Kiếm đảm cầm tâm nói cùng ai, giang hồ phiêu bạc ba nữ hiệp.
Trải bao năm tháng, hoa niên tựa làn khói.
Xa xăm trời chiều lạnh, tịch mịch đường núi vắng.
Bay đến tận chân trời, một mình tự về tổ.
(Tự đề “Giang Hồ Tam Nữ Hiệp”, theo điệu Bồ Tát Man)
Sơn thôn vắng lặng, đường cúc vàng nghênh đón khách xa; Trung Thu sắp tới, tiết trời chớm lạnh hiu hiu.
Trên con đường núi ngoằn ngoèo có một hán tử tuổi trạc ngũ tuần, tay cầm chiếc tẩu thuốc dài đang thảnh thơi rít thuốc.
Hai bên đường hoa cỏ cây cối rườm rà, mấy đóa hoa cúc dại càng nổi bật hơn, gió núi thổi đến, hương thơm thoảng đưa.
Người đó chẳng phải là văn nhân nho sĩ, ông ta là võ sư đất Nhữ Châu miền Hà Nam tên gọi Quảng Liên.
Ông ta không phải đến đây du sơn ngoạn thủy, thôn trang phía trước có nhà người thân gia. Thân gia của ông họ Phùng tên là Quảng Triều, cũng là một võ sư. Con trai của Phùng Quảng Triều là Phùng Anh Kỳ cưới con gái của ông ta là Quảng Luyện Hà, năm ngoái đã hạ sinh được một đôi bé gái, hôm nay là ngày tròn một tuổi của chúng, ông ta đến uống rượu “trảo châu”. “Trảo châu” là phong tục ở quê hương họ, trong ngày tròn một tuổi của con cái, cha mẹ bày tất cả lễ vật trước mặt đứa bé để cho nó tự “bắt”, từ đó cha mẹ có thể đoán được tương lai của con cái thông qua những vật nó đã “bắt”.
“Người ta bảo hai đứa cháu gái của mình là ngọc nữ hạ phàm, Luyện Hà thật có phước. Ừ, hôm nay mình phải xem cho kỹ đồng tiền của chúng, kẻo Luyện Hà lại cười mình”. Số là hai đứa cháu gái sinh đôi của ông ta không những xinh xắn mà trông chẳng khác gì nhau, trên má mỗi đứa đều có một cái lún đồng tiền. Điểm khác nhau là lún đồng tiền của cô chị thì bên trái, còn của cô em thì bên phải.
Ông ta đang nghĩ đến hai đứa cháu gái yêu của mình thì chợt nghe văng vẳng có người nói chuyện.
“Không sai chứ?” “Đúng thế. Đứa trẻ ấy, ta…”