Hồi 82: Trận Vạn Tiên Triệt Giáo sa cơ

Trận Vạn Tiên Triệt Giáo sa cơ

Nói về năm cha con Dư Hóa Long cãi lời Dư Ðạt, tin phép Dư Ðức, nên không sợ binh Châu, cứ ăn tiệc, uống rượu, chờ quá bảy bữa quân Châu chết hết.

Qua đến ngày thứ tám không có tin tức gì cả.

Dư Hóa Long nói với các con:

– Nay đã tám ngày sao không thấy tin gì cả. Chúng ta lên lầu xem thử thế nào?

Bốn người con khen phải, đồng kéo nhau lên lầu nhìn qua dinh Châu thì thấy người qua kẻ lại tấp nập, cờ xí hẳn hoi, khói bốc lên nhiều chỗ, không còn im lìm như mấy ngày trước.

Dư Hóa Long ngạc nhiên hỏi Dư Ðức:

– Vì cớ gì binh Châu không chết mà lại hết bịnh, sống như xưa?

Dư Ðức không trả lời thì Dư Ðạt nổi giận nói:

– Dư Ðức! Tại ngươi cãi lời ta nên hư hết công chuyện thấy chưa? Qua bảy ngày thì chúng nó chết đâu? Có nước bảy ngày chúng ta chết hết cả nhà mà thôi.

Dư Ðức nổi giận không nói nên lời, ngẫm nghĩ:

– Thầy ta dạy phép này mầu nhiệm lắm, sao hôm nay lại hết linh nửa chừng. Ðây chắc là có duyên cớ gì đây. Ta đến xem thử.

Nghĩ rồi nói với Dư Hóa Long:

– Việc đã đến thế này thì dầu chúng ta có bàn, có cãi cũng chẳng ích gì. Chi bằng nhân cơ hội này, quân sĩ đau mới dậy, sức lực kém sút, chúng ta đem binh đánh úp chắc là thắng trận. Nếu để chậm trễ chúng lành mạnh như trước thì khó mà thắng chúng.

Dư Hóa Long khen phải, liền dẫn binh tướng cùng năm con ra khỏi thành kéo đến dinh Châu. Binh sĩ kéo đi la ó vang trời, vẻ mặt kiêu căng, khinh địch lắm.

Tử Nha nghe tin cha con Dư Hóa Long kéo quân đến khiêu chiến, liền dẫn binh tướng ra khỏi thành. Hai bên dàn trận đối diện nhau.

Dương Tiễn đưa mắt quan sát rồi nói với Tử Nha:

– Tôi xem Dư Ðức quá sức khinh địch, chắc mười phần chúng thất bại rồi.

Tử Nha nghe nói, lòng an đi phần nào, liền giục Tứ Bất Tướng đến trước, nói lớn:

– Dư Hóa Long! Hôm nay là ngày tận số của cha con chúng bây rồi đó.

Lúc này, Kim Tra, Mộc Tra nổi nóng, Vi Hộ nghiến răng trèo trẹo, Dương Tiễn giận đổ hào quang mặt, Lôi Chấn Tử vỗ cánh hét vang như sấm, Lý Tịnh đưa mắt nhìn thấy cha con Dư Hóa Long như muốn ăn tươi nuốt sống, Long Tu Hổ bộ tịch chẳng khác thần trùng, nhảy dựng lên, hai tay ném đá vào binh sĩ Dư Hóa Long như mưa.

Các tướng Châu lớn nhỏ đều áp vào, sáu cha con họ Dư tả xông hữu đột.

Na Tra hiện ra ba đầu tám tay lên xe xông vào ải đánh quân sĩ chạy tan vỡ.

Sáu cha con Dư Hóa Long tuy trông thấy, nhưng bị các tướng vây phủ, không làm sao trở về cứu thành được, tất cả đều rủn lòng nản chí, vì nếu Na Tra chiếm ải rồi, cha con họ Dư chẳng khác nào bầy chim mất ổ.

Ðang lúc bối rối, Lôi Chấn Tử từ trên cao đáp xuống, đập Dư Quang một gậy bể đầu, Dư Ðạt trông thấy hét lớn:

– Thất phu, ngươi dám giết em ta sao?

Liền xông lại đánh Lôi Chấn Tử. Chẳng ngờ bị Vi Hộ quăng Gián ma xử trúng đầu chết ngay.

Còn Dương Nhậm lấy quạt, quạt Dư Tiên một cái cháy thành tro, quạt Dư Triệu một cái hóa gió.

Dư Ðức thấy anh em đều bị chết, nổi giận chém Tử Nha.

Tử Nha quăng Ðả Thần Tiên lên đánh Dư Ðức té nhào xuống đất, Lý Tịnh đâm bồi một kích, hồn Dư Ðức bay về đài Phong Thần.

Lôi Chấn Tử bay theo Na Tra đón đường Dư Hóa Long, vì sợ Dư Hóa Long vào ải. Dư Hóa Long thấy năm con đều tử trận, ải Ðồng Quan cũng bị mất rồi, liền ngửa mặt lên trời nói lớn:

– Bệ hạ ôi! Tôi không đủ tài phò được chúa, thiếu sức báo thù con, xin liều thân cho trọn nghĩa.

Nói rồi dùng gươm tự vận.

Có bài thơ rằng:

Binh giặc hằng hà khó đụt công,

Cha con Dư thị cũng anh hùng

Liều thân sống thác phò vua Trụ,

Chém tướng bền gan giữ ải Ðồng

Dạ sắt, thù non trương mắt trắng,

Lòng son lưỡi kiếm nhuộm màu hồng

Ngàn năm người mất danh không mất,

Dòng cọp sanh hùm giống tạc lông.

Tử Nha thấy Dư Hóa Long tử tiết, liền dẫn quân vào ải chiêu an bá tánh, kiểm điểm lương tiền.

Thấy sáu cha con họ Dư trung nghĩa, Tử Nha truyền quân chôn cất tử tế.

Những binh tướng chưa được lành mạnh, Tử Nha cho ở lại ải Ðồng Quan dưỡng bệnh, còn những binh tướng mạnh mẽ đều được lệnh sửa soạn tấn binh.

Huỳnh Long chơn nhơn và Ngọc Ðảnh chơn nhơn bước ra nói:

– Ðằng trước kia là trận Vạn Tiên, phải để Võ Vương ở lại đây an nghỉ, các tướng ở lại phò hộ, chỉ riêng các đệ tử tiên gia tham chiến mà thôi, Nguyên soái nên cho người đến gần trận cất một cái Lư Bồng, để rước chư tiên và mấy vị Tây phương. Lần này nữa thì dứt anh em chúng tôi về núi tu hành. Nguyên soái cũng đã tai qua nạn khỏi.

Tử Nha nghe nói liền truyền Dương Tiễn và Lý Tịnh ra cất Lư Bồng.

Vài hôm sau Lư bồng đã cất xong, Dương Tiễn trở về báo lại.

Huỳnh Long chơn nhơn nói:

– Phải truyền các tướng đồn binh cách xa Lư Bồng bốn mươi dặm, không ai đựợc đến Lư Bồng, chỉ trừ các đệ tử tiên gia mà thôi. Ðợi phá trận xong sẽ tấn binh lấy ải.

Các tướng đều tuân lệnh. Hai vị chơn nhơn cùng với Tử Nha dẫn các đồ đệ đến Lư Bồng, thấy hương đốt thơm tho, hoa đèn rực rỡ, bốn bề kéo gấm, bốn cửa có thang.

Chẳng bao lâu đã thấy Quảng Thành Tử, Xích Tinh Tử, Văn Thù Quảng pháp thiên tôn, Phổ Hiền đạo nhơn, Từ Hàng đạo nhơn, Thanh Y đạo nhơn, Thái Ất chơn nhơn, Linh Bửu đại pháp sư, Ðạo Hạnh thiên tôn, Cù Lưu Tôn, Vân Trung Tử, Nhiên Ðăng đạo nhơn, tất cả đều đến Lư Bồng một lượt.

Tử Nha ra ngoài nghênh tiếp, các tiên đáp lễ và nói:

– Qua hội này mới xong việc một ngàn rưỡi năm nay.

Tử Nha hỏi thăm Nhiên Ðăng:

– Trận này ra sao?

Nhiên Ðăng đáp:

– Phải đợi Tôn sư xuống mới biết được.

Bấy giờ Kim Linh thánh mẫu ở trong trận Vạn Tiên, thấy Lư Bồng có hào quang chói sáng, biết các đệ tử cung Ngọc Hư đã đến, liền vỗ tay sấm nổ, hiện ra một trận Vạn Tiên.

Bởi vì, tuy trận Vạn Tiên đã lập, nhưng ngút tỏa khói che, không ai thấy được.

Các tiên lên Lư Bồng trông thấy ngồi ngó sững sờ. Trong trận hiện nhiều biển nọ non kia không biết bao nhiêu mà kể. Lại có nhiều vị tiên dị hình thuở nay chưa từng thấy lần nào, từng dưới từng trên chen nhau không lọt.

Nhiên Ðăng nói với các tiên:

– Hôm nay chúng ta mới thấy Triệt giáo là đông, chẳng biết mấy ngàn mà kể.

Huỳnh Long chơn nhơn đáp:

– Từ nguyên thỉ đến nay, đạo gia phải coi là trọng, nên lựa người đức hạnh mới truyền, không ngờ Triệt giáo khác hơn, đụng ai truyền nấy. Tuy là đông, nhưng ít người có đức. Những kẻ dữ như hùm cũng xen vào đó, làm sao thành chánh quả, khỏi đọa luân hồi?

Ðạo Hạnh thiên tôn nói:

– Một ngàn rưỡi năm mới gặp một hội, chúng ta xuống Lư Bồng xem thử.

Nhiên Ðăng nói:

– Chúng ta chẳng nên coi trước, đợi tôn sư đến sẽ hay.

Quảng Thành Tử nói:

– Chúng mình không phá trận, cũng chẳng khiêu khích ai, đứng xa coi can chi lại sợ.

Các tiên đều khen lời nói của Quảng Thành Tử là đúng, đồng kéo xuống Lư Bồng. Nhiên Ðăng không cản được, túng thế phải theo sau, vì sợ các tiên sinh sự.

Các tiên xem thấy trận nhiều cửa lắm, hào quang muôn trượng, sát khí ngàn trùng, đều lắc đầu tự nhủ:

– Thật là trận dữ, lắm kẻ hung hăng.

Nhiên Ðăng nói:

– Quý vị xem cho kỹ, trong trận có người nào chơn tu từ thiện hay không?

Các tiên đều lắc đầu lui gót. Bỗng nghe trong trận chuông khua inh ỏi, có một vị tiên Triệt giáo từ trong trận bước ra ngâm lớn:

Người cười Mã Toại thiệt tiên ngây,

Mới tiết tiên ngây có phép này

Ngày có phép này ai hiểu thấu?

Nầy ai hiểu thấu cự cùng đây.

Mã Toại ngâm xong kêu lớn:

– Các tiên Xiển giáo coi thường giáo đạo ta! Ðã xem trận ta thì phải thử tài cao thấp.

Nhiên Ðăng trách các tiên:

– Tại quý vị cãi lời tôi, lén xem chi sinh sự.

Huỳnh Long chơn nhơn bước tới nói:

– Mã Toại, đừng khoe tài cậy phép. Nay ta chẳng hơn thua cao thấp với ngươi, đợi thầy ta tới đây rồi sẽ phá trận, ngươi chớ nóng nảy làm gì.

Mã Toại nhảy tới chém Huỳnh Long chơn nhơn một đao.

Huỳnh Long chơn nhơn đỡ ra chém lại.

Ðánh được vài hiệp, Mã Toại quăng Kim Cô rớt xuống, niền đầu Huỳnh Long chơn nhơn lại làm cho Huỳnh Long chơn nhơn nhức đầu té xỉu xuống đất, ôm đầu la chết.

Các tiên vội đến đỡ Huỳnh Long về Lư Bồng, lột Kim Cô ra, nhưng không làm sao gỡ được, gỡ chừng nào Kim Cô bóp chặt chừng nấy. Ðến nỗi Huỳnh Long chơn nhơn lòi con mắt, đổ hào quang.

Các tiên không biết làm sao, ngồi chùm nhum mà ngó.

Bấy giờ Nguyên Thỉ đã định xuống phá trận Vạn Tiên, nên sai Nam Cực tiên ông cầm Ngọc phù đi trước.

Nam Cực tiên ông cỡi hạc đến nơi, vừa sa xuống, Mã Toại trông thấy đằng vân lên mây đón đường. Nam Cực tiên ông nói lớn:

– Mã Toại, đừng làm dữ, chưởng giáo tôn sư đi sau.

Mã Toại không tin, muốn trổ tài với Nam Cực tiên ông, bỗng nghe mùi hương bay tới, lại nghe tiếng nhạc đến gần, biết có Nguyên Thỉ thiên tôn, mới chịu đằng vân về trận.

Nam Cực tiên ông xuống Lư Bồng, tin cho chư tiên hay trước, chư tiên đều xuống Lư Bồng đồng lạy nghênh tiếp.

Nguyên Thỉ nói:

– Huỳnh Long mắc nạn Kim Cô, hãy lại đây thầy giải cứu.

Huỳnh Long chơn nhơn bước tới, Nguyên Thỉ họa bùa, Kim Cô rớt xuống tức thì. Huỳnh Long chơn nhơn lạy tạ rồi đứng một bên.

Nguyên Thỉ nói:

– Phá trận này rồi, các ngươi khỏi nạn thì lo về núi tu hành, nghe giảng dạy như xưa, chớ nên xuống hồng trần mà mắc đọa.

Các tiên đồng cúi đầu, đứng hầu hạ hai bên.

Bỗng nghe tiếng nhạc vang trời, mùi hương ngát mũi, Nguyên Thỉ biết Lão Tử giáng hạ, liền dắt đệ tử ra ngoài nghinh tiếp.

Lão Tử bước xuống Thanh ngưu, lên Lư Bồng ngồi giữa.

Các tiên làm lễ xong, Lão Tử vỗ tay nói:

– Nhà Châu bất quá tám trăm năm sự nghiệp mà ta phải xuống thế bốn lần. Tuy là bậc thần tiên vẫn còn mắc khí số.

Nguyên Thỉ nói:

– Khí số thần tiên phật tổ còn không tránh khỏi, huống chi học trò tôi phạm tội sát sanh, làm sao khỏi đọa. Tôi xuống đây một chuyến cho xong sát kiếp thì thôi.

Hai vị nói rồi ngồi làm thinh cho đến tối.

Qua đến giờ tí, hai đạo hào quang xông lên, nhểu xuống như mưa không dứt.

Kim Linh thánh mẫu ở trong trận Vạn tiên thấy hai đạo hào quang, biết nhị vị sư bá đã đến, thầm nhủ:

– Sư bá đã đến rồi, sao thầy mình chưa thấy?

Rạng ngày nghe giọng đàn thánh thót, tiếng ngọc leng keng, Thông Thiên giáo chủ dẫn các tiên tới trận.

Kim Linh thánh mẫu cùng các tiên ra ngoài rước, Thông Thiên giáo chủ lên ngồi trên đài Bát quái, các tiên làm lễ rồi đứng hầu.

Kim Linh thánh mẫu thưa:

– Hai vị sư bá đã đến rồi.

Thông Thiên giáo chủ nói:

– Nay trăng khuyết khó tròn. Ðã lập trận Vạn Tiên phải làm cho biết thấp cao để rửa lòng mình cho sạch.

Nói rồi sai Trường Nhĩ Ðịnh Quang Tiên đem thơ dâng cho hai vị sư bá.

Ðịnh Quang Tiên vâng lệnh đem thơ đến dưới Lư Bồng, Na Tra hỏi:

– Ngươi là ai đến đây có việc chi?

Ðịnh Quang Tiên nói:

– Tôi đi hạ chiến thơ cho hai vị sư bá, cảm phiền thưa giúp một lời.

Na Tra lên Lư bồng nói lại, Lão Tử truyền cho vào.

Ðịnh Quang Tiên bước tới, làm lễ dâng thơ, Lão Tử khai thơ xem rõ nói:

– Ta đã biết rồi. Ngày mai phá trận.

Ðịnh Quang Tiên lạy tạ lui về, thuật chuyện lại với Thông Thiên giáo chủ.

Hôm sau, Lão Tử và Nguyên Thỉ dẫn các đồ đệ đến xem trận Vạn Tiên.

Lão Tử xem rồi nói với Nguyên Thỉ:

– Ta xem trận này thấy Triệt giáo dùng nhiều người kỳ quái. Triệt giáo chỉ dạy người cho đông không chọn người đức hạnh cho nên không mấy người thành chánh quả.

Bỗng thấy Thông Thiên giáo chủ cỡi Khuê ngưu lướt tới, bái một cái và nói:

– Tôi xin chào hai vị sư huynh.

Lão Tử trách:

– Sư đệ thật quá tệ, không biết ăn năn sửa lỗi, làm sao gọi là giáo chủ được? Trước kia đã thất trận Tru Tiên, đáng lẽ ẩn mình tu luyện, sửa tánh rèn tài, lại còn lập trận này nữa, muốn cho đệ tử mình chết hết hay sao?

Thông Thiên giáo chủ nói:

– Nhị vị sư huynh đừng ỷ mình hiếp đáp tôi. Tôi và hai vị sư huynh cùng học một thầy, đạo cùng một gốc, tuy có chia hai phái hệ, nhưng vẫn là tình anh em. Trước hết, hai vị sư huynh để môn đồ mình khi dễ Triệt giáo chúng tôi, mà không có một lời răn dạy. Như vậy hai vị sư huynh có tự cho mình là khỏi phải cần ăn năn sửa lỗi hay không? Còn bảo là tôi dạy học trò bừa bãi, không chọn người thì thật không đúng, vì đã là đạo, chủ trương mở rộng từ bi, giúp người cứu thế thì dù kẻ ác người thiện vẫn có quyền hành đạo, không cấm ngăn ai cả. Ðạo là khung cửa mở rộng thênh thênh cho những ai muốn vào. Hai vị sư huynh tự cho môn đồ mình có đạo đức ư? Chưa chắc như vậy đâu! Thân Công Báo không phải là môn đồ Xiển giáo sao, đã vậy lại đi xúi giục môn đồ của tôi xuống trần làm loạn cho bỏ thân, hành động của môn đồ mình như vậy, hai vị sư huynh dám cho mình là toàn vẹn không? Ðã có một Thân Công Báo làm bậy, thì một Quảng Thành Tử khi dễ Triệt giáo chúng tôi không phải là chuyện không có. Còn nói đến việc tôi lập trận Tru Tiên, chẳng qua để cảnh cáo môn đồ Xiển giáo, làm cho chúng thấy rằng Triệt giáo không phải bất tài, hèn hạ như chúng tưởng, nếu hai vị sư huynh đáng mặt đạo đức, cầm quyền chưởng giáo thì phải tự thấy lỗi mình trước, răn dạy môn đồ, lại ỷ mạnh hiếp đáp chúng tôi nữa. Nhưng nếu hai vị sư huynh cùng tôi xếp xử, trong nhà đóng cửa dạy nhau, thì cũng chẳng có gì ân hận, đàng này hai sư huynh lại thỉnh Chuẩn Ðề đến, dùng Gia Trì xử đánh tôi nữa. Tại sao hai sư huynh nhờ người ngoài đến đánh bạn mình mà không thấy xấu hổ. Tôi với hai sư huynh cùng học một thầy, cùng một đạo, Chuẩn Ðề đánh tôi cũng như đánh hai sư huynh, lẽ nào sư huynh không thấy việc nhục nhã. Hai sư huynh bảo tôi về núi ăn năn sửa tánh, nhưng theo tôi, chính hai sư huynh phải ăn năn sửa tánh mới phải.

Nguyên Thỉ cười nói:

– Sư đệ đừng cãi lẽ làm chi. Ðã lập trận rồi thì cứ trổ tài cho biết cao thấp.

Thông Thiên giáo chủ nói:

– Nay tôi đã quyết báo cừu cho đã giận, đem trận này rửa lòng cho sạch, thì trừ ra tôi không làm giáo chủ nữa tôi mới dẹp trận này mà thôi.

Thông Thiên giáo chủ nói dứt lời quay vào trận, lập thành một cái trận nhỏ, ba dinh dính liền nhau, rồi cỡi Khuê ngưu trở ra nói:

– Hai sư huynh biết trận này chăng?

Lão Tử cười ngất nói:

– Trận này trong tay ta, lẽ nào ta lại không biết. Ấy là trận Thái cực sanh lưỡng nghi, tứ tượng.

Thông Thiên giáo chủ hỏi:

– Tuy biết tên trận, song dám phá hay không?

Nguyên Thỉ nói:

– Ngươi hãy nghe đây:

Mới chia hỗn độn đạo là cao,

Trong đục phân hai có khó nào

Thái cựa, lưỡng nghi sanh tứ tượng,

Trong tay tóm lại nhẹ như phao.

Lão Tử nói:

– Ai dám phá trận Thái cực?

Xích Tinh Tử bước đến thưa lớn:

– Ðệ tử xin ra sức.

Nói rồi bước ra ngâm:

Mừng nay tai nạn đã gần qua,

Sửa soạn về non dạo cỏ hoa,

Thái cực trận này vào chẳng khó,

Một mình lướt tới sẽ xông ra.

Xích Tinh Tử ngâm xong, xách gươm vào trận thì gặp một vị tiên râu dài, mặt đen, mặc áo Huyền quân, ấy là Ô Vân tiên chủ trận Thái Cực.

Ô Vân tiên trông thấy Xích Tinh Tử hỏi lớn:

– Xích Tinh Tử! Ngươi dám phá trận ta chăng?

Xích Tinh Tử mỉm cười nói:

– Ô Vân Tiên! Ngươi đừng có kêu ngạo, trận Thái Cực này là nơi chôn ngươi đó.

Ô Vân Tiên nổi xung, chém tới một gươm, Xích Tinh Tử đỡ ra chém lại.

Hai bên đánh được bốn hiệp thì Ô Vân Tiên quăng Hỗn nguyên chùy lên, Xích Tinh Tử té nhào xuống đất.

Quảng Thành Tử thấy vậy hét lớn:

– Chớ hại đạo huynh ta! Có Quảng Thành Tử đến bắt ngươi đây!

Nói rồi xông vào hỗn chiến. Nhưng đánh vài hiệp, Ô Vân Tiên cũng quăng Hỗn nguyên chùy lên, Quảng Thành Tử cũng nhào xuống cát, nhưng gượng đứng dậy được chạy qua hướng Bắc.

Thông Thiên giáo chủ thấy Quảng Thành Tử chạy trốn, liền nói lớn:

– Ô Vân Tiên! Ngươi phải bắt cho được Quảng Thành Tử đem về đây nạp cho ta.

Ô Vân Tiên vâng lệnh, đuổi theo.

Quảng Thành Tử chạy một mạch đến chân núi ngó ngoảnh lại thì thấy Ô Vân Tiên vẫn còn đuổi theo bén gót.

Quảng Thành Tử thất kinh sửa soạn chạy nữa, nhưng may thay vừa lúc đó có Chuẩn Ðề từ trong núi bước ra, chận Ô Vân Tiên lại nói:

– Tôi xin chào đạo hữu.

Ô Vân Tiên biết mặt Chuẩn Ðề, tức giận hét lớn:

– Chuẩn Ðề! Ngày xưa ngươi phá trận Tru Tiên làm nhục thầy ta, hôm nay lại cản đường không cho ta bắt Quảng Thành Tử, thật thù này chẳng đội trời chung với ngươi.

Nói rồi vung gươm chém tới.

Chuẩn Ðề hả miệng, tức thì một bông sen bay ra cản lưỡi gươm lại rồi ngâm:

Sen xanh trên lưỡi ngăn gươm lại,

Phướng trắng trên tay dắt bạn về.

Ngâm xong nói tiếp:

– Ô Vân Tiên! Ngươi có phận làm bạn với ta, nên hôm nay ta đón ngươi về cực lạc.

Ô Vân Tiên tức giận, hai mắt đỏ ngầu, hét:

– Chuẩn Ðề! Ngươi khi ta quá lắm rồi. Vậy hãy đỡ.

Nói vừa dứt lời, lưỡi gươm trên tay đâm thẳng vào mặt Chuẩn Ðề.

Chuẩn Ðề đưa tay chỉ một cái, hiện ra một bông sen trắng đỡ gươm vẹt ra, rồi ca:

Trong tay sen trắng đỡ trường gươm,

Muốn đọ Ô Vân phải chịu nhường,

Ở chốn hồng trần xem chẳng thú,

Quyết đem đạo hữu lại Tây phương.

Ô Vân Tiên nghe ca tức lồng lên, hét:

– Chuẩn Ðề! Ðừng có nói xàm, ta chẳng nghe đâu.

Ðoạn chém một gươm.

Chuẩn Ðề chỉ tay một cái, hiện ra bông sen đỡ gươm và nói:

– Ô Vân Tiên! Ta lấy lòng từ bi tế độ, không nỡ cho ngươi hiện nguyên hình. Nếu không nghe lời cứ làm tới thì thật uổng công tu luyện. Vậy hãy suy nghĩ kỹ lại đi, có theo ta về miền cực lạc Tây phương hay không?

Ô Vân Tiên chẳng khác nào lửa đổ thêm dầu, không nói năng gì cả bay tới đâm nhầu. Chuẩn Ðề liền đưa Phất thủ ra đỡ làm cho gươm của Ô Vân Tiên bay mất lưỡi, chỉ còn cái cán nằm trong tay.

Ô Vân Tiên thất kinh liền quăng Hỗn Nguyên chùy lên.

Chuẩn Ðề trông thấy bỏ chạy.

Ô Vân Tiên không bỏ một cơ hội nào đuổi theo bén gót.

Chuẩn Ðề liền kêu lớn:

– Vậy chớ đồ đệ ở đâu?

Tức thì Thủy Hỏa đồng tử cầm Lục căn thanh tịnh trước, tức là cần câu chạy đến.

Phong Thần Diễn Nghĩa

Phong Thần Diễn Nghĩa

Status: Completed Author:

“Phong Thần Diễn Nghĩa” thuộc thể loại truyện tiên hiệp là bộ tiểu thuyết lịch sử được siêu nhiên hóa màu sắc của Đạo Giáo (Xiển giáo và Triệt giáo).

Lấy cuộc chiến tranh phạt Trụ của Châu Võ Vương làm nền cho bối cảnh cốt truyện, nhưng những sự việc, tình tiết hoàn toàn là dã tưởng hoang đường. Truyện không những kích thích trí tưởng tượng của độc giả mà còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa mà tác giả muốn gửi đến người đọc theo phương pháp "ý tại ngôn ngoại"

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset