Hồi 77: Lão Tử hóa Tam Thanh đánh Giáo Chủ

Lão Tử hóa Tam Thanh đánh Giáo Chủ

Các tiên đến xem trận một hồi đều ngây ngất, không ai muốn về cả. Trước mặt họ thấy nhiều lạ lùng, nhưng vỏn vẹn bên cửa Ðông có treo Tru tiên kiếm, cửa Bắc có treo Lục tiên kiếm, cửa Tây có treo Hãm tiên kiếm, cửa Nam có treo Tuyệt tiên kiếm. Chỉ có chừng đó thôi mà khí độc lên ngắt trời, gió thổi ghê mình, biến hóa trăm ngàn thứ lạ.

Bỗng trong trận có tiếng ca:

Làm sao cho khỏi trận Tru tiên,

Tánh lửa không dằn khiến đảo điên

Giết Hỏa linh tiên đành rấm họa,

Trói Dư Nguyên nữa lại thêm duyên

Ðem dây kết oán ai mà nhịn,

Tìm đến gây hờn, đó chớ phiền

Ðừng cậy Ngọc Hư nhiều phép lạ,

Thử xem Triệt giáo dữ hay hiền?

Nhiên Ðăng nghe ca, nói với các tiên:

– Người ca lời đó không phải kẻ hiền. Thôi chúng ta trở về Lư Bồng xem tôn sư đến dạy thế nào?

Nói chưa dứt lời, đã thấy Ða Bửu đạo nhân ở trong trận nhảy ra cầm gươm lướt tới nói:

– Quảng Thành Tử, chạy đi đâu cho khỏi, có ta đến đây.

Quảng Thành Tử nổi giận nói:

– Trước kia ở trên Bích Du cung, ngươi ỷ đông khinh dễ ta. Rất đỗi giáo chủ của ngươi răn dạy ngươi cũng chẳng nghe lời, nay lại lập trận Tru Tiên quyết lòng làm dữ. Ta là kẻ phạm sát sanh ngươi không biết hay sao?

Hai người hỗn đấu với nhau, kẻ thì thật thần thông quảng đại, một kẻ bửu pháp vô cùng, Ngọc Hư không nhịn Bích Du, Triệt giáo không nhường Xiển giáo.

Quảng Thành Tử quăng Thiên Phiên Ấn lên, Ða Bửu đạo nhân né không kịp, bị ấn đánh nhằm lưng té nhào xuống đất, vội bỏ chạy vào trận.

Nhiên Ðăng sợ Quảng Thành Tử nóng giận đuổi theo vào trận nguy đến tính mạng liền gọi lớn:

– Thôi, chúng ta trở về Lư Bồng rồi sẽ thương nghị.

Cũng may, Quảng Thành Tử dằn được cơn giận, nếu không, bước vào cửa trận thì tiêu mạng rồi!

Các tiên trở về đến Lư Bồng một lúc thì bỗng nghe tiếng nhạc trổi vang, mùi hương bay bát ngát, các tiên biết Chưởng giáo sư tôn giáng hạ, liền bước xuống Lư Bồng quỳ lạy nghênh tiếp.

Nguyên Thỉ ngồi trên Trầm Hương liễn, bay đến Lư Bồng, các tiên đều làm lễ.

Nguyên Thỉ nói:

– Nay phá trận Tru Tiên mới biết ai cao thấp.

Nói rồi ngồi im lặng. Các tiên đứng bên hầu hạ.

Qua đến giờ Tí, trên đầu Nguyên Thỉ hiện ra hào quang, trên hào quang có mây ngũ sắc, hột châu và bông vàng nhểu xuống, nối chuyền như những hạt mưa sa.

Ða Bửu đạo nhân ở trong trận nhìn lên Lư bồng xem thấy, biết Nguyên Thỉ giáng trần, nghĩ thầm:

– Nhắm lại trận này có thầy mình xuống đây mới cự nổi, chứ sức mình sánh sao kịp với Chưởng giáo tôn sư?

Hôm sau, trên nền trời xanh thẫm, trước trận Tru Tiên tiếng nhạc vang trời, Ða Bửu đạo nhân biết Thông Thiên giáo chủ dắt đồ đệ xuống trận, liền ra nghênh tiếp, rước vào Bát quái.

Thông Thiên giáo chủ ngồi giữa, bốn vị đệ tử hầu cận là Ða Bửu đạo nhân, Kim Linh thánh mẫu, Võ Dương thánh mẫu, Quy Linh thánh mẫu. Còn các tiên nhỏ đều đứng hầu ở từng dưới.

Thông Thiên giáo chủ tu nhiều kiếp nên phép tắc vô cùng.

Ðến canh ba, trên đầu Thông Thiên giáo chủ hiện hào quang ngun ngút tới mây xanh tỏa ra năm sắc rực rỡ.

Các tiên ở Lư Bồng trông thấy trong trận Tru Tiên nổi lên hào quang lạ, Nhiên Ðăng bạch với Nguyên Thỉ:

– Hồi khuya tôi thấy trong trận Tru Tiên hiện lên ngũ sắc hào quang chắc là Thông Thiên giáo chủ đã đến. Vậy bữa nay tôn sư định phá trận hay chưa?

Nguyên Thỉ nói:

– Chốn này ta chẳng ở lâu, nên ta tính đi xem trận.

Nói rồi truyền các đệ tử sắp hàng từng cặp theo thứ tự sau:

– Xích Tinh Tử đi với Quảng Thành tử.

– Thái Ất chơn nhơn đi với Linh Bửu Ðại pháp sư.

– Cù Lưu Tôn đi với Thanh Hư đạo đức chơn quân.

– Phổ Hiền chơn nhơn đi với Văn Thù Quảng pháp thiên tôn.

– Vân Trung Tử đi với Từ Hàng đạo nhơn.

– Ðạo Hạnh thiên tôn đi với Ngọc Ðảnh chơn nhơn.

– Huỳnh Long chơn nhơn đi với Lục Yểm.

– Nhiên Ðăng đi với Tử Nha.

Còn Kim Tra, Mộc Tra bưng lư hương theo sau, kế nữa là Na Tra, Vi Hộ, Lôi Chấn Tử và Lý Tịnh.

Bên trận Tru tiên, các đệ tử hay tin Nguyên Thỉ đến liền vào bạch với Thông Thiên giáo chủ, tức thì một hồi kiểng đổ vang như từng giọt mưa điểm trên vũng nước, tiếp đó cờ phướng kéo ra như mây mờ, Thông Thiên giáo chủ cỡi Khuê ngưu ra trước cửa trận, đệ tử hầu hạ hai bên.

Thông Thiên giáo chủ thấy Nguyên Thỉ liền bái và nói:

– Tôi chào đạo huynh.

Nguyên Thỉ nói:

– Sư đệ lập làm chi trận dữ như vậy? Khi trước chúng ta đồng họp mặt trên Bích Du cung, nghị lập bảng Phong thần, chia ra ba bậc, ai có đức thì làm tiên, ai ít đức công quả thì làm thần, nếu ai quá nữa thì làm quỷ. Nay Trụ Vương vô đạo, khí số hết rồi, Châu Võ hành nhơn, số trời đã định, lẽ nào sư đệ không biết hay sao mà lập trận lớn đón đường Tử Nha? Trước khi luận bảng Phong thần, sư đệ đã thỏa thuận với số 365 người lên đài Phong thần trong đó Triệt giáo có tên những người không được thành chánh quả cũng nhiều sao nay sư đệ lại quên lời, thất tín?

Thông Thiên giáo chủ nói:

– Sư huynh hỏi tôi việc ấy làm gì? Hãy hỏi Quảng Thành Tử thì rõ hơn.

Nguyên Thỉ nói:

– Quảng Thành Tử, công việc ra sao?

Quảng Thành Tử thuật lại chuyện trả mão trên Bích Du cung bị các tiên đón đường vấn nạn, kể hết các việc không sót một điều.

Thông Thiên giáo chủ nói:

– Quảng Thành Tử đã mắng ta không biết phải quấy, chẳng luận hiền ngu, dạy học trò có lông, có sừng ở chung với cầm thú. Ta nghĩ lại, thầy ta truyền đạo cho ba anh em ta, sau chia làm hai, kẻ dạy Xiển giáo tu hành, người dạy Triệt giáo an bang tế thế. Tuy chia làm hai cách dạy, cũng một gốc mà ra. Nếu nó nói ta ăn chung ở lộn với cầm thú thì sư huynh lại khác hơn sao?

Nguyên Thỉ nói:

– Sư đệ đừng trách Quảng Thành Tử, chính tại học trò sư đệ ngang dọc, ỷ mạnh hiếp người, thiệt là lòng cầm thú, sư đệ đụng đâu dạy đó, chọn kẻ không biết điều, nên kiếm chuyện thị phi thêu dệt hại muôn dân đồ thán.

Thông Thiên giáo chủ vừa cười vừa đáp:

– Sư huynh nói sai rồi. Ðạo là một đường sáng cần phải mở rộng cho chúng sanh vào khoảng ánh sáng ấy. Ðạo dạy người, sửa đời, thì bất kỳ những ai muốn đắc đạo đều có quyền hành đạo, tại sao lại hạn chế, chỉ lựa những người có đức hạnh? Ðạo giúp người hay người giúp đạo? Nếu chỉ lựa những người đạo đức mới cho hành đạo thì té ra sai lạc ý nghĩa của đạo rồi. Ðạo đâu phải là một triều đình mà bảo phải lựa người tài đức để cai trị, mà đạo chính là chỗ đào tạo người bất tài, thiếu đức trở thành người tài đức kia mà. Ðạo huynh nên xét lại điểm ấy. Còn học trò đạo huynh khinh học trò tôi là loài có lông, có sừng, tôi thiết tưởng mọi sinh vật trong vũ trụ đều bình đẳng trước đạo đức, trong lãnh vực đạo đức không thể phân chia trên dưới, dầu là loài có lông, có sừng cũng được quyền làm việc đạo, thì lời khinh miệt ấy rất trái lẽ. Ðến như đạo huynh, trước mặt tôi mà đạo huynh còn mắng học trò tôi là cầm thú thì bảo sao ý thức ấy không ăn sâu vào tư tưởng của môn đồ Xiển giáo?

Nguyên Thỉ nói:

– Sư đệ quá nghe lời học trò mình mà nóng nảy tai hại đến công việc tu hành. Tôi thiết tưởng một kẻ chân tu không bao giờ thiên lệch, đã thiên lệch tất nhiên trái với con đường hành đạo. Lẽ học trò mình chưa thuần thục về đạo đức, sư đệ phải đem luật lệ ra dạy dỗ, làm cho chúng nó đi trên con đường ngay, sao lại vì lời thêu dệt của chúng mà lập trận dữ, trái mệnh trời?

Thông Thiên giáo chủ nói:

– Hành đạo là nhiệm vụ thiêng liêng và trường cửu của người dẫn đạo, không phải một thời gian mà hoàn tất. Nó như một con đò đưa khách sang sông, thì biết bao giờ dứt được. Lúc bắt đầu tức là lúc đã đến, mà lúc đã đến là bắt đầu. Ðạo huynh bắt đầu trách tôi thiên lệch, nhưng nếu tôi cứ nhắm mắt làm ngơ, để cho môn đồ tôi bị áp chế mãi mãi, môn đồ tôi sẽ có quan niệm rằng tu hành là ép mình vào một khuôn khổ để cho mọi người hà hiếp, như vậy có bảo tồn được đạo giáo không?

Nguyên Thỉ nói:

– Nhưng tại sao sư đệ cứ cho là môn đồ mình bị kẻ khác hà hiếp? Ý nghĩ ấy có phải sư đệ đã thiên lệch, nghe theo lời thêu dệt của môn đồ mình không? Vì nghe môn đồ mình nói mà lập trận dữ sát phạt nhau, như thế là trái lẽ.

Thông Thiên giáo chủ nói:

– Chính sư huynh đã bênh môn đồ mình không xét lẽ công bằng. Tôi lập trận này không phải vì nóng giận hay vì trái mệnh trời, mà chỉ để giữ thể diện, bảo vệ giáo lý Triệt giáo thôi.

Nguyên Thỉ cười:

– Giáo lý Triệt giáo là sát kiếp là nghịch thiên?

Thông Thiên giáo chủ cũng cười cay đắng:

– Ðạo huynh lầm rồi! Nó là sự vươn lên không chịu bị tiêu diệt.

Nguyên Thỉ nói:

– Thế thì cũng do số trời định, không thể tránh nổi.

Thông Thiên giáo chủ nói:

– Tôi đã lập trận rồi, đạo huynh cứ vào phá.

Nguyên Thỉ nói:

– Muốn phá trận ấy cũng chẳng khó gì. Ðể ta vào xem thử.

Thông Thiên giáo chủ giục Khuê Ngưu vào cửa Lục tiên, các đệ tử đều theo vào trận.

Còn Nguyên Thỉ ngồi dựa trên Trầm hương liễn vịn tay ghế thủng thỉnh bay vào đến cửa chánh Ðông là chổ treo gươm Tru Tiên, Nguyên Thỉ vỗ Trầm Hương Liễn một cái truyền thần Yết Ðế giở thẳng chân ghế lên, bốn chân ghế hiện bốn bụi bông sen trên bông sen hào quang sáng chói.

Nguyên Thỉ bay ra cửa Tru Tiên, Thông Thiên vỗ tay một cái sấm nổ vang trời, gươm Tru Tiên múa một cái, chém đứt một bông sen.

Nguyên Thỉ bay khắp bốn cửa, hao mất bốn bông sen, liền ngâm bài kệ:

Thông Thiên lập trận thật chưa thông,

Bốn cửa treo gươm rất uổng công

Hãm, Tuyệt, Lục, Tru đều chẳng ích,

Ra vào coi lại thể như không.

Nguyên Thỉ ra khỏi trận các đệ tử rước vào Lư bồng.

Nhiên Ðăng hỏi:

– Tôn sư xem trận ấy ra thế nào?

Nguyên Thỉ nói:

– Ta coi chưa rõ.

Nam Cực tiên ông nói:

– Tôn sư đã vào trận, sao không phá cho rồi đặng Tử Nha phạt Trụ.

Nguyên Thỉ nói:

– Mọi việc còn phải có ý kiến sư huynh ta nữa ta đâu dám tự chuyên. Chờ sư huynh ta đến đây sẽ tính.

Nói vừa dứt tiếng xảy nghe tiếng nhạc trên mây, mùi hương nghi ngút, Lão Tử cỡi Thanh ngưu có Huyền Ðô Ðại pháp sư theo phò hộ, đồng đáp xuống Lư Bồng.

Nguyên Thỉ dẫn đồ đệ nghênh tiếp.

Hai vị tiên lão ngồi vào giữa, các đệ tử đứng xung quanh hầu hạ.

Lão Tử hỏi:

– Thông Thiên lập trận Tru Tiên cản đường Khương Thượng để ta xuống đây hỏi thử xem Thông Thiên trả lời làm sao?

Nguyên Thỉ nói:

– Tôi vô phép đã vào xem trận rồi, nhưng chưa giao chiến.

Lão Tử nói:

– Sao không phá trận cho rồi?

Nguyên Thỉ nói:

– Tôi còn đợi lệnh sư huynh.

Lão Tử nói:

– Như Thông Thiên chịu phép thì thôi, bằng cưỡng lại thì bắt về cung Tử Tiêu cho sư tôn vấn tội.

Khi ấy hai vị giáo chủ ngồi trên Lư Bồng, hào quang ngũ sắc tỏa đến tận ải Giới Bài.

Thông Thiên giáo chủ nói với các đệ tử:

– Ðại sư huynh ta đã đến, ta cần gặp mặt xem đại sư huynh ta xử sự làm sao.

Nói rồi truyền Ða Bửu đạo nhân gióng chuông đánh khánh, kéo ra ngoài trận Tru Tiên mời Lão Tử xuống Lư Bồng nói chuyện.

Na Tra vào thưa.

Giây phút Lão Tử cỡi Thanh ngưu bay xuống Lư Bồng.

Thông Thiên giáo chủ làm lễ ra mắt và nói:

– Tiểu đệ xin chào Ðại sư huynh.

Lão Tử nói:

– Sư đệ! Ba anh em ta lập bảng Phong thần là tuân theo cơ tạo hóa sao sư đệ nghịch thiên lập trận dữ, ngăn cản binh Châu?

Thông Thiên giáo chủ nói:

– Tôi không có ý ngăn cản binh Châu, việc trần tục chánh tà đã rõ ai vô đạo, bạo tàn thì bị phạt, đó là lẽ đương nhiên. Tôi xuống đây lập trận chỉ vì muốn bảo tồn giáo lý của Triệt giáo mà thôi.

Lão Tử nói:

– Sư đệ nói sao khó nghe quá! Bảo tồn giáo lý thế nào?

Thông Thiên giáo chủ nói:

– Môn đồ Xiển giáo khi dễ môn đồ của Triệt giáo chúng tôi. Quảng Thành Tử ba lần đến cung Bích Du khi thị cả tôi nữa. Ấy là phạm luật nghiêm kẻ nhỏ không nhường người trên, đạo lý đổ nát. Hôm qua tôi đã tỏ bày với Nhị sư huynh, mà Nhị sư huynh vẫn binh học trò mình, cố hiếp bức tôi nhiều chuyện. Nếu muốn khỏi mích lòng nhau phải giao Quảng Thành Tử cho tôi trị tội, nếu không chịu thì tự ý đại huynh xử sự.

Lão Tử đáp:

– Quảng Thành Tử là người đạo đức, lẽ nào dám phạm người trên? Sư đệ đừng nghe lời thêm bớt của học trò mình lập trận bất nhơn, hại người tu luyện. Dẫu Quảng Thành Tử có vô lễ, tội cũng chưa đáng chết, sao sư đệ nóng giận làm chuyện nghịch thiên. Thôi, phải nghe lời ta dẹp trận ấy đi, rồi trở về Bích Du cung ăn năn sửa lỗi, thì ta còn dung được, bằng không ta bắt nạp cho thầy, đuổi về phàm tục không cho đến Bích Du cung làm giáo chủ nữa, chừng ấy ăn năn không kịp.

Thông Thiên giáo chủ tưởng đem lẽ phải bạch minh với Lão Tử để Lão Tử suy xét, ngờ đâu bị Lão Tử mắng như vậy, nổi giận nói:

– Tôi với Ðại sư huynh là bạn học một thầy, cùng là giáo chủ, sao sư huynh tư vị học trò, nói nhục tôi như vậy. Nếu thế còn gì là đạo đức, lẽ phải. Tôi đã lập trận thì không dẹp bao giờ. Sư huynh là người thần thông cứ vào phá thử?

Lão Tử cười, nói:

– Phá trận không khó chi, song ta khuyên ngươi sau chớ thở than, hối hận. Thôi, ta cho ngươi vào trước sửa soạn đi, rồi ta sẽ vào phá. Nếu không sắp đặt sẵn, chắc là bị bối rối.

Thông Thiên giáo chủ nói:

– Tôi không cần sắp đặt gì nữa. Sư huynh muốn phá thì cứ vào tôi chỉ khuyên một điều là phải cẩn thận kẻo bị bắt.

Nói rồi giục Khuê ngưu về cửa Hãm tiên, đứng trong trận chờ Lão Tử.

Lão Tử vỗ sừng trâu, bốn chân trâu hiện hào quang bay hỏng đất.

Lão Tử lại trải bức Thái Cực Ðồ ra, hóa thành cái cầu vòng rồi bước lên cầu vòng ấy xông vào trận ca rằng:

Sanh đời hỗn độn gặp thầy truyền,

Biến hóa vô cùng phép tự nhiên

Dạy chúng làm lành toan bỏ dữ,

Ðộ người khỏi tục đặng thành tiên

Một trường Xiển giáo ưa thanh tịnh,

Hai chữ vô vi lánh thị trường

Chẳng đã thương người trong nước lửa,

Phải vào trận dữ dẹp cho yên.

Thông Thiên thấy Lão Tử vào phá trận, liền vỗ tay một cái, sấm nổ vang trời.

Lão Tử cười ngất nói:

– Sư đệ đừng vỗ tay vô ích, hãy coi cây gậy của ta đây.

Thông Thiên giáo chủ thấy Lão Tử vào trận một cách dễ dàng, lại vung gậy múa máy, nổi giận vung đao đến chém. Nhưng gậy thì dài, gươm thì ngắn nên Thông Thiên giáo chủ cứ lo đỡ gạt chứ đâm không tới.

Lão Tử thấy vậy lại cười to nói:

– Ta thấy ngươi chưa thông đạo pháp, thế mà dám lên làm giáo chủ Triệt giáo.

Thông Thiên giáo chủ giận tím mặt, nói:

– Ngươi khinh khi ta đến thế, hèn chi để học trò giết hại đệ tử ta không biết bao nhiêu cả. Thật thù này không biết chừng nào nguôi.

Các đệ tử Triệt giáo đứng trên đài Bát quái thấy cảnh vật xảy ra, ai nấy mặt mày cũng đầy sát khí, muốn bay xuống ăn tươi nuốt sống Lão Tử.

Thông Thiên giáo chủ liền lâm râm niệm chú, tức thì bốn cửa sấm nổ vang trời, tám phương gió thổi ngùn ngụt.

Lão Tử thấy vậy liền hiện hào quang lên đầu, trên hào quang đó lại hiện cái tháp lồng lộng, làm cho sấm gió không sao động vào mình được.

Lão Tử lại nghĩ thầm:

– Nó đã dùng đến bí quyết trận đồ để hại mình, mình cần phải biến hóa phá trận cho tan. Nếu không lũ học trò nó coi mình chẳng ra gì.

Nghĩ rồi, Lão Tử liền vỗ vào sừng trâu, tức thì Thần ngưu bay vọt ra khỏi trận.

Lão Tử vội cỡi mão đuôi cá, tức thì trên đầu hiện ba đạo hào quang rồi giục trâu vào phá trận.

Xảy nghe phía Ðông có tiếng chuông ngân, rồi một người đội mão, mình mặc áo hồng, cỡi thú trắng, cầm gươm xông tới nói:

– Lý đạo huynh! Ðừng sợ! Có tôi đến giúp sức đây.

Thông Thiên giáo chủ không biết ai lại xông vào phá trận, liền hỏi lớn:

– Ðạo sĩ là ai mà đến đây giúp Lão Tử?

Người ấy nói:

– Nếu không biết thì nghe bốn câu ca này sẽ rõ:

Trời đất sanh thành đã có ta,

Theo thầy học đạo rộng bao la

Thấy điều nghịch ý nên ra giúp,

Cho rõ hai bên lẽ chánh tà.

Ca xong, người ấy nói:

– Ta là Thượng Thanh đạo nhơn đây.

Vừa nói vừa chém Thông Thiên giáo chủ.

Thông Thiên giáo chủ nghĩ thầm:

– Lạ thật! Thượng Thanh đạo nhơn là người ở giáo phái nào mà ta không biết.

Trong lúc Thông Thiên giáo chủ đang nói chuyện với Thượng Thanh đạo nhơn thì lại nghe bên phía Nam có một tiếng chuông ngân, rồi một ông già đội mão vàng, mặc áo bát quái, tay cầm cây Như ý, cỡi ngựa chạy đến kêu lớn:

– Lý đạo nhơn! Có tôi đến trợ chiến.

Thông Thiên giáo chủ hỏi:

– Ai đó vậy?

Người ấy nói:

– Thấy ta mà ngươi không biết thì làm chủ Triệt giáo sao được. Hãy nghe đây:

Hồng Quân lão tổ dạy vuông tròn,

Sống mãi trên đời với nước non

Trời đất không già ta chẳng thác,

Say sưa mùi đạo tấm lòng son.

Ca rồi nói:

– Ta là Ngọc Thanh đạo nhơn đến đây thử tài Thông Thiên giáo chủ.

Thông Thiên giáo chủ nghĩ thầm:

– Từ xưa đến nay thầy ta chỉ dạy có ba người đệ tử, sao nay lại có Thượng Thanh và Ngọc Thanh nào đó?

Ngọc Thanh đánh xuống một Như ý, Thông Thiên giáo chủ đưa kiếm ra đỡ.

Hai bên đang đánh với nhau chưa phân thắng bại, xảy nghe phía Bắc có tiếng chuông ngân, rồi một ông đạo sĩ đội mão Cửu tiên, mặc áo tiên y, một tay cầm quạt râu rồng, một tay cầm ngọc Như ý, cỡi sư tử chạy đến kêu lớn:

– Lý đạo huynh, tôi đến trợ chiến phá trận Hãm Tiên!

Thông Thiên giáo chủ thấy người ấy mặc còn trẻ mà tóc đã bạc không biết là ai, liền tiếp hỏi:

– Còn ai đó nữa?

Người ấy nói:

– Hãy nghe bài ca này:

Từ thuở sinh ra lúc hỗn mang,

Tính năm kể tháng biết muôn ngàn?

Một bầu tạo hóa dầu ngang dọc,

Những kể bàn môn khó tỏ tà.

Ca rồi nói:

– Ta là Thái Thượng đạo nhơn.

Khi ấy bốn người vây Thông Thiên giáo chủ đánh vùi một trận.

Thông Thiên giáo chủ một người phải cự với ba người, chỉ còn biết đỡ mà không thể nào đánh lại được.

Các đệ tử Triệt giáo thấy ba người mới tới hào quang chiếu sáng lòa ai nấy đều khen phục, nhất là Trương Nhĩ Tiên, đệ tử Triệt giáo mà hâm mộ Xiển giáo vô cùng.

Phong Thần Diễn Nghĩa

Phong Thần Diễn Nghĩa

Status: Completed Author:

“Phong Thần Diễn Nghĩa” thuộc thể loại truyện tiên hiệp là bộ tiểu thuyết lịch sử được siêu nhiên hóa màu sắc của Đạo Giáo (Xiển giáo và Triệt giáo).

Lấy cuộc chiến tranh phạt Trụ của Châu Võ Vương làm nền cho bối cảnh cốt truyện, nhưng những sự việc, tình tiết hoàn toàn là dã tưởng hoang đường. Truyện không những kích thích trí tưởng tượng của độc giả mà còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa mà tác giả muốn gửi đến người đọc theo phương pháp "ý tại ngôn ngoại"

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset