Chương 16: Nữ Thần Héra

Nữ Thần Héra

Nữ thần Héra vĩ đại, vợ của vị thần tối cao Zeus, là vị nữ thần của hôn nhân và gia đình. Nàng bảo vệ cho hạnh phúc của những đôi lứa đã gắn bó với nhau bằng lễ kết hôn, trông nom và săn sóc đến việc sinh nở con cái của những đôi vợ chồng để có thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, đời đời bất diệt. Nàng lại là vị thần bảo vệ cho những bà mẹ vừa mới sinh nở và những trẻ sơ sinh mới cất tiếng khóc chào đời sao cho, nói như người Việt Nam chúng ta, được mẹ tròn, con vuông. Người Hy Lạp xưa kia thường cầu khẩn Héra phù hộ cho gia đình được đầm ấm, nhiều con, đông cháu.

Héra là con của Titan Cronos và Titanide Rhéa, là chị ruột của thần Zeus. Sau khi Zeus cho Cronos uống liều thuốc tiên để Cronos phải nhả các anh, các chị của mình ra thì Héra được mẹ đưa đi đến một nơi xa biệt tích biệt tăm, giao cho thần Okéanos và nữ thần Téthys nuôi hộ. Héra sống xa thế giới Olympe trong một thời gian khá dài, chẳng rõ là mấy chục, mấy trăm năm. Thần Zeus đã đến tìm nàng và hai người cưới nhau, thành vợ thành chồng từ đấy. Từ đó nữ thần Héra trở thành vị nữ thần có uy quyền to lớn như thần Zeus, vị nữ thần cai quản các vị thần, kể cả nam thần và loài người. Đám cưới của họ diễn ra rất trọng thể trên thiên đình bởi vì đây không phải là đám cưới của một vị thần như trăm ngàn vị thần khác mà là của vị thần tối cao, cầm đầu các vị thần. Trong những tặng phẩm của các vị thần “cấp dưới” anh em, bè bạn đem đến mừng hạnh phúc của đôi vợ chồng mới, có tặng phẩm của nữ thần Đất mẹ-Gaia, là quý nhất. Đó là một vườn cây thơ mộng trong đó có những cây táo có quả vàng ở mãi tận miền cực tây của đất. Nữ thần Héra giao cho ba chị em nữ thần Hespérides72 trông coi, vì thế người ta thường gọi là vườn táo Hespérides. Các nữ thần Heures và Iris luôn luôn theo hầu bên Héra. Họ mặc cho nàng những bộ áo đẹp nhất do bàn tay khéo léo của nữ thần Athéna dệt để tặng vị nữ thần tối cao. Héra đẹp lộng lẫy, uy nghiêm, có đôi mắt bò cái và cánh tay trắng muốt, phong thái đường bệ, kiêu kỳ. Sắc đẹp của nàng đã khiến cho tên Gigantos-Đại khổng lồ tên Porphyrion mê cảm. Trong cuộc giao tranh với Zeus, chính tên này đã hô hào đám lâu la dưới trướng của hắn xếp chồng những quả núi lên để hắn leo vào ngọn Olympe bắt cóc Héra. May thay Porphyrion chưa kịp làm nhục Héra thì Zeus đã kịp thời trông thấy. Và như đã kể, thần Zeus và người anh hùng Héraclès kịp thời kết liễu tên loạn tặc, cứu thoát Héra. Chưa hết, một vị vua của những người Lapithes, tên là Ixion cũng lại bị dục vọng làm cho mất trí, định ve vãn Héra. Nhưng làm sao một người trần lại có thể lên trên thiên đình gặp được Héra, chiêm ngưỡng dung nhan của nữ thần mà đem lòng tơ tưởng, mưu tính một vụ quyến rũ, ái ân? Nguyên do là như thế này: Ixion là một con người bội bạc. Y cưới nàng Dia, con của nhà vua Déionée làm vợ. Trước khi cưới, y hứa với bố vợ sẽ đem đáp lễ bằng những tặng vật quý giá, hậu hĩ. Nhưng khi cưới được vợ rồi thì y vỗ tuột. Hơn thế nữa, cái tên bội ước này lại giết luôn cả bố vợ và vứt xác ông vào một cái hố. Tội ác của y thật tày trời, vừa là một kẻ bội ước vừa là tên sát nhân, can tội giết người khá thân thiết đối với y. Không một viên tư tế nào dám làm lễ cầu xin các vị thần tha tội cho y. Ixion chỉ còn cách trực tiếp cầu khấn thần Zeus. Tuy Zeus nổi tiếng là một vị thần nghiêm khắc song không phải trái tim thần chỉ biết có những chuyện trừng phạt, giáng tai họa mà không hề biết xúc động, tha thứ. Những giọt nước mắt hối hận của Ixion đã khiến thần Zeus động mối từ tâm. Và thật là một chuyện hiếm có, Zeus cho Ixion lên cung điện Olympe, cho y được uống rượu thánh và ăn những thức ăn thần để y trở thành bất tử. Ngờ đâu cái con người bội bạc này chứng nào vẫn tật ấy. Ixion ở thiên đình, được gặp Héra, trò chuyện với Héra và mưu tính một chuyện bỉ ổi. Biết rõ ý đồ bẩn thỉu của Ixion, Zeus lấy một đám mây tạo ra một người phụ nữ giống hệt vợ mình. Tên đám mây này là Néphélé. Ixion đã tư thông với đám mây Néphélé mà cứ tưởng rằng mình đã chinh phục được Héra, và kết quả là Néphélé đã sinh ra cho chàng Ixion những đứa con nửa người nửa ngựa mà người xưa gọi là Centaure. Thần Zeus giao cho Hermès trừng phạt tên khốn nạn đó. Hermès buộc căng Ixion vào một cái bánh xe nhưng không phải buộc bằng dây mà là buộc bằng những con rắn, rồi tống xuống địa ngục Tartare. Ở dưới đó, bánh xe cứ lăn đi, lăn mãi không khi nào dừng.

Nhưng còn Zeus thì lại không chung thủy với Héra. Thần đã làm cho Héra biết bao lần điên đầu sôi máu vì những cuộc tình duyên của thần với những thiếu nữ này, nữ thần khác. Cảnh gia đình của vị nữ thần bảo vệ cho hạnh phúc và sự ấm cúng gia đình lại chẳng lấy gì làm hạnh phúc và ấm cúng cho lắm. Không thể trả thù Zeus được, Héra chỉ còn cách trút tất cả “máu ghen” của mình xuống những đứa con, kết quả của những cuộc “ngoại tình” của Zeus, hoặc vào bản thân tình nhân của Zeus như Dionysos, Io… Đã có lần vì quá bực tức với Zeus, Héra mưu tính với Poséidon và Athéna bắt Zeus xiềng lại để cho Zeus khỏi lẻn xuống trần. Nhưng mưu đồ của họ bị nữ thần Thétis biết. Để bảo vệ cho Zeus, nữ thần cho gọi ngay quỷ thần Hécatonchires tên Briarée đến ngồi bên Zeus. Do đó mưu đồ của Héra không thực hiện được. Trả đũa lại, Zeus lấy một dây xích vàng trói Héra lại treo lơ lửng giữa trời. Thật là một cảnh tượng man rợ hết chỗ nói! Tóc Héra bị buộc vào một cái đinh móc câu, đinh này Zeus đóng vào đám mây. Còn đôi cánh tay trắng muốt của nàng bị trói chặt, hai chân bị xiềng vào hai cái đe, tình cảnh rất đỗi thương tâm. Các vị thần trông thấy muốn đến cởi trói cho Héra nhưng lại rất sợ thần Zeus, nên rút cuộc chẳng ai dám bén mảng đến gần chỗ Héra bị trói và cũng chẳng ai dám khuyên can thần Zeus lấy nửa lời. Của đáng tội thì Héra cũng chẳng phải là vị nữ thần hiền thảo gì. Tính nết Héra cũng đáo để dữ dội như chồng. Nàng lại hay mè nheo, rỉa rói chồng cho nên Zeus đã đôi ba lần uất quá, sốt tiết lên vì cái thói lắm điều, đay nghiến, chì chiết của vợ mà… cho nàng mấy cái bạt tai! Sau này mỗi khi Héra nổi chứng là Zeus lại nhắc lại cái vụ nàng bị trói, hoặc Héphaïstos nhắc lại cho mẹ biết cái lần bị bố giận vung tay lên. Nhờ đó Héra mới dịu giọng mà làm lành với Zeus.

Héra sinh với Zeus được bốn mặt con: hai trai, hai gái. Trai là các thần Arès và Héphaïstos, gái là các nữ thần Hébé và Ilithyie. Hébé, như trên đã kể, ở cung điện Olympe lo việc dâng rượu thánh và các thức ăn thần trong những bữa tiệc. Ilithyie là nữ thần của sự sinh nở, theo cách nói của chúng ta ngày nay là nữ thần Hộ sinh. Nàng thường được theo mẹ xuống trần giúp các bà mẹ “vượt cạn” cho được dễ dàng. Người xưa hình dung nữ thần Ilithyie là một thiếu nữ mặc một tấm áo choàng trùm kín đầu, nhưng hai cánh tay để trần, một tay cầm một bó đuốc giơ cao tượng trưng cho một cuộc sống vừa mới ra đời dưới ánh sáng, hoặc ngọn đuốc đang cháy tượng trưng cho sự bắt đầu của một cuộc sống mới.

Cũng như chồng, Héra có thể dồn mây mù, nổi giông tố, sấm sét. Nàng ngồi trên ngai vàng cạnh thần Zeus, tay cầm cây vương trượng, đầu đội vương miện, tấm khăn lụa mỏng trùm che lên mặt tượng trưng cho lễ kết hôn. Đôi khi Héra cầm trong tay một quả lựu, vật tượng trưng cho sự mắn đẻ, đông con. Một con công xòe đuôi múa dưới chân nàng. Có hẳn một cỗ xe do hai con thần mã kéo, làm toàn bằng đồng đỏ rực và vàng óng ánh dành riêng cho nàng để nàng đi du ngoạn đây đó và thường là đưa nàng xuống trần can thiệp vào những công việc của người trần thế và theo dõi hành tung của Zeus.

Thần Thoại Hy Lạp

Thần Thoại Hy Lạp

Status: Completed Author:

Thần thoại Hy Lạp là tập hợp những huyền thoại và truyền thuyết của người Hy Lạp cổ đại liên quan đến các vị thần, các anh hùng, bản chất của thế giới, và nguồn gốc cũng như ý nghĩa của các tín ngưỡng, nghi lễ tôn giáo họ. Chúng là một phần của tôn giáo Hy Lạp cổ đại và nay là một phần của một tôn giáo hiện đại lưu hành ở Hy Lạp và trên thế giới gọi là Hellenismos. Các học giả hiện đại tham khảo và nghiên cứu các truyện thần thoại này để rọi sáng vào các thể chế tôn giáo, chính trị Hy Lạp cổ đại, nền văn minh của nó cũng như để tìm hiểu về bản thân sự hình thành huyền thoại.

Thần thoại Hy Lạp được thể hiện rõ ràng trong tập hợp đồ sộ những truyện kể, và trong các tác phẩm nghệ thuật tượng trưng Hy Lạp, chẳng hạn các tranh vẽ trên bình gốm và các đồ tế lễ. Thần thoại Hy Lạp cố gắng giải thích nguồn gốc của thế giới, và kể tỉ mỉ về cuộc đời và các cuộc phiêu lưu của một tập hợp đa dạng những vị thần, nữ thần, anh hùng và những sinh vật thần thoại. Những truyện kể này đầu tiên được truyền miệng bằng thơ ca; ngày nay các thần thoại Hy Lạp chủ yếu được biết thông qua văn học Hy Lạp.

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset