Hồi 76: Trịnh Luân bắt Tướng thâu Tỵ Thủy

Trịnh Luân bắt Tướng thâu Tỵ Thủy

Lúc này Hàng Vinh đang ở sau dinh coi quân thâu dọn đồ đạc, Hàng Thăng và Hàng Biên bước vào hỏi cha:

– Chẳng hay phụ thân dọn đồ đi đâu?

Hàng Vinh nói:

– Hai con còn nhỏ, không biết gì mà hỏi. Hãy mau áp lại dọn đồ mà chạy giặc.

– Cha nói thật khó hiểu. Nếu thiên hạ nghe được chuyện này thì danh tiếng của cha còn gì nữa. Cha hiện quyền cao chức trọng đeo ấn mang gươm, vợ hưởng con nhờ, tướng hầu quân lạy. Hơn nữa làm một ông tướng không phải tầm thường. Thiên Tử tin cậy cha một tôi lương đống nên mới giao giữ ải địa đầu. Nay giặc mới tới, cha lại tham sanh quý tử, không trọn cùng vua thì còn gì cái tiếng “đấng trượng phu” bấy lâu nay thiên hạ ai cũng đều kêu. Lời xưa lại có câu: “Ở Triều Ca thì chết tại Triều Ca, còn trấn ải phải thác nơi ải”. Sao cha nỡ làm như vậy? Anh em con nhờ cha chỉ dạy kiếm cung, lại gặp tiên quyền phép báu, mấy bữa rày quyết tập trận cho tinh đặng dẹp giặc, không dè cha lại dọn đồ chạy giặc. Thôi, nếu cha chạy thì chạy đi, anh em con quyết ra một trận sống còn với giặc. Nếu có chết cũng không ân hận.

Hàng Vinh nghe con nói, than:

– Hà dễ cha không biết hai chữ trung nghĩa hay sao? Song ngặt vì Thiên Tử hôn mê vô đạo, đắm say tửu sắc, bỏ việc nước bê bối khiến cho trăm họ lầm than nên thượng đế khiến xã tắc nhà Thương về Châu. Nếu trời đã định như vậy thì chúng ta có cự chỉ làm hao binh tổn tướng mà thôi, chẳng lợi gì đâu. Chi bằng bỏ thành lên núi mai danh ẩn tích để cứu dân trong thành khỏi cảnh chết chóc là hơn. Hơn nữa binh tướng Tử Nha mạnh như rồng, oai của Cơ Phát vang lừng tợ sấm chớp, đến như Dư Nguyên còn phải bỏ mạng, huống chi binh trần tướng tục thì làm gì chống nổi. Hai anh em con có lòng trung nghĩa như vậy cha mừng lắm. Nhưng cha chỉ sợ hai con vẽ cọp không xong, khi ấy ngã ngữa ra thì khó mà bào chữa.

Hàng Thăng tức giận đỏ mặt cúi đầu thưa:

– Sao cha lại nói như vậy? Ðã ăn lộc chúa thì phải gánh nạn dân. Nếu ải nào cũng tính như cha thì Triều Ca dụng Tổng binh uổng của lắm. Con nguyện ra trận sống chết với Tử Nha. Xin cha đợi đây coi phép của anh em con hay dở thế nào cho biết.

Hàng Vinh tuy nói thế, song trong bụng mừng khấp khởi vì có được hai đứa con trung trinh tiết nghĩa.

Hàng Thăng vội vã vào thơ phòng, lấy một cái xe bằng giấy, chính giữa có bốn cây phướng đề: “Ðịa thủy hỏa phong” chung quanh đều có bùa ấn, gọi là Vạn nhân xa thổi gió lồng vào tự nhiên chạy đến trước mặt Hàng Vinh.

Hàng Vinh trông thấy vỗ tay cười lớn nói:

– Ấy là đồ chơi của con nít ngươi đem ra đây làm gì?

Hàng Thăng thưa:

– Cha chưa rõ phép mầu nhiệm của xe này mới khinh dễ nó. Ðể con làm cho cha xem.

Hàng Thăng nói xong đẩy xe đến giáo trường.

Hàng Vinh nghe con nói nửa tin nửa nghi nên cũng bước theo hai con đến giáo trường xem thử. Xảy thấy hai con đẩy xe để giữa giáo trường, rồi cỡi ngựa cầm gươm, bỏ tóc xõa xuống, miệng lâm râm niệm thần chú. Tức thì mây bay ngùn ngụt, lửa cháy dậy trời, gió thổi ào ào, gươm bay chật đất, làm cho Hàng Vinh thất kinh hồn vía, mặt tái nhợt.

Anh em Hàng Thăng thấy cha thất kinh, vội thâu phép về.

Hàng Vinh hỏi:

– Ai truyền phép ấy cho con vậy?

Hàng Thăng thưa:

– Năm trước cha đi chầu thiên tử, anh em con ở nhà thì có một ông đến xin cơm, anh em con thấy người khác thường nên đãi đằng tử tế. Khi ăn uống xong thì ông ấy hỏi hai con có muốn làm đệ tử của ông không. Chúng con thấy tướng mạo biết không phải người tầm thường nên nhận làm thầy.

Thầy con nói:

– Ngày sau Khương Thượng đánh Tỵ Thủy nên truyền phép ấy để sau này giữ ải.

Quả nhiên, ngày hôm nay xảy ra chuyện này, thật thầy con nói không sai. Chúng con quyết bắt Khương Thượng để lập công.

Hàng Vinh mừng rỡ hỏi:

– Con muốn dùng nhân mã bao nhiêu?

Hàng Thăng nói:

– Xin dùng ba ngàn binh, bởi vì chúng con có ba ngàn cỗ xe giấy. Nội bao nhiêu cũng đủ phá sáu mươi muôn binh Khương Thượng cần gì phải chế cho nhiều.

Hàng Vinh mừng rỡ, phát đủ số ba ngàn, anh em Hàng Thăng dẫn binh luyện tập ở pháp trường.

Khi ấy hai anh em Hàng Thăng điều khiển ba ngàn binh bỏ tóc xõa, cầm gươm, mỗi đứa cầm trên tay mỗi chiếc xe bằng giấy, luyện tập trong ba ngày thì thuần thục.

Hàng Thăng trở vào thưa lại với cha mọi việc Hàng Vinh hỏi:

– Giờ đây hai con tính sao?

Hàng Thăng nói:

– Cha đem đại binh đến trước dinh Châu khiêu chiến, hai con theo bảo hộ.

Hàng Vinh theo lời dẫn quân đến kêu Tử Nha ra nói chuyện.

Tử Nha được tin liền dẫn binh ra khỏi dinh, nói:

– Hàng Vinh, hãy sớm liệu cơ trời mà đầu hàng kẻo liên lụy cả thành, ăn năn sao kịp?

Hàng Vinh cười lớn nói:

– Tử Nha, ngươi chớ cậy binh ròng tướng mạnh mà hiếp người, ta e ngươi có ngày phải thịt nát xương tan.

Tử Nha nổi giận quay qua hỏi các tướng:

– Tướng nào ra bắt Hàng Vinh cho ta.

Ngụy Bôn liền xông tới.

Hàng Thăng, Hàng Biên vội ngăn lại.

Ngụy Bôn hỏi:

– Các ngươi là ai vậy?

Hàng Thăng nói:

– Anh em ta là con trai Hàng tổng binh, quyết ra đây tử chiến với giết các ngươi để trừ loài bội nghịch.

Ngụy Bôn nổi giận đâm một đao, hai tướng hiệp lực giao tranh.

Ðánh được ít hiệp, Hàng Thăng và Hàng Biên bỏ chạy.

Ngụy Bôn thừa thắng đuổi theo, hai tướng Thương cầm đao ngoắt một cái, ba ngàn cỗ xe Vạn nhân đẩy tới như dông bão, lửa cháy bừng bừng.

Binh Châu bị lửa chạy toán loạn, bị quân Hàng Vinh chém tơi bời, lớp bị lửa thiêu, lớp bị chết chém đạp nhau mà chạy, các tướng có phép thì độn thổ trốn, còn những tướng thường tuy khỏi chết cũng không khỏi bị thương, thây chất đầy non, máu tuôn như suối.

Hàng Vinh thấy binh Châu chết quá nhiều, tướng Châu trốn chạy hết liền gióng kiểng thu quân.

Anh em Hàng Thăng nghe lệnh kiểng liền thâu phép, kéo ba ngàn quân vào thành ra mắt Hàng Vinh.

Hàng Thăng hỏi cha:

– Chúng con đang đốt binh địch, sao cha thâu quân làm gì?

Hàng Vinh nói:

– Bữa nay tuy có gió, song là ban ngày, chúng ta chỉ giết được một mớ quân hỗn độn mà thôi, còn các tướng tài trốn hết. Nếu ta dùng phép này đốt dinh trại địch trong lúc ban đêm, binh tướng không biết đàng nào chạy, thì chỉ cần một trận là trọn thắng.

Hàng Thăng khen:

– Cha tính mưu rất hay.

Bấy giờ Khương Thượng hội các tướng về dinh, kiểm điểm thấy hao hơn tám ngàn quân mã, kinh hoàng hỏi các tướng:

– Có ai biết trận này là trận gì chăng?

Các tướng đều lắc đầu, không ai hiểu trận gì lạ như vậy.

Tử Nha ngồi buồn bực nghĩ thầm:

– Trận này chắc của Triệt giáo bày ra, chẳng biết kế gì trừ được.

Mải lo các việc, Tử Nha quên chuyện cướp dinh, còn binh tướng qua một trận chạy lửa, người người đều mỏi mệt, nằm vùi, ngủ thiếp.

Lúc này cha con Hàng Vinh chờ đến canh một liền đem quân tướng và xe phép đến ải.

Hàng Thăng, Hàng Biên xõa tóc làm phép nổi lửa đốt cửa dinh.

Tử Nha đang nằm, bỗng nghe binh ó vang trời, liền cỡi Tứ Bất Tướng ra trước. Còn các tướng hộ giá theo sau. Ra đến cửa dinh thấy lửa cháy rần rần, khói đen bốc lên ngùn ngụt, các tướng thất kinh nên mạnh ai nấy chạy.

Châu Công Ðáng và Mao Công Toại thấy lửa cháy đến dinh, gọi Võ Vương ra cửa sau dinh.

Còn binh sĩ mạnh ai nấy chạy thoát thân.

Phần trời tối, phần mới ngủ dậy nên trận này quân Tử Nha chết rất nhiều.

Tử Nha nhờ có Hạnh Huỳnh kỳ nên khỏi chết ngạt.

Cha con Hàng Vinh thừa thắng, xua quân đuổi theo Tử Nha cho đến sáng.

Hàng Thăng đắc chí nói lớn:

– Hôm nay nếu không bắt được Khương Thượng, ta thề quyết không trở về dinh.

Nói rồi, quay lại khuyến khích quân sĩ:

– Chúng bay phải đuổi cho tận ổ bọn nó. Nếu không vào hang cọp thì làm sao bắt được cọp hùm.

Dứt lời xua quân đuổi bén gót theo Tử Nha.

Thương hại cho binh tướng Tử Nha chạy đến núi Kim Kê thì người ngựa đã mỏi mệt, song chẳng dám dừng lại vì sau lưng hai tướng đuổi theo đốt chém.

Bỗng Tử Nha thấy từ trong núi có hai cây cờ kéo ra, nhìn kỹ là Trịnh Luân.

Tử Nha mừng rỡ hết lo.

Trịnh Luân vừa giải lương đến đây thấy Tử Nha vội phi ngựa tới, hỏi:

– Vì cớ gì mà Nguyên soái lại bại tẩu đến nơi này.

Tử Nha nói:

– Ðằng sau có hai tướng đang dùng lửa phép đuổi theo đốt phá. Ngươi hãy xua binh đi ngõ khác kẻo bị phép lạ của bọn chúng đốt lương thì nguy.

Trịnh Luân tức giận, giục thú đến xem thì thấy có hai tướng nhỏ cưỡi ngựa đi trước, đằng sau có ba ngàn binh phép chạy như bay.

Trịnh Luân đón lại nạt lớn:

– Bọn bay là lũ vô danh tiểu tốt sao dám vô lễ rượt đốt binh của Nguyên soái ta?

Hàng Thăng nói:

– Dầu ngươi có đem mạng đến nạp đặng thế mạng cho Tử Nha cũng không được đâu. Hãy tránh đường cho mau kẻo mang họa vào thân.

Nói rồi, vung gươm chém liền.

Trịnh Luân đưa kích ra đỡ và liếc nhìn thấy xe lửa đã đến gần, liền giơ Gián ma xử triệu binh Ô Nha, gầm lên một tiếng, tức thì hai đạo hào quang trắng xóa từ trong lỗ mũi bay ra làm cho Hàng Thăng và Hàng Biên mê man té nhào xuống ngựa bị quân Ô Nha bắt trói.

Ðến khi Hàng Thăng và Hàng Biên tỉnh dậy thì thấy mình bị trói, cất tiếng than:

– Thật là trời hại tôi rồi.

Còn ba ngàn binh thấy chủ tướng bị bắt, quay lại thì thấy lửa cũng đã tắt hết, chỉ còn những chiếc xe giấy nằm ngổn ngang ngoài đường, thất kinh mạnh ai nấy chạy để thoát chết.

Hàng Vinh đứng trong thành thấy binh chạy về mà không thấy hai con đâu cả, liền hỏi binh sĩ:

– Hai vị tiểu tướng quân đâu?

Quân sĩ bẩm:

– Hai cậu đuổi theo Khương Thượng đến núi Kim Kê bỗng có một tướng từ trong rừng xông ra chận lại, dùng phép bắt sống hai cậu trói đem đến nạp cho Tử Nha rồi. Chúng tôi quay lại thì thấy lửa gươm tắt hết nên vội chạy về đây báo lại.

Hàng Vinh nghe tin thất kinh đứng chết đứng một lúc rồi tỉnh lại, thu binh về ải.

Nói về Trịnh Luân bắt được hai tướng truyền quân đem nạp cho Tử Nha.

Tử Nha mừng rỡ khen ngợi rồi truyền quân đem bỏ vào xe lương giải về trại.

Ði được nửa đường, bỗng gặp Võ Vương.

Tử Nha vội xuống ngựa lạy tạ và hỏi thăm dinh trại.

Võ Vương nói:

– Ta sợ đến gần chết nên chẳng biết gì cả. May nhờ có Ngự đệ và Mao tướng quân hộ giá nên mới còn sống đến bây giờ.

Tử Nha buồn rầu nói:

– Tội này đều do tôi gây ra tất cả.

Nói rồi, Vua tôi đưa nhau về trại sửa soạn dinh cung, kiểm điểm binh mã thì thấy hao hơn hai lần trước.

Rạng ngày, Tử Nha dẫn binh tướng đến trước thành khiêu chiến.

Trên mặt trướng, quân của Tử Nha ai nấy đều đằng đằng sát khí.

Tử Nha kêu lớn:

– Tử Nha mời Hàng tổng binh ra đây nói chuyện.

Lúc này Hàng Vinh đã nghe tin Tử Nha kéo binh về dựng lại dinh trại, thì biết hai con mình bị hại, buồn bực vô cùng, xảy nghe Tử Nha kêu mình ra trận, liền lên mặt thành hỏi vọng xuống:

– Tử Nha, ngươi là tướng bại binh, sao hôm nay còn đến đây khoác lác nữa?

Tử Nha cười ha hả nói:

– Ta tuy mắc mưu kế của ngươi, song chưa phải là bại đâu. Ngươi có biết hiện giờ hai tướng của ngươi bị ta bắt trói không?

Nói rồi truyền quân sĩ xách cổ hai anh em Hàng Thăng ra trước trận.

Hàng Vinh nhìn thấy con bị trói, lòng đau như cắt, nói:

– Khương Nguyên soái ôi! Bởi hai con ta khờ dại nên phạm đến oai hùm. Theo quân luật thì không thể dung được, song tôi xin dâng ải để cứu mạng hai con. Xin Nguyên soái rộng lòng từ bi cho hai con tôi toàn mạng.

Hàng Thăng thấy cha đòi dâng ải để cứu con, liền la lớn:

– Xin phụ thân đừng dâng ải. Bởi phụ thân là tay chân Thiên tử, lẽ nào thương con mà đem ải đưa cho kẻ giặc. Phụ thân hãy cố thủ quan ải cho nghiêm nhặt chờ viện binh đến. Khi đã có viện binh thì con tin chắc thế nào cha cũng bắt được tên phản tặc Khương Thượng để báo thù cho con. Ðược như thế thì dầu có đứt đầu, chúng con không ân hận tí nào nơi chín suối.

Tử Nha nổi giận liền sai Nam Cung Hoát lôi cổ anh em Hàng Thăng ra chém đầu.

Hàng Vinh đứng trên lầu nhìn xuống thấy hai con bị rụng đầu, lòng đau như kim chích, la lên một tiếng thất thanh rồi nhào xuống thành chết tươi.

Người sau có làm bài thơ khen cha con Hàng Vinh trung nghĩa như sau:

Họ Hàng trung nghĩa cả vừa ba,

Tỵ Thủy thơm danh trẻ lẫn già

Con vẹn thờ Vua ngay cổ chịu,

Cha đền nghĩa chúa hủy mình sa

Thành siêu để tiếng sầu non biển,

Nước mất liều thân ủ cỏ hoa

Khẳng khái lúc này nên vị tướng,

Khi xưa sao học thói đàn bà?

Ba cha con Hàng Vinh chết, linh hồn lên đài Phong Thần.

Còn binh tướng mở cửa ải rước Võ Vương và Tử Nha vào.

Tử Nha lấy được ải Tỵ Thủy, tra xét lương thảo, treo bảng chiêu an bá tánh, chôn cất ba cha con Hàng Vinh, rồi dọn yến khao thưởng binh sĩ.

Nói về Thái Ất chơn nhơn đang ngồi trong động, thấy Kim Hà đồng tử vào thưa:

– Có Bạch Hạc đồng tử đến xin ra mắt.

Thái Ất chơn nhơn mời vào.

Bạch Hạc cầm thẻ ngọc, nói với Thái Ất:

– Tôn sư sai tôi đến đây thỉnh Sư thúc xuống phá trận Tru Tiên.

Thái Ất chơn nhơn lạy về núi Côn Lôn, nói:

– Ðệ tử xin tuân lệnh.

Bạch Hạc đồng tử từ giã lui về.

Thái Ất liền sai Kim Hà đồng tử đòi Na Tra vào dạy rằng:

– Nay ngươi bệnh đã mạnh, hãy xuống ải Tỵ Thủy trước, ta cũng sẽ theo sau phá trận Tru Tiên.

Na Tra vâng lệnh sửa soạn ra đi.

Thái Ất bảo:

– Ngày xưa Tử Nha vâng lệnh chinh Ðông, Nguyên Thỉ thiên tôn có tiễn ba chén rượu, nay ngươi xuống ải Tỵ Thủy, ta cũng tặng ngươi ba chung.

Nói rồi truyền Kim Hà đồng tử rót rượu, Thái Ất lấy ba trái táo trong túi áo đưa ra, bảo Na Tra cứ ăn một trái uống một chén.

Na Tra ăn ba trái, uống đủ ba chung, lạy thầy giã bạn ra đi.

Thái Ất theo đưa ra khỏi động, rồi trở vào.

Na Tra vừa bước lên xe, bỗng thấy trong mình ngứa ngáy, rồi hai bên nách mọc thêm ra hai cánh tay.

Na Tra sửng sốt, không biết cớ gì.

Chỉ chốc lát Na Tra mọc đủ sáu tay và hai đầu, cộng là ba đầu tám tay.

Na Tra vội trở lại hỏi thầy, thì đã thấy Thái Ất bước ra khỏi động, vỗ tay cười lớn ngâm:

Táo hồng ba trái rượu ba chung

Biến hóa xem ra rất lạ lùng

Tám cánh đã thành tay diệu thuật

Ba đầu mới sợ mặt anh hùng

Thâu thâu biến biến tùy lòng muốn,

Sâu sắc không không tự ý dùng

Chớ trách Tây Kỳ nhiều tướng dữ,

Trời xanh ghét Trụ giết tôi trung.

Na Tra quỳ thưa:

– Tôi nhiều tay quá, chống chỏi với nhau làm sau đánh giặc?

Thái Ất nói:

– Trong dinh Tử Nha rất nhiều tướng kỳ dị, có kẻ hai cánh, có kẻ một chân, có người giỏi địa hành, có người thông biến hóa. Nay ta cho ngươi ba đầu tám tay, để địch với các dị tướng khác cho thiên hạ thấy học trò ta mạnh bạo. Ta truyền cho ngươi phép thâu, phép biến, tùy ý ngươi muốn dùng cách nào cũng được.

Nói rồi truyền mấy câu thần chú. Na Tra cúi lạy tạ ơn, một tay cầm Hỗn thiên lăn, một tay cầm Càn khôn quyện, hai tay cầm hai cây giáo, một tay cầm Kim chuyên, còn ba tay không, Thái Ất cho thêm ba món bửu bối là: Cửu long thần hỏa, và Song kiếm âm dương. Cộng đủ tám món binh khí.

Na Tra bái tạ lên xe, đi thẳng qua ải Tỵ Thủy.

Bấy giờ Tử Nha được dưỡng binh ba ngày, tính kéo rốc qua ải Giới Bài, sực nhớ bài kệ của Nguyên Thỉ trước kia có dặn, đến ải Giới Bài thì gặp trận Tru Tiên, không biết lành dữ thế nào, nên chưa dám quyết định.

Bỗng có quân vào báo:

– Có Huỳnh Long chơn nhơn đến trước ải xin vào ra mắt.

Tử Nha mừng rỡ rước vào.

Huỳnh Long chơn nhơn nói:

– Trước ải Giới Bài có trận Tru tiên, chẳng nên kéo đại binh đến vội. Phải truyền cất Lư bồng cách xa ải, đợi các vị chơn nhơn và tôn sư đến đây phá trận ấy đã.

Tử Nha vâng lời truyền Nam Cung Hoát và Võ Kiết đem binh cất một cái lư bồng rất rộng rãi, đẹp đẽ vô cùng.

Còn Na Tra về đến ải Tỵ Thủy, quân sĩ nhìn không biết là ai, vì Na Tra bây giờ ba đầu tám tay, lại trổ ra mặt xanh tóc đỏ.

Na Tra xin vào yết kiến.

Quân sĩ vào báo với Tử Nha:

– Có một tướng kỳ dị, cũng đi xe như Na Tra mà ba đầu tám tay mặt xanh tóc đỏ, đến trước cửa thành.

Khương Thượng lấy làm lạ, sai Lý Tịnh ra ngoài coi thử.

Lý Tịnh lên cửa ải thấy người kỳ dị, liền hỏi lớn:

– Ai đứng ngoài đó?

Na Tra bái và thưa:

– Con là Na Tra, phụ thân không nhận ra sao?

Lý Tịnh kinh hãi hỏi:

– Con làm sao biến hóa ra như vậy?

Na Tra thuật hết các việc, Lý Tịnh vào thưa lại với Tử Nha.

Tử Nha mừng rỡ đòi vào, các tướng ai nấy đều xầm xì và khen ngợi.

Cách ba hôm sau, Nam Cung Hoát và Võ Kiết đã làm xong Lư Bồng, trở về báo lại với Tử Nha.

Huỳnh Long chơn nhơn nói:

– Trên Lư Bồng chỉ có các đệ tử tiên gia được đến đó mà thôi, còn người phàm tục thì cấm hẳn.

Tử Nha y lời truyền các tướng:

– Các ngươi phải bảo vệ chúa công ở trong ải không được ra ngoài. Còn ta và các đệ tử tiên gia phải lên Lư Bồng đợi chưởng giáo và các vị tiên trưởng đến phá trận Tru Tiên. Nếu tướng nào cãi lệnh sẽ bị quân pháp gia hình.

Các tướng đều tuân lệnh, ai nấy đều ở trong ải chứ không dám ló ra ngoài.

Tử Nha lại vào tâu với Võ Vương:

– Nay tôi và các vị tiên trưởng hợp lực đánh ải Giới Bài, xin đại vương ở đây với các tướng, đợi tôi lấy ải xong sẽ sai quân tiếp giá.

Võ Vương nói:

– Thượng phụ nên giữ gìn sức khỏe, nhờ ơn trời đến ải thì thành công.

Tử Nha từ tạ Võ Vương, cùng với Huỳnh Long chơn nhơn và các đệ tử ra khỏi ải Tỵ Thủy chừng bốn mươi dặm thì đến Lư Bồng.

Trên Lư bồng đã treo đèn xông hương, trải nệm nhung gấm, đâu đó rất tươm tất.

Tử Nha đến chẳng bao lâu thì Quảng Thành Tử từ trên mây sa xuống, Xích Tinh Tử từ dưới đất chun lên, các tiên hội nhau chào hỏi chuyện trò.

Sáng hôm sau, Cù Lưu Tôn, Văn Thù quảng pháp, Phổ Hiền chơn nhơn, Từ Hàng đạo nhân, Ngọc Ðảnh chơn nhơn đồng đến Lư Bồng một lượt.

Kế đó, Vân Trung Tử, Thái Ất chơn nhơn, Ðạo Hạnh thiên tôn, Linh Bửu đại pháp cũng đồng hội đến.

Tử Nha nghinh tiếp đủ lễ.

Lục yểm đạo nhơn bước đến bái các tiên và nói:

– Chỉ còn trận Tru Tiên này, và trận Vạn Tiên nữa thì chúng ta được về núi thung dung, lo tu luyện như xưa.

Các tiên nói:

– Phải rồi! Chúng ta chỉ còn hai lần khổ nữa là hết trách nhiệm phàm trần.

Chư tiên đồng ngồi đàm đạo chờ chưởng giáo tôn sư.

Cách vài giờ sau, nghe khua tiếng ngọc trên mây, các tiên biết Nhiên Ðăng đã đến, bèn xuống Lư Bồng rước vào.

Nhiên Ðăng hỏi:

– Trận Tru Tiên trước mặt, quý đạo hữu có thấy không?

Các tiên đồng nói:

– Chúng tôi không thấy gì cả.

Nhiên Ðăng chỉ tay phía trước và nói:

– Trận Tru Tiên ở chổ có hồng quang chiếu năm sắc đó.

Các tiên đều bước ra xem.

Lúc đó Ða Bửu đạo nhơn thấy nơi Lư Bồng hào quang tỏa chiếu biết các tiên Xiển giáo đã đến muốn biểu diễn trận thế, liền vỗ tay một cái, sấm nổ vang trời hào quang bốc lên ngùn ngụt, hiện ra một trận rõ ràng.

Các tiên ở trên Lư Bồng thấy mây bay mịt mịt, ngút tỏa trùng trùng, gió lạnh ghê mình, chớp giăng chóa mắt, hoặc hiện ra, hoặc biến mất, khi hạ xuống, khi nổi lên. Thật là một trận dữ, xưa nay chưa từng thấy.

Huỳnh Long chơn nhơn nói:

– Chúng ta gặp trận dữ này không đến xem cũng uổng.

Nhiên Ðăng sợ chư tiên ham xem trận, hại đến thân mình, nên tìm lời ngăn cản.

Mặc dù vậy, các tiên ai cũng thích xem nên mười hai vị tiên đã có chín vị đứng dậy, Nhiên Ðăng không thể nào cản nổi.

Phong Thần Diễn Nghĩa

Phong Thần Diễn Nghĩa

Status: Completed Author:

“Phong Thần Diễn Nghĩa” thuộc thể loại truyện tiên hiệp là bộ tiểu thuyết lịch sử được siêu nhiên hóa màu sắc của Đạo Giáo (Xiển giáo và Triệt giáo).

Lấy cuộc chiến tranh phạt Trụ của Châu Võ Vương làm nền cho bối cảnh cốt truyện, nhưng những sự việc, tình tiết hoàn toàn là dã tưởng hoang đường. Truyện không những kích thích trí tưởng tượng của độc giả mà còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa mà tác giả muốn gửi đến người đọc theo phương pháp "ý tại ngôn ngoại"

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset