuyện đi ăn trộm ai lại cho phép mà xin. Ta đi chơi chút về liền, không ai hay biết đâu mà sợ.

Nửa canh hai, dùng phép địa hành lén vào ải, thấy Dư Nguyên đang lim dim, hình như tham thiền, nên chưa dám làm hỗn, đứng núp ngoài hiên.

Còn Dư Nguyên cảm thấy trong người khác lạ, liền đánh tay xem, biết Thổ Hành Tôn đến ăn trộm lạc đà, bèn xuất hồn giả ngủ để rình bắt kẻ gian.

Chẳng bao lâu, Thổ Hành Tôn thấy Dư Nguyên ngáy ro ro, lòng mừng thầm thế nào cũng xong việc, liền lén đến chỗ cột con lạc đà, mở dây, leo lên lưng cỡi thử. Nhưng nghĩ thầm:

– Ta chưa từng cỡi thú, chưa quen lối điều khiển, nếu rủi ro, Dư Nguyên hay được đuổi bắt phải lội bộ chạy về bỏ con thú lại thì uổng lắm. Vả lại ta đã lén vào đây, trong lúc nó đang ngủ say, tiếc gì mà không kết liễu sinh mạng nó cho yên chuyện, để khỏi lo hậu họa.

Nghĩ rồi liền xuống lưng lạc đà, xách thiết côn lén vào đập trên đầu Dư Nguyên một cái nảy lửa. Những tưởng cái đập ấy ít ra Dư Nguyên cũng nát óc, ngờ đâu cái đầu Dư Nguyên chỉ văng lửa ra rồi trơ trơ như đá. Coi lại Dư Nguyên vẫn ngấy pho pho.

Thổ Hành Tôn lấy làm lạ, nghĩ thầm:

– Thằng này sao lại cứng đầu như thế? Có lã nó mình đồng da sắt chăng? Thôi thì cứ cỡi lạc đà về cho sớm kẻo Ðặng Thiền Ngọc ở nhà hồi hộp, đợi trông.

Nghĩ rồi ra trước hiên, leo lên lưng lạc đà, vỗ lên đầu nó một cái, lạc đà bốn cẳng sanh mây, bay tuốt lên cao.

Thổ Hành Tôn mừng lắm, song thấy lạc đà bay mãi mà không ra khỏi ải, lấy làm lạ nói:

– Bửu bối ngươi hãy ra khỏi ải cho mau.

Nói chưa dứt lời, lạc đà liền sa xuống đất, Thổ Hành Tôn toan nhảy xuống lưng, nhưng không kịp, bị Dư Nguyên nắm đầu xách bổng lên la lớn:

– Bắt được thằng ăn trộm rồi.

Binh tướng trong thành nghe la đều thức dậy, quân sĩ đốt đèn lên thấy Dư Nguyên đang xách đầu một thằng lùn giở hỏng đất.

Hàng Vinh nói:

– Thằng lùn ấy chạy đi đâu mà đạo trưởng xách mãi trên tay cho khổ vậy? Hãy để cho quân sĩ trói nó vào ngục, sáng sẽ hay.

Dư Nguyên nói:

– Quan Tổng binh không rõ chứ thằng này có phép địa hành giỏi phi thường, nếu bỏ nó xuống đất nó nhập thổ biến mất.

Hàng Vinh nói:

– Như vậy chẳng lẽ cứ xách hoài trên tay sao? Hay là đem chém quách cho rảnh.

Dư Nguyên nói:

– Tôi đã có cách trị nó. Nhờ quan Tổng binh vào phòng tôi lấy cái túi càn khôn đem ra đây, tôi bỏ nó vào đó rồi đốt cho thiêu xác mới trừ được hậu họa.

Hàng Vinh vâng lời lấy túi càn khôn đem ra, Dư Nguyên bỏ Thổ Hành Tôn vào túi ấy chờ sáng ngày đem đốt.

Bấy giờ Cù Lưu Tôn đang ngồi trong động, bỗng thấy Bạch Hạc đồng tử đến ra mắt và thưa:

– Tôi vâng lệnh giáo chủ đến tin đạo huynh hay, Thổ Hành Tôn lâm nạn tại ải Tỵ Thủy, đạo huynh phải mau mau xuống đó cứu mới kịp.

Cù Lưu Tôn tuân lệnh đi liền. Khi đến ải Tỵ Thủy thì trời đã mờ sáng, kịp lúc Dư Nguyên mang túi Càn khôn ra ngoài nổi lửa đốt.

