Hồi 84: Kéo binh Lang đánh ải Lâm Ðồng

Kéo binh Lang đánh ải Lâm Ðồng

Bấy giờ Thông Thiên giáo chủ đã duyệt qua khắp trận và các tiên cũng đã xuất hiện đầy đủ.

Lão Tử nói:

– Ta quyết một trận cho biết thấp cao, song lại thương hại cho những kẻ tu hành không được thành tiên, bị Phong Thần nhiều lắm, không phải tại chúng ta.

Thông Thiên giáo chủ nói lớn:

– Ta quyết phen này cho chúng bây biết sức.

Nói rồi giục Khuê ngưu tới chém Lão Tử.

Lão Tử đưa gậy ra đỡ, cười và nói:

– Sức ngươi ta biết rồi. Chắc hôm nay ngươi phải mang tai ách quá.

Nói rồi vung gậy hỗn chiến, cát bụi bay nghịt trời.

Bấy giờ Nguyên Thỉ kêu mười hai vị đệ tử đến nói:

– Hôm nay quyết một trận cho thành công, các ngươi phải ráng hết để đoạt lấy thành công. Vậy hãy mau xông vào phá trận Vạn Tiên.

Các đệ tử Xiển giáo mừng rỡ, đồng xông vào một lượt phá trận.

Văn Thù cỡi Thanh sư, Phổ Hiền cỡi Bạch tượng, Từ Hàng cỡi Kim mao hẩu, ba người này vỗ thú bay vào giữa trận.

Linh Bửu đạo pháp cầm gươm báu xông vô, Thái Ất chơn nhơn cầm binh khí lướt tới, Cù Lưu Tôn, Huỳnh Long chơn nhơn, Nhiên Ðăng đạo nhơn đồng cầm binh khí và bửu bối vào trận.

Sau hết là Tử Nha dẫn các đệ tử theo sau trợ chiến.

Bỗng lại thấy Lục Yểm từ trên mây sa xuống, cũng nhảy vào trận luôn.

Còn bên trận Vạn tiên thì có Kim Linh thánh mẫu, Võ Ðương thánh mẫu, Tì Lư Tiên, Kim Cô Tiên, Thân Công Báo, Khưu Dẫn,…

Hai bên hỗn chiến với nhau, không còn phân biệt gì nữa.

Lão Tử, Nguyên Thỉ đánh với Thông Thiên giáo chủ.

Kim Linh thánh mẫu bị Từ Hàng, Văn Thù, Phổ Hiền phủ vây.

Kim Linh thánh mẫu cầm ngọc Như ý cự với ba vị đạo sĩ một hồi lâu rồi liệng mão xuống đất, bỏ tất cả, ra lực giao tranh.

Rủi gặp Nhiên Ðăng vừa tới. Thấy vậy quăng xâu chuỗi Ðịnh hải châu lên, trúng nhằm Kim Linh thánh mẫu bể đầu, hồn bay lên đài Phong thần.

Quảng Thành Tử thấy hỗn chiến liền quăng gươm Tru tiên lên, Xích Tinh Tử quăng gươm Lục tiên lên, Ðạo Hạnh thiên tôn quăng gươm Hãm tiên, Ngọc Ðảnh chơn nhơn quăng gươm Tuyệt tiên lên.

Bốn cây gươm phép tỏa khói đen ngùn ngụt, bao phủ cả trận Vạn Tiên. Những người có tên trong bảng Phong Thần đều bị bốn cây gươm này chém hết.

Thông Thiên giáo chủ trông thấy thở dài than:

– Thật tàn nhẫn! Ta không ngờ chúng nó lại dùng bốn cây gươm phép của ta mà hại bọn môn đồ ta.

Còn Tử Nha lúc ấy quăng Ðả Thần Tiên lên đánh phụ với mấy gươm báu.

Na Tra hiện ba đầu tám tay chém giết rất hung hăng.

Dương Tiễn múa đao chém người như chém chuối.

Lý Tịnh cầm kích phóng tới như phóng lao. Kim Tra, Mộc Tra quăng gươm linh lên sát phạt.

Vi Hộ quăng Gián ma xử lên đánh chết cũng nhiều.

Lôi Chấn Tử bay lên cao đụng ai đập nấy.

Dương Nhậm mở quạt báu quạt địch thủ tiêu xương.

Tiếp Dẫn đạo nhơn mở túi Càn khôn ra, nhắm những người nào có phước thì thâu vào.

Thông Thiên giáo chủ thấy đệ tử mình gần chết hết, nổi giận hét lớn:

– Trường nhĩ Ðịnh Quang Tiên đâu, sao không rung phướng lục hồn trợ chiến?

Thông Thiên giáo chủ kêu mãi mà chẳng thấy phướng rung. Bởi vì Ðịnh Quang Tiên thấy Xiển giáo nhiều phép, đã cuốn phướng lạc hồn đến núp dưới Lư Bồng ẩn mặt để khỏi chết oan.

Thông Thiên giáo chủ kêu không thấy, biết Ðịnh Quang Tiên đã trốn, tức mình muốn qua Lư Bồng mà kiếm, song bị bốn vị giáo chủ ngăn đón, Thông Thiên giáo chủ ý muốn lui về non tiên lại sợ hổ mặt với môn đồ mình, túng phải đánh liều tới đâu hay tới đó.

Ðánh được một lúc, Thông Thiên giáo chủ bị lão Tử đập xuống một gậy, nổi xung lấy trái Chùy Tử Lôi quăng lên.

Lão Tử cười lớn:

– Báu vật ấy hại ta sao được.

Tức thì trên đầu Lão Tử hiện ra một cái tháp đỡ Tử Lôi chùy.

Thông Thiên giáo chủ thất kinh, bị Nguyên Thỉ đánh một ngọc Như ý trúng vai gần té. Liền gượng dậy ráng sức giao công, nhìn lại thấy nhị thập bát tú đã chết sạch.

Thân Công Báo và Võ Ðương thánh mẫu biết tình thế không xong liền bỏ chạy trước, Khưu Dẫn thấy thế chạy theo sau.

Lục yểm giở bầu gươm phép chém Khưu Dẫn rụng đầu.

Tì Lư Tiên chui vào túi Càn khôn, sau về Tây phương thành Tì Lư phật. Còn nhiều người khác phước đức cũng chui vào túi Càn khôn hết.

Bây giờ Chuẩn Ðề hiện hai mươi bốn đầu mười tám tay, cầm đủ các phép đánh Thông Thiên giáo chủ.

Thông Thiên giáo chủ chém một gươm.

Chuẩn Ðề cầm nhành cây thất bửu gạt ngang, gươm của Thông Thiên gãy từng đoạn. Thông Thiên giáo chủ giục Khuê ngưu bại tẩu, ba trăm tiên Triệt giáo còn lại chạy theo thầy.

Bốn vị giáo chủ không đuổi truyền hồi chuông vàng khánh ngọc, đồng nhau kéo về Lư Bồng.

Về đến nơi, Nguyên Thỉ thấy Ðịnh Quang Tiên núp dưới Lư Bồng lấy làm lạ hỏi:

– Ngươi là môn đồ Triệt giáo, sao lại trốn nơi đây?

Ðinh Quang Tiên quỳ lạy thưa:

– Thầy tôi có luyện cây phướng Lục Hồn, đề tên hai vị sư bá, hai vị giáo chủ Tây phương, Châu Võ Vương và Khương Nguyên soái, dặn tôi chờ lúc hỗn chiến rung phướng ấy. Song tôi nghĩ thầy tôi hay nghe lời học trò, làm nhiều điều trái lẽ, nên chẳng nỡ làm, cuốn phướng ấy qua ẩn mặt nơi đây.

Nguyên Thỉ nói:

– Lạ thật! Ngươi học trò Triệt giáo sao lại có nhơn đức như vậy? Hay là ngươi muốn theo Xiển giáo? Nếu không có cốt tiên lẽ nào đừng lương tâm.

Nói rồi truyền Ðịnh Quang Tiên theo lên Lư Bồng.

Lão Tử bảo Ðịnh Quang Tiên:

– Ngươi đưa cây phướng Lục Hồn xem thử.

Ðịnh Quang Tiên tuân lệnh dâng lên.

Tiếp Dẫn đạo nhơn nói:

– Chúng ta xé tên Võ Vương và Khương Thượng, rồi xổ phướng ấy ra rung thử.

Sau khi xé tên xong, Ðịnh Quang Tiên phất qua phất lại ít lần, thấy trên đầu Nguyên Thỉ hiện vừng mây ngũ sắc, trên đầu Lão Tử hiện cái tháp Lung linh, trên đầu Chuẩn Ðề hiện hào quang, trên đầu Tiếp Dẫn hiện xá lợi, Ðịnh Quang Tiên rung mãi không thấy gì, liền quăng cây phướng lạy bốn vị giáo chủ và thưa:

– Như vậy thầy tôi đã làm việc vô ích, hại mạng môn đồ.

Tiếp Dẫn đạo nhơn nói:

– Ngươi nghe thử bài kệ này:

Cảnh Tây phương sắc sảo,

Nước Cực lạc bình yên

Châu ngọc như đá sỏi,

Loan phụng đậu thường xuyên

Bông sen thay xác tục,

Tòa báu đãi người tiên

Ai có công tu niệm,

Từ bi mới gặp duyên.

Ngâm rồi nói:

– Ðịnh Quang Tiên là người hiền, nên rước về Phật cảnh.

Nguyên Thỉ nói:

– Ngươi có phước đức mới gặp đạo huynh. Hãy lạy mà thọ giáo.

Ðịnh Quang Tiên y lời, lạy hai vị giáo chủ Tây phương nguyện theo về Cực lạc.

Bấy giờ Tử Nha đứng dưới Lư Bồng, nói với các đệ tử:

– Nay trận Vạn Tiên phá rồi, khỏi lo Triệt giáo ngăn trở nữa.

Ai nấy đều vui mừng.

Thông Thiên giáo chủ từ khi trận Vạn Tiên bị phá, các đệ tử có đức hạnh đều chun vào đãy Càn khôn về Tây phương, những người chưa đáng thành tiên hồn lên đài Phong Thần hết thảy. Duy còn ba trăm đệ tử mới tu, không có tên trong bảng Phong Thần còn sót lại chạy theo thầy.

Thông Thiên giáo chủ chạy đến chân núi kia ngồi nghỉ, nhìn lại ba trăm môn đệ ứa nước mắt nói:

– Ta bị Ðịnh Quang Tiên trở lòng, lấy phướng Lục Hồn trốn mất, lại bị Nguyên Thỉ và Lão Tử dùng bốn cây gươm báu của ta sát lại môn đồ. Hai lẽ đó làm cho ta bại trận. Nay mặt mũi nào về cung Bích Du nữa. Ta muốn trở lại lập một trận nữa, giết môn đệ chúng nó để trả thù.

Các đệ tử đồng nói:

– Tôn sư định lập trận gì?

Thông Thiên giáo chủ nói:

– Ta định lập trận Ðịa thủy hỏa phong.

Các đệ tử hỏi:

– Trận ấy so với Tru Tiên và Vạn Tiên như thế nào?

Thông Thiên giáo chủ nói:

– Trận Tru Tiên và Vạn Tiên ta lập đó chẳng qua là để cảnh cáo. Dầu sao ta với hai vị sư bá của các ngươi cũng là bằng hữu, trước kia cùng học một thầy, giận nhau không nỡ dùng độc thủ. Thế mà hai người ấy cậy đông, ỷ sức, làm nhục ta hai lần. Trận Ðịa thủy hỏa phong này không phải chỉ giết môn đệ của chúng mà thôi, mà giết cả hai vị giáo chủ của Xiển giáo nữa.

Các môn đệ nghe nói mừng rỡ reo lên:

– Nếu vậy xin thầy ra tay một trận, để cứu lấy danh dự giáo phái chúng ta.

Thông Thiên giáo chủ buồn bã nói:

– Ðó là một việc lớn, có thể làm chấn động đến cơ trời, chẳng phải tầm thường. Vì trận ấy là một trận dữ, mà suốt đời tu hành ta đã luyện được. Ta tính đến cung Tử Tiêu, thưa với thầy ta là Hồng Quân lão tổ, rồi mới dám lập.

Dứt lới Thông Thiên giáo chủ ngồi yên trong trầm lặng, hình như đang tìm một cơ năng huyền diệu trong người để phát động một năng lực mới.

Giữa lúc đó, nơi hướng Nam có một vừng mây năm sắc hiện ra, hào quang chiếu sáng lòa, gió quyện mùi hương thơm nực.

Rồi có một ông lão đi đến ngâm lớn:

Từ đời Bàn cổ ẩn trong rừng,

Dạy được ba trò dạ rất ưng

Xiển giáo chia ra cùng Triệt giáo,

Cho hay cũng một gốc Hồng quân.

Thông Thiên giáo chủ giật mình, biết Hồng Quân lão tổ đến, liền quỳ mọp xuống đất nghinh đón và thưa:

– Ðệ tử không hay sư phụ đến, nên nghinh tiếp trễ. Xin sư phụ tha tội.

Hồng Quân lão tổ hỏi:

– Sao ngươi lập trận Vạn Tiên thiệt hại môn đồ ngươi nhiều như vậy?

Thông Thiên giáo chủ thưa:

– Bởi hai vị sư huynh khi dễ Triệt giáo, để học trò mắng nhiếc đệ tử quá lời, chẳng nghĩ đến tình thầy, khinh thường bạn hữu.

Hồng Quân lão tổ nói:

– Sao ngươi không tự trách mình, mà tìm lời trách bạn? Ngươi không nhớ lời giao ước khi mới lập bảng Phong Thần sao? Việc danh lợi là chỉ kẻ phàm, việc giận dữ là phần con gái. Nếu không dằn tánh ấy sao gọi là tiên? Vả lại ba anh em ngươi tu luyện từ thuở hỗn độn đến nay không phải một kiếp. Chẳng lẽ vì việc nhỏ nhen mà dứt nghĩa đồng song. Ta biết Lão Tử, Nguyên Thỉ cũng có nhiều điều trái lẽ, làm cho môn đồ Triệt giáo ngậm hờn, song hai người ấy thuận theo mà quấy động đạo trời. Ðã biết mỗi phái hệ có một đường tu, song đường tu nào kết cuộc cũng phải về lẽ chánh. Nếu ngươi thù hiềm mãi, cố lập trận Ðịa thủy hỏa phong, làm khó dễ cho hai vị sư huynh ngươi, thì phần ngươi cũng không an được. Ta lấy tình sư đệ xuống đây giải hòa. Ðạo nào lo dạy đạo nấy.

Thông Thiên giáo chủ thưa:

– Sư phụ quở trách đệ tử không dám cãi, nhưng xét ra Triệt giáo không làm gì hại đến Xiển giáo mà Xiển giáo cố áp bức, gây sát kiếp. Như hai trận vừa rồi, Xiển giáo mời hai vị giáo chủ Tây phương xuống đánh đệ tử, rồi chia nhau bắt môn đồ đệ tử một số hiện nguyên hình để sai khiến một số bắt đem đi để dùng riêng. Như vậy còn gì ức hiếp bằng. Sư phụ không nghĩ điều ấy quở trách đệ tử thật oan ức.

Hồng Quân lão tổ nói:

– Thì ta đã bảo hai bên đều có lỗi lầm cả. Nay phải bỏ lỗi lầm để hòa thuận với nhau. Nếu các ngươi có đứa nào không nghe lời, ta không nhìn là đệ tử nữa.

Nói rồi quay lại bảo ba trăm môn đồ Triệt giáo:

– Các ngươi hãy về động tiếp tục tu luyện, đừng nghĩ đến oán cừu nữa.

Thông Thiên giáo chủ thấy thầy mình nói gắt như vậy, nuốt hận thưa:

– Sư phụ đã dạy, đệ tử không dám cãi lời, nhưng thật không còn mặt mũi nào nhìn thấy ai nữa.

Hồng Quân lão tổ dắt Thông Thiên giáo chủ tới Lư Bồng.

Na Tra đứng ngoài đang bàn luận với các tiên, thấy Thông Thiên giáo chủ với một ông già tóc bạc chống gậy đến, hào quang chói mắt, vội chạy vào nói lớn:

– Có Thông Thiên giáo chủ và một lão sư đến đây.

Nguyên Thỉ và Lão Tử biết sư phụ mình đến, liền ra khỏi Lư Bồng quỳ mọp xuống đất nghinh đón.

Các đệ tử tiên gia thấy vậy thất kinh, ai nấy quỳ thành một hàng dài, sau hai vị giáo chủ.

Lão Tử và Nguyên Thỉ thưa:

– Chúng tôi không hay tin sư phụ đến, nên nghinh tiếp trễ tràng, xin sư phụ từ bi hỉ xả.

Hồng Quân lão tổ nói:

– Bởi các ngươi dạy đệ tử không nghiêm, nên sanh ra sát kiếp, Xiển giáo và Triệt giáo tranh nhau. Nay ta xuống đây lo việc giải hòa. Tai ta không muốn nghe cãi lý, mắt ta không muốn thấy tranh hành. Hai bên đều có những lỗi lầm, từ nay phải ăn năn chừa lỗi.

Lão Tử và Nguyên Thỉ đồng cúi đầu dạ một tiếng và thưa:

– Chúng tôi không dám cãi lệnh.

Nói rồi rước Hồng Quân lão tổ lên Lư Bồng.

Tiếp Dẫn và Chuẩn Ðề xin làm lễ, Hồng Quân lão tổ xua tay nói:

– Ba đứa học trò tôi là đệ tử, phải giữ lễ với thầy, còn quý vị đạo hữu xin cho tôi miễn điều ấy.

Tiếp Dẫn và Chuẩn Ðề bái một cái, rồi ngồi hầu hạ hai bên.

Các đệ tử lạy ra mắt, rồi đồng đứng hầu tả hữu.

Hồng Quân lão tổ nói:

– Ba đệ tử ta lại đây cho ta bảo.

Thông Thiên giáo chủ, Nguyên Thỉ và Lão Tử đều đến quỳ trước mặt, Hồng Quân lão tổ phán:

– Bởi khí số nhà Thương đã dứt, nhà Châu ra đời, nên hội chư tiên phải thuận theo lòng trời mà vạch bảng Phong Thần, dứt đời thịnh trị. Trên bước đường hành đạo, vì giáo lý của hai bên khiếm khuyết nên mới có cuộc tranh hành. Nhưng cũng do mệnh trời định, gấp rút cho đủ số Phong Thần. Song về lỗi lầm, ta xét Thông Thiên lỗi nhiều hơn, không phải ta thiên vị.

Tiếp Dẫn và Chuẩn Ðề đồng khen:

– Tôn sư xử đoán công bình lắm.

Hồng Quân lão tổ nói:

– Tuy vậy ta đến đây không phải luận phải quấy, mà chỉ hy vọng giảng hòa. Vì phải quấy không ích gì, chỉ có hòa thuận mới là quý. Hai bên phải nhịn nhau một ít, rời bỏ những khí tánh của mình, trở về núi tu hành, đừng sinh sự lôi thôi.

Ba vị đệ tử đồng cúi đầu. Hồng Quân lão tổ trút trong bầu thuốc lấy ra ba viên, chia cho ba người và nói:

– Chúng bây hãy nuốt mỗi đứa một viên thuốc này rồi ta sẽ giảng cho nghe.

Ba vị đệ tử nuốt mỗi người một hột.

Hồng Quân lão tổ nói:

– Thuốc này không phải là thuốc bổ mà là thuốc bịnh. Bịnh ấy là bịnh nóng giận. Hãy nghe bài kệ này:

Bởi vì ba gã khiến đua tranh,

Lỗi đạo làm em, lỗi phận anh

Từ ấy còn mang lòng cự địch,

Thuốc linh khắc phạt mạng tan tành.

Ba vị đệ tử đồng tạ ơn thầy.

Hồng Quân lão tổ đứng dậy, từ giã Tiếp Dẫn và Chuẩn Ðề, rồi bảo Thông Thiên theo chân mình về cung Tử Tiêu, đừng dạy ai học nữa.

Thông Thiên giáo chủ vâng lời.

Cùng lúc đó, Tiếp Dẫn, Chuẩn Ðề cùng từ giã trở lại Tây phương, còn các đệ tử đều lạy đưa Hồng Quân lão tổ.

Xong việc, Lão Tử và Nguyên Thỉ nói với Tử Nha:

– Nay hai ta và mười hai vị tiên trưởng đệ tử đâu về động đó tu hành. Còn ngươi lo việc phạt Trụ. Hoàn thành bảng Phong Thần, rồi mới trở về tu luyện được.

Nói rồi xuống Lư bồng, Tử Nha quỳ lạy thưa:

– Chẳng hay từ nay việc chinh phạt lành dữ thế nào xin sư phụ cho biết?

Lão Tử nói:

– Hãy nghe bài kệ này thì rõ:

Việc muốn xong rồi lựa hỏi ra?

Nạn dầu có gặp, gặp liền qua

Chư hầu gần hội tám trăm vị,

Các cuộc Phong thần vốn chẳng xa.

Lão Tử ngâm rồi đi về với Nguyên Thỉ.

Mười hai vị tiên ông cũng từ giã Tử Nha, nói:

– Nay chúng ta lui về, không gặp mặt nhau nữa.

Tử Nha bịn rịn; ngâm mấy câu tiễn đưa:

Khi đến Lâm Ðồng gặp gỡ nhau,

Nay chia hai ngã nghĩ càng đau

Từ rày cách mặt bao giờ thấy?

Kẻ tục người tiên đã khác màu.

Các tiên lui về hết.

Lục Yểm nắm tay Tử Nha nói:

– Việc chinh phạt bình yên, không có gì mà sợ. Dầu gặp nguy hiểm cũng có người cứu. Song còn vài chỗ khó khăn, nên ta để bầu gươm phép lại cho mà dùng. Từ nay ta về núi tu hành, chắc ít khi gặp mặt.

Tử Nha tạ ơn, lãnh bầu phi đao.

Lục Yểm giã từ đằng vân biến mất.

Khi Nguyên Thỉ đi một lúc, Bạch hạc đồng tử thấy Thân Công Báo cỡi cọp chạy ngang, Bạch Hạc đồng tử thưa:

– Thân Công Báo nhập theo Triệt giáo trong trận Vạn Tiên, nay trận bị phá Thân Công Báo tìm đường trốn thoát.

Nguyên Thỉ nghe nói liền trao ngọc Như ý và truyền Huỳnh cân lực sĩ bắt Thân Công Báo giam tại núi Kỳ Sơn để trị tội.

Huỳnh Cân lực sĩ lãnh ngọc Như ý chạy theo kêu lớn:

– Thân Công Báo! Ngươi chạy đi đâu cho khỏi? Ta vâng lệnh Thiên Tôn bắt ngươi đem về núi Kỳ Sơn.

Nói rồi dùng ngọc Như ý bắt Thân Công Báo tức thì.

Nguyên Thỉ đi xe trầm hương, đến chân núi Kỳ Sơn thì Huỳnh Cân lực sĩ đã đem nạp Thân Công Báo, Nguyên Thỉ nói:

– Khi trước ngươi thề làm sao, thì bây giờ ta làm như vậy.

Thấy Thân Công Báo cúi mặt làm thinh, Nguyên Thỉ lấy tấm nệm quăng ra, truyền Huỳnh Cân lực sĩ bó Thân Công Báo như cuốn kèn, đem nhận đầu xuống biển Bắc.

Có bài thơ rằng:

Cũng là Xiển giáo phải tầm Thương,

Công Báo vì đâu giúp Trụ Vương,

Quấy bạn rủ ren ba mươi sáu đạo,

Bây giờ chết đuối chẳng ai thương.

Huỳnh Cân lực sĩ nhận Thân Công Báo xuống biển Bắc, bị cái nệm phép nên độn không ra được, uống nước đầy bụng, thở chẳng ra hơi. Huỳnh Cân lực sĩ trở về thưa lại với Nguyên Thỉ mọi việc.

Bấy giờ Tử Nha đem các tướng về ải Lâm Ðồng ra mắt Võ Vương.

Võ Vương nói:

– Nay Thượng phụ đã về, tướng sĩ đủ mặt, xin kéo binh qua ải Lâm Ðồng để hội chư hầu kẻo trễ.

Tử Nha vâng lệnh truyền tấn binh, đến cách ải Lâm Ðồng tám mươi dặm hạ trại.

Chủ tướng ải Lâm Ðồng này là Âu Dương Thuần nghe tin Tử Nha kéo binh đến cướp ải, liền bàn với Biện Kim Long, Quế Thiên Lộc và Công Tôn Ðạt:

– Nay Khương Thượng kéo đại binh đến cướp ải, so với quân nó thì quân ta chẳng bằng một phần thì làm sao chống lại.

Các tướng nói:

– Ngày mai ta ra quân đánh với chúng một trận xem sao, nếu thắng thì cướp dinh chúng luôn nếu bại thì vào bế thành rồi viết sớ về triều ca xin viện binh.

Âu Dương Thuần khen phải, trong lòng đỡ lo.

Rạng ngày, Tử Nha ra khách hỏi:

– Tướng nào muốn đánh ải Lâm Ðồng?

Hoàng Phi Hổ xin đi.

Tử Nha nhận lời, Hoàng Phi Hổ kéo binh đi đến dinh thương khiêu chiến.

Quân vào báo.

Âu Dương Thuần hỏi các tướng:

– Tướng nào dám ra trận bắt nó?

Tiên phuông Biện Kim Long lãnh mạng kéo quân đi ra khỏi trại kêu Hoàng Phi Hổ hỏi:

– Tướng Châu tên họ là chi?

Hoàng Phi Hổ nói:

– Ta là Võ Thành Vương Hoàng Phi Hổ.

Biện Kim Long nổi giận mắng:

– Phản tặc! Dòng họ ngươi hưởng lộc vua thế mà không biết lo trả ơn lại đi phò giặc làm phản. Chuyến này gặp Kim Long này thì đừng thoát chết.

Hoàng Phi Hổ nổi giận đâm một thương.

Biện Kim Long đưa búa đồng ra đỡ. Ðánh được ba mươi hiệp thì Biện Kim Long bị Hoàng Phi Hổ đâm một giáo nhào xuống ngựa chết tươi.

Hoàng Phi Hổ cắt lấy thủ cấp rồi truyền thu binh về dinh, và đem thủ cấp dâng cho Tử Nha.

Âu Dương Thuần nghe tin Biện Kim Long tử trận thất kinh liền cho người báo tin cho vợ của Biện Kim Long là Từ Thị hay.

Từ Thị hay tin khóc lóc thảm thiết.

Lúc này con trai lớn của Biện Kim Long là Biện Kiết đang ở sau vườn nghe mẹ khóc vội chạy vào hỏi ra thì biết cha mình bị Hoàng Phi Hổ chém chết, Biện Kiết mím chặt hai môi, bỏ vào phòng nai nịt chỉnh tề, ra thưa với mẹ:

– Xin mẫu thân đừng khóc lóc vô ích. Ðể con ra trận báo thù cho cha.

Từ Thị không nghe lời can của con cứ khóc mãi, Biện Kiết nóng lòng vội bước ra ngoài thì thấy trời tối, liền vào phủ Âu Dương Thuần:

– Nay lỡ trời tối, xin để mai báo cừu.

Nói rồi trở về nha sai gia binh khiêng một cái cũi màu đỏ ra ngoài cửa ải, trước cửa dựng một cây phướng cao năm trượng rồi mở tủ lấy đầu phướng treo lên. Phướng này dùng một trăm cái sọ người xâu lại như xâu chuỗi được gọi là Bá cốt phang.

Người sau có bài thơ rằng:

Phướng kết sọ người thấy bắt ghê,

Ai đi qua đó cũng hôn mê,

Ví bằng Vua Võ không hồng phước,

Ngàn tướng muôn binh khó trở về.

Ðêm ấy Biện Kiết vẽ bùa, cho mỗi gia tướng mình giắt một lá trên mão.

Rạng ngày, Biện Kiết dẫn gia tướng đến trước dinh Châu múa kích kêu lớn:

– Tướng nào giỏi hôm qua bữa nay ra đánh thử.

Quân vào báo. Tử Nha hỏi:

– Tướng nào muốn xuất quân?

Nam Cung Hoát lãnh mạng ra trận. Ðến nơi thấy một tướng nhỏ mặt mày hung dữ.

Biện Kiết thấy Nam Cung Hoát kéo binh ra liền hỏi:

– Tướng Châu tên họ là gì?

Nam Cung Hoát cười lớn nói:

– Ngươi là thằng con nít miệng còn hôi sữa, không biết ta là đại tướng Nam Cung Hoát cũng phải.

Biện Kiết nói:

– Thôi ta chẳng giết ngươi là kẻ vô can hãy về kêu Hoàng Phi Hổ ra đây chịu chết. Vì nó giết cha ta thì ta phải hại mạng nó trước rồi mới đến phiên các ngươi.

Nam Cung Hoát nổi giận múa đao đến chém liền.

Biện Kiết đưa kích ra đỡ. Ðánh được ba mươi hiệp, Biện Kiết giục ngựa bỏ chạy, Nam Cung Hoát thừa thắng đuổi theo.

Nhưng Nam Cung Hoát vừa chạy đến chỗ cây phướng thì hôn mê bất tỉnh sa xuống ngựa.

Bọn gia tướng bắt trói lại kéo Nam Cung Hoát qua khỏi cây phướng thì Nam Cung Hoát tỉnh hồn mở mắt ra mới hay mình bị bắt.

Biện Kiết vào thưa với chủ tướng đã bắt được tướng Châu là Nam Cung Hoát, Âu Dương Thuần truyền dẫn vào.

Nam Cung Hoát vẫn đứng sững, Âu Dương Thuần nổi giận mắng:

– Phản tặc đã bị bắt sao không chịu quỳ van xin tha mạng, tới đây còn ngang ngạnh với ai? Ðao phủ đâu, mau dẫn ra chém và bêu đầu trước ải.

Công Tôn Ðạt vội can rằng:

– Hiện ở triều ca bọn nịnh thần tâu dối vua rằng chúng ta bịa ra chuyện giặc giã để chu cấp binh lương, cho nên đã dâng sớ, Thiên Tử chẳng những không thêm binh mà còn chém sứ. Ý tôi muốn giam Nam Cung Hoát chờ bắt Hoàng Phi Hổ rồi giải về Triều Ca cho gian nịnh trổ mòi và thiên tử hết nghi ngại.

Âu Dương Thuần khen phải, truyền giam Nam Cung Hoát sau dinh.

Tử Nha nghe tin Nam Cung Hoát bị bắt thì lo ngại.

Bữa sau quân vào báo:

– Biện Kiết đến khiêu chiến và kêu quyết Võ Thành Vương ra trận.

Hoàng Phi Hổ dẫn Hoàng Minh, Châu Kỷ kéo binh xông ra.

Biện Kiết chống kích hỏi:

– Ai là Hoàng Phi Hổ?

Hoàng Phi Hổ nói:

– Ta đây!

Biện Kiết nổi giận mắng:

– Mi là đứa phản chúa, cả gan giết cha ta, ta quyết bằm thây ngươi ra trăm mảnh để rửa hờn.

Nói rồi đâm một kích, Hoàng Phi Hổ vung giáo đỡ ra rồi đánh lại.

Hai bên giao chiến hơn ba mươi hiệp, Biện Kiết trá bại chạy dài.

Hoàng Phi Hổ giục ngựa đuổi theo vừa tới cột phướng liền hôn mê và cũng bị bắt như Nam Cung Hoát.

Biện Kiết đem đại tướng nạp cho Âu Dương Thuần và xin chém Hoàng Phi Hổ báo thù cha.

Âu Dương Thuần nói:

– Tuy tiểu tướng nóng báo cừu, nhưng Hoàng Phi Hổ là một tên đại phản, cần phải giải về Triều Ca cho thiên tử trị tội. Làm như vậy tiểu tướng đã báo được phụ cừu, mà còn được thiên tử ghi ơn.

Nói rồi truyền quân đem Hoàng Phi Hổ giam vào hậu dinh.

Biện Kiết ứa nước mắt bước ra ngoài.

Còn Châu Kỷ với Hoàng Minh xông vào cứu Hoàng Phi Hổ, đã không được lại suýt bị bắt, sợ hãi chạy về báo lại với Tử Nha.

Tử Nha nghe hai tướng bị bắt một lúc, kinh hãi hỏi:

– Tướng địch đánh cách nào mà một trận bắt đến hai người?

Châu Kỷ thuật lại mọi việc. Tử Nha than:

– Ðó cũng là phép tà đạo! Ðể ngày mai ta ra trận sẽ hay.

Hôm sau, Tử Nha dẫn các tướng ra trận, thấy cây phướng khói đen bay mù mịt, hơi lạnh ghê hồn.

Na Tra thấy mỗi cái sọ có vẽ bùa bằng châu sa, liền hỏi Tử Nha:

– Sư thúc có thấy bùa vẽ trên những cái sọ kia chăng?

Tử Nha nói:

– Ta thấy rồi. Ðó là phép tà đạo, các tướng đừng chạy qua cây phướng ấy thì chẳng hại gì.

Quân trong thành thấy Tử Nha xuất hiện, liền vào báo với Âu Dương Thuần.

Âu Dương Thuần dẫn quân đi nép một bên cửa, bước ra.

Tử Nha nói với các tướng:

– Rất đỗi chủ tướng còn không dám đi gần cây phướng, các ngươi không thấy sao?

Các tướng đều gật đầu tuân lệnh.

Tử Nha bước tới hỏi Âu Dương Thuần:

– Ngươi có phải là chủ tướng ải Lâm Ðồng không?

Âu Dương Thuần đáp:

– Ngươi không biết ta sao?

Tử Nha nói:

– Ngươi không biết thời trời. Năm ải chỉ còn có một, sao ngươi dám cự lại?

Âu Dương Thuần nổi giận nạt:

– Ngươi tài chi mà khoe khoang như vậy.

Nói rồi bảo Biện Kiết:

– Hãy bắt Khương Thượng cho ta.

Biện Kiết và các tướng xông tới.

Lôi Chấn Tử đón lại hét lớn:

– Tặc tướng đừng làm hỗn, có ta đây.

Nói rồi vỗ cánh bay lên cầm côn đập xuống.

Ðánh được ít hiệp, Biện Kiết trá bại bỏ chạy.

Lôi Chấn Tử nghĩ thầm:

– Cái phướng kia độc quá, chi bằng ta bay lên cao, đánh Biện Kiết thì lợi hơn.

Nghĩ rồi quạt cánh bay bổng. Chẳng ngờ trên ngọn phướng cũng có khí yêu, Lôi Chấn Tử mới giá côn lên, liền rơi xuống đất như chim bị đạn.

Quân của Biện Kiết bắt được tréo cặp cánh của Lôi Chấn Tử lại như tréo cánh gà rồi dùng dây trói cả hai tay.

Vi Hộ thấy vậy nổi nóng quăng Gián ma xử lên cố đánh phướng yêu cho nát chẳng ngờ Gián ma xử bị khí yêu chiếu vào rơi xuống đất.

Vi Hộ thấy Gián ma xử bị rớt chắt lưỡi than thầm, các tướng đều nhìn nhau mặt mày ngơ ngẩn.

Biện Kiết giục ngựa chạy ra kêu lớn:

– Tử Nha, hãy chịu trói cho sớm thì được toàn mạng.

Na Tra nổi giận giục xe xông tới hiện ba đầu tám tay hét lớn:

– Thất phu, đừng làm phách! Có ta đến đây.

Nói rồi đâm một giáo.

Biện Kiết thấy Na Tra dị tướng thì hết hồn nên chỉ đánh vài hiệp chưa kịp trá bại đã bị Na Tra quăng Càn khôn quyện đập vào mình gần sa xuống ngựa.

Biện Kiết kinh hãi bỏ chạy.

Lý Tịnh xốc tới Âu Dương Thuần.

Quế Thiên Lộc múa đao xông ra cản lại. Ðánh được ít hiệp, Lý Tịnh đâm Quế Thiên Lộc một kích nhào xuống ngựa chết tươi.

Âu Dương Thuần nổi giận xách búa đồng xông vào đánh Lý Tịnh.

Lý Tịnh đưa kích đỡ không muốn nổi. Tử Nha truyền giục trống trợ uy. Tân Giáp, Tân Miễn, Mao Công Toại, Châu Công Ðáng, Thiên Công Thích đồng vào tiếp chiến.

Âu Dương Thuần bị vây vào giữa tuy có sức mạnh như thần, song một mình cự sao cho lại.

Phong Thần Diễn Nghĩa

Phong Thần Diễn Nghĩa

Status: Completed Author:

“Phong Thần Diễn Nghĩa” thuộc thể loại truyện tiên hiệp là bộ tiểu thuyết lịch sử được siêu nhiên hóa màu sắc của Đạo Giáo (Xiển giáo và Triệt giáo).

Lấy cuộc chiến tranh phạt Trụ của Châu Võ Vương làm nền cho bối cảnh cốt truyện, nhưng những sự việc, tình tiết hoàn toàn là dã tưởng hoang đường. Truyện không những kích thích trí tưởng tượng của độc giả mà còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa mà tác giả muốn gửi đến người đọc theo phương pháp "ý tại ngôn ngoại"

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset