Nội dung
Cuốn tiểu thuyết này kể lại những gì đã xảy ra xung quanh hai nhân vật: một thanh niên người Nhật vừa mới bước sang tuổi 20 và một người đàn ông trung niên không rõ danh tính thật được gọi là Frank trong ba ngày từ ngày 29 tháng 12 đến đêm Giao thừa. Hai con người, trong một khoảng thời gian rất ngắn thôi mà đã có được trải nghiệm mang màu sắc văn hóa và đặc trưng xã hội của bản thân.
Xuất bản năm 1997 – đúng vào thời kỳ tệ nạn nữ sinh mại dâm dưới danh nghĩa “giao tế có viện trợ” lên đến mức khủng hoảng ở Nhật – cuốn sách kể chuyện một thanh niên Nhật được một du khách Mỹ thuê hướng dẫn đi xem những chốn ăn chơi đồi trụy ở Tokyo, rồi xảy ra vụ một nữ sinh mại dâm bị thảm sát, xác cắt rời vất bỏ trong túi đựng rác ngay khu vực “đèn đỏ” Kabukicho ở Shinjuku, khiến anh ta nghi ngờ người Mỹ này là thủ phạm, từ hình dạng và hành trạng kỳ dị của ông ta. Người thanh niên đó chính là Kenji, và người khách Mỹ kia là Frank.
Sau cuộc “thương lượng”, Kenji nhận lời hướng dẫn cho Frank trong ba ngày vòng quanh Kabukicho. Nhưng sau đó Kenji bắt đầu thấy lo lắng. Không phải là do sự bất đồng về văn hóa mà vì những cử chỉ, hành động khó hiểu của con người có cái tên là Frank đó. Vào đúng ngày hôm đó, Kenji đọc một tờ báo nói về “một nữ sinh cấp ba bị giết, bị cắt rời tay, chân và cổ rồi bị vứt ở bãi rác của Kabukicho.” Khi đó cậu đã nghi ngờ thủ phạm chính là Frank.
Không hề có một chứng cứ nào vậy mà càng ngày Kenji càng khẳng định chắc chắn hơn rằng Frank đúng là thủ phạm, nhưng cậu không thể hủy giao ước được nữa. Cuối cùng, cậu đã quyết định vẫn đi cùng Frank trong buổi tối thứ hai và cố gắng giữ liên lạc qua điện thoại với cô bạn gái tên Jun.
Những linh cảm của Kenji là đúng. Sang ngày thứ hai, Frank mới bắt đầu bộc lộ những sự bất thường. Thế nhưng, điều cuối cùng lại là sự sợ hãi vượt qua cả sự linh cảm. Frank lần lượt lần lượt giết hết người này đến người khác. Dù vậy, giữa chừng, ông ta mấy lần vừa ngáp vừa giết. Ngay cả Kenji khi nhìn thấy cảnh đó cũng tự ngộ nhận rằng mình sẽ bị giết. Thế nhưng Frank đã không những không giết mà còn cùng cậu rời khỏi hiện trường. Frank, người mà từ đầu tới giờ chỉ toàn nói dối đã bắt đầu nói ra sự thực với Kenji. Ông ta nói bản thân mình chính là một kẻ sát nhân: “…con người tồn tại trong cơ thể tôi không phải là một mà là nhiều người, nó hoàn toàn không gắn kết lại thành một, tôi nghĩ con người mà đang nói với cậu đây mới là con người thật của tôi… những gì mà tôi đã làm ban nãy ở trong quán ấy đến bản thân tôi, tức là tôi, người đang nói với cậu đây cũng không thể lý giải được…”
Frank hy vọng rằng nhờ tiếng chuông Giao thừa thánh thiện, mọi thứ đáng ghét trong người của ông ta sẽ được hủy diệt bằng sạch. Ông ta – người đã tiêu diệt những thứ mang “tính Nhật Bản” một cách dã man ấy – lại đang ở chính giữa bát xúp miso, đang hy vọng rằng sẽ được thanh thản nhờ tiếng chuông Giao thừa mang bản sắc văn hóa của đất nước Nhật Bản.
Chính vì thế, tác giả rõ ràng muốn tuyên bố rằng văn hóa của Nhật Bản không hẳn là tuyệt vời. Người Nhật mà không kết nối, cứ mỗi người một hướng, ngâm mình trong nước ấm, không có khả năng truyền đạt ý chí của mình thì nếu lực lượng mạnh mẽ – như Frank – xâm nhập vào sẽ bị triệt hạ dễ như không. Xúp miso được cho thêm rất nhiều rau và nhiều thứ khác nữa nhưng quả thực đó là một món rất ngon. Cuối cùng Frank đã đưa cho Kenji cả “cánh của con chim thiên nga”. Có vẻ như cái mà Frank nhận được không đơn giản là hòa tan vào văn hóa của Nhật Bản một cách dễ dàng. Vẫn còn nhiều điều đang bỏ ngỏ.
Vài nét về tác giả:
Ryu Murakami, sinh năm 1952 tại Sasebo, một thành phố ở Tây nam Nhật Bản, nơi có căn cứ quân sự của Mỹ đóng, do vậy ông đã lớn lên trong bầu không khí văn hóa Mỹ trên quê hương mình.
Tiểu thuyết đầu tay Màu xanh trong suốt được tặng giải Akutagawa, một giải thưởng văn học uy tín nhất ở Nhật Bản dành cho các tài năng trẻ đã gây tranh luận trong giới văn học và công chúng. Những người phản đối thì cho rằng tác phẩm đó chỉ mô tả lối sống và thói quen của lớp thanh niên phóng đãng. Họ coi nó không đáng gọi là văn học. Những người ủng hộ thì cho rằng tác phẩm của Ryu Murakami là một thể loại văn học mới. Sự đụng độ các ý kiến như vậy cứ diễn ra suốt một phần tư thế kỷ qua mỗi khi một cuốn tiểu thuyết mới của tác giả này xuất hiện.
Nhân vật của ông là giới trẻ hiện đại, không tin tưởng vào sự đồng thuận với tập thể để đổi lấy sự an toàn và thăng tiến theo thứ tự, như xã hội truyền thống Nhật Bản hứa hẹn và đòi hỏi. Ông cho rằng sự gia tăng số lượng thanh thiếu niên phạm pháp là hiện tượng chung của các nước tiên tiến, không riêng gì Nhật. Quả thật, hiện tượng “văn hóa trẻ” Nhật Bản, nhất là truyện tranh “manga”, phim ảnh hoạt họa Nhật: Astro Boy; Pokemon; Yu-Gi-Oh.v.v… phổ biến và được yêu chuộng nồng nhiệt ở cả phương Tây lẫn phương Đông, cho thấy rằng những vấn đề của giới trẻ Nhật Bản hiện nay có thể cũng sẽ phát hiện ở các nước khác, nhất là những nước đồng văn ở Đông Á.
Ngoài “In the Miso soup – 3 đêm trước giao thừa”, tác phẩm của Ryu Murakami đã được dịch ở Việt Nam còn có “Xuyên thấu”; “Màu xanh trong suốt”; “69”… đều do Bách Việt mua bản quyền và xuất bản.