Trong lúc các quân nhân ra sức chữa lửa, Tử Nha họp mặt với Võ Vương và chư hầu nghị luận.
Võ Vương nói:
– Trụ Vương vô đạo, các cung nhân và triều thần lâu nay mang họa, những kẻ nào càng gần Trụ Vương càng khổ nhiều; nay Trụ Vương đã chết, chúng ta chớ làm cho những người ấy khổ thêm, vậy phải cấm quân sĩ không nên thừa dịp nầy cướp bóc hãm hại muôn dân.
Tử Nha tuân lệnh truyền ra cho quân sĩ biết kẻ nào lợi dụng việc chữa lửa, lấy của giết người thì sẽ chiếu theo quân luật xử trảm.
Võ Vương nhìn về phía đông thấy hai mươi cây cột đồng đỏ hực lấy làm lạ hỏi Tử Nha:
– Chẳng hay đó là vật gì vậy?
Tử Nha tâu:
– Ðó là Bào Lạc do Trụ Vương chế ra để đốt các quan Gián nghị.
Võ Vương kinh hãi than:
– Như vậy thì làm sao quốc thái dân an được. Chẳng những nạn nhân trông thấy hết hồn, cho đến ta cũng khiếp vía. Thật Trụ Vương không có dạ thương người.
Tử Nha nói:
– Bào Lạc mới là một trong những lối hành hình tàn nhẫn của Trụ Vương mà thôi.
Võ Vương hỏi:
– Còn gì tàn nhẫn nữa?
Tử Nha liền thỉnh Võ Vương đến lầu Trích Tinh và chỉ Sái Bồn cho Võ Vương xem.
Võ Vương thấy dưới hầm rắn bò ngổn ngang trông khiếp vía, vội hỏi:
– Vật gì vậy?
Tử Nha tâu:
– Ðó là Sái Bồn, chỗ nuôi rắn độc để kẻ nào không tuân mệnh. Trụ vương truyền lột hết quần áo ném xuống cho rắn xé xác.
Võ Vương nghe nói lạnh mình.
Tử Nha lại chỉ Tửu Trì, Nhục Lâm cắt nghĩa rõ từng chút.
Võ Vương than:
– Ta không ngờ Thiên Tử không có lòng nhân đức, chẳng chút lương tâm.
Võ Vương thấy lửa còn cháy, khói đen ngun ngút, số cung nga chết cháy hơn phân nửa, hơi tanh khét lẹt, lòng không đành, liền truyền:
– Hãy cứu lấy thi thể bị nạn đem ra ngoài chôn cất cho tử tế.
Rồi lại hỏi Tử Nha:
– Chẳng biết thi thể Trụ Vương ở đâu? Chúng ta phải tìm cho được làm lễ an táng, nếu để vậy chúng ta mang tội không nhỏ.
Tử Nha tâu:
– Trụ Vương vô đạo, chết như vậy là do trời phạt, nay Ðại Vương nhân đức, truyền tống táng thì lòng nhân của Ðại Vương không gì bì kịp.
Liền khiến quân tìm xác Trụ Vương tẩn liệm và tống táng theo lễ Thiên tử.
Sau đó, Võ Vương cùng Tử Nha và chư hầu đến Lộc đài, xem thấy lầu cao chót vót, cảnh vật xinh tươi, trong đài gắn toàn những châu báu, ngọc ngà hào quang sáng lóe, Võ Vương chắt lưỡi than:
– Thiên Tử thâu của dân xa xỉ như vầy bảo dân chúng không cùng khổ sao được. Ðã không có lòng thương dân thì mất nước là chuyện dĩ nhiên.
Tử Nha tâu:
– Từ xưa đến nay, hễ tiết kiệm thì lâu dài, xa xỉ thì mất nước. Kẻ minh quân lấy đức hạnh làm quý không coi châu báu, ngọc ngà là đẹp.
Võ Vương nói:
– Dân chúng lâu nay bị đóng góp vào Lộc đài nên cùng khổ, nay cũng nên phá Lộc đài chia của cho dân nghèo, lại lấy kho lúa tại Cự Kiêu phát chẩn cho dân chúng bớt đói khổ.
Tử Nha nói:
– Ðại Vương có ý như vậy thì đức rải bốn phương. Xin truyền lệnh lập tức.
Võ Vương làm y lời, truyền phá Lộc đài lấy báu vật phân phát cho dân và phá kho lấy lúa cấp chẩn.
Dân chúng được của mừng rỡ vô cùng.
Xảy có tin vào báo:
– Bắt được đứa con út của Trụ Vương là Võ Cảnh hiện trốn sau hậu cung.
Võ Cảnh là con trai của Ðắt Kỷ mới sanh sau.
Võ Cảnh tuy còn nhỏ, song cũng khôn lanh, thấy Võ Vương liền sụp lạy.
Chư hầu nổi giận nói:
– Ân Thọ vô đạo, tội ác dẫy đầy, cũng nên chém Võ Cảnh để đền tội với thiên hạ.
Võ Vương can:
– Trụ Vương lỗi đạo là tại Ðắt Kỷ và nịnh thần bày, còn Võ Cảnh có tội chi? Rất đỗi các quan đại thần như Tỷ Can, Vi Tử mà còn không can gián được thì Võ Cảnh một đứa bé bỏng làm gì được? Thói thường tội của cha không luận đến con, các chư hầu nên noi đức ấy sau này. Chúng ta đợi có một tân quân là yêu cầu phong cho Võ Cảnh một cõi ngõ hầu nối kiếp lửa hương, như vậy tức là chúng ta đền ơn Thiên Tử vậy.
Chư hầu không dám cãi. Khương Văn Hoán nói:
– Nay các việc đã xong, chúng ta cũng nên tôn một tân quân lên kế vị, trời không thiếu một ngày vắng mặt nhựt, nước không nên để một bữa thiếu vua. Hễ ai có nhân đức thì ra trị thiên hạ. Tôi thấy Võ Vương nhân đức có thừa, đáng mặt lên ngôi thiên tử, xin tính chuyện ấy cho đẹp dạ chư hầu.
Các chư hầu đều nói:
– Khương hiền hầu luận phải lắm.
Võ Vương nói:
– Tôi đức mỏng tài hèn, chỉ lo giữ mình cho trong sạch còn chưa xong, dám đâu trị thiên hạ. Tôi ước mong được về nước giữ đạo thần tử mà thôi. Xin chư hầu chọn người khác cho xứng đáng với chức vị thiêng liêng ấy.
Khương Văn Hoán nói:
– Ðại Vương chớ nên khiêm nhượng. Hiện nay nhắm trong thiên hạ không ai nhân đức bằng Ðại Vương, bởi vậy chư hầu đều tùng phục nhà Châu, chỉ ước mong được có ngày hôm nay. Nếu Ðại Vương từ chối thì thật phụ lòng tám trăm chư hầu theo Ðại Vương đến đây trừ bạo cứu dân.
Võ Vương nói:
– Tôi đức hạnh bao nhiêu mà hiền hầu nói quyết như vậy, xin chọn kẻ khác đủ tài đức lên nối trị ngôi trời mới xứng.
Khương Văn Hoán nói:
– Xưa vua Nghiêu có con trai là Ðơn Châu, kém bề nhân đức nên vua Nghiêu nhường ngôi vua Thuấn. Sau Thuấn sanh con là Thương Quân cũng ít đức nên truyền ngôi cho vua Hạ Võ. Vua Hạ Võ sanh ông Khải hiền đức nên mới truyền ngôi cho, kế vị được mười bảy đời đến đời vua Kiệt bạo ngược vua Thành Thang lấy nhân đức đuổi vua Kiệt ra đất Nam Sào gầy dựng nhà Thương, truyền đến đời Trụ Vương thì vì Trụ Vương vô đạo mà nhà Thương bị mất. Thế thì nhân đạo là yếu tố xứng đáng để trị đời. Ðại Vương không dùng việc can qua mà thu phục tám trăm chư hầu, thì đã thấy đức độ Ðại Vương đến bực nào rồi. Trời khiến nhà Thương về nhà Châu, Ðại Vương từ chối sao phải.
Võ Vương nói:
– Ðức hạnh tôi còn kém, đâu dám sánh với Hạ Võ, Thành Thang?
Khương Văn Hoán nói:
– Chúng tôi theo Ðại Vương đến đây trừ bạo cứu dân, nay Ðại Vương từ chối không nhận ngôi thiên tử thì chúng tôi biết cử ai bây giờ?
Võ Vương nói:
– Khương hầu tài cao đức trọng, đáng thay mặt nhà Thương trị thiên hạ. Các chư hầu đều nói lớn:
– Chư hầu đầu Châu đã lâu, xin Ðại Vương đừng khiêm nhượng. Nếu Ðại vương quyết lòng từ chối thì chư hầu ai về nước nấy, trên không Thiên tử, mạnh ai nấy tranh hùng, thiên hạ hãy còn loạn lạc nữa.
Tử Nha nói:
– Xin quý vị đừng nóng nảy, để thủng thỉnh bàn luận thế nào cũng yên.
Nói rồi quay lại tâu với Võ Vương:
– Bấy lâu nay chư hầu kéo đầu Châu chính là muốn trừ bạo, cứu dân, tôn Ðại Vương lên ngôi Thiên Tử để thiên hạ thái bình, ấy là điềm nhân thuận, thiên lý tùng. Hễ lòng người thuận thì trời phải theo. Nếu Ðại Vương cãi lòng người, trái mệnh trời chỉ thiên hạ loạn, các chư hầu sẽ mạnh ai xâu xé nhau, thành ra cuộc cứu dân trừ bạo hôm nay chẳng ích gì cả.
Võ Vương nói:
– Tuy chư hầu có lòng thương, song ta tự xét tài hèn, đức mỏng, đảm đương nhiệm vụ to tát sẽ làm trò cười cho thiên hạ, và để tiếng xấu về sau.
Khương Văn Hoán nói:
– Lòng muôn người như một, ước ao Ðại Vương lên kế vị ngôi trời xin tính việc ấy cho sớm kẻo thiên hạ ngã lòng.
Tử Nha nói:
– Xin Ðại Vương lên ngôi đỡ, nếu sau nầy có người nào hiền đức hơn mình thì Ðại Vương nhường ngôi lại cũng chẳng muộn.
Chư hầu hiểu dụng ý của Tử Nha đều hết sức đốc vào.
Tử Nha liền vẽ họa đồ đài tôn vương và đặt văn sớ, rồi giao cho Châu Công Ðáng sửa sang mọi việc.
Châu Công Ðáng coi theo họa đồ cất đài cao ba tầng, chính giữa đặt bàn hoàng thiên hậu thổ hai bên có bàn thần núi, thần sông tả hữu có mười hai cây địa chỉ, mười hai cây cờ ấy đều cắm dưới đất. Xung quanh tầng trên thì dùng mười cây cờ Thiên cang. Lại có bốn cây cờ tứ quy án theo bốn mùa. Lễ vật cúng tế bày ra rất long trọng.
Bấy giờ Tử Nha thỉnh Võ Vương lên đài cùng tế, Châu Công đọc sớ rồi đốt đi.
Võ Vương ngồi giữa, chư hầu chầu chực hai hàng nhạc thiều trổi lên, ai nấy tung hô vạn tuế.
Chúc lạy xong, Võ Vương phán:
– Các khanh bình thân. Trẫm đại xá thiên hạ.
Phán rồi xuống đài truyền chỉ dọn yến tiệc đãi đằng.
Rạng ngày Võ Vương lâm triều, chư hầu, văn võ chầu chực đủ mặt, Võ Vương phán:
– Trụ Vương thất chánh thâu của dân xa xỉ, làm cho đất nước lụy mình. Nay trẫm nhờ ơn chư hầu tôn lên ngôi thiên tử, trẫm xuất hết của kho vua Trụ mà thưởng các chư hầu. Châu ngọc, vàng bạc trên Lộc đài cũng chia nhau luôn thể. Xin các vị chư hầu về nước giữ theo đạo chánh, dùng kẻ hiền năng, lạy dân lấy kỷ cang làm trọng lấy đức làm lòng, lấy tín nghĩa làm nhân bản.
Chư hầu vâng lệnh từ tạ kéo binh về nước. Còn Võ Vương truyền phá hết lầu đài vua Trụ cấp phát tiền của cho dân, tha tù Cơ Tử, phong mộ Tỷ Can viếng nhà Thương Dung, thả cung nga về xứ.
Thiên hạ thấy việc binh chấm dứt, mừng rỡ khôn cùng.
Võ Vương ở nán lại Triều Ca hơn mười bữa, chiêu an bá tánh xa gần, đâu đâu cũng tùng phục.
Tử Nha tâu:
– Xin bệ hạ chọn người hiền đức để trấn nhậm Triều Ca.
Võ Vương phán:
– Tự ý Thượng phụ xếp đặt.
Tử Nha nói:
– Bệ hạ đã không giết Võ Cảnh thì cũng nên ra ơn cho Võ Cảnh ở Triều Ca giữ phần hương khói. Nhưng phải dùng người giám thủ mà giữ gìn.
Võ Vương phán:
– Ðể mai lâm triều sẽ thương nghị.
Rạng ngày, Võ Vương lâm triều phán rằng:
– Nay trẫm phong Võ Cảnh trấn tại Triều Ca, nối đời thờ phụng nhà Thương. Các khanh định ai làm Giám quốc.
Quần thần đồng tâu:
– Việc này phải dùng người thân của vua mới được. Chúng tôi nhắm hai vị ngự đệ là Cơ Thúc Tiên và Cơ Thúc Ðộ có đủ tài trí để dùng việc nầy.
Võ Vương y lời, giao cho hai vị ngự đệ ở lại Triều Ca làm Giám quốc với Võ Cảnh.
Hôm sau Võ Vương lên xe về nước. Khi ngự giá vừa ra khỏi ngọ môn thì thấy bá tánh đón đường lạy, và tâu:
– Bệ hạ cứu chúng dân trong cơn nước lửa, thật chúng tôi cảm đức mười phần. Xin bệ hạ đình giá để chúng tôi đền ơn.
Võ Vương an ủi:
– Trẫm đã để hai vị ngự đệ ở lại Triều Ca làm Giám quốc thì cũng như trẫm có mặt tại đây miễn các ngươi tuân theo phép nước, lấy nhân đạo làm gốc là đủ rồi cần gì phải lạy tạ.
Nói rồi quay lại dặn Cơ Thúc Tiên và Cơ Thúc Ðộ.
– Hai khanh phải lấy dân làm gốc, đừng bao giờ để cho dân khổ nhọc, được như vậy mới giữ được quốc thái dân an, bằng trái lời trẫm thì tội chẳng nhỏ.
Phán rồi truyền đẩy xe ra khỏi Triều Ca, bá tánh theo đưa còn khóc lóc sụt sùi.
Võ Vương dẫn binh đến Mạnh Tân, qua khỏi Huỳnh Hà, lần hồi vượt qua năm ải. Ngày khải hoàn vui vẻ ghê!
Khi đi khỏi núi Kim Kê, đến núi Thú Dương bỗng có hai đạo sĩ đến đón đầu binh.
Quân chạy về báo:
– Có hai đạo sĩ mời Nguyên soái ra nói chuyện.
Khương Tử Nha ra xem thì thấy hai người ấy là Bá Di, Thúc Tề, liền hỏi:
– Chẳng hay hai vị đến đây dạy việc chi?
Bá Di hỏi lại:
– Hôm nay Nguyên soái đem binh về nước chẳng hay Trụ Vương ra thế nào?
Tử Nha đáp:
– Trụ Vương vô đạo, thiên hạ đều trở lòng, tôi đem binh qua năm ải hợp chư hầu tại Mạnh Tân, Trụ Vương tuy đông binh; nhưng vô đạo không thể thắng chính đạo. Bởi cớ ấy Ân Thọ tự thiêu mình, Võ Vương vào triều ca lấy các kho lúa phát chẩn cho dân, phá hết đền đài của Ân Thọ đã hút máu xương thiên hạ, thả tù Cơ Tử, phong mộ Tỷ Can viếng nhà Thương Dung tỏ ra kính hiền đãi sĩ. Chư hầu đều phục, tôn Võ Vương lên nối ngôi Thiên tử. Nay nhà Thương đã thuộc về nhà Châu.
Bá Di, Thúc Tề ngước mặt lên trời khóc lớn nói:
– Thảm thay! Thảm thay! Ðem dữ mà đổi dữ ta còn trông nỗi gì?
Nói rồi lui vào núi Thú Dương chẳng ăn cơm nhà Châu, hái rau rán, rau díp ăn cho đỡ dạ. Sau hai ngươi nầy làm ra thể ca “Ăn rau” người đời đều biết.
Có một người đàn bà gặp Bá Di, Thúc Tề, liền hỏi:
– Vì sao hai ông không ăn cơm nhà Châu?
Bá Di, Thúc Tề thuật lại; người đàn bà cười nói:
– Chẳng ăn cơm nhà Châu mà ăn rau nhà Châu thì cũng vậy.
Bá Di, Thúc Tề bỏ cả ăn uống chết tại núi Thú Dương.
Người sau có thơ rằng:
Vua Võ hưng binh trước đón đàng
Lòng trung một tấm nhớ Thành Thang
Hai phần đã hết còn chung thỉ
Muôn thác không từ chọn chữ cang
Bờ cõi đời nay buồn chẳng có
Non sông chúa cũ nghĩ thêm càng
Thương ôi, thẹn mặt không cầu sống
Chê gạo nhà Châu xuống suối vàng.
Tử Nha kéo binh đi khỏi núi Thú Dương đến núi Yên Sơn, thấy dân Châu nghênh tiếp đây đường.
Rồi đến Tây Kỳ có Táng Nghi Sanh, Hoàng Cổn dẫn bá quan tiếp giá, đồng quỳ lạy trước xe.
Võ Vương thấy Hoàng Thiên Tước theo sau lưng Hoàng Cổn liền phán:
– Trẩm chinh Ðông năm năm nay, thấy các quan tiếp giá lòng bùi ngùi:
Táng Nghi Sanh tâu:
– Nay bệ hạ đã lên ngôi trời, đáng lẽ vui mừng mới phải. Chúng tôi tiếp giá thấy mặt rồng ủ rũ là tại làm sao?
Võ Vương nói:
– Bởi trẫm muốn hội chư hầu nên phải qua năm ải, các tướng theo trẫm kẻ mất người còn, không được chung hưởng hạnh phúc, nên trẫm buồn quá.
Táng Nghi Sanh tâu:
– Ðạo làm thần tử thì liều mình với Chúa, để tiếng thơm muôn đời. Nếu bệ hạ có thương thì phong tước lộc cho con cháu cũng đủ đền đáp thâm ân, cần gì phải buồn bã.
Võ Vương về tới đền, thiên hạ theo xem như hội.
Võ Vương vào ra mắt Thái Khương, Thái Nhâm rồi vào cung. Thái Cơ mừng rỡ đón tiếp.
Võ Vương truyền dọn yến tiệc thiết đãi bá quan.
Rạng ngày Võ Vương lâm triều, bá quan vào chầu, Tử Nha tâu:
– Tôi phạt Trụ đã xong, bệ hạ dựng nghiệp nhà Châu đã yên, song còn mấy người tử trận chưa phong thần, xin bệ hạ cho tôi về núi Côn Lôn ít ngày, để lãnh sắc của Chưởng giáo tôn sư mà phong thần cho rồi việc.
Võ Vương y tấu.
Xảy có quân báo:
– Phi Liêm và Ác Lai là tôi vua Trụ trước kia bỏ trốn, nay tìm đến xin ra mắt bệ hạ.
Võ Vương hỏi Tử Nha:
– Hai người ấy là tôi của vua Trụ đến đây ra mắt trẫm làm gì?
Tử Nha tâu:
– Phi Liêm và Ác Lai là hai đức tôi nịnh của Trụ Vương, trong loạn lạc ẩn mình, nay thái bình đến đây nhờ tước lộc. Loài gian hùng như vậy còn để làm chi? Song tôi đã có việc dùng, xin bệ hạ cứ đòi vào phong chức tước.
Võ Vương truyền chỉ đòi hai người vào.
Phi Liêm và Ác Lai vào quỳ trước bệ chúc tụng xong.
Võ Vương hỏi:
– Hai khanh có việc gì đến đây ra mắt trẫm?
Phi Liêm tâu:
– Trụ Vương không nghe lời tôi ngay, đắm mê tửu sắc, nên trời xui mất cả giang sơn. Chúng tôi nghe bệ hạ nhân đức bủa khắp thế gian nên chẳng nài đường xa ngàn dặm tìm đến Tây Kỳ, cầu bệ hạ cho chúng tôi hầu việc đánh xe thì thật may cho chúng tôi lắm. Và chúng tôi xin đem dâng ấn ngọc bệ hạ dùng.
Tử Nha làm bộ khen:
– Hai vị Ðại phu khi trước cũng tận trung với chúa, bởi Trụ Vương chẳng suy xét nên mới mất thành trì. Nay hai vị đem ấn ngọc đến đây đầu Châu thật là bỏ chỗ tối tìm chỗ sáng đó. Xin bệ hạ phong chức cho hai người.
Võ Vương y tấu, đồng phong cho hai người làm chức Trung Ðại phu.
Ác Lai và Phi Liêm đều lạy tạ ơn.
Bây giờ nhắc lại Mã Thị, từ khi chê Tử Nha bất tài bất trí, đòi từ hôn, sau về lấy một ông già làm rẫy tên Trương Tam Lão. Vợ chồng sống đắp đổi qua ngày. Ðến nay Võ Vương nhờ Tử Nha phạt Trụ thâu một cõi giang sơn, thiên hạ đều nghe danh đàm luận.
Ngày kia có một bà già lối xóm đến hỏi Mã thị:
– Người chồng trước của bà nay phò Võ Vương làm đến chức Thừa Tướng, tại sao bà không tìm đến nhờ cậy?
Mã thị nói:
– Biết có phải ông ấy không?
Bà hàng xóm nói:
– Còn gì nghi ngờ nữa. Người ấy là Khương Tử Nha, lúc thất thời ngồi câu ở Bàn Khê, sau đó Võ Vương rước về phong làm Thừa tướng. Mới đây Tử Nha phò Võ Vương hội chư hầu tại Mạnh Tân, chư hầu tôn Võ Vương phong Tử Nha làm Thừa Tướng, vinh hiển nhất đời ai lại không biết.
Mã thị nghe nói thẹn đỏ mặt.
Bà hàng xóm lại nói:
– Bà dại lắm! Phải chi đừng bỏ đời chồng trước thì bây giờ vinh hiển biết chừng nào. Nay người ta cao sang tột bực, còn bà thì hẩm hút như vầy thật đáng tiếc.
Mã thị hối hận vô cùng, bỏ vào phòng nằm một mình nghĩ thầm:
– Tức vì mình có mắt mà không biết xem người. Bà hàng xóm nói phải lắm. Thật ta vô phước. Bây giờ ta có sống đến trăm tuổi vẫn trong cảnh cực khổ này. Ðã vậy lại bị thiên hạ gièm pha chế biếm. Thà chết cho khuất đi còn hơn.
Song lại nghĩ:
– Hay là ta lầm! Trong đời thiếu gì kẻ trùng tên, chắc gì lão già ấy đã làm nên việc lớn? Nếu nghe lầm mà chết thì cũng oan, chi bằng đợi chồng về hỏi cho rõ ràng đã.
Ðến chiều Trương Tam Lão đi bán cải trở về.
Mã thị dọn cơm cho chồng ăn rồi hỏi:
– Thiếp nghe Khương Tử Nha phò Võ Vương làm đến chức Thừa Tướng có phải không?
– Việc ấy quả có như vậy. Vừa rồi Khương Tử Nha đem tám trăm chư hầu đánh triều ca, diệt Trụ hưng Châu, làm đến chức Thừa Tướng. Lúc đó tôi muốn bàn với phu nhân đến yết kiến Thừa Tướng xin làm một chức nhỏ song lại sợ người giận khó lòng.
Mã thị tức tối không an.
Trương Tam Lão theo an ủi mãi, Mã thị vào phòng dùng dây thắt cổ tự vận, hồn bay lên đài Phong Thần.
Rạng ngày Trương Tam Lão mới hay, mở dây đem xuống chôn cất.
Có bài thơ cho rằng:
Chồng vinh thì hiệp, nhục thời ly,
Nay mới ăn năn có ích gì?
Hổ mặt với đời đành tự vận,
Muôn năm còn để tiếng vô nghì.
Bấy giờ Khương Tử Nha sửa soạn trở về núi lo việc Phong thần, Võ Vương dặn dò mau mau trở về kẻo mỏi lòng trông đợi.
Tử Nha tuân lệnh, độn thổ tức khắc.