Quyển 2 C -hương 70: Quân Hy Lạp tấn công. Chiến công của tướng Diomède

Quân Hy Lạp tấn công. Chiến công của tướng Diomède

Quân Hy Lạp và quân Troie tung vào cuộc chiến đấu tất cả lực lượng của mình. Các đoàn quân Hy Lạp tiến bước từng từng lớp lớp, nom như những đợt sóng ngoài biển khơi dồn dập đuổi nhau xô vào bờ. Các vị tướng đi đầu, binh sĩ tiến bước theo sau nghiêm trang lặng lẽ. Không một tiếng nói chuyện xì xào, không một tiếng cười đùa khúc khích. Chỉ có bước chân rầm rập làm cát bụi bốc lên mù mịt trắng xóa. Vũ khí đồng ánh lên sáng loáng, ngời ngợi.

Các đạo quân Troie xuất trận thì trái hẳn lại. Quân Troie đông như kiến, đội ngũ chẳng vuông vắn gọn gàng. Binh sĩ thì la hét om xòm chẳng khác gì đàn cừu cái tức sữa đang chờ người vắt, bỗng nghe thấy tiếng cừu con bèn be be kêu rống mãi lên. Các vị thần trên thiên đình cũng chia nhau cổ vũ, vị thì bên này, vị thì bên kia, và hơn nữa còn cuồng nhiệt tham chiến. Nữ thần Thù hằn là em gái của thần Chiến tranh-Arès sát nhân, chạy khắp muôn quân gây căm hờn và làm cho tiếng hò hét của binh sĩ trên chiến trường càng nổi lên vang dậy. Cùng tung hoành trong đám quân sĩ với quân Thù hằn còn có thần Khiếp sợ và thần Chạy trốn.

Quân hai bên đã tiến sát đến nhau. Thế là người xông lên phóng lao đấu kiếm, đâm chém, vật lộn. Tiếng người hò hét hòa trộn với tiếng binh khí giao đấu làm thành một không khí náo động sục sôi. Cảnh tượng thật kinh hoàng dữ dội.

Trong số những dũng tướng Hy Lạp tham chiến trận này nổi bật lên người anh hùng Diomède. Chàng là vua xứ Argos, con trai của Tydée. Trong cuộc viễn chinh Troie, chàng cùng với Sthénélos và Euryale chỉ huy tám mươi chiến thuyền đen thon nhẹ gia nhập vào liên minh các bộ lạc Hy Lạp. Đây là lực lượng của hai đô thành Argos và Tirynthe họp lại dưới sự chỉ huy của Diomède, người dũng tướng tài năng xuất chúng có tiếng thét kinh thiên động địa.

Nữ thần Athéna đi tới chỗ Diomède. Nàng thổi bùng lên trong tâm can chàng sự táo tợn và cuồng nhiệt. Nàng muốn chàng nổi bật lên hơn hẳn mọi người Argos và giành được những chiến công rực rỡ. Trên chiếc mũ đồng và khiên đồng của Diomède, nữ thần hóa phép làm cho lúc nào cũng bùng cháy một ngọn lửa hồng. Lửa cháy sáng trên đầu, trên vai nên khi Diomède chạy nom như một ngôi sao chổi rạch trời bay, và nữ thần Athéna đã tung ngôi sao Diomède vào giữa cuộc chiến đấu sôi động, người người lớp lớp.

Diomède tung hoành ngang dọc trong cuộc hỗn chiến bạo tàn, tả xung hữu đột linh hoạt đến nỗi không ai có thể biết chàng đang giao đấu ở trận tuyến nào. Chàng xung trận như một con sông được mùa mưa lũ. Mưa dâng nước lên tràn bờ, nước ào ào đổ xuống cánh đồng cuốn phăng mọi nhà cửa cây cối. Đê cao cũng không cản nổi dòng nước hung dữ. Cũng vậy, những đạo quân Troie dày đặc cũng không cản nổi Diomède. Chàng như dòng nước mạnh thúc vào chân đê làm sụt đê lở dần dần và cuối cùng bị vỡ tung ra. Những đạo quân Troie trước sức tấn công của Diomède cũng vỡ tung ra như vậy. Pandaros, con trai danh tiếng của Lycaon thấy tình hình quân Troie như vậy, trong lòng sục sôi căm tức. Chàng quyết trừng trị Diomède để cản bước tiến của quân Hy Lạp. Với cây cung kỳ diệu, Pandaros nhằm Diomède bắn. Mũi tên xé gió xuyên qua lần áo giáp đâm vào bả vai Diomède làm máu chảy ứa ra. Diomède bị thương. Chàng lui bước và dừng lại trước chiến xa của mình và gọi người bạn là Sthénélos xuống xe rút hộ mũi tên ra khỏi vai. Sau đó chàng lại xông lên tìm kẻ thù quyết bắt hắn phải đền tội. Lúc này bên quân Troie có hai dũng tướng là Énée và Pandaros đang khát khao đọ sức với Diomède. Thấy khí thế họ hùng hổ như vậy, Sthénélos khuyên Diomède hãy tạm lui. Nhưng Diomède nổi giận, sa sầm mặt lại, quát lớn:

– Cấm không được nói đến rút lui! Đừng có nói đến rút lui mà hòng ta để cho yên! Dù địch thủ có gớm ghê đến đâu chăng nữa, ta cũng không sờn lòng. Chí khí ta vững như bàn thạch. Nhiệt tình ta vẫn sôi sục như núi lửa đang phun. Ta sẽ không lên chiến xa để nghênh chiến với họ. Không! Không! Ta sẽ cứ hiên ngang thẳng tiến đến họ. Nữ thần Athéna không cho phép ta được sợ hãi.

Chiến xa của Énée phăng phăng lao tới. Pandaros ưỡn người về phía sau giương ngọn lao. Chàng lấy hết sức bình sinh phóng mạnh. Ngọn lao xuyên thủng chiếc khiên của Diomède nhưng chỉ tới lần áo giáp là dừng lại. Pandaros tưởng Diomède bị thương reo ầm lên. Nhưng niềm vui của hắn quá sớm. Diomède phóng lao. Nữ thần Athéna lái cho ngọn lao hướng vào mũi Pandaros, ngay cạnh mắt. Ngọn lao đâm thẳng vào mũi thúc xuống hàm răng, cắt đứt lưỡi và phá ra ở ngang mé cằm. Pandaros ngã ngửa người từ trên chiến xa xuống. Vũ khí rơi theo kêu loảng xoảng. Đôi ngựa chồm lên hí vang và lui lại mấy bước. Énée từ chiến xa nhanh như cắt nhảy xuống cản Diomède, bảo vệ thi hài Pandaros, vừa đánh vừa lùi. Diomède thấy Énée lui về, chàng bèn bê một tảng đá to lớn nặng có dễ đến hai ba người không khiêng nổi. Chàng nâng bổng lăn trên đầu và ném mạnh vào người Énée. Tảng đá xô Énée ngã quỵ, mắt chàng hoa lên, da thịt bị rách và cắt đứt mất hai sợi gân ở chân. May thay nữ thần Aphrodite, người mẹ kính yêu của chàng, kịp thời đến đỡ con mình vào đôi cánh tay và đưa đi. Biết nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp chẳng có tài năng chiến trận như các vị thần khác, Diomède cầm lao đuổi theo. Chàng phóng lao, và ngọn lao xé rách áo nữ thần đâm vào cánh tay trắng muốt của nữ thần làm máu đỏ trào ra. Aphrodite hét lên đau đớn, buông rơi đứa con. Thần Apollon vội đến đỡ lấy Énée, tung ra một đám mây mù dày đặc, che giấu cho chàng. Nữ thần Cầu vồng-Iris đến dìu Aphrodite, đưa nàng thoát ra khỏi chiến trận, đến bên chiến xa của thần Arès. Thần Arès vội cho Aphrodite mượn cỗ xe để bay về thế giới Olympe chữa chạy vết thương.

Diomède biết thần Apollon đã cứu Énée, nhưng vì lòng khao khát lập chiến công để được vinh quang và danh tiếng đã xúi đẩy chàng đến chỗ khinh thị thần linh. Ba lần Diomède lao vào thần Apollon là ba lần chàng bị thần đẩy mạnh vào chiếc khiên khiến chàng bị bật ra. Lần thứ tư Diomède lại xông vào. Thần Apollon nổi giận cất tiếng quát lớn:

– Này hỡi Diomède! Coi chừng đấy! Cút mau và hãy từ bỏ ý định ngông cuồng muốn đọ sức với thần thánh!

Diomède sợ hãi đành phải rút lui.

Thần Apollon sau khi đưa Énée ra khỏi cuộc hỗn chiến tàn bạo bèn đến bên thần Chiến tranh-Arès nói những lời lẽ kích động như sau:

– Hỡi thần Chiến tranh-Arès, tai họa của loài người! Kẻ uống máu người thay nước lã. Kẻ đánh phá thành trì! Ngươi có muốn loại khỏi cuộc chiến đấu tên dũng sĩ kia không? Người con của Tydée đấy! Tên đó hôm nay ghê gớm lắm. Hắn đã đánh nữ thần Aphrodite bị thương vào tay rồi lao vào ta, coi ta như là một vị thần bằng vai phải lứa với hắn. Tình hình này không khéo hắn dám đánh cả thần Zeus đấng phụ vương của chúng ta nữa.

Arès nghe nói liền sôi máu. Thần sà xuống đám quân Troie, hóa mình thành dũng tướng Acamas, thủ lĩnh quân Thrace, đi khắp chỗ này chỗ khác, khích lệ quân Troie quyết tâm chiến đấu trả thù cho Énée. Quân Troie được thần Arès chi viện liền tổ chức phản công. Các tướng Hector, Sarpédon lao vào cuộc chiến đấu với khí thế ào ạt như thác đổ mưa nguồn. Quân Hy Lạp chống đỡ yếu dần và rồi bỏ chạy, dồn lại thành từng cụm. Thần Chiến tranh-Arès, kẻ uống máu người thay nước lã, chạy khắp chiến trường cổ vũ quân Troie. Thần Apollon đưa Énée trở lại chiến trường. Các vị tướng Hy Lạp ra sức tổ chức lại đội ngũ để cản bước tiến của quân Troie, nhưng không đạt kết quả.

Ở trên đỉnh Olympe, nữ thần Héra thấy quân Hy Lạp bị thua, quân sĩ bị giết thây phơi ngổn ngang trên chiến trường, một số còn sống thì tan tác, tháo chạy bèn ra lệnh cho nữ thần Athéna tham chiến, cứu nguy cho quân Hy Lạp. Sau khi đã trút bỏ tấm áo thần mềm mại, bận nhung y võ phục vào người, hai nữ thần bèn xuất chinh trên một cỗ xe thần. Nữ thần Héra quất roi vào những con thần mã. Thế là chúng tung vó phóng đi trong một niềm hứng khởi tràn trề. Chúng bay trong khoảng không gian bao la ngăn cách giữa bầu trời đầy sao với mặt đất, và chẳng mấy chốc chúng đã hạ vó xuống vùng đồng bằng Troade. Thế là hai nữ thần Athéna và Héra lao vào cuộc chiến đấu, đi khích lệ cổ vũ quân Hy Lạp nhanh nhẹn nhẹ nhàng như đàn chim câu vỗ cánh.

Lúc này thần Chiến tranh-Arès đang tung hoành trên chiến trường. Diomède vẫn không dám nghênh chiến với thần. Nữ thần Athéna đến cổ vũ:

– Hỡi Diomède, con trai của Tydée! Ngươi đừng sợ gì cả, không sợ Arès cũng như không sợ bất cứ một vị thần nào. Ngươi nhớ rằng có ta đây, ta ở bên ngươi, ta sẽ giúp ngươi. Cứ phóng chiến xa đến chỗ Arès và đánh thật mạnh. Đánh thật mạnh vào.

Nói xong, Athéna kéo Sthénélos xuống xe rồi nhảy phắt lên ngồi cạnh Diomède. Athéna cầm roi và giật cương cho ngựa chạy thẳng đến chỗ thần Arès. Thấy Diomède lao đến, thần Arès vừa hạ xong một đối thủ chưa kịp tước vũ khí và áo giáp đồng, bèn bỏ đấy, chĩa ngọn lao nhọn ra sẵn sàng giao đấu. Thần không trông thấy nữ thần Athéna trên xe vì Athéna đã đội lên đầu chiếc mũ của thần Diêm vương-Hadès, chiếc mũ có phép lạ, hễ ai đội nó là hình hài biến mất, người ngoài không trông thấy được. Arès phóng lao, mũi lao bay đi nhằm thẳng ngực Diomède. Nhưng nữ thần Athéna đưa tay nắm lấy ngọn lao và hất ra một bên. Diomède kịp thời đánh trả, phóng mũi lao đồng. Athéna hướng mũi lao bay trúng đích và thúc nó bay nhanh. Mũi lao đâm thẳng vào bụng dưới của Arès nơi mà thần Arès đã cẩn thận quấn chiếc đai bảo hộ. Ngọn lao đâm Arès bị thương. Arès đau quá hét lên một tiếng. Tiếng hét ầm vang kinh thiên động địa khiến cho người ta tưởng chừng có chín, mười nghìn người đang hò la mới to đến như thế. Nghe tiếng hét ấy cả quân Troie lẫn quân Hy Lạp rùng mình kinh hãi.

Lúc này ở chiến trường bỗng nổi lên một trận cuồng phong xoáy lốc. Trận cuồng phong đó cứ hút xoáy cát bụi lên mãi, đưa chúng lên cao tận những đám mây che phủ đỉnh Olympe. Kẻ nhát gan thì bảo có lẽ thần Arès sắp giáng tai họa trừng phạt. Nhưng những người từng trải thì bảo đó là thần Arès bay về trời.

Cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn. Quân Hy Lạp từ khi được nữ thần Héra và Athéna xuống giúp sức đã chỉnh đốn quân ngũ, đánh lui quân Troie và khôi phục lại được thế tiến công ào ạt lúc đầu. Quân Troie phải lui về trấn giữ ở gần cổng thành. Tình thế quân Troie quả là nguy ngập.

Thần Thoại Hy Lạp

Thần Thoại Hy Lạp

Status: Completed Author:

Thần thoại Hy Lạp là tập hợp những huyền thoại và truyền thuyết của người Hy Lạp cổ đại liên quan đến các vị thần, các anh hùng, bản chất của thế giới, và nguồn gốc cũng như ý nghĩa của các tín ngưỡng, nghi lễ tôn giáo họ. Chúng là một phần của tôn giáo Hy Lạp cổ đại và nay là một phần của một tôn giáo hiện đại lưu hành ở Hy Lạp và trên thế giới gọi là Hellenismos. Các học giả hiện đại tham khảo và nghiên cứu các truyện thần thoại này để rọi sáng vào các thể chế tôn giáo, chính trị Hy Lạp cổ đại, nền văn minh của nó cũng như để tìm hiểu về bản thân sự hình thành huyền thoại.

Thần thoại Hy Lạp được thể hiện rõ ràng trong tập hợp đồ sộ những truyện kể, và trong các tác phẩm nghệ thuật tượng trưng Hy Lạp, chẳng hạn các tranh vẽ trên bình gốm và các đồ tế lễ. Thần thoại Hy Lạp cố gắng giải thích nguồn gốc của thế giới, và kể tỉ mỉ về cuộc đời và các cuộc phiêu lưu của một tập hợp đa dạng những vị thần, nữ thần, anh hùng và những sinh vật thần thoại. Những truyện kể này đầu tiên được truyền miệng bằng thơ ca; ngày nay các thần thoại Hy Lạp chủ yếu được biết thông qua văn học Hy Lạp.

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset