Quyển 2 – Chương 10: Đoạt đàn bò của Géryon

Đoạt đàn bò của Géryon

Eurysthée lại trao cho Héraclès một nhiệm vụ mới nữa, khó khăn hơn, nguy hiểm hơn: đoạt bằng được đàn bò của Géryon đem về cho hắn. Không phải Eurysthée thiếu thốn gì giống vật quá quen thuộc này. Trong đàn súc vật của y số bò cũng chẳng phải là ít. Nhưng lòng tham của y không đáy, hơn nữa y được sinh ra để hành hạ thù ghét Héraclès, cho nên y cứ phải nghĩ hết việc này đến việc khác để bắt Héraclès làm.

Hành trình đi đến xứ sở của Géryon thật là xa, xa lắc xa lơ. Đó là một hòn đảo tên gọi là Érythie ở mãi tận cùng kiệt miền cực Tây, nơi vị thần Mặt trời-Hélios Hypérion sau một ngày làm việc cực nhọc trở về nghỉ. Hòn đảo được người Hy Lạp xưa gọi là “Xứ sở đỏ”, vốn chìm đắm trong những lớp sương mù dày đặc mà xưa nay chưa mấy người biết đến. Người nói đến đảo Érythie thì nhiều nhưng người đi thì chẳng thấy có ai. Héraclès ra đi. Chàng sang đất châu Phi, băng qua sa mạc Libye vắng ngắt không một bóng cây, bóng người rồi phải đi qua nhiều xứ sở của những người Dã man cuối cùng mới tới được nơi cùng kiệt của đất. Đến đây là chàng đã đặt chân tới được bờ Đại dương mênh mông sóng vỗ. Nhưng đi nữa thì chẳng còn đường. Núi bít kín lấy biển. Làm cách nào để đi tiếp bây giờ? Héraclès bèn dùng sức lực ghê gớm của mình xẻ tách quả núi khổng lồ bịt kín lấy biển kia ra. Thế là biển bên trong và bên ngoài, bên phía Đông và phía Tây thông suốt. Trong khi làm việc xẻ núi, chàng khuân đá xếp sang hai bên. Những tảng đá xếp chồng chất lên nhau cao như hai cái cột khổng lồ ở hai bên nhường quãng đường giữa cho biển cả giao lưu chính là eo biển Gibraltar nối liền Đại Tây Dương với Địa Trung Hải ngày nay. Cột đá Gibraltar thuộc đất Espagne (Tây Ban Nha) – Cột đá Ceuta thuộc nước Ma Rốc. Ngày xưa người Hy Lạp gọi đó là “Cột đá của Héraclès”.

Biển đã thông suốt nhưng vượt biển bằng cách nào để tới được hòn đảo Érythie? Héraclès ngồi bên bờ biển đăm chiêu nhìn sóng vỗ dạt dào, trái tim nổi lên bời bời câu hỏi. Chẳng nhẽ ta chịu bó tay trước cuộc thử thách này chăng? Làm sao có một con thuyền để vượt biển? Héraclès cứ ngồi nhìn biển mênh mông vô tư cuộn sóng như thách thức chàng, từ lúc bình minh ửng đỏ ở phía sau lưng cho đến lúc hoàng hôn vàng rượi đang nhợt nhạt dần trước mặt. Và trong trái tim chàng bỗng lóe lên một ý nghĩ: mượn con thuyền của thần Mặt trời-Hélios. Chàng bày tỏ nguyện vọng với thần Mặt Trời lúc đó đang ngồi trên cỗ xe tứ mã đi về miền cực Tây để nghỉ ngơi. Thần nghỉ ở vương quốc của vị thần già đầu bạc Okéanos cùng với cỗ xe của mình để rồi trở về miền cực Đông. Từ nơi nghỉ ở miền Tây, thần dùng con thuyền chở cỗ xe tứ mã về cung điện ở phương Đông để sáng hôm sau bắt tay vào công việc như thường lệ, công việc mà thần Zeus đã giao cho. Chính con thuyền mà Héraclès định mượn là con thuyền đó. Nếu không có con thuyền đó thì làm sao ban mai khi chúng ta vừa bừng mắt dậy đã thấy vị thần Hélios hiện ra tươi cười như chào đón chúng ta? Cũng xin nói thêm, đây không phải là một con thuyền có buồm, có chèo giống như những con thuyền của những người trần thế. Con thuyền của thần Mặt trời có người bảo là thuyền độc mộc, nhưng không phải. Nó là một cái cốc rất lớn, do các vị thần gom sức làm ra không rõ từ bao giờ, chỉ biết đã từ lâu lắm lắm, lâu trước khi loài người sáng chế ra được những con thuyền như hiện nay. Thần Mặt trời thật tâm không muốn cho Héraclès mượn. Nhưng vì kính nể người con trai danh tiếng của thần Zeus vĩ đại mà thần phải tươi cười vui vẻ nhận lời. Thế là Héraclès có thể yên tâm tiếp tục cuộc hành trình.

Vừa đặt chân lên hòn đảo Érythie chàng đã phải đối phó ngay với con chó Onthros, một quái vật có hai đầu, thính tai, thính mũi, tinh mắt ít con vật nào sánh kịp. Cha mẹ nó chẳng phải ai xa lạ, chính là tên khổng lồ ghê gớm Typhon và mụ Échidna nửa người nửa rắn. Anh em ruột thịt của nó là con mãng xà Hydre ở vùng Lerne, là chó Cerbère ba đầu ở dưới âm phủ, Onthros là cha đẻ ra quái vật Sphinx và mọi người đều biết những tai họa nó gieo xuống chân thành Thèbes khủng khiếp đến mức nào. Onthros đánh hơi thấy người lạ bèn sủa vang và lao ngay vào Héraclès. Tên khổng lồ Géryon giao cho nó canh giữ đàn bò. Héraclès dùng chùy kết liễu đời con quái vật. Gã mục đồng Eurytion cùng chung số phận với Onthros. Thế là Héraclès đoạt được đàn bò lùa xuống thuyền. Không may, vừa mới ra đến bờ biển thì tên khổng lồ Géryon nghe thấy tiếng bò rống từ hang núi chạy ra xem sự thể ra sao. Nhìn thấy xác Onthros và Eurytion nằm đấy, hắn gầm lên đuổi theo Héraclès. Géryon là một gã khổng lồ hiếm thấy trên mặt đất này. Hắn có ba thân, ba đầu, sáu tay và lại có cả một đôi cánh. Cha hắn là Chrysaor còn có tên gọi là “Người có thanh kiếm vàng”. Mẹ hắn là ác quỷ Méduse mà khi Persée chém đứt đầu ác quỷ Méduse thì Géryon từ trong cổ mẹ cưỡi con thần mã Pégase bay vụt ra, bay thẳng lên trời.164

Géryon phóng lao liên tiếp vào Héraclès, cứ mỗi lần là ba ngọn lao dài nhọn hoắt. Nhưng nữ thần Athéna luôn luôn có mặt bên người con trai của thần Zeus để bảo hộ cho chàng. Không một ngọn lao nào làm xây xát da thịt của người anh hùng. Héraclès dùng những mũi tên tẩm thuốc độc bắn vào Géryon khiến cho hắn mù mắt và đau đớn như điên đại. Sau đó chàng nhảy tới dùng chùy nện tan xác hắn.

Hành trình đưa đàn bò trở về Mycènes thật vô cùng vất vả mà chúng ta không thể kể hết được. Thuyền về đến hai cây cột chàng dựng lên lúc ra đi thì chàng lùa bò lên bộ dắt về đất Hy Lạp. Có lần chàng đi qua đất Ligurie (miền Provence nước Pháp ngày nay) thì bị một toán cướp đông nghịt kéo đến bao vây. Héraclès phải chống đỡ vất vả lắm mới bảo vệ được đàn bò. Chàng dùng cung bắn chúng chết như rạ. Nhưng chúng đông như kiến cỏ, tên này chết tên khác lại lăn vào đến nỗi Héraclès bắn đã gần hết tên, mỏi nhừ cả tay mà chúng vẫn cứ bâu bâu tới. Không biết dùng cách gì đối phó, Héraclès liền khấn thần Zeus. Tức thì một trận mưa đá ào ào đổ xuống đầu lũ cướp, những hòn đá to như cái bình, cái vại của người Hy Lạp giáng xuống làm lũ cướp què chân gẫy tay, vỡ đầu, tan xương nát thịt, phút chốc tan rã hết. Dấu vết của trận mưa đá đó ngày nay còn lại trên cánh đồng Crau bao quanh vùng Marseille nước Pháp. Chính những tảng đá lớn nhỏ ngổn ngang trên cánh đồng đó là xưa kia do trận mưa của thần Zeus giáng xuống để giải nguy cho đứa con của mình. Khi đánh đàn bò về tới miền Nam nước Ý gần đô thành Regium thì một con bò sổng ra khỏi đàn, phá ngang bơi qua eo biển Messine sang đảo Sicile. Héraclès tìm quanh tìm quẩn mãi không thấy con bò. Sau chàng phải nhờ thần Thợ rèn-Héphaïstos trông hộ đàn bò để chàng bơi qua biển sang đảo Sicile tìm. Cuối cùng chàng thấy con bò nằm trong đàn bò của nhà vua Éryx. Nhà vua đón được con bò nhưng thâm tâm không muốn trả lại. Mặc cho Héraclès khẩn khoản xin, nhà vua nhất quyết không chịu trả. Éryx lại nảy ra một ý định ngông cuồng, thách Héraclès đấu võ và đem con bò ra làm phần thưởng. Giao đấu chưa được bao lâu, Héraclès đã quật cho Éryx chết thẳng cẳng. Héraclès lại dắt bò về nhập vào đàn và tiếp tục cuộc hành trình về đất Hy Lạp. Nữ thần Héra vẫn theo đuổi người con riêng của chồng mình với lòng căm ghét. Khi đàn bò về đến bờ biển Ionie thì nữ thần hóa phép làm cho cả đàn bỗng nổi cơn điên mỗi con chạy mỗi ngả, tan tác, lung tung khiến cho Héraclès rất vất vả mà không sao kìm giữ chúng lại được. Chàng lại phải tốn rất nhiều công sức đi tìm bắt thu thập chúng về. Kết quả chỉ bắt được già nửa số bò còn thì đành chịu để mất. Những con bò xổng ra khỏi đàn sống lưu lạc trong rừng và trở thành loài bò hung dữ ghê gớm. Cuối cùng, Héraclès lùa được đàn bò về tới Mycènes đem nộp cho nhà vua Eurysthée. Tên vua này chẳng biết dùng đàn bò làm gì. Hắn lại đem dâng cúng cho nữ thần Héra.

Thần Thoại Hy Lạp

Thần Thoại Hy Lạp

Status: Completed Author:

Thần thoại Hy Lạp là tập hợp những huyền thoại và truyền thuyết của người Hy Lạp cổ đại liên quan đến các vị thần, các anh hùng, bản chất của thế giới, và nguồn gốc cũng như ý nghĩa của các tín ngưỡng, nghi lễ tôn giáo họ. Chúng là một phần của tôn giáo Hy Lạp cổ đại và nay là một phần của một tôn giáo hiện đại lưu hành ở Hy Lạp và trên thế giới gọi là Hellenismos. Các học giả hiện đại tham khảo và nghiên cứu các truyện thần thoại này để rọi sáng vào các thể chế tôn giáo, chính trị Hy Lạp cổ đại, nền văn minh của nó cũng như để tìm hiểu về bản thân sự hình thành huyền thoại.

Thần thoại Hy Lạp được thể hiện rõ ràng trong tập hợp đồ sộ những truyện kể, và trong các tác phẩm nghệ thuật tượng trưng Hy Lạp, chẳng hạn các tranh vẽ trên bình gốm và các đồ tế lễ. Thần thoại Hy Lạp cố gắng giải thích nguồn gốc của thế giới, và kể tỉ mỉ về cuộc đời và các cuộc phiêu lưu của một tập hợp đa dạng những vị thần, nữ thần, anh hùng và những sinh vật thần thoại. Những truyện kể này đầu tiên được truyền miệng bằng thơ ca; ngày nay các thần thoại Hy Lạp chủ yếu được biết thông qua văn học Hy Lạp.

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset