Catherine Baker Martin nằm dài dưới giếng, cách sàn hầm năm thước. Hơi thở và nhịp tim vang trong bóng tối. Đôi khi nỗi sợ chụp lấy người cô như một tay thợ săn vồ con chồn. Có khi cô nhận thức được: cô bị bắt cóc nhưng không biết do ai. Cô biết mình không mơ; trong cái màn đêm tối đen này, cô nghe được tiếng mí mắt của mình khi nhắm mắt lại.
Bây giờ cô cảm thấy đỡ hơn lần đầu tiên cô tỉnh lại. Cơn choáng váng gần như không còn nữa, và cô thở dễ dàng hơn. Cô có thể nhận được trên, dưới và gần như biết được tư thế của thân thể cô.
Vì cứ ép mình trên sàn xi măng, nên cô cảm thấy đau ở bả vai, hông và đầu gối. Đây là phần dưới. Còn phần trên là cái thảm sần sùi mà cô bò trên đó lúc ánh đèn chói chang đã làm cô chói mắt. Cô không còn nhức đầu nữa, nhưng bị đau ở các ngón của bàn tay trái. Chắc ngón áp út bị gãy rồi cũng nên.
Cô mặc một bộ quần áo liền nhau có lót bông, làm cho cô cảm thấy kỳ kỳ. Cái y phục này sạch và có mùi thuốc làm mềm vải; nền đất cũng sạch. Ngoài xương và mấy miếng rau mà tên bắt cô bỏ qua cái lỗ trống, chỉ có tấm thảm và một cái xô bằng nhựa có cột một sợi dây ở tay cầm. Có vẻ như một sợi chỉ coton, giống như thứ người ta dùng để làm bếp và nó biến mất trong bóng tối.
Catherine Martin cử động rất thoải mái, nhưng cô không có nơi nào để đi. Cái nền hình thuẩn khoảng hai thước rưỡi trên ba, với một lỗ thoát nước ở ngay giữa. Đây là đáy của một cái giếng lớn có nắp. Các thành bằng xi măng hơi uốn cong lên phía trên.
Có phải cô đang nghe tiếng động, hay tiếng của nhịp tim? Mấy tiếng động phát từ bên trên, gần như ngay trên đầu cô. Ngục tối này là thành phần của một hầm nằm ngay dưới nhà bếp. Có tiếng chân trên sàn gạch và tiếng nước chảy. Tiếng xào xạc của móng chó trên tấm thảm nhựa. Không gì khác nữa, và một ánh đèn vàng yếu ớt trên lỗ trống khi người ta bật đèn trong tầng hầm. Bất ngờ một ánh đèn sáng trưng rọi xuống giếng và lần này cô ngồi lên, lấy tấm thảm phủ lên hai chân mình, nhất định nhìn xem là cái gì. Cô cố nhìn qua khe các ngón tay để mắt cô quen dần với ánh sáng; bóng của cô nhảy múa trên vách khi một đèn chiếu được thòng xuống giếng ở đầu một sợi dây.
Cô giật mình khi thấy cái xô được kéo dần lên ánh sáng. Cô cố nén nỗi sợ, tuy nhiên cô vẫn thốt ra lời.
– Gia đình tôi sẽ trả tiền – cô nói. – Tiền mặt. Mẹ tôi sẽ trả tiền ngay mà không hỏi bất cứ thứ gì. Số điện thoại riêng của bà – Một cái bóng rớt xuống người cô, đó là một cái khăn. – Số điện thoại của bà là 202…
– Cô hãy lau mình đi.
Vẫn cái giọng kỳ lạ đó, cái giọng nói chuyện với con chó. Một cái xô khác được thòng xuống, trong đó có nước nóng và xà bông.
– Cô hãy cởi quần áo ra và lau mình đi nếu không tôi lấy vòi xịt nước đó – Và tiếng nói đó bắt đầu xa hơn để nói với con chó – Đúng thế, sẽ là vòi nước, có đúng vậy không, tình yêu của tim ta, sẽ là vòi nước.
Catherine nghe tiếng chân và móng trên sàn nhà ngay trên đầu cô. Cô không còn thấy hai hình nữa giống như lần đầu tiên đèn được bật sáng. Cái giếng cao bao nhiêu cô không thể đoán được? Sợi dây của cái đèn chiếu có chắc không? Cô có thể nào cột nó vào cái y phục này để chụp lấy cái gì đó không? Trời ơi, làm cái gì đó chứ! Các vách quá trơn tru… một cái ống trơn tru đi lên trên.
Có một khe nứt trên xi măng, một khiếm khuyết nhỏ có thể nhìn thấy được, cách đầu cô khoảng ba mươi phân, quá cao để cô có thể với tới. Cô cuộn tấm thảm lại càng chặt càng tốt, và lấy cái khăn cột vào đó. Cô bước lên đứng trên đó, người chao đảo, thọc được các móng tay vào trong khe nứt để không té, và nhìn cái đèn. Đây là một cây đèn có chao, treo trên thành giếng, cách cánh tay đưa thẳng của cô khoảng ba thước. Không khác gì muốn chạm lấy mặt trăng. Bất chợt tiếng bước chân hắn trở lại đó, tấm thảm lắc lư buộc cô phải bước xuống. Một cái gì đó như một cái vảy rớt ngay trước mặt cô.
– Cô hãy lau mình đi, toàn bộ cơ thể nghe không.
Trong xô có một găng tắm, một lọ kem dưỡng da đắt tiền.
Cô làm theo, nổi da gà ở hai cánh tay và đùi, hai núm vú săn lại vì lạnh và đau nhói, ngồi xuống cạnh cái xô nước nóng thật gần vách tường.
– Bây giờ hãy lau mình đi và thoa kem lên khắp mình cô. Hãy chà cho thật mạnh đấy.
Nước làm cho kem ấm lại. Quần áo dính vào người khi cô mặc nó vào.
– Cô hãy lượm mấy thứ dơ và rửa sạch cái nền đi.
Cô tuân theo lệnh, thu nhặt xương và mấy miếng rau vụn. Cô bỏ chúng vào trong xô và rửa các vết mỡ nhỏ trên sàn xi măng. Gần bức tường có một cái gì đó. Cái vảy rớt từ khe nứt là một móng tay có sơn bị gãy ra.
Cái xô được kéo lên.
– Mẹ tôi sẽ trả tiền – Catherine Martin nói – mà không có câu hỏi nào. Bà sẽ cho anh khá nhiều để cho anh trở thành giàu có. Nếu vì một lý tưởng nào đó, Iran hoặc Palestine, hay Phong trào giải phóng Người Da Đen, bà cũng sẽ chuyển tiền được. Anh chỉ cần…
Đèn được tắt. Màu đen hoàn toàn và tuyệt đối.
Cô giật mình khi cái xô rớt xuống cạnh cô. Cô ngồi trên thảm và suy nghĩ thật mãnh liệt. Bây giờ cô biết kẻ bắt cóc cô là một tên người Mỹ da trắng và chỉ hành động một mình. Cô cố làm ra vẻ như không biết hắn ta là ai, trắng hay đen, một mình hay không, như các kỷ niệm tại bãi đậu xe bị xóa sạch mấy cú đánh trên đầu. Cô đã cố làm cho hắn tin là hắn có thể thả cô về mà không sợ gì cả. Nhưng tâm trí cô làm việc, làm việc thật quá hiệu nghiệm.
Cái móng tay… một người nào khác đã bị nhốt trong cái giếng này. Một phụ nữ, một thiếu nữ. Bây giờ cô ấy đâu rồi? Hắn đã làm gì cô ta?
Nếu cô không quá bối rối, mất phương hướng, cô không phải mất nhiều thời giờ đến thế để tìm hiểu đâu. Chính chai kem đã soi sáng cho cô. Da. Cô biết ai đang giam giữ cô. Điều xác tín này dội lên mình cô như một chảo nước sôi và cô hét lên, té lăn xuống tấm thảm mà vẫn cứ hét, rồi đứng dậy cào lên vách giếng; rồi cô nằm xuống thẳng người trên thảm, cong người lên như một cây cung, hai tay nắm lấy tóc.
Chương 33
Sự Im Lặng Của Bầy Cừu
Những cuộc phỏng vấn ở xà lim với kẻ ăn thịt người ham thích trò đùa trí tuệ, những tiết lộ nửa chừng hắn chỉ dành cho kẻ nào thông minh, những cái nhìn xuyên thấu thân phận và suy tư của cô mà đôi khi cô muốn lảng tránh... Clarice Starling đã dấn thân vào cuộc điều tra án giết người lột da hàng loạt như thế, để rồi trong tiếng bức bối của chiếc đồng hồ đếm ngược về cái chết, cô phải vật lộn để chấm dứt tiếng kêu bao lâu nay vẫn đeo đẳng giấc mơ mình: tiếng kêu của bầy cừu sắp bị đem đi giết thịt.
Sự im lặng của bầy cừu hội tụ đầy đủ những yếu tố làm nên một cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh dị xuất sắc nhất: không một dấu vết lúng túng trong những chi tiết thuộc lĩnh vực chuyên môn, với các tình tiết giật gân, cái chết luôn lơ lửng, với cuộc so găng của những bộ óc lớn mà không có chỗ cho kẻ ngu ngốc để cuộc chơi trí tuệ trở nên dễ dàng. Bồi đắp vào cốt truyện lôi cuốn đó là cơ hội được trải nghiệm trong trí não của cả kẻ gây tội lẫn kẻ thi hành công lý, khi mỗi bên phải vật vã trong ngục tù của đau đớn để tìm kiếm, khẩn thiết và liên tục, một sự lắng dịu cho tâm hồn.
***
Thomas Harris (11/4/1940): là nhà viết kịch bản và nhà văn Mỹ, ông được biết đến với series về nhân vật Hannibal Lecter. Các tác phẩm của ông đều được dựng thành phim trong đó có Sự Im Lặng Của Bầy Cừu ( The Silence Of The Lambs ) đã đoạt 5 giải Oscar quan trọng nhất.
Các tác phẩm trong series Hannibal Lecter:
Rồng Đỏ (1981)
Sự Im Lặng Của Bầy Cừu (1988)
Hannibal (1999)
Hannibal Trả Thù (2006)
***
Nhận định:
“... xây dựng tình tiết đẹp với lối viết thông tuệ. Không tác phẩm kinh dị nào vượt được cuốn này.” - Clive Barker
“Một cuốn sách giáo khoa đúng nghĩa về nghệ thuật viết truyện kinh dị, một kiệt tác chứa xung lực đưa nó lao vụt lên đỉnh cao không một khiếm khuyết... Harris đơn giản chính là tiểu thuyết gia kinh dị xuất sắc nhất thời nay.” - The Washington Post
“Tiết điệu dồn dập... đánh thức sự tò mò... lôi cuốn.” - Chicago Tribune