Thổ Hành Tôn nằm trong túi la hoảng:

– Nóng chết tôi rồi! Nóng chết tôi rồi!

Cù Lưu Tôn ở trên mây nghe thấy tiếng kêu nóng lòng, hóa trận gió bay xuống, đớp lấy túi Càn khôn bay mất.

Dư Nguyên nghe gió liền đánh tay biết Cù Lưu Tôn đến cứu học trò nhưng cản lại không kịp, mắng lớn:

– Số đệ tử ngươi chưa chết. Ngươi đến cứu kịp thì thôi, sao không trả túi Càn khôn cho ta, lại lấy đi luôn. Cả thầy trò ngươi tham lam quá vậy.

Còn Thổ Hành Tôn đang bị lửa đốt nóng bức, bỗng nghe mát rượi, không hiểu lý do làm sao cả. Nằm trong túi, Thổ Hành Tôn lại có cảm giác như kẻ nào xách mình bay lên không trung vậy.

Khi Cù Lưu Tôn xách túi Càn khôn đến trước cửa dinh, gặp Nam Cung Hoát vội nói:

– Xin vào thưa với Nguyên soái có tôi vào xin ra mắt.

Nam Cung Hoát vào thưa lại.

Tử Nha truyền mời vào, Cù Lưu Tôn khệ nệ xách cái túi lớn đem bỏ trước phủ, Tử Nha không hiểu gì cả hỏi:

– Ðạo huynh xách vật gì nặng thế?

Cù Lưu Tôn nói:

– Thổ Hành Tôn bị nạn lửa thiêu, nên tôi phải đến giải cứu.

Tử Nha ngơ ngác:

– Thổ Hành Tôn vừa giải lương về hồi hôm, tôi cho phép nghỉ ngơi ở hậu dinh mà?

Cù Lưu Tôn mở túi Càn khôn, Thổ Hành Tôn lò mò chui ra, các tướng sĩ đều cười rộ lên, Tử Nha hỏi:

– Tại sao lại bị Dư Nguyên bỏ vào túi mà đốt?

Thổ Hành Tôn sợ hãi quỳ trước trướng khai rõ thật mọi việc, Tử Nha nổi giận mắng:

– Ngươi không kể đến quân pháp, dám tự ý làm vậy sao?

Nói rồi truyền quân dẫn ra ngoài xử trảm.

Cù Lưu Tôn nói:

– Thổ Hành Tôn bất tuân quân kỷ, tội chết đã đành, song lúc này Nguyên soái đang cần người xin dung cho nó để nó đoái công chuộc tội.

Tử Nha nói:

– Nếu không có đạo huynh xin tội cho nó thì tôi cứ chiếu theo quân luật, chẳng vị tình.

Nói rồi truyền tha Thổ Hành Tôn khỏi chết chém.

Thổ Hành Tôn lạy tạ Cù Lưu Tôn và Tử Nha, rồi thẹn thùng ra sau dinh mếu máo, nói với Ðặng Thiền Ngọc:

– Ta không nghe lời phu nhân đi ăn trộm không xong lại bị chúng đốt, may sư phụ ta đến kịp cứu, không thì bỏ mạng rồi. Sư phụ ta lại xin tội ta trước mặt Nguyên soái nữa.

Ðặng Thiền Ngọc nói:

– Tướng công không chịu nghe lời tôi, suốt đời cứ bướng bỉnh mãi.

Ðêm ấy nơi dinh Thương tướng sĩ canh phòng cẩn mật, suốt đêm không ngủ, ai cũng sợ Dư Nguyên lập kế cướp dinh.

Nhưng không, Dư Nguyên bị vụ Thổ Hành Tôn đến ăn trộm, mãi đến trưa mới dám đem binh khiêu chiến.

Dư Nguyên kêu đích danh Cù Lưu Tôn ra trận.

Quân vào báo, Cù Lưu Tôn nói với Tử Nha:

– Nó gọi tên tôi ra để đòi cái đãy như ý đấy. Tôi chẳng thèm ra làm gì cho lôi thôi sanh sự, Nguyên soái cứ làm theo kế này của tôi thì bắt được nó.

Tử Nha tuân lệnh dẫn binh tướng ra dinh kêu Dư Nguyên nói lớn:

– Dư Nguyên, ngươi không biết thời vận, ta e tránh không khỏi số trời.

Dư Nguyên nói:

– Hãy bảo thầy trò thằng ăn trộm ra đây cho ta bảo.

Tử Nha nói:

– Ngươi bắt Thổ Hành Tôn bỏ vào túi mà đốt, ngươi phải đền bằng mạng sống của ngươi chớ cái túi Càn khôn như ý kia có ý nghĩa gì mà ngươi tiếc?

Dư Nguyên hằn học:

– Chúng bay ỷ mình là học trò cung Ngọc Hư thần thông quảng đại, thanh tĩnh vô vi. Nhưng trước mắt ta, ta thấy toàn là những quân trộm cướp. Dương Tiễn đến động ta lấy trộm thuốc, Thổ Hành Tôn vào ải trộm lạc đà, Cù Lưu Tôn cướp giật túi Càn khôn, bao nhiêu hành động đó chúng bay còn cho mình là chánh đạo nữa không.

Tử Nha nói:

– Ðó không phải là trộm cướp mà là đoạt lấy vũ khí của những kẻ bất lương, để những kẻ ấy không làm bậy.

Dư Nguyên nồi giận mắng:

– Ngươi là đứa già mồm sanh sự, tìm lời mê hoặc dân chúng.

Nói rồi lướt tới chém Tử Nha.

Tử Nha đưa gươm ra đỡ.

Hai người đánh nhau vài mươi hiệp, Cù Lưu Tôn núp trong quân, quăng dây Khổn Tiên trói Dư Nguyên sai Huỳnh Cân lực sĩ xách bỏ trước dinh, còn con lạc đà mắt thau của Dư Nguyên không chủ, bỏ chạy vào thành.

Cù Lưu Tôn truyền quân dẫn Dư Nguyên đến, Dư Nguyên trợn mắt mắng:

– Thằng ăn cướp, nếu không trả túi Càn khôn cho ta, ta quyết bằm thây ra từng mảnh.

Cù Lưu Tôn nói:

– Ngươi đã bị ta bắt còn hăm dọa gì nữa?

Tử Nha truyền dẫn Dư Nguyên ra ngoài hạ sát.

Lý Tịnh tuân lệnh đem Dư Nguyên đến trước cửa dinh khai đao, chẳng ngờ chém một nhát nghe một tiếng “Cảng”, đầu của Dư Nguyên vẫn như không, mà luỡi gươm mẻ một miếng lớn bằng hai ngón tay.

Lý Tịnh kinh hãi vào thưa lại với Tử Nha:

– Dư Nguyên có tài thật, chém không rụng đầu mà gươm mẻ một miếng.

Tử Nha bước ra xem rồi sai Vi Hộ đánh.

Vi Hộ tuân lệnh, lấy gián ma xử đánh vào đầu Dư Nguyên một nhát thì lửa bắn tung tóe, kế đó lại nghe Dư Nguyên ngâm một bài thơ rằng:

Từ thuở Thiên Hoàng sống đến nay,

Cái công tu luyện rất cao dày

Ðầu vàng đầu ngọc va không bể,

Mình sắt mình vàng rúng chẳng lay

Học đạo Bích Du nhiều kẻ nể,

Theo miền Triệt giáo mấy ai tày

Bao nhiêu khí giới cho bây thử,

Mới biết lời ta thiệt nói ngay.

Tử Nha nghe ngâm, tức giận mặt đỏ phừng phừng, trợn mắt nhìn Dư Nguyên, Cù Lưu Tôn bước đến nói:

– Cách này giết nó không được, vậy ta hãy đóng một cái cũi sắt, bỏ Dư Nguyên vào đó đem ném xuống biển Bắc là xong.

Tử Nha y lời truyền quân đóng củi sắt, bỏ Dư Nguyên vào đó.

Cù Lưu Tôn liền sai Huỳnh Cân lực sĩ đem quăng cuống biển Bắc tức thì.

Dư Nguyên bị bỏ xuống biển may nhờ củi sắt có lỗ hổng nên mới độn thổ về cung Bích Du. Nhưng ngặt vì dây Khổn tiên không sao mở được nên đi rất chậm và khổ sở.

Dư Nguyên độn thổ vừa đi đến núi Tử Chi xảy nghe một đạo đồng ca nghêu ngao rằng:

Nước bích non xanh rất phỉ tình,

Thảnh thơi ngồi dựa đọc huỳnh đình

Trường xanh bất lão vui mùi đạo,

Phú quý công danh chẳng buộc ràng.

Dư Nguyên liền ngó đầu lên kêu lớn:

– Xin sư huynh làm ơn cứu mạng.

Thủy Hỏa đồng tử quay lại thì thấy một người đạo sĩ mặt xanh, tóc đỏ, miệng rộng, mắt lồi, nanh bạc, mình mảy tay chân bị trói, liền hỏi:

– Ngươi là ai? Vì sao bị nạn?

Dư Nguyên nói:

– Tôi là Nhứt khí tiên Dư Nguyên học trò của Kim Linh thánh mẫu, nay bị Tử Nha trói thòng tôi xuống biển Bắc, nhờ phép độn thủy tôi mới về được nơi đây, xin đạo huynh thưa lại giùm với thầy tôi một chút.

Thủy Hỏa đồng tử vào thưa với Kim Linh thánh mẫu.

Kim Linh thánh mẫu nổi giận đến núi Tử Chi thấy Dư Nguyên như vậy tức tối vô cùng, bèn trở về ra mắt Thông Thiên giáo chủ, thưa:

– Lâu nay tiếng đồn học trò cung Ngọc Hư khi dễ Triệt giáo, thật quả không sai. Nay Dư Nguyên không tội mà Khương Thượng với Cù Lưu Tôn dùng dây Khổn Tiên trói bỏ xuống biển Bắc. May nhờ nó biết độn thủy mới về được nơi đây. Xin tôn sư từ bi cứu thể diện đệ tử.

Thông Thiên giáo chủ cho vào.

Các đệ tử Bích Du cung trông thấy Dư Nguyên ai cũng động lòng thương nói:

– Thật học trò Xiển giáo khinh bỉ chúng ta thái quá.

Thông Thiên giáo chủ trông thấy cũng động lòng, liền họa một lá bùa dán lên mình Dư Nguyên, tức thì dây Khổn Tiên bay mất.

Thông Thiên giáo chủ lấy một vật trao cho Dư Nguyên và nói:

– Ngươi đem phép này bắt Cù Lưu Tôn về đây cho ta hành tội, không nên hại mạng của nó nghe chưa.

Dư Nguyên vâng lịnh lạy tạ rồi ra đi cầm Xuyên Tâm Tỏa độn thổ đến ải Tỵ Thủy.

Quân trên thành trông thấy vào báo:

– Có Dư Nguyên trở lại.

Hàng Vinh mừng rỡ rước vào hỏi:

– Nghe nói đạo trưởng bị sa cơ, chúng bắt dẫn về tôi ăn ngủ không yên, nay thấy đạo trưởng về đây, tôi mới hết lo sợ.

Dư Nguyên nói:

– Khương Thượng bỏ ta vào củi sắt thòng xuống biển Bắc cho ta thấy ngộp, ta độn thủy về cung Bích Du mượn phép báu của thầy ta xuống đây chắc trận này thế nào cũng bắt được hắn. Hãy đem lạc đà cho ta cỡi đặng ta đi báo thù.

Hàng Vinh truyền dắt lạc đà tới, Dư Nguyên thẳng tới dinh Châu kêu Cù Lưu Tôn ra nói chuyện.

Quân vào báo:

– Có Dư Nguyên trở lại khiêu chiến kêu tên Cù Lưu Tôn lão gia.

Tử Nha nghe nói thất kinh hỏi Cù Lưu Tôn:

– Vì cớ gì nó trốn được?

Cù Lưu Tôn nói:

– Chắc là Dư Nguyên độn thủy về động, được Thông Thiên giáo chủ giải cứu, nên dây Khổn Tiên mới tự nhiên bay trở về. Tuy vậy chẳng can chi mà sợ, Nguyên soái ra trận đánh cầm chừng để tôi trói nó lần nữa rồi sẽ liệu cách xử trí. Chứ tôi ra trận nó quăng phép báu thì khó lòng.

Tử Nha y lịnh dẫn binh ra cự chiến.

Dư Nguyên nói:

– Tử Nha, sao ngươi không để Cù Lưu Tôn ra đây cho ta dạy việc.

Tử Nha không đáp xông vào hỗn chiến.

Lúc đó Cù Lưu Tôn núp trong quân lén quăng dây Khổn Tiên lên, bắt Dư Nguyên như cũ.

Dư Nguyên chưa kịp quăng Xuyên Tâm Tỏa thì đã bị dây Khổn Tiên trói rồi. Thật là kẻ nào lẹ tay hơn thì được. Vả lại Cù Lưu Tôn núp trong quân đánh lén, làm sao Dư Nguyên đề phòng kịp.

Tử Nha thấy Dư Nguyên bị trói, liền trở về dinh, bàn với Cù Lưu Tôn:

– Nếu dùng ngũ hành giết Dư Nguyên thì không được, còn nếu để nó xẩy thêm một lần nữa thì sinh chuyện thị phi.

Hai người bàn tính một hồi, không biết cách nào giết Dư Nguyên cho được.

Bỗng có quân vào báo:

– Lục Yểm đạo nhân xin ra mắt.

Tử Nha mừng rỡ rước vào.

Dư Nguyên thấy Lục Yểm bước vào mặt mày thất sắc, ăn năn đã muộn, liền năn nỉ:

– Xin Lục đạo huynh lấy lòng từ bi, kẻo uổng công tôi tu luyện được một ngàn năm. Từ nay tôi biết lỗi. Chẳng dám phạm đến dinh Châu nữa.

Lục Yểm nói:

– Ngươi nghịch thiên sanh sự, chạy sao khỏi số trời. Tên ngươi đã đứng bảng phong thần, muốn thành tiên sao được. Ta thế trời mà trị tội, ngươi hãy nghe bài thơ này:

Tu hành không ở chốn non cao,

Trong chỗ lửa binh lại bước vào

Phép giỏi tài hay sao khỏi số?

Từ nay đã đến trốn phương nao.

Lục Yểm truyền dọn bàn hương án, thắp nhang lạy về núi Côn Lôn, rồi giở nút bình phi đao ra, trong bầu chiếu một sợi hào quang, trên ngọn hào quang ấu hiện ra một vật, coi lại là cây gươm có hai cánh, và có cặp mắt như mắt chim, bề dài độ chừng bảy tấc năm phân.

Lục Yểm nói:

– Bửu bối hãy bay lượn đi.

Tức thì phi đao lượn lại trên cao độ ba bốn bận.

Có bài thơ rằng:

Thanh gươm Lục Yểm báu vô cùng,

Có cánh như chim cũng lạ lùng

Bay lượn trên cao đầu tướng rụng,

Trừ yêu chém quái rất thung dung.

Tử Nha thấy Dư Nguyên rụng đầu muốn truyền đem bêu đầu ngoài cửa làm lịnh.

Lục Yểm can:

– Không nên! Dư Nguyên là một vị thần tiên, chớ nên vô lễ, phải chôn cất cho ấm thân.

Tử Nha truyền đem chôn cất tử tế, Cù Lưu Tôn và Lục Yểm đồng từ giã về động.

Hàng Vinh nghe tin Dư Nguyên chết, liền thương nghị với các tướng:

– Nay đạo trưởng đã chết, trong thành hết tướng giỏi, làm sao lại với Tử Nha. Hai ải kia mất, ải Tỵ Thủy lại không có viện binh, ta muốn nạp thành cho Võ Vương để trăm họ khỏi khổ sở. Nhưng làm như vậy ta không đành.

Các tướng nói:

– Chủ tướng đã không nỡ phụ Thành Thang thì nỡ nào dâng ải. Chi bằng treo ấn lạy về triều đình rồi bỏ thành đi cho trọn tình trung nghĩa.

Hàng Vinh thấy cũng phải, truyền các tướng gói đồ đạc chở lên xe, tính bỏ trốn.

Bấy giờ hai người con trai của Hàng Vinh là Hàng Thăng và Hàng Biên đang tập trận ngoài vườn hoa, có ý muốn cự với Khương Thượng bỗng thấy quan quân dọn đồ đạc, liền hỏi nguyên do.

Các tướng thuật chuyện lại, hai anh em đồng la lớn:

– Không nên làm như vậy.

Phong Thần Diễn Nghĩa

Phong Thần Diễn Nghĩa

Status: Completed Author:

“Phong Thần Diễn Nghĩa” thuộc thể loại truyện tiên hiệp là bộ tiểu thuyết lịch sử được siêu nhiên hóa màu sắc của Đạo Giáo (Xiển giáo và Triệt giáo).

Lấy cuộc chiến tranh phạt Trụ của Châu Võ Vương làm nền cho bối cảnh cốt truyện, nhưng những sự việc, tình tiết hoàn toàn là dã tưởng hoang đường. Truyện không những kích thích trí tưởng tượng của độc giả mà còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa mà tác giả muốn gửi đến người đọc theo phương pháp "ý tại ngôn ngoại"

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset