Quyển 2 – Chương 62: Quả táo của mối bất hòa

Quả táo của mối bất hòa

Có một điều đáng tiếc là cả hai họ nhà trai và nhà gái đã quên không mời nữ thần Éris-Bất hòa tới dự. Nhưng vị nữ thần Bất hòa cũng cứ đến nơi vui vẻ này, đến với nỗi tự ái, giận hờn… để tìm cách phá cuộc vui,… để gây ra sự bất hòa. Éris đến mang theo trong người một quả táo vàng hái ở khu vườn của ba chị em Hespérides. Trên quả táo Éris khắc một dòng chữ: Tặng người đẹp nhất (A la plus belle), và trong khi mọi người đang mải vui, Éris lăn quả táo vào bàn tiệc rồi ra về, ra về ngay. Thế là cả bàn tiệc sôi động hẳn lên. Vị thần nào cũng muốn nhận quả táo đó. Các nữ thần tranh nhau đã đành. Nhưng cả các nam thần cũng tranh nhau mới thật là… quá đáng! Tranh cãi, giằng co mãi, nhiều vị thấy phiền hà quá, hơn nữa cũng thấy mình không xứng đáng nên đành bỏ cuộc. Duy chỉ còn lại ba vị nữ thần là không ai chịu nhường ai: Một là, nữ thần Héra, vợ của thần vương Zeus, vị nữ thần Hôn nhân và Hạnh phúc Gia đình; hai là, Athéna, nữ thần Trí tuệ và Chiến tranh; ba là, Aphrodite nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp. Họ bảo nhau phải mời thần Zeus phân xử mới xong. Nhưng thần Zeus xua tay, lắc đầu quầy quậy một mực chối từ, vì cuộc tranh giành này có Héra vợ của Zeus. Xử cho Héra được thì chắc chắn là đeo tiếng thiên vị không công bằng. Còn xử cho một trong hai vị nữ thần kia được quả táo vàng thì Zeus tránh sao khỏi những cơn đay nghiến, chì chiết, đá thúng đụng nia của Héra. Zeus bèn gọi Hermès đến giao cho Hermès nhiệm vụ dẫn ba vị nữ thần sang phương Đông, đến một khu rừng sâu thuộc ngọn núi Ida, tìm chàng Paris, một chàng trai xinh đẹp nhất châu Á để nhờ chàng phân xử hộ. Bữa tiệc cưới kết thúc bằng cái cảnh không vui như thế.

Bây giờ nói đến chuyện chàng Paris. Vua Priam ngay từ ngày đầu lên ngôi trị vì thiên hạ, mặc dù thành Troie vô cùng thịnh vượng, nhưng nhà vua vẫn không phải là người có được cuộc sống thư thái, yên tĩnh trong lòng. Chuyện xảy ra vào lúc trước khi Hoàng hậu Hécube sinh đứa con thứ hai. Một đêm, khi Hécube sắp đến ngày sinh thì rằm mơ thấy một chuyện vô cùng kinh dị. Bà sinh ra một ngọn đuốc cháy ngùn ngụt, và ngọn đuốc này thiêu hủy thành Troie. Một cơn ác mộng như thế tất nhiên cần phải tìm ngay các nhà tiên đoán tới để tường giải. Một nhà tiên tri cho Priam biết, rồi đây trong một ngày tới sẽ có một đứa trẻ ra đời, Đứa trẻ này sẽ gây những tai họa ghê gớm cho thành Troie. Nhưng bữa kia ở thành Troie có, không phải một, mà là hai đứa bé cất tiếng khóc chào đời. Một là Paris, con trai Hécube; và hai là Munippos, con trai của Cilla, em gái Priam. Lúc này không do dự chút nào, Priam ra lệnh giết ngay đứa cháu. Còn với đứa con mình, không lẽ lại đang tâm giết nó, nhà vua ra lệnh đem bỏ vào rừng. Như vậy đói lạnh và muông thú sẽ kết liễu cuộc đời đứa bé, tránh cho nhà vua mang tiếng can tội giết con. Và, thành Troie, như vậy sẽ thoát khỏi tai họa. Nhưng các vị thần không muốn thế. Một con gấu cái đã tới ấp ủ cho đứa bé và cho nó bú. Cứ thế trong năm ngày liền, đến ngày thứ sáu, một người chăn chiên tên là Agélaos đón được đem về nuôi. Có chuyện kể con gấu đã nuôi Paris suốt một năm ròng, và chính cái tên Paris là do Agélaos đặt cho chú bé gấu nuôi đó.

Paris lớn lên giữa những người chăn chiên. Chàng chẳng mấy chốc đã trở thành một chàng thanh niên tuấn tú, cường tráng. Ngày ngày chăn dê, chăn cừu, chăn bò, chàng chẳng để mất một con. Những người chăn cừu yêu quý chàng, đặt cho chàng một cái tên nữa: Alexandros, mà theo tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là “Người che chở”, “Người bảo vệ” hoặc “Người xuất sắc” bởi vì chàng có sức khỏe hơn người và chàng đã từng bảo vệ đàn gia súc chống lại thú dữ và kẻ cướp thắng lợi.

Bữa kia bỗng có một đoàn gia nhân của Priam vào núi, chọn trong đàn bò của Paris lấy đi năm mươi con bò to đẹp nhất, những con bò mà Paris rất yêu quý. Nguyên là vua Priam tưởng nhớ tới đứa con thân yêu của mình xưa kia bị đem bỏ vào rừng đã thiệt phận nên giờ đây nhà vua cho làm lễ tưởng niệm và hiến tế thần linh. Sau khi hành lễ là các cuộc thi đấu quyền thuật, võ nghệ. Cần phải có phần thưởng cho những người đoạt giải và do đó phải vào núi bắt bò của Paris. Paris không thể cưỡng lại nhà vua mà không nộp số gia súc. Nhưng chàng đi theo luôn những gia nhân của nhà vua để về kinh thành dự lễ và định bụng sẽ tham dự vào các cuộc thi đấu để đoạt bằng được các phần thưởng, lấy lại những con bò đem về. Quả nhiên chàng giật được hầu hết các phần thưởng trong cuộc tỉ thí, đánh bại hết các địch thủ và anh em ruột của mình, kể cả Hector người anh cả danh tiếng. Một người con trai của Priam tên là Déiphobe tự ái vì phải thua một tên chăn bò, liền rút gươm xông vào Paris định kết liễu đời gã tiểu tốt vô danh. Nhưng Paris kịp thời chạy đến phủ phục dưới chân bàn thờ của Zeus, xin Người bảo hộ, che chở. Ở thế giới Hy Lạp xưa kia khi con người ta bị đe dọa đến tính mạng, trong phút nguy cấp ấy nếu chạy tới quỳ trước bàn thờ một vị thần hoặc quỳ trước tượng một vị thần thì có nghĩa là cầu xin sự che chở bảo hộ. Kẻ nào mưu toan sát hại người trong trường hợp ấy phải tôn trọng thần linh mà từ bỏ ý đồ hung bạo. Em gái Paris, nàng Cassandre, một người có tài tiên đoán, nhận ra ngay được chàng trai chăn bò tầm thường đó là Paris, kêu ầm lên. Vua Priam và Hoàng hậu Hécube chạy vội đến hỏi han cho rõ sự thể. Nghe Paris thuật lại cuộc đời mình xong, Vua và Hoàng hậu liền đón chàng về cung, và chàng Paris dường như không còn gây cho nhà vua cũng như thành Troie một mối lo nào nữa. Nhưng nàng Cassandre, một nữ tiên tri nổi danh vì tài dự đoán đúng nhiều sự việc, lên tiếng ngay. Nàng nhắc lại cho vua cha biết cơn ác mộng xưa kia và nhấn mạnh một lần nữa: Paris sẽ là người gây nên sự diệt vong của thành Troie, nhưng những lời tiên đoán, dự báo của Cassandre chẳng được ai chú ý. Nàng tha thiết nhắc lại cũng chẳng ai nghe, bởi vì thần Apollon đã làm cho nó trở nên vô hiệu để trả thù Cassandre.

Đến đây ta phải dừng lại một chút để kể qua về câu chuyện lôi thôi giữa Cassandre và Apollon. Thần Apollon, một hôm gặp người thiếu nữ Cassandre bèn đem lòng yêu dấu. Thần tìm cách lân la đến bắt chuyện với Cassandre để tỏ tình. Để chinh phục được người con gái xinh đẹp của Priam, thần hứa: “Nếu nàng tin yêu ta, chẳng khước từ mối tình của ta, ta sẽ trao cho nàng một kỷ niệm vô giá. Ta sẽ ban cho nàng tài tiên đoán trăm việc đúng cả trăm. Nàng sẽ là người nhìn thấu tương lai và phán truyền cho mọi người biết cách đối nhân xử thế”. Cassandre ưng thuận, và thần Apollon giữ đúng lời hứa đã ban cho nàng tài tiên đoán với những pháp thuật cao cường. Nhưng đến khi thần Apollon đòi Cassandre thực hiện đúng cái giao kèo đã thỏa thuận thì Cassandre kiên quyết khước từ. Tức giận đến điên người vì sự lừa dối của Cassandre, thần Apollon nguyền rủa: “Này hỡi quân lừa dối thánh thần, quân phạm thượng, mi hãy nghe đây. Từ nay trở đi những lời tiên đoán, dự báo của ngươi có đúng cũng chẳng có ai nghe, có hay cũng chẳng ai tin, chẳng ai quan tâm đến những lời ngươi nói để tìm cách phòng ngừa, đối phó. Những lời tiên đoán của Cassandre sẽ hoàn toàn vô hiệu. Mọi người sẽ coi những lời tiên đoán của ngươi như một chuyện viển vông, vô tích sự, chẳng đáng bận tâm”.

Ngày nay, trong văn học thế giới thành ngữ điển tích Lời tiên đoán của Cassandre (La prophétie, la prédiction de Cassandre) chỉ những dự kiến, những tính toán, lo xa, tiên liệu sáng suốt thông minh, đứng đắn nhưng không được thừa nhận và áp dụng trong thực tế. Cassandre trở thành một danh từ chung chỉ một người nào có những ý kiến sáng suốt dự tính, dự báo được những hậu quả tai hại trong tương lai nhưng bản thân không có cách gì để thực thi ý định của mình hoặc không thuyết phục được những người chung quanh tin vào ý kiến của mình để áp dụng những biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa tai họa.

Trở về chuyện Paris. Thế là từ đó Paris từ bỏ cuộc đời sơn dã về sống với vua cha và anh em trong thành Troie vàng bạc đầy kho. Nhưng vốn đã quen với cảnh gió ngàn đồng nội nên Paris thường hay trở lại thăm chốn cũ nơi xưa. Một hôm chàng đang đứng trên sườn núi Ida ngắm cảnh non xanh nước biếc thì bỗng đâu thần Hermès hiện ra. Paris sợ hãi toan bỏ chạy thì thần Hermès kịp thời giữ lại. Cùng lúc đó từ xa đi đến ba người đàn bà. Đó là ba vị nữ thần theo Hermès đi tìm người phân xử vụ tranh chấp quả táo vàng Tặng người đẹp nhất. Hermès với tư cách của Người Truyền lệnh đã tường thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Thần nhấn mạnh:

– Hỡi Paris chàng trai xinh đẹp nhất châu Á! Đấng phụ vương Zeus chí tôn chí kinh, tối uy tối linh đã dành cho chàng cái vinh dự có một không hai này. Vậy chàng hãy phán quyết xem trong ba vị nữ thần đây ai là người xứng đáng nhất được nhận quả táo vàng.

Nói xong Hermès trao quả táo vàng cho Paris. Thật là khó nói và bối rối cho chàng Paris biết bao nhiêu! Vì trước hết ba vị nữ thần đều đẹp, đều tuyệt đẹp cả. Sau nữa là vì ai lại có thể thiếu tế nhị đến mức đi khen sắc đẹp của người phụ nữ này ngay trước mặt người phụ nữ khác. Một việc làm vô ý, vô tứ như thế, thô vụng như thế là không thể chấp nhận được. Paris đưa quả táo vàng lại cho Hermès và toan đánh bài chuồn! Nhưng Hermès bằng tài nghệ của vị thần chuyên nghề truyền đạt thông tin đã ra sức thuyết phục Paris. Cuối cùng Paris vui vẻ nhận lời đứng ra làm người giám định cuộc thi sắc đẹp, tuyển chọn hoa khôi cho thế giới thần thánh. Lần lượt mỗi vị thần đến bày tỏ nguyện vọng trước Paris. Héra, vị nữ thần, vợ của Zeus, bậc phụ mẫu của thế giới thiên đình và loài người trần tục, đến trước mặt Paris nói:

– Hỡi chàng Paris! Hẳn chàng cũng biết ta là nữ thần Héra, vợ của đấng phụ vương Zeus cai quản cả thế giới thần thánh và thế giới loài người. Nếu chàng xử cho ta được quả táo vàng, ta sẽ cho chàng làm vua toàn cõi châu Á.

Làm vua toàn cõi châu Á! Chà, thật là một điều mà Paris đến trong mơ cũng không bao giờ tưởng tượng ra được một hạnh phúc quá lớn lao như vậy. Chàng đáp lễ lại nữ thần Héra và nghe tiếp nguyện vọng của nữ thần Athéna.

– Hỡi chàng Paris, con của vua Priam kẻ luyện thuần chiến mã! Ta sẽ không quên ơn chàng, nếu chàng xử cho ta đoạt được quả táo vàng này. Ta sẽ ban cho chàng trí tuệ thông minh để trong giao tranh chàng chỉ biết có thắng chứ không hề biết đến bại. Vinh quang của một dũng tướng bách chiến bách thắng là phần thưởng ta sẽ đền đáp chàng. Xin chàng hãy suy nghĩ.

Đến lượt nữ thần Aphrodite. Nàng nói:

– Hỡi Paris, chàng trai cường tráng và xinh đẹp của phương Đông! Ta nghe nói chàng là người đẹp trai nhất châu Á mà đến hôm nay ta mới được tận mắt chứng kiến khuôn mặt và hình dáng của chàng. Thật là một con người đẹp tựa thần linh. Ta chẳng có quyền lực gì và sức mạnh lớn lao gì để có thể so sánh với hai bà chị của ta, để có thể ban cho chàng một đặc ân to lớn hơn, vượt trội hơn những đặc ân mà Héra và Athéna vừa hứa với chàng. Tuy nhiên nếu chàng xử cho ta được quả táo vàng Tặng người đẹp nhất thì ta cũng sẽ không quên ơn chàng. Ta sẽ giúp cho chàng lấy được nàng Hélène là người phụ nữ đẹp nhất châu Âu. Chàng sẽ có một người vợ xinh đẹp tuyệt trần.

Paris quyết định ai? Vị nữ thần nào được nhận quả táo vàng? Chàng chẳng phải mất thời giờ suy nghĩ lâu la. Chàng tiến đến trước mặt nữ thần Aphrodite nghiêng mình kính cẩn trao quả táo vàng Tặng người đẹp nhất cho nữ thần. Cuộc phân xử thế là xong.

Xét cho cùng sự phân xử của Paris là công bằng và thỏa đáng. Bởi một lẽ đơn giản: có lẽ nào vị nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp lại không phải là vị nữ thần đẹp nhất. Thần Zeus trao cho loài người trần tục đoản mệnh chúng ta cái vinh dự được phân xử vụ tranh chấp cái đẹp giữa các vị nữ thần thì loài người chúng ta cũng được dịp chứng tỏ rằng mình không nên phụ lòng tin của Zeus, và chẳng phải bất cứ người nào cũng xét xử được việc này đâu. Không phải là một người đẹp thì làm sao có thể đủ tư cách để giám định về cái đẹp cho ba vị nữ thần! “Đem đàn mà gảy tai trâu” thì cực hết chỗ nói! Khen cho con mắt tinh đời của Zeus và cũng phải khen cả cho con mắt tinh đời của Paris.

Việc phân xử thế là xong, nhưng lại nảy sinh ra một chuyện khác chẳng xong. Do không được quả táo vàng, hai vị nữ thần Héra và Athéna đem lòng thù ghét chàng Paris, hơn nữa thù ghét cả dòng giống Troie. Chưa hết, hai vị nữ thần còn thù ghét cả nữ thần Aphrodite. Họ rắp tâm định bụng sẽ tìm cách trừng trị người Troie. Thế là quả táo vàng Tặng người đẹp nhất trở thành Quả táo của mối bất hòa. Ngày nay trong văn học thế giới, thành ngữ Quả táo của mối bất hòa (La pomme de discorde) ám chỉ nguyên nhân của một sự bất đồng ý kiến, của những cuộc tranh cãi, xung đột, mâu thuẫn.

Thần Thoại Hy Lạp

Thần Thoại Hy Lạp

Status: Completed Author:

Thần thoại Hy Lạp là tập hợp những huyền thoại và truyền thuyết của người Hy Lạp cổ đại liên quan đến các vị thần, các anh hùng, bản chất của thế giới, và nguồn gốc cũng như ý nghĩa của các tín ngưỡng, nghi lễ tôn giáo họ. Chúng là một phần của tôn giáo Hy Lạp cổ đại và nay là một phần của một tôn giáo hiện đại lưu hành ở Hy Lạp và trên thế giới gọi là Hellenismos. Các học giả hiện đại tham khảo và nghiên cứu các truyện thần thoại này để rọi sáng vào các thể chế tôn giáo, chính trị Hy Lạp cổ đại, nền văn minh của nó cũng như để tìm hiểu về bản thân sự hình thành huyền thoại.

Thần thoại Hy Lạp được thể hiện rõ ràng trong tập hợp đồ sộ những truyện kể, và trong các tác phẩm nghệ thuật tượng trưng Hy Lạp, chẳng hạn các tranh vẽ trên bình gốm và các đồ tế lễ. Thần thoại Hy Lạp cố gắng giải thích nguồn gốc của thế giới, và kể tỉ mỉ về cuộc đời và các cuộc phiêu lưu của một tập hợp đa dạng những vị thần, nữ thần, anh hùng và những sinh vật thần thoại. Những truyện kể này đầu tiên được truyền miệng bằng thơ ca; ngày nay các thần thoại Hy Lạp chủ yếu được biết thông qua văn học Hy Lạp.

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset