Hồi 94: Văn Hoán nổi xung chém Phá Bại

Văn Hoán nổi xung chém Phá Bại

Kim Tra thấy hai tướng đánh đồng lực, liền quăng Ðộn Long Thun trói mèo Ðậu Binh lại. Khương Văn Hoán chém một đao đứt làm hai đoạn.

Thương thay! Ðậu Binh có tài tiến thủ, trấn ải Du Hồn hai mươi năm, Khương Văn Hoán và hai trăm chư hầu thường đánh phá nhưng không nổi, bởi thời trời khiến nên mắc kế Kim Tra.

Còn Mộc Tra ở trên lầu với Triệt Ðịa phu nhân, thấy hai trăm chư hầu kéo tới, liền lén quăng gươm Ngô Câu lên và vái thầm:

– Xin bửu bối trở mình.

Gươm Ngô Câu ở trên cao quay như chong chong chém Triệt Ðịa phu nhân rụng đầu.

Thật là những kẻ trung tín trọn đạo hai đường. Chồng vợ thành thần một lượt.

Mưu cao kế rộng xòe tay trắng,

Má phấn môi son nhuốm giọt hồng.

Mộc Tra chém Triệt Ðịa phu nhân xong, đứng trên mặt thành nói lớn:

– Ta là Mộc Tra, vâng lệnh Khương Nguyên soái đến đây lấy ải Du Hồn, nay chủ tướng đã bị giết rồi, nếu ai hàng đầu thì dung, bằng nghịch mạng thì giết.

Trong thành các tướng sĩ ai nấy đều quỳ lạy hàng đầu.

Mộc Tra truyền mở cửa ải. Khương Văn Hoán kéo hai trăm chư hầu vào ải.

Giao Trung cự không lại, liền liều thân tự vận theo chủ tướng.

Khương Văn Hoán tra khảo lương tiền, chiêu an bá tánh và thả Mã Triệu ra.

Kim Tra nói với Khương Văn Hoán:

– Hiền hầu kéo binh đi sau. Tôi phải về Mạnh Tân trước để báo tin cho Nguyên soái hay biết mới được.

Khương Văn Hoán y lời.

Kim Tra và Mộc Tra từ giã đằng vân trở về Mạnh Tân.

Bấy giờ Tử Nha thấy đã đến ngày mồng chín là ngày Mậu ngũ mà Khương Văn Hoán chưa đến kịp, ngày đêm trông ngóng, bỗng có quân báo:

– Kim Tra, Mộc Tra đã trở lại.

Tử Nha mừng rỡ đòi vào mắt. Kim Tra, Mộc Tra thuật hết mọi chuyện.

Tử Nha khen kế nhiệm mầu, rồi nói:

– Trời định ngày Mậu ngũ, chư hầu nhóm đủ mặt nơi Mạnh Tân để kéo đến Triều Ca. Nay quả như vậy.

Ðến rạng đông ngày Mậu ngũ, Khương Văn Hoán và hai trăm chư hầu đến Mạnh Tân vào ra mắt Tử Nha.

Tử Nha dẫn tất cả vào ra mắt Võ Vương, cộng cả thảy là tám trăm chư hầu, còn các chư hầu nhỏ thì không kể, cộng binh là một trăm sáu mươi vạn, tế cờ rồi kéo đến Triều Ca truyền quân đóng trại.

Các dãy trại của tám trăm chư hầu đóng dài thườn thượt, bao bốn phía thành, quân đông như kiến, cờ xí nghịt trời, gươm giáo như rừng, thật chưa bao giờ từng thấy sức mạnh tập trung như vậy.

Quân thủ thành Triều Ca trông thấy vội chạy vào báo.

Quan đương giá vào tâu với Trụ Vương:

– Nay tám trăm chư hầu đóng quân quanh thành Triều Ca, binh mã ước một trăm sáu mươi vạn.

Trụ Vương thất sắc, ngự lên lầu xem thử, quả thật như vậy, liền quay lại hỏi các quan đại thần:

– Bá quan tính kế gì cho chư hầu về nước?

Quan thủ thành là Lỗ Nhân Kiệt tâu:

– Nay nhà đã cháy, xã tắc đã mục nát, một cây cột khó chống nổi dù cho tường dài đến đâu cũng không thể đổi lòng quân. Nay xin bệ hạ sai sứ cầu hòa, lấy nghĩa quân thần khuyên chư hầu về nước.

Vua Trụ nghe nói ngồi làm thinh.

Quan Trung Ðại phu Phi Liêm tâu:

– Xin ra chỉ trọng thưởng thì sẽ có tướng tài ra giúp sức, thành Triều Ca rộng hơn trăm dặm, hy vọng trong dân chúng còn người tài ẩn mặt. Vả lại Lỗ Nhân Kiệt là người tài trí, ra sức thủ thành cũng chưa đến nỗi gì. Trong thành quân sĩ còn hơn mấy mươi vạn, lương thực còn nhiều, chư hầu mới kéo tới đã lo nghị hòa họ sẽ chê cười ta yếu đuối.

Trụ Vương khen phải, truyền lập quán cầu hiền treo bảng rao trong dân chúng, nếu ai có tài, ra cầm binh đánh đuổi được chư hầu thì trẫm phong vương chia đất, cả họ được làm quan.

Bấy giờ, cách thành Triều Ca ba mươi dặm, có một người hiền ở ẩn tên Ðinh Sách, thấy chư hầu vây Triều Ca, Trụ Vương ra bảng chiêu hiền thì nghĩ thầm:

– Trụ Vương bất chánh, Ðắt Kỷ lộng quyền, ưa nịnh giết trung tham hoa đắm sắc, nên người hiền lớp bỏ chức, lớp đầu Châu, trong triều chỉ còn một số tham quan ô lại, chỉ có tài xu nịnh. Nay ở trước tình thế này, dù cho kẻ tài năng đến đâu cũng phải bó tay mà chịu, cứu sao khỏi cơn binh biến? Còn ta, tuy biết binh pháp mặc lòng, song không thể cãi mệnh trời được. Nghĩ thương vua Thành Thang đầy lòng nhân đức, nhờ Y Doãn đuổi vua Kiệt nhà Hạ qua đất Nam Sào, dựng nên nghiệp cả, truyền ngôi 644 năm, đến bây giờ mất nước.

Than rồi ngâm:

Nghĩ nhớ Thành Thang những bấy lâu,

Lấy nhân đuổi kiệt nhóm chư hầu

Truyền ngôi cho đến đời vua Trụ,

Một mối sơn hà để lại Châu.

Xảy thấy người bạn nữa là Quách Thần bước vào, Ðinh Sách hỏi:

– Hiền đệ đến chơi hay có chuyện chi lạ?

Quách Thần đáp:

– Nay chư hầu vây thành, vua treo bảng cầu hiền, em đến bàn với anh ra tài giúp chúa để hưởng lộc triều đình, cho rạng danh, khỏi uổng công lâu nay rèn luyện.

Ðinh Sách cười rằng:

– Hiền đệ nói cũng phải, trong lúc nước nhà nguy biến thì người dân đều có trách nhiệm. Song Thiên Tử lỗi đạo, thiên hạ trở lòng đầu Châu phản Trụ, chúng ta khó đem một gáo nước mà rưới muôn xe lửa đỏ. Vả lại Tử Nha là người tài trí, tướng tá đều là đệ tử tiên gia, chúng mình ra sức chỉ thiệt thân, lại làm hại cả muôn ngàn binh sĩ.

Quách Thần nói:

– Chúng ta lâu nay sống nhờ ngọn rau tấc đất, lẽ nào quên nghĩa quân vương? Nước còn thì mình còn, nước mất thì mình mất, sao lại nghĩ chuyện tham sanh. Trong nguy biến mới biết tôi trung, lúc bình thường ai kể đến? Tài trí của anh lại thua Tử Nha hay sao mà sợ, anh đừng nhút nhát, hãy cứu chúa lập công.

Ðinh Sách nói:

– Ðây là chuyện đại sự, đã làm không thể hối hận được, phải suy tính kỹ càng, chớ nóng nảy.

Xảy có một người cao lớn bước vào. Ðinh Sách đứng dậy chào hỏi:

– Ðổng hiền đệ đến chơi có gì vội vã vậy?

Người mới vào là Ðổng Trung, hăm hở nói:

– Tôi thỉnh anh ra phò chúa diệt Châu. Bởi tôi thấy bảng cầu hiền, lấy làm toại chí, có viết tên anh và tên anh Quách đứng chung đem nạp cho Phi Liêm. Phi Liêm đem nạp cho Thiên tử, và truyền ngày mai vào hầu, nên tôi đến cho anh hay trước.

Ðinh Sách trách:

– Sao hiền đệ không nói với ta, tự ý biên tên như vậy?

Ðổng Trung nói:

– Tôi nhắm anh có tài, đủ sức giúp nước phò vua trong cơn binh lửa nên đã thay mặt anh tiến cử, xin anh chớ giận.

Quách Thần khen phải, cười lớn nói:

– Ta đương ép đại huynh ra phò vua giúp nước, nay hiền đệ đã biên tên dâng lên vua rồi thì hợp lý lắm.

Ðinh Sách thấy việc đã lỡ, dù cưỡng cũng chẳng được nào, nên lấy rượu ra đãi hai bạn, để cùng bàn việc đánh Châu.

Rạng ngày, ba anh em đến ngọ môn hầu chỉ.

Quan giữ cửa vào báo lại, vua Trụ đòi vào.

Ba người xưng tên, quỳ lạy chúc mừng xong, vua Trụ phán:

– Hôm qua Phi Liêm tiến cử ba khanh tài cao, nếu dẹp được binh Châu thì trẫm phong thưởng theo lời đã hứa trong bảng cầu hiền.

Ðinh Sách tâu:

– Chúng tôi thực không mong một quyền tước địa vị nào. Nay vì báo ơn vua nên trong nguy biến phải liều thân với nước. Việc chinh chiến là chuyện hiểm nghèo, cực chẳng đã mới phải dùng đến. Ðang lúc chư hầu thế mạnh như vũ bão, sức như núi Thái Sơn đè quả trứng, chúng tôi xin liều mạng cầu trời, việc thắng bại không dám chắc.

Trụ vương mừng rỡ, phong Ðinh Sách làm Thượng tướng, Quách Thần và Ðổng Trung làm Oai võ tướng quân, ban cẩm bào khôi giáp.

Ba tướng tạ ơn, vua Trụ truyền Lỗ Nhân Kiệt cầm đầu, dẫn quân ngự lâm ra cự chiến.

Gặp lúc Tử Nha dẫn các tướng đến trước thành khiêu chiến, Lỗ Nhân Kiệt cùng ba tướng khai thành, bước ra xá Tử Nha một cái.

Tử Nha đáp lễ và hỏi:

– Chẳng hay tướng quân là ai?

Lỗ Nhân Kiệt đáp:

– Tôi là Tổng đốc binh mã Ðại tướng quân Lỗ Nhân Kiệt. Ông là người có đạo đức sao không trọng nghĩa quân thần, nỡ nhóm chư hầu phạt Chúa, làm cho mang tiếng khi quân, biết mấy ngàn năm rửa tội ấy. Nay Thiên Tử rộng lượng, không bắt tội khi quân, vậy nên khuyên các chư hầu lui binh về nước đặng cống sứ, Thiên Tử cũng trọng đãi như thường, bằng không nghe lời, Thiên Tử nổi giận đem hết binh trào qua phạt cả nước, thì không còn ăn năn nữa.

Tử Nha cười nói:

– Tội Trụ vương đã nhiều, tám trăm chư hầu đến đây cứu dân phạt tội, một vài ngày nữa Trụ vương sẽ mất nước, tướng quân đã biết chán rồi, còn nói gượng làm chi?

Lỗ Nhân Kiệt nổi giận nói:

– Thất phu! Ta tưởng ngươi có đạo đức, nên đem lẽ phải phân trần té ra ngươi là đứa hồ đồ, ăn nói lỗ mãng.

Nói rồi nhìn tả hữu hỏi:

– Tướng nào bắt nghịch tặc cho ta?

Quách Thần nói lớn:

– Có tôi đây.

Liền giục ngựa múa siêu lướt tới. Nam Cung Hoát cản lại đánh liền.

Ðinh Sách cầm thương xông vào trợ chiến, Võ Kiết đón lại giao phong.

Nam Bá Hầu Ngạc Thuận xông ra gặp Ðổng Trung cự địch, Khương Văn Hoán nổi giận giục ngựa tới chém Ðổng Trung.

Na Tra ngứa tay cũng xông vào đánh.

Dương Tiễn nói lớn:

– Chúng ta vượt năm ải đến Triều Ca, lẽ nào đứng ngó.

Nói rồi vỗ ngựa xông vào.

Hai bên hỗn chiến một hồi, Na Tra quăng Càn Khôn Quyện đập Ðinh Sách nát sọ, Quách Thần bại tẩu bị Dương Tiễn bay ngựa theo chém rụng đầu, Ðổng Trung bị Khương Văn Hoán đâm lủng ruột.

Thương thay, ba tướng chết cùng một lúc.

Lỗ Nhân Kiệt thất kinh chạy vào thành đóng cửa.

Tử Nha thâu quân về trại.

Lỗ Nhân Kiệt vào ra mắt Trụ vương tâu việc ba tướng tử trận, Trụ vương buồn bực phán:

– Tình thế này biết tính làm sao?

Ân Phá Bại tâu:

– Nay mười phần không kể một, nhân dân náo loạn, thiên hạ đảo huyền. Song trước kia tôi có quen với Tử Nha, nay xin liều chết đến dinh Châu nói việc trái phải, khuyên chư hầu kéo binh về. Nếu được như vậy thì phước của bệ hạ, bằng không được tôi quyết mắng giặc mà chết, không trở về nữa.

Trụ vương y tấu.

Ân Phá Bại từ tạ ra đi.

Tử Nha đang đàm đạo với chư hầu, xảy nghe quân báo:

– Có thiên sứ đến.

Tử Nha liền mời vào.

Ân Phá Bại bước đến, thấy Tử Nha ngồi giữa, chư hầu ngồi xung quanh, vội vã bái một cái.

Tử Nha hỏi:

– Lão tướng quân đến chỉ dạy việc gì?

Ân Phá Bại nói:

– Lão phu cách mặt Nguyên soái đã lâu, không ngờ lâu nay Nguyên soái quản suất chư hầu, vang danh bốn biển, nên đến đây chúc mừng và thưa với Nguyên soái một việc, chẳng biết Nguyên soái có bằng lòng chăng.

Tử Nha mời ngồi và nói:

– Lão tướng quân nhằm chuyện gì đáng nói thì nói cho chúng tôi nghe, còn việc không đáng nói thì thôi, đừng đem ra bàn luận vô ích.

Ân Phá Bại nói:

– Tôi có nghe rằng: Thiên Tử sánh với trời, mà phá trời sao phải lại trong phép nước, nếu ai tự ý chinh phạt, thì là loạn thần, tội loạn thần không thể dung được. Còn làm tôi phản chúa thì là nghịch thần, tội ấy tru di cả họ, ai giết cũng vô can. Ðời xưa vua Thành Thang nhân đức mười phần, thế ngôi nhà Hạ, truyền đến nay hơn sáu trăm năm, thì chư hầu thiên hạ đều mang ơn hết thảy, ai cũng là tôi nhà Thương. Nay chẳng lo đền ơn, lại nhóm chư hầu làm phản, giết dân lấy đất, hại tướng hãm thành, vây triều ca tội nặng không kể xiết, muôn đời không quên. Tôi lấy làm bất bình với Nguyên soái điều ấy. Theo ý tôi tưởng thì nếu vua thất đức, làm tôi chỉ nên khuyên vua, các chư hầu nên làm sớ, vạch lỗi của vua, buộc vua phải từ bỏ lỗi lầm, xa lánh tửu sắc, gần trung, xa nịnh. Nếu vua vẫn không nghe thì sẽ hành động cách khác, còn vua đã nghe thì cũng nên giữ đạo làm tôi, chư hầu ai về nước nấy, hưởng phúc thái bình. Chẳng hay Nguyên soái cho lời nói tôi thế nào?

Tử Nha cười, và nói:

– Lão tướng luận sai rồi. Thiên hạ là của chung, chẳng phải riêng ai, tại sao chúng ta cứ cố định một mình Trụ vương mới là vua, trong lúc đó Võ Vương nhà Châu nhân đức rãi dày, bốn phương đều biết Trụ vương vô đạo, thiên hạ đảo huyền ai ai cũng ghét? Xưa vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn, vua Thuấn truyền ngôi cho vua Võ đâu có luận đến giống dòng. Ðến đời vua Kiệt vô đạo đắm mê tửu sắc, yêu nịnh giết trung bỏ việc triều đình kém bề nhân đức khiến vua Thành Thang là người nhân nghĩa phải đạo làm vua đuổi vua Kiệt ra Nam Sào, bủa đức trị dân dựng nên nghiệp cả như thế cũng bảo vua Thành Thang là bất trung bất nghĩa sao? Nay nhà Thương truyền hơn sáu trăm năm, khí số đã hết. Trụ vương noi dấu vua Kiệt ngày xưa làm điều bạo ngược, dĩ nhiên xã tắc phải dời đổi. Chúng ta trung với vua, nhưng vua đã không có đạo làm vua thì còn trung với ai nữa. Xưa nay có vì vua nào bạo ngược như vậy chăng? Nay chư hầu phạt kẻ vô đạo cứu dân, cũng như trước kia vua Thành Thang phạt Kiệt không gọi là đánh chúa.

Ân Phá Bại nghe mấy lời của Tử Nha biết là lẽ phải, không còn lời lẽ nào thuyết phục nữa. Song đã mang sứ mệnh đến đây hễ không được việc không trở về thì thà mắng vài tiếng rồi chết cho xong.

Nghĩ rồi mắng lớn:

– Ta tưởng chúng bay là người đạo nghĩa nên đến giải phân, không ngờ là kẻ hồ đồ, nói năng lỗ mãng, không biết nghĩa quân vương, không nể tình tôi chúa.

Khương Văn Hoán giận quá, xách gươm bước tới chỉ mặt Ân Phá Bại nói:

– Ngươi làm đại thần hàng ngày không can vua, để vua hung bạo giết hại nhân dân làm lắm điều độc ác, nay ngươi còn đến đây dùng miệng lưỡi để mắng nhiếc ta sao? Lẽ ra biết phận mình lui về cho sớm.

Vừa nói vừa chờ vờn muốn chém Ân Phá Bại, Tử Nha can:

– Hai nước đang tranh nhau không nên chém sứ.

Khương Văn Hoán tuy làm thinh song trong lòng rất hậm hực.

Ân Phá Bại thấy vậy mắng lớn:

– Cha ngươi mưu với Hoàng hậu mà thí vua, Thiên Tử giết đã đáng ngươi không biết sửa mình lại đem lòng phản nghịch.

Khương Văn Hoán không cầm được giận dữ, trợn mắt hét:

– Thất phu! Cha ta phải thác oan mẫu quốc bị hại chắc cũng do ngươi bày mưu. Nếu không giết ngươi để báo cừu thì còn sống sao được nữa?

Nói rồi rút kiếm chém Ân Phá Bại một gươm bay đầu.

Tử Nha ngăn trở không còn kịp nữa.

Các chư hầu đều nói:

– Ân Phá Bại già mồm hỗn láo giết đi là phải lắm.

Tử Nha lắc đầu nói:

– Không nên làm như vậy. Ân Phá Bại là đại thần của Thiên Tử đến đây lấy lễ giảng hòa, lẽ nào chúng ta chém đi? Dù phải trái cũng vậy chúng ta không nên để cho mình mang tiếng bất nghĩa.

Khương Văn Hoán nói:

– Bởi nó uốn lưỡi mắng tôi trước chư hầu làm nhục tôi như vậy làm sao tôi chịu được.

Tử Nha nói:

– Chuyện đã lỡ rồi ăn năn cũng đã muộn. Thôi hãy chôn thây cho tử tế rồi lo việc tấn binh.

Phong Thần Diễn Nghĩa

Phong Thần Diễn Nghĩa

Status: Completed Author:

“Phong Thần Diễn Nghĩa” thuộc thể loại truyện tiên hiệp là bộ tiểu thuyết lịch sử được siêu nhiên hóa màu sắc của Đạo Giáo (Xiển giáo và Triệt giáo).

Lấy cuộc chiến tranh phạt Trụ của Châu Võ Vương làm nền cho bối cảnh cốt truyện, nhưng những sự việc, tình tiết hoàn toàn là dã tưởng hoang đường. Truyện không những kích thích trí tưởng tượng của độc giả mà còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa mà tác giả muốn gửi đến người đọc theo phương pháp "ý tại ngôn ngoại"

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